…Hậu quả của sự che giấu, của sự im lặng đó là gia đình liệt sĩ và chính bản thân các chiến sĩ tham gia trận Gạc Ma đã không được sự quan tâm, đền đáp xứng đáng. Họ đã phải sống khổ sở trong sự im lặng lạnh lùng và cay đắng, thiếu sự quan tâm của toàn xã hội cho đến tận những năm gần đây. Một hậu quả lớn hơn nữa là chính quá trình bưng bít, che giấu đó đã hướng người dân Việt Nam thờ ơ, xa lánh không quan tâm đến chính trị; ngại ngùng, sợ hãi khi nhắc tới Trung Quốc để rồi bàng quan bỏ mặc chính quyền Trung Cộng gây hấn, xâm lấn Biển Đông
<!->…”.
Cali Today News - Tròn 28 năm ngày một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị quân đội Trung cộng cưỡng chiếm và sát hại 64 chiến sĩ Hải quân cộng sản Việt Nam (14/3/1988– 14/3/2016) gọi tắt là “ngày Trường Sa 1988”, một số người dân ở khu vực Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An, Đà Nẵng, Vũng Tàu đã tổ chức các hoạt động như thắp nén hương, thả hoa xuống biển để tưởng nhớ ngày đau buồn này của dân tộc. Không khí tưởng nhớ nhìn chung cả nước là bình yên nhưng ở Sài Gòn vẫn có những hành động đơn lẻ của lực lượng an ninh mật vụ ngăn chặn việc đi lại của người dân. Bên cạnh đó, ngày Trường Sa 1988 năm nay cũng đón nhận những nguồn dư luận bàn tán cần được làm sáng tỏ:
Đáp lời kêu gọi của nhóm dân sự No-U Hà Nội, sáng nay vào khoảng 8h30 ngày 14/3/2016, có khoảng mấy trăm người dân ở khu vực quanh Hà Nội tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ để tham gia buổi lễ thắp hương tưởng nhớ ngày Trường Sa 1988. Đại diện nhóm dân sự No-U Hà Nội, anh Lã Việt Dũng đọc diễn văn khai mạc buổi lễ.
“Diễn văn Gạc Ma 1988
…Kính thưa anh chị em cô bác!
Cách đây đúng 28 năm, ngày 14/3/1988 - sau một thời gian gây hấn, lấn chiếm - chính quyền cộng sản Trung Quốc đã chính thức nổ súng xâm lược quần đảo Trường Sa, giết hại 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, phá huỷ 3 tàu vận tải và chiếm đóng đảo Gạc Ma của chúng ta.
Một điều đáng buồn rằng đây lại là một trận chiến bị lãng quên. Chỉ sau một thời gian ngắn được nhắc tới yếu ớt sau đó, với cái gọi là "bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc", trận chiến này đã bị chôn vùi trong im lặng trong suốt 20 năm. Kết quả là rất nhiều người đã không hề biết đến Gạc Ma, không biết đến dã tâm của quân Trung Quốc xâm lược. Nhiều người chỉ biết đến trận chiến này khi xem clip thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam do chính Trung Cộng đưa lên Internet, để rồi phẫn nộ đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, khi bị bắt đã nhận được câu hỏi ngơ ngác của các chiến sĩ công an: "Ơ thế đảo Gạc Ma là đảo gì?".
Cho đến tận hôm nay, trong phóng sự của một tờ báo điện tử, nhiều bạn trẻ vẫn không hề biết đến Gạc Ma. Thậm chí cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" do tướng Lê Mã Lương chủ biên, với sự góp sức của nhiều người đã lặn lội đi gặp trực tiếp gia đình liệt sĩ và các chiến sĩ bị Trung Quốc bắt để ghi lại sự việc, qua tới 13 nhà xuất bản vẫn bị từ chối cấp phép vì "thiếu cơ sở để thẩm định".
Kính thưa anh chị em cô bác!
Hậu quả của sự che giấu, của sự im lặng đó là gia đình liệt sĩ và chính bản thân các chiến sĩ tham gia trận Gạc Ma đã không được sự quan tâm, đền đáp xứng đáng. Họ đã phải sống khổ sở trong sự im lặng lạnh lùng và cay đắng, thiếu sự quan tâm của toàn xã hội cho đến tận những năm gần đây. Một hậu quả lớn hơn nữa là chính quá trình bưng bít, che giấu đó đã hướng người dân Việt Nam thờ ơ, xa lánh không quan tâm đến chính trị; ngại ngùng, sợ hãi khi nhắc tới Trung Quốc để rồi bàng quan bỏ mặc chính quyền Trung Cộng gây hấn, xâm lấn Biển Đông đồng thời lũng đoạn kinh tế xã hội, tuồn hàng hoá thực phẩm độc hại đầu độc nhân dân ta.
Và đó là lý do chúng ta có mặt ở đây hôm nay.
Chúng ta có mặt ở đây hôm nay để ghi nhớ và biết ơn những con người đã hi sinh vì Tổ quốc, vì biển đảo thân yêu, đồng thời là để nhắc nhở người dân Việt Nam về sự kiện bi thương này.
Cho chúng tôi xin được cảm ơn sự hi sinh của các anh! Với chúng tôi, các anh là những anh hùng dù đã không thể chiến đấu sòng phẳng với Trung Cộng vì thiếu thốn quân trang, vũ khí. Và dù có thể đã nhận được lệnh "không được nổ súng", các anh chắc chắn đã không khiếp nhược trước quân thù như những kẻ đang bám bờ giữ 16 chữ vàng 4 tốt.
Hoàng Sa - Việt Nam!
Trường Sa - Việt Nam!
Đả đảo Trung Quốc xâm lược!”
Ngay sau phần đọc diễn văn khai mạc của anh Lã Việt Dũng kết thúc, người dân lần lượt thắp nén hương ở chân tượng đài Lý Thái Tổ. Sau đó, người dân di chuyển tuần hành ở một số tuyền đường ở Hà Nội trước khi kết thúc buổi tưởng nhớ tại tượng đài cảm tử. Buổi tưởng nhớ ngày Trường Sa 1988 năm nay được người dân ở khu vực Hà Nội ghi nhận là khá bình yên, không có cảnh bị phá rối của đám Dư luận viên như hồi năm ngoái.
Miền Trung: Có nổ lực hơn
Không như mọi năm, các buổi lễ tưởng nhớ Hoàng Sa 1974, Chiến tranh Biên giới Tây Bắc 1979 hay Trường Sa 1988 đa phần chỉ thấy người dân và các bạn trẻ ở Nghệ An tổ chức, cũng có thêm vài cá nhân lẽ tẻ ở các tỉnh thành khác nhưng năm nay miền Trung có thêm số anh em dân sự ở Đà Nẵng tổ chức. Đây là ghi nhận đầy nổ lực của anh em dân sự ở Đà Nẵng, tuy buổi tưởng nhớ tổ chức có phần đơn giản nhưng cũng vẫn nói lên sự thành kính của những người còn sống hướng về những anh linh đã nằm xuống vì Tổ quốc và Nhân dân.
Một người tên Hải, có mặt trong buổi tưởng niệm Trường Sa 1988 cùng anh em dân sự ở Đà Nẵng đã có lời phát biểu tại bãi biển Đà Nẵng. Lời chú Hải;
“Chúng tôi mượn bãi biển Đà Nẵng này xin thắp nén hương lòng để gửi cho 64 chiến sĩ đã ngã xuống tại Gạc Ma trong cuộc chiến không cân sức, cuộc chiến phi lý. Các anh dù có chết đi nhưng chúng tôi vẫn nhớ, để nhắc nhở lại cho con cháu chúng ta đây là một tội ác mà chúng ta sẽ không bao giờ quên.”
Kết thúc buổi tưởng nhớ Trường Sa 1988, các anh em dân sự ở Đà Nẵng đã thả lẳng hoa xuống biển để nó trôi theo dòng nước.
Miền Nam: An ninh mật vụ vẫn còn ra tay ngăn chặn.
Tại Sài Gòn. Không như các buổi lễ tưởng nhớ Hoàng Sa 1974, Biên giới Tây bắc 1979 hoặc Trường Sa 1988 trong những năm qua luôn bị những an ninh, dân phòng bày trò quậy phá ngày tại buổi lễ, ra tay ngăn chặn việc đi lại đối với những ai thường xuyên tham dự các sự kiện này khiến dư luận trong và ngoài nước hết sức bất bình. Ngày tưởng nhớ Trường Sa 1988 năm nay (14/3/2016), cũng được hơn trăm người dân tổ chức thắp nén hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo nhưng có sự khác lạ là không thấy bóng dáng của những kẻ vong ân bội nghĩa quậy phá. Buổi thắp hương tưởng nhớ 28 năm ngày một phần quần đảo Trường Sa bị mất năm nay diễn ra tương đối bình yên đối với người dân ở khu vực Sài Gòn. Tuy nhiên, rất nhiều người dân cũng còn tỏ bất bình vì bản thân vẫn còn bị những an ninh mật vụ ngăn chặn việc đi ngay tại nhà như Blogger Huỳnh Ngọc Chênh…
Ngoài ra, tại Vũng Tàu cũng có số người dân tổ chức thả hoa xuống biển, đây cũng là một trong những hoạt động hướng về ngày Trường Sa 1988, hướng về anh linh 64 chiến sĩ “vị quốc vong thân” trong trận Hải chiến không cân sức với quân xâm lược Trung Cộng.
Anh Tuấn, một cư dân ở Vũng Tàu tham dự buổi tưởng nhớ chia sẻ những cảm xúc, gửi gắm của anh thông qua những buổi tưởng nhớ như thế này. Anh Tuấn chia sẻ:
“Mình và mấy người bạn tổ chức buổi tưởng nhớ này thứ nhất là để tưởng nhớ tới những anh hùng đã tử trận vì biển đảo của Tổ quốc nhưng chính quyền bao năm qua đã cố tình quên đi sự hy sinh của họ vì đại cục hữu nghi vớ vẩn của hai đảng Cộng sản cầm quyền. Là một công dân Việt Nam mình tự nhận thấy không thể để chính quyền bưng bít mãi, thông qua những hình ảnh của buổi tưởng nhớ này mình mong muốn người dân và đặc biệt là các bạn trẻ biết và hiểu rõ hơn về sự kiện Gạc Ma”.
Những bàn tán xung quanh Cuộc chiến Trường Sa 1988
Do thông tin về cuộc chiến Trường Sa 1988 bị chính quyền cộng sản Việt Nam hạn chế đưa từ hàng chục năm qua nên người dân Việt Nam chỉ biết sơ qua cuộc chiến này từ một Clip dài khoảng hơn 3 phút được phía Trung Cộng quay lại rồi đăng lên mạng internet. Hình ảnh trong Clip ghi lại cảnh chiếc tàu HQ-604 của Hải quân cộng sản Việt Nam bị loạt đạn của quân đội Trung Cộng bắn chìm vào sáng ngày 14/3/1988 tại Trường Sa mà hoàn toàn không thấy sự chống trả nào từ phía Hải quân cộng sản Việt Nam. Do cuộc chiến kết thúc khá nhanh, phía quân đội Trung Cộng chiếm đảo của Việt Nam cũng khá dễ dàng và giết chết 64 chiến sĩ Hải quân cộng sản Việt Nam nên có nguồn dư luận nói rằng; tại thời điểm nổ ra cuộc chiến thì trước đó, phía Hải quân cộng sản Việt Nam nhận lệnh ra trực chiến tại Trường Sa đã có lệnh không được nổ súng để mặc phía quân đội Trung cộng thảm sát. Thực hư nguồn dư luận này như thế nào? Cali Today đã ghi nhận ý kiến chia sẻ của ông Giang, cựu binh sĩ từng tham gia chiến trường Tây Bắc. Ông Giang nói:
“Không được lệnh nổ súng thì do tôi không tham gia (cuộc chiến Trường Sa 1988) nên tôi không biết. Chỉ biết hồi đó những ai hy sinh đều bị che dấu thông tin. Gia đình không được tổ chức lễ truy điệu.”
Trong khi đó, cựu binh sĩ Gạc Ma ông Lê Hữu Thảo là lính chiến đấu trên tàu HQ-604 may mắn còn sống sót ở cuộc chiến Trường Sa 1988 thì bác bỏ nguồn dư luận trên, trong lúc dư luận tràn ngập trên internet là do Lê Đức Anh ra lệnh.
Có thêm một nguồn dư luận khác là chúng ta không nên nói ngày 14/3/1988 là ngày “Hải chiến Trường Sa” mà phải gọi là ngày “Thảm sát” vì chỉ thấy lính Trung cộng toàn bắn chết lính Hải quân cộng sản Việt Nam. Về nguồn dư luận này, ông Giang đáp:
“Gọi là ngày thảm sát thì hơi quá vì lính ta (Hải quân cộng sản Việt Nam) cũng có chiến lại”.
Sự thật về cuộc chiến Trường Sa 1988 có như thế nào thì đây cũng là một phần lịch sử Việt Nam cần phải được ghi nhận, không phân biệt người lính ở chiến tuyến nào, hễ hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam thì người dân Việt Nam vẫn mãi không quên bởi họ là những anh hùng. Còn phía chính quyền cộng sản Việt Nam, ngay bây giờ phải trả lời những sự thật về cuộc chiến này để người dân Việt Nam được biết chính xác hòng trả lại sự công bằng và làm yên lòng những đồng đội của họ đã nằm xuống.
“Không những người lính ngã xuống ở biển khơi, mà tôi đi lên các vùng biên giới cũng thấy có ghi những chiến sĩ ngã xuống suốt những năm cuối thế kỷ trước có người hy sinh năm 1990... Cảm xúc nghẹn lòng khi chưa mang giúp được gì cho đất nước, chống độc tài, chống tham nhũng... xấu hổ với đồng đội đã vì dân, vì nước mà ngã xuống!”. Ông Giang nghẹn ngào nói./.
THIÊN HÀ
Photo courtesy: Mai Thanh, Nguyễn Quốc An, Bùi Ngọc Hiền Vy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét