Có thể nói rằng Singapore là mô hình của chủ nghĩa tư bản toàn trị. Một mô hình của một thể chế chính trị mà trong tương lai có thể sẽ phát triển mạnh tại đa số các nước châu Á, trong đó có Ấn độ, Trung quốc, Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển khác. Khi còn là sinh viên Luật, một giáo sư tiến sĩ luật gốc Trung Quốc của trường đại học Western Sydney đã bảo với chúng tôi rằng: “Trung Quốc hiện nay còn tư bản hơn cả Hoa kỳ”. Theo tôi nhận xét đó rất phiến diện. Bởi lẽ chủ nghĩa tư bản của Hoa kỳ là điển hình của chủ nghĩa tư bản đại nghị của phương Tây, trong khi chủ nghĩa tư bản đang phát triển ở Trung quốc chính là chủ nghĩa tư bản toàn trị. Quy mô phát triển kinh tế với tốc độ kinh khủng ở Trung Quốc không thể được sử dụng để kết luận rằng Trung quốc “tư bản” hơn Hoa kỳ. Có một sự khác biệt căn bản về “chất” chứ không phải về “lượng” giữa chủ nghĩa tư bản ở Hoa kỳ và Trung Quốc.
<!>
Trong khi đó tại Việt Nam, một nhà văn cộng sản nổi tiếng của chế độ là nhà văn Nguyên Ngọc, đã phát biểu rằng: “Việt Nam đang phát triển một loại chủ nghĩa tư bản man rợ”.Trong một mức độ nào đó tôi đồng ý với nhà văn Nguyên Ngọc bởi lẽ giai đoạn phôi thai của chủ nghĩa tư bản toàn trị rất có thể là rất man rợ.
Sự suy yếu của hệ thống tư bản chủ nghĩa của châu Âu và Hoa kỳ cùng với sự sụp đổ không cứu vãn được của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu khiến nhiều quốc gia đang phát triển cần phải có một lựa chọn. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chắc chắn đã trở thành những bóng ma của quá khứ. Nhưng những cơn khủng hoảng triền miên của Hoa kỳ và Châu Âu khiến chủ nghĩa tư bản phương Tây cũng không còn hấp dẫn như cách đây một hay hai thập kỷ nữa.
Sự suy yếu của chủ nghĩa tư bản phương Tây nằm trọn trong một sự giải thích đơn giản là người dân của Hoa kỳ và các nước Châu Âu đã mất lòng tin vào cơ cấu chính trị và xã hội tại những quốc gia này. Có thể không hoàn toàn đúng khi nhận xét rằng quyền lực của Hoa kỳ đã tiêu tan trên phạm vi toàn thế giới, nhưng điều không thể chối cãi là ảnh hưởng của Hoa kỳ đối với các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, đã giảm mạnh trong thập niên vừa qua.
Những chính trị gia của các nước đang phát triển ở châu Á từ lâu vẫn khẳng định rằng những giá trị dân chủ và nhân quyền của Á châu có nhiều điểm không tương đồng với giá trị dân chủ và nhân quyền của phương Tây. Trên căn bản lý luận đó nhiều quốc gia Á châu cảm thấy rằng một chủ nghĩa tư bản của phương Tây kết hợp với triết lý về giá trị dân chủ và nhân quyền của Á châu có thể là mô hình chính trị lý tưởng của họ trong tương lai.
Từ năm 1917 cho đến những năm cuối của thập kỷ 90, ý thức hệ đã trở thành trung tâm điểm của chính trị toàn cầu. Sự sụp đổ của khối cộng sản thoạt đầu khiến mọi người tưởng rằng chủ nghĩa tư bản phương Tây là mô hình duy nhất đúng của hệ thống chính trị của mọi quốc gia. Tuy nhiên không lâu sau đó nhiều quốc gia đã nhận ra rằng họ có nhiều chọn lựa.
Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại bởi vì chính trong giai đoạn chiến tranh lạnh, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã xóa nhòa sự phân chia giai cấp trong xã hội vốn là vũ khí đấu tranh chính của cộng sản. Trước nguy cơ bị cộng sản tràn ngập những quốc gia tư bản phương Tây đã làm việc hết sức mình để cải tạo xã hội và xây dựng những giá trị tự do dân chủ. Tuy nhiên sau chiến tranh lạnh, khi các nước phương Tây tin rằng họ không còn kẻ thù nữa, những nổ lực đó đã suy giảm theo thời gian.
Mặc dầu thành phần trung lưu tiếp tục gia tăng về số lượng tại các quốc gia như Hoa Kỳ và châu Âu, nhưng khuynh hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới cũng đồng thời tạo ra sự mất bình đẳng nghiêm trọng trong các quốc gia dân chủ phương Tây. Sự mất ổn định của hệ thống tư bản phương Tây phần nào có nguyên nhân từ việc liên minh châu Âu hiện diện như một thế lực chính trị trong trật tự thế giới mới. Với sự ủng hộ của Hoa kỳ, thoạt đầu người dân châu Âu tin rằng họ có thể đứng lại với nhau và trở thành một động lực mới cho sự phát triển của thế giới mà không cần phải trở thành một lực lượng quân sự lớn như Hoa kỳ. Đa số người dân châu Âu lúc đầu tin rằng đứng lại với nhau, các quốc gia trong Liên Minh Châu Âu có thể có điều kiện tận dụng tiềm năng chung của cả liên minh để củng cố và phát triển kiến trúc thượng tầng của xã hội. Không may càng ngày càng có nhiều người châu Âu tin rằng Liên Minh Châu Âu không phải là mô hình của thế giới tương lai.
Trái với niềm tin của nhiều người, một nền kinh tế toàn cầu hóa không xóa mờ biên giới giữa những quốc gia. Ngược lại, nhìn qua sự phát triển tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và các nước trong khối Hồi Giáo, người ta nhận ngay ra rằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tôn giáo nay đã quay trở lại để thành những động lực chính làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Trong bối cảnh đó việc hình thành Liên Minh Châu Âu có thể là một sai lầm nghiêm trọng. Đây là một trong những lý do khiến các nước đang phát triển càng cố gắng củng cố biên giới quốc gia, kêu gọi chủ nghĩa dân tộc và hướng đến việc xây dựng chủ nghĩa tư bản toàn trị.
Tại những quốc gia như Ấn độ và Brazil, một lần nữa người ta nhận ra rằng chính phủ của những quốc gia này không mặn mà lắm khi đề cao và cổ súy cho nền dân chủ kiểu phương Tây. Ngược lại công dân tại những quốc gia này được kêu gọi quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi quốc gia trong bang giao quốc tế, và đặt ra vấn đề ổn định chính trị để phát triển kinh tế.
Những phong trào phản kháng tại các nước Ả Rập thoạt đầu khiến một số người lầm tưởng rằng tư tưởng dân chủ phương Tây cuối cùng đã làm nên những mùa xuân Ả Rập. Tuy nhiên những phát triển gần đây tại các nước như Ai cập, Lybia hay Syria có thể sẽ hình thành nên những chính phủ theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, không mặn mà lắm với những giá trị dân chủ và nhân quyền mà Hoa kỳ và Liên Minh Châu Âu theo đuổi.
Trung Quốc đang trở thành một siêu cường của thế giới. Và càng lúc thế giới càng nhận ra sự phát triển của Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ trở thành một thế lực đe dọa cho sự ổn định và hòa bình thế giới. Tham vọng của Trung Quốc đã thấy rõ qua những hành động của họ trên biển Đông..
Sự đe dọa từ Trung Quốc đã khiến người dân Châu Âu và Bắc Mỹ tin rằng chính sách toàn cầu hóa mà các nước phương Tây theo đuổi trong nhiều thập niên vừa qua cần phải chấm dứt. Bởi vì chính chủ trương toàn cầu hóa kinh tế này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành một quốc gia giàu mạnh và nguy hiểm.
Chính sợ lo sợ này đã khiến cho chủ nghĩa dân túy (Popularism) quay trở lại tại Châu Âu và Hoa Kỳ, với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là người điển hình cho một chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy.
Trong bài diễn văn đọc tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua ông Trump công khai kêu gọi thế giới bãi bỏ chính sách kinh tế toàn cầu hóa và quay lại với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch như trước đây.
Việc Trung Quốc, một quốc gia có truyền thống trung ương tập quyền lâu năm nhất thế giới, trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự chỉ trong một thế hệ đã là một thách thức nghiêm trọng nhất cho mô hình dân chủ tư bản của phương Tây kể từ thời phát xít Đức. Các chính trị gia Trung Quốc đang thuyết giảng trước thế giới chế độ tư bản toàn trị của họ mang lại sự phồn vinh và ổn định nhanh hơn và tốt hơn chế độ tư bản đại nghị của phương Tây. Những thành tựu kinh tế hiện tại của Trung Quốc và những nổ lực chiếm lĩnh những thị trường mà phương Tây không thèm lưu ý ở Á Châu và châu Phi, càng làm cho khả năng nhiều nước đang phát triển sẽ đi theo mô hình tư bản toàn trị của Trung Quốc.
Tuy nhiên cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc do Tổng thống Trump khởi động, có thể làm thay đổi hẳn con đường phát triển của Trung Quốc. Và một khi nền kinh tế Trung Quốc không tiếp tục phát triển tốt đẹp như từ trước đến nay, những sự mâu thuẩn nội tại trong xã hội Trung Quốc dưới một chế độ toàn trị sẽ có cơ hội bùng lên và châm ngòi lại cho cuộc tranh luận ai thắng ai giữa chu nghĩa tư bản và chủ nghĩa độc tài toàn trị.
Chính vì thế toàn thể đảng Cộng Sản Trung Quốc đang nghiên cứu từng bước đi một của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Một mặt họ hy vọng rằng ông Trump sẽ chịu ngồi xuống đàm phán, một mặt họ hy vọng rằng đảng Cộng Hòa sẽ thất bại trong kỳ bầu cử bổ sung tháng 11 năm nay. Nếu Cộng Hòa thất bại và không chiếm đa số tại quốc hội Hoa Kỳ, ông Trump có thể bị áp lực phải từ chức.
Tuy nhiên thế giới đã thay đổi từ khi ông Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Chính sách kiềm chế Trung Quốc sẽ tiếp tục và vận mệnh tương lai của Trung Quốc có thể sẽ không còn tươi sáng như vài thập niên vừa qua.
Ls Lê Đức Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét