Cha tôi là người con trưởng của
một ông cụ đồ nho. Ông sinh vào khỏang năm 1897 tại một làng quê trong tỉnh Nam
Định thuộc vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt nam. Cũng như đa số bà con
trong làng thời ấy, cha mẹ tôi đều theo đuổi nghề làm ruộng - như tôi vẫn còn
nhớ trong giấy khai sinh của mình thời trước năm 1945 thì được ghi bằng tiếng
Pháp – mà trong mục nghề nghiệp của người cha, thì được viết là “cultivateur”.
Tên thật của cha tôi là Đoàn
Đức Hải, nhưng bà con thường gọi là ông Chánh Hải. Chữ Chánh ở đây là một “chức
vị hàm” như Chánh Hương, Chánh Hội – chứ không phải là chức vị thực sự hẳn hòi
trong hệ thống chính quyền ở thôn quê miền Bắc dưới thời Pháp thuộc như chức vụ
Chánh Tổng là một viên chức có uy quyền cai quản cả một khu vực gồm đến 5 -7 xã
trong một huyện (ở trong Nam, thì gọi là ông Cai Tổng). Như vậy là cha tôi đã
không hề là một viên chức của chính quyền vào thời kỳ trước năm 1945; ông chỉ
là một nông dân bình thường mà thôi.
<!->
<!->
Mẹ tôi cho biết là: “Bố con
là người có sức khỏe tốt, tinh thần lành mạnh, lại có nhiều sáng kiến, siêng
năng làm việc và có tính quyết đáp – một khi đã khởi sự làm việc gì, thì quyết
tâm theo đuổi công việc đó cho đến cùng. Vì thế mà bố con gặt hái được nhiều
thành công trên đời. Đó là một đức tính tốt, đàn ông con trai như con thì sau
này phải tập noi theo cái gương đó...”
Kể từ giữa năm 1945 trở đi,
cuộc sống của bà con trong làng Cát Xuyên chúng tôi đã hồi phục lại sau nạn đói
khốn khổ hồi đầu năm Ất Dậu khiến làm thiệt mạng đến cả trăm người dân. Và
trong các gia đình, ai nấy đã bắt đầu tìm lại được bàu không khí an vui phấn khởi
như xưa. Tòan thể dân làng đều biểu lộ sự vui mừng nô nức trước hoàn cảnh mới của
nền độc lập tự chủ trên đất nước, sau khi nước nhà vừa mới thóat khỏi được tình
trạng đô hộ kềm kẹp của thực dân Pháp. Đặc biệt là lớp thiếu niên nhi đồng cỡ
tuổi 11- 12 như tôi, thì suốt ngày say mê hát hò theo những bài ca mới lạ, kêu
gọi lòng yêu nước, yêu dân tộc.
Trong khí thế sôi nổi hăng say như thế đó, cha
tôi thường hay tâm sự với bà con trong làng như thế này: “Bây giờ nước ta có độc
lập tự do rồi, riêng tôi thì chỉ còn có mỗi một điều mong ước - đó là có thể
leo lên máy bay mà đi thăm bà con bạn bè ở khắp nơi trên đất nước Việt nam
mình. Rồi thì có nhắm mắt, xuôi tay cũng được thỏa chí vui lòng mà không còn điều
gì tiếc nuối ân hận nữa cả ...”
Nhưng, bất hạnh thay cái ước
mơ nhỏ bé đơn sơ ấy của cha tôi lúc ở vào cái tuổi 50 đã không làm sao thực hiện
được – bởi lẽ đơn giản là chẳng bao lâu sau đó vào đầu năm 1948 ông đã bị người
Việt minh cộng sản bắt đi biệt tăm và chẳng bao giờ gia đình chúng tôi lại còn
có dịp gặp lại ông nữa. Trong bài viết ngắn này, tôi xin lần lượt ghi lại những
kỷ niệm vui buồn thật đáng nhớ của những ngày tháng cuối cùng mà cha con chúng
tôi còn sinh sống chung với nhau trong mái ấm gia đình. Xin trình bày sự việc
như đã xảy ra cách nay đã đến 70 năm với các chi tiết sau đây.
I - Hồi đó, vào thời kỳ những
năm 1945 - 46 tôi đang ở lứa tuổi 11 – 12, thì hay được cha tôi cho đi theo ông
trong các cuộc viếng thăm bà con, bạn hữu thân thiết của ông trong các làng xã
lân cận. Nhờ được gần gũi sát cánh với cha như vậy, nên trí óc tôi lần hồi được
tiếp nhận thêm sự hiểu biết về con người, về các sự việc trên đời. Và tâm hồn
tôi cũng được nâng cao thêm lên theo với lý tưởng đạo hạnh truyền thống của
dòng họ nhà mình. Và tôi thực sự có lòng quí mến và cảm phục đối với người cha
nhân hậu và quả cảm gương mẫu như thế đó.
Ông ôn tồn kiên nhẫn giảng giải
cho tôi nhiều điều thật có ích lợi cụ thể thiết thực cho tôi sau này khi đã đến
tuổi trưởng thành. Đại khái như các bài học qua mấy câu ngắn gọn như thế này: *
Con nhà gia giáo, thì phải biết “Kính Trên, Nhường Dưới” - tức là luôn tỏ ra
khiêm tốn, lịch sự nhã nhặn đối với mọi người, bất kể người đó là ai. * Người
trượng phu quân tử thì luôn “lấy chữ Tín làm trọng” - tức là phải giữ đúng lời
mình đã hứa với người khác.Và người quân tử đích thực thì phải có đày đủ ba phẩm
chất như các cụ xưa gọi là “Nhân, Trí, Dũng” * Khi muốn hỏi tên của người nào
mà lớn tuổi hơn mình, thì con nên nói “Xin cho biết quí danh” nghe có vẻ lịch sự
hơn – chứ không nên nói “Xin cho biết tên”. * Dòng họ Đoàn nhà ta tuy không phải
là một “danh gia vọng tộc” với tước vị cao sang quyền quý gì. Ấy thế nhưng cha
ông chúng ta cũng chưa hề bị vướng mắc bởi những việc làm xấu xa tệ hại, hoặc
do việc gây ra ân óan thù hằn gì đối với bất kỳ một ai trong xóm làng. Vì thế
mà các con phải nhắc nhở lẫn nhau để cùng ra sức cố gắng “giữ gìn mãi được cái
tiếng thơm đó” của gia tộc nhà mình v.v…
Do cuộc chiến tranh Việt Pháp
bùng nổ vào cuối năm 1946, trường học đóng cửa nên tôi phải ở nhà suốt trong
năm 1947. Tôi được cha giao cho việc chăn giữ con trâu, dẫn nó đi ăn cỏ ngoài đồng,
cho nó đi tắm ngoài sông rạch vào ban trưa và buổi chiều còn đi cắt cỏ để cho
nó ăn thêm vào ban đêm nữa. Tôi thật thích thú với công việc này, vì thấy mình
được góp phần có ích lợi cho việc canh tác của gia đình và cũng được tự do cùng
các bạn ngang lứa tuổi đi tung tăng khắp các nẻo đường trong thôn làng nữa. Cha
tôi còn dẫn tôi đến tiệm thuốc bắc của ông lang trong khu chợ làng để nhờ ông dậy
kèm thêm cho về môn chữ nho. Nhưng sau đó tôi bị bệnh sốt rét ngã nước rất nặng,
nên chuyện học hành này cũng bị ngưng lại.
II – Cuộc sống của gia đình
tôi tại làng quê đang êm ả thuận chiều ấm cúng như vậy, thì bỗng dưng xáo động
vì những tai vạ khủng khiếp do người cộng sản gây ra đối với những người thân
thiết trong gia tộc.Cụ thể là mấy chuyện như sau:
21 – Việc sát hại cậu út Tống
Văn Dung vào mùa hè năm 1947.
Cậu Dung là người em út của mẹ
tôi. Cậu đẹp trai, trắng trẻo lanh lợi và đã đậu văn bằng trung học (diplôme)
vào khoảng năm 1939. Cậu là người thày giáo dạy khai tâm cho tôi tại trường sơ
học trong làng Cát Xuyên vào năm 1941 – 42 lúc tôi mới lên 7 – 8 tuổi. Vào năm
1946, hai người em của mẹ tôi là cậu Tú và cậu Dung đều chuyển sang sinh sống với
gia đình bên vợ các cậu ấy tại Ninh Bình, Phát Diệm.Và đến đầu năm 1947, cha
tôi và cậu Lý Đạc là người em khác sát kế với mẹ tôi đã thực hiện một chuyến đi
thăm hai cậu ấy bên Phát Diệm. Tôi và em Bính con cậu Lý Đạc được cho đi theo
trong chuyến đi này.
Thế mà chẳng bao lâu sau đó
vào mùa hè năm 1947, gia đình chúng tôi được tin cậu Dung đã bị Việt minh bắt
giết và ném xác xuống sông Trì Chính gần thị xã Phát Diệm. Được tin khủng khiếp
này, mẹ tôi đã vật vã sầu khổ khóc lóc, bỏ ăn bỏ ngủ suốt mấy ngày liền - khiến
cho anh chị em chúng tôi đều xúc động không cầm được nước mắt. Trong nhà, ai nấy
đều đem lòng oán hận những người đã tàn ác ra tay sát hại người cậu yêu quí của
chúng tôi như vậy. Khi cậu mất, thì mới ở vào tuổi ngoài 30, để lại mợ Dung và
hai em Dũng và Trinh còn rất nhỏ tuổi.
Rồi chỉ vài tháng sau vào cuối
năm 1947, thì cậu Lý Đạc cũng lại qua đời vì bệnh, lúc đó cậu cũng mới được chừng
45 tuổi. Anh chị em chúng tôi thương mẹ vô cùng, vì chỉ trong vòng chưa đày 6
tháng mà bà đã mất đi hai người em ruột của mình.
22 – Đến lượt cha tôi bị công
an đến tận nhà bắt đi vào đầu năm 1948.
Vào khoảng tháng 3 năm 1948,
mấy người công an Việt minh lại đến nhà “mời cha tôi cùng đi với họ” nữa. Lại
thêm một tai họa cho cả gia đình chúng tôi vì sau cái chết liền nhau của hai
người cậu chỉ vừa cách đây có mấy tháng, mà bây giờ thì cha tôi lại bị bắt dẫn
đi khỏi nhà nữa. Mẹ con chúng tôi ai nấy đều sầu khổ buồn rầu và càng thêm oán
hận đối với người cộng sản đã gây ra cái chuyện đau thương ác nhân ác đức tột
cùng như thế đối với cả gia đình.
Họ dẫn cha tôi đi biệt tăm, mẹ
tôi chẳng có cách nào mà cử người đi thăm nuôi tiếp tế cho ông được.Chỉ nghe có
người nói là họ đã dẫn giải cha tôi đến trại Đầm Đùn gọi là trại giam Lý Bá Sơ
thật xa xôi nơi vùng rừng núi hẻo lánh mãi tận tỉnh Thanh Hóa thuộc Liên Khu
IV.
Do khí hậu khắc nghiệt, lại
thiếu thốn dinh dưỡng thuốc men, nên nhiều tù nhân đã phải kiệt sức mà bỏ xác
nơi đây. Và chắc chắn là cha tôi cũng đã là một trong những người tù bất hạnh
đó. Trong gia tộc chúng tôi lại còn có chú Lý Ty là người em đôi con dì với cha
tôi. Chú Lý Ty là em của chú Tổng Biểng, cả hai chú là con ông bà Bá Đàm ở xã
Liên Thủy. Bà Bá Đàm là em ruột của bà Đồ Nhuận bà nội của tôi, nên tôi đã có
nhiều lần đi theo mấy anh chị lớn đến biếu Tết tại nhà ông bà. Chú Ty cũng bị bắt
vào năm 1948 lúc chú mới có hai con trai còn rất nhỏ tuổi tên là em Minh và em
Trí và chú bị dẫn đi biệt tăm tích - mà gia đình không hề được hay biết gì về
ngày giờ chú lìa đời và thân xác được chôn cất nơi đâu. Cũng y hệt như trường hợp
của cha tôi vậy.
Vì không biết rõ ngày mất của
cha tôi, nên từ lâu nay anh chị em chúng tôi thường tổ chức Lễ Giỗ Tưởng Niệm
chung cho cả cha và mẹ vào ngày mẹ tôi mất vào cuối tháng 11 năm 1952. Từ ngày
qua định cư ở Mỹ, thì hằng năm chúng tôi đều tổ chức Lễ Giỗ vào đúng ngày
Thanksgiving cuối tháng 11. Và năm 2015 này là kỷ niệm năm thứ 63 ngày mẹ tôi mất
– giữa lúc bà phải chạy loạn mà đến tá túc tại nhà bà cô là bà Phó Tích ở làng
Ngọc Cục huyện Xuân Trường kề sát với làng Hành Thiện.
III – Bây giờ thì lớp con lớp
cháu của cha tôi lại có thể đi khắp năm châu bốn biển rồi.
Như đã ghi ở trên, vào hồi
năm 1945 – 46 lúc ở vào độ tuổi 50, cha tôi chỉ có một niềm mong ước là được đi
bằng máy bay để thăm viếng bà con bạn bè trên khắp nước Việt nam của mình. Ấy
thế mà do bị cộng sản bắt giữ, cha tôi đã không thể nào thực hiện được cái điều
ước muốn bé nhỏ khiêm tốn đó.
Nhưng đến thế hệ chúng tôi là
con, là cháu của cụ, thì kể từ năm 1954 tất cả chúng tôi đều di cư vào sinh sống
ở miền Nam và nhiều người lại còn đi khắp các tỉnh ở miền Trung và miền Lục Tỉnh
Hậu Giang nữa. Và sau năm 1975, thì hầu hết gia đình chúng tôi đã qua định cư ở
bên nước Mỹ nữa.
Và riêng tôi, thì từ năm 1960
tôi còn được đi du học tu nghiệp tại Mỹ và sau này vào đầu thập niên 1970 tôi
còn được mời đi tham dự rất nhiều hội nghị quốc tế ở Âu châu và Á châu nữa. Và
kể từ khi qua định cư ở Mỹ năm 1996 đến nay, thì tôi đã đi đến mấy chục vòng
xung quanh lục địa nước Mỹ và Canada. Tôi cũng đi thăm bà con, bạn bè ở nhiều
thành phố tại Úc châu và ở nhiều quốc gia khác tại Âu châu nữa.
Mà rồi đến lượt thế hệ thứ ba là các cháu nội
ngoại của cha tôi, thì các cháu lại còn có nhiều dịp đi và làm việc ở khắp năm
châu bốn biển nữa rồi.
Và đặc biệt là đến lượt các
cháu thuộc thế hệ thứ tư, thứ năm lại được sinh ra và trưởng thành trên đất Mỹ,
thì các cháu lại càng hội nhập sâu sắc vào trong xã hội sở tại – do tiếp nhận
được những kiến thức vững vàng về khoa học kỹ thuật cũng như thông thạo về ngôn
ngữ, nên các cháu đều có công ăn việc làm với thu nhập cao, đời sống nhiều tiện
nghi sung túc. Rõ ràng đó là một điều thật may mắn cho lớp hậu duệ trong gia tộc
chúng tôi vậy.
IV – Để tóm kết lại.
Bài này được viết vào trung
tuần tháng 11 năm 2015, trong lúc anh chị em chúng tôi đang chuẩn bị Lễ Giỗ Cha
Mẹ hàng năm vào đúng ngày Lễ Thanksgiving là ngày Thứ Năm 26 tháng 11 sắp tới.
Tôi muốn ghi lại một ít kỷ niệm vui buồn thật đáng nhớ trong gia đình chúng tôi
ở ngoài Bắc trước năm 1954. Và rồi cũng nói qua về sinh hoạt thật phấn khởi
sinh động của lớp hậu duệ thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư tức là các cháu, các chắt
của cha mẹ chúng tôi hiện nay trên đất Mỹ.
Đó cũng là để cùng nhau ôn lại
những khó khăn vất vả mà thế hệ cha mẹ chúng tôi đã trải qua – trong khi các
ngài vẫn cố gắng vun đắp cho lớp anh chị em chúng tôi trở thành những con người
lương thiện, có nhân có nghĩa - biết ra sức cố gắng làm điều lành điều thiện,
tránh điều gian ác lươn lẹo khuất tắt.
Và nhân dịp này, tôi cũng kêu
gọi tất cả anh chị em, các cháu, các chắt trong gia tộc hãy hợp cùng nhau bày tỏ
lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên trong dòng họ nhà mình – đồng thời
cũng nhắc nhở động viên lẫn nhau để cùng tiếp tục con đường đạo hạnh nhân ái mà
các bậc tiền nhân đã khai mở ra trước đây lúc các ngài còn hiện diện sinh sống
trên cõi đời này vậy./
Costa Mesa California, ngày
15 tháng 11 năm 2015
Đoàn Thanh Liêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét