CUNG ĐÀN THÚY KIỀU - Nguyễn Du - Ngọc Thịnh - Anh Thơ - Gs TranNangPhung - NNS
Nguyễn Du: *Du du vân ảnh biến thần tịch, Cổ cổ lãng hoa phù cổ câm, Trần thế bách niên khai nhãn mộng, Hồng sơn thiên lý ỷ lan tâm . (Bóng sớm mây chiều thay đổi chóng, Lớp sóng cổ kim chìm nổi mau, Mở mắt trăm năm trong giấc mộng, Quê nhà một nhớ, một lòng đau).
*Cổ kim hận sự thiên nan vấn, Phong vận kỳ oan ngã tự cư, Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Độc Tiểu Thanh Ký). (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi, Cái án phong lưu khách tự mang, Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, Người đời ai khóc Tố Như chăng?).
RU TA NGẬM NGÙI - Trịnh Công Sơn - Quang Dũng – Gs TranNangPhung - NNS
Tình thân,
.............................................................................................................................
1. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Trần Đức Anh Sơn (Người Nước Huệ): Ai chịu trách nhiệm trong việc im lặng trước hải chiến Hoàng Sa - Chiến tranh biên giới phía Bắc - Trận chiến Gạc Ma?
Tháng 7/2013, tôi sang Singapore để thực hiện một số cuộc phỏng vấn các học giả chuyên nghiên cứu về tranh chấp trên Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (ASEAN Studies Centre) cho bộ phim tài liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) thực hiện. Sau giờ làm việc, tôi được Alex Giang, một người bạn Hà Nội đang làm luận án tiến sĩ ở ĐHQG Singapore mời đi uống trà và nói chuyện về gốm sứ cổ với ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore.
Qua trò chuyện, khi biết mục đích chính của tôi đến Singapore là để phỏng vấn các học giả ở Singapore về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore nói: “Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) là những hòn đảo của Trung Quốc, Việt Nam tranh với Trung Quốc làm gì và làm sao mà tranh được!”. Tôi phải mất gần 15 phút để giải thích, đưa dẫn chứng và tranh luận với ông là Trung Quốc đã xâm lược, và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Khi đó thì ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore nói rằng: “Tôi toàn đọc sách, tài liệu, xem phim ảnh do Trung Quốc xuất bản, khẳng định rằng hai quần đảo đó là của Trung Quốc từ nghìn đời nay. Việt Nam nói các quần đảo này là của Việt Nam sao không xuất bản các cuốn sách bằng tiếng Hoa, tiếng Anh… để công bố cho thế giới biết về điều này?”. Tôi nói: “Đó là sai lầm của Việt Nam. Vì thế, hiện nay chúng tôi đang khắc phục điều này bằng cách nghiên cứu, xuất bản và công bố ra quốc tế những cuốn sách, bộ phim tư liệu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ phim mà chúng tôi đang thực hiện tại Singapore hôm nay là một nỗ lực để sửa chữa sai lầm đó”.
Tháng 6/2015, bộ phim BIỂN ĐẢO VIỆT NAM – NGUỒN CỘI TỰ BAO ĐỜI (5 tập) do HTV thực hiện từ đầu năm 2013, đã hoàn thành và đã được phát trên sóng của HTV, sau khi vượt qua nhiều gian truân, trắc trở. Bộ phim cũng đã được nhiều đài truyền hình khác ở Việt Nam phát lại, được đưa lên Youtube và được nhiều webpage khác dẫn lại [như link này (đủ cả 5 tập)].
Tháng 9/2015, phiên bản tiếng Anh của bộ phim này được phát trên Youtube, thu hút hàng ngàn lượt người xem links tại đây:
Và, đến tháng 3/2016, phiên bản tiếng Hoa của bộ phim này tiếp tục được phát trên Youtube [links tại đây:
http://youtu.be/ox_vJn_itYk (tập 1);
http://youtu.be/JDQr_ODgd7o (tập 2);
http://youtu.be/_AyrCih9KIU (tập 3);
http://youtu.be/_SR6yCOEWTk (tập 4);
http://youtu.be/moNKQy1t6gM (tập 5)
Vậy, ai có bạn bè là người Trung Quốc hoặc là người sử dụng tiếng Hoa, thì giới thiệu cho họ xem để họ biết về lịch sử chiếm hữu, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác của Việt Nam; để họ biết rằng những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn dối trá.
Tuy nhiên, cũng phải đau buồn mà thừa nhận rằng trong khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về “chủ quyền dối trá” của họ đối với những vùng biển và quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, về trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974 và trận chiến Gạc Ma tháng 3/1988…, thì lãnh đạo Việt Nam lại im lặng. Không thấy vị lãnh đạo cao cấp nào lên tiếng về những sự kiện trên, trong khi báo chí thì bị hạn chế đưa tin; dư luận bị dập tắt, nhân chứng không có cơ hội lên tiếng về các sự kiện này. Mãi cho đến vài năm gần đây thì chính quyền mới “nới lỏng” đôi chút trong những dịp kỷ niệm, nhưng đâu đó vẫn có cấm đoán, ngăn chặn, thậm chí cướp phá vòng hoa và hành hung người tham dự tưởng niệm các sự kiện này. Những sự kiện này không được đưa vào sách giáo khoa để học sinh được học, được biết, được nhớ, được căm thù quân xâm lược và được nuôi dưỡng lòng yêu nước.
Những công trình nghiên cứu về những sự kiện này thì bị ngăn cấm xuất bản, mà điển hình nhất là vụ cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do tướng Lê Mã Lương, anh hùng LLVTND chủ biên, đã không được Cục Xuất bản cấp giấy phép xuất bản. Vậy thì, sự ngộ nhận của ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn có lý. Và sai lầm này thì ai phải chịu trách nhiệm? Tất nhiên là không ai khác ngoài giới lãnh đạo Việt Nam. NGƯỜI NƯỚC HUỆ (Từ New Haven, Connecticut).
*** Ths Trần Trung Hiếu (ZING.VN): Không có chữ Gạc Ma nào trong sách giáo khoa
“Đề cập Gạc Ma, sách giáo khoa cần viết ngắn gọn về âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam, từ đó nêu hệ quả của sự kiện này”, thầy Trần Trung Hiếu đề xuất. Đầu năm 1988, Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp đảo Gạc Ma. 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604. 28 năm trôi qua, đến nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giáo viên Lịch sử, hải chiến Gạc Ma là một trong những sự kiện lịch sử lớn, phải đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường. Những người đã hy sinh cho đất nước phải được tôn vinh xứng đáng.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ bài viết với Zing.vn về thực tế vị trí của hải chiến Gạc Ma nói riêng, đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói chung trong sách giáo khoa hiện hành.
Thiếu sót lớn
Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) của Việt Nam. 28 năm qua, vì nhiều lý do khác nhau, người ta đã quên dần sự thật lịch sử này. Nhưng, những người thân của các liệt sĩ Gạc Ma và cả đồng đội còn sống sót sau sự kiện vẫn không thể và không bao giờ quên nỗi đau đó. Vết thương chưa lành và vẫn còn đau, bởi sự kiện Gạc Ma đang nhạt dần và có nguy cơ biến mất. 28 năm, thời gian quá dài và quá đủ để chúng ta nhìn nhận lại một sự thật hiển nhiên, dù nó rất phũ phàng và đau xót. Rất đáng để chúng ta phải trăn trở là tại sao một sự kiện như thế nhưng không hề được nói một từ nào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành.
Rất nhiều tờ lịch treo tường hàng chục năm qua không hề nhắc đến các sự kiện biên giới phía Bắc (17/2/1979), biên giới Tây- Nam và các sự kiện liên quan chủ quyền biển đảo Hoàng Sa (19/1/1974), Gạc Ma (14/3/1988). Một thực tế cho thấy nhiều học sinh phổ thông thắc mắc vấn đề chủ quyền 2 quần đảo (hiện nay là hai huyện đảo) Hoàng Sa, Trường Sa không được nhắc đến trong sách giáo khoa môn Lịch sử. Và đương nhiên, các sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm như Hoàng Sa (1974), Gạc Ma (1988) cũng không được viết một dòng chữ nào. Với góc độ giáo viên dạy Lịch sử trường phổ thông, tôi cho rằng đó là thiếu sót lớn, dù người ta cố tình biện minh với bất kỳ lý do gì.
Vấn đề này, sách giáo khoa cần minh bạch thông tin, nói đúng, nói đủ sự kiện. Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 và Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) hiện nay thuộc quyền chiếm đóng và quản lý trái phép của Trung Quốc. Nói đến sự kiện này, sách giáo khoa chỉ cần viết ngắn gọn: Âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam ở Gạc Ma, từ đó nêu lên hệ quả của sự kiện này. Sách giáo khoa cần khẳng định lại rằng cuộc đấu tranh đòi chủ quyển đã mất (Hoàng Sa, Gạc Ma và một số đảo khác) là vấn đề phức tạp, không dễ dàng. Dù xét về phương diện lịch sử và pháp lý quốc tế, Việt Nam đấu tranh đòi lại chủ quyền là hoàn toàn đúng đắn.
Nếu chúng ta cố tình che đậy, né tránh những sự thật hiển nhiên này, sẽ gây ra sự khủng hoảng niềm tin: Học sinh tin vào ai, sách giáo khoa, lời thầy cô giáo hay thông tin trên các phương tiện truyền thông, Internet? Sách giáo khoa phải tôn trọng và trả lại những sự thật lịch sử. Sự kiện Gạc Ma bị “quên” trong sách giáo khoa là điều khó chấp nhận. Chúng ta không tưởng nhớ, tri ân đúng nghĩa các liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa nói chung, Gạc Ma nói riêng thì làm sao giáo dục cho thế hệ trẻ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết trân trọng những giá trị lịch sử, từ đó có thái độ và trách nhiệm với Tổ quốc?
Nhắc lại sự kiện Gạc Ma 28 năm trước không phải nhằm khơi sâu mối thù hằn và sự tàn ác của chiến tranh, phá vỡ quan hệ hợp tác trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Nhưng thế hệ trẻ cần biết lịch sử để luôn đề phòng, cũng như tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân ngã xuống vì Tổ quốc, từ đó sống có trách nhiệm và yêu đất nước mình.
Vị trí của Trường Sa, Hoàng Sa trong sách giáo khoa
Trên thực tế, từ năm 2012 đến nay, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông vẫn giữ nguyên như cũ và chưa có thêm dòng chữ nào về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Ở sách giáo khoa Lịch Sử lớp 7, bài 20: Nước Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527), trang 95, hình 44, có Lược đồ Hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ, hoàn toàn không vẽ và không giải thích về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Bài 25: Phong trào Tây Sơn (trang 123, hình 57) có Lược đồ Tây Sơn khởi nghĩa chống các thế lực phong kiến và chống quân xâm lược nước ngoài, có đánh dấu vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa như các bản đồ Việt Nam khác, nhưng không có thông tin nói đến chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo này.
Trong bài 27: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn (trang 135, hình 6) có Lược đồ các đơn vị hành chính thời Nguyễn (từ năm 1832), đánh dấu Hoàng Sa, Trường Sa như bản đồ Việt Nam khác, nhưng không giới thiệu thông tin nào về chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo này.
Tại sách giáo khoa Lịch sử lớp 9, bài 27: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954), trang 122, hình 53, có hình thái chiến trường trên mặt trận Đông Xuân 1953-1954. Dù đánh dấu vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa như bản đồ Việt Nam khác nhưng không giới thiệu thông tin về hoạt động của quân dân ta ở Hoàng Sa, Trường Sa trong những năm 1953-1954.
Đến bài 30: Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1973-1975), trang 163, hình 77, có Lược đồ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đánh dấu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có vẽ đường mũi tên từ khu vực Cam Ranh ra Trường Sa, nhưng không một lời giải thích. Người đọc không thể hiểu vấn đề lịch sử chủ quyền ở đây như thế nào.
Với sách giáo khoa Lịch sử lớp 10, bài 25: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn, trang 126, hình 49, có Lược đồ các đơn vị hành chính Việt Nam thời Minh Mạng, vẫn đánh dấu vị trí Hoàng Sa, Trường Sa như các bản đồ Việt Nam khác, nhưng không có lời giải thích về chủ quyền của Việt Nam.
Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975), trang 193, hình 79, có Lược đồ diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giống như lược đồ của sách giáo khoa Lịch sử lớp 9. Học sinh cũng không thể nhận ra lược đồ này “thể hiện rõ quân ta giải phóng đảo Trường Sa từ tay quân đội Sài Gòn”.
Như vậy, hầu hết lược đồ chỉ xác định vị trí của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khung chung của một bản đồ nền chính thức Việt Nam hiện nay, mà không minh chứng cho vấn đề nào của chủ quyền biển đảo trong lịch sử.
Ngoài ra, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông đều không nhắc đến 2 sự kiện quan trọng liên quan cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền và bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo này sau năm 1975. Đó là sự kiện đầu năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ quân đội Việt Nam Cộng hòa và trận chiến Gạc Ma năm 1988.
Tôi là người dạy Lịch sử và các đồng nghiệp cũng rất mong muốn Bộ GD&ĐT, trong khi chờ sách giáo khoa mới, nên kịp thời chỉ đạo các trường, sở GD&ĐT trong cả nước bằng văn bản, để lồng ghép nói về công cuộc bảo vệ biên giới và chủ quyền biển đảo. ( Thạc sĩ Trần Trung Hiếu là giáo viên nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử tại trường chuyên THPT Phan Bội Châu, Nghệ An. Thầy Hiếu là người góp nhiều tiếng nói trên báo chí để giành lại vị trí môn Lịch sử trong trường phổ thông. Tháng 10/2015, ông viết thư gửi Bộ GD&ĐT đề xuất không tích hợp Lịch sử và cho rằng đây là môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia. Sau đó, ngày 3/11/2015, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ và một số tổ chức liên quan bàn về Dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông, trong đó chủ đề chính là không tích hợp môn Lịch sử).
*** Nhân Thế Hoàng: Gần 2 triệu người đã hy sinh cho cuộc chiến, vì mục đích gì?
Cho đến giờ, nhiều khi ngồi và ngẫm lại những gì đã qua, tôi thực sự không hiểu cuộc chiến thần thánh chống lại đế quốc Mỹ nó mang ý nghĩa thế nào với dân tộc này.
Nếu nói là để xây dựng XHCN, thì hiện tại XHCN ở Việt Nam chỉ là cái bánh vẽ mà người ta đang nhân danh nó, buộc số đông dân số phải cày ải để phục vụ cho thiểu số, mà cụ thể ở đây là giới cầm quyền. Mọi tiêu chí mà một nhà nước XHCN cần có như tập trung, bao cấp, HTX..vv…đều được xoá bỏ vì nó phi thực tiễn, và người ta buộc phải đi theo nền kinh tế thị trường mà bọn tư bản giãy chết đang đi; khác chăng, là nó gắn thêm cái đuôi định hướng XHCN để duy trì sự cai trị độc tôn của ĐCS mà thôi. Vậy thì gần 2 triệu người đã hy sinh cho cuộc chiến, chỉ là để người ta thí nghiệm cho cái mô hình xã hội quái gỡ này thôi sao?
Còn nếu cuộc chiến là để giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ của đế quốc Mỹ thì thấy hơi vô lý. Bởi, Mỹ tuy tham chiến nhiều nơi nhưng người ta chưa thấy nơi nào là thuộc địa của Mỹ cả. Hãy nhìn cách mà Mỹ đổ quân vào Nam Hàn, giúp họ chống lại cộng sản Bắc Hàn để xây dựng nên một Hàn Quốc hùng cường như hôm nay. Hay, Mỹ ném xuống Nhật hai quả bom nguyên tử, biến Nhật thành bình địa rồi lại giúp người Nhật tái thiết đất nước. Trong danh sách 10 người ảnh hưởng nhất đến sự thành công của nước Nhật bây giờ, ta thấy tên của 1 vị tướng Mỹ trong đó. Tức là khi tham gia vào bất cứ cuộc chiến nào, mục đích của người Mỹ chỉ là lập lại trật tự và xây dựng lại đất nước đó theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhật Bản và Hàn Quốc chính là 2 bằng chứng xác thực nhất cho tiêu chí tham chiến của người Mỹ.
Có bao giờ bạn thử hỏi, nếu những người thắng cuộc là VNCH, hay đất nước cứ chia đôi như Hàn Quốc và Triều Tiên thì Việt Nam sẽ giàu có và phát triển hơn bây giờ không?
Đừng đổ lỗi cho chiến tranh bởi chiến tranh đã qua rất lâu, như lời phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: Nhiều nước cách đây mấy chục năm họ nghèo hơn Việt Nam, nhưng hiện tại bây giờ họ đã giàu hơn rất nhiều.
Vậy có phải thể chế hiện tại là rào cản cho sự phát triển của đất nước không, khi mà nó tạo ra quá nhiều bất công, tạo ra rất nhiều vấn đề tiêu cực mà dù có mất vài thế hệ nữa cũng chưa chắc giải quyết xong.
Tôi nghĩ sau mấy mươi năm, nếu có cái đầu, tất cả chúng ta đều đã có câu trả lời. (FB: NhanTheHoang)
*** BBC: Vietnam có hạnh phúc không?
Đan Mạch là nước hạnh phúc nhất thế giới, còn Việt Nam xếp thứ 96, theo một khảo sát.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới lần thứ tư xếp Burundi là nước bất hạnh nhất (157) do bất ổn chính trị và đe dọa bạo lực. Đứng áp chót là Syria (156).
Năm nước hạnh phúc nhất thế giới năm 2016 là Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Phần Lan. Mỹ xếp thứ 13, Anh 23, Trung Quốc 83 và Ấn Độ 118. Báo cáo này dựa theo thống kê thăm dò của Gallup, với 1.000 người ở mỗi nước, liên tục ba năm. Báo cáo do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững (Sustainable Development Solutions Network - SDSN) thực hiện. Có 6 tiêu chuẩn chính: (i) GDP đầu người; (ii) Hỗ trợ xã hội (có người nhờ vả khi khó khăn); (iii) Tuổi thọ; (iv) Tự do cá nhân ; (v) Đóng góp từ thiện; và (vi) Đánh giá về tham nhũng.
(ii) Khánh An (VOA): TQ nói ‘hiện tượng Trump’ cho thấy dân chủ là nguy hiểm, người Việt nghĩ gì?
Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan báo chí của nhà nước Trung Quốc, hôm 14/3 nói ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump là một ví dụ điển hình về sự nguy hiểm của dân chủ. Người Việt nói gì về nhận định này của Bắc Kinh? Họ nghĩ sao về tính dân chủ trong bầu cử ở Mỹ?
Hoàn Cầu Thời Báo mô tả tỷ phú địa ốc Donald Trump, ứng viên đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới ở Mỹ, là một ‘ứng viên giàu có, kỳ thị và khích động’, với những lời phát biểu đầy tính ‘kỳ thị và cực đoan’. Bài xã luận hôm 14/3 của Hoàn Cầu Thời Báo còn nói “Mussolini và Hitler cũng giành được quyền lực thông qua bầu cử, một bài học đắt giá cho dân chủ phương Tây”. Bài viết, theo nhận định trên tờ Quartz, mang lại cho người đọc cảm giác nước Mỹ là một thế lực tiềm ẩn khó lường gây bất ổn cho thế giới vì bản chất hỗn loạn của dân chủ. Trong khi đó người Trung Quốc nên cảm thấy biết ơn dưới sự cai trị rất ‘trật tự’ của đảng Cộng sản.
Hải Di, một bạn trẻ người Việt sống ở Na Uy, cho rằng việc báo Trung Quốc so sánh hiện tượng Donald Trump với sự ra đời của các nhà độc tài, phát xít thế giới trước đây là không phù hợp, dù cô thừa nhận mình cũng không thích ông Trump. “Em không ưa Donald Trump! Thứ nhất là ổng phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phân biệt phụ nữ, xúc phạm người khác. Và khi ổng tranh luận, ổng hoàn toàn không nói về chính sách mà toàn đánh cá nhân”.
“Khi so sánh với Hitler thì em thấy không phù hợp vì thời của Hitler không thực sự được tự do như bây giờ. Hitler đâu phải chỉ thắng bằng bầu cử đâu, ổng còn chơi ăn gian, tìm cách phá đảng này đảng khác…”
Phản ánh sự tức giận tức thời
Hải Di cho rằng sự thắng thế hiện nay của ông Trump trong cuộc đua trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa chỉ phản ảnh sự tức giận tức thời của một số dân chúng Mỹ. “Trung Quốc mạnh lên, Nga mạnh lên, ISIS mạnh lên mà Mỹ có vẻ yếu đi thì em nghĩ nó phản ảnh sự giận dữ đó, đặc biệt là có một số người cũng giận dữ chuyện ‘political correctness’ (đúng đắn chính trị), rồi chuyện ‘migrant crisis’ (khủng hoảng tị nạn)… thì nó phản ánh sự giận dữ đó. Nhưng về lâu dài, có nhiều người ủng hộ ông Trump không lại là chuyện khác. Nhưng cái mình thấy được là trong chế độ dân chủ, mọi người được nhìn thấy chuyện gì đang xảy ra, thấy tất cả mọi người ứng cử ra debate (tranh luận). Họ cho biết quan điểm là gì, chính sách là gì, thì cái đó là cái không có trong chế độ độc tài”.
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Phó chủ tịch Cộng đồng Việt Nam ở Bắc California, Mỹ, nói cá nhân ông cho rằng sở dĩ ông Trump thắng thế là do đã ‘đánh trúng tâm lý’ của một số đông dân chúng ở Mỹ. Họ đã chán ngán với những ứng viên thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ thường bị lệ thuộc phần nào vào đường lối, chủ trương của đảng, còn ông Trump vì ‘dựa vào tiền túi’ nên có thể phát ngôn tùy thích. Ông Nhân thừa nhận dân chủ của Mỹ cũng có những mặt ‘nguy hiểm’, nhưng không phải trong vấn đề bầu cử. “Theo tôi, cái dân chủ bên nước Mỹ cũng có những cái nguy hiểm chứ không phải không. Cái nguy hiểm mà tôi thấy vừa rồi, ví dụ như kế hoạch mình muốn chuẩn bị đánh chỗ này, chỗ kia, chỗ nọ, mà báo chí bắt chương trình đó phải show (đưa ra cho thấy) cho báo chí thì tôi thấy tất cả những bí mật quốc phòng như vậy mà bị lộ ra ngoài thì cuộc chiến đó không đem lại kết quả như ý muốn. Thành ra tôi thấy dân chủ quá cũng có những vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên với vấn đề bầu cử, tôi nghĩ ông tổng thống nào cũng vậy, người ta cũng có đường lối, chủ trương và mục đích của người ta. Thành ra nếu ông tổng thống muốn cái này, cái kia, cái nọ, mà Quốc hội hoặc Thượng viện không đồng ý thì tôi nghĩ chuyện đó ổng cũng không làm được khác hơn. Thành ra chuyện đó cũng đâu xảy đến nguy hiểm”.
Độc tài đáng sợ hơn
Đạo diễn Song Chi, hiện đang sống tại Na Uy nhưng rất quan tâm đến cuộc bầu cử Mỹ, nhận xét: “Ngay cả ông (Donald Trump) có trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa đi nữa thì tôi cũng không nghĩ dân chủ Mỹ là đáng sợ. Bởi vì thứ nhất, họ cho thấy ở Mỹ ai cũng có quyền ra ứng cử. Và trong quá trình ra ứng cử như vậy thì sẽ thấy rõ toàn bộ con người, phẩm chất, năng lực của anh sẽ thể hiện ra trước cử tri trên tất cả các phương tiện truyền thông, những lời phát biểu, những việc anh làm và những cuộc debate (tranh luận) chẳng hạn, thì ta sẽ thấy rõ ràng con người của từng người như thế nào. Sau đó, cử tri họ sẽ lựa chọn. Rồi không phải cử tri không mà còn có những siêu đại biểu nữa, thành ra không phải đơn giản để trở thành một tổng thống”. Đạo diễn Song Chi nói với hệ thống bầu cử của Mỹ, nó cho phép tất cả mọi người, dù là cực tả hay cực hữu, ai nấy đều có cơ hội thể hiện mình. Sau khi trải qua quá trình thể hiện mình và được người dân lựa chọn, tân tổng thống cũng không được phép quyết định tất cả mọi việc. “Và kể cả nếu họ có quyết định một số lớn việc đi chăng nữa, thì sau 4 năm người ta cũng cho họ xuống chứ không ngồi đó mãi mãi được. Những quốc gia độc tài bao giờ cũng đáng sợ hơn nhiều, không đi qua một quá trình chọn lựa nào cả, cái người ngồi ở trên đó không hề đại diện cho người dân, cũng không đại diện cho mong muốn, nguyện vọng của người dân chọn họ. Và khi họ ngồi đó rồi, ví dụ như ở Việt Nam chẳng hạn là ‘đảng cử, đảng bầu’, sau đó họ ngồi đó và ngồi rất lâu, ví dụ như vậy. Do đó chế độ độc tài bao giờ cũng đáng sợ hơn rất nhiều”. Dù tỷ phú địa ốc đang trên đà thắng thế, nhưng đạo diễn Song Chi không tin đa số người Mỹ cuối cùng sẽ chọn ông Donald Trump làm tổng thống sắp tới của họ.
Hệ thống kiểm soát
Trong khi đó, Luật sư Lê Văn Luân từ Hà Nội nói dân chủ của Mỹ đôi khi bị gọi là ‘điên rồ’ khi cho phép những phản biện, tranh luận kéo dài quá mức khi có sự bất đồng về một dự luật nào đó chẳng hạn. Vị luật sư tự ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa tới cho rằng sự ‘kỳ thị và cực đoan’ của ông Donald Trump chỉ là vấn đề về tư tưởng vì nước Mỹ đề cao tự do tư tưởng một cách tuyệt đối. Mọi người hoàn toàn có thể yêu, thích, ghét và cực đoan về bất cứ điều gì. Những phát biểu mang tính ‘kỳ thị và cực đoan’ của ông Trump, theo LS. Luân, là cách ông thu hút cử tri về phía mình, còn để những điều đó trở thành hiện thực lại là chuyện khác, không đơn giản nằm ở những phát ngôn trong lúc vận động tranh cử. LS. Luân nói: “Thể hiện tư tưởng là một chuyện, nhưng vấn đề hoạt động thì lại liên quan đến luật pháp, ở hệ thống phân bổ, kiềm tỏa, đối trọng quyền lực thì lại không để cho người ta tự do một cách, như tôi nói là ‘điên rồ’ để gây hại đến an ninh quốc gia hay những vấn đề lớn của dân tộc Mỹ”.
Cuối bài viết, Hoàn Cầu Thời Báo không quên cảnh báo Mỹ ‘nên xem lại mình để đừng biến thành một trong những thế lực phá hoại chống lại hòa bình thế giới, thay vì chỉ trích các nước khác về điều mà họ gọi là chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay độc tài'...
*** VOA: Ông Trump ra ứng cử là một rủi ro cho thế giới
Việc ông Donald Trump ra ứng cử tổng thống Mỹ là mối đe dọa lớn thứ sáu cho thế giới, gắn liền với khả năng chủ nghĩa khủng bố gây bất ổn kinh tế toàn cầu, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu EIU của Anh quốc.
Trong danh sách liệt kê các rủi ro toàn cầu mới nhất của tổ chức này, suy thoái kinh tế trầm trọng của Trung Quốc đang ở vị trí dẫn đầu.Theo sau là các hành động của Nga tại Syria và Ukraine tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới, cuộc khủng hoảng nợ nần doanh nghiệp tại các thị trường đang nổi, và sự rạn nứt của Liên hiệp châu Âu.
EIU nói họ không dự kiến ông Trump sẽ thắng cử vào tháng 11 năm nay, nhưng có khả năng nho nhỏ là ông sẽ chiến thắng và nếu điều đó xảy ra sẽ kéo theo một tác động lớn. Tổ chức này nói thái độ địch của ông Trump đối với tự do thương mại, việc hô hào tiêu diệt thân nhân của những tay khủng bố, ủng hộ lực lượng trên bộ ở Syria và thái độ giữ khoảng cách với Trung Quốc và Mexico của ông Trump có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh thương mại và khơi dậy các nhóm khủng bố. Ông Trump cam kết sẽ cứng rắn mạnh tay trong các cuộc đàm phán quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc. Một trong những cam kết lặp đi lặp lại nhiều lần nhất của ông trong chiến dịch tranh cử là xây hàng rào dọc biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico để ngăn chặn di dân bất hợp pháp. Kế hoạch này, ông nói, Mexico sẽ phải tự chi trả.
EIU cho biết xác suất của sự suy giảm kinh tế mạnh ở Trung Quốc là cao và sẽ đi kèm với một ‘tác động rất lớn’. Vẫn theo tổ chức này, trì trệ kinh tế thái quá và giá cả sụt giảm của các mặt hàng như dầu mỏ và kim loại sẽ tiếp diễn trong khi các thị trường ở Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu sẽ phải khó khăn hơn trong việc mở rộng doanh thương với người tiêu dùng Trung Quốc.
Trong danh sách rủi ro toàn cầu, tên Trung Quốc cũng lại xuất hiện lần nữa, sau ông Trump và chủ nghĩa khủng bố. EIU nói các hoạt động tranh chấp của Bắc Kinh ở Biển Đông đề ra một nguy cơ xung đột vũ trang. Dù triển vọng này thấp nhưng bất kỳ sự gầy dựng quân sự nào tại đây cũng mang lại rủi ro xảy ra sự cố vô tình, rồi có thể leo thang thành một sự kiện có ảnh hưởng lớn.
(iii) BBC: Thư Trung quốc - Đồng chí Tập "hết năng lực"
Một lá thư lưu truyền trên các mạng tiếng Trung phê phán ông Tập Cận Bình là 'bỏ truyền thống vì dân' của Đảng Cộng sản và yêu cầu ông từ nhiệm.
Vụ việc đang có hồi tiếp diễn sau khi một phóng viên từ Bắc Kinh bị 'mất tích' hôm 15/03 trong lúc có nghi vấn anh gặp nạn vì liên quan tới bức thư chỉ trích lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Phóng viên Cổ Gia 'mất tích' khi chuẩn bị lên máy bay từ Bắc Kinh tới Hong Kong. Nhà báo trẻ làm việc cho trang TenCent ở Bắc Kinh đã nhắn cho bạn mình, Âu Dương Hồng Lượng về lá thư kêu gọi Tập Cận Bình Từ chức. Sau đó, anh đã mua vé bay sang Hong Kong để giảng bài tại một đại học nhưng bị 'mất tích' từ hôm thứ Ba, theo luật sư của nhà báo ngoài 30 tuổi nói với BBC.
Hiện các trang mạng xã hội Trung Quốc vẫn đang tranh luận về một lá thư ký tên 'Đảng viên trung thành' đòi ông Tập Cận Bình từ chức. Điều đáng ngạc nhiên là một số trang mạng của nhà nước đã đăng tải lá thư nhưng sau đó nhanh chóng xóa đi. Tuy vậy, bản gốc hiện vẫn còn trên trang Canyu bằng tiếng Trung ở nước ngoài và được tải lại trên các tài khoản cá nhân ở Trung Quốc. Nội dung chính của lá thư có tựa đề 'Tín thư yêu cầu đồng chí Tập Cận Bình từ nhiệm khỏi chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước' nhắc đến các yêu cầu gần nhất của ông Tập rằng truyền thông Trung Quốc "phải tuyệt đối trung thành với Đảng". Lá thư, đăng từ ngày 4/3 trên các mạng tiếng Trung, nói ông Tập đã "vứt bỏ truyền thống của Đảng Cộng sản" là vì dân.
Nhắc lại, ông Tập Cận Bình đã bắt đầu từ năm 2012 tung ra chiến dịch chống tham nhũng 'phản hủ bại, đả lão hổ', lá thư cho rằng ông đã nhanh chóng tập trung quyền lực vào tay mình. "Tập đồng chí, chúng tôi không thể không nêu ra, bằng phương thức như vậy, toàn bộ quyền lực trong chính trị, kinh tệ, tư tưởng, văn hóa...đã tập trung vào một cá nhân và tạo ra khủng hoảng cùng các vấn đề vô tiền lệ."
Thư nêu ra một loại các vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc hiện nay, từ chính trị, kinh tế, chứng khoán, tư tưởng đến quản lý truyền thông mà tác giả cho là vì cách lãnh đạo của ông Tập. Lá thư cũng nói về ngoại giao Trung Quốc và phê phán Tập đồng chí đã vứt bỏ chính sách 'Thao quang dưỡng hối' của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, các vấn đề với Nhật Bản, Philippines và các quốc gia Đông Nam Á...cũng được nêu ra.
Cuối cùng, lá thư kết luận: "Đồng chí Tập Cận Bình không còn đủ năng lực lãnh đạo Đảng và Quốc gia đi về tương lai để giữ chức Tổng bí thư và nên từ chức."
Các nhà báo phản ứng?
Thời gian qua, một số người ở Trung Quốc công khai ký tên thật với lời công bố trên mạng xã hội Trung Quốc tỏ thái độ phản đối lệnh đòi báo chí 'tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản' của ông Tập Cận Bình. Đó là các ông Chu Phương, Nhiệm Chí Cường và Tưởng Hồng.
Theo hãng Reuters, một số người như ông Nhiệm Chí Cường, một nhà đầu tư có tiếng, đã bị báo chí nhà nước 'đấu tố' theo phong cách như thời Cách mạng Văn hóa sau khi viết công khai rằng vì sao Đảng lại bắt truyền thông phục vụ mình mà bỏ qua nhân dân.
Trong một diễn biến không rõ là xảy ra do vô tình hay cố ý, một trang tin chính thống ở Trung Quốc đã 'in nhầm' và gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là 'lãnh đạo cuối cùng' (tội hậu) thay vì 'tối cao'. Bài trên Tân Hoa Xã sau đó đã phải chỉnh sửa nhưng thời điểm xảy ra khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi.
Sự cố xảy ra đúng lúc chính quyền đang tăng cường kiểm duyệt truyền thông. Lỗi tương tự xảy ra trong quá khứ thường đi kèm sự trừng phạt nặng nề cho những nhà báo liên quan. Vào tháng 12, bốn nhà báo đã bị ngưng chức sau khi China News Service, cơ quan chịu sự quản lý của đảng cầm quyền, vô ý đưa tin chủ tịch Tập Cận Bình 'từ chức' (ci zhi), thay vì 'phát biểu' (zhi ci), trong chuyến công du ở châu Phi. Trong năm 2015 có tới 29 nhà báo ở Trung Quốc phải ngồi tù vì đủ loại lý do khác nhau.
(iv) Hiệu Minh: Syria - Canh bạc đỏ đen của Putin
Nếu bàn về chơi đỏ đen trong các lãnh đạo quốc gia thì Putin thuộc về tay sừng sỏ trong sòng bài. Putin biết khi nào cần rút quân bài nào ra và dường như luôn nắm chủ động và thắng. Quan trọng nhất khi thấy đủ lãi là ông ngừng sát phạt.
Năm 2008, phương Tây đang giúp Georgia (Gruzia) thì Putin mở cuộc chiến 1 tuần tại nam Ossetia và Abkhazia, xe tăng Nga chút nữa tiến vào Tbilisi. Hai vùng đất này vĩnh viễn thuộc về Nga.
Cách đây hai năm (tháng 3-2014) bằng một thủ thuật đơn giản, đưa quân không hàm hiệu vào Crimea bao vây quân Ukraine nhân chuyện bất ổn tại Kiev, Putin đã lấy Crimea không tốn một viên đạn.
Tháng 9-2015, Putin bất ngờ ra lệnh cho máy bay tấn công quân nổi dậy Syria với một khẩu hiệu chống khủng bố. Không rõ ISIS bị tan tác đến đâu nhưng Assad thân cận của Nga đã lấy lại phần lớn vùng đất đã bị chiếm. Sau nửa năm tham chiến, tuần vừa rồi Putin bất ngờ tuyên bố rút một phần ra khỏi Syria vì theo ông “Phần lớn nhiệm vụ đã hoàn thành”. Cuộc chiến tốn kém 3-4 triệu đô la mỗi ngày không phải là thứ mà Putin muốn làm mà được như Hoa Kỳ.
Ngày 1-5-2003, Tổng thống Bush từng tuyên bố Mission Accomplished trên tầu USS Abraham Lincoln sau khi Iraq bị chiếm đóng. Nhưng cho tới nay hơn một thập kỷ, Mỹ vẫn sa lầy. Báo chí phương Tây tự hỏi, khi tham chiến ở Syria không rõ “mission – nhiệm vụ” của Putin là gì nên tuyên bố thành công rất dễ. Rút quân của Putin là rút kiểu gì vì Nga không công bố có bao nhiêu quân tại Syria giống như đưa lính vào Crimea không có quân hàm, quân hiệu. Việc công bố rút quân lúc này Putin đã được dân Nga đón nhận như người chiến thắng. Dẫu rằng tương lai của Syria và ông Assad vẫn mờ mịt sau khi Nga rút đi. Assad phải hỏi ông Nguyễn Văn Thiệu may ra biết rõ hơn.
Alexander Baunov, giám đốc trung tâm Carnegie ở Moscow Carnegie Centre, nhận xét “When you exit during peace, you leave as a winner. When you leave during war, you leave as a loser. Khi ra khỏi cuộc chơi lúc hòa bình, anh là kẻ chiến thắng. Rút quân lúc đang chiến tranh, kẻ rút bị coi là thua trận”. Rút thế là khôn. Nếu Syria có hòa bình thì công đó của Nga. Nếu Syria tiếp tục nồi da nấu thịt thì Putin sẽ bảo, thấy chưa, không có anh là các em chết. Ra khỏi sòng bài đúng lúc chỉ có Putin mới làm nổi.
Có thể nói Nga có mấy mục tiêu như tờ Economist nhận xét. Không bao giờ Putin nghĩ có thể chiến thắng tại Syria vì ngang bằng bắc thang lên trời. Putin chỉ muốn tìm lại tư thế của siêu cường trên thế giới sau những đổi thay mang tính xuống dốc của nước Nga gần đây nhất là sau vụ Ukraine, bị cô lập, kèm theo giá dầu xuống thảm hại. Hình ảnh một ông lật đật, thủ tướng, tổng thống, rồi thủ tướng, và kết quả lại tổng thống, tham quyền cố vị, người hùng cơ bắp trở nên yếu thế trước các nhà lãnh đạo phương Tây, khó mà hợp tác.
Cuộc chiến Syria chỉ để Putin chứng minh Nga vẫn là siêu cường, có thể điều quân đi khắp thế giới như Hoa Kỳ, thay vì là mang hình ảnh của kẻ bắt nạt trong khu vực (regional bully). Giống hệt hình ảnh ông ta cởi trần phi ngựa hay lái phi cơ vào Chesnia, một thứ quảng cáo rẻ tiền của báo chí Nga quen tung hô lãnh tụ. Putin muốn chứng tỏ cho thế giới về bằng vai phải lứa với Hoa Kỳ, thậm chí còn trên cơ trong những ván bài địa chính trị. Và nhân thể ông báo cho dân Nga và khu vực biết rằng, các cuộc cách mạng mầu không còn đất sống, đừng mơ tưởng mang sang Moscow.
Và cuối cùng chính là màn quảng cáo vũ khí tốt nhất vì đã tham chiến thì vũ khí phải dùng. Có tên lửa hành trình lần đầu tiên có GPS dẫn đường, có máy bay tiêm kích, cường kích, ném bom chiến lược, chiến thuật, phi đạn bắn từ tầu ngầm, dù bắn 20 quả thì có tới 5 quả bay lạc sang Iraq.
Báo chí Nga hết lời ca ngợi, dân Nga hả hê trước màn hình tivi vì chiến thắng vang dội từ Syria gửi về liên tiếp mà không biết rằng, đồng kopek hẻo của họ đang teo tóp vì những ván bài đỏ đen của Putin. Dù Putin có thắng ở sòng bài thì nhân dân Nga vẫn là người thất bại.(HM. 16-3-2016)
2. Từ trang Thơ Luân Hoán
(i) Lâm Hao Dũng: Ngày trở lại Bồng Sơn
dễ có một ngày ta trở lại
Bồng Sơn xa quá cuối trời xa
mấy cụm nhà hoang trơ mái xám
chân đèo Phù Củ nhận không ra
ta đứng bên cầu xe lửa cũ
quê em còn cách một gìong sông
nhớ đêm máu chảy người quên khóc
em có u buồn trong mắt trong
đã mất rồi quận lỵ Hoài Nhơn
đời đi lính trận cỏ xanh hờn
là khi theo gió về trên núi
còn gởi sương chiều mộng cuối thôn
em cắt giùm ta những qủa sim
như ngày đói khát lúc hành quân
đã cho ta biết hoài chân lý
chẳng có thanh bình ở Việt nam
muốn thấy em cười trong nắng ấm
dù lơ mơ sống giữa thương đau
quán khuya đếm giọt cà phê đắng
em khóc mai này vĩnh biệt nhau
(ii) Huy Lực: Màu vàng Đông phương
những đêm nào hỏa châu vàng chiến cuộc
ôm quê hương mùi đất mẹ thơm nồng
một mình anh giữa màu vàng nhức buốt
giọt máu này trên phần đất núi sông
tuổi chúng ta cơn mê dài váng vất
hai mươi năm hỏa châu sáng chiến trường
trong đêm sâu da anh vàng bệnh tật
ôi màu vàng đông-nam-á thảm thương
thân thể chia đôi oằn đau đất nước
tuổi thơ anh súng đạn với quân thù
em võ vàng khói lửa nồng mắt ướt
thôn xóm vọng về nức nở lời ru
rồi đêm đêm đèn hỏa châu nhỏ gịot
soi sáng anh cây súng giữa khung trời
anh gọi tên em thì thầm dịu ngọt
bài ca đầu tình ái Việt nam ơi
(iii) Xuân Thao: Cuối năm, về thăm khóm cúc sân nhà
Cuối Xuân du tử trở về
Làng trên, xóm dưới đang kề vụ nông
Hắt hiu gió thổi trên đồng
Ôi chao ! cái rét cuối Đông vẫn còn
Chân đi, dạ những bồn chồn
Cửa nhà quạnh quẽ, vợ con đâu rồi ?
Em đang hái ngọn mồng tơi
Hai con lúc thúc ngồi chơi sau nhà
Ngó ra, mấy khóm hoàng hoa
Nở đầu Xuân, nay đã là cuối Giêng
Từng bông, rụng cánh muộn phiền
Hoa tuy tàn tạ... mà cành vẫn xanh
Bao năm lang bạt thị thành
Ăn chơi nức tiếng, hãnh danh bạc tình ( * )
Khi về, em tóc bớt xanh
Còn Xuân ...ta nối khúc Tình Xuân Qua . (* Thơ Đỗ Mục).
................................................................................................................
Kính,
NNS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét