Tôi đã ngoài bốn mười tuổi không kiếm được vợ cũng
bởi nhiều lẽ. Cái “tội” lớn nhất là xấu trai. Điều đó chính tôi còn thú
nhận, huống
chi mấy cô gái. Tôi khổ nhất là trước khi ngồi trước tấm gương soi lớn
cho tay thợ cạo săn sóc mái tóc: Người nghệ sĩ này hí hoáy dao kéo,
tông-đơ, khom xuống, ngước lên, xoay qua, xoay lại, tay cầm kéo xấp liên
hồi tạo nên khúc nhạc hớt tóc rất vui tai. <!->
Cuối
cùng, sau khi làm xong công việc. Lão ta ngắm tác phẩm của mình, lắc
đầu không vừa ý, thốt: “Cái đầu của ông kỳ quá không tròn cũng chẳng
dẹt, hớt thế nào trông cũng cứ méo. Bộ mặt ông lạ lắm, hớt kiểu nào cũng
khó coi!”. Từ hồi ngồi lên ghế bây giờ tôi mới
có can đảm nhìn vào gương. Trời ơi, lão ta cắt kiểu gì mà mặt tôi dài
như mặt con ngựa kéo xe của lão Bộ!
Tôi thuộc hạng dạn dĩ, cũng có đôi lần tôi lân la
trổ tài tán tỉnh tỏ tình đủ kiểu lảng mạn tây phương, tiểu thuyết cũng
có. Mấy cô
gái thường tỏ ra vô cùng bối rối một lúc sau tìm ra lối thoát một cách
tế nhị. Các cô quanh co một lúc rồi nói: “Em rất cảm động và xin cảm ơn
anh. Em rất kính trọng anh, nhưng…” Tôi hiểu cái chữ “nhưng” này mang ý
nghĩa gì rồi. Lại thêm chữ “kính trọng”.
Mấy cô gái thường dùng mấy cái từ kính mến, kính trọng, khâm phục… đối
với người quí cô không yêu. Còn đã thích, đã yêu có khi các cô lại dùng
chữ nghĩa khó nghe hơn, ví như căm thù, khinh bỉ… Chỉ có một người nói
lên sự thật đó là mẹ tôi. Một lần nghe tôi
xin bà đi hỏi con Lài làm vợ cho tôi, bà nói: “Con gái người ta mặt
hoa, da phấn. Còn mày người ngợm chẳng giống ai, nó không ưng đâu. Thôi
để mẹ kiếm đứa xứng đôi, vừa lứa cho”. Tôi biết mẹ tôi muốn ám chỉ con
nhỏ tên là Mi, mắt lé con lão Ba Trạo xóm trên.
Đã thế cái nghề thợ may cổ lỗ sĩ của tôi chỉ vừa đủ
ăn. Tôi không có bằng cấp, không địa vị, chẳng có tài văn nghệ, đàn hát,
thơ ca
gì cả lại mang cái tên cúng cơm nghe sao bậm trợn quá, đã mấy lần tôi
nghĩ phải tìm cách đổi cái tên cho văn minh hơn. Cuộc sống của tôi le
lói như ngọn đèn dầu giữa phố phường đầy ánh sáng. Hỏi như thế lấy gì
hấp dãn phụ nữ? Giang san sự nghiệp của tôi là
cái quán may nhỏ. Khách hàng gồm toàn ông già bà cả với mấy người nhà
quê. Trong quán tôi có một thứ hiện đại văn minh đó là quyển ca-ta-lô
của hãng Sear in mốt quần áo và vật dụng từ mười năm trước, tôi chỉ biết
nhìn mà không biết đọc, khách hàng của tôi
chẳng mấy khi đụng đến quyển sách dầy đầy hình ảnh xanh , đỏ này… Trong
tiệm có cái máy may hiệu Singer tróc cả lớp sơn. Nhiều chỗ tôi phải mua
sơn về dặm lại, cái bánh xe dùng làm tay quay xi bóng loáng thì nay đã
tróc hết cả rồi cón lại thứ sắt đen sì, đầy
mồ hôi. Tôi cũng có cái tủ kính nhỏ đựng vài xấp vải trắng và màu, loại
hoa hoè theo kiểu nhà quê. Gia tài của tiệm vải tôi, đáng kể nhất là
tấm gương dành cho khách thử áo, quần soi. Tôi đặt nó quay ra hướng
đường cái. Tấm gương soi này tôi mua rẻ của hiệu
uốn tóc làm ăn thua lỗ dọn đi nơi khác. Vì là cái gương của hiệu uốn
tóc, một mỹ viện lớn nên người ta chọn gương khá trung thực, không bị
méo mó. Trên chỗ tôi ngồi đạp máy may có treo cái đồng hồ Ô-đô, mẹ tôi
nói chiếc đồng hồ này có từ đời ông bà ngoại tôi,
kỷ niệm ngày sinh của mẹ tôi, cũ lắm, có tuổi thọ cao, mỗi lần lên dây
cót chạy được một tuần lễ. Tôi thích nó vì mặt số to, đứng xa nhìn cũng
thấy. Ngoài ra cứ mười lăm phút nghe tiếng nhạc đổ thời gian rất vui
tai.
Qua năm bốn mươi, cái già sầm sập kéo đến. Tôi vạch
ra cho mình một kế hoạch “hậu chiến” nghĩa là chuẩn bị cuộc sống cô đơn
suốt đời.
Tôi chẳng trách số phận hẩm hiu, tôi thả lỏng, buông xuôi không thèm
nghĩ ngợi về tình yêu, về gia đình, về người nối dõi tông đường. Thế mà
đúng vào cái thời khắc tuyệt vọng đó, nàng đến! Số phận trêu ngươi ác
thật, cứ đợi người ta tuyệt vọng mới mỉm cười!
Đó là một cô gái buổi chiều đi qua trước tiệm may
của tôi. Có lẽ cô qua lại nhiều lần, đến lần thứ mấy tôi mới để ý. Lần
đó như thế
này. Một cô gái trẻ đẹp, về sau nàng càng đẹp hơn lên trong mắt tôi.
Mỗi lần đi qua, cô bước chậm, rồi gần như đứng hẳn vài giây. Cô ấy đưa
tay sửa lại mái tóc, nhìn vào trong tiệm, mỉm cười. Một nụ cười thân
thiện xinh tươi. Lúc đầu tôi không tin nụ cười
ấy dành cho mình. Nhưng sau sự việc cứ lặp đi lặp lại mãi, tôi cho rằng
ấy không phải là ngẫu nhiên. Tôi lúc đầu còn phân vân, sau thì tin,
nàng bước chậm lại là vì tôi, nàng đứng hẳn lại cũng vì tôi, sửa mái tóc
và nhất là nụ cười ấy dành cho tôi.
Thế nhưng cuộc sống cũng dạy cho tôi bài học về sự
cẩn thận? Có sự nhầm lẫn chăng? Hay là cười với ai? Còn ai vào đây nữa.
Nếu gặp
gỡ giữa đường có thể nghĩ nàng cười với kẻ nào đó đứng gần tôi hay ở
sau lưng tôi. Đằng này chỉ có một mình tôi ngồi trong quán. Hay nàng lầm
tôi với một người nào quen? Cũng vô lý, nếu là người quen cũ thì nàng
đã chào hỏi. Nếu không chắc hoặc biết mình lầm
thì nàng đã không tiếp tục đi qua và cười. Tôi nghĩ chẳng lẽ cứ dửng
dưng với nụ cười thân thiện đó mãi sao? Phải đáp lễ chứ. Tôi không dám
đường đột, tôi cho sự trả lễ của mình leo thang từ từ. Đầu tiên là cái
nhếch mép, gợi lên hình ảnh mơ hồ về nụ cười.
Lần khác tiến bộ hơn, tôi nhìn vào mặt nàng cười nhẹ với cái gật đầu.
Lần khác một cái gật đầu chào kính trọng, kèm với nụ cười thân ái.
Ôi cùng với nụ cười đó lòng tôi nở như bông hoa tỏa
ngát hương! Đối với một thằng đàn ông ngoài bốn mươi mạnh mẽ và đầy kinh
nghiệm
yêu đương thì việc đó quá thường tình. Nhưng tôi chỉ là cậu học trò mới
học bài đầu tiên. Tất cả những gì vừa diễn ra đó quá sức chịu đựng của
tôi. Trong những ngày ấy tôi sống không phải trên nền nhà tôi, không
phải trên mặt đất mà bồng bềnh giống như là
trên sóng, dập dìu, lao đao. Người ta gọi yêu là cảm. Tôi đang mắc
chứng “cảm” đây. Toàn thân tôi hơi đau, mệt mỏi , rã rời. Nhưng lại là
thứ đau đớn dễ chịu. Đem máu tôi ra tìm chắc nhiễm đầy vi rút “Y”.
Thời gian đó ngày nào cũng thế. Nàng đi qua, chậm
dần, dứng lại, sửa mái tóc, nhìn tôi mỉm cười. Cái trình tự ấy không bao
giờ thay
đổi. Nó chỉ thay đổi liều lượng, rõ hơn, mạnh dạn hơn, lâu hơn. Tôi tin
chắc sẽ có một ngày nàng bước chân vào quán. Và rồi nàng không sớm thì
muộn cũng rụng vào vòng tay của tôi. Mới nghĩ đến đó tâm hồn tôi rung
lên những tiếng chuông giáng sinh.
Tôi thầm cám ơn số phận đã đem đến cho tôi cô gái và một mối tình tuyệt
vời. Trước đây tôi đã cam chịu cảnh cô đơn, bây giờ tôi thấy mình hạnh
phúc. Tôi soi gương và lấy làm lạ, tại sao lâu nay mình chán ghét khuôn
mặt này? Bây giờ tôi nhìn thấy rõ giá trị
mình. Tôi không đẹp trai nhưng có duyên. Tôi trẻ trung, khoẻ mạnh, tôi
có nghề nghiệp. Tôi còn là người tốt, người lương thiện… tóm lại tôi có
nhiều thứ mà người khác không có, thôi khỏi cần nghĩ ngợi về cái tên
cúng cơm của cha mẹ đặt cho tôi nữa. Tôi nghĩ,
chính là tuổi này, người đàn ông mới đủ chín để mở thực to hàm răng cắn
trái hôn nhân chín mọng, tươm mật ngọt lịm.
Cuối cùng tôi thấy cần làm cho sự việc trở nên dứt khoát. Không nên để
nàng hoang mang và chờ đợi. Tôi quyết định viết cho nàng bức thư. Đã
quyết thì phải làm. Tôi chuẩn bị xấp giấy, ly cà phê đen. Cuối cùng đêm
đó gần ba giờ sáng mới được bức thư tôi tạm hài
lòng sau khi tôi xé bỏ hơn mười tám lá thư khác. Thư gồm ba phần, một,
tỏ tình, hai, cầu hôn, ba, lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp. Tôi sợ
mình lưỡng lự rồi đổi ý. Tôi cho ngay bức thư vào phong bì rồi dán lại,
tôi viết tên và địa chỉ nàng. Có được tên
và địa chỉ của nàng, tôi phải hối lộ cho thằng cha Tạo làm nghề mài dao
kéo để lão làm thám tử tư. Không đợi sáng, trời còn mờ tối, tôi đạp xe
ra thùng thư công cộng. Tôi dồn hết can đảm nhét bức thư vào khe hở.
Giống như con bạc “khát nước” liều mạng đặt
hết số tiền cuối cùng.
Thời gian chờ đợi hồi âm đối với tôi chả khác gì bị
tra tấn. Điều gì sẽ xảy ra tôi chơi trò tưởng tượng. Tôi vẽ ra không
biết bao nhiêu
cảnh, tôi viết kịch bản, tôi dàn dựng, nhiều đoạn phim mà vai chính là
tôi với nàng. Tôi đóng vai người hùng giải thoát nàng khỏi tụi lưu manh
ám hại, như Lục Vân Tiên cứu Nguyệt Nga khỏi tay thằng cướp Phong Lai.
Lại có khi tôi đóng vai nhà thơ làm mềm lòng
người đẹp. Không phải chỉ đóng vai người hùng, nhà thơ, tôi còn muốn
trở thành một ông giám đốc sở đầy quyền năng, một nhà doanh nghiệp giàu
có ném tiền qua cửa sổ đưa nàng vào tiệm mua tặng viên kim cương to bằng
cái trứng cút! Ai có chờ thư mới thấy người
phát thư ban phát phép lạ. Trước đây tôi không quan tâm đến thằng cha
Lộc phát thư trong xóm tôi. Nay thì nhất cử nhất động của lão tôi đều để
ý. Thế mà lần nào qua nhà tôi lão cũng đạp xe vèo.
Hơn mười ngày sau, khi tôi tuyệt vọng thì lão Lộc
tới trao thư. Tôi mừng suýt ôm hôn bộ mặt sần sùi của lão. Tôi cầm cái
bì thư xanh
nâng niu rồi áp vào ngực, chỗ quả tim. Tôi nghe nó đập thình thịch như
giã gạo chày ba. Lấy cây kéo thợ may ra tôi cắt một đường dọc mép phong
bì lôi tờ giấy màu thiên thanh, ngai ngái mi phấn son. Tôi đưa lên mũi
hít một hơi rồi đọc.
“Thưa ông thợ may kính mến của em. Đọc thư ông, em
rất cảm động. Em xin ông tha thứ. Tất cả lỗi lầm gây nên sự hiểu nhầm
cho ông là
tại em. Số là buổi chiều nào lúc năm giờ em đều đến chỗ hẹn với anh ấy.
Ở nhà em trang điểm phấn son xong, nhưng trong nhà em không có tâm
gương lớn cho em soi cả người mình. Vì thế mỗi khi đi qua hiệu may của
ông, em mạn phép nhìn xem vóc dáng mình có tươm
tất hay không? Nhờ tấm gương rất sáng và tốt của tiệm ông em sửa sang
lại mái tóc, mỉm cười thử xem nụ cười có được quyến rũ hay không? Kế đó
em nhìn lên cái đồng hồ treo tường xem thử sớm hay muộn. Nếu sớm thì em
còn nấn ná ăn hàng. Nếu đã muộn em rảo bước
cho nhanh kẻo để chàng chờ tội nghiệp. Người yêu của em rất dễ thương
và đẹp trai, ông mà gặp thì cũng mê. Em sắp lên xe hoa, nếu chàng đồng ý
em sẽ đến tiệm ông đặt may áo cưới. Ông mừng cho em đi! Em xin ông
thông cảm. Thực tình em chưa trông thấy ông bao
giờ…”
Quý Thể
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét