Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Di sản văn học miền Nam I - Nguyễn Văn Lục

Mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ
Chiến tranh, thì cũng tựa phù vân.
Trần Hoài Thư..

Nguyễn Văn Lục
<!>

Trong nỗ lực phục hồi di sản văn học miền Nam, ban biên tập dcvonline.net-qua trung gian nhà văn Trần Hoài Thư- có ý muốn phục hoạt lại một phần các tác phẩm của gần 200 nhà văn miền Nam thuộc đủ mọi khuynh hướng, đủ các thế hệ già cũng như trẻ và đặc biệt các nhà văn mặc áo lính.
Việc thu thập tài liệu trên là một thách đố cho bất cứ ai bởi vì chính sách truy diệt Văn hóa Mỹ-Ngụy.
Trong một bài viết: Sống lại dĩ vãng, Phạm Văn Nhàn có trích dẫn một câu truyện khá cảm động, nhà thơ Viêm Tịnh ở Huế tình cờ tìm thấy nửa trang báo cũ của Khởi Hành, trong đó có đăng 3 bài thơ của ông, ông viết:
‘Sau 1975, mình vào Saigon đi kiếm tiền ở khu nhà ga xe lửa cũ trên đuòng Lê Lợi, mình vào nhà vệ sinh công cộng ở bên hông nhà ga và thật mủi lòng thấy một nửa trang báo Khởi Hành rách bẩn có thơ của mình.( (Trích Thư quán Bản Thảo, chủ đề Khởi Hành và tôi. Thư của nhà thơ Viêm Tịnh tư Huế)
Thêm một bằng chứng hiển nhiên và hùng hồn là khi ông chủ bút dcvonline.net sau khi cho đăng tải lại các số Đại Học đã được số hóa của Viện Đại học Huế thì bất ngờ nhận được thư của một vị chủ nhiệm tạp chí khoa học Đại Học Huế- ông Dương Đức Hưng-liên lạc và ngỏ ý muốn có đầy đủ các files của tờ tạp chí Đại học Huế để dùng làm tài liệu trong dịp 60 năm thành lập Viện Đại Học Huế((1957-2017).
Ban biên tập dcvonline đã không đồng ý trao toàn bộ files Tạp chí Đại học theo lời yêu cầu của ông Dương Đức Hưng vì một lẽ giản dị vì đó là quyền sở hữu trí tuệ của tờ báo.
Tuy nhiên, việc xin lại tài liệu của Tạp chí Đại Học Huế ghi nhận có ý nghĩa và đáng trân trọng.
Nhưng nó cũng chỉ ra rằng một điểu rất là vô lý và trái khoáy!! Tạp chi Đại Học Huế chính ra có thể lưu trữ ít lắm cũng vài ấn bản của tập san. Vậy mà hiện nay đã không còn lưu trữ được một ấn bản nào trong thư viện của Đại học Huế. Và có lẽ cả cái thành phố Huế cũng không còn một ai lưu trữ được một số báo nào?

Một thành phố có tiếng là đất văn vật với thành quách, đền đài cung điện mà chỉ còn cái hồn của Huế xem ra cũng không chắc giữ được? Huế đã chết chôn vùi quá khứ của nó mà cái hiển hiện chỉ là cái bề ngoài không che đậy được qua bao lớp sóng phế hưng của những biến động chính trị dồn dập xảy ra cho Huế!!
Để đến nỗi khi cần tài liệu của Huế phải cầu cứu đến một tờ báo điện tử ở hải ngoại cung cấp tài liệu cho Đại Học Huế?
Riêng mối liên hệ chóng vánh của tôi với ông Dương Đức Hưng trở thành nguội lạnh khi tôi nhắc khéo ông là nếu có xử dụng tài liệu của Tạp chí Đại Học thì nên cố gắng trung thực được chừng nào hay chừng ấy. Ông – một tiến sĩ chủ nghĩa Mac-Lênin- đâm mất bình tĩnh lên giọng cán bộ dạy dỗ tôi. Chấm dứt liên lạc.
Điều đó càng đem lại cho tôi một niềm tin sắc bén rằng-mặc dầu các nhà văn và tác phẩm của họ đã bị xóa sổ sau biến cố 1975- Sự phục hoạt lại mảng văn học miền Nam là một điều nên làm.
Nếu không làm bây giờ thì sẽ quá trễ.
Nhiều nỗ lực ở hải ngoại của một số nhà xuất bản sau 1975 như Xuân Thu, Đại Nam cũng là một điều khích lệ mặc dầu không loại trừ mục đích thương mại của họ.
Tuy nhiên, sinh hoạt xuất bản này bị khựng lại ví do số lượng người đọc được tiếng Việt mỗi ngày một suy giảm,
Trong nước, hiện có một xu hướng tìm về do những người hiểu truyện như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà bình Phạm Xuân Nguyên và của một số nhà xuất bản đã làm. Họ cho in lại một số tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mộng Giác, các tác phẩm sử học của Tạ Chí Đại Trường. Và mới đây nhất, nhà xuất bản Trẻ cho in cuốn Lục Châu Học của Nguyễn Văn Trung.
Tuy nhiên, cũng vẫn chỉ là công việc muối bỏ biển.

Ngoài nước, Phạm Thị Hoài là người đã nghĩ đến việc này và hàng loạt tài liệu về Văn học miền Nam đã được in, trích lại trên Talawas. Rất tiếc, công trình đó bị bỏ dở vì một lý do nào đó, Phạm Thị Hoài đã phải đóng cửa Diễn Đàn Talawas để lại sự tiếc nuối của nhiều người. Trong đó có tôi.
Hiện nay có một nỗ lực ngoài sức người của nhà văn Trần Hoài Thư. Ông cùng với đám bạn bè của ông như Hồ Thanh Tâm, Đặng Kim Côn, Nguyễn Hoàng Quân, Phạm Văn Nhàn, Nguyên Minh, Lại Quảng Nam, Thành Tôn, Thu Hương (Seattle), Nguyễn Thị Hải Hà, anh chị Lệ Uyên, cô T.H, Ngô Kim Chi tiếp tay với ông .
Kỷ niệm đầu tiên giữa tôi và ông THT là một ngày tháng nọ- đã lâu- một học trò tôi ở Philadelphia gửi cho tôi một tuyển tập thơ đồ sộ: Thơ miền Nam thời chiến (sách in 2006, dày 818 trang với 263 nhà thơ với lời dặn dò: Kính tặng thầy để tham khảo để thấy công lao của anh Thư.
Dù không dặn dò thì chỉ cầm cuốn sách nặng chịch cũng thấy được tâm huyết đổ vào đấy.Tôi vốn không ưa thich thơ, nhưng nhiều bài thơ đọc cũng muốn rơi vài giọt nước mắt.

Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
cũng đem chiếc áo lành ra mặc
cũng ăn một bữa cơm cho no
cũng ngủ một giấc trên giường, trên chiếu
khổ đau lúc này mẹ gói trong mơ.( Đêm Giáng sinh, Hồ Minh Dũng)

Và một Nguyễn Đắc Sơn quen thuộc trong bài Căn bệnh:
Mày gửi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Đời tàn theo lứa tuổi thanh xuân

Chưa bao giờ tôi thấy một tập thơ in một cách ‘rất tiểu công nghệ’ như thế. Phải xô chỉ, xỏ kim tùng mũi một như thế nhìn là biết công khó của tác giả.
Sau này được biết, ông gom tiền mua một vài máy như máy in, máy cắtvv ở ngay sous-sol nhà. Ông mày mò nhờ bạn bè trong nước kiếm tài liệu, lóc cóc cùng với chị Yến-vợ ông-tìm thêm tài liệu tại thư viện đại học Cornell.
Tìm về được lóc cóc đánh máy, in ấn một mình.
Vậy mà ông đã in được bốn tuyển tập, dày hơn 2000 trang với gần 200 nhà văn đủ loại. Gửi cho bạn bè bằng bưu điện đi khắp nơi thì tiền bưu điện đắt gấp đôi tiền vốn. Ông vẫn tiếp tục gửi, tiếp tục làm việc như người lên đồng. Chưa hề thấy lần nào ông ngửa tay xin tiền bạn bè. Ai cho thì ông nhận. Chỉ thế thôi.
Và đây, xin ghi lại một cảm tưởng của một người đã có chuyện được in lại:
‘Sau 34 năm thất lạc, giờ mới nhận lại được đứa con tinh thần tên Thăm viếng. Thật sự cũng cảm thấy mừng mừng tủi tủi, lại chạnh lòng thương nhớ những đứa con khác mà mình đã chôn vội chôn vàng xuống lòng đất sau 30-4-1975( Trích Âu Thị Phục An, tác giả Thăm viếng, tập I).
Ở đây, phải có phép của ông để xin nói về hoàn cảnh của ông mà tôi chợt nghĩ so sánh đến câu truyện :
Con chó vàng của nhà văn Nguyên Hồng thời tiền chiến. Vợ ông, chị Yến đau nặng, mất khả năng tự lập. Mình ông hầu vợ, cơm bưng nước rót, rửa ráy tắm rửa một tay ông. Rảnh chút thì giờ rảnh rang thì lại chui xuống sous-sol nhà, loay hoay in ấn.
Và trong những ngày tháng sắp tới, những sưu tầm của ông được ông trao gửi cho ông chủ biên dcvonline.net phổ biến rộng rãi khắp nơi..nhất là bạn đọc trong nước.
Phần riêng tôi, mong ông tiếp tục làm việc mà ngày tháng của ông cũng được đong đếm từng ngày vì đau ốm bệnh tật. Nếu độc giả nào còn thiết tha đến văn học miền Nam, muốn có tác phẩm bằng giấy in, xin liên lạc với ông ở địa chỉ: tranhoaithu@verizon.net
Những người có lòng như ông đốt đuốc đi kiếm cũng không nhiều.

Nguyễn Văn Lục
( còn tiếp )

Không có nhận xét nào: