Một ngày như mọi ngày qua, buổi trưa về nhà, tôi lên mạng check mail, xem thời sự trên tivi, rồi ăn cơm trưa. Trưa này 20/3/2016, khoảng 11 giờ 45 phút, tôi đang lên net, bỗng nhiên màn hình bị tối đen. Theo phản xạ, tôi rút chấu điện, rồi khởi động CPU lại. Phần mềm Windows vẫn chạy, nhưng vào trang web hiện ra dòng chữ, bạn đang ngoại tuyến, không kết nối internet. Như vậy máy có vấn đề.<!->
Tôi dọn cơm ra ăn, xem thời sự trên tivi. Điện thoại reo, con gái gọi...
- Ba chạy ra bến sông xem cầu Gành sập...
Tôi chết điếng. Cách nay hơn 5 năm, ngày mùng 4 Tết Tân Mẹo, sau buổi trưa dự tân niên ở nhà bạn ở Tân Vạn, tôi về nhà. Thú thật, lần đó tôi say hết biết, dù rằng chỉ uống rượu vang. Gần 19 giờ, còn thiu thiu ngủ, cũng con gái điện thoại,
- Ba tỉnh chưa, chạy ra cầu Gành xem xe lửa đụng xe taxi...
Tôi choàng tỉnh, vì trước đó một giờ đồng hồ, mấy đứa bạn nhậu ở lại đánh bài và thắng được mấy triệu, tụi nó điện thoại rủ tôi sang Biên Hòa chơi. Tôi điện thoại hỏi thăm,
- Tụi tao lên Chợ Đồn ăn mì chú Di rồi về...
Thế là tôi yên tâm về bạn bè...
Tôi khóa cửa nhà, ra bến sông, cách nhà hơn trăm mét.
Hơn chục người có mặt nơi bến sông, đang chỉ chỏ, hướng về cầu Gành.
Trời ơi, cầu Gành sập thật rồi. Tính từ BH sang, nhịp thứ ba đã mất hẳn, rớt xuống lòng sông. Nhịp thứ hai có lẽ rớt sau nên một đầu gác lên nhịp kia dưới sông, một đầu còn gác lên trụ cầu. Một chiếc sà lan lật ngữa. Hướng mép cầu phía Cù Lao Phố, một chiếc tàu chở hàng lớn đang cập mạn cầu, nhiều người lố nhố trên tàu. Bến sông nơi chùa Ông, Cù Lao, người ta cũng đang đứng xem. Một chiếc ca nô của giao thông đường thủy từ cầu Đồng Nai đã chạy lên, quần thảo khu vực cầu sập. Lúc đó nước sông đang lớn dần.
Hướng chùa Ông, người ta đứng xem đông. Nhịp thứ 2 từ Cù Lao sang, còn gác lên nhịp 3 đã đỗ xuống sông.
Bến sông Chợ Đồn cũ, nước đang lên.
Ca nô của giao thông đường thủy đang quần thảo nơi cầu sập.
Tôi vội về nhà, lấy máy ảnh ra chụp mấy tấm ảnh để lưu giữ. Có vài người lấy smartphone ra chụp. Về nhà, tôi mới nhớ là bị...đứt mạng...Buồn thiu, tôi ăn cơm rồi đi nghĩ trưa. Đứa cháu nhà kế bên gọi sang,
- Chú sáu ơi, chợ Hóa An bị cháy kìa, khói đen kịt...
Lúc đó hơn 13 giờ. Thảm họa kép cho Biên Hòa.
Sau khi nghĩ trưa xong, tôi xuống cửa hàng. Sẳn tiện, tôi ghé xuống bến sông lần nữa. Lúc nầy tin tức lan truyền nhanh, người ta hiếu kỳ đến xem đông đảo. Bởi vì lúc đó, từ ngã tư Chợ Đồn lên cầu Gành đã bị rào chắn. Chú Năm nhà kế bến sông nói,
- Chú đang thiu thiu, nghe tiếng động lớn hướng dưới sông, chạy ra xem thì thấy 2 nhịp giữa cầu đã sập...
Có người nói thêm,
- Tôi thấy nháng lửa, vì đường điện trung thế 22 kilô vôn bắt qua Cù Lao bị ảnh hưởng theo.
Tôi xuống cửa hàng, con gái thuật lại,
- Hú hồn, anh Tâm, rễ lớn của tôi, vừa qua cầu khoảng 15 phút. Ngồi chơi 15 phút thì cầu sập.
Ngày chủ nhật, buổi sáng con gái lớn chở các con về nhà ngoại chơi, buổi trưa rễ lớn sang nhà để chở 2 đứa con về nhà ở Tân Mai. Như vậy là rễ của tôi hân hạnh có chuyến đi cuối cùng qua cây cầu trăm tuổi. Khoảng 16 giờ, cậu năm nó, em vợ tôi, từ Thụy Sĩ điện thoại về hỏi thăm tin tức. Như vậy, cậu nó đã xem báo mạng trong nước đã có tường thuật. Riêng báo Đồng Nai, một giờ sau sự việc là đã đăng bài ảnh. Bây giờ, thời kỷ thuật số, phóng viên tác nghiệp đến hiện trường với laptop và máy ảnh, nếu không, là smartphone. Có tin tức xong, họ gõ bài vào laptop, dùng mạng 3G chuyển bài về tòa soạn. Thế là tin tức lan truyền, chẳng có gì dấu diếm che đậy.
Gần 17 giờ, cậu em vợ thứ sáu, đang ở Bình Dương, điện thoại hỏi thăm con gái, vì cậu nó nói, bạn bè ở Úc điện thoại về hỏi thăm. Ở Bình Dương chưa biết, mà ở Úc biết rồi.
Lúc nầy, xe hụ còi liên tục, vì quan chức ở Sài Gòn lên điều tra....
Bây giờ cây cầu Gành biểu tượng của Biên Hòa đã đỗ sập do yếu tố con người. Cầu khởi công xây dựng năm 1902, đến năm 1904 thì khánh thành, cùng một lượt với cầu Bình Lợi, để phục vụ cho tuyến đường sắt Bắc - Nam. Cầu Long Biên, cầu Tràng Tiền, đã khánh thành trước vài năm. Ba tôi đã có lần kể chuyện, ông nội tôi sanh năm 1885, khi cầu bắt đầu xây dựng, nội tôi đã 17 tuổi, có tham gia. Nguy hiểm nhất là ở 3 mố cầu giữa sông. Có người té xuống sông bị nước cuốn, khi trật tay xiết bù-loong. Còn bãi đá hàn hướng gần cầu, bờ Chợ Đồn, do danh tướng Nguyễn Tri Phương cho ghe bầu đỗ đá ngăn tàu Pháp lên xâm chiếm Biên Hòa. Hơn 40 năm sau khi BH bị người Pháp chiếm đóng, hai cây cầu sắt mới được xây dựng. Tôi còn nhớ, ngày xưa mỗi lần đi học về bằng xe đạp, tôi còn đọc rõ con số 1904 nơi đầu nhịp cầu hướng Cù Lao. Sau nầy, khi sơn phết lại, người ta vô tình hay cố ý không ghi lại.
Năm tôi học lớp nhất trường làng, khi sang học thêm nhà cô giáo Hứa Thị Thôi ở ga Biên Hùng, tôi và mấy đứa bạn đi bộ qua cầu, theo đường rầy xe lửa để đến nhà cô. Khi qua cầu, tôi cứ ngó xuống mấy tấm ván gập ghềnh, ngó xuống sông vì sợ lọt xuống sông. Không biết phải vì đi bộ qua cầu, hay xe ngựa chạy, bị gập ghềnh, sau nầy người ta gọi là cầu GHỀNH...
Ảnh tôi chụp cô Khương Thị Bàn nơi cửa hàng em gái, ngày giáp tết Bính Thân, lúc cô còn đạp xe đạp qua cầu để sang Chợ Đồn. Bây giờ đứa con trai út chở cô đi chợ bằng xe gắn máy, vì cầu Bửu Hòa cao như cầu mới Hóa An.
Sau tai nạn đường sắt, 2 cây cầu mới Bửu Hòa, và Hiệp Hòa được xây dựng dành cho xe gắn động cơ lưu thông, chạy xuyên qua Cù Lao Phố . Tuy chạy nhanh, lẹ, nhưng xa thêm 3 cây số. Lượt từ BH về Chợ Đồn, theo kiến nghị của người dân, xe gắn máy được phép chạy trong song ly, ngắn hơn 3 cây số so với lượt đi. Tuy nhiên, Chợ Đồn mất thêm một số khách hàng vì ngăn cách.
Chiều hôm sau, 21/3/2016, tôi chở cháu ngoại đi học về, phải qua cầu Bửu Hòa, vì cầu Gành đã gảy nhịp. Đứa cháu trai 10 tuổi nói,
- Bây giờ bên đó, đoạn giữa Cầu Rạch Cát, và cầu Gành, là Thành Phố Buồn...
Đúng là thành phố buồn vì vắng bóng xe qua lại, dù là xe gắn máy
Ảnh chụp hơn 2 năm về trước, khi ông cháu tôi thả cá chép cho ngày đưa Ông Táo. Ôi, còn đâu. Thời gian...
Như vậy cầu Gành đã có tuổi thọ 113 năm. Chúng ta đã gìn giữ như báu vật, vì đó là biểu tượng của vùng đất Biên Hòa, xứ Đồng Nai. Ngay cả trong 2 cuộc chiến tranh của đất nước, cầu cũng không bị phá hoại.
Ngày trước, mỗi lần xe đò Liên Hiệp chạy qua cầu, anh lơ đã hô to,
- Xin tắt thuốc, ăn trầu nhả bã, không bỏ rác xuống cầu...
Ba trụ mố cầu được bảo vệ bằng mấy tấm sắt dẹp lớn, đóng xuống lòng sông, hàn chắc bao quanh. Phía dưới, giáp mặt nước là những thủy cầu tròn, bằng thép, là phao nổi ngăn chận thủy lôi. Thấy lục bình trôi từng mảng gần hướng cầu, mấy anh lính gác cầu bắn vào lục bình, nếu có chất nổ sẽ phát nổ. Những ngày cuối của cuộc chiến, ba mố cầu đã được quấn thuốc nổ, chờ lệnh. Giờ chót, lệnh không ban hành, cầu còn nguyên vẹn.
Sau 1975 một thời gian, xà lan dùng cần cẩu nhổ những trụ cột sắt đi, ba trụ mố cầu trơ vơ không rào chắn. Bây giờ sập cầu, mất bò người ta tính chuyện làm chuồng. Thiệt hại kinh tế, trách nhiệm thuộc về ai. Nếu làm rào chắn, 3 trụ mố chỉ tốn hơn 10 tỷ đồng, nhưng thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ, chưa kể chi phí làm cầu cở 300 tỷ. Sà lan vận chuyển cát đá đang dồn ứ ở hướng Hóa An, Bửu Long, hướng ngã ba An Hảo. Các bãi cát, bãi đá ngưng hoạt động, chờ trục vớt tàu kéo chìm, và 2 nhịp cầu, ít nhất 10 ngày nữa. Hành khách đi xe lửa phải lên xuống ở ga BH, rồi trung chuyển về Sài Gòn. Hàng hóa phải bốc dỡ ở ga Hố Nai, Long Khánh...
Trưa ngày 22/3/2016, trên đường rước cháu ngoại đi học về, tôi qua cầu Rạch Cát, còn cho xe 2 bánh qua, vào Cù Lao, đến bến sông Chùa Ông nhìn cận cảnh. Chiếc sà lan lật úp đã kéo vào bờ , đặt trước đình Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Giữa 2 nhịp cầu gảy, thanh đường ray xe lửa bằng sắt dài 15 mét, nhô lên khỏi mặt nước hơn 1 mét. Người ta đến xem cũng khá đông.
Nhìn kỷ, thanh sắt đường ray dài 15 mét, nhô lên mặt nước. Nhìn từ hướng Chùa Ông.
Cháu ngoại trai và chiếc cầu đổ sập.
Dù biết rằng thời gian không chờ đợi ai, di sản cũng tàn phai theo năm tháng. Như di tích Thành Kèn, do người Pháp xây dựng lại sau khi chiếm đóng BH, hơn 150 tuổi, cũng bị hư đổ, dù có phục dựng vẫn không nguyên trạng. Những trụ mố cầu Gành, cầu Rạch Cát, đã oằn gánh mấy triệu lượt đoàn tàu xuyên Việt, cũng không còn sức chịu đựng cú tông nhẹ của tàu kéo. Con người chủ quan đã gây ra thảm họa, con cháu ngày sau mỗi ngày có nhìn thấy cây cầu bốn nhịp cong cong hiện ra lúc bình minh, và bây giờ đang liệm chết theo hoàng hôn. Đã có dự án, từ Sài Gòn, qua Dỉ An, ra xa lộ, nền đường sắt cũ sẽ là đường sắt trên cao. Ga BH, ga Hố Nai là ga chính của đường sắt Bắc - Nam. Cầu Gành, cầu Rạch Cát chỉ còn là chứng tích. Chờ đợi thời gian và tiền bạc. Xin hảy hoài niệm, và nhớ về...CẦU GÀNH BIỂU TƯỢNG CÒN ĐÂU...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét