Trong cuộc phỏng vấn năm 2003, Mikhail Lesin từng nói bằng tiếng Nga: “usyo mogul”, có nghĩa là “Tôi có thể làm được bất cứ điều gì tôi muốn.”. Đó chính là khẩu khí của nhân vật đứng đầu hệ thống tuyên truyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Câu nói trên mô tả đầy đủ tham vọng không ai ngăn cản được của nhân vật độc đáo này. Nó đã giúp đưa ông từ vùng thảo nguyên ở Mông Cổ, đang làm việc trong ngành xây cất trở về Mạc Tư Khoa và đạt đến điạ vị quyền lực cao nhất trong ngành truyền thông. Ông là cái loa, là người phát ngôn của nhà nước Nga. Ông Lesin nắm giữ ngôi vị cao trọng này trong suốt hơn hai chục năm, so với nhiều người khác ở Cẩm Linh như thế là khá thọ. Nhưng cái chết bất ngờ của ông tại một khách sạn ở Hoa Thịnh Đốn cách đây bốn tháng, ở tuổi 57, cho thấy tánh mạng của ông trùm về truyền thông không hẳn là vô địch như ông thường nghĩ.<!->
Nhà chức trách Nga tuyên bố ông Lesin bị chết vì đột qụi tim (heart attack). Nhưng kết qủa giảo nghiệm y khoa của nhân viên y tế Hoa Thịnh Đốn công bố hôm 10 tháng Ba cho biết ông Lesin chết vì bị chấn thương nặng ở đầu. Nói cách khác, ông ta bị bị đánh vỡ sọ chết. Nhóm gỉao nghiệm còn tiết lộ thêm rằng thân thể ông Lesin bị thoi bằng nhiều cú đấm mạnh, thương tích bầm dập ở cánh tay, ở chân, ở cổ, và ở bắp đùi. Cảnh sát vẫn chưa xác định ông Lesin chết bằng cách nào, hay vì sao ông bị thương nặng đến nỗi chết. Cảnh sát cũng không loại trừ trường hợp ông bị người khác giết chết, như một vụ giết người tiêu biểu. Nhưng với những vết thương do bạo lực trên người ông, và việc ông từ khước không tuân theo mệnh lệnh của Mạc Tư Khoa trong những tháng, năm trước ngày ông chết. Tất cả đưa đến dự đoán cho rằng cái chết của Lesin bắt nguồn từ điện Cẩm Linh.
Ngoài những điều bí mật về cái chết, và giả thuyết đây là một âm mưu của Mạc Tư Khoa, còn có những chỉ dấu mâu thuẫn về phía chính phủ Hoa Kỳ, và những điều hoài nghi nhân viên FBI Mỹ muốn biết thêm. Năm 2012, Thượng Nghị Sĩ Roger Wicker yêu cầu Bộ Tư Pháp cho mở cuộc điều tra về hành vi rửa tiền, và tham nhũng của Lesin. Cục điều tra liên bang FBI nói họ không hề dính líu đến chuyện điều tra về vụ này. Ngày 11 tháng Ba, phát ngôn viên của Toà Bạch Ốc, ông Josh Earnest nói cơ quan FBI “có dính líu” đến việc điều tra về cái chết của Lesin. Nhưng đến ngày 15 tháng Ba, Toà Bạch Ốc lại nói rằng ông Earnest phát biều sai, và cơ quan FBI không hề dính líu vào việc này. Nội vụ đều do cảnh sát điạ phương ở Hoa Thịnh Đốn xử lý.
THÂN NHÂN TRONG GIA ĐÌNH CỦA ÔNG LESIN không bình luận gì về bản phúc trình của nhân viên giảo nghiệm y khoa. Phỏng theo lời tuyên bố của nhà chức trách Nga, hồi tháng 11, gia đình của Lesin cũng chỉ nói rằng ông Lesin bị chết vì heart attack - đột qụi.
Thật khó mà có thể phản bác lại phúc trình của giảo nghiệm, vì nó trình bầy rất rõ những thương tích trên thân thể người chết. Nhưng hôm 11 tháng Ba, ông Sergei Vasiliev, ông trùm về ngành quảng cáo của Nga, và cũng là bạn đối tác rất thân về kinh doanh với ông Lesin đưa ra lời giải thích mới: ông Lesin chỉ ngã té từ một toa xe điện ở Hoa Thịnh Đốn trong lúc ông say xỉn. Chính ông bị té ngã, và đập đầu xuống lề đường - đồng thời làm cơ thể bị bầm dập ở nhiều chỗ: ở bắp đùi, và nhiều nơi khác.
Trong lúc trả lời cuộc phỏng vấn của ông Andrei Kolesnikov, phóng viên báo Kommersant, một người chuyên viết tiểu sử ông Putin, ông Vasiliev nói: “Ông ta bị ngã té, nặng, và điều đó có thể xảy ra.” Theo ông Vasiliev ông Lesin đã uống rượu khá nhiều ở khách sạn Dupont Circle Hotel trước khi ông được nhân viên an ninh khách sạn tìm thấy vào ngày 4 tháng 11. Không thể đem ông ta đặt lên giường, nhân viên an ninh của khách sạn đã để mặc ông trong phòng một mình. Sáng hôm sau, người dọn phòng tìm thấy xác của ông nằm trên sàn nhà.
Tuần báo TIME tìm cách liên lạc với ban quản lý khách sạn, cũng như nhân viên an ninh của khách sạn, nhưng đều bị từ chối. Lời giải thích của ông Vasiliev có phần đúng ở chỗ ông Lesin là người hay say xỉn vì uống rất nhiều rượu. Nhưng gỉa thuyết đó không đủ để giải thích điều gì có thể xảy ra sau khi ông ta say, và đưa đến cái chết của ông.
Ngày 8 tháng 11, một người bạn thân khác của Lesin, ông Alfred Koch, một người Nga gốc Đức đặt câu hỏi trên Facebook, nói rằng tại sao sứ quán Nga lại biết nguyên do cái chết trước khi có kết quả giảo nghiệm? Ông Koch đặt câu hỏi vì sao sứ quán muốn tất cả mọi người tin rằng đây là một trường hợp đột qụi tim. Ông Koch từng làm Phó Thủ tướng nước Nga trong thập niên 1990’s.
Ông Kirill Petrov, môt cố vấn chính trị hiểu biết rất nhiều về thiểu số ưu tú lãnh đạo nước Nga nói rằng Lesin có những hiểu biết thâm sâu về các họạt động tài chánh bí mật trong điện Cẩm Linh nhờ ông ta có quan hệ mật thiết với Putin trong một thời gian dài. Khi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đề nghị FBI mở cuộc điều tra tài chánh vào năm 2014, khiến cho Lesin lo ngại, không những cho cá nhân của ông, mà còn cho cả gia đình ông.Trong số báo tháng Tám năm 2014, ông thú nhận điều này với tạp chí Forbes: “Tôi không được bình tĩnh về những gì đang xảy ra vì một lý do đơn giản: Tôi lo cho gia đình của tôi.”.
Trong số những người lãnh đạo chủ chốt của nước Nga, Lesin không phải là người duy nhất lo sợ. Sau khi Nga xâm lăng Ukraine, khiến cho Hoa Kỳ áp dụng một số lệnh trừng phạt, các lãnh tụ trong giới cầm quyền của Nga nhận ra rằng trương mục ngân hàng của họ ở ngoại quốc bị phong tỏa, các công ty kinh doanh của họ trên toàn cầu bị đóng cửa. Khi mở cuộc điều tra bảng phong thần tài chánh (black list- hồ sơ đen), Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ bắt đầu nghiên cứu mối liên hệ giữa những cộng sự viên của Putin với những đế chế kinh doanh.
Lesin là một trong những người ở trong hậu trường có những tin tức bí mật qúi giá. Ông ta lại không phải là loại người sẵn sàng chịu hy sinh bản thân để bảo vệ cho nhà nước. Ông ta là người có tinh thần độc lập, và khá nổi tiếng ở Mạc Tư Khoa về thái độ bất kính đối với cấp lãnh đạo trong Điện Cẩm Linh. Trong môt quốc gia có tiếng là cá nhân phải đứng sau nhà nước. Khi hữu sự, cá nhân phải đứng ra gánh chịu sự trừng phạt, Nhà Nước không bao giờ sai trái, hay có lỗi. Ông Lesin có thói quen chỉ lo bảo vệ quyền lợi của riêng mình. Rất có thể vì thói quen đó mà ông bị giết.
MIKHAIL YURIEVICH LESIN sinh trưởng trong một gia đình quân nhân vào mùa hè năm 1958, và lớn lên ngay tại thủ đô nước Nga Xô Viết. Cha của ông là một sĩ quan hải quân cao cấp, và là một kỹ sư. Ông cụ từng đưa cả gia đình đi nghỉ hè ở Crimea, nơi đồn trú của Hạm Đội Hắc Hải. Bối cảnh xung quanh khiến Lesin ước mơ sau này lớn lên sẽ vào Hải Quân Nga Xô Viết, nối nghiệp cha.
Nhưng thái độ bướng bỉnh, không chịu vâng lời đã xuất hiện từ khi còn nhỏ. Trong một lần hỗn láo, cãi lại thầy giáo, Lesin bị trừng phạt cấm không cho gia nhập Đoàn Thanh Niên Công Sản. Trong xã hội Cộng Sản Xô Viết, phải là đảng viên, hay đoàn viên thì mới dễ dàng tiến thân. Một vụ khác xảy ra, khiến Lesin bị đuổi ra khỏi trường kinh tế, một trường uy tín nhất của đại học Mạc Tư Khoa.
Do tính tình ngang bướng, nên vào cuối thập niên 1970’s, Lesin bị đưa vào binh chủng thủy quân lục chiến của Xô Viết. Tư lệnh đơn vị này tìm cách gửi Lesin sang chiến đấu trong rừng rậm nước Angola ở Phi Châu. Cuộc nội chiến ở đây bắt đầu từ năm 1975, và là một cuộc chiến sa lầy trong thời kỳ còn Chiến Tranh Lạnh giữa hai phe Cộng sản và Thế Giới Tự Do, chính quyền Nga muốn bí mật gửi quân sang đây chiến đấu. Họ làm một cách bí mật vì muốn chối không nhận nước Nga cộng sản tham dự vào cuộc nội chiến. Đó cũng là chiến thuật Putin dùng sau này ở vùng đông Ukraine. Tại đây, lính Nga tham gia chiến đấu, nhưng không mang quân phục Nga.
Lesin tìm cách né tránh không muốn đi đánh nhau ở Angola. Theo tài liệu của báo chí nhà nước Nga xuất bản năm 2009, chính Lesin đã xâm trên cánh tay của mình đầy đủ số quân, tin tức trong quân đội Nga để không bị đưa sang Angola. Trò ma giáo này giúp Lesin thoát, không bị gửi sang chiến trường Phi châu.
Sau khi hết hạn quân dịch, Lesin đi học kỹ sư, và đi làm cai công trường xây cất ở Mông Cổ. Chức vụ này ở xa ánh mặt trời, nhưng đem lại cho y rất nhiều bổng lộc. Đây là lân đầu tiên trong đời, Lesin được nếm mùi ăn tiêu xa hoa. Y kể lại trong tạp chíCareer in năm 2003: “Chúng tôi đến đó để kiếm tiền. Mọi người đều có tiền bạc rủng rỉnh, chúng tôi uống rượu lu bù, và ngày lễ, ngày nghỉ chúng tôi đáp máy bay, xe lửa trở về Mạc Tư Khoa để ăn chơi, hưởng lạc.”,
Sau khi trở về thủ đô vào cuối thập niên 1980’s, Lesin làm việc trong ngành truyền hình, thực hiện bộ phim The Happy and Quick-Witted Club một bộ phim truyền hình được dân Nga ưa chuộng. ít lâu sau, Lesin trở thành một Cai Thầu -Agent- nổi tiếng, có uy thế trong kỹ nghệ giải trí trên truyền hình.
Trong hoàn cảnh nước Nga đang ở tình trạng mập mờ nên chọn lưạ giữa thể chế Dân Chủ kiểu nào sau khi chế độ Cộng sản bị lột mặt nạ, và không còn có chỗ đứng, tài năng của Lesin là một năng khiếu hiếm có.Lesin lập ra công y truyền thông thống trị ngành quảng cáo, và y trở thành một nhân vật có quyền lực rất lớn.
Thời đại bộ máy tuyên truyền của nhà nước Xô Viết nắm độc quyền đã qua đi, bây giờ người ta chỉ muốn xem những phim theo kiểu Hollywood. Nền kinh tế nước Nga đang gặp bế tắc, chiến tranh với Chechnya kết thúc trong thất bại cay đắng. Tổng thống Yeltsin mời tay doanh nhân trẻ tuổi Lesin ra tiếp tay với ông trong kỳ vận động tranh cử 1996. Hình thức tuyên truyền kiểu mới do Lesin đề ra đem lại kết quả thần sầu. Tên tuổi của Lesin đi đôi với những khẩu hiệu như: “I believe, I love, I hope.”.
Trong những năm sau đó, tên lính từng xâm số quân trên cánh tay năm xưa để khỏi đi Angola, nay trở thành một huyền thoại về truyền thông. Người ta gọi Lesin là người phù thủy tạo ấn tượng (image). Lúc đầu là ấn tượng cho Yeltsin, sau là ấn tượng cho Putin. Ông Putin trở thành tổng thống từ năm 2000. Nhằm mục đích sắp xếp cơ cấu tổ chức chính quyền cho có lớp lang, hiệu quả, Putin tìm cách ổn định cơ cấu hệ thống truyền thông của nước Nga, và Lesin được giao cho trọng trách này. Lúc bấy giờ Lesin có quyền năng vô giới hạn, và mang hỗn danh “The Bulldozer” “Ông Trùm Đập Đổ”. Với cảnh sát, hệ thống công an, mật vụ trong tay, Lesin xông vào tiếp thu tất cả các đài truyền hình, gom về một mối để phục vụ theo chỉ đạo của nhà nước. Trong nhiệm kỳ đầu của Putin, hệ thống truyền hình và truyền thông có một nhiệm vụ quan trọng là phải đánh bóng hình ảnh về Putin, đặt ông ta lên hàng tuyệt đỉnh để sùng bái cá nhân nhà lãnh đạo. Qua đến năm 2005, Lesin chuyển sang lãnh vực thông tin quốc ngoại với việc thành lập đài phát thanh Russia Today phát thanh trên toàn thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Trong lúc làm việc, Lesin tỏ ra hết sức nhiệt tình, nhưng không phải chỉ trong cương vị một công chức mẫn cán. Trái lại y tìm cách đào ra tiền cho thật nhiều. Y có đam mê về kiếm tiền, ngay từ lúc còn làm cố vấn về truyền thông trong Điện Cẩm Linh. Tài sản của Lesin ở Los Angeles lên đến $28 triệu đô la. Mặc dù hắn vẫn chối,nói rằng đó là tai sản của con cái hắn. Lesin đầu tư mạnh tay vào điện ảnh ở Hollywood nhờ quen thuộc với giai cấp giầu có ở đây. Vào đầu thập niên 2000’s, Lesin thường sống ở Beverly Hills hơn là ở Nga. Nhưng lúc bấy giờ, tình hình ở nước Nga thay đổi rất nhanh.
NĂM 2012, khi Putin quanh trở lại làm Tổng thống nhiệm kỳ 3, ông ta qui tụ khoảng vài trăm nhân vật giầu nhất, và có uy tín nhất nước Nga đến Điện Cẩm Linh để đọc bài diễn văn quan trọng về tình hình đất nước. Ông đưa ra một thông điệp nhắn nhủ mọi người: “Bản chất nền kinh tế nước Nga để ở ngoại quốc là một thứ huyền thoại, hoang tưởng.”. Ông nói rõ với các quí khách đến dự tiệc ở đây ngày hôm nay phải nhớ rằng qúi vị không thể mưu cầu quyền lực trong nuớc Nga, mà vẫn cứ để tiền bạc ở phương Tây. Quí vị phải đem tiền về nước.
Mệnh lệnh này của Putin được đưa ra không phải vì nền kinh tế nước Nga, nhiều quan chức cao cấp không thèm đếm xỉa. Năm đó, giá dầu hỏa vẫn khá cao, xấp xỉ $100 một thùng, và tiền bạc trong nước vẫn dư thừa. Lời kêu gọi của Putin chỉ mang ý nghĩa một sự bảo kê. Mối quan hệ giữa Nga và Tây phương lúc đó đang tốt đẹp nhờ thời gian ông Dimitri Medvedev làm tổng thống từ năm 2008 đến năm 2012, và Putin làm Thủ tướng. Nhưng sau đó thì bắt đầu căng thẳng. Điện Cẩm Linh bắt đầu phác hoạ kế hoạch đối đầu với Hoa Thịnh Đốn.
Nhưng họ không thể dành thế thắng lợi nếu như tiền bạc và đầu tư vẫn để ở Tây phương. Tình trạng đó không những trông chướng mắt đối với công chúng Nga, ngoài ra lỡ xảy ra cuộc chiến tranh tài chánh, khi đó họ sẽ bị thua thiệt. Bằng cách phong toả trương mục ngân hàng, hay cấm du lịch, chính phủ Hoa Kỳ có thể làm áp lực với các quan chức ở Cẩm Linh chống lại Putin, hay bất tuân qui luật của ông ta. Ông Gleb Pavlovsky, cố vấn cho Putin từ năm 2000 đến năm 2011 tóm tắt mối lo ngại này bằng câu ngạn ngữ cổ xưa của Nga: “Nơi bạn cất dấu tiền bạc của cải, chính là nơi bạn để trái tim của bạn ở đó.”.
Ông Pavlovsky đưa ra nhận xét với quyền lực trong tay ở trong nước Nga, và lợi nhuận thu được ở bên phương Tây, thành viên trong giai cấp thống trị của Nga “sống trong hai thế giới cùng một lúc.”. Ở nước Nga họ là những nhà độc tài, ở bên phương Tây họ là người tiêu thụ, khách hàng của các ngân hàng, mua bán chứng khoán, và giao du với những nhân vật giầu có. Khi lên làm Tổng thống nhiệm kỳ ba, ông Putin muốn chấm dứt tình trạng sống hai mặt của những tay có thế lực trong xã hội Nga.
Lúc đầu, đa số giới thống trị không để ý đến lời chỉ thị này, hay tìm cách đi vòng vo để bảo vệ khối tài sản của họ để ở bên phương Tây. nhưng sau cuộc chiến tranh ở Ukraine năm 2014, những khe hở về luật pháp không còn được dung tha nữa. Với việc xâm lăng Ukraine, và sát nhập vùng Crimea vào Nga, nỗi lo sợ của Putin trở thành hiện thực. Phe Tây phương bắt đầu áp dụng những biện pháp từng phạt về tài chánh, và truy lùng tài sản của Kremlin trên khắp thế giới bắt đầu.
Một trong các loại tài sản khó truy tìm nhất là những tài sản của con cái nhũng tay phụ tá cho Putin. Trong nhiều trường hợp, những công chúa và hoàng tử nhỏ, con cái của những ông trùm, đại gia, đã sống hầu hết quãng đời thành niên của chúng ở phương Tây. Chẳng hạn như con của Lesin đi du học ở Thụy sĩ từ nhỏ, chúng không thể bị bắt buộc phải trở về Nga sống khi trưởng thành theo lệnh của người cha. Nhưng cuộc sống, và những cơ sở kinh doanh của chúng ở phương Tây là một tiêu sản, hay một thảm hoạ để Hoa Kỳ dùng đó như một phương tiện làm áp lực với các tay trùm phụ tá cho Putin.
Lấy trường hợp cụ thể xảy ra vào tháng Bảy năm 2015 khi Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Roman Rotenberg, một doanh nhân 34 tuổi, từng sống ở Phần Lan, và mang sổ thông hành nước Phần lan. Cha của Roman là ông Boris Rotenberg, bạn thuở thiếu thời của Putin, khi hai người cùng đi học võ nhu đạo ở cùng một trường. Ông này bây giờ trở thành một cột trụ trong triều đại Putin, và là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại Nga. Việc Hoa Kỳ trừng phạt con trai của ông Rotenberg điều hợp lý, nhưng nó ảnh hưởng tai hại đến an ninh nưóc Nga. Đại đa số các quan chức Nga trong ngành an ninh tình báo, và Quân Đội đều có con cái làm ăn, kinh doanh bên Tây phương. Khi Hoa Kỳ áp dụng lệnh trừng phạt, đương nhiên sẽ gây ra sự chia rẽ trong gia đình các nhân vật thống trị. Từ đó, lòng trung thành của những ông bố đối với Putin bị đem ra thử thách.
Với chủ đích đó trong đầu, Putin tìm cách âm thầm gia tăng áp lực trong việc thu hồi tài sản ở nước ngoài trở về Nga. Lệnh này áp dụng đối với cả con cái của những ông trùm, không miễn trừ cho bất cứ ai. Người bạn thân nhất, và là đồng minh cật ruột của Putin, ông Vladimir Yakunin, người đứng đầu hệ thống hoả xa độc quyền của Nga, có con trai là Andrei vừa nộp đôn xin vào quốc tịch Anh, ông bố bị Putin sa thải ngay tức khắc vào tháng Tám. Việc xin vào quốc tịch Anh giữa lúc đang bị Hoa Kỳ trừng phạt về tài chánh bị coi là hành vi phản bội.
Sau vụ trên, đa số các tay trùm trong giới thống trị ở Nga đều phải răm rắp tuân lệnh Putin, về việc đem tài sản trở về Nga. Nhưng Lesin rõ ràng đã không nghe lời.
ĐẾN NĂM 2014, vị cựu bộ trưởng tuyên truyền đã tuột xuống vài nấc so với vị thế của ông trong thời Putin làm Tổng thống nhiệm kỳ đầu. Kể từ năm 2009, Điện Cẩm Linh thôi thúc các quan chức cao cấp phải bán các cơ sở kinh doanh, và không ngồi trong hội đồng quản trị các công ty tư nữa. Lesin chống lại lệnh này, theo hãng thông tấn Interfax News Agency Kremlin bắt đầu mất tín nhiệm với Lesin, và đòi trừng phạt y.
Nhưng những quan hệ của Lesin vẫn còn giữ nguyên, nhất là mối giao hảo mật thiết với Yuri Kovalchuk. Sau khi Putin đắc cử tổng thống vào năm 2000, Putin đem gia đình Kovalchuk đến Mạc Tư Khoa, và từ đó họ trở thành gia đình giầu có, và có thế lực nhất ở nước Nga, với vô số tiền bạc để ở ngân hàng và khu vực truyền thông. Họ giữ cổ phấn rất lớn trong tổ hợp truyền thông Gazprom Media, và Lesin là Chủ tịch tổ hợp này hồi năm 2013.
Vào tháng Ba năm 2014, bỗng dưng tên của Kovalchuk được ghi thêm vào danh sách nững kẻ bị Hoa Kỳ trừng phạt. Theo sự liệt kê của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, Kovalchuk được gọi là “nhà ngân hàng riêng” của Putin, và là một thành viên trong nhóm hậu trường của Putin.Ít lâu sau, sự tò mò của Bộ Ngân Khố chuyển sang bạn của Kovalchuk là Lesin. Muà hè năm 2014, vài tháng sau khi Nga sát nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà Wicker của tiểu bang Missìssippi viết lá thơ yêu cầu Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ điều tra hành vi rửa tiền, và tham nhũng của Lesin qua những công ty bề mặt do y đặt ra, cũng như tài sản của y ở Los Angeles.
Nguy cơ tài sản có thể bị tịch biên khiến cho Lesin lo sợ. Y nằng nặc nói rằng đó là những tài sản của con cái y. Hồi tháng 8 năm 2014, ông ta lên tiếng thanh minh: “con của tôi không dính liú gì đến việc làm của tôi. Con gái tôi 35 tuổi, con trai của tôi 31 tuổi . Chúng đều đã trưởng thành. Chúng có đời sống riêng của chúng.”. Nhưng trong cuộc chiến tranh trừng phạt tài chánh, chúng vẫn bị coi là nơi che dấu tài sản. Tháng 12 năm 2014, Văn Phòng Chưởng Lý Hoa Kỳ xác nhận họ có chuyển lời than phiền của TNS Wicker cho FBI và Bộ Tư Pháp để yêu cầu điều tra. Cũng trong tháng đó, TNS Wicker cho biết trên đài Radio Free Europe cuộc điều tra của FBI có những bước tiến tốt đẹp. Ngày 19 tháng 12 Tổ hợp Gazprom-Media tuyên bố ông Lesin từ chức không còn làm chủ tịch công ty.
Mặc dù Lesin quen biết rất nhiều nhân vật có tên trong Hồ Sơ Đen- Black List - của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng Lesin vẫn đi lại tự do trên khắp nước Mỹ, và tài sản của y ở California chưa hề bị tịch thu. Nhưng ngài đại gia về truyền thông Nga linh cảm thấy ông đang gây thù chuốc oán với nhiều kẻ thù rất mạnh. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Forbes ở Nga trước khi chết, Lesin cho biết ông ta nhận được lời đe doạ đối với cá nhân ông, cũng như đối với gia đình ông do những người đạo diễn tung tin ông bị bệnh. Người phỏng vấn hỏi ông Lesin phải chăng ông muốn ám chỉ nhiều người ở Nga.
Lesin trả lời: “Có nhiều người lắm, ở cả bên đây, lẫn bên kia.”.
Bài tường thuật của Simon Shuster trên báo TIME
Ngày 28/3/2016
Nguyễn Minh Tâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét