Lãnh đạo Trung Quốc sợ tự do hóa kinh tế - Tú Anh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 08/03/2016.REUTERS/Jason Lee
Bức ảnh của một thiếu nữ mặt robe đen bông trắng ngước mặt đón nhận hàng trăm cánh hoa anh đào chiếm trang nhất của nhật báo công giáo La Croix báo hiệu đông tàn : Một năm không mùa đông. Mùa xuân đến sớm nhưng ảnh hưởng cho thiên nhiên và con người không là bao.
Thủ tướng Valls tăng lương cho công chức Pháp, tựa lớn trên trang nhất của Le Monde. Nhưng biện pháp lên lương cho thành phần phục vụ công ích từ giáo chức cho đến nhân viên y tế, hành chánh từ trung ương cho đến địa phương, bị lãng quên từ năm 2010, bị xem là « có ý đồ chính trị ». Không làm thì đúng là bất công, còn làm thì bị chỉ trích là « để mua lá phiếu » vì chỉ còn 13 tháng là đến ngày bầu cử tổng thống, theo Le Monde. Một cách khéo léo, nhật báo công giáo La Croix chạy tựa : Công chức được tăng lương 1,2% từ nay đến ngày bầu cử. Hành pháp muốn dùng « giải pháp ngắn hạn » này tái chinh phục cử tri công chức. Đó cũng nhà nhận định của Les Echos và Le Figaro trích dẫn các chính trị gia cánh hữu đối lập.
Trong khi đó thì nhật báo cộng sản L’Humanité khẳng định : « Tuổi trẻ Pháp không buông tha » chính phủ, đưa con số hàng trăm ngàn sinh viên xuống đường chống dự luật lao động trong ngày thứ năm 17/03. Trong bài tường thuật, La Croix ghi lại « giới trẻ bác bỏ toàn bộ dự luật ». Một sinh viên giải thích : sau một thời gian dài học tập cực nhọc, đi tìm việc cực nhọc, chúng tôi không muốn một buổi sáng đẹp trời bị ông chủ đuổi việc mà không cần cho biết lý do.
Về thời sự quốc tế, không hẹn mà nên vấn nạn kinh tế của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Nga được các nhà bình luận phân tích khá tường tận.
Tâm trạng bất an của Tập Cận Bình cản đường phục hồi kinh tế
Trong « Bài học lạc quan của Lý Khắc Cường », Le Monde nhìn ra chiến thuật trấn an của thủ tướng Trung Quốc, tại cuộc họp báo. Tình hình rất căng thẳng từ khó khăn trong cải cách kinh tế, chính sách đàn áp bất đồng chính kiến càng ngày càng nhiều cho đến quan hệ với Hồng Kông. Bóng đen kiểm duyệt bao trùm, cấm báo chí đề cập hàng chục vấn đề kể cả không khí ô nhiễm. Dù vậy, một tờ báo chính thức như Tài Kinh đã dám thách thức chế độ, đưa lên mạng vụ việc bị chính quyền kiểm duyệt một bài chỉ trích chủ tịch Tập Cận Bình đi một vòng một số cơ quan truyền thông Nhà nước kêu gọi trung thành. Theo Le Monde thì chế độ Trung Quốc co cụm lại vì đang đi vào thời kỳ xáo trộn kinh tế và đấu đá chính trị giữa các phe nhóm. Năm 2017 là năm thay thế 5 ủy viên Bộ Chính Trị đến tuổi về hưu và đón hai người lãnh đạo tương lai. Tập Cận Bình không muốn tái diễn « thảm kịch » Bạc Hy Lai năm 2012.
Lãnh vực kinh tế cũng đã là một vấn đề nan giải. Trong bài xã luận « Tự do hóa kinh tế Trung Quốc », Le Monde phân tích : cho dù thủ tướng Lý Khắc Cường có khẳng định tăng trưởng không thể xuống dưới ngưỡng 6,5% thì mọi người kể cả ông Lý Khắc Cường, đều biết tình hình thực tế rất nguy ngập vì các số liệu chính thức về tăng trưởng GDP luôn bị ngụy tạo để báo cáo láo.
Bản thân ông lúc đứng đầu tỉnh ủy Liêu Ninh, chiếc nôi của than đá và kỹ nghệ luyện kim, đã hơn một lần nói thật là không tin vào báo cáo. Chính nơi này đang lãnh hậu quả của tình trạng kinh tế suy trầm. Công ty mỏ số một trong khu vực là Longmay phải sa thải 100.000 nhân viên. Công nhân thất nghiệp liên tục xuống đường đòi lương chưa trả. Trong khi đó, chính thức sẽ có thêm 1,8 triệu công ăn việc làm bị cắt bỏ, nhưng một số nguồn tin nói đến từ 5 đến 6 triệu. Vấn đề là Trung Quốc không có sách lược đối phó dài hạn, cải tổ cấu trúc để « giải phóng năng lượng mới » .
Hoa lục thành công trong việc thoát ra khỏi tình trạng nghèo khó, nhưng thất bại khi muốn biến đổi thành một đại cường kinh tế đặt trên nền tảng « kinh tế tiêu thụ và giai cấp trung lưu » . Để thực hiện được cải cách sống còn này, Bắc Kinh phải đưa ra một thông điệp rõ ràng, không cần phải theo mô hình Mỹ, mà chỉ cần « lùi một bước » để nhường chỗ cho « sáng kiến tư nhân ».
Thế nhưng, theo Le Monde, đảng Cộng sản vẫn muốn độc quyền từ chính trị cho đến kinh tế. Lời hứa « cho thị trường vai trò quan trọng hơn » của ông Tập Cận Bình lúc lên nhậm chức không hề được thực hiện, trái lại bầu không khí càng ngày càng nặng nề thêm. Về chính trị, với làn sóng bắt bớ luật sư nhiều chưa từng thấy, báo chí và internet bị siết gọng kềm. Kinh tế cũng thế, củng cố thế áp đảo của doanh nghiệp Nhà nước, thủ phạm gây tốn hao cho ngân sách.
Sau vụ khủng hoảng chứng khoán năm 2015, chính quyền tung tiền mua cổ phiếu để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước và đe dọa các công ty chứng khoán nếu đánh cá theo chiều hướng trượt giá. Ngân Hàng Trung Ương cũng đổ tiền can thiệp vào thị trường hối đoái để trợ giá đồng nhân dân tệ. Thay vì cải cách triệt để các tập đoàn nhà nước làm ăn thất bại, ngốn tiền ngân sách, ông Tập Cận Bình sáp nhập các tập đoàn này cho to lớn thêm. Thay vì mở cửa để gây lại niềm tin, Tập Cận Bình chọn con đường kiểm soát.
Vì sao nỗ lực vực dậy kinh tế Nhật không hiệu quả ?
Trung Quốc gặp khó khăn vì lãnh đạo ngần ngại . Nhưng vì sao quyết tâm vực dậy kinh tế của thủ tướng Nhật không hiệu quả cho nước Nhật ?
Bài phân tích của Les Echos nhằm « khuyến cáo » giới chính trị Pháp trước những biện pháp kinh tế mà cực tả và cực hữu chủ trương. Theo tác giả Eric Le Boucher, cần phải cải cách đớn đau theo « logic » kinh tế thị trường, không can thiệp duy ý chí.
Bài học Nhật Bản qua chính sách « Abenomics » của thủ tướng Shinzo Abe gồm ba mũi tên : tiền tệ, ngân sách và cải cách cấu trúc thị trường lao động . Nếu hai mũi tên đầu mang lại kết quả khích lệ trong năm đầu tiên 2013, tăng trưởng kinh tế lên 1,6% nhưng sau đó xuống 0% ở năm sau và hy vọng lên 0,5% trong năm nay.
Theo nhà phân tích Pháp, thì chưa bao giờ võ sĩ Shinzo Abe bắn được mũi tên thứ ba là cải cách « thị trường lao động » nên không cạnh tranh được với Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho dù kỹ nghệ Nhật rất vững chắc. Nước Nhật bị vấn nạn là dân số già nua, năng suất sụt giảm . Khả năng khắc phục các nhược điểm cốt lõi này, theo Les Echos phải để cho sáng kiến tư nhân, thực hiện cải cách đớn đau mà người ta gọi là kinh tế tự do chứ không phải qua sách lược duy ý chí của chính phủ. Nước Nhật có nhiều lợi thế hơn Pháp mà còn thất bại thì những chủ trương nhà nước can thiệp của một bộ phận cánh tả hay của phe cực hữu không có hy vọng gì thành công.
Thêm một năm khó khăn cho kinh tế Nga
Cũng trong lăng kính tự do hóa, Les Echos, qua ngòi bút của đặc phái viên Benjamin Quénelle từ Matxcơva tiên đoán Nga sẽ bị suy thoái kinh tế trong năm 2016 sau khi tổng sản lượng quốc gia GDP bị giảm 3,7% trong năm 2015.
Bị cấm vận, giá dầu khí giảm, kinh tế Nga sẽ bị suy yếu lâu dài. Một nhà quan sát thân cận với tổng thống Vladimir Putin, nay là doanh nhân giàu có, xin giấu tên phải hoảng hốt than thở : Chính phủ muốn nhưng không biết làm sao để thoát nạn.
Ý thức tình hình nghiêm trọng cần phải cải cách, tổng thống Putin liên tục đưa ra chỉ đạo nhưng các sau chỏi lại cái trước. Ngay thủ tướng Dmitri Medvedev phải nhìn nhận: biện pháp đưa ra mà không có ngân sách.
Áp lực càng nặng nề hơn vì giá dầu hỏa xuống thấp làm thâm thủng ngân sách. Giải pháp chữa lửa là tư nhân hóa các đại tập đoàn công nghiệp dầu khí. Nhưng đất nước bị cấm vận thì nhà đầu tư nào mua các tập đoàn của Nga trừ phi Nga chịu bán tống bán tháo.
Bầu không khí trên thương trường của Nga được mô tả là « rối loạn ». Biện pháp cải cách lâu dài giúp kinh tế tăng trưởng là tạo lại niềm tin, để cho các công ty nhỏ và trung bình của tư nhân phát triển. Thế mà niềm tin và lãnh vực tư nhân lại là hai điểm yếu kém của Nga. Giải pháp cải cách, theo nhà phân tích ẩn danh, mọi người đều biết và nói đến. Thế nhưng sau lời nói, những sáng kiến cải cách tốt đẹp bị thực tế chế độ quan liêu và nền kinh tế không có cạnh tranh nhấn chìm.
Khủng hoảng chính trị Brasil đưa chính quyền cánh tả vào hỏa ngục
Brazil đứng bên bờ vực thẳm hay toàn dân sắp nổi dậy ? Bằng câu hỏi này, Le Monde cho rằng chính quyền tổng thống Dilma Rousseff rất ít có khả năng tồn tại trước sức ép của hàng triệu dân bất bình. Đã vậy, một đoạn băng thu lén cuộc điện đàm của tổng thống đương nhiệm với tổng thống tiền nhiệm Lula được công bố như quả bom nguyên tử : bà Dilma Rousseff cho biết gửi sắc lệnh bổ nhiệm ông vào nội các ông để sử dụng khi cần thiết, hàm ý để tránh né tư pháp truy vấn tội tham ô.
Le Figaro cho biết vào chiều thứ Năm, Quốc hội trong tay đối lập, đã bầu một ủy ban xem xét có nên truất phế tổng thống tội gian dối ngân sách hay không. Còn Les Echos thì nhận định gọn : tổng thống Brasil đi xuống địa ngục vì cú điện thoại tỏ ý dùng thẩm quyền tổng thống để bảo vệ người tiền nhiệm tránh bị pháp luật truy xét tội tham ô.
Vào lúc châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang thương lượng thỏa hiệp ngăn chận làn sóng tị nạn và di dân nhập cư bất hợp pháp, báo chí Pháp xem đây là một « khế ước khó nuốt trôi » theo Le Figaro. Les Echos thì cho rằng châu Âu xuôi tay đầu hàng đồng minh khó tính Thổ Nhĩ Kỳ nhất là trước đòi hỏi bỏ visa nhập cảnh cho người Thổ Nhĩ Kỳ và mở đường cho Ankara gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Về y học, Le Figaro đưa tin phấn khởi : rất có thể giới y khoa sắp có giải pháp vô hiệu hóa khả năng của cơ thể chống bộ phận ghép bằng tác động lên hệ miễn nhiễm. Một số thử nghiệm đã được thực hiện tại Mỹ, châu Âu và Pháp. Tám năm sau, 75% người được ghép tim, thận, gan, phổi vẫn còn sống cho dù bộ phận của người cho không thích hợp với cơ thể người nhận.
Đầu tiên là phải lọc máu người nhận, thanh lọc hết kháng thể nhất là kháng thể chống HLA trong huyết thanh . Sau đó tiếp tục cho bệnh nhân uống thuốc chống kháng thể này xuất hiện trở lại. Kết quả là cơ thể người nhận « để yên » cho bộ phận ghép tồn tại. Phương pháp này giúp cho bệnh nhân mà sức khỏe suy nhược không cho phép chờ cơ hội tìm ra người cho thích hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét