Các bạn năm bó hẳn còn nhớ bài hát Phượng Hồng của nhạc sĩ Vũ Hoàng những năm 85- 90. Bài hát được phổ nhạc từ thơ của nhà thơ/ nhà báo Đỗ trung Quân mang tựa đề Chút Tình Đầu (1984), khi cho ra mắt đã nhanh chóng được đón nhận nồng nhiệt. Đã có rất nhiều bài thơ về tuổi hoa bướm ngày xanh và cũng được phổ thành nhạc nhưng nổi bật nhất vẫn là hai bài theo tôi gắn liền với hoa phượng- loài hoa chỉ nở rộ vào muà Hè trong sân trường- hình ảnh thân quen gần gũi nhất với tuổi học trò: là bài Hoa Học Trò (nhac Anh Bằng phổ thơ Nhất Tuấn) và bài Phượng Hồng (nhạc Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ trung Quân).<!->
Có thể nói thơ tình của thi sĩ Nhất Tuấn là lời nói hộ cho tình yêu tuổi học trò thể hiện rõ nhất trong tập thơ Truyện Chúng Mình 1964 mà học sinh sinh viên thời ấy chuyền tay nhau hay chép lại cũng như thuộc lòng- bởi vì bằng tứ thơ trong sáng lãng mạn, ông đã đánh trúng tim đen của biết bao cô cậu đang bước vào tuổi thầm yêu trộm nhớ. Và muôn đời cũng là tuổi khát khao bứt phá đi tìm một lối đi mới, không thích đi lại lối mòn…Trong bài Hoa học trò thi sĩ Nhất Tuấn đã cảm hứng từ câu thơ của Nguyễn Tố
“Nàng rằng hoa rụng mình ơi!
Nhặt cho đầy giỏ, rồi chơi vợ chồng”
Tuổi ấu thơ hay bắt chước người lớn giả đóng vai vợ chồng. Là anh anh em em. Là làm nũng để được chiều chuộng. Là giả đò bịnh để được chăm sóc. Là…đủ thứ có thể nhớ và copy người lớn ngây ngô và hồn nhiên. Còn chuyện kia…đã lớn đâu mà biết! Thi sĩ mở đầu bằng một câu hỏi:
Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ em rủ anh ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung
Bây giờ còn nhớ hay không
Anh đem cánh phượng bôi hồng má em
-“Để cho em đẹp như Tiên!”
Em không chịu, sợ phải lên trên trời
-“Lên trời hai đứa đôi nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian”
Làm Tiên thì thích nhỉ, mặc đồ đẹp múa hát như chị Hằng có cô bé nào lại không ước mơ?. Nhưng Tiên này không thích một mình, buồn lắm. Thích có tên con trai hay bày trò dưới đất. Thôi chọn ở lại trần gian vậy- khỏi cần làm Tiên. Hổng vui.
Từ một kỷ niệm thơ ấu đã lùi vào dĩ vãng, hôm nay nhìn cành hoa phượng thi sĩ chợt ngậm ngùi
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ
……….
Bây giờ còn nhớ hay không
Đến người em nhận làm chồng? Mà thôi.
Như một lời trách cứ nhẹ nhàng đến người bỏ dở cuộc chơi. Người con trai vừa thốt ra đã vội rút lại. Cái dễ thương của Thi sĩ Nhất Tuấn là ở đây. Dễ thương chi lạ. Những gợn sóng có xôn xao đấy rồi cũng sẽ bình lặng trên mặt hồ. Cớ gì mang một tiếp nối buồn khi phận người vốn dĩ chỉ là những đuổi bắt mênh mông, không khi nào dừng lại?
Từ bao giờ hoa Phượng trở thành biểu tượng của hoa học trò? Tôi không biết. Chỉ biết người Pháp đã mang vào Việt Nam trồng trong khoảng thế kỷ 19 tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn. Đến thời Đệ Nhất Đệ Nhị Cộng Hoà các nhà thiết kế đô thị đã tiếp tục trồng cây Phượng Vỹ ở các con đường, đặc biệt quanh và trong sân trường học ở miền Nam. Hoa phượng trổ mạnh vào tháng Tư đến tháng Sáu hằng năm- cũng là lúc kết thúc năm học, lúc chia tay lưu luyến của các học sinh cùng thầy cô và bạn chung lớp.
Màu hoa đỏ rực sân trường là lúc chia tay đã đến gần. Có nhiều buồn vui lẫn lộn. Nhiều mơ ước. Nhiều hăng say. Và cũng không thiếu nhiều âm thầm chia tay không biết có còn găp lại của tình bạn, của tình yêu ngây thơ như bông hoa vừa chớm nụ…
Cây phượng cho bóng mát sân trường. Tàn rộng nhưng không che mất nắng. Lá phượng như những móng tay nhỏ bay trong làn gió, lấp lánh đuổi bắt nhau trong không gian tựa những ước mơ…Không ai là không nhớ dù đứng dưới sân nhìn lên ngọn cây hay đứng trên lan can lầu nhìn xuống. Những ước mơ đuổi bắt nhau, chạm nhau, xiết chặt nhau ngoài sân trường, nơi các cô cậu relax trong giờ ra chơi, tụm năm tụm ba tán dóc. Hoặc miệt mài chạy theo trái bóng lăn hoặc khúc khích ăn quà, nói to nói nhỏ…
Có lần tôi vẽ bích báo hình một cô nữ sinh đang nhìn xuống sân trường đầy phượng nở. Chỉ thấy lưng và mái tóc dài rẽ đôi bỏ phía trước và cái cổ trắng có bờ vai thon. Không thấy mặt. Ôi chao! Tờ báo lớp tôi nổi nhất trường vì lúc nào cũng đông học sinh đứng chiêm ngưỡng và…đoán mò. Cả trai lẫn gái trong toàn khối đệ nhị và đệ nhất. Trật lất. Chỉ có tôi cười tủm tỉm và…người ấy- mới biết đó là ai.
……..
Thời của tôi
Khoảng những năm 80 khi bài hát Phượng Hồng được phổ biến- tôi nhớ lúc ấy nhạc sĩ Vũ Hoàng đang học ở trường Cao Đẳng Sư Phạm- đã nhanh chóng trở thành TopHit, được đón nhận rộng rãi trong các trường học khắp nơi trong giới sinh viên học sinh. Không Hot không được bởi tuổi trẻ XHCN có được bộc lộ những tư tưởng lãng mạn đâu. Hình như lúc ấy có quyết định “cởi trói Văn Nghệ” từ Trung Ương chỉ thị xuống thì phải. Thì ra Văn Nghệ đã bị “cột chặt” từ rất lâu… không có trói thì làm sao có cởi?
Chút Tình Đầu của Đỗ trung Quân thi sĩ- bắt đầu như thế này
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa Phượng
Em chở mùa Hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng- mối tình đầu
Chỉ trong hai câu đầu thôi đã bâng khuâng, ngỡ ngàng chiếm trọn cảm tình mất rồi… câu thần là đây! Em nhốt cả mùa Hè của tôi trong giỏ xe thế đấy. Là em? Là cái giỏ xe? Là cả một mùa Hè? Hay là mối tình đầu thầm lặng của cậu hoc sinh chỉ biết ngớ ngẩn trông theo… trong ngày chia tay bâng khuâng ngỡ ngàng chất đầy tiếc nuối?
Cơn gió mát của thi sĩ Đỗ trung Quân đã thổi qua tuổi học trò nắng gắt khô hạn của tôi và lũ chúng bạn. Đến nỗi rất lâu về sau, dầu nghiệt ngã mờ mịt trước tương lai chúng tôi cũng vẫn còn giữ lại cái trinh nguyên của một thời áo trắng. Lãng mạn. Vu vơ yêu đương. Những mối tình đầu vấn vương như hạt sương trong vắt:
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại…mang về
Ngại ngùng. Mắc cỡ. Không dám. Thương thầm nhưng nào dám mở lời. Sợ chạm vào nó bay mất..nên đành kiếm cách khác, mượn đỡ bài thơ hoặc bài hát nói thay tâm sự
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiểu- chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng ngịu mãi…thành câm
Anh học trò thật là tội nghiệp. Lời đã ở đầu môi những giấc ngủ mê chập chờn bóng người ấy. Đã là nhớ.
Đã là mong. Mà không thốt nên lời. Ngày lại qua. Mùa chia ly sắp đến. Bàng hoàng đến buổi trưa cuối cùng:
Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa Phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.
Ngại ngùng. Mắc cỡ. Không dám. Thương thầm nhưng nào dám mở lời. Sợ chạm vào nó bay mất..nên đành kiếm cách khác, mượn đỡ bài thơ hoặc bài hát nói thay tâm sự
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiểu- chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng ngịu mãi…thành câm
Anh học trò thật là tội nghiệp. Lời đã ở đầu môi những giấc ngủ mê chập chờn hình bóng người thương. Đã là nhớ.
Đã là mong. Mà không thốt nên lời. Ngày lại qua. Mùa chia ly sắp đến. Bàng hoàng đến buổi trưa cuối cùng:
Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa Phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.
Hình ảnh người con gái đôi tám trong áo lụa dài, đạp xe trên đường với chiếc giỏ xe chất đầy hoa Phượng…
Có làm cho bạn trở về tuổi hoa niên?
Có làm cho bạn ngẩn ngơ một thoáng?
Có gợn lên ngọn sóng nhỏ êm đềm của mối tình đầu. Thuở biết rung động vu vơ về một ánh mắt nhìn “là lạ” từ…người ấy?
Nếu CÓ. Xin cùng tôi gửi lời cảm ơn đến thi sĩ Đỗ Trung Quân. Như một yêu mến rất gần gũi của tuổi học trò xa xưa khó tìm lại được. Và cảm ơn chữ nghĩa ông đã sắp lại để vẽ bức tranh học trò bất hủ:
Em chở mùa Hè của tôi đi đâu?
Phi Yên 2016
Phien Nong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét