Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

NGÔ THỜI NHẬM ANH HÙNG HAY TIỂU NHÂN ? - Huỳnh Hậu

 Tôi không phải là người nhận định thời cuộc, lại càng không đủ kiến thức để làm người viết sử. Tất cả những công việc đó đều vượt quá tầm của tôi. Nhìn tới nhìn lui, tôi chỉ là một người ghét chế độ Cộng Sản Việt Nam, và những gì mà tôi cố gắng làm chỉ là vạch trần cái mặt trái đầy xấu xa, ghê tởm của chế độ ấy bao gồm những ngụy biện, xảo trá trong việc ghi nhận lịch sử . Vừa rồi tôi viết bài TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ , trong đó tôi nhắc lại vụ đối đáp giữa hai ông Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhậm với những câu :
AI CÔNG HẦU, AI KHANH TƯỚNG, VÒNG TRẦN AI AI DỄ BIẾT AI .
THẾ CHIẾN QUỐC, THẾ XUÂN THU , GẶP THỜI THẾ THẾ THỜI PHẢI THẾ.<!>
 Dĩ nhiên tôi đã trình bày tiền nhân hậu quả của việc ông Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích , Nguyễn Gia Phan bị phạt đánh roi ở Văn Miếu vào năm 1803 bởi tân triều Gia Long . Lịch sử đã ghi nhận rõ ràng việc Đặng Trần Thường đã đề nghị giết Ngô Thời Nhậm nhưng Nguyễn Văn Thành can ngăn, vì cho như thế là không giữ chữ TÍN với thiên hạ sau khi Gia Long tuyên bố tha tội cho những cựu thần Tây Sơn ra đầu thú tân triều . Đặng Trần Thường đã dụng CÔNG vi TƯ , trả thù bằng cách qua mặt Gia Long, tẩm thuốc độc vào roi để đánh cho thấm vào nội tạng của Ngô Thời Nhậm khiến ông này từ từ phải chết vào ngày 16 tháng 2 năm 1803.
 Sở dĩ tôi phải viết thêm bài này vì có một bạn tên là DUY TRAN LE đã gửi cho tôi một clip,ghi lại buổi phỏng vấn Sử Gia Trần Quốc Vượng , trong đó nhà sử học đã qua đời này cho nhiều ý kiến mà chủ yếu là đả kích Ngô Thời Nhậm. 
 Theo ông Trần Quốc Vượng , ông Ngô Thời Nhậm không hề được Nguyễn Huệ trọng dụng vì chỉ được phong cho chức Tả Thị Lang Lại Bộ , tước Trình Phái Hầu . Cũng theo ông TQV, tư cách của ông Ngô Thời Nhậm có vấn đề khi " bị nghi ngờ " đã mật báo cho Chúa Trịnh Sâm về âm mưu  tranh ngôi của Trịnh Khải , người còn có tên là Trịnh Tông , vì theo ông TQV , sau đó ông Ngô Thời Nhậm được Chúa Trịnh Sâm thăng chức Hữu Thị Lang Bộ Công , và sau khi Trịnh Khải lên ngôi Chúa thì không dùng Ngô Thời Nhậm nữa và ông này phải lo trốn về quê vợ ở Sơn Nam trong suốt 6 năm trời  .
 Tôi hiểu bạn Duy Tran Le gửi cho tôi cái clip phỏng vấn nhà sử học Trần Quốc Vượng là có ý gì !  Hẳn anh bạn này cho rằng tôi nhận định sai về trường hợp của Đặng Trần Thường, và tôi thiên vị cho nhân vật Ngô Thời Nhậm  .
 Xin thưa với anh Duy Tran Le, tôi chả là cái gì hết ngoài một ý thức muốn giành lại SỰ THẬT cho lịch sử. Tôi chỉ dựa vào những sử liệu , và chọn lọc, để tự tạo cho mình một cái nhìn mà tôi chủ quan cho là khá chính xác. Thí dụ như vụ đối đáp giữa hai ông Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhậm, chỉ nội cái câu đề mà Đặng Trần Thường đưa ra để buộc Ngô Thời Nhậm đối đáp cũng đủ nói lên bản chất TIỂU NHÂN ĐẮC CHÍ của họ Đặng, cần gì phải đào sâu , tìm hiểu đâu xa  !  
 Nhưng muốn tìm hiểu tính cách của một danh sĩ như Hy Doãn Công Ngô Thời Nhậm thì, theo tôi ,đề tài này  quá rộng, tôi chỉ  có thể góp ý với anh Duy Tran Le vài điều bằng cách phản biện lại những điều mà ông Trần Quốc Vượng đả kích  ông Ngô Thời Nhậm trong cái clip của cuộc phỏng vấn .
 Trước hết là về việc ông TQV cho rằng Nguyễn Huệ cũng không trọng dụng Ngô Thời Nhậm với bằng chứng là  chỉ phong cho ông này chức Tả Thị Lang , ngang với bậc Thứ Trưởng bây giờ, đâu có quyền cao chức trọng gì ? 
 Một nhà nghiên cứu sử như ông Trần Quốc Vượng mà phán xét hời hợt như thế thì chả trách gì nền sử học nước nhà ngày nay càng đi vào nẻo cụt, toàn những thứ rác rưởi.
 Khi Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ hai  để giải quyết vấn nạn nội bộ xáo trộn do Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm gây ra , ông Trần Văn Kỷ, một mưu thần cho Nguyễn Huệ đã giới thiệu Ngô Thời Nhậm cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ cho người mời NTN ra giúp nước. Khi gặp nhau, Nguyễn Huệ mừng rỡ mà bảo rằng " Thật là ông trời đã để dành ông cho ta ! " 
 Nguyễn Huệ biết ông Nhậm là người tài kiêm văn võ, nhưng lần đầu tiên gặp gỡ mà ông sử gia Trần Quốc Vượng lại muốn Nguyễn Huệ giao chức BINH BỘ THƯỢNG THƯ ngay cho Ngô Thời Nhậm mới là trọng dụng ư ? Đúng là cái nhìn của sử gia xã nghĩa ! Có lẽ ông Trần Quốc Vượng nghĩ rằng thời đại của Nguyễn Huệ cũng giống thời đại của Nguyễn Phú Trọng chắc ? Chỉ cần có nhân thân là cho chức vụ cao mặc dù một chữ bẻ làm đôi cũng không biết ? Ngô Thời Nhậm, tiến sĩ thứ thiệt chứ có phải là tiến sĩ giấy như Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Phú Trọng v.v.  ở VN xã nghĩa đâu , mà tiến sĩ thứ thiệt thì cũng cần có thời gian để chứng minh bản lĩnh để giữ trọng trách cao hơn chứ ? Và Ngô Thời Nhậm đã thực sự chứng minh bản lĩnh tuyệt vời của ông trong mọi lãnh vực từ nội trị, quân sự cho đến ngoại giao . Năm 1788 ,  29 vạn quân Thanh ào ạt sang xâm lược, ai đã chủ  trương lui quân về Tam Điệp - Ninh Bình để dưỡng sức quân , tránh mũi nhọn và để cho quân Thanh thêm phần kiêu ngạo, khinh địch , góp phần quan trọng cho chiến thắng của binh lực Nguyễn Huệ sau này ? 
  Bắt đầu với chức Tả Thị Lang năm 1788, rồi đến chức Binh Bộ Thượng Thư năm 1790, Ngô Thời Nhậm chẳng những là một rường cột của nhà Tây Sơn  về quân sự mà còn là nhà ngoại giao lỗi lạc để đối phó với dã tâm thèm thuồng nước Nam của nhà Thanh .Như thế mà ông Trần Quốc Vượng dám ăn nói ngược ngạo rằng Quang Trung Hoàng Đế không trọng dụng Ngô Thời Nhậm ư ? 
 Chưa hết, nếu một kẻ làm quan mà không được vua trọng dụng  thì làm sao mà Ngô Thời Nhậm viết được bài thơ tưởng nhớ Vua Quang Trung rất cảm động  trong tập CÚC THU BÁCH VỊNH của mình, đọc lên nghe như viết cho một người tri kỷ  :

Vua sáng tôi hiền xưa một đình 
Hương Giang ngự giá lối xe tiên 
Xưa qua Kim Mã đường đi sứ
Dâng tấm ngự chương bút ngợi khen .
Năm tháng tên bay giờ tóc bạc
Đỉnh hồ mờ mịt nhớ Đan Dương (1)
Muốn mong trở lại ngày tao ngộ
Nhưng nực cười không thuốc nhuộm đen .(2)

Thêm một bài tiếc thương Vua Quang Trung :

Khó níu xe rồng Tử Cực Đường 
Quanh co chín khúc suối vàng trông 
Võ công hiển hách nơi nương tựa
Mưu lược anh minh lưu hiến chương .
Hiện xuống hồn thiêng khâm tại tả
Giữ gìn giòng dõi ngưỡng vầng dương 
Đất trời bồi đắp lo đền đáp
Khôn đạo không ngoài lợi thẳng vuông .

Về sự kiện ông Ngô Thời Nhậm BỊ NGHI NGỜ cáo tố với Chúa Trịnh Sâm cái âm mưu soán ngôi của Trịnh Khải, ông Trần Quốc Vượng dè bỉu với lời lẽ muốn tạo cho người nghe cảm giác rằng ông Ngô Thời Nhậm là một kẻ cơ hội, nghe được âm mưu của Trịnh Khải, vội báo cho Trịnh Sâm biết để lập công .
 Đây là một NGHI ÁN, có nghĩa là không có gì rõ ràng , chỉ là người ta thấy sau khi âm mưu của Trịnh Khải đị đổ vỡ, Ngô Thời Nhậm được thăng chức Hữu Thị Lang Bộ Công ; rồi sau khi Trịnh Khải lên nắm quyền thì không trọng dụng Ngô Thời Nhậm  nữa và ông này phải về Sơn Nam, Tỉnh Thái Bình  lánh nạn năm 1782  v.v. để rồi kết luận rằng Ngô Thời Nhậm là kẻ đi mật báo cho Trịnh Sâm .
 Một nghi án, không có bằng chứng nào thuyết phục, mà ông Trần Quốc Vượng cứ nhắm vào Ngô Thời Nhậm mà buộc tội, cái lối hành xử kiểu cả vú lấp miệng em này rất giống với cách buộc tội của tòa án Việt Cộng thời nay.
 Tôi xin góp ý về vụ này như sau :
   Nên nhớ một điều, khi Lê Chiêu Thống chạy qua Tàu cầu viện, rước quân Thanh về giày mả tổ, có rất nhiều quan viên , cả đống trí thức, chạy theo Lê Chiêu Thống để mong có phần , riêng Ngô Thời Nhậm thì ở lại và sau đó ra giúp Nguyễn Huệ, ổn định Bắc Hà, sẵn sàng chống lại quân Thanh xâm lược, đang rình rập ngoài bờ cõi . 
 Một con người không nghĩ tới lợi riêng như ông mà bảo rằng ông đi mật báo với Trịnh Sâm để lập công , theo tôi , là chuyện tào lao . Đó là chưa kể có sách còn ghi lại rằng , khi nghe vụ âm mưu này , Ngô Thời Nhậm đã nhờ người về gấp gặp Trịnh Khải để khuyên ông con trai trưởng của Trịnh Sâm hãy ngưng ngay ý đồ kia lại vì ông từng là thầy dạy của Trịnh Khải và có tình cảm liên hệ.
 Giả sử như ông Ngô Thời Nhậm thực sự là người tố cáo với Chúa Trịnh Sâm vụ âm mưu soán ngôi của Trịnh Khải, theo tôi, hoàn toàn không phải vì TƯ LỢI như mọi người đã nghi ngờ.
 Xuyên suốt trong cuộc đời vì nước, vì dân của Ngô Thời Nhậm , ông luôn bỏ qua những tiểu tiết, mà chú trọng vào đại cuộc. Anh em của Nguyễn Huệ chỉ là những người thuộc giới thảo dã, nào có thuộc giới danh gia, vọng tộc gì đâu, thế mà Ngô Thời Nhậm không cao hãnh vì " dòng họ Ngô một bồ tiến sĩ " sẵn sàng coi Nguyễn Huệ như tân chúa của mình mà hợp tác , bày mưu tính kế để cùng nhau gìn giữ giang sơn trước họa xâm lăng của nhà Thanh bên Tàu. .
 Triều đại của Vua Lê Chúa Trịnh là triều đại loạn lạc nhất của xã hội Việt Nam vào cuối thế kỷ 18 . Vua Lê chỉ là con rối bù nhìn để Phủ Chúa tùy nghi sử dụng . Triều thần Trương Phúc Loan ỷ thế lộng quyền , rồi tới nạn kiêu binh, con trưởng con thứ của Chúa Trịnh Sâm tranh quyền , đoạt lợi, kỷ cương nước nhà nát bét. Trong khi đó thì nhà Thanh bên Tàu hờm sẵn ngoài ải bắc, sẵn sàng xâm lược. Với cái nhìn của một thức giả, NẾU ông Ngô Thời Nhậm thực sự dính vô vụ án này như một kẻ mật báo cho Chúa Trịnh Sâm , thì theo tôi, không phải vì ông mong được thưởng công , mà vì ông  muốn chận đứng cuộc tranh ngôi Chúa của mấy người con của Trịnh Sâm, có thể  làm cho nước nhà thêm xáo trộn, tối tăm  để giặc Tàu thừa cơ mà xâm lấn .
 Tóm lại, tôi có thể nói chắc một điều rằng Quang Trung Hoàng Đế rất coi trọng Ngô Thời Nhậm , và ông Nhậm cũng kính trọng Nguyễn Huệ như một chân chúa song toàn văn võ. Nếu không thì Ngô Thời Nhậm  cũng không thể nào viết được hai bài thơ tiếc thương Vua Quang Trung một cách chí thành như thượng dẫn .
 Khi Nguyễn Huệ chí lớn chưa thành , mất sớm vì bịnh bất ngờ, Nhà Tây Sơn coi như đã hết . Vua Cảnh Thịnh nối ngôi chỉ như một con rối để cho Thái Sư Bùi Đắc Tuyên hoành hành bá đạo , đến nỗi vào năm 1793, hắn còn muốn lật đổ Vua Cảnh Thịnh để cho con trai là Bùi Đắc Trụ lên thay . Sau đó tướng Vũ Văn Dũng đem quân về giết hai cha con Thái Sư Bùi Đắc Tuyên và tướng Võ Văn Sở. Nhà Tây Sơn ngập tràn mâu thuẩn .
  Một người trải lắm sự đời như ông Ngô Thời Nhậm làm sao không biết rằng cái thế của Tây Sơn đã tàn , một mình ông dù có cố gắng thì cũng cà xịch cà đụi như Khổng Minh cố phò con trai của Lưu Bị là cùng . Vì thế mà ông từ quan về mở thiền viện  và lấy đạo hiệu là Hải Lượng Thiền Sư.
 Thế mà qua miệng lưỡi láu cá của cái gọi là Sử Gia Trần Quốc Vượng thì sau khi Nguyễn Huệ chết, vua mới lên ngôi không thèm trọng dụng Ngô Thời Nhiệm nữa ? 
 Trong lịch sử nước nhà, việc triều đại này lên, triều đại kia xuống là việc quá bình thường . Ở Trung Quốc, tình trạng này gọi là đuổi nai nơi Trung Nguyên ; ai có tài cao chí lớn thì sẽ nắm vận mệnh một triều đại. 
  Nhà Hậu Lê tới đời Lê Chiêu Thống đã quá mục ruỗng, đã có Vua Lê lại còn Chúa Trịnh, quyền thần làm loạn, kiêu binh nổi lên làm cho cả một hệ thống cai trị như một nồi cháo tả bí lù, chẳng đâu vào đâu .
 Giữa hoàn cảnh đó, nhà Thanh bên Tàu  không mang dã tâm xâm lược nước ta mới là lạ. May mắn thay, trời Nam lại xuất hiện anh hùng . Nguyễn Huệ, một người xuất thân thảo dã , lại gầy dựng nên một triều đại Tây Sơn , tuy ngắn ngủi , nhưng đầy hiển hách . Tây Sơn đã quét sạch những thứ cặn bả nhơ nhớp của cung Vua, phủ Chúa, đoàn kết dân tộc, chống trả quân Thanh xâm lược và đã chiến thắng huy hoàng.
 Nhưng một mình Nguyễn Huệ cũng không thể nào làm nên cơm cháo gì. Quang Trung Hoàng Đế đã có những võ tướng tài cao mật lớn, những mưu sĩ nhìn xa trông rộng như Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm .
 Tính cách của Ngô Thời Nhậm là một tính cách khá toàn diện. Ông chẳng những là nhà nội trị tài ba, một thiên tài quân sự, mà còn là một nhà ngoại giao kiên định và xuất sắc.
 Trong lúc những danh sĩ khét tiếng thời đó như Trần Danh Án, Nguyễn Nha, Ngô Tưởng Đạo , Nguyễn Du, Bùi Huy Bích, Phạm Thái , Lê Quýnh , Trần Công Xán  v.v. kẻ thì lạc lỏng giữa ngã ba thời cuộc, ưu thời mẫn thế nhưng chỉ ngồi đó than van sinh bất phùng thời , kẻ thì chạy theo Lê Chiêu Thống để mong hưởng mót vinh hoa, chỉ có Ngô Thời Nhậm không tự coi mình là danh gia vọng tộc, sẵn sàng vì đất nước , dân tộc mà ra giúp sức cho ông " lãnh tụ thảo dã " Nguyễn Huệ, ổn định Bắc Hà và lo chống giặc Thanh xâm lược. 
 Ngô Thời Nhậm tuy được sinh ra giữa thế kỷ 18 , nhưng cái nhìn cấp tiến của ông vào thời đó đáng cho chúng ta ngưỡng mộ. Ngay như người sống sau ông Nhậm gần ba thế kỷ như ông Sử Gia Trần Quốc Vượng thế mà mở miệng ra là nói toàn lời thiên lệch, đầy thành kiến với một chân quân tử như ông Ngô Thời Nhậm , thật là quá tệ ! 
  Với cái nhìn của tôi, trong lịch sử đất nước, có hai nhân vật khá tương đồng , văn cũng hay mà võ cũng giỏi, lại rất gần gũi với đời sống và tâm tư của người dân , với những thăng trầm của đất nước, sẵn sàng đóng góp hết sức mình cho sự trường tồn của dân tộc. Đó là hai vị anh hùng NGUYỄN TRÃI hiệu là Ức Trai và NGÔ THỜI NHIỆM hiệu là Hy Doãn . Họ là những ánh Sao Khuê luôn sáng ngời trong dòng lịch sử của dân tộc.
(1) Đan Dương : Nơi an táng Quang Trung Hoàng Đế .
(2) Ý nói thuốc để nhuộm râu.

Huỳnh Hậu.

Không có nhận xét nào: