Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Những Cơn Bão Tuyết - Diễm Hương


Mùa Đông ở Canada năm nay thật khắc nghiệt. Những trận bão tuyết thay nhau đổ xuống khiến cả thành phố Toronto nhìn đâu cũng chỉ thấy tuyết. Những núi tuyết trước sân nhà, cao lừng lững, che khuất cả tầm nhìn. Vì vậy, mỗi lần lùi chiếc xe mini-van ra khỏi garage là nàng lại có cảm giác sờ sợ, chỉ sợ không nhìn thấy người đi bộ bất ngờ bước ra từ sau núi tuyết và lù lù đứng sau xe nàng mà nàng không thấy kịp. Cái cảm giác bất an khiến cho Thúy nơm nớp lo lắng, nhích xe từng chút một.
<!->Cho đến khi xe lăn bánh trên đường nàng mới cảm thấy nhẹ nhõm. Mặc dù lái xe đã trên hai chục năm và chưa từng có tai nạn, nhưng sao nàng luôn có cảm giác lạ lùng này. Có lẽ nàng vẫn chưa quên được tai nạn của người hàng xóm cũ, khi lui xe ra đã vô tình bất cẩn cán phải đứa con nhỏ mới hai tuổi của ông ta. Một tai nạn quá đau thương và nghiệt ngã! Người vợ đã ngất xỉu tại chỗ, còn người chồng thì như một người quẫn trí. Có những nỗi đau mà con người phải gánh chịu như định mệnh đã an bài, để rồi chỉ còn mong thời gian sẽ làm dịu đi nỗi đau và nhạt phai đi những nỗi niềm dấu kín. Cũng may là họ đã dọn đi một nơi khác không lâu sau đó, có lẽ để quên đi những kỷ niệm đau buồn. Nếu không Thúy chẳng biết làm sao mà có thể an ủi họ được. Khi nỗi đau thương quá sâu đậm, lời an ủi nào chắc cũng chỉ là sáo rỗng.

Lan man nhớ đến câu chuyện người hàng xóm, Thúy vừa lái xe ra xa lộ. Không ai bảo ai, người nào cũng bật đèn pha và lái thật chậm vì tuyết mới rơi, nên đường xa lộ vẫn chưa được dọn dẹp. Thúy cũng không hiểu sao những kỷ niệm quan trọng trong đời Thúy thường gắn liền vào những ngày bão tuyết. Thời gian cứ biền biệt trôi, trong nháy mắt cũng đã 15 năm rồi còn gì, nhưng những ngày bão tuyết như thế này, Thúy vẫn quay quắt nhớ đến Mẹ. Mỗi khi nhớ đến Mẹ, lòng Thúy lại quặn đau, không biết vì sao, vì thương Mẹ, nhớ Mẹ hay vì thèm khát được mẹ ôm trong tay, hay chỉ đơn thuần ước ao được gọi hoài hai tiếng Mẹ ơi thân thương. Cái cảm giác bất lực, nhìn người thân yêu từng bước, từng bước rời xa mình thật đau lòng khôn tả. Ông trời thật oái oăm, ban cho Thúy niềm hạnh phúc được lần đầu làm mẹ, thì lại nỡ cướp đi người mẹ hiền thương yêu của Thúy. Thúy và mẹ đã bàn tính làm gì và Thúy sẽ dắt mẹ đi đâu chơi khi được nghỉ ở nhà một năm trông con. Vậy mà ngày đầu Thúy nghỉ làm chuẩn bị sinh con thì cũng là ngày Thúy đưa mẹ đi bác sĩ để nghe kết quả chẩn đoán. Cả nhà đã cố gắng gượng vui, đón giao thừa trong tâm trạng rối bời. Thúy về ngủ với Mẹ để rồi chỉ có thể cắn răng khóc thầm, cố gắng làm mặt vui vẻ để mẹ lên tinh thần. Mùng Hai Tết, Thúy vác cái bụng bầu vượt mặt đưa Mẹ vào nhập viện. Mỗi ngày Thúy ở với Mẹ từ sáng đến tối, cố gắng nói những chuyện vui và trấn an Mẹ để Mẹ lên tinh thần, nhưng Mẹ nào hay Thúy đã phải trốn Mẹ chạy ra ngoài kiếm một góc ngồi khóc vì quá xót xa và đau lòng. Các bác sĩ và y tá đều rất ái ngại khi thấy Thúy bụng mang dạ chửa mà phải vất vả và khóc lóc như vậy. Thúy cũng cố gượng vui khi họ hỏi khi nào thì đến ngày sinh, Thúy nói đừng lo cho tôi, ở đây tiện lắm, cần sinh thì chỉ bước xuống mấy tầng lầu là sẵn sàng rồi, khỏi sợ bị kẹt xe. Tội nghiệp mẹ, miệng bị đắng vì thuốc nên ăn món gì cũng không thấy ngon, chỉ có thức ăn Thúy nấu là mẹ thích ăn thôi, cho nên ngày nào trước khi về Thúy cũng hỏi mẹ thèm món gì để nấu theo ý mẹ. 

Tối nào khi chị Thúy đến thay phiên trông mẹ, rời bệnh viện là Thúy lật đật chạy mua thức ăn về nấu cho mẹ trước khi chợ đóng cửa. Về đến nhà, đâu có được nghỉ ngơi, lại lên internet tìm hiểu, trả lời điện thoại, nấu ăn, … loay hoay chợp mắt vài tiếng là đã sáng. Có trải qua những giai đoạn khó khăn như vậy, mới thấy được sức mạnh và sự chịu đựng của con người rất phi thường. Trái với sự ái ngại của mọi người chung quanh, Thúy vẫn cảm thấy khỏe khoắn, ngoại trừ đôi chân bị phù nước vì mang bầu nặng mà phải đứng cả ngày. Thương mẹ quá, mẹ ngày nào cũng lo lắng cho Thúy phải vất vả, mùa Đông bão tuyết mà cứ vác bụng bầu chạy tới chạy lui khắp nơi, không được nghỉ ngơi. Thúy lại phải nói an ủi mẹ là con cần phải đi lại nhiều mới dễ sinh con, ngồi một chỗ không tốt đâu, bác sĩ cũng dặn vậy mà. Quả đúng thật, sau ba tuần chạy lui tới trong bệnh viện với mẹ, Thúy đến ngày sinh và đã vượt cạn thật nhanh chóng khiến bà bác sĩ cũng phải ngạc nhiên. Cô công chúa chọn đúng giờ sinh vào buổi sáng sớm, nửa đêm Thúy âm thầm vác bụng vào bệnh viện, nên trong gia đình chẳng ai hay biết. Sáng sớm gọi mẹ báo tin con đã có công chúa đầu lòng, mẹ vui lắm nhưng lại nghẹn ngào, vì rất muốn được ở bên cạnh Thúy đỡ đần cho lần đầu không có kinh nghiệm. Thúy lại phải an ủi mẹ: “Con khỏe lắm mẹ ơi, cũng nhờ đi bộ cả ngày, nên mẹ đừng lo cho con. Cháu mẹ xinh xắn, dễ thương nhưng tham ăn lắm, khiến con cũng khổ với nó”. Mẹ lại tẩn mẩn dặn lên dặn xuống, nào là con phải kiêng thế này thế nọ. Thúy cười cười vâng dạ, nhưng nghĩ thầm trong bụng là con làm sao kiêng cử được như mẹ dặn, ai lo cho mà kiêng với cử mẹ ơi. 

Trời sinh voi sinh cỏ mà, ai sao mình vậy. Ngày Thúy đưa mẹ vào bệnh viện nhằm ngày bão tuyết, đến ngày lái xe đi sinh con cũng lại rơi vào ngày bão tuyết, nhưng tất cả đều không thấm bằng ngày mang con về nhà. Tuyết rơi không ngưng từ sáng hôm qua, nên bước ra ngoài mà chồng của Thúy không tìm thấy xe nữa, tất cả parking đều được chôn sâu trong cả thước tuyết. Cào được hết tuyết để lấy xe đón hai mẹ con về, thì vừa lái ra khỏi parking lại bị kẹt cứng trong một dốc núi tuyết, khiến xe không cách nào đi được. Thúy ngồi trong xe mà lo quá. Gọi xe tới cứu mà mãi vẫn chưa thấy, chắc cũng bị kẹt vì nhiều người cần giúp. Loay hoay mãi, chồng Thúy mượn được xẻng xúc tuyết dọn đường đi, cuối cùng thì cũng vượt qua được chặn đường dốc đó mà về tới nhà bình an. Mấy ngày đầu phải chăm sóc con và còn yếu, nên mẹ không cho Thúy vào bệnh viện nữa, nhưng may có cô em gái ở xa bay về săn sóc mẹ giùm. Ngày nào mẹ cũng vui gọi phone cho Thúy để hỏi thăm cháu ngoại. Những tưởng mẹ sẽ khỏe hơn, đâu ngờ mới được vài ngày thì mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Thúy không thể chấp nhận được sự thật, nghe tin bệnh mẹ trở nặng, Thúy lao vào bệnh viện để chỉ được ở bên mẹ thêm vài tiếng trước khi mẹ thiếp vào trong giấc ngủ ngàn thu. Có những sự thật diễn ra trước mắt mình, nhưng mình vẫn không muốn chấp nhận. Có những nỗi đau chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, không tài nào diễn tả nổi bằng lời. Nước mắt có rơi bao nhiêu cũng không thể làm vơi đi nỗi sầu ngút ngàn trong lòng. Nhưng thực tế vẫn là thực tế, trong cơn bão tuyết, gió rét lạnh buốt, Thúy vẫn nước mắt vắn, nước mắt dài, bước thấp bước cao cùng chị gái đi lo việc hậu sự cho mẹ. Những bận rộn lo toan ban ngày đã giúp Thúy có thể cứng cỏi hơn, nhưng đến tối về ôm con thì tất cả những cảm xúc chất chứa trong lòng mới có dịp vỡ òa, như tan chảy thành nước mắt rơi ướt áo mẹ và con. Thức đêm mới biết đêm dài, có con rồi mới cảm nhận được hết tình cha mẹ thương con sâu nặng biết bao nhiêu. Nhìn chiếc miệng bé xíu mút sữa say sưa trong giấc ngủ, đôi tay nhỏ nhắn quơ quơ tìm hơi ấm nơi mẹ hiền, 

Thúy thương con bao nhiêu lại càng nhớ mẹ bấy nhiêu, nước mắt Thúy lại tiếp tục lã chã rơi. Thúy nhớ mẹ quay quắt, nhìn đâu cũng chỉ thấy hình ảnh mẹ và nụ cười hiền. Những vất vả của lần đầu làm mẹ không có ai giúp đỡ, loay hoay tự lo cho con với mớ lý thuyết học được từ sách vở, vật vờ thiếu ngủ vì phải cho con bú sữa mẹ cả ngày lẫn đêm, rồi lúc con ngủ một chút thì lại phải lo nấu nướng, dọn dẹp, thu xếp công việc, Thúy càng thương mẹ đã phải cực khổ cho Thúy hồi nhỏ như thế nào. Người phụ nữ Việt Nam sinh ra vào thời chiến tranh như mẹ của Thúy đã phải vất vả, thiếu thốn và thiệt thòi đủ thứ. Lại thêm bản tính hy sinh và nhường nhịn, nên mẹ luôn dành những gì tốt nhất cho chồng con, bản thân mẹ thì chẳng dám ăn, dám mặc, đến nỗi bà ngoại cũng phải la mẹ hoài.

Mẹ của Thúy rất là giỏi và tài hoa, mẹ chẳng có được học cao vì thời loạn lạc, lại là chị cả của một đàn em đông đúc, nhưng mẹ viết truyện, làm thơ, làm báo chẳng thua ai cả. Bánh trái, may vá, đan móc gì mẹ cũng giỏi hết. Thúy tôn sùng mẹ lắm, không phải chỉ vì mẹ là mẹ của Thúy. Mẹ lại rất có tài ăn nói, nên chuyện gì mẹ kể cũng hấp dẫn và lôi cuốn người nghe. Bạn bè của anh chị em Thúy tới nhà là thích được nói chuyện với Mẹ lắm, vì tính mẹ trẻ trung, hòa đồng với bạn bè của con cái. Bố mất sớm, một mình mẹ quán xuyến lo toan, nhưng mẹ chưa bao giờ để con cái bị thiếu hụt. Sau biến cố 4/1975, những công việc làm ăn của mẹ đã không còn hoạt động được nữa, bố thì bị đi “cải tạo” biền biệt, chẳng biết bao giờ được về, nên tất cả gánh nặng gia đình lại đổ trên vai cái cò đó là mẹ.  Cái khổ là chẳng ai dám làm ăn chi cả, vì thời buổi nhiễu nhương. Mẹ xoay ra dùng “hoa tay” của mẹ để kiếm tiền nuôi gia đình. Mẹ bắt đầu bằng việc sửa và may quần áo cho hàng xóm láng giềng. Cũng nhiều người làm việc may sửa quần áo tại nhà như mẹ, nhưng tiệm của mẹ đông khách lắm, vì Mẹ đánh trúng tâm lý khách hàng. Mẹ bảo họ mang áo dài cũ tới mẹ sửa thành một cái áo sơ-mi cho người lớn và một cái áo cho con nít. Những năm đầu sau 4/75, đâu ai có dịp mặc áo dài nữa, mua vải mới thì tiền đâu mà mua, cho nên các bà mẹ rất thích sáng kiến của mẹ Thúy, đua nhau mang áo dài cũ tới mẹ nườm nượp. Cái câu thành ngữ “thợ may ăn vải”, không thể áp dụng cho mẹ được, vì mẹ tiết kiệm tối đa vải cho khách hàng. Không chỉ các bà có con nhỏ mới mang áo dài tới sửa, ngay cả các cô trẻ chưa có con cũng vậy vì đâu có dám khoe áo dài lả lướt đi dạo phố nữa, nếu không muốn bị “kiểm điểm” và có khi còn bị kết tội “tư sản” nữa thì khổ. Thế là các anh chị em của Thúy cũng được những chiếc áo mới, ké từ những mảnh vải thừa này, như những mảnh đời góp nhặt, để mỗi chiếc áo là có cả câu chuyện đi kèm!

Tiếng lành đồn xa, thế là mẹ không làm xuể nữa, phải mướn các cô khác may phụ. Mẹ đứng ra nhận hàng của khách, rồi lại chỉ cách cắt, cách may cho các cô này, để rồi cuối cùng muốn giúp đỡ thêm nhiều người phụ nữ cùng cảnh ngộ khác, mẹ đứng ra lập thành tổ hợp may gia công càng ngày càng phát triển. Từ một tổ hợp may nhỏ, nhờ tài quán xuyến và khả năng giao tiếp của mẹ, tổ hợp đã nhận được đơn đặt hàng may xuất khẩu, số nhân công cũng tăng theo đáng kể. Công việc đã vào quy mô, nên mẹ chỉ còn lo việc giao tiếp và ký hợp đồng sản xuất.  Đồng thời mẹ lại mở thêm lớp dạy đan móc cho các phụ nữ không biết may. Rồi cũng theo đà tiến triển, mẹ lại thành lập một tổ hợp đan móc, cũng nhận hàng xuất khẩu. Nghĩ lại mẹ thật là giỏi, vì lúc đó mẹ có một nách sáu con mà em Út của Thúy chỉ mới được vài tháng, lại còn phải lo chăm sóc cho chồng và bà nội nữa. Mẹ vẫn nói câu này với tụi Thúy là “cờ đến tay ai nấy phất”, trải qua những cuộc đổi đời bể dâu, mới thấy được hết tiềm năng của mỗi người.

Mẹ của Thúy không những chỉ giỏi công việc, mẹ lại còn rất khéo tay tỉ mỉ. Thúy vẫn nhớ mãi không bao giờ quên cảm giác được mẹ làm cho cái bánh sinh nhật ba tầng, bắt bông kem thật là đẹp và sang trọng trong tiệc sinh nhật 3 tuổi của Thúy. Trong trí óc ngây thơ của Thúy lúc 3 tuổi và cho mãi đến tận bây giờ, trên đời này không có cái bánh nào đẹp và ngon hơn cái bánh của mẹ cả. Thúy vẫn nhớ mãi cảm giác được mẹ yêu thương, tỉ mỉ bắt từng chiếc bông kem trang trí cái bánh cao đến nỗi Thúy phải đứng trên bàn mới thổi tắt những ngọn nến được. Có lẽ đó là ấn tượng sâu sắc nhất của Thúy, nên mỗi lần nghĩ đến mẹ là Thúy lại nhớ đến cái bánh sinh nhật năm ba tuổi (cho dù sau này mẹ vẫn làm những cái bánh khác). Cái bánh đã tượng trưng cho tình yêu vô bờ bến của người mẹ hiền. Cũng vì vậy, nên khi Thúy có con, điều Thúy quyết tâm thực hiện đó là mầy mò tập làm bánh cho sinh nhật của các con mình. Nhìn hai cô công chúa mắt sáng rỡ khi được mẹ Thúy cho giúp làm bánh sinh nhật, theo đúng “đơn đặt hàng” của hai nàng, thì với Thúy không có niềm vui nào sánh bằng. Người ta sinh xong thì nào phải kiêng cử, không được đi lại, thế này thế kia, Thúy thì lăn vào bếp từ ngày đầu về nhà, và chiếc bánh đầy tháng của con phải do Thúy tự làm. Khổ nhất là vừa trông con vừa làm bánh, con bé hồi nhỏ hay khóc, ngủ không yên, nên Thúy đang bắt bông kem nửa chừng lại phải bỏ đó chạy vào bồng con. Cái bánh cứ phải mang ra mang vô từ tủ lạnh không biết bao nhiêu lần để kem bơ khỏi chảy, thì mới làm xong. Nhiêu khê như vậy, nhưng Thúy vẫn vui lắm. Đến lúc các nàng công chúa 2-3 tuổi là vui nhất, một sinh nhật phải có ít nhất 2 cái bánh, một cái có hình các công chúa hay các nhân vật được yêu thích trong phim hoạt họa để … ngắm vì không được cắt ra ăn các nàng sẽ khóc, và một cái bánh khác để cắt mời khách. Làm bánh một mình đã lỉnh kỉnh, nhưng thêm hai nàng công chúa phụ tá nữa thì lại càng lắt nhắt gấp mấy lần! Vừa phải bầy biện và chia tất cả kem bơ và đồ trang trí ra những chén nhỏ, vừa phải chia dụng cụ làm bánh thành 2 phần, rồi lại phải “bày binh bố trận” theo thứ tự để một mình Thúy vừa chỉ cách và hướng dẫn làm bánh, lại vừa làm thợ chụp hình, thợ quay phim nữa, chưa kể cô bé con mới khoảng một tuổi, ngồi ghế còn chưa vững lắm nên lâu lâu Thúy lại phải liệng máy, chụp con cho ăn chắc! 

Đến giờ xem lại những video quay lại cảnh làm bánh lúc đó thật là vui chịu không nổi. Mẹ thì tay chụp hình, tay quay phim, miệng thì lo hướng dẫn hai cô công chúa làm thế nào, bảo con lấy kẹo trang trí bánh, cô công chúa cũng ngước mắt nai tơ nhìn mẹ như đồng ý lắm, nhưng tay bốc kẹo lại bỏ vào miệng! Mẹ cứ phải nhắc nhở, con nhớ bỏ kẹo trên bánh trang trí nhé, con bé cũng gật gù, nhưng ba miếng vào miệng con, thì một miếng mới để trên bánh. Làm xong cái bánh thì người Thúy ướt đẫm mồ hôi cho dù đang mùa Đông, vì phải chạy qua chạy lại như con thoi, sắp xếp chuẩn bị đạo diễn, rồi đến khi làm xong thì lại phải dọn dẹp bãi chiến trường toàn bột, kem, màu vung vãi khắp nơi, lại còn phải rửa những dụng cụ bày ra và tắm cho hai cô nàng “lọ lem” nữa chứ! Tuy mệt vậy, nhưng những video của các cô bé khi còn nhỏ này quả thật vô giá. Mỗi lần có dịp mở ra xem thì Thúy cười muốn bể bụng, sao mà các cô tiểu thư lúc nhỏ đáng yêu thế không biết. Đúng là thời gian như vó câu qua cửa sổ, nếu Thúy không cố gắng chịu khó thì sẽ không bao giờ ghi lại được những kỷ niệm dễ thương này. Kỷ niệm của Thúy với mẹ chẳng có nhiều vì thời đó làm gì có phương tiện như bây giờ. Thúy nhớ mãi lúc con bé đầu lòng chào đời, lúc đó loại máy digital camera còn rất mới và mắc. Thúy đã lục lọi tìm kiếm mua cho bằng được cái máy tối tân nhất mới ra lò của Nikon từ bên Mỹ, chưa bán ở Canada vì sở thích chụp hình cho con và muốn ghi lại thật nhiều hình con lúc nhỏ. Mới đầu Thúy có cái máy digital camera thật là thích quá, vì nghĩ không tốn tiền mua film như hồi trước nữa. Nhưng thực tế lại càng tốn tiền hơn, vì Thúy chụp vô tội vạ, rồi khi mang đi rửa hình thì lại khó chọn lựa, tấm nào con cũng đẹp, góc nào con cũng xinh, nên kết quả là hình rửa để đầy nhà. Sau đó thì Thúy chuyển hướng sang thích làm digital photobook, thế là Thúy thức trắng đêm lo chọn hình làm cho kịp thời hạn của những cái coupon bớt tiền hay được cho khuyến mãi, lúc làm thì đam mê không sao, nhưng sáng ra mới thấy hai con mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Thúy vẫn đùa với chồng đó là thú đau thương của các bà mẹ. Nhớ lại hồi còn con gái, Thúy cần ngủ ít nhất bẩy, tám tiếng mỗi ngày, nhưng đến khi có con rồi thì có đêm chỉ ngủ được ba hay bốn tiếng, riết thành thói quen luôn.
                                                              oOo
Đường phố ngập tuyết, xe cộ nối đuôi nhau chạy rồng rắn nên Thúy mất cả tiếng rưỡi mới đến công ty. Vội vàng rũ bỏ những bông tuyết trắng vương trên tóc, trên áo khoác và giầy boot, Thúy xách vội cái túi đựng hồ sơ vào văn phòng. Trời bão tuyết nên giờ này văn phòng vẫn vắng hoe. Chắc nhiều người lợi dụng lý do bão tuyết, không đi được để làm việc từ nhà cho khỏe, khỏi mất công chui ra ngoài cào tuyết, dọn đường đi làm. Nếu Thúy không có buổi họp ngày hôm nay thì Thúy cũng kiếm cớ ở nhà rồi. Ông xã vẫn nói Thúy “ba gai” vì làm việc theo thời tiết, sáng ra mà thấy tuyết quá hay mưa quá, y như rằng ông xếp nhận được email của Thúy kiếm cớ để làm ở nhà. Thật ra thì công việc của Thúy làm ở nhà cũng được, trừ khi phải họp hành hay có projects gì mới cần bắt đầu. Tất cả mọi thứ Thúy đều có thể làm từ nhà được qua hệ thống network.

Bước vào văn phòng, Thúy chợt ngẩn người ra, vì trên bàn đã có một lọ hoa lan màu tím thật đẹp. Ngày gì đây, mà sao lại có người tặng hoa cho mình? Thúy không thể ngăn sự tò mò, thả vội cái túi xuống ghế, xoay xoay lọ hoa tìm tên người gửi nhưng vẫn không thấy vết tích. Ai vậy nhỉ, chắc chắn không phải ông xã vì hôm nay đâu phải sinh nhật, cũng không phải ngày kỷ niệm cưới. Chắc là của khách hàng nào muốn lấy lòng nàng? Nhưng cũng không hợp lý, vì khách hàng chắc chắn sẽ để lại tên. Thật là kỳ lạ quá, Thúy ngồi xuống ghế ngắm nghía lọ hoa lan tươi thắm, lòng vẫn thắc mắc sao ai lại biết mà chọn đúng loại hoa Thúy thích nhất. Trong một ngày bão tuyết lạnh lẽo thế này, có những đóa hoa lan tím mộng mơ trang điểm buổi sáng khiến cho lòng Thúy cảm thấy ấm áp hơn. Thúy rất yêu màu tím, có lẽ vì màu tím rất lãng mạn, không rực rỡ như màu đỏ, không đằm thắm như màu xanh, cũng không nổi bật như màu vàng, màu tím lại toát ra vẻ quyến rũ và thơ mộng. Những ngày đi học, màu mực tím đã gắn bó với thời nữ sinh trẻ trung và những mối tình học trò thơ ngây, dễ thương. Những trang lưu bút viết bằng mực tím đầy nhung nhớ, ghi lại cả một quãng thời gian đẹp nhất của tuổi học trò áo trắng mộng đầy. Đến khi lớn lên, những tà áo dài màu tím tung bay trên đường phố lại tô điểm cho những buổi chiều nắng hanh vàng Sài gòn thêm đẹp, thêm xinh. Màu tím lại theo Thúy đến tận phương trời lạnh lẽo này. 

Tủ áo của Thúy đầy những chiếc áo màu tím đủ loại, đến nỗi các bạn bè và đồng sự đều phải để ý và gọi Thúy là nàng áo tím. Nói đến màu tím Thúy lại nhớ có người bạn thời đại học, anh chàng người Huế nên rất thích màu tím, đi mua một lô áo từ sơ-mi đến áo len màu tím để mặc khiến Thúy cười ngất và chọc hoài, vì Thúy thấy màu tím chỉ hợp với phái nữ, nhưng bên đây lại cho màu tím là “unisex” nghĩa là dành cho cả hai phái nữ và nam. Đang lan man hồi tưởng, chợt có tiếng điện thoại reng lên phá tan bầu không khí im lặng buổi sáng. Thúy vừa bắt máy, thì đã nghe chói lói tiếng cô bạn thân tên Thúy Huyền, lúc trước cùng làm chung với Thúy ở đây một thời gian dài, nhưng đã chuyển đi nơi khác sau khi lấy chồng phương xa. Thì ra là Thúy Huyền đã về đây chơi và là tác giả của lọ hoa lan màu tím “bí mật” trên góc bàn của Thúy. Hai đứa ríu ra ríu rít, dành nhau nói như sợ mất phần, rồi thì hẹn ăn trưa. Thúy chạy đi họp và hối hả giải quyết công việc để rảnh rang, có nhiều thời gian ngồi ăn trưa thật lâu với Huyền. Hai cô là bạn thân mà cũng tình cờ tên của Thúy lại là tên lót của Huyền, cho nên dẫu có ở xa nhau nhưng tình bạn thân vẫn luôn gắn bó.
                                        o 0 o
Bước vào quán Bún Bò Huế Vĩ Dạ là đã thấy Thúy Huyền đón Thúy với nụ cười tươi như hoa. Huyền và Thúy đều mê bún bò Huế nên chẳng cần phải hỏi, Huyền đã tự ý gọi cho Thúy một tô đúng ý Thúy rồi, vì biết Thúy rất sợ giò heo. Hồi Thúy mới sinh con đầu lòng, các bạn bè thấy Thúy đang bị đau khổ vì mẹ qua đời, nên rất lo lắng cho Thúy. Ngày nào cũng thay phiên nhau hỏi thăm hay ghé qua nhà Thúy, người mua cho món này, người lại nấu cho món khác. Mặc dù có lòng tốt, nhưng ít người biết Thúy không ăn được thịt heo, mà theo lời các người lớn tuổi có kinh nghiệm là phải ăn thịt heo sau khi sinh con cho lành. Thế là Thúy chỉ biết than trời khi tủ lạnh đầy các món ăn bằng thịt heo. Khổ nhất là khi các bác biết Thúy cho con bú sữa mẹ, thế là lại lụi cụi mang tới tặng cho Thúy mấy nồi giò heo thật to để giúp có nhiều sữa cho con bú theo như kinh nghiệm của các cụ thời xưa truyền lại. Thúy cứ bị ép ăn mà đâu có ăn nổi, lại không dám nói sợ phụ lòng thương của mọi người, nên cuối cùng chồng Thúy là người sung sướng nhất, được thừa hưởng tất cả các món ngon “dành cho bà bầu”!

Ngoài trời những bông tuyết trắng vẫn tung bay lả lướt như những nàng tiên với vũ điệu liêu trai tuyệt đẹp. Hồi mới qua Canada, Thúy mê mẩn với những ngày tuyết trắng đẹp như trong các phim thần thoại được xem hồi nhỏ, cứ thích giang tay đứng giữa trời tuyết rơi để bắt những bông tuyết tan ra trên tay. Trong nhà hàng ấm cúng, Thúy và Huyền đã nhanh chóng thanh toán hai tô bún bò thơm phức, vừa hít hà vì ớt cay xé lưỡi. Có lẽ trời càng lạnh ăn bún bò cay cay càng thấy ngon. Thúy nhớ mãi lần đầu tiên dắt một đám bạn đồng sự cả 20 người vào tiệm Việt Nam ăn. Mấy người bản xứ đâu có biết món ăn Việt ngoại trừ có nghe qua món phở nổi tiếng thôi. Thúy đã phải giải thích các món ăn Việt cho họ hiểu, nhiều người thích thử món phở, một số thì thích thử bánh hỏi chả giò thịt nướng gói với bánh tráng, nhưng có một anh chàng người Đức muốn ăn món gì cay nhất, thế là Thúy gọi cho anh ta món bún bò Huế đặc biệt thật cay. Thúy cứ ngồi hù anh ta là coi chừng nhe, sẽ bị phỏng lưỡi đó. Đến lúc mang ra, anh ta nếm thử một muỗng rồi nói với cô hầu bàn cho xin ít ớt, Thúy muốn chọc anh ta nên nháy bảo cô hầu bàn cho xin một tô ớt. Khi thấy tô ớt hiểm đầy, cả bàn đã nhao nhao lên cười, nhưng trong sự thảng thốt của mọi người anh ta bốc 2-3 trái ớt hiểm bỏ vào miệng nhai một cách ngon lành. Ăn xong tô bún bò thì tô ớt hiểm đã chỉ còn xót lại vài trái ớt. Nhìn mặt anh chàng đỏ gay, mồ hôi mẹ mồ hôi con đầy trán, thì Thúy và mọi người đều nhịn không nổi cười, nhưng anh chàng vẫn tỉnh queo, khen ngon rối rít. Và thế là từ đó, mỗi hai tuần cái nhóm đó lại bắt Thúy dắt đi ăn tiệm Việt Nam, nhất là anh chàng người Đức trung thành với món bún bò Huế ớt hiểm đó.

Vừa nhâm nhi ly chè ba màu, Huyền và Thúy vừa đấu hót như thời còn đi học. Cũng may hôm nay tiệm vắng khách, vì bão tuyết quá chẳng ai muốn đi ăn tiệm, nên hai đứa tha hồ nói huyên thuyên không sợ làm phiền ai. Nói chuyện vui một hồi, thì Huyền kể cho Thúy nghe câu chuyện buồn của Huyền. Thì ra vợ chồng Huyền đã chia tay cả hai năm nay.  Thúy nghe mà sửng sốt vì tưởng họ rất gắn bó, yêu nhau từ thời Trung Học, đi đâu cũng có đôi có cặp như đôi uyên ương, vậy mà mới lấy nhau được mấy năm đã chia tay. Thảm nào hơn hai năm nay Huyền không còn liên lạc nhiều với Thúy nữa. Huyền than thở là khi cặp kè không hiểu được hết, chỉ thấy đẹp thấy tốt, đến khi lấy nhau ở chung rồi thì mới biết những tính xấu của nhau. Chồng của Huyền bị thất nghiệp, theo lời bạn bè rủ rê về Việt Nam chơi bời để rồi dính vào một cô gái, có con riêng. Huyền cũng đã cố gắng chịu đựng nhưng cuối cùng thì Huyền phải đầu hàng số mệnh, quyết định chia tay để làm lại cuộc đời. Huyền cũng buồn lắm khi phải dứt khoát, nhưng có lẽ đau một lần còn hơn nỗi đau âm ỉ, dày vò. Thúy chỉ biết nhìn Huyền thông cảm, chia sẻ nỗi buồn của bạn. Mỗi người hình như khi sinh ra định mệnh đã an bài, có những người cuộc đời được an lành, hạnh phúc, nhưng cũng có những người bị lâm vào những cảnh đời ngang trái. 

Thúy vẫn thầm cảm ơn vì từ nhỏ đã nhận được nhiều may mắn, bây giờ lại có một gia đình ấm êm hạnh phúc, một người chồng hiền lành cùng hai cô công chúa rất đáng yêu. Thúy cũng mong Huyền bạn mình sẽ có cơ hội và may mắn hơn. Nhiều khi trong rủi lại có cái may, hai cô bạn khác của Thúy cũng đã từng bị đau khổ trong lần đầu, nhưng sau khi ly dị lại có cơ hội tìm được một người bạn đời yêu thương và hạnh phúc hơn nhiều. Được một điều là Huyền rất lạc quan, cô nàng không phải loại người thiên sống về nội tâm, nên cũng nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh. Lần này Huyền qua đây ngoài việc thăm Thúy và những người bạn cũ, Huyền đang tính mở rộng thêm chi nhánh cho hãng mỹ phẩm mà Huyền phụ trách. Nhìn cô bạn lăng xăng, rạng ngời với những tính toán công việc, Thúy cũng đỡ lo vì biết thời gian đã làm cho Huyền dịu lại và quên đi những đau buồn.
                                                  o O o
Tạm chia tay với Huyền để trở lại công ty làm việc, ngồi trong văn phòng nhưng Thúy vẫn lan man với những kỷ niệm. Huyền cũng có một số suy nghĩ giống mẹ Thúy, chẳng hạn như quan niệm của Huyền là phải lấy chồng đẹp trai, cao ráo để sau này con cái sẽ được đẹp. Thúy nghe mà cười hoài cho ý nghĩ như vậy, nhưng mẹ Thúy thì may mắn lấy được người chồng vừa đẹp trai vừa hiền lành, nên anh chị em nhà Thúy cũng được hưởng những nét đẹp từ bố mẹ. Bố của Thúy phải công nhận là người đàn ông hiền nhất thế gian này. Bố là công tử con nhà giàu, dòng dõi quý phái, quan chức, lại là con một nên rất được chiều chuộng từ bé. Bố có thể hét ra lửa và kiêu căng vì nhà toàn người hầu kẻ hạ, bao nhiêu người răm rắp tuân lời, nhưng trái ngược lại bố rất khiêm tốn, nhã nhặn và tốt bụng. Nhà ông bà nội rộng lớn, ruộng đất thì cò bay thẳng cánh, nhưng bố đều luôn giúp đỡ những người tá điền, những người giúp việc cho gia đình nên ai cũng quý bố lắm. Bố lại đặc biệt rất đẹp trai, cao to như người ngoại quốc, nên hồi nhỏ lúc bố đưa Thúy đến trường, bước xuống xe hơi là bọn bạn la lên nhỏ Thúy có ông Mỹ chở đi học kìa! Mẹ vẫn nói bố mẹ lấy nhau đúng là duyên nợ, vì bố có biết bao nhiêu cô gái thương thầm và rất mong được làm vợ của bố. 

Cả họ bên nội đều sốt ruột khi thấy bố chẳng ưng ai, các bác hết lo làm mai nơi này, làm mối nơi nọ, thậm chí có những nhà gia đình khá giả, đàng hoàng thích bố hiền lành nên đã tìm mọi cách để bố lấy con gái của họ. Bà nội cũng đến khổ với bố vì nhiều đám hai bên gia đình đã ước hẹn gặp mặt đính hôn, bố cũng chẳng phản đối nhưng đến hôm đó thì biến biệt tăm, khiến cho bà nội dở khóc dở cười với gia đình đàng gái. Vậy mà bố chỉ nhìn thấy hình mẹ chụp được trưng ở một tiệm chụp hình gần nhà là bố đã phải lòng và âm thầm theo dõi mẹ. Rồi tình cờ bố lại có cơ hội gặp mẹ trong dịp đám cưới của người anh họ, thế là bố nhất định đòi nằng nặc bà nội đi hỏi cưới mẹ cho bố. Mẹ lúc đó cũng là con gái nhà giàu, lại xinh đẹp, giỏi giang, nên cũng nhiều người theo. Nhưng mẹ nói không hiểu sao mẹ lại không muốn lấy chồng sớm, nên ông bà ngoại cũng lo, thúc giục hoài. Gặp bố lại quá lì, ngày nào cũng tới chầu ở nhà ông bà ngoại từ sáng sớm, xin hỏi cưới mẹ, khiến cho ông bà cũng ái ngại. Ông ngoại học trường Pháp nên cũng ảnh hưởng phần nào, tính tình rất Tây nên cho con cái quyền tự quyết định việc hôn nhân, không áp đặt như thông lệ thời đó là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. 

Cuối cùng thì sự kiên nhẫn, lòng thành và tính hiền lành của bố đã làm mẹ cảm động và đồng ý. Thế là chỉ trong vòng hơn một tháng bố đã thành công rước mẹ về dinh. Bố vẫn giữ mãi tính hiền lành và tốt bụng trong suốt cuộc đời của bố, khiến mẹ đôi khi cũng phải bực mình. Mẹ kể bất cứ ai than thở cái gì là bố giúp ngay, cái áo mới mẹ mua cho bố để mặc ăn tiệc, nghe tài xế than áo rách là bố lấy cho ngay, rồì có lúc cần ủi quần áo, mẹ tìm mãi không ra cái bàn ủi, hỏi bố thì bố nói đã mang cho gia đình hàng xóm vì họ nghèo quá, để mai bố đi mua cái khác. Đó chỉ là một trong trăm ngàn chuyện bố âm thầm làm giúp đỡ người khác. Bố lại rất có tài sửa máy móc, chỉ tự học nhưng bố có thể sửa xe hơi, sửa rất nhiều thứ từ đồng hồ, đến quạt máy, radio, ti vi, … ngoài  ra bố còn có tài sáng chế phát minh ra nhiều thứ rất hay. Chẳng hạn thời sau 1975, việc cúp điện xảy ra thường xuyên ở Sài gòn, nhưng bố lại biết chế ra máy phát điện lắp ghép từ những bộ phận của các đồ phế thải. Cả xóm đều ngạc nhiên khi nhà Thúy có đèn, có quạt, có radio trong khi cả khu vực đều bị cúp điện. Tiếc là bố sinh ra không đúng thời, nên không có cơ hội phát triển tài năng đặc biệt của bố, chứ nếu ở Canada hay Mỹ thì chắc bố đã giàu to vì những phát minh của mình rồi. Bố lại có một đam mê đó là đồng hồ, bố thay đồng hồ như chong chóng, cứ mỗi hai tuần là lại thấy bố đeo cái khác rồi. 

Ngay cả thời sau 1975, sau khi được cho về nhà, bố vẫn không bỏ được niềm đam mê này. Tuy không còn rủng rỉnh tiền bạc, bố tìm cách khác là ra ngồi giúp các tiệm sửa đồng hồ, rồi mua hay đổi các đồng hồ với khách làm sao đó mà bố vẫn tiếp tục có những đồng hồ loại mới từ ngoại quốc gửi về để đeo thường xuyên. Đối với Thúy bố thật là giỏi lắm và rất thương con. Hồi nhỏ mỗi ngày bố đi làm về, là mấy chị em Thúy chạy ra đón bố, đứa đưa khăn lau mặt cho bố, đứa thì mang pajama cho bố thay, còn bố thì không bao giờ quên mang về cho mỗi đứa một thỏi sô-cô-la thơm phức của Mỹ. Rồi lâu lâu bố có bạn bè đi tu nghiệp bên Mỹ lại nhờ mua cho các chị em Thúy những con búp bê biết nhắm mắt, mở mắt, với những suối tóc óng ả và khuôn mặt thật đẹp như thiên thần. Chị em Thúy mê búp bê lắm, ôm theo đi ngủ mỗi tối, ru mình trong những giấc mộng thần tiên từ những câu chuyện cổ tích bà nội vẫn kể cho nghe trước khi đi ngủ. Bà nội kể chuyện hay thật hay, những câu chuyện cổ tích bà kể thật sống động, Thúy nghe mỗi ngày đến thuộc làu làu, nhưng ngày nào cũng vẫn nhõng nhẽo bắt bà kể cho nghe. Thúy rất gần bà nội và được bà cưng lắm. Tối tối Thúy ngủ chung với bà để được nghe bà ru ngủ. Thúy rất ghét bị nóng không chịu ngủ trong màn, nên mỗi tối bà phải để quạt thật mạnh cho Thúy dễ ngủ, rồi mới lén buông màn xuống sau khi Thúy đã thiu thiu. Thúy lại còn nhõng nhẽo đến mức sáng ra ngủ dậy là Thúy gọi bà, cho dù bà đang làm gì cũng phải ngưng tay chạy vào phòng vì Thúy sẽ giả bộ lăn ra mép màn để từ từ rớt xuống, bắt bà phải đỡ bế Thúy ra khỏi giường. Bà vẫn mắng yêu Thúy vì cái tính tiểu thư nhõng nhẽo này. Hồi nhỏ Thúy mê bong bóng bay lắm, mỗi khi nhìn thấy trái bong bóng bay Thúy tưởng tượng ra những khung cảnh như trong phim thần thoại. Vì vậy mỗi ngày bà đều mua cho Thúy một trái bong bóng bay, đến nỗi anh chàng bán bong bóng dạo rất khôn, ngày nào cũng đến cỡ 10 giờ sáng là chạy đến trước cửa nhà thổi cái còi báo hiệu để bà ra mua. Hôm nào bà quên mà không mua thì khổ với những giọt nước mắt mè nheo của Thúy. Con nít thật khôn lắm, ai mà thương thì luôn nhõng nhẽo, chứ Thúy đâu có dám nhõng nhẽo với mẹ như với bà, vì mẹ còn phải lo cho nhiều con, Thúy thuộc loại lớn nên chẳng được cưng. Không phải là mẹ không thương Thúy, nhưng chắc chắn mẹ không thể ưu tiên đặc biệt cho Thúy như bà vẫn làm. Ngoài tài kể chuyện cổ tích, bà còn đọc thơ, đọc kinh Phật cho Thúy nghe và cũng nhờ bà dạy cho Thúy học cửu chương thông thạo lầu lầu từ lúc ba tuổi nên Thúy rất đặc biệt giỏi toán. 

Thúy rất ham học, hồi nhỏ mới hơn 2 tuổi là đòi nằng nặc phải được đi học khi thấy chị được cắp sách đến trường mẫu giáo, trong khi hai chị em cách nhau 3 tuổi. Tuổi thơ của Thúy luôn gắn liền bên bà nội như hình với bóng. Nhớ mãi dáng bà thanh thoát, quý phái, da bà trắng mịn màng làm nổi bật hàm răng nhuộm đen màu hạt na. Thời của bà phụ nữ đều phải ăn trầu, nhuộm đen hàm răng như vậy mới đẹp, như câu “bõ công trang điểm má hồng răng đen". Ra ngoài đường là bà mặc áo dài, tóc vấn khăn nhung đen, đi guốc gỗ mun khảm xà cừ. Nét bà thật phúc hậu, quý phái, lại có sống mũi cao, nước da trắng, nhìn lại hình Thúy rất thích những nét đặc trưng của phụ nữ thời xưa. Giống như những tấm hình đen trắng mẹ chụp thời đó sao mà vẫn giữ được nét sắc sảo cho dù qua bao nhiêu năm tháng và những cuộc di cư vật đổi sao dời. Những chiếc áo dài bằng gấm nền nã hay bằng lụa thướt tha đều là những hình ảnh thật đẹp trong mắt Thúy, hơn hẳn những kiểu áo dài mốt mát thời nay. Thúy vẫn rất trân trọng những tấm hình kỷ niệm của gia đình thời xưa, dù hình đã bị ố vàng trong những cuộc di cư nhưng cũng nhờ có những tấm hình này, Thúy như thấy được cả một cuốn phim lịch sử trước mắt vậy. Đất nước Việt Nam đã nghèo lại bị chiến tranh liên miên, nên thân phận người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến tranh loạn lạc thật là đáng thương.  Những “con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Đã trải qua những năm tháng đổi đời sau 1975, Thúy càng thấm thía câu ca dao này hơn hết khi chứng kiến cảnh mẹ phải xốc vác, thu vén để thay chồng lo cho đàn con thơ dại và cả nhà chồng. Cuộc đời của mẹ sao cực khổ nhiều hơn vui, nhưng mẹ vẫn lạc quan, tiếng cười của mẹ vẫn giòn tan như ánh nắng mùa hè sưởi chiếu tâm hồn những đứa con của mẹ. Lại sắp đến mùa Vu Lan, Thúy vẫn nhớ mãi cảm giác mùa Vu Lan đầu tiên sau khi mẹ mất, lên chùa cầm đóa hoa hồng trắng mà lòng đau khôn tả, nước mắt Thúy tuôn rơi không ngưng, chỉ muốn được gặp lại mẹ, được ôm mẹ, được gọi hai tiếng mẹ ơi thân thương. Bài thơ viết cho mẹ mà Thúy giấu kín vì quá buồn bã, mãi đến bây giờ mới có thể cho bạn bè xem và đã được người bạn phổ thành bản nhạc, Thúy vẫn lâu lâu ngâm nga để nhớ về mẹ.
          “Vu Lan năm nay không còn nụ cười trên môi
          Nâng niu trên tay màu trắng xót xa ngậm ngùi
          Con xin dâng Mẹ một nụ hồng màu ngăn cách
          Cho con gọi hoài một đời hai tiếng MẸ ƠI! “
Đời người thật vô thường, thời gian mãi trôi đi theo bánh xe của tạo hóa, chỉ còn chăng là những kỷ niệm tồn tại trong ký ức. Một ngày bão tuyết đã mang Thúy trở về những kỷ niệm thân thương ngày nào, bên những người thân yêu mà Thúy yêu quý nhất. Dòng đời vẫn tiếp tục quay nhanh, nào ai biết trước được sẽ ra sao ngày sau, để rồi một mai ai cũng sẽ trở về với cát bụi.


Diễm Hương


Không có nhận xét nào: