Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

NHỮNG QUÂN Y SỸ CHẾT TRẬN ĐẦU TIÊN - Lê Văn Châu

http://www.geocities.ws/qynhaydu/qytd2nd.jpgLúc bấy giờ chiến cuộc vừa leo thang, Mỹ đổ vào miền Nam mấy chục nghìn quân và bắt đầu oanh tạc Bắc Việt. Nhưng chiến trường miền Nam vẫn do quân đội Cộng Hòa gánh vác. Những trận địa chiến khởi đầu với Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả. Trong số hàng chục hàng trăm thanh niên ngã gục hằng ngày, giới y sĩ bắt đầu góp phần xương máu. Người y sĩ tử trận đầu tiên vào giữa năm 1964 là anh Đoàn Mạnh Hoạch. Anh đã nhảy ra khỏi xe bọc sắt để lên trận tuyến săn sóc một thương binh, mặc dù đã có sự ngăn cản của vị Trung đoàn trưởng. Và anh đã gục ngã trước làn đạn địch. Chúng tôi đón nhận tin anh hy sinh ở Quảng Ngãi với tất cả bàng hoàng. Cái chết của anh như một nhát búa đập vào chữ “Thọ” của giới Quân Y.
<!->
Quân Y TĐ2ND.
Sáu tháng sau, người thứ hai, anh Trương Bá Hân tử trận ở Bình Giả. Còn nhớ hôm đó ngày cuối năm 1964, tôi đang thực tập giải phẫu ở Tổng Y viện Cộng Hòa. Nghe hung tin, các sinh viên Quân Y có mặt tại phòng trực chạy xuống nhà xác. Một mình tôi ở lại: tôi không thích nhìn mặt người chết. Tôi ngồi một mình cố moi trí nhớ xem anh Hân là ai, nhưng không hình  dung nổi mặt anh. Chỉ biết anh học trên tôi ba lớp, vừa từ Pleiku thuyên chuyển về Thủy Quân Lục Chiến. Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến bị một Trung đoàn địch tràn ngập. Tất cả sĩ quan Bộ Chỉ huy đều tử thương. Mấy thằng bạn ở nhà xác lên kể lại tôi nghe một chi tiết về cái chết của anh Hân: người ta tìm thấy xác anh hai tay bị trói thúc ra đằng sau và bị trúng đạn ở tim. Mọi người đều nghĩ anh bị bắt rồi mới bị hạ sát. Không khí buồn bã vây quanh chúng tôi suốt cả tuần.
http://www.geocities.ws/qynhaydu/hclanjeune.jpg
Ngày ba mươi mốt tháng ba năm 1965, anh Đỗ Vinh, Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù tử trận ở Thăng Bình (Quảng Tín). Một mảnh 81 đã phạt trúng đầu khi anh đang ngồi săn sóc một thương binh. Vinh là y sĩ Nhảy Dù đầu tiên tử trận. Vinh học trên tôi một lớp, không thân nhưng quen mặt nhau. Vinh chết trong vinh quang vì trận đó Tiểu đoàn anh thắng lớn.
Tháng 5 năm 1965, Trần Ngọc Minh, Y sĩ  trưởng Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến tử trận, cũng ở Thăng Bình. Minh bị thương ở tay vào lúc địch mở đợt xung phong biển người. Khi Tiểu đoàn phản công chiếm lại mục tiêu, người ta tìm thấy Minh nằm chết dưới hố với một vết dao đâm vào tim.
Ngày mười lăm tháng bảy 1965, anh Phạm Bá Lương, Y sĩ  trưởng Trung đoàn 7 Bộ Binh, tử trận ở Bầu Bàng. Một y tá sống sót kể lại: - Lúc tờ mờ sáng địch từ dưới hầm chui lên. Bác sĩ Lương lúc ấy đang mặc quần lót đứng đánh răng. Lúc chúng ập vào bắn xối xả, em thấy bác sĩ Lương đưa tay đầu hàng nhưng chúng vẫn hạ sát. Em bị thương nằm giả chết, một tên  dến đá vào người em một cái rồi bỏ đi.
http://www.geocities.ws/qynhaydu/dv68alley1.jpg
Lương và Vinh là đôi bạn thân. Hồi nghe tin Vinh chết, từ Bến Cát, Lương viết một bài khóc bạn gửi về chúng tôi đăng ở nguyệt san Tình Thương. Sau đó, một lần vào buổi chiều có người gặp anh thơ thẩn ngồi bên mộ Vinh ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Bây giờ đôi bạn chắc không bao giờ xa nhau nữa.
Tháng mười 1965, Y sĩ Trung úy Nguyễn Văn Nhứt tử trận ở Dầu Tiếng. Cái chết của anh Nhứt gây một xúc động lớn trong giới y sĩ, nhất là phía Dân Y vì anh Nhứt là y sĩ trưng tập đầu tiên tử trận. Trận Dầu Tiếng là một trận đánh xáp lá cà đẫm máu. Vị Trung đoàn trưởng cũng tử thương trong trận đánh. Nhứt bị trúng đạn vào đầu và ngực. Tôi nhớ dáng người anh dong dõng cao, tính tình trầm lặng. Nhứt đỗ thủ khoa nội trú năm 1963, xuất sắc về sản khoa. Nghe nói anh được biệt phái sang Bộ Y Tế, chờ ngày du học Mỹ. Không hiểu vì sao anh lại được gọi nhập ngũ rồi thuyên chuyển về Trung đoàn 7 Bộ Binh, thế chỗ anh Lương.
Tháng mười hai 1965, Y sĩ Trần Thái tử trận trong một cuộc phục kích đoàn xe tải đạn và vũ khí trên đường Saigon đi Bà Rịa. Thái được ở gần Saigon thế mà vẫn chết.
Năm 1965 trong niềm đau chung cho quê hương khói lửa, xáo trộn; lòng người chia rẽ hận thù, chúng tôi còn mang cái tang riêng của bảy đồng nghiệp hy sinh. 
Y sĩ Thiếu tá Lê Văn Châu

Không có nhận xét nào: