Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, 45 tuổi, tổng giám đốc điều hành VietJet, nhà nữ tỉ phú đầu tiên của Việt Nam. (Hình: Getty Images/Marwan Naamani)<!-> |
Theo Bloomberg, tổng giá trị hãng hàng không tư nhân của bà vượt quá $1 tỉ, khiến bà trở thành phụ nữ tỉ phú đầu tiên trong nước.
Đa số tài sản của bà nằm trong cố phần ở VietJet và Dragon City, dự án phát triển địa ốc rộng 65 mẫu ở Sài Gòn, miếng đất bà mua khi còn là một đầm lầy.
Trả lời phỏng vấn, bà Thảo, 45 tuổi, nói: “Tôi chưa bao giờ ngồi xuống để tính xem tài sản mình có được bao nhiêu. Tôi chỉ biết tập trung vào việc làm sao để đẩy mạnh cho công ty tăng trưởng thêm, cho nhân viên được thêm lương, làm thế nào để đưa hãng giành được thêm thị phần và biến nó thành công ty số một.”
Theo hai người thạo tin xin giấu tên, bà Thảo là người thành lập công ty và sở hữu 95% cổ phần.
Ông Nguyễn Võ Phúc, phân tích gia của CIMB Group Holdings Bhd, nói: “Không giống với những người giàu có khác, bà sống âm thầm ở Việt Nam. Bà thành công với VietJet. Từ con số không, chỉ mới trong vài năm vừa qua, hãng hàng không này nay chiếm hơn 30% thị phần ở Việt Nam.”
Cũng theo những người giấu tên khác, nhà nữ tỉ phú này cũng sở hữu 90% cố phần ở Sovico Holdings, nơi nắm 90% cổ phần của Dragon City.
Bà Thảo còn nắm đa số cổ phần ở ba khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam, gồm Furama Resort ở Đà Nẵng, Evason Ana Mandara ở Nha Trang và An Lâm Ninh Vân Bay Villas.
Bà và công ty bà cũng làm chủ 20% cổ phần tại ngân hàng Development JS Commercial Bank (HDBank) ở Sài Gòn.
Bà Thảo bước chân vào ngành kinh doanh vào khoảng năm 1988 khi còn là sinh viên năm thứ hai ở Moscow nước Nga, nơi bà theo học về tài chánh và kinh tế.
Với số vốn nhỏ, bà bắt đầu như là một nhà phân phối hàng hóa như áo quần, văn phòng phẩm, và đồ tiêu dùng từ các nhà cung cấp ở Nhật, Hồng Kông và Nam Hàn, rồi đem bán ở Nga trước khi Liên Xô sụp đổ.
Bà Thảo, người có mẹ làm nghề giáo viên và cha là một dược sĩ, nói: “Tôi làm việc cần cù và gây được sự tín nhiệm của các nhà cung cấp nhờ chân thật với họ. Tuy không có vốn nhiều nhưng nhờ chữ tín mà mỗi ngày họ càng gửi trước hàng cho tôi nhiều hơn.”
Sau ba năm, bà trở thành triệu phú và chuyển sang mua bán sắt thép, máy móc, phân bón cùng nhiều mặt hàng khác.
Trở về Việt Nam, bà đầu tư vào ngân hàng Techcombank.
Sau đó, bà nộp đơn xin mở một hãng hàng không, mở cửa ngành kỹ nghệ cạnh tranh với công ty quốc doanh Vietnam Airlines.
Hãng hàng không VietJet của bà được biết nhiều với các tiếp viên trẻ trung và quyến rũ.
Họ mặc toàn đồ tắm hai mảnh trong những chuyến bay khai trương đến những thành phố nghỉ mát, và áp dụng những mô hình tương tự trong các lịch trình, điều mà theo bà Thảo, gây ấn tượng mạnh trên đất nước có nền văn hóa bảo thủ.
Bà Thảo muốn biến VietJet thành “Emirates of Asia,” rập khuôn theo hãng hàng không thành công của Dubai, với các tuyến bay đến 150 địa điểm trên thế giới.
Hãng hàng không giá rẻ này của Việt Nam bắt đầu hoạt động vào năm 2011, bay đến 47 địa điểm trong nước và khắp Á Châu, mà giá trị hãng muốn hướng tới là vượt qua Asiana của Nam Hàn hay Finnair Oyj của Phần Lan.
Bà Thảo nói: “Quí vị phải đi tiên phong và chấp nhận rủi ro có tính toán. Với tư cách là một nữ doanh gia, tôi có trách nhiệm đóng góp cho nền kinh tế và đẩy mạnh đến những thay đổi tích cực của đất nước và xã hội.” (TP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét