Canada, 4.10.2018
Thưa Quý Vị,
Bài này là một trong những bài thơ, với 159 chữ, về MẸO NHỚ HỎI NGÃ & CHÍNH TẢ dành tặng riêng cho các học sinh lớp Việt Ngữ và các em Hướng Đạo Sinh ngành Thiếu. Đa số thơ trong phần này gom lại từ những bài tác giả đã dạy ở các trường Việt Ngữ :Ý, Canada và sinh hoạt trong phong trào Hướng Đạo với các Sói Con, Thiếu Sinh.
Với “mẹo nhớ” này, người viết nhận thấy các em đã vui học tiếng Việt một cách thú vị và không bao giờ mắc lỗi lần thứ hai.
Nhằm mục đích chung trong bổn phận BẢO TỒN & GIỮ GÌN VĂN HÓA VIỆT, mọi sự sai sót, xin được học hỏi thêm nơi Quý Học Giả, quý Trưởng Hướng Đạo & quý Văn, Thi Hữu.
Đa tạ
Ý Nga
TRẺ THẮC MẮC
*Bút ký
Trong lớp học Việt ngữ hàng tuần, một cô học trò đã hỏi tôi:
-Thưa cô: khi nể hay phục ai thì dân Canada tìm cách đề cao người ấy lên càng cao càng tốt, mà sao Ba của em lại hạ Má xuống sát đất?
Tôi cau mày chưa hiểu mình đang sắp phiêu lưu vào không gian nào của thứ ngôn ngữ ngây ngô để có thể hiểu cho tường tận mà giải thích cặn kẽ “ngữ nghĩa” thì may quá cô bé đã thêm vào khúc đuôi:
-“Phục sát đất” là nể nang hay là khinh thường mà Ba em cứ nói vậy hoài thưa cô?
Người mình kỳ ghê! Đã phục mà lại ném người ta xuống đất thì ai mà hiểu?
Ý Nga, 4.10.2018
SAO MÀ MÍT ƯỚT!
(Bút ký)
Cô bé học trò buồn xo cả buổi học, nó dường như không hề tập trung vào một câu nào của bài học cả. Tôi phải kiên nhẫn đợi đến giờ ra chơi mới hỏi han tâm sự được:
-Hôm nay em có chuyện buồn sao?
Tự nhiên cô bé òa khóc. Tôi nghi em bị bạn bè bắt nạt nên cố ngon ngọt dò hỏi cho ra chuyện. Phải mất khá lâu em mới thổ lộ:
-Dạ mẹ của em hổng thương em nên cứ bắt em làm những “chiện” mà em hổng muốn.
Vừa nói em vừa lôi ra một bọc nylon cho tôi xem một trái táo (trái bom) được chẻ sẵn làm 6. Tôi đưa mắt nhìn em, gói theo sự chờ đợi một lời giải thích. Mãi rồi em cũng ngưng thút thít và nói:
-Dạ ngày nào mẹ cũng bắt em phải ăn một trái, trong khi em hổng ưa. Hôm nay mẹ nói nếu em không ăn mà đem liệng thùng rác thì mẹ không… nuôi em nữa.
-Rồi em có nói cho mẹ biết là em thích trái khác không?
-Dạ không!
-Em không nói thì làm sao mẹ biết mà mua?
-Dạ… tại… em… hổng thích trái cây nào hết chơn.
-Vậy tại sao mẹ chọn trái táo cho em?
-Dạ vì… nó là trái mà em… ít ghét nhất.
Tôi phì cười, ôm em vào vòng tay, rồi tôi kể cho em nghe, rằng tôi thèm Mẹ của tôi cũng “bắt” tôi như… thế biết là dường bao và nhấn mạnh rằng đã từ mấy chục năm nay tôi chẳng được Mẹ mua trái cây cho ăn, nói gì đến mua rồi cắt sẵn như vậy. Thế là con bé bắt đầu hỏi:
-Dạ sao vậy cô? Bộ cô không có mẹ nữa sao?
Thật là nghẹn ngào khi tôi phải tóm tắt cho một đứa trẻ hoàn toàn ngây thơ hiểu trong vòng chỉ vài phút rằng Mẹ tôi đang bệnh nặng lắm mà tôi không thể về để báo hiếu và săn sóc với thân phận thuyền nhân tỵ nạn chính trị của mình từ năm 1980. Không ngờ sau những câu hỏi tới tấp của con bé về Mẹ của cô giáo, đến một lúc, tôi phải tìm cách kết thúc câu chuyện để chạy đi photocopy vài tài liệu về văn phạm Việt mà học trò đã hỏi lúc nãy cho kịp, trước khi giờ chơi chấm dứt:
-Ai cũng phải có mẹ cả, dù mẹ đã chết thì vẫn còn mãi trong tim mình!
Tôi đùa:
-Bây giờ mà cô được Mẹ của cô mua cho bất cứ một trái gì thì cô cũng nắm lấy nó mà ăn ngay, không cần phải dao, kéo cắt ra sẵn làm 6 như thế này đâu em ạ!
Con bé bất chợt cười ngất và chỉ lên tấm bảng hãy còn hình trái mít to với cái vỏ nổi đầy những gai nhọn tua tủa, mà tôi vừa vẽ lúc nãy, để giải thích cho học trò nghĩa của 2 chữ “mít ướt”, mít tươi, mít khô, mít non.v.v… khi một học sinh đã hỏi (mít khô là loại sau này họ sấy khô và bán nhiều trên thị trường đồ ăn vặt). Con bé cười:
-Kể cả trái mít tươi đó hay sao cô?
Thế là chẳng những học trò mà cả cô giáo cũng cười chảy cả nước mắt.
Được một lúc, con bé ôm lấy cô giáo và tình nguyện đi theo giúp cô làm bản sao tài liệu, nó bẽn lẽn hứa hẹn:
-Dạ! Từ nay em sẽ ăn hết bất cứ thứ trái cây nào mà mẹ mua.
-Ừ giỏi đó! Nhưng đừng ăn vỏ mít nha! Nhớ ăn… giùm cô nữa nghe.
-Dạ! Em sẽ nhớ!
*
Tuần lễ sau đó cô học trò mang vào lớp đưa tôi một chùm nhãn hãy còn cành lá, tôi chia đều cho cả lớp và hỏi em:
-Em đã ăn chưa? Tại sao em mang nhãn cho cô?
Con bé lí nhí:
-Dạ em có ăn rồi, em ăn hết trái cây mỗi ngày mẹ dọn ra luôn, nhưng em hổng có ăn vỏ chuối à nhen. Em đem theo tại cô nói: “Nhớ ăn giùm cô nữa”
Thì ra con bé đã không hiểu nghĩa bóng trong câu nói. Không biết con bé đã vòi vĩnh thế nào để có được chùm nhãn này? Hy vọng mẹ của em đã không hiểu rằng:
-"Cô giáo bắt con ăn trái gì thì phải chia cho cô ăn y như vậy"
*
Thế là hôm ấy tôi lại có một bài học mới cho cả lớp để phân biệt sự khác nhau trong cách nói của người mình: “ăn giùm” và “chia sẻ”.
Ý Nga, 4.10.2018
***********************************************
CÓ VẺ, VIẾT VẼ
Dáng ngồi CÓ VẺ buồn buồn
VẼ gì toàn nước chảy nguồn ưu tư?
Ý Nga *29.1.2017
NGHỈ, NGHĨ
Hỏi anh sao chẳng nghỉ ngơi
Cứ nằm nghĩ ngợi rối bời ruột gan?
Ý Nga *29.1.2017
BỬA CỦI, BỮA TIỆC
Đứng lên BỬA CỦI nấu cơm
Nằm chờ BỮA TIỆC? Ai đơm cơm giùm?
*
Bửa củi thì phải ngồi lên
Cứ nằm chờ bữa, bếp rên kia kìa!
Ý Nga, 7.9.2017
BỬA: tách ra làm nhiều phần, BỮA: buổi
Mẹo nhớ hỏi, ngã: đứng, ngồi: dấu hỏi, nằm: dấu ngã
RẺ RỀ, CHIA RẼ
RẼ CHIA ngã đó, nọ, kia…
RẺ RỀ, RẺ RÚNG hỏi kìa: ai ham?
*
Hỏi ai nhân cách rẻ rề
Thấy nghèo rẻ rúng, nặng nề đuổi xua.
Buông lời khinh rẻ chát chua
*
Tách người riêng rẽ ngã hùa ác ma
Rẽ ngang, rẽ tắt gian tà
Thấy tiền, nịnh hót xấu xa vô cùng!
*
RẼ ngôi nằm trái, tóc thề
Bù xù tóc, hỏi: RẺ RỀ ai thương?
Ý Nga *27.1.2017
GÃ, GẢ
Gã say nằm ngủ bên đường
Gả con hỏi lựa chọn phường TỈNH, say?
Ý Nga *7.11.2016
NHAN NHẢN, NHÃN HIỆU
Mắt mình nằm tựa vệt dài
Nhớ cho dấu ngã, NHÃN này: mắt, nghen!
NHÃN ăn: trái hột màu đen
Màu y đôi mắt đã quen, chớ lầm,
Dán tên, nhãn hiệu cũng nằm
Trên bao sách vở giúp chăm chỉ hoài.
*
Ham chơi, chẳng có tương lai
Bất tài nhan nhản, hỏi mai làm gì?
Ý Nga *7.11.2016
NHÃN: mắt, trái nhãn >> dấu ngã >> hình dài giống con mắt
TỈNH NGỘ, TĨNH TÂM
Tĩnh tâm, tĩnh dạ nằm yên
Sẽ thôi nộ khí xung thiên với đời
May ra tỉnh ngộ hỏi người
Xót thương tha lỗi tày trời đã gây.
Ý Nga *7.11.2016
***********************************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét