Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Làm giàu từ việc nuôi hàng trăm trẻ mồ côi - “Sự thật về “huyền thoại” Huỳnh Tiểu Hương

img_049920120821161418
Ở nhà biệt thự, đi xe ôtô đời mới gần chục tỷ đồng, Du lịch nước ngoài như đi chợ nhờ xin tiền từ thiện và nuôi trẻ mồ côi…Nói về Huỳnh Tiểu Hương có thể là thừa, bởi cô đã quá nổi tiếng kể từ năm 2001, khi Trung tâm Nhân đạo Quê hương được thành lập. Đã có hàng loạt chương trình truyền hình nổi tiếng, hàng loạt bài báo ca ngợi về cô, không những thế trên trang web của Trung tâm cũng có nhiều vô kể tự sự của nữ “huyền thoại” này. Nếu ai đó nói rằng, Huỳnh Tiểu Hương quan tâm đặc biệt đến trẻ em bất hạnh, bị bỏ rơi bằng tình cảm của một con người từng đồng cảnh ngộ thì hẳn sẽ làm cô buồn, thậm chí là cô sẽ giận. Bởi lẽ cô đã có hơn 20 năm chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ như thế, mà ban đầu chỉ là nuôi trẻ em khuyết tật. Số lượng không phải vài chục trẻ, mà kể từ ngày cô bắt đầu nhận nuôi cho đến nay là 4.000 trẻ, bình quân mỗi năm cô nuôi khoảng 200 cháu.
<!->

                                                         Trẻ ăn uống không đảm bảo vệ sinh
Dẫu con số “vĩ đại” mà cô công bố nhưng chưa được cơ quan chủ quản là Trung ương Hội Chữ thập đỏ (TƯ HCTĐ) thừa nhận, vì theo bác sĩ Đoàn Văn Tòng, Trưởng cơ quan đại diện phía nam của TƯ HCTĐ thì ông chưa bao giờ nghe Trung tâm này báo cáo về con số đó! Song, với số lượng khoảng 320 trẻ đang có mặt tại Trung tâm hiện nay cũng đủ để chứng minh Huỳnh Tiểu Hương là người “yêu” trẻ đến thế nào rồi. còn nếu ai đó nói Huỳnh Tiểu Hương chỉ yêu trẻ chứ không quan tâm chăm sóc chúng thì lại càng bị cô phản đối. Dù chưa tươm tất nhưng trẻ vào Trung tâm đều được nuôi dưỡng và học hành tử tế. Tất cả trẻ trong Trung tâm đều mang họ Huỳnh, chúng là những đứa con tinh thần của Huỳnh “huyền thoại”… Song đó chỉ là bề nổi mà người ta có thể dễ dàng biết được qua những trang báo; còn sự thật đằng sau những lời đồn đoán thiếu tích cực về cô và Trung tâm thì thế nào?
Ăn ở mất vệ sinh
Trong những lần đến Trung tâm Nhân đạo Quê Hương, chúng tôi không khỏi giật mình khi tận mắt chứng kiến bữa ăn của những đứa trẻ tại đây; nhất là bữa ăn của những trẻ trong phòng cách ly. Trong phòng này có khoảng 15 cháu và 2 bảo mẫu, theo một bảo mẫu thì tất cả trẻ đều đang bệnh, có trẻ bị cảm, nổi nhọt, viêm ngứa, trầy xước… Bữa ăn trưa hôm đó là món bún nấu với thịt. Bún được để trong một cái xô nhựa và được múc ra 2 bát tô của hai cô bảo mẫu. Từ 2 cái bát này sẽ cho tất cả trẻ bệnh ăn chung. Mỗi trẻ sẽ được hai cô bảo mẫu đút cho từng muỗng nhỏ. Khi chúng tôi hỏi: Tại sao không cho ăn riêng để đảm bảo vệ sinh vì nguy cơ các trẻ sẽ lây bệnh chéo rất cao? Một bảo mẫu trả lời: “Trước nay vẫn vậy”. Còn Huỳnh Tiểu Hương thì cho rằng, các cháu trong phòng ấy chỉ bị trầy xước, sợ ra ngoài chơi dơ thôi chứ không có bệnh truyền nhiễm gì cả (?!) nên ăn như thế cũng không sao!
Trẻ ăn uống không đảm bảo vệ sinh
Phía đối diện phòng cách ly là nhà ăn dành cho trẻ khoảng 3 tuổi trở lên thì hôi nồng nặc, chị đồng nghiệp không dám bước vào. Tại đây các bé ngồi vào bàn ăn và mỗi bé có một tô bún trước mặt. Hầu hết các bé tự ăn, có vài “bảo mẫu” hay nói đúng hơn là anh chị lớn trong Trung tâm, có người bị tật cả 2 tay giúp các bé ăn! Thức ăn rơi vãi khắp bàn thể hiện rõ sự nhếch nhác, xô bồ. Khi được hỏi về vấn đề này, Huỳnh Tiểu Hương chống chế: “Một đứa con từ sáng đến chiều còn dơ, huống gì Trung tâm có hàng trăm trẻ!”.
Có thể nói khâu vệ sinh tại Trung tâm là vấn đề cần được cải thiện vì trong một môi trường tập thể có nhiều trẻ nhỏ, các cháu lại bị bệnh nặng khi đưa về. Đỉnh điểm là trong năm 2009, một số trẻ tại Trung tâm đã mắc bệnh sởi, thủy đậu khi đưa xuống Bệnh viện Nhi đồng điều trị, một số bé do bị quá nặng nên đã tử vong. Trong 4 lần chúng tôi đến Trung tâm thì hầu hết đều chứng kiến cảnh nhà vệ sinh dơ bẩn và bốc mùi hôi nồng nặc. Ngay sát khu vui chơi của trẻ là một hố rác lớn với nhiều loại rác thải khác nhau được đốt dang dở và đang trong quá trình phân hủy.
Dạy dỗ trẻ thơ cái gì?
“Huyền thoại” Huỳnh Tiểu Hương
Ngoài việc đưa những đứa trẻ vào Trung tâm chăm sóc, cho cái ăn cái mặc thì vấn đề quan trọng hơn nữa là làm sao dạy dỗ cho các em ngay từ nhỏ. Song, với số lượng trẻ lớn như vậy, số lượng bảo mẫu lại ít, thiếu kiến thức chuyên môn, chủ yếu là những người dân đến hỗ trợ chứ không phải bảo mẫu chuyên nghiệp thì chuyện dạy lễ nghĩa cho các bé là một điều còn rất hạn chế. Cùng trăn trở với chúng tôi về việc này, thầy Đỗ Quang Trung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hương (quận Tân Phú, TP HCM) nơi hiện có khoảng 12 em của Trung tâm đang theo học lớp 1 thì: “Không phải nhận nhiều vào và cho các bé ăn mặc là đủ.
Vấn đề quan trọng hơn hết là dạy dỗ, giáo dục các em thành người tốt. Các em có được học hành đến nơi đến chốn hay không? Đó mới là sự khác biệt cốt lõi của những trẻ may mắn được nhập hộ khẩu ở Trung tâm Quê Hương với những đứa trẻ kém may mắn khác bị dòng đời xô đẩy”. Riêng Huỳnh Tiểu Hương khi trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc dạy bảo các trẻ nhỏ chưa đến tuổi đến trường thế nào? Cô cho biết, cô thường ngủ với các cháu, mỗi hôm một nhóm khác nhau và cứ thế luân phiên. Như thế thì cô mới hướng dẫn các cháu bằng cách đố những câu đố vui, hay mở đĩa các nhà sư thuyết pháp cho các con nghe. Cô dạy cho các con hiểu được làm người để làm gì, tại sao chúng ta phải sống, sống có ý nghĩa gì?…
Có quá xa vời không khi những đứa trẻ mới lên 3, lên 4 mà cô Hương lại dạy dỗ bằng cách cho nghe các đĩa thuyết pháp vốn chứa đựng những bài học nhân sinh quan dành cho người lớn, người từng trải nghiệm cuộc sống mới có thể hiểu. Có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, việc dạy dỗ cho các em trước tiên và quan trọng nhất chính là lễ nghĩa. Nhưng chúng tôi đến Trung tâm 4 lần và bắt chuyện với rất nhiều em, không có bất kỳ một em nhỏ nào gật đầu hay chào hỏi lấy một câu. Các em học lớp 1 ở chi nhánh Trung tâm tại quận Tân Phú thì có gật đầu chào sau khi được các anh chị lớn nhắc nhở.
Cô Hương nói có phòng dạy máy tính cho trẻ nhưng khi chúng tôi vào xem thì toàn bộ máy ở đây đều là máy cũ và hư hỏng, không sử dụng được. Phòng học mầm non trong Trung tâm thì chỉ có một chiếc tivi, hầu như không có đồ chơi nào dành cho lứa tuổi các em. Giải thích về việc này, cô Hương nói, đúng là các máy tính đã hư hỏng hết do quá cũ. Cô cũng muốn đầu tư mới để các em được làm quen với máy tính, nhưng giờ còn lo trả tiền điện, lương, rồi tiền viện phí cho các em hết rồi, với lại năm qua đầu tư mấy chục tỉ mua đất, xây dựng thêm cho Trung tâm (!?). Cô cho biết hiện Trung tâm thiếu trầm trọng giáo viên dạy trẻ.
Huỳnh Tiểu Hương luôn nói rằng, cô rất quan tâm đến việc học tập của các em nhỏ. Theo thầy Hiệu trưởng Đỗ Quang Trung, từ khi các em vào học đến nay, cô Hương chưa một lần đến trường để trao đổi về việc học tập của các em, chỉ có một lần thầy “gặp” cô qua điện thoại. Cũng không phải các em đều học giỏi suất sắc như cô Hương nói mà theo thầy Trung thì hiện có vài cháu học chậm hơn các bạn khác. Tới kỳ họp phụ huynh thì chỉ có một cô bảo mẫu đi đại diện chứ cô Hương không hề đến trường.
Thầy Trung nhấn mạnh với chúng tôi: “Cái mà tôi quan tâm nhất là Trung tâm cần có người liên hệ về việc học tập của các em với nhà trường, một đứa trẻ bình thường có bố mẹ mà lo còn khó thì thử hỏi 10 đứa con của cô Hương, một mình cô có nhớ hết hay không? Sao cô không thường xuyên quan tâm đến việc học hành của các em bằng cách trao đổi với nhà trường để nắm tình hình!”. Huỳnh Bích Tâm, một trong những đứa con đầu tiên của Huỳnh Tiểu Hương cho biết: Việc chăm sóc cho các trẻ Trung tâm tại quận Tân Phú chỉ có hai người là một người dì và một sơ.
Trẻ, bảo mẫu có bao nhiêu cũng không rõ?
Sự bất nhất đầu tiên rất rõ ràng là việc minh bạch số lượng trẻ tại trung tâm. Điều này cũng được chính ông Tòng xác nhận từ các báo cáo của Trung tâm gửi về. Con số dao động từ 320 đến hơn 330 em và ông cũng tỏ ra ngạc nhiên về con số trên 4.000 trẻ tính từ trước khi thành lập Trung tâm đến giờ. Ông Tòng thẳng thắn cho rằng, Trung tâm hoạt động rất thiếu bài bản, thậm chí họ còn không biết viết báo cáo, không biết viết công văn và cách thể hiện công tác tài chính. Phía cơ quan đang từng bước tập huấn cho nhân sự dưới Trung tâm. Nói về số lượng các em nhỏ tại Trung tâm, Huỳnh Tiểu Hương cho chúng tôi biết, hiện có 326 em, những em đến tuổi đi học thì là chỉ vài chục, chỉ có 12 trẻ học lớp 1 tại trường. Theo tìm hiểu của chúng tôi lúc các bé đi học về thì đúng là chỉ có khoảng 12 em, lấy đâu ra con số 37 em. Vậy con số 37 kia ở đâu mà có?
Một tô bún cho cả chục trẻ ăn chung
Kế đến là sự bất nhất trong việc nói về số lượng bảo mẫu tại Trung tâm. Cô Hương thì nói số lượng bảo mẫu là 54, với số lượng này thì vẫn còn thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, trong 4 lần chúng tôi đến Trung tâm con số này chỉ có phân nửa. Anh quản lý thì nói rằng, Trung tâm có tất cả 35 bảo mẫu, nhưng hình như anh đã nói hớ, một lúc sau anh ta lại cải chính là có trên 50 bảo mẫu. “Nhưng chủ yếu các cô là đến đây để hỗ trợ, nên thường không đủ số lượng, có khi các cô lại đi chăm sóc các bé ở bệnh viện. Cứ mỗi bé bị bệnh nằm viện là một cô theo chăm sóc”. Người quản lý giải thích. Ông Tòng lại lắc đầu khi chúng tôi hỏi về số lượng bảo mẫu tại Trung tâm. Vì sao cô Hương lại bất nhất trong việc công khai số lượng các cháu ở Trung tâm? Do quá nhiều nên cô không thể nhớ hết hay có một sự mập mờ nào đó không thể công khai, để rồi từ giám đốc đến quản lý đến các con đều đưa ra những con số bất nhất?!
Tuy nhiên, đó cũng không phải là điều đáng quan tâm, có thể đó là sự thiếu khoa học của bộ máy quản lý tại Trung tâm, dù theo báo cáo tài chính thì cô Hương phải trả gần 150 triệu mỗi tháng để nó hoạt động! Điều đáng nói hơn nữa là, việc mà số tiền học lớp 1 của các em tại Trung tâm. Cô Hương nói, riêng tiền đi học lớp 1 của các em mỗi tháng phải tốn đến hơn 30 triệu đồng. Đó là chưa tính đến các em học đại học, mỗi học kỳ là hơn 2 triệu, mỗi lần đóng là đến gần 20 triệu đồng, rồi còn các em trung học và các em được cho đi học nghề… Cô than thở rằng, mình phải thiếu nợ nhà trường và trả góp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hương, nơi mà theo cô Hương nói thì các em nhỏ đến tuổi đi học đều cho các em được học tại đây. Song, sự thật về việc trả góp mà “huyền thoại” đã nói là… một cú sốc!
Huỳnh Tiểu Hương từng được xem như một huyền thoại về cuộc đời một người phụ nữ đi lên từ bất hạnh nhưng sau đó lại cưu mang nhiều số phận bất hạnh. Nhưng sự thật thì có phải như vậy?
Cũng đã nghe loáng thoáng vụ này…giờ lại đọc thêm một người nữa dám đứng ra tố cáo về sự thật về chuyện lợi dụng trẻ, mượn trẻ về để kể khổ xin tiền… Tiền thu về từ lòng hảo tâm ở trong và ngoài nước thì nhiều, trong khi đó trẻ phải sống trong tình trạng chật vật, khổ sở.
Thật sự ko hiểu sao con người ta cũng đi lên từ sự bất hạnh nhưng sao lại lợi dụng sự bất hạnh của người khác để chuộc lợi thế này?

Chia sẻ lại câu chuyện này để mọi người ai có ý định ủng hộ cho trung tâm nuôi trẻ này thì nên cân nhắc. Những ai biết thêm sự thật về người phụ nữ này cũng chia sẻ luôn, và hy vọng các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vụ việc.
 
Lê Chi – Thảo Vy 

Không có nhận xét nào: