Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Lời Của Bố - Đỗ Dung

Image result for Bố già ngồi nói chuyện với các con

Các con thương yêu,
 Từ dạo Bố trở về với gia đình sau 10 năm sống trong lao tù, nơi được mệnh danh là Trại Học Tập Cải Tạo ở Bắc Việt,  Mẹ thường nói bố hay lú lẫn, không còn minh mẫn như trước nữa.  Bây giờ, để Bố tâm sự với các con, thử xem Bố đã thực sự bị lẩm cẩm hay chưa nhé !?
<!>
 Theo những lý luận cuả Khổng Giáo mà Bố đã được thấm nhuần thì:
 Tam thập nhi lập, nghĩa là người ta khi đã 30 tuổi phải lo tạo dựng lấy sự nghiệp cho chính bản thân mình.
 Tứ thập nhi bất hoặc:  đến năm 40 mới thật sự hiểu được lý lẽ trong thiên hạ và phân biệt được kẻ xấu, người tốt và ít khị bị sai lầm nghiêm trọng.
 Ngũ thập tri thiên mệnh:  đến năm 50 tuổi mới hiểu thấu được mệnh trời, tức là chân lý huyền vi cuả tạo hoá.
 Lục thập nhi nhĩ thuận: đến năm 60 tuổi thì kiến thức từ sách vở cũng như kinh nghiệm sống ở trường đời mới thấu triệt và suy nghĩ hành động mới chu đáo.
 Thất thập cổ lai hy (hay thất thập nhị tùng tâm sở dục bất du):  đến năm 70 tuổi là đã đến mọi điạ vị một cách rất tự nhiên, nói hay làm một việc gì là thể hiện chủ tâm cuả mình, nói sao làm vậy, miễn là không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý thông thường cuả kiếp người trên trần thế.
  Bát thập đại thọ tiếu hi hi:  Đến năm 80 tuổi mà mệnh trời vẫn cho sống thì chỉ còn vỗ tay mà cười để nhìn lại cuộc đời mình đã trải qua, với tất cả thành bại trong cuộc sống
 Vậy, muốn đạt được sự hiểu biết ở mỗi lưá tuổi vừa kể trên, không phải cứ sống tới tuổi đó là biết được, mà phải chuyên tâm học hỏi từ thời niên thiếu.  Dù rằng có tuổi mà không tuân theo lễ giáo, không chịu học hỏi thì không sao trở thành người hữu dụng cho nhà và lợi ích cho nước được. 
 Giờ đây Bố đã ngoài 70, trong tình trạng sức khỏe yếu kém, Bố chợt nhớ lại mấy câu thơ cuả thi hào Pháp Alfred de Vigny:
Gémir, pleurer, prier est également lâche.
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche
Dans la voie où le sort a voulu t'appeler,

Tạm dịch là: 
Rên xiết, khóc lóc,cầu xin đều là yếu đuối
            Hãy hăng hái làm tròn nhiệm vụ lâu dài và nặng nề
             định mệnh đã dành sẵn cho mình
 Sao, các con đã vững tâm thấy Bố chưa đến nỗi quên mình hiện đang sống ở tuổi nào, chưa thành lẩm cẩm nói trước quên sau, để đâu quên đấy rồi phải không?
 Chỉ có một điều đáng buồn là tình trạng vật lý trị liệu cuả Bố không đạt kết quả như lòng mong muốn, chân tay Bố vẫn yếu, để cho Mẹ và các con phải bận tâm lo lắng.  Nhân đây, Bố xin chân thành cám ơn  Mẹ và các con vẫn luôn quan tâm đến sức khỏe cuả Bố.
 Trong một lá số tử vi do một nhà tiên tri Ấn Độ tặng cho Bố vào khỏang thập niên 1950 có ghi rằng Bố sẽ thóat khỏi một cơn bệnh thập tử nhất sinh và sẽ sống thọ đến bát tuần. Hy vọng rằng nhờ hồng phúc cuả tổ tiên để lại, cùng với sự tận tụy chung tình cuả mẹ và lòng hiếu thảo cuả các con, Trời Phật sẽ
phù hộ cho Bố sống đến 80 tuổi.  Chính vì thế, Bố hiện nay đã quên đi mọi phiền toái cuả cuộc đời này, chỉ muốn dành tất cả những chuỗi ngày còn lại cho vợ và các con, các cháu.  Hôm nay đại gia đình ta tập họp nơi đây mừng lễ Kim Khánh kỷ niệm 50 năm ngày cưới cuả Bố Mẹ, Bố mặc bộ y phục cổ, với áo dài, khăn xếp, khánh vàng, để cùng mẹ ôn lại kỷ niểm xưa khi Bố Mẹ kết hôn vào tháng Chạp năm 1944.
 Bố muốn nhắc lại câu châm ngôn cổ và cũng là nền tảng đạo lý gia đình:  Tào khang chi thê, bất khả hạ đường, nghiã là đối với người vợ cùng sống từ thuở hàn vi thì dù bất cứ vào hoàn cảnh nào cũng không rời bỏ. Đạo lý cổ cuả Việt nam ta là như thế đó. Ngày nay có nhiều người cho rằng đó là tư tưởng lạc hậu, không còn phù hợp với trào lưu văn hoá mới.  Nhưng các con ạ, theo suy nghĩ cuả Bố Mẹ thì đó vẫn là nền tảng cuả hạnh phúc gia đình.
 Nhân dịp này, Bố cũng muốn nhắc lại những kỷ niệm xưa khi các con còn ở tuổi thơ ấu, sống trong vòng tay triù mến thương yêu cuả Bố Mẹ:
 ANH DŨNG:  đứa con trai đầu lòng, thằng con so mà Mẹ luôn miệng nói là “con giai giống” cuả Bố Mẹ.  Khi con còn bé, hàng ngày Bố bế con đi họp hội nghị các trưởng khu tự vệ thành, Bố thường đội cho con cái mũ ca-lô xinh xinh.
 CHỊ DUNG:  Bố mẹ luôn luôn gọi con là “Tí Con Dung Lùn” vì khi bé con mũm mĩm lắm.
 MINH THUẬN:  vì lúc còn nhỏ con bé quá, chỉ bằng cái chai lít mà thôi, nên con mới có tên là tí Xiú
 VÂN HẠNH;  Bố gọi con là “ông Lý Hạnh’ vì lúc nhỏ con hay đội chiếc mũ che thóp giống như một ông lý trưởng đội khăn xếp .
 CHÚ TUẤN;  đâù trọc lóc không có một sợi tóc nào, miệng thì luôn đòi “đi đâu’ và hay bắt người làm bế đi chơi rong các phố.
 PHƯƠNG NAM, QUỲNH MAI, ANH THƯ, TUYẾT MINH, THIÊN HƯƠNG:  gia đình ta đã di cư vào Nam sau khi đất nước phân đôi năm 1954.  Các con đều được bà Nội chăm sóc, yêu thương.  Ngũ Long Công Chuá cuả Bố thường mặc những chiếc váy đầm giống nhau và đều do bà già Đạo bế ẵm.
 MINH DUY và ĐOAN THUỲ:  ra đời khi bà Nội đã quá vãng.  Khi đó cuộc sống ở miền nam đã thỏai mái hơn nhiều.  Bố còn nhớ mỗi khi đi làm về, tắm táp cho ba đứa bé nhất ;  Cun, Duy, Thuỳ xong là cho các con chơi xích đu tiên. Bố hay gọi Đoan Thùy là “Gang Ghì” như con thường hay nói ngọng.
 Rồi năm 1975 đến.  Các con bé từ Phương Nam trở xuống đã lớn lên trong lúc nhà ta sa cơ thất thế.  Bố thì bị bắt đi tập trung cải tạo, tài sản bị tịch thu, Mẹ và các con bị cưỡng chế đi đến nơi gọi là vùng kinh tế mới.  Sau đó Mẹ phải một mình chống chọi với đời.  Mẹ đã đảm đang buôn bán nuôi chồng bị tù và chăm lo cho các con từng đứa, từng đứa được đến bến bờ tự do.  Còn Mẹ ở lại với út Thùy để chờ đợi Bố.  Cuộc đời binh nghiệp của Bố kết thúc từ đó, đúng như câu thơ Bố đã làm mà các con thường thấy trong tấm ảnh treo tại nhà:            
Nửa đời bẻ kiếm đau hồn nước
                        Xé nát chinh bào thẹn núi sông. 
Các con phải nhiệt liệt tuyên dương Mẹ là bậc hiền mẫu tuyệt vời.  Bố nhân dịp này cũng muốn bày tỏ lòng tri ân đối với người bạn đời chung thuỷ, đảm đang đã thay Bố nuôi dạy các con nên người xứng đáng, và cũng xin Mẹ tha thứ cho Bố những lầm lỗi nhất thời lúc còn trai trẻ đã nhiều khi làm Mẹ phải buồn lòng.
 Xin cho Bố được gọi Mẹ bằng  mấy tiếng yêu thương thời trai trẻ năm xưa:  “Em Lâm[1] yêu quý, nay chúng ta đã sống trọn cuộc đời với nhau, em thật xứng đáng được ca ngợi, kèm theo những lời âu yếm cuả tuổi đôi mươi.  Xin trang trọng tặng em chiếc nhẫn KIM KHÁNH  kỷ niệm 50 năm trong nghĩa nặng vợ chồng cuả chúng ta.”  Ước mong đây là tấm gương sáng để các con cứ theo đó mà ăn ở với nhau theo đúng lễ giáo Việt nam và truyền thống gia đình cuả nhà ta. 
Đỗ Đình Tá

Không có nhận xét nào: