Tháng Tám năm 2015, ở Paris tôi thấy trên màn ảnh truyền hình đầy hình ảnh và phóng sự hàng ngàn người Syria chạy giặc bỏ nước ra đi. Người tị nạn chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, chia thành hai dòng người, dòng chính vượt eo biển Aegean đến Hy Lạp, từ đó chạy qua Serbia vào Áo và Hung Gia Lợi. Chính phủ Hung lập hàng rào dây kẽm gai và huy động cảnh sát ngăn không cho người tị nạn vào nước, trong khi Áo tìm cách giúp đỡ làn sóng người tị nạn đến Pháp Ý và Đức. Đó là chưa nói tới trong mùa hè năm nay hàng chục ngàn người dân bắc Phi Châu chạy loạn vượt Địa Trung Hải chạy qua Hy Lạp và Ý trên những con thuyền mong manh không chịu nổi sóng gió làm hàng ngàn người bỏ mình trên biển cả.<!>
Những hình ảnh đó trong khoảnh khắc làm tôi nhớ lại hình ảnh của chính đồng bào mình chen lấn nhau tìm đường rời khỏi thành phố Sài Gòn vào cuối tháng 4 năm 1975 trên màn ảnh truyền hình tại Hoa Thịnh Đốn. Bao nhiêu cuộc đời sẽ đổi thay cũng như cuộc đời tôi đã đổi thay từ giây phút đó. Bỗng chốc tôi là một người tị nạn, một người không còn tổ quốc và quê hương, và bắt đầu một cuộc hành trình mới trên quê hương tạm dung như những người tị nạn đang lang thang không cửa không nhà tại các nước Âu Châu hôm nay sẽ bắt đầu cuộc hành trình đầy gian khổ của họ từ giây phút này.
Năm 1975 không thể xóa mờ trong tâm trí người Việt, cũng là năm ghi dấu nhiều biến cố quan trọng trên thế giới. Hai tuần trước quân Pol Pot chiếm Phnom Penh, đuổi dân ra khỏi thành phố, giết bất cứ ai biết đọc biết viết. Quân đội Nam Dương tấn công chiếm Đông Timor. Ba nước Angola, Mozambique, Papua New Guinea tuyên bố độc lập. Năm Liên Hiệp Quốc công bố “Năm nhân quyền của người phụ nữ.” Cũng là năm phi thuyền Liên Bang Xô Viết và Hoa Kỳ ghép nhau trong không gian. Và Bill Gates và Paul Allen, hai sinh viên chưa có bằng đại học thành lập công ti Microsoft làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới.
Tổng Thống Gerald Ford xin Quốc Hội viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) 700 triệu Mỹ kim, nhưng Quốc Hội chỉ chấp thuận một ngân sách vừa đủ để di tản 130,000 người từng làm việc với người Mỹ ra khỏi nước.
Đó là lúc chương trình định cư người Việt tị nạn bắt đầu thành hình tại văn phòng định cư của Bộ Y Tế và Xã Hội Liên Bang. Bộ này trước đó đã định cư người Cuba chạy nạn Fidel Castro.
Những người tị nạn thuộc mọi sắc tộc được đăng ký vào chương trình CETA (Comprehensive Employment and Training Act), một chương trình liên bang “vừa làm việc vừa học nghề,” kéo dài từ 3 đến 8 tháng được chính phủ trả một nửa lương. Các cơ sở tư nhân nơi họ làm việc trả nửa lương còn lại. Nha Định Cư Tị Nạn còn có trách nhiệm giúp các tù nhân chính trị trong diện HO không có thân nhân bảo lãnh định cư qua các cơ quan thiện nguyện. Các cơ quan này được trợ cấp mỗi đầu người $800 để giúp các tù nhân ghi danh học Anh Văn, huấn nghệ…
Trở lại với người tị nạn từ năm 1975. Không kể các em còn nhỏ theo bố mẹ đến Hoa Kỳ trong số 130,000 người đầu tiên di tản hoặc vượt biên trong khoảng 10 năm sau đó hội nhập vào xã hội mới nhanh chóng và thành công, lớp người lớn tuổi cũng thành công không ít trên nhiều lĩnh vực khác nhau qua các hoạt động của mình trong mọi lĩnh vực, từ chính trị dòng chính cho đến các ngành khoa học và chuyên môn.
Tôi đi vào dòng chính để tìm một tiếng nói cho người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ bằng cách tham gia cuộc vận động tranh cử cho liên danh Reagan-Bush năm 1984 và liên danh Bush-Quayle năm 1988. Trước đó dưới thời Tổng Thống Jimmy Carter (1976-1980) bà Lê Thị Anh đã là người phụ nữ có sáng kiến và cùng với các nhân vật trong cộng đồng tị nạn tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn phất ngọn cờ đấu tranh chống chính quyền Cộng Sản tại Việt Nam và đẩy mạnh cao trào giúp thuyền nhân vượt biển tìm tự do đang lao đao tại các nước Đông Nam Á, nhất là Thái Lan và Mã Lai. Chống hải tặc Thái Lan và chống chính sách vô nhân đạo kéo thuyền của thuyền nhân ra biển của Thái Lan, Mã Lai và Indonesia là chính.
Bà Lê Thị Anh vận động mở các cuộc điều trần tại Quốc Hội về tình trạng nhân quyền và đàn áp tôn giáo của chính quyền Cộng Sản cho các nhân vật vừa vượt thoát khỏi Việt Nam như dân biểu của Hà Nội Nguyễn Công Hoan và ông Nguyễn Văn Cội, thuộc Phật giáo Hòa Hảo, và từng hợp tác với dân biểu Don Bailey (DC, Maryland) tổ chức Hội Nghị Don Bailey tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ với sự tham dự của Đại Tá Edward Lansdale, cựu giám đốc Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) William Colby và rất nhiều nhân vật đấu tranh trong cộng đồng người Việt tị nạn như cựu Thủ Tướng Nguyễn Tôn Hoàn, cựu Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, ông Hà Thúc Ký, cựu Đô Trưởng Sài Gòn Đỗ Kiến Nhiễu, cựu Thượng Nghị Sĩ Trần Quang Thuận, các ông Trần Quốc Bảo, Luật Sư Đào Tăng Dực (Úc Châu), cựu Đại Tá Hà Mai Việt (Pháp), cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, bác sĩ Trần Văn Tính, dược sĩ Nguyễn Mậu Trinh, bác sĩ Hồ Chung Tú, đại tá Nguyễn Phước Đàn, ông Đinh Văn Ngọc… đặt vấn đề giam giữ cựu sĩ quan và viên chức VNCH.
Qua nỗ lực vận động tranh cửa cho các liên danh Reagan-Bush và Bush-Quayle năm 1989, tôi vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được Tổng Thống George Bush bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tổng giám đốc Nha Định Cư Tị Nạn thuộc chính phủ liên bang Hoa Kỳ phụ trách việc định cư cho người tị nạn thuộc mọi sắc dân ngoài Việt, có Miên, Lào, Nga gốc Do Thái, Ethiopian, Haitian, Cuba…
Ở chức vụ đó năm 1989, tôi tham gia phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cùng với dân biểu Robert Dornan (CH, California) do Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Lawrence Eagleburger (1930-2011) làm trưởng phái đoàn dự Hội Nghị Quốc Tế tại Geneva để cùng với chính quyền Hà Nội hình thành một kế hoạch hành động toàn diện (Comprehensive Plan of Action – CPA) đẻ ra chương trình “Ra đi có trật tự” (Orderly Departure Program – ODP) giải quyết vấn đề ứ đọng người tị nạn tại các nước Đông Nam Á và điều hòa các chương trình bảo lãnh thân nhân, chương trình con lai v.v… Phái đoàn Hà Nội do ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch cầm đầu.
Thời gian này Hà Nội đang khốn đốn với lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và ai cũng biết Hà Nội nhượng bộ trong chương trình ODP là điều kiện để Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận. Nhưng để “giữ thể diện” ông bộ trưởng Bộ Ngoại Giao của Hà Nội Nguyễn Cơ Thạch nhấn mạnh trước Hội Nghị “no linkage!”
Một số đoàn thể người Việt hải ngoại có mặt tại Geneva để áp lực hội nghị như cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm đại diện Phật Giáo cùng với đại diện các tôn giáo khác như Công giáo, Cao Đài. Cá nhân hiện diện có Giáo Sư Lê Xuân Khoa, giám đốc cơ sở Đông Dương Tác Vụ (Indochina Refugee Action Center – IRAC) các ông Võ Văn Ái, Nguyễn Ngọc Bích, nhà đạo diễn Vĩnh Noãn… Tôi có dịp cùng với dân biểu Dornan tường trình diễn tiến hội nghị cho quý vị ấy ngoài hành lang hội nghị.
Dù có chương trình ODP, người trong nước vẫn lũ lượt ra đi bất chấp mọi nguy hiểm của sóng gió biển cả và hải tặc đòi hỏi Nha Tị Nạn, chúng tôi hợp tác với Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Xương và nhà văn Phan Lạc Tiếp, những người đầu tiên chủ xướng “Ủy Ban Báo Nguy Người Vượt Biển” tại San Diego. Để thuận tiện trong việc vận động sự giúp đỡ của chính phủ, Ủy Ban Báo Nguy chuyển văn phòng về thủ đô Hoa Thịnh Đốn do bà Trương Anh Thụy và ông Nguyễn Ngọc Bích phụ trách và đổi danh xưng thành “Ủy Ban Cứu Người Vượt biển” và là tiền thân của chương trình “Boat People SOS” hiện nay do Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng điều hành.
Tôi khởi đầu cuộc hành trình tới Hoa Kỳ từ Paris khi được Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ mời dạy học tại trung tâm Sinh Ngữ Quân đội ở Texas trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Sau ngày 30-4-1975 với tư cách một người tị nạn định cư hợp lệ, tôi bắt tay vào việc giúp người tị nạn định cư. Tôi được Bộ Tư Lệnh Không Quân Hoa Kỳ mới đến Florida giúp quản lý trại tị nạn Florida đặt tại căn cứ không quân Eglin. Eglin là một trong 4 trại tị nạn đầu tiên trên đất Mỹ. Và là trại của những người có điều kiện ra khỏi nước sớm nhất, gồm các phi công lái máy bay phản lực bay qua căn cứ Udon, Thái Lan, và các ngư dân có thuyền chạy ra biển được tàu của hải quân Hoa Kỳ vớt. Được bảo lãnh ra trại các phi công và ngư dân định cư nhiều ở tiểu bang Louisana kế cận. Các nhân vật tên tuổi như nhạc sĩ Phạm Duy, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích từng tị nạn tại đây. Sau trại Eglin, tôi đến làm việc tại trại tị nạn Pennsylvania ở căn cứ quân sự Fort Indiantown Gap. Thượng Tọa Thích Giác Đức, Giáo Sư Trần Trọng Sanh, một nhân vật lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng đã tị nạn tại đây.
Từ công việc tị nạn, tôi bước qua lĩnh vực chính trị. Là một thành viên đảng Cộng Hòa, tôi tham gia cuộc vận động tranh cử cho liên danh Reagan-Bush, nhiệm kỳ 2 (1984-1988) và liên danh Bush-Quayle nhiệm kỳ 1988-1992 ở cương vị đồng chủ tịch Ủy Ban Tranh Cử Người Châu Á trong Ủy Ban Tranh Cử Trung Ương .
Nhận thấy sau 1975 cộng đồng người Việt ít có thông tin về Việt Nam, chúng tôi liên hệ với văn phòng giao tế của Tòa Bạch Ốc và Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu Nha Á Châu Sự Vụ và Văn Phòng Việt-Miên-Lào bên Bộ Ngoại Giao do ông Paul Wolfowitz (sau này giữ chức vụ thứ trưởng Bộ Quốc Phòng và một thời làm chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới) thỉnh thoảng phụ trách thuyết trình cho cộng đồng người Việt. Tham dự những buổi thuyết trình này thường có đại diện báo chí như các ông Đỗ Ngọc Yến, chủ nhiệm báo Người Việt Cali (nay là nhật báo Người Việt), nhà báo Chữ Bá Anh, nhà báo Vũ Quang Ninh, tài tử điện ảnh Kiều Chinh, ông Cao Thế Dung, bà Khúc Minh Thơ chủ tịch Hội Gia đình Cựu Tù nhân Chính trị, bà Jackie Bong Wright, chủ tịch Liên hội Hoa Thịnh Đốn, ông Lê Văn Ba, và còn nhiều nhân vật nữa tôi không nhớ hết. Trong buổi thuyết trình đầu tiên có các nhân vật đại diện Lào và Cambodia gồm Tướng Vang Pao, Hoàng Thân Khamsouk, cựu Tham Mưu Trưởng Phủ Thủ Tướng Lon Nol, Trung Tướng Soutaine Fernandez . Ông Linas J. Kojelis, đồng giám đốc phòng giao tế của Tổng Thống Reagan đã rất tích cực trong các cuộc thuyết trình này. Dân biểu Stephen J. Solarz, (DC, New York) Chủ tịch tiểu bang Á Châu sự vụ thuộc Ủy Ban Ngoại Giao và ông phụ tá Eric Schwartz cũng đã giúp đỡ rất nhiều.
Cuộc vận động cho cựu tù nhân chính trị có một thuận lợi. Hà Nội đang muốn đẩy các cựu tù nhân ra khỏi nước trong khi Hoa Kỳ đang muốn làm một cái gì đối với một đồng minh mình đã bỏ rơi. Do đó thành quả là chương trình HO cho phép các cựu sĩ quan và viên chức VNCH đã từng bị giam giữ tại các trại “cải tạo” của chính quyền CSVN hơn 3 năm được định cư tại Hoa Kỳ. Đó là một thành quả chung của cộng đồng và sự nỗ lực của thân nhân các cựu tù nhân chính trị chứ không phải là thành quả của một cá nhân nào.
Trong thập niên xáo trộn 1980, dư luận quần chúng Hoa Kỳ hoang mang với hội chứng Việt Nam (Vietnam Syndrome) và nghi ngờ sự loan tin thiếu trung thực của báo chí truyền thông (media) trong những năm sau cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam đã thúc đẩy Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam, tôi bắt tay hợp tác với tổ chức “Accuracy in Media” của ông Reed Irvine thực hiện hai cuốn phim tài liệu bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt để lột trần âm ưu này. Hai tài liệu này còn có mục đích bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của cuốn phim tài liệu: Vietnam: A Television History do nhà báo Stanley Karnov thực hiện và trả lại danh dự cho quân nhân Việt Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam. Một trong hai cuốn phim là cuốn “Television Vietnam: The Real Story” do tài tử điện ảnh Charlton Heston diễn tả được một đoàn chuyên viên dưới sự điều động của ông Vũ Quang Ninh (đài Tiếng Vọng Quê Hương) dịch và diễn đọc (dubbing) thành cuốn phim Việt ngữ nhan đề: “Việt Nam: Câu chuyện thật.” Đoàn chuyên viên giúp ông Vũ Quang Ninh gồm gồm các ông Đinh Xuân Thái, Đinh Xuân Dương (đài Little Sài Gòn), ông Nguyễn Thượng Hiệp (báo Tin Việt) và tài tử Lê Tuấn, ông Nguyễn Hữu Công, cô Kim Thanh diễn đọc. Cuốn phim “Việt Nam: Câu chuyện thật” được trình chiếu cho các cộng đồng người Việt tị nạn tại Houston, New Orleans, Little Saigon, San Jose, Fall Church, Kennedy Center, (Washington D.C.)… đã có tác dụng mang lại sự tự tin cho người tị nạn. Trong buổi trình chiếu tại Kennedy Center khi trao bằng tưởng lục cho tài tử Charlton Heston tôi đã nói với ông:
“Tôi không ngờ hôm nay tôi hân hạnh được gặp ông, một tài tử nổi danh chúng tôi chỉ thấy được trên màn ảnh truyền hình qua những vai ông đóng từ vua, đến người tị nạn, người tù, người tráng sĩ… nói tiếng Anh, tiếng Pháp nhất là trong hai cuốn phim bất hủ ‘Ben Hur’(1959) và ‘The Ten Commandements’ (1956) vào cuối thập niên 1950. Hôm nay ở đây tôi được thấy một người Mỹ chân thật can đảm đem uy tín của mình giúp thực hiện tài liệu ‘Television Vietnam: The real Story’ trả lại sự thật cho lịch sử mà không lấy bồi hoàn. Và không gì thú vị hơn được nghe ông giới thiệu bằng Việt ngữ điệp giọng (voice dubbing) trong cuốn ‘Việt Nam: Câu chuyên thật’ này . Tôi xin đa tạ ông.”
Trong sinh hoạt đôi khi có những cuộc tranh luận rất lý thú. Một lần đài CNN mời tôi tranh luận với đại sứ Hà Nội Lê Văn Bàng và bà Le Le Hayslip để bác bỏ sự mô tả không trung thực của bà Hayslip (một phụ nữ Việt Nam) trong cuốn sách nhan đề “When Heaven and Earth changed Places.” Một lần khác tôi đã tranh luận với ông William Sullivan (1922-2013) giám đốc Phòng Thương Mại Việt-Mỹ nguyên cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Lào, người ủng hộ tái lập quan hệ thương mãi và ngoại giao với Việt Nam bất chấp chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền và đang chiếm đóng Cambodia. Tôn trọng nhân quyền là điều kiện cần thiết để một quốc gia gia nhập vào sinh hoạt với cộng đồng thế giới một cách lành mạnh.
Năm 2000 khi Tổng Thống George W. Bush ra tranh cử, tôi thành lập Ủy Ban Cộng Hòa người Mỹ gốc Á Châu vùng Philadelphia để vận động tranh cử cho ông. Tiếp tục hoạt động cho đảng Cộng Hòa, năm 2003 và năm 2006 tôi hai lần được bổ nhiệm vào chức vụ cố vấn của Hội Đồng Tiểu Thương thuộc Chính Phủ Liên Bang (National Advisory Council of the U.S. Small Business Administration ). Tiểu thương là một sinh hoạt quan trọng trong nền kinh tế quốc gia đối với các thành phần dân tộc thiểu số. Tại quận Fairfax, Virginia nơi tôi cư ngụ tôi từng được bổ nhiệm vào các chức vụ Board Equalization Commision, Fairfax Communities Funding Commission và GOP Central Committee Board.
Năm 1994 tôi lập đài truyền hình Việt ngữ đầu tiên tại vùng Hoa Thịnh Đốn, song song với tờ báo Việt ngữ “Ngày Nay” (Vietnam Today ) và một đài Radio trên băng tần 1420AM.
Năm 1996, tôi thành lập và điều hành hai Trung Tâm Quốc Tịch và Di Tru. Hai cơ sơ này đã giúp nhiều thành phần thiểu số gốc Đông Dương vượt qua thủ tục giấy tờ nhiêu khê của chính phủ để trở thành công dân hay bảo lãnh thân nhân trực hệ.
Đến đây tôi không thể không nhắc đến những người đã khuất như Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (Liên Minh Dân Chủ Việt Nam), ông Lê Quốc Túy (Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam), những nhân vật từng được Viện cố vấn ý kiến (a think-tank) về các vấn đề quốc gia “Heritage Foundation” – mà tôi là một thành viên – mời đến thuyết trình . Chúng ta không quên Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, vào những ngày cuối cùng bị bệnh ung thư hành hạ ông vẫn còn làm việc, và ông Lê Quốc Túy mỗi tuần hai lần thay máu vì thận hư vẫn bôn ba đây đó tìm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh bỏ dở của các chiến hữu Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân.
Bốn mươi năm trôi qua, những người có mặt tại Hoa Kỳ trước năm 1975 và những người đến ngay sau đó ngoài việc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam đã không ngừng nghĩ làm việc tạo điều kiên cho những người đến sau. Thế hệ đến Hoa Kỳ qua các chương trình ODP, HO, chương trình con lai (Amerisian Home Coming Act) trong thập niên 1980, 1990 nhớ đừng quên những người đi trước, và các đại diện dân cử trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Không có sự vận động của Thượng Nghị Sĩ John McCain (CH- Arizona) đã không có chương trình HO, và không có dân biểu Tom Ridge (CH – Pennsylvania), một cựu chiến binh Việt Nam đệ nạp dự luật Amerisian Home Coming Act đã không có chương trình con lai.
Ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là thảm trạng chiến tranh và đổ vỡ. Nhìn cảnh chạy giặc trên thế giới bất chấp chết chóc trên biển cả, trên đất liền từ Lebanon (thập niên 1980), Iraq (1990-2001), Syria (2011-2015) và Bắc Phi (2015) tôi không khỏi nhớ lại những ngày tháng đen tối của đất nước.
Bây giờ nhìn lại, sau 40 năm người di dân Việt Nam khá thành công tại Hoa Kỳ nhờ thông minh, chịu khó. Nhưng tôi còn chút bất an với cảm nghĩ đó chỉ là sự thành công riêng rẽ của từng cá nhân như những ánh sao sáng riêng rẽ trên bầu trời nước Mỹ, chưa tạo thành sức mạnh của một khối. Đó là ưu và nhược điểm của chúng ta. Không phải chỉ cho người Việt tại Hoa Kỳ mà còn là nhược điểm chung của một dân tộc làm cho nước Việt Nam sau 40 năm hòa bình vẫn lẽo đẽo chạy sau lưng các nước khác ở Đông Nam Á. Tại sao? Nguyên nhân nào? Giải đáp của câu hỏi này biết đâu là chiếc chìa khóa mở cửa ngôi nhà Việt Nam.
Để kết thúc, chuyện không thể quên qua 40 năm tị nạn là hình ảnh bức tượng Nữ Thần Tự Do đưa cao cánh tay chào đón và bảo bọc chúng ta, “Những người đói nghèo và kiệt sức, những người bị chính quê hương mình từ chối, những kẻ vô gia cư, những người bị dập vùi sau cơn bão tố!”
Virginia, Ngày 4 tháng 9, 2015
Nam Phương Trần Ngọc Chi
(Mary Chi Ray)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét