Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

LÀM CHA - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Tre và Măng
             Ai đã lập gia đình đều có cơ hội làm cha và mẹ.  Cha mẹ nào cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm tối thiểu đối với con cái mình: nuôi nấng và giáo dục.  Dù vậy không phải bức tranh phụ mẫu nào trên đời này cũng đều giống nhau.  Thuật làm cha mẹ tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội, kinh tế, trình độ văn hóa, sở thích và ước vọng của đấng sinh thành, truyền thống gia đình. 
<!>
Con người dù xấu xa cách mấy cũng hướng về Chân, Thiện, Mỹ.  Do vậy không có con người ăn cướp nào được người cha ăn cướp dạy thuật ăn cướp cả.  Trái lại, người cha nào trên mặt đất này cũng muốn ‘ Con hơn cha, nhà có phúc ‘.  Trong những trang giấy ngắn này tôi xin ghi lại vài thiếu sót trong nhiệm vụ làm cha của bản thân tôi để chia sẻ tâm tình với các con tôi, những thân thuộc, thân hữu và người đọc bài viết nầy nhân ngày Father’s Day.
            Tôi là một thầy giáo được làm cha từ năm 26 tuổi.  Tôi có 05 con tuần tự ra đời khi vợ chồng chúng tôi ở vào tuổi 30.  Các con của tôi đều được tôi đặt tên trước cho cả trai lẫn gái như là một thông điệp gởi gắm vào các con. 
            Là một thầy giáo dạy trường công và nhiều trường tư thục đủ các tôn giáo ở Sài Gòn, Gia Định và Bình Dương đời sống gia đình không đến nỗi thiếu thốn chật vật.  Các con tôi được nuôi dưỡng chu đáo về phương diện vật chất.  Tôi tiếp nối đường lối giáo dục con cái của cha tôi với một vài sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội đương thời.  Tôi giáo dục con rất nghiêm nhưng không quá khắt khe nhất là hướng dẫn và giáo dục đứa con đầu lòng.  Đó là đứa con được gần gũi tôi nhiều hơn cả.  Đứa con trưởng là đứa con được cha mẹ thương yêu và được hưởng nhiều ân huệ hơn các em.  Dưới chế độ quân chủ chỉ người con trưởng mới được quyền nối ngôi vua cha nếu không bị khuyết tật hay phạm trọng tội trong hoàng tộc.   Trong xã hội Khổng Giáo người con trai trưởng được hưởng phần gia tài của cha mẹ để lại với các em.  Ngoài phần phân chia này người con trưởng còn được hưởng phần đất hương hỏa để có hoa lợi hầu lo việc cúng kiến, giỗ chạp cho ông bà, cha mẹ. 
           Theo gương giáo dục của cha tôi, tôi không nghĩ đến việc tạo sự nghiệp để chia của đồng đều cho các con mà muốn hướng dẫn các con có chút vốn tri thức và nghề nghiệp để tạo dựng cho mình một cuộc sống ổn định, lương thiện, lợi cho mình và cho xã hội và quốc gia.      
            Người con trưởng như con chim đầu đàn.  Chim đầu đàn bay lạc hướng thì cả đàn khó tìm đúng hướng được.  Chính vì vậy người con trưởng là người được cha mẹ yêu thương nhiều nhất nhưng cũng là người chịu sự hướng dẫn và giáo dục gia đình gay go nhất.  Tôi kết hợp những gì tôi học từ cha tôi, từ bản thân tôi và từ những kiến thức mà tôi học hỏi nơi sách vở.  Trước năm 1975 tôi không để cho con tôi thiếu thốn nhưng lúc nào tôi cũng ngăn chặn sự xa xỉ.  Sự xa xỉ nào cũng dẫn đến óc kiêu ngạo và tính vô nhân đạo.  Tôi dạy các con tôi óc tự lập, sự tôn trọng tài sản của người khác, sự khiêm tốn, lòng tự tin, lòng nhân ái, gặp lạnh đừng run, gặp khổ đừng than mà phải đương đầu và tìm cách vượt qua.  Khiêm tốn không đồng nghĩa với khiếp nhược.  Tự tin không có nghĩa là kiêu căng, ngạo nghễ, sỗ sàng.  Khi con té, tôi không đỡ dậy.  Ngay từ khi mới sinh các cháu ngủ riêng trên chiếc nôi hay giường nhỏ của mình.  Khi các cháu ỷ mạnh xô lấn các bạn đồng tuổi thì bị rầy la ngay. Đi đâu tôi cũng dẫn con trai trưởng của tôi đi theo để cháu mở rộng tầm nhìn bên ngoài và tiếp xúc một cách dạn dĩ và tự nhiên với người lớn. Ngay từ tấm bé cháu thích mặc áo có cờ-vạt và mang giày hàm ếch.  Năm lên ba, bà ngoại cháu hỏi cháu biết đường xuống nhà ở Cư Xá Đô Thành không?  Cháu trả lời mạnh dạn: “Con biết.” Thế là cháu dẫn bà ngoại xuống nhà một cách dễ dàng trước sự ngạc nhiên của bà cháu.  Lúc sống ở Cư Xá Đô Thành, tôi sống gần một người cậu họ, chiều nào cậu cũng dẫn cháu đi dạo quanh cư xá.  Một hôm cậu về nhà và nói với tôi: “Thằng con của cháu thông minh lắm!”.  “Chuyện gì vậy cậu?” Tôi hỏi cậu.  Cậu nói: “Nó hỏi cậu cây nào cũng có lá, tại sao cây xăng không có lá?  Cậu không biết làm sao trả lời cho cháu hiểu?”         
            Anh Henri (Nguyễn Văn Việt) cho tôi một miếng đất để cất nhà ở Lái Thiêu.  Nhà tôi gần nhà của Ô. Lưu Tấn Kính, em họ của tiến sĩ Châu Tiến Khương.  Nhà này có vài cây nhãn rất sai trái hướng về phía nhà của tôi vì có ánh sáng mặt trời mọc.  Điều đặc biệt là các con tôi không đụng đến một trái nhãn nào của ông đến nỗi ông sai con ông hái nhãn đem qua cho tôi hàng năm!

            Nhiệm vụ làm cha của tôi trở nên bấp bênh sau năm 1975.  Tôi không còn được dạy học.  Đã vậy tôi phải dối gạt mẹ, vợ, các con tôi và chánh quyền địa phương rằng tôi vẫn còn dạy.   Sáng nào tôi cũng đạp xe đi về hướng Sài Gòn đến chiều mới về.  Khi vợ tôi bịnh phải giải phẫu ở bịnh viện Hùng Vương về tôi mới nói vài sự thật đau lòng.  Chiếc xe Scooter của tôi bị chánh quyền huyện Lái Thiêu tịch thu.  Tôi phập phồng lo ngại đến căn nhà của tôi trên Quốc Lộ 13.  Để chặn đứng sự suy sụp tinh thần tôi xuống Sài Gòn tìm mua một chiếc Scooter khác sau khi đổi tiền.  Lúc ấy xăng dầu khan hiếm, tiền mới đổi nên giá xe rất rẻ.  Điều làm cho tôi xúc động là tôi gặp một chiếc Scooter cùng số 8012 với chiếc xe bị huyện Lái Thiêu tịch thu, chỉ khác chữ mà thôi.  Tôi không sử dụng chiếc xe mới mua này nhiều mà chỉ để nó hiện diện trong nhà để an ủi tinh thần bớt suy sụp mà thôi.
            Trong cảnh khổ vật chất lẫn tinh thần tôi luôn luôn nêu gương kiên nhẫn, can đảm và lạc quan cho con.  Các con tôi không giống những đứa trẻ khác.  Các cháu vẫn còn tin vào sự giáo dục của cha.  Cha vẫn dùng chuyện Job, Jacob, Joseph, David, Quang Trung để kể cho các con và dạy các cháu Thiền nguyện.  Một cháu trai luôn luôn cúng nước trước bàn thờ Quang Trung Hoàng Đế mỗi ngày và cầu nguyện cho bác và chú được sớm tự do rời khỏi trại tập trung cải tạo.  Lời cầu nguyện của cháu như được sự hồi âm của vị Thiên Tướng Việt Nam.  Bác và chú của các cháu được tự do sau 7, 8 năm học tập cải tạo.  
           Cảm ơn Thượng Đế bảo vệ tôi khỏi tai họa và xui khiến các con tôi vẫn còn nghe lời chỉ dạy của tôi giữa lúc tôi không còn khả năng đem lại sự no ấm cho gia đình.  Đã thế tôi còn là một đối tượng bị theo dõi, bạn bè e ngại, người quen xa lánh.  Nhằm phá tan bầu không khí nặng nề trong gia đình do sự thiếu thốn vật chất gây ra tôi cho hai đứa con trai đi học đàn.  Thầy âm nhạc là ông ba Trọng, một giáo dân giàu có ở Bình Nhâm.  Vào thập niên 1940 ông dậy nhạc ở trường Tân Ánh MaiThủ Dầu Một.  Ông rất vui khi nhận con tôi theo ông học đàn vì chúng tôi quen biết nhau rất thân tình.  Từ đó trong nhà lúc nào cũng có tiếng đàn mandoline, guitare espagnole và tiếng khua nhịp nhàng của muỗng. Vật chất thiếu thốn thì mình dùng âm nhạc làm vui.  Ông ba Trọngrất thích thú vì hai con trai của tôi tỏ ra có năng khiếu về âm nhạc.  Ông dự trù dạy violon cho các cháu thì các cháu phải nghỉ học để lo học trong trường. 
           Tôi không xé khai sinh, xé bằng cấp và tẩy chay giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa bằng cách cho con nghỉ học.  Tôi không dạy hay không dám dạy các con tôi học môn gì và bỏ ngoài tai môn gì.  Môn học nào các con tôi kém đó là do sự lựa chọn tự nhiên của các cháu.  Trường học XHCN xem thường sinh ngữ.  Tôi chú trọng món này và dạy các con tôi hàng ngày.  Không biết để làm gì?  Vì bản thân tôi không có ý nghĩ rời Việt Nam.  Nhưng vạn vật hiện hữu trên mặt đất phải có công dụng của chúng.  Gia đình rơi vào cảnh túng thiếu ngặt nghèo, cơm không đủ no, áo không đủ ấm làm sao có tiền mà nghĩ đến việc vượt biên.  
           Tôi như được sinh ra để tin vào phép lạ.  Niềm tin kỳ quái ấy làm cho nhiều người biết tôi kể cả vợ tôi lấy làm lạ.  Câu Qui ne croit pas aux miracles est irréaliste trở thành kinh nhật tụng trong đời tôi.  Tôi là người thầm lặng nên ít muốn cãi vả, tranh luận với ai cả.  Nhưng luôn luôn bám lấy đức tin thiên bẩm tự nhiên của mình.  Trong tận cùng của sự khổ tôi dùng hình ảnh của Job để dạy các con tôi.  Hai bàn tay tôi bỗng nhiên nổi ghẻ vừa ngứa vừa đau nhức khó chịu.  Tôi cho đó là sự thử thách đến với tôi.  Vợ chồng thầy tôi, Giáo Sư Châu Long, đến thăm và mang thuốc uống và thuốc xức cho tôi chữa bịnh.  Tôi cám ơn thầy và nhất định thi gan cùng ma chướng.  Chuyện của tôi chỉ bằng một phần triệu chuyện của Job sao tôi không làm nổi một phần triệu đó?  Đó cũng là cơ hội cho các con tôi biết rõ cá tính của cha mình, một người cha nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái và nghiêm khắc với chính bản thân mình dù rằng đó là sự nghiêm khắc tương đối khả dĩ được mọi người chấp nhận được. 
            Có lẽ các con tôi thấy cha mình có những hành động kỳ quái.  Con gái út của tôi có lần hỏi mẹ: “Ba học bằng thầy Chín không?” Nếu thầy Chín còn đi học, thầy chưa học với ba con được.” Vợ tôi đáp.  “Sao ba ở nhà hoài vậy?” Con gái út tiếp tục hỏi một cách tò mò.  Vợ tôi im lặng không trả lời.  Giữa lúc gia đình lâm vào cảnh thiếu thốn cực kỳ tôi thản nhiên ngồi nghiên cứu châm cứu và cây cỏ và chữa bịnh miễn phí cho người đồng cảnh ngộ như tôi.  Về điểm này tôi cảm ơn vợ con tôi đã âm thầm ủng hộ tôi trong hoàn cảnh sa sút trầm trọng của gia đình.  Điều này cho thấy vợ và con tôi tin tưởng ít nhiều triết lý sống cá biệt của tôi vì tôi chưa có dấu hiệu của người điên loạngàn gẫm, thù đời hay ích kỷ đáng khinh. 
            Ở trường học các con tôi bị phân biệt đối xử.  Các cháu được xem là thành viên của những gia đình có lý lịch không trong sạch.  Các cháu bị cô lập trong sinh hoạt đoàn, đội trong lớp.  Lý lịch quyết định trong các cuộc thi cử vào các trường cao đẳng và đại học chớ không phải khả năng.  Nếu tính tuổi theo Mỹ con trưởng tôi tốt nghiệp Trung Học (như Tú Tài) năm 16 tuổi.  Cháu được chọn đi thi Anh Văn toàn quốc và được chấm đậu.  Nhưng khi thi vào đại học thì rớt.  Đó là sự thất vọng và thối chí đầu tiên của một thiếu niên 16 tuổi.  Con trưởng buồn rầu vì không thấy tương lai ngay ở tuổi 16.  Con gái út than thở với mẹ về sự bất công của cô giáo trong lớp.  Cháu than với mẹ mà không dám than với cha.  Tôi hỏi vợ tôi chuyện gì làm cho con gái út buồn và thối chí?  Vợ tôi lấy cuốn tập của cháu và chỉ tất cả các bài làm đều được 10/10 nhưng lúc nào cháu cũng được xếp hạng 20 trở xuống!  Thấy con buồn rầu tôi đành phải viết một bức thơ cho Phòng Giáo Dục để tìm hiểu một học sinh có 100% điểm 10/10 nhưng được xếp từ hạng 20 trở xuống vậy người được xếp hạng nhất được bao nhiêu điểm?  Tôi đề nghị cho học sinh đứng hạng nhất thi với con gái út của tôi.  Không ai hồi âm cho tôi cả.  Nhưng sau đó con tôi được xếp hạng 3, hạng 4!!  Tôi không biết nói gì mà chỉ biết an ủi con mà thôi. 
            Người cha thời cuộc dần dà đi vào nếp cũ của tiền nhân:  cam phận và thúc thủ trước tình thế.    
            Tiếng khóc của trẻ con xé nát tim can của cha mẹ nghèo.  Các con tôi không khóc khi nằm trong nôi.  Bây giờ cháu đã lớn.  Các cháu khóc trong tim vì bị cả một guồng máy xã hội xô lấn và đe doạ đè bẹp.  Nỗi buồn của con lay động sự suy nghĩ của người cha.  Nếu tôi thụ động và thích ứng với xã hội chèn ép và đè bẹp mình thì năm đứa con của chúng tôi phải chấp nhận số phận hẩm hiu.    
            Nhưng phải làm gì bây giờ?    
            Tiền đâu để vượt biên?    
            Không quen biết với giới tổ chức vượt biên thì biết tin ai đây, ngõ nào để đi?     
            Trí của người làm sao bằng sự sắp xếp của Thượng Đế.  Người rơi vào cảnh túng quẩn không lối thoát và đành cam phận nhưng Thượng Đế không thấy như vậy.    
            Trước tiên Thượng Đế tạo cho tôi quyết định phải vượt biên bằng cách:
-           bóp nghẹt mọi nguồn thu nhập của tôi qua các lớp dạy sinh ngữ 
-           báo điềm cho tôi qua những tiếng gọi và giấc chiêm bao đến nỗi khi nói ra vợ tôi không một thoáng tin tưởng!  Người khác nghe tưởng tôi bắt đầu lên cơn để nói chuyện hoang đường.
-           cho tôi gặp chị năm, một người bà con bên vợ người anh thứ tư của tôi, trong lúc tôi đi Thủ Đức thăm thầy Châu Long (lúc ấy thầy đã mất).  Chị năm khuyên tôi nên rời khỏi Việt Nam.  Tôi bàn với vợ tôi về chuyện này để cho con trưởng tôi vượt biên.     Tiền đâu mà nghĩ đến chuyện xa vời? 
            Sự buồn bực của con trưởng tôi làm cho một người chị họ của vợ tôi đau lòng.  Chị mồ côi khi còn nhỏ.  Bà nhạc tôi nuôi chị.  Chị không có gia đình và không làm gì ra tiền ngoài tiền mà bà nhạc tôi cho vì chị làm phụ vài công việc trong nhà hàng ngày.  Chị rất thương các con tôi và các cháu rất mến chị.  Chị nói với vợ tôi tìm đường vượt biên cho con trưởng của tôi.  Chị sẽ cho tiền.  Khi tôi nói chuyện với người chị dâu về chuyện cho cháu vượt biên.  Chị tôi nói: “Chú phải đi.  Bằng mọi giá chú phải đi.  Chuyến nầy gia đình bên tôi có 09 người đi.  Chú có khó khăn gì cứ nói cho tôi biết để lo liệu.  Chú phải đi.” Chị dâu tôi nhấn mạnh lời này như một mệnh lịnh.  Lúc ấy có lịnh cấm bán nhà.  Anh tôi học tập về gia cảnh túng bấn nên tìm cách bán nhà nhưng gặp lịnh cấm bán nhà.  Con gái anh tôi đem chuyện nầy than thở với một người bạn học.  Cô này là con của một quan chức chánh quyền mới.  Cô về nói với cha cô xem có thể giúp gì cho gia đình người bạn khác chiến tuyến.  Nhờ đó anh tôi bán được căn nhà trên đường Phan Đình Phùng.  Chị dâu tôi (vợ của người anh Phạm Đình Trí đã mất) chụp cơ hội này nói với anh Hưng cho tôi mượn tiền để vượt biên.  Anh Hưng vì thương tôi nên đồng ý không một chút do dự.  Rồi chính anh quyết định cùng đi với tôi và con tôi vào giờ chót đến nỗi vợ anh không hề biết vì chị về Phú Kiết thăm mẹ. 
            Đến đây tôi xin được nói qua về liên hệ tam giác giữa anh Phạm Đình Hưng- tôi- con trai trưởng của tôi.     
            Năm 1966 anh tôi và tôi thành lập liên danh ứng cử Quốc Hội Lập Hiến ở Bình Dương, tỉnh sinh quán của chúng tôi.  Ngay trong ngày bầu cử 11-09-1966 con trai đầu lòng của tôi chào đời.  Tôi bận lo kiểm phiếu nên không đến bịnh viện Từ Dũ thăm con được.  Hôm ấy liên danh chúng tôi dẫn đầu.  Liên danh do ông Nguyễn Đình Quát thụ ủy đứng thứ nhì.  Theo thể thức đại diện tỷ lệ (représentation proportionnelle) anh Phạm Đình Hưng và Nguyễn Đình Quát được xem là dân biểu QHLH.     
            Bây giờ vượt biển anh tôi, tôi và con trai trưởng của tôi đều có mặt.  Chuyện vượt biên được trơn tru sau 32 giờ lênh đênh trên biển Thái Bình Dương.  Sáu tháng sau ngày vượt biển chúng tôi đến Hoa Kỳ. 
            Chúng tôi đến Hoa Kỳ ngày 27-01-1986 vào một ngày băng giá.  Đó là nơi tôi được gọi đến trong một giấc ngủ vào thời điểm tôi không có chút hy vọng nào về việc vượt biên.  Tuyết trắng tuy lạnh nhưng không giá lạnh bằng tâm trạng não nề của tôi.  Thật khó tả nỗi lòng của người không muốn ly hương lại phải ly hương, nỗi lo lắng của người chồng và người cha đối với vợ và các con còn ở lại quê nhà, sự đau nhói trong tim của người vô tổ quốc khi vừa bước xuống xe buýt và đi từng bước nặng nhọc trên những đống tuyết dày cộm bỗng có tiếng la to “Go home!  Go home!’.  Tôi hướng mặt về phía tiếng gọi ‘go home’ mới biết có một người Mỹ da màu gọi tôi ‘go home’ như thể tôi giành đất sống với anh ta vậy.  Ở Việt Nam không ai đuổi tôi “Đi!  Đi!” tôi lại đi.  Và phải trả tiền và giao mạng sống cho biển cả để được đi tự nguyện.  Nước Mỹ không mời tôi lại đến nên anh Mỹ nầy nóng ruột là phải.  Thực sự tôi không mấy quan tâm đến sự hẹp hòi của người Mỹ đơn lẻ này.  Nếu anh ấy lạc sang Việt Nam chắc anh không được như tôi bây giờ.  Thành phố tuyết nơi tôi đến là thành phố tôi được gọi đến đó.  Tôi vâng lời đến đó với nỗi lo âu canh cánh bên lòng vì không có một việc làm thích hợp với khả năng để có tiền bảo lãnh vợ và các con còn ở Việt Nam.   Anh tôi chịu lạnh không nổi cũng tìm cách đi tìm vùng đất ấm nơi có bạn bè và đồng nghiệp cũ sinh sống.    
            Nhiệm vụ làm cha của tôi ở Hoa Kỳ bắt đầu bế tắc.    
            Ở Việt Nam sau năm 1975 tôi vẫn còn hướng dẫn, dạy dỗ cho các con trong hoàn cảnh nghèo nàn, thiếu thốn và bị rình rập.  Lúc ấy các con tôi còn nhỏ.  Ở Hoa Kỳ con tôi đã 18 tuổi.  Tiếng Anh của cháu khá vững vàng.  Cháu là phụ giáo (TA) trong trại tỵ nạn Phi Luật Tân, làm việc cho ICM và là đại diện cho người tỵ nạn định cư ở Hoa Kỳ trong chuyến bay ngày 27-01- 1986.  Đến Hoa Kỳ, trong khi chờ đợi việc nhập học đại học, cháu thử sức bằng cách thi GED và được thông qua dễ dàng.  Chuyện đau lòng là đến Hoa Kỳ hai cha con lại phải xa nhau.  Anh tôi đi hướng Tây.  Tôi đi hướng Nam.  Con tôi ở lại để chuẩn bị nhập học đại học.  Hai anh em chia tay nhau và chia tay với con tôi tại phi trường Detroit.  Con tôi trở thành một hàn sĩ trên đất lạ.  Cháu làm chủ một căn nhà 03 phòng, có lầu và basement.  Tiền thuê tượng trưng mỗi tháng $100.  Tôi làm việc ở miền Nam.  Mỗi năm về thăm con một lần.  Những ngày còn lại trong năm là những ngày cầu nguyện cho con và cho gia đình còn ở lại Việt Nam.  Tôi không làm tròn bổn phận của người cha trên đất lạ quê người.  Tôi bất lực trước hoàn cảnh và chỉ còn tinh thần phó thác với niềm tin Thượng Đế không bỏ rơi một người không có chất Thánh nhưng không có gì đáng ghét, đáng khinh và đáng bị trừng phạt cả.  Lời cầu xin của tôi được sự hồi âm tốt.  Con tôi chí thú học hành.  Mùa hè cháu xin làm việc hè để có chút ít tiền chi xài.  Nhờ những công việc này mà cháu quen biết nhiều với người Mỹ và biết thêm nhiều từ ngữ và tiếng lóng của người Mỹ.  Ngày Father’s Day năm 1990 cháu lấy BS về Electrical Engineering. 
            Cuối năm 1990 vợ và 04 con ở Việt Nam đoàn tụ với tôi ở miền Nam.  Đợi đến khi tất cả đều có số SS # tôi và con trưởng tôi đưa các con vừa đoàn tụ về thành phố mà tôi được gọi đến ở miền Bắc.  Tôi vẫn tiếp tục làm việc ở miền Nam.  Nhiệm vụ hướng dẫn các em do con trưởng tôi đảm nhận thay cha.  Hàng năm vào dịp Thanksgiving hay Christmas vợ chồng tôi về thăm các cháu với những đặc sản miền Nam.
             Con trưởng tôi xứng đáng là người anh trưởng.  Cháu phải hướng dẫn các em từ việc lấy thẻ xanh, ghi danh nhập học đại học, lái xe v.v.  Đi làm về cháu lo nấu nướng thậm chí đem quần áo của các em đi giặt để các em có đầy đủ thì giờ để học.  Cháu biết nỗi lo lắng, khổ cực và dày vò của các em sau khi tôi rời khỏi Việt Nam.  Nhờ sự tận tụy của cháu mà các em được học toàn thì và không làm việc chi cả.  Đó là một điều không dễ làm ở Hoa Kỳ giữa lúc điều kiện tài chánh của các cháu không có gì đáng nói cả.  Khi các em tốt nghiệp đại học và tiếp tục học lên cao, cháu là senior engineer lương hướng khá rộng rãi.  Cháu lập gia đình và quyết định học y khoa.  Vừa lập gia đình lại bỏ công việc kỹ sư ở Dearborn để đi học y khoa, cháu làm cho vợ tôi suy nghĩ.  Suy nghĩ vì đó là một quyết định quá táo bạo.  Suy nghĩ vì sợ học không nổi do tuổi trên 35 mặc dù cháu được hai trường y khoa tuyển.  Vợ tôi suy nghĩ mông lung.  Tôi suy nghĩ khác hẳn.  Tôi khuyến khích cháu chọn con đường mà mình ưa thích mãi đến bây giờ mới thực hiện được.  Tôi khuyên vợ tôi ngừng lo sợ với lập luận không bình thường với phần lớn người đời rằng Thượng Đế đã cho tất Người có giải pháp.  Việc đùm bọc của con trưởng của tôi tiếp nối truyền thống đã có từ cha tôi.  Cha tôi từng nuôi các chú ăn học ở Sài Gòn rồi nuôi con của các chú và cháu của vợ nữa!  Anh trưởng của tôi, anh Hưng lo cho chúng tôi sau khi cha mất sớm.  Tôi tiếp nối bằng cách lo cho em út và con của một người cậu bây giờ là một đại gia ở Việt Nam.  Công việc này được con tôi tiếp nối ngay lúc cha còn sống.    

            Không có sức mạnh nào không phá vỡ được nếu có đoàn kết.    
            Không việc khó khăn nào không làm được nếu có tình thương.
           Happy Father’s Day
           
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Không có nhận xét nào: