Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Xì Gà và Tình Báo Cuba - Nguyễn Xuân Nghĩa


Inline images 1
Hai đặc sản được xứ này xuất cảng nhiều nhất!....
Tổng thống Donald Trump có lý khi sửa lại chánh sách hòa giải với Cuba của vị tiền nhiệm.
Lý do là vì việc hòa giải, bang giao rồi hợp tác kinh tế chỉ có lợi cho bộ máy quân phiệt cộng sản và cho thân tộc của gia đình Castro. Lãnh đạo Cuba là quân đội và các tướng lãnh thân tín của đại gia đình Castro. Đảng Cộng sản chỉ là bộ máy cầm quyền ở dưới.<!>

Hai sĩ quan chủ chốt trong bộ máy cai trị của Raúl Catro hiện nay là Alejandro Castro Espin, sinh năm 1966 và Luis Alberto Rodríguez López-Callejas.
Có thành tích “tác chiến” trong trận Nội chiến tại xứ Angola bên Phi Châu, Castro Espín có ba ưu điểm là biết về tình báo, có bằng đại học về an ninh và quân sự, nhưng còn có ưu thế khác, là con trai của Raúl Gastro nên thường xuyên có mặt để trợ giúp thân phụ từ khi Raúl nắm quyền vào năm 2008. Trong nhiều chuyến công tác ở nước ngoài và cả khi đón tiếp Tổng thống Obama, Castro Espín đều hiện diện bên Raúl, như nhân vật số hai trong thực tế, hay ít ra là người thân tín nhất có nhiệm vụ bảo vệ chế độ tới cùng sau khi Raúl từ chức, mắc bệnh hay tạ thế.

Người kia là Thiếu tướng Luis Alberto Rodríguez López-Callejas, cầm đầu hệ thống kinh tài của quân đội trong vài trò Chủ tịch tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất của Cuba. Tập đoàn GAESA (Corporate Management Group SA) quy tụ 57 doanh nghiệp, đem lại từ 50 đến 80% tống số nguồn lợi cho Cuba nhờ các ngành béo bở như du lịch, kỹ nghệ đường và rượu lẫn trọng yếu như xây dựng hạ tầng giao thông hàng hải.

Đấy là cánh tay của “Quân đội Cách mạng Cuba” trong kinh tế mà cũng là trung tâm ban phát quyền lợi cho các sĩ quan thân tín với gia tộc Castro vì Luis Alberto Rodríguez là con rể của Raúl. Qua tập đoàn GAESA, Luis Alberto Rodríguez trực tiếp quản lý dự án phát triển hải cảng Mariel (Mariel Port Special Development Zone), một đặc khu kinh tế đang hy vọng tiếp nhận đầu tư của nước ngoài để thành đầu máy cho toàn quốc. Giới đầu tư Hoa Kỳ mà muốn làm ăn tại Cuba thì phải gặp viên tướng nhiều quyền thế này.

Ông Trump thấy điều ấy, đã nói ra và chỉ thị cho các cơ quan hữu trách về kinh tế tài chánh chấm dứt nạn giao trứng cho ác trong khi người dân Cuba chẳng được hưởng lợi mà còn bị chế độ đàn áp nặng hơn xưa.

Nhưng hệ thống an ninh của Tổng thống Trump còn phải chú ý đến một khía cạnh khác từ khi Hoa Kỳ tái lập bang giao và có Tòa Đại Sứ cùng các viên chức ngoại giao, nhân viên lẫn đội bao vể ngay tại Thủ đô Habana. Lý do là thành tích xuất sắc của Cuba về tình báo và gián điệp!

Hoa Kỳ có truyền thống nghi ngờ Liên bang Xô viết ngay cả khi cộng tác với Liên Xô để chống Đức Quốc Xã trong Thế chiến II.

Thời đó, trễ nhất là từ năm 1942, tổ chức mật vụ KGB đã cài điệp viên tới cấp cao nhất trong Chính quyền Roosevelt và Truman. Quân đội theo dõi chuyện ấy mà không dám thông báo cho chính quyền dân sự vì sợ là việc điều tra ấy bị kẻ nằm vùng tiết lộ. Ôi, chữ “tiết lộ” thân quen!

Mãi tới năm 1996 toàn bộ hồ sơ mới được Quốc hội cho công khai hóa làm người ta chưng hửng. Những ai tò mò xin tìm mạch dẫn vào “Venona Project”, hoặc mua bộ sách dày tựa cuốn niên giám điện thoại với những chi tiết rợn người về ngoại giao, về Ngân hàng Thế giới hay báo chí Mỹ….

Sau Thế chiến II, qua thời Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ càng nghi ngờ Liên Xô nên an ninh và tình báo Mỹ theo dõi sát việc Liên Xô bành trướng ảnh hưởng và yểm trợ khủng bố ở khắp nơi – nhiều lắm - để khuynh đảo các nước dân chủ Tây phương. Một ngoặc đơn đáng buồn là dù cảnh giác như vậy, an ninh Hoa Kỳ vẫn đánh giá thấp ảnh hưởng của KGB trong phong trào “phản chiến” (chống cuộc chiến Việt Nam) tại Mỹ, cho tới khi quá trễ vì hậu phương bị tràn ngập trong khi tại Việt Nam tình hình đã tiến triển khả quan hơn! Một ngoặc đơn khác ở xa hơn là biến động tại Pháp vào năm 1968 khiến Chính quyền của Tướng Charles de Gaulle rung chuyển cũng có bàn tay khuynh đảo của Liên Xô nhắm vào các phong trào phản kháng của giới trẻ.
Đâm ra từ Đại học Berkeley qua Quartier Latin của Paris, đám trẻ nổi loạn mà không thấy bàn tay của tình báo Xô viết, như thế hệ cha anh không thấy bàn tay đó trong hệ thống lãnh đạo của Roosevelt và Truman hơn 20 năm về trước.

Đóng lại hai ngoặc đơn u buồn, xin trở lại chuyện Cuba.

Tình báo Hoa Kỳ biết mật vụ của Cuba được Liên Xô huấn luyện từ lâu, trước khi có vụ khủng hoảng tại Trung Mỹ (Nicaragua và El Salvador) thời Ronald Reagan. Nhưng họ quá chú ý đến bàn tay của KGB tại Trung Đông và Âu Châu nên coi thường khả năng của Cuba. Chúng ta đi vào thời sự hiện đại.
Khi nước Mỹ canh chừng Liên Xô ở ngoài thì Cuba lặng lẽ tuyển mộ, kết nạp, huấn luyện và tạo ra mạng lưới thông tin tình báo và vận động trong hệ thống ngoại giao, an ninh, viện trợ và trù hoạch chánh sách đối ngoại ngay tại thủ đô Hoa Kỳ. Thành tích nổi bật của tổ chức tình báo Cuba (Directorate of Intelligence hay DI) là giáo sư Kendall Myers và vợ là Gwendolyn Steingraber Myers cùng hai phụ nữ gốc Puerto Rico là Ana Montes và Marta Rita Velazquez.

Họ được Cuba tiếp xúc, kết nạp và khai thác từ những năm 1979, hoạt động từ đầu thập niên 1980 rồi tung hoành trong gần hai chục năm. Cho tới gần đây mới bị FBI phát giác.
Từ năm 1959 tới 1962, Kendall Myers làm việc với tư cách là nhà ngữ học cho Cục Quân báo Lục quân (US Army Security Agency ASA) là bộ phận khi ấy phụ trách tình báo điện tử. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học John Hopkins, phân khoa Nghiên cứu Quốc tế (School of Advanced International Studies – SAIS), và làm phụ giảng về Âu Châu học của SAIS và từ năm 1977 cộng tác bán thời với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để giảng dạy và huấn luyện viên chức ngoại giao trong Vụ Đối ngoại (Foreign Service Institute FSI) của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Đấy là lúc Myers được tình báo Cuba tiếp xúc vào năm 1979, kết nạp và huấn luyện trong nhiều năm sau nhiều chuyến đi lòng vòng qua Âu Châu tới tạn Habana. Sau đó, do lời khuyên của Cuba mà Myers mở rộng hoạt động, xin vào làm việc cho CIA để lấy tin và đưa lên làm phân tách viên cao cấp trong Cục Tình báo và Nghiên cứu (Bureau of Intelligence and Research - INR) của Bộ Ngoại giao… cho đến khi về hưu vào năm 2007!
Trong 18 năm đằng đẵng ấy, giáo sư Myers báo cáo cho Cuba những dữ kiện thuộc loại Mật và Tối Mật của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ (CIA, FBI, DIA, NSA, vân vân). Khi về hưu rồi, Myers trở về Đại học John Hopkins và có thể theo dõi, thuyết phục các sinh viên đi theo con đường phản quốc của mình, cho tới khi FBI tìm ra vào Tháng Ba 2009, gài bẫy và bắt giam ngày bốn Tháng Sáu năm 2009! Người ta tìm ra chứng cớ là cả hai vợ chồng đại trí thức này đều khâm phục Fidel Castro, mê Cuba và triệ để chống Mỹ dù họ không thuộc sắc dân Latino.

Sở dĩ an ninh Hoa Kỳ biết được vụ Myers là… gặp may: lời khai báo của một điệp viên cao cấp khác của Cuba trong cơ quan Defense Intelligence Agency của Hoa Kỳ là Ana Montes.
Cũng tốt nghiệp phân khoa SAIS của John Hopkins, Montes thuộc loại trí thức cực tả, mê Cuba và chủ nghĩa cộng sản, đã hoạt động cho tình báo Cuba từ lâu ở các chức vụ cao cấp trong hệ thống an ninh Hoa Kỳ. Bà sa lưới từ Tháng Chín 2001, thành điệp viên hai mang trong môi trường tình báo u ám, nhưng vẫn cộng tác với Cuba cho tới khi bị truy tố, ra tòa và lãnh án tù 25 năm.

Cùng với vợ chồng Myers, Montez vừa được “giải phóng” nhờ chánh sách hòa giải của Barack Obama. Còn người kia?
Kẻ kết nạp Ana Montez vào mạng lưới Cuba là Marta Rita Velazquez. Cũng thuộc diện trí thức, tốt nghiệp các đại học danh tiếng như Phân khoa Luật của Georgetown University và SAIS của John Hopkins (nên chú ý tới trung tâm SAIS nổi tiếng này!) Velazquez được tình báo Cuba kết nạp từ 1983 rồi làm Cố vấn Pháp luật cho Bộ Giao thông và cơ quan Viện trợ Mỹ (USAID) trong Bộ Ngoại giao với nghiệp vụ điệp viên “phái khiển” của Cuba.

Trong vai trò quan trọng với hệ thống phân tách và trù hoạch chánh sách đối ngoại của Mỹ với Cuba, Velazquez giới thiệu Montez vào các cơ quan an ninh của Mỹ! Đâm ra hệ thống sưu tra và thẩm vấn của cơ quan an ninh Hoa Kỳ là bộ máy thư lại bất tài nên để những người như Velazquez và Montes xâm nhập vào các khu vực nhạy cảm nhất.
Năm 2002, khi thấy Montes sa lưới, Velazquez nhanh chân ra khỏi cơ quan USAID, cùng chồng bay qua Thụy Điển sống từ đó. Lý do: đã từng phục vụ tại Thụy Điển, nhân vật này biết mình sẽ không bị dẫn độ về Mỹ vì Thụy Điển tin là công tác gián điệp cho ngoại bang chỉ phản ảnh một lập trường chính trị, không là tội phản quốc!

Ngày xưa, vì quá chú ý vào Liên Xô, An ninh và tình báo Hoa Kỳ coi thường hệ thống tình báo của một nước nghèo yếu như Cuba. Ngày nay, truyền thông thiên tả của Mỹ tránh nói đến “chuyện nhỏ” ấy mà ráo riết tung tin nhảm về việc điều tra Chính quyền Trump! 

Nhưng bài học Cuba khiến Chính quyền Trump còn phải nghĩ tới Sứ quán Hoa Kỳ cùng các nhân viên ngoại giao và an ninh sẽ qua phục vụ tại Cuba.
Nơi đó là đất sống của chế độ Castro với mạng lưới an ninh dày đặc và tinh vi. Họ sẽ lặng lẽ theo dõi, nghe lén, thu hình, tìm hiểu, gây áp lực hay mua chuộc để kết nạp cán bộ trong một môi trường dễ hơn Hoa Kỳ. Tòa Đại Sứ Mỹ tại Habana, tư thất của nhân viên ngoại gia hay thuộc cấp người bản xứ, các khách sạn hay hàng quán vây quanh khu vực lẫn xe taxi, tài xế sẽ được chiếu cố, kiều nữ máu nóng chân dài được sử dụng để giăng bẫy mật, đánh mỹ nhân kế.

Một chú Thủy quân Lục chiến bảo vệ Sứ quán mà uống rượu say trong quán trọ hay khách sạn cũng có khi được chiếu cố!
Chi tiết đáng chú ý khác là người ta có phể phản bội tổ quốc mà làm gián điệp cho xứ khác vì tìền, vì có tật xấu mà bị gây áp lực, hay vì tính kiêu mạn đòi một mình ngầm chống lại cả chế độ. Nhưng với trường hợp bốn người trí thức nói trên, lý do lại phức tạp hơn nhiều: họ phản quốc vì tin vào chủ nghĩa cộng sản và chính nghĩa của chế độ Fidel Castro. Lý do ấy khiến ta nên nhìn vào nền văn hóa và giáo dục của Hoa Kỳ mà lo cho giới trẻ đang hò hét khẩu hiệu cực tả, thân cộng hoặc chống Mỹ!

Sau cùng, với một nước nghèo như Cuba mà Hoa Kỳ còn hớ hênh như vậy thì nên cẩn thận với các đối thủ tinh ma và ác ôn hơn! Bên Liên bang Nga, biết đâu Trung Quốc hay Iran đang chẳng bận rộn đánh vào hậu phương Hoa Kỳ trước sự ngớ ngẩn của truyền thông và các học giả? Mà nếu Cuba còn có thể tung hoành như vậy thì kinh nghiệm 1975 khiến ta cũng đừng quên chế độ Hà Nội, một đồng chí thức ngủ của Cuba!
Với dân sành điệu mây khói, người viết này xin kết thúc bằng một cách ngôn: Đặc sản Cuba không chỉ có xì gà với khỏi tỏa thơm lừng!

Không có nhận xét nào: