Chủ Nhật Tuần Này, Mừng Ngày Của Cha! (Happy Father’s Day!) Và Kính Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay Theo Dòng Thời Sự (Cám Ơn) Giới Thiệu Sinh Hoạt Đáng Tham Dự Nhất Ngày Lễ Hiền Phụ Năm Nay: Chiều Nhạc: Tình Cha, Tình Lính!
Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2022. Tại Quán Cà phê Lover, 1855 Aborn Rd, San José.*Vào cửa tự do, nước giải khát hoàn toàn miễn phí! Phút vinh danh người Cha, còn có nhiều mục vui, có thưởng!
CÒN 2 NGÀY NỮA, CHỦ NHẬT TUẦN NÀY, MỪNG NGÀY LỄ HIỂN PHỤ! “HAPPY FATHER’S DAY!”
MÀ NHỮNG NGƯỜI CON CẦN GHI NHỚ: “CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN!” LÀ MỘT CÂU TRONG BÀI CA DAO VIỆT NAM NỔI TIẾNG, ĐƯỢC TRUYỀN TỪ ĐỜI NÀY QUA ĐỜI KHÁC, MÀ MỖI ĐỨA TRẺ VIỆT NAM, LUÔN ĐƯỢC NGƯỜI LỚN DẠY BẢO NGAY TỪ TẤM BÉ. LỜI CA DAO TUY GIẢN DỊ, MÀ Ý NGHĨA THẬT SÂU SẮC, NÓI LÊN CÔNG LAO TO LỚN CỦA NGƯỜI CHA TRONG VIỆC SINH THÀNH VÀ NUÔI DƯỠNG CON CÁI. TỪ NHỎ, CHO ĐẾN KHI TRƯỞNG THÀNH.
NGƯỜI CHA KHÔNG CHỈ LÀ TRỤ CỘT CỦA GIA ĐÌNH, GÁNH VÁC TRÁCH NHIỆM NẶNG NỀ VÀ HY SINH RẤT NHIỀU CHO CON CÁI, MÀ CÒN LÀ NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN TRONG CUỘC ĐỜI CỦA CÁC CON. CHÍNH VÌ VẬY, LÀ CON CÁI CẦN BIẾT ƠN CÔNG LAO TỰA NÚI THÁI SƠN CỦA CHA VÀ LÀM TRÒN “CHỮ HIẾU”, TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI CÓ ÍCH CHO GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI ĐỂ ĐỀN ĐÁP LẠI CÔNG ƠN LỚN LAO NÀY.
VÀI DANH NGÔN VỂ NGƯỜI CHA
-“TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI CHA LÀ MỘT TUYỆT TÁC CỦA TẠO HÓA”
– ABBE’ PRE’VOST
-“TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC ĐẦU TIÊN CỦA MỘT CÔ GÁI CHÍNH LÀ NGƯỜI CHA”
– MARISOL SANTIAGO
-“CHA LÀ NÚI CON HOÀI XANH CỎ DẠI
CHA LÀ TRỜI CHO MÂY TRẮNG CON BAY!”
-“CHA KHÔNG HOÀN HẢO NHƯNG CHA VẪN YÊU THƯƠNG CON THEO CÁCH HOÀN HẢO NHẤT”
-“ĐỨC HẠNH VÀ UY TÍN CỦA NGƯỜI CHA LÀ DI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT CỦA NGƯỜI CON”
– ROGER BACON
-“CHA TÔI LẮM NỖI GIAN NAN
VÌ CON CƠ CỰC CHẲNG MÀNG TẤM THÂN”.
-“BẠN KHÔNG CẦN PHẢI ĐẮN ĐO PHÂN TÍCH CHA CHÚNG TA LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO VÌ LÚC NÀO LÒNG CHA CŨNG THẬT VĨ ĐẠI”
– ANNE SEXTON
-“TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY, KHÔNG CÓ MÓN QUÀ NÀO NGỌT NGÀO BẰNG TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA NGƯỜI CHA CHO CON MÌNH”
– CICERO
-“MỖI CÔ GÁI CÓ THỂ KHÔNG PHẢI LÀ NỮ HOÀNG CỦA CHỒNG MÌNH NHƯNG LUÔN LÀ CÔNG CHÚA CỦA CHA HỌ”.
-“CHA ƠI BÓNG CẢ CÂY CAO, CHỞ CHE CON NHỮNG LAO ĐAO CUỘC ĐỜI”.
-“NGƯỜI CHA LUÔN KHIẾN CON GÁI NHỎ BÉ CỦA MÌNH TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ NHỎ. VÀ KHI CÔ ĐÃ LÀ MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ, ÔNG LẠI MUỐN BIẾN CÔ TRỞ LẠI NHƯ XƯA”
– ENID BAGNOLD
-“NGƯỜI CHA NGHIÊM KHẮC NHẤT TẤT NẶNG LỜI KHI KHIỂN TRÁCH NHƯNG VẪN LÀ NGƯỜI CHA TỐT TRONG MỌI HÀNH ĐỘNG”
– MENANDRE
LỜI CHÚC ĐẾN CHA:
-KÍNH CHÚC CÁC NGƯỜI CHA TRONG GIA ĐÌNH, MỘT NGÀY LỄ CHA VUI VẺ, NHÀN NHÃ, NGHỈ NGƠI! (KHÔNG PHẢI SỬA XE, LÀM VƯỜN, ĐỔ RÁC, COI CHÁU!) TRÀN ĐẦY HẠNH PHÚC, BÊN CÁC CON CÁI THÂN YÊU CỦA MÌNH. HAPPY FATER’S DAY!
LÒNG CHA.
Mừng ngày Hiền Phụ phúc ban,
Vòng tay ấp ủ, muôn vàn yêu thương.
Bên cha từng bước tựa nương
Dìu qua muôn lối, dẫn đường con đi.
Có cha con khỏi lo chi,
Tình cha nhân ái, khắc ghi cõi lòng.
Cuộc đời phấn đấu long đong,
Thương con yêu dấu, cầu mong tháng ngày.
Yêu thương ấp ủ hôm nay,
Mai sau đỗ đạt, nở mày mẹ cha.
Thương trường lữ thứ bôn ba,
Học khôn khọc khéo, vị tha với người.
Tình yêu đắp đổi sống đời,
Từ bi hỉ xả, gọi mời thẳng ngay.
Con ơi ghi nhớ lời này,
Sống tròn tứ đức, sớm ngày thành nhân.
Công cha vẹn nghĩa chuyên cần,
Mong con khôn lớn, đỡ đần tộc gia.
Gia đình hạnh phúc ơn cha,
Chu toàn thiên chức, cả nhà mừng vui.
Mừng Ngày Hiền Phụ
Hằng năm, chúng ta có Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day) để tôn vinh các người Mẹ, được kỷ niệm vào Chúa Nhật thứ nhì của tháng Năm, và chúng ta cũng có Ngày Hiền Phụ (Father’s Day) để tôn vinh các người Cha, được kỷ niệm vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu.
*Lịch sử
Nguồn gốc Ngày Hiền Phụ không là một hiện tượng xảy ra trễ nhất, các học giả cho rằng Ngày Hiền Phụ có từ thời Babylon bị tàn phá. Một thanh niên tên là Elmesu đã khắc Thông điệp Ngày Hiền Phụ trên một tấm thiệp bằng đất sét gần 4.000 năm trước. Elmesu ước mong cha mình có sức khỏe tốt và sống lâu. Dù không có chứng cớ về Elmesu và người cha nhưng truyền thống kỷ niệm Ngày Hiền Phụ vẫn lưu truyền ở nhiều quốc gia trên thế giới.
*Ngày Hiền Phụ tại Hoa Kỳ
Cách nhìn ngày nay về việc kỷ niệm Ngày Hiền Phụ có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, sau đó truyền thống này lan truyền sang các nước trên thế giới. Thế giới mang ơn bà Sonora Louis Smart Dodd, một người con yêu thương ở Spokane (Washington) vì bà đã tranh đấu để có Ngày Hiền Phụ như ngày nay. Bà cho rằng chúng ta tôn vinh những người Mẹ mà lại quên công khó của những người Cha trên cương vị “chống mũi chịu sào”.
Ý tưởng về Ngày Hiền Phụ xuất hiện trong đầu bà Sonora khi bà tình cờ nghe bài giảng thuyết về Ngày Hiền Mẫu năm 1909. Lúc đó bà 27 tuổi, bà nghĩ: “Nếu có ngày tôn vinh Mẹ thì tại sao không có ngày tôn vinh Cha?”. Bà cảm thấy thương những người cha vì tình thương bà nhận được từ người cha của bà là ông William Jackson Smart, một cựu chiến binh. Mẹ bà qua đời do sinh con khi Sonora mới 16 tuổi. Ông Smart phải chịu cảnh “gà trống” nuôi 5 đứa con bằng tất cả lòng yêu thương và chăm sóc của người cha kiêm chức năng làm mẹ.
Được cảm hứng từ việc bà Anna Jarvis đấu tranh để có Ngày Hiền Mẫu, bà Dodd bắt đầu khởi xướng tổ chức Ngày Hiền Phụ tại Hoa Kỳ. Hiệp hội Chính quyền Spokane (Spokane Ministerial Association) và Hiệp hội Thanh niên Kitô giáo (Young Men’s Christian Association – YMCA) tại địa phương ủng hộ ý nguyện của bà Sonora. Kết quả là Ngày Hiền Phụ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 19-6-1910. Dù ban đầu có sự lưỡng lự, nhưng vẫn được nhiều người ủng hộ, và Ngày Hiền Phụ được tổ chức tại các thành phố trong quốc gia Hoa Kỳ.
Thấy rất nhiều người tụ họp kỷ niệm Ngày Hiền Phụ tại Hoa Kỳ, tổng thống Woodrow Wilson phê chuẩn việc này vào năm 1916. Tổng thống Calvin Coolidge cũng ủng hộ Ngày Hiền Phụ mang tính quốc gia của Hoa Kỳ vào năm 1924: “Hãy thiết lập các mối quan hệ thân mật giữa cha con và nhấn mạnh vào trách njiệm của họ”. Sau 40 năm đấu tranh, tổng thống Lyndon Johnson ký lệnh dùng Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu là Ngày Hiền Phụ từ năm 1966. Năm 1972, tổng thống Richard Nixon ký quyết định vĩnh viễn kỷ niệm Ngày Hiền Phụ vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu hằng năm. Bà Sonora Smart Dodd được tôn vinh vì bà đã góp phần vào Hội chợ Thế giới (World’s Fair) ở Spokane năm 1974. Bà Dodd qua đời năm 1978, hưởng thọ 96 tuổi.
*Các giả thuyết về lịch sử Ngày Hiền Phụ
Có vài giả thuyết về Ngày Hiền Phụ. Một số người co rằng Ngày Hiền Phụ đầu tiên được tổ chức tại miền Tây Virginia năm 1908. Một số người khác cho rằng lễ này được tổ chức lần đầu tại Vancouver, Washington.
Chủ tịch câu lạc bộ Lions tại Chicago, ông Harry Meek, được coi là người tổ chức Ngày Hiền Phụ đầu tiên vào năm 1915 để nhấn mạnh vào việc tôn vinh những người cha. Ông chọn Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu để kỷ niệm, đó là ngày gần sinh nhật của ông Meek. Để đánh giá công việc của ông Meek, CLB Lions của Hoa Kỳ đã tặng ông chiếc đồng hồ bằng vàng, với lời đề tặng “Người khởi xướng Ngày Hiền Phụ” (Originator of Father’s Day) vào chính sinh nhật của ông, 20-6-1920. Một số sử gia tôn vinh bà Charles Clayton ở Tây Virginia là người khởi xướng Ngày Hiền Phụ.
Năm 1957, thượng nghị sĩ Margaret Chase Smith viết thư gởi quốc hội: “Dù chúng ta tôn vinh người cha hay người mẹ thì cũng đừng bỏ người nào. Người cha hay người mẹ bị bỏ quên cũng đều cảm thấy buồn vậy”.
Ngày Hiền Phụ được kỷ niệm vào những ngày khác nhau ở các nước khác nhau. Đa số các nước – kể cả Hoa Kỳ, Anh, Canada, Chilê, Pháp, Nhật và Ấn Độ – đều kỷ niệm Ngày Hiền Phụ vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu.
Mặc dù Ngày Hiền Phụ không cố định giống nhau tại các nước và cách kỷ niệm cũng khác nhau, nhưng ở đâu cũng chung một tâm tình là tôn vinh công lao của những người cha và bày tỏ lòng yêu thương đấng sinh thành. Vào ngày này, con cái gởi thiệp mừng, hoa và quà cho cha mình để bày tỏ lòng yêu thương và kính trọng.
Tại nhiều quốc gia có đa số là người Công giáo thì Ngày Hiền Phụ được mừng vào ngày lễ kính Đức Thánh Giuse, ngày 19 tháng Ba.
Ngày Hiền Phụ được coi là rất quan trọng vì ngày này giúp nhận thức về công lao của những người cha đối với gia đình và xã hội. Việc cử hành Ngày Hiền Phụ không chỉ giúp những người con có cơ hội bày tỏ yêu thương và kính trọng đối với cha mình, mà còn giúp củng cố quan hệ phụ tử và phát triển tình cảm của người con dành cho cha mình.
TÌNH CHA.
Cha hiền trung nghĩa sắt son
Yêu thương chớm nở, đưa con vào đời
Tình cha núi thái cao vời,
Mở đường dẫn lối, gọi mời sống chung.
Tình yêu ân lộc bao dung,
Nêu gương công đức, anh hùng lập thân.
Ngày đêm sáng tối chuyên cần.
Thức khuya dậy sớm, vạn lần gắng công.
Dù cho mưa nắng gió giông,
Đường xa muôn nẻo, mắt trông hướng về.
Cuộc đời gian khó chẳng nề,
Gia đình mái ấm, lời thề trung kiên.
Về nhà có một nàng tiên,
Ngôn từ nhỏ nhẹ, vợ hiền dấu yêu.
Cùng nhau sát cánh sớm chiều,
Nuôi đàn con lớn, đạt nhiều ước mơ.
Lòng cha thầm kín mong chờ,
Công thành danh toại, nương nhờ tấm thân.
Ơn cha nghĩa mẹ bội phần,
Đền ơn đáp nghĩa, cho cân mối tình.
Một đám cưới cảm động, dành cho người Cha sắp qua đời, với chú rể gốc Việt, trong bệnh viện Orange!
- Từ lúc còn nhỏ, Brittny Arceo vẫn mơ về một ngày vui cùng bố, Abraham Arceo, khi mặc chiếc áo cưới, tưởng tượng cảnh bố dắt tay mình lên lễ đường và vũ điệu với bố trong tiệc cưới.
Nhưng cô không thể tưởng tượng một ngày tràn ngập hạnh phúc lại xen lẫn nỗi buồn đau.
Abraham vừa bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy giai đoạn bốn, và sức khỏe ông suy sụp nhanh chóng.
(Hình: Brittny Arceo và Alan Trần nên vợ chồng với sự chứng kiến của gia đình hai bên tại nhà nguyện trong bệnh viện Providence St. Joseph Hospital, Orange, California)
Bác sĩ e rằng ông không thể kịp dự đám cưới con gái vào tháng sau, nên bệnh viện Providence St. Joseph quyết định giúp ông toại nguyện được nhìn thấy con gái yên bề gia thất, Đài ABC 7 làm phóng sự hôm Thứ Năm, 23 Tháng Năm.
Cô dâu và chú rể gốc Việt không thể hình dung được ngày cưới mà không có mặt bố.
Nhân viên bệnh viện liền thu xếp cho cô dâu Brittny và chú rể Alan Trần làm lễ cưới trong nhà nguyện của bệnh viện.
Brittny nói, “Bố là người hùng của tôi. Ông hy sinh cả cuộc đời cho các con.”
Alan Trần nói với Đài ABC 7, “Nếu bố không có mặt thì khó mà vui được, nên thật tuyệt khi chúng tôi còn có nhau, có bố hiện diện bên cạnh trong ngày vui.”
Alan Trần hứa với Abraham sẽ là điểm tựa cho Brittny trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời.
Nay thì Brittny mong rằng bố sẽ đến dự ngày cưới 28 Tháng Sáu, mà ngay cả không được thì cô cũng biết rằng tình thương ông dành cho con gái là mãi mãi.
CÔNG CHA.
Công cha biển rộng non cao,
Trải qua gian khó, biết bao nhọc nhằn
Nắng trưa mảnh đất khô cằn
Thân gầy cuốc xới, in hằn vết nhăn.
Hoa mầu ruộng lúa cầm canh,
Cố công vun xới, đất lành trổ hoa.
Quê cha đất tổ hiền hòa,
Chung tay gầy dựng, xóm nhà đông vui.
Làng trên xóm dưới tới lui,
Giao thân kết nghĩa, nên xui họ hàng.
Cháu con kết bạn trong làng,
Gia tăng nhân số, vẻ vang dõi dòng.
Dân làng khuôn mẫu gia phong,
Trai thanh nữ tú, nối dòng phát huy.
Kẻ trên người dưới phụ tùy,
Nêu gương thảo hiếu, bái quỳ kính tôn.
Ơn ban Thượng Đế càn khôn,
Nối dòng thể xác, linh hồn Chúa ban.
Trọn tình thờ Chúa khấn van,
Công cha đền đáp, an khang một đời.
Văn Nghệ Truyện Ngắn: Đừng để bố mặc vest!
(Trần Triều)
(Hình: Nhà mình ở quê. Bố cặm cụi quanh năm với nương rẫy.)
-Nhà mình ở quê. Bố cặm cụi quanh năm với nương rẫy. Bàn tay bố thô ráp, kẽ móng tay đôi khi có dính đất cũng là thường. Vì bàn tay đó cuốc đất, vần đá, đào giếng, hái tiêu.
Bàn chân bố biến dạng một cách lạ lẫm trong mắt con gái. Vì bố thường xuyên đi chân đất. Những ngón chân bám dốc đất cho khỏi trượt qua những mùa mưa sình lầy ở Tây Nguyên.
Gương mặt chữ điền nam tính của bố đen sạm hai tảng gò má, trông như một con gấu trúc rắn rỏi vì hai chỗ đó nhô ra đón nắng mỗi ngày.
Hai vành tai của bố đỏ cháy vì xoay kiểu gì cũng gặp nắng.
Tóc của bố sợi bạc sợi cháy, bết bát trên cái đầu được gội qua loa không dầu gội. Cũng đã nhiều năm rồi bố chưa chải tóc, bố nhỉ. Mỗi lần uống vài ly rượu với các bác, các chú trong xóm là bác đưa tay lên tự cào đầu mình cho nó tổ quạ lên. Trông đáng yêu phết.
Bộ đồ bố mặc nhiều nhất trong cuộc đời là bộ vằn vện đi rẫy. Vì bộ đó đỡ bẩn, lại bền.
Nhưng trong mắt con gái, bố như một anh hùng trong phim. Chẳng ai khoẻ như bố, không ai ngầu hơn bố. Làm gì có ai yêu thương, cưng chiều và chăm sóc con gái nhiều như bố.
Ngày con gái cưới chồng, mọi thứ thuận lợi, êm đềm và vui vẻ. Mải lo mọi thứ cho tiệc cưới, đến khi bố bước lên sâu khấu cùng con sau lời giới thiệu của MC làng, con mới giật mình. Trông bố thật tội nghiệp quá trong bộ đồ vest!
Con gái và ai đó trong gia đình thật vô trách nhiệm và thô thiển khi mang bộ vest về cho bố mặc.
Bộ vest đi thuê, tay áo quá dài, chiếc quần lõng bõng. Đôi giày Tây đen loại rẻ tiền, khiến chiếc vớ trắng ngả cháo lòng trông thảm hại. Mẹ ơi, sao mẹ không ủi chiếc áo sơ mi cho bố?
Để nhăn nheo như vậy? Ông anh họ nào đã đi nhặt cái cravat thời tám hoánh nào, gắn thêm cái kẹp gỉ sét lên nữa. Người bố siêu anh hùng đẹp đẽ chân phương của con gái bị khoác lên bộ vest, trông gượng gạo và thảm hại.
Con gái hận bản thân vì không kịp dành thời gian để chuẩn bị cho bố một bộ cánh phù hợp hơn.
Thật sự, nếu có một bộ vest đẹp và vừa vặn hơn, vẫn là không hợp với người bố nông dân sần sùi thô ráp của mình. Con gái nghĩ vậy.
Tự bao giờ, người Việt quan niệm, đám cưới con là bố phải mặc vest? Trong đó, có 80% ông bố là người nông thôn. Mà nông dân thì hầu như không mặc vest trong đời. Có người chỉ có một đứa con và chỉ mặc vest một lần trong đời.
Ai cũng biết, trang phục đẹp nhất là trang phục phù hợp. Một người đàn ông không thể mặc vest đẹp khi không có sẵn cái thần thái của vest. Vì vậy, mặc vào rất đáng thương.
Chúng ta có áo dài truyền thống. Một đám cưới ở VN được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, cô dâu mặc áo dài rất đẹp, mẹ cô dâu mặc áo dài rất hợp, tại sao không để bố cô dâu mặc áo dài?
Một ông bố nông dân, dù có dáng vẻ gồ ghề thế nào, dù gia cảnh có nghèo ra sao, mặc một chiếc áo dài nam cũng dễ đẹp, trang trọng và phù hợp.
Nếu người đàn ông không có sẵn thần thái phù hợp với vest, chưa bao giờ mặc vest và không có điều kiện mua một bộ vest đàng hoàng, mà vẫn bắt họ mặc vest là một “tội ác!”
LÒNG CHA.
Mừng ngày Hiền Phụ phúc ban,
Vòng tay ấp ủ, muôn vàn yêu thương.
Bên cha từng bước tựa nương
Dìu qua muôn lối, dẫn đường con đi.
Có cha con khỏi lo chi,
Tình cha nhân ái, khắc ghi cõi lòng.
Cuộc đời phấn đấu long đong,
Thương con yêu dấu, cầu mong tháng ngày.
Yêu thương ấp ủ hôm nay,
Mai sau đỗ đạt, nở mày mẹ cha.
Thương trường lữ thứ bôn ba,
Học khôn khọc khéo, vị tha với người.
Tình yêu đắp đổi sống đời,
Từ bi hỉ xả, gọi mời thẳng ngay.
Con ơi ghi nhớ lời này,
Sống tròn tứ đức, sớm ngày thành nhân.
Công cha vẹn nghĩa chuyên cần,
Mong con khôn lớn, đỡ đần tộc gia.
Gia đình hạnh phúc ơn cha,
Chu toàn thiên chức, cả nhà mừng vui.
Giới Thiệu Sinh Hoạt: Ngay đúng Ngày Lễ Father’s Day Năm Nay, Chủ Nhật Ngày 16 Tháng 6 Năm 2024.
Do Đoàn Du Ca Bắc Cali và Quý Ca Nghệ Sĩ Thân Hữu Người Lính LVH Tổ Chức.
Vào Cửa, Nước Uống, Hoàn Toàn Miễn Phí!
Lời Mời
Kính thưa Quý Vị, nước Mỹ có một tuần kỳ lạ, đó là tuần lễ Mừng Ngày Hiền Phụ, cũng hay trùng vào Mừng Ngày Quân Lực VNCH 19/6!
Chính vì lý do này, nên năm nào, người Lính LVH và Bạn Hữu, cũng tổ chức một buổi sinh hoạt văn nghệ đặc biệt cho 2 dịp lễ, chung một tuần này. Năm nay là lần thứ 6! Lần nào, khán thính giả cũng tham dự đông đảo, Câu lạc bộ Mây Bốn Phương, hay Quán cà phê Lover, cũng không còn đủ chỗ ngồi!
Hy vọng năm nay cũng thế, ngoài phần văn nghệ sẽ đặc sắc hơn nhiều, vì có thêm Đoàn Du Ca Bắc Cali, là Nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn, đồng Trưởng Ban Tổ Chức, nên chắc chắn phải là buổi nhạc độc đáo, hay hơn nhiều các năm trước.
Nên Trân Trọng Kính Mời Tham Dự:
Chiều Nhạc: Tình Cha, Tình Lính!
Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2022. Tại Quán Cà phê Lover, 1855 Aborn Rd, San José.
*Vào cửa tự do, nước giải khát hoàn toàn miễn phí! Còn có nhiều mục vui, có thưởng!
*Phần văn nghệ hùng hậu, đặc sắc với những giọng ca: Phương Lan, Hoàng Vinh, Kim Thư, Hoài Hương, Lê Thu, Trần Hà, Bạch Yến, Thi Cúc, MyMy, MC Vân Yến, Âm thanh, Organ Larry Hồ
*Đây cũng là dịp Hội Ngộ hiếm có của những Người Lính Năm Xưa, vừa là người Cha thương yêu của Gia đình, vừa ôm con, vừa đánh giặc, trước 75! Nên những Quý Vị nào vừa là Cha, vừa là Lính, sẽ có giây phút vinh danh và được BTC tặng một món quà đặc biệt!
Tin Cộng Ðồng
Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam Được Trao Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền 2024
(Hình: Đại diện HĐLTVN, Mục sư Trần Thanh Vân (phải) tiếp nhận giải thưởng từ Trưởng ban tổ chức giải Đỗ Như Điện trong buổi trao giải ngày 8/6/2024.)
-Ngày 8/6/2024, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại đã trao Giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền 2024 cho Hội đồng Liên Tôn Việt Nam (HĐLTVN) vì sự đóng góp của tổ chức này cho phong trào đấu tranh đòi tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Giải thưởng trị giá 5.000 Mỹ kim được đặt theo tên của giám mục Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam - Philipphê Nguyễn Kim Điền, nguyên Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, người đã thẳng thắn phê phán những sai lầm của đảng Cộng sản và đột ngột qua đời vào tháng 6 năm 1988 ở Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn).
Kỹ sư Đỗ Như Điện, điều hợp viên của Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại kiêm trưởng ban tổ chức cho biết đây là giải thưởng thường niên có từ năm 2010 và HĐLTVN đã vượt qua bốn ứng cử viên khác. Ông Điện nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 11/6:
"Hội đồng Liên Tôn Việt Nam có những can thiệp mạnh mẽ, họ không bỏ qua vụ đàn áp nào của nhà cầm quyền đối với các tôn giáo, không phải là chỉ Phật giáo hay là Công giáo mà là cả năm tôn giáo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành; tạo ra tiếng vang ở ngoại quốc. Hội đồng Liên Tôn là mối liên kết giữa những người đấu tranh cho tự do tôn giáo trong nước với các tổ chức quốc tế và những tổ chức đấu tranh của người Việt ở hải ngoại cho vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền".
Cũng theo ông Điện, việc trao giải cũng là một cách để vinh danh tinh thần tranh đấu và hỗ trợ các thành viên của hội đồng trong bối cảnh các cuộc đàn áp bất đồng chính kiến gia tăng ở Việt Nam.
Hòa thượng Thích Không Tánh, đồng Chủ tịch của HĐLTVN, phát biểu với RFA:
"Hội đồng Liên Tôn Việt Nam chúng tôi rất vui mừng, đây là một sự khích lệ lớn lao góp phần chung cho công cuộc dấn thân đấu tranh cho tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam bởi vì hiện tại chế độ cầm quyền Cộng sản Việt Nam thường trực đàn áp và vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam".
Vị hòa thượng từng được trao giải thưởng này năm 2019 cùng với Mục sư Tin Lành Nguyễn Hồng Quang kêu gọi các tôn giáo độc lập đoàn kết để cùng đòi nhà nước độc đảng ở Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo và niềm tin.
Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về việc HĐLTVN được trao Giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền năm nay, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Chính phủ thường phủ nhận các cáo buộc đàn áp tự do tôn giáo.
HĐLTVN được chính thức thành lập từ năm 2014 sau một giai đoạn sơ khởi với các cao trào đòi tự do tôn giáo từ cuối năm 2000 bằng việc một số chức sắc tôn giáo như cụ Lê Quang Liêm (cố hội trưởng Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo), Thượng tọa Thích Thiện Hạnh, hai Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý và Chân Tín ký bản Tuyên bố về Chính sách tự do tôn giáo của Cộng sản Việt Nam.
HĐLTVN hiện nay gồm có 30 chức sắc thuộc các giáo hội độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Chơn truyền, Cao Đài Thuần tuý, và Tin Lành.
Song song với việc lên tiếng phản đối các vụ đàn áp tôn giáo trên cả nước, hội đồng còn tham gia, ủng hộ tinh thần với một số hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự như Hội cựu Tù nhân Lương tâm, Lao động Việt, Hội Phụ nữ Nhân quyền, Diễn đàn Xã hội Dân sự …
Đại diện ngoại giao từ nhiều quốc gia như Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Đức… thường xuyên gặp gỡ HĐLTVN để trao đổi thông tin về tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Tin Việt Nam Hôm Nay
IFJ: Nhà Báo Nổi Tiếng Huy Đức Bị Bắt Do Những Bài Bình Luận Trên Mạng Xã Hội
(Hình: Nhà báo Huy Đức.)
-Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) trụ sở chính tại Bỉ, vào ngày 11/6/2024 ra thông cáo lên án việc Việt Nam bắt giữ nhà báo Huy Đức (ông Trương Huy San) và kêu gọi trả tự do ngay cho phóng viên nổi tiếng này.
Thông cáo của IFJ nhắc lại công bố của cơ quan chức năng Việt Nam hôm ngày 7 tháng 6 về biện pháp bắt giữ nhà báo và nhà văn Huy Đức. Biện pháp này được tiến hành một tuần trước khi có công bố chính thức. Cáo buộc đối với ông này là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" liên quan đến các bình luận mang tính phê phán của ông đăng trên mạng xã hội.
IFJ cho biết ông Trương Huy san, người được biết đến qua bút danh Huy Đức, hôm 1 tháng 6 đã không thể đến dự một hội thảo mà dự kiến tại đó ông có một phát biểu chính. Điều này khiến các đồng nghiệp và những người ủng hộ ông quan ngại.
Đến ngày 7 tháng 6, Bộ Công an thừa nhận đã bắt giữ nhà báo Huy Đức và Luật sư Trần Đình Triển theo Điều 331 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Nếu bị kết tội, cả hai có thể phải đối diện với mức án bảy năm tù.
Trước khi "mất dạng", ông Trương Huy San có đăng bình luận về tân Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với chất vấn về vai trò của công an và lực lượng an ninh trong nền chính trị Việt Nam và những diễn biến chính trị khác tại Việt Nam mà ông Tô Lâm từng nắm giữ chức Bộ trưởng Công an suốt nhiều năm.
Đến ngày 3 tháng 6, trang Facebook cá nhân của nhà báo Huy Đức không thể truy cập được nữa.
Các tổ chức theo dõi nhân quyền gồm Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Giám sát Nhân quyền (HRW) đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam công khai việc bắt giữ ông Trương Huy San, hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.
Mưa Lũ ở Miền Bắc Việt Nam Làm Ít Nhất 3 Người Chết
(Hình AP: Mưa lũ ở Sơn La, Việt Nam.)
-Mưa lũ từ hôm 8/6 đến nay ở miền bắc Việt Nam khiến ít nhất 3 người chết và 1 người mất tích, chính phủ Việt Nam thông báo hôm 10/6, theo Reuters.
Các nạn nhân bao gồm một bé trai 3 tuổi và cha của bé này cùng một phụ nữ 42 tuổi, tất cả đều ở tỉnh Hà Giang, một tỉnh miền núi phía bắc, chính phủ cho biết trong một tuyên bố.
Các cơn mưa lớn xảy ra trong 2 ngày qua đã gây ra tình trạng lũ lụt ở một số khu vực miền bắc Việt Nam, bao gồm Hà Giang, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Lượng mưa dao động từ 112,6 đến 295,4 mm trong khu vực này trong 24 tiếng đồng hồ qua, theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Khu vực này dự kiến sẽ có lượng mưa hàng ngày từ 100-150 mm từ ngày 14 đến ngày 17/6, trung tâm này thông báo, đồng thời nói thêm rằng "nguy cơ xảy ra thêm lũ và lở đất là rất cao".
(Hình: Mưa lớn khiến nhiều tuyến phố ở thành phố Hà Giang ngập sâu trong nước.)
Mưa lũ cũng đã làm hư hại 350 ngôi nhà và đường sá ở Hà Giang, cắt đứt tuyến giao thông đến một số huyện của tỉnh, theo thông tin của chính phủ.
Báo Nhân Dân đưa tin rằng khoảng 400 du khách ngoại quốc đã bị mắc kẹt trong nhiều tiếng đồng hồ tại huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, nhưng sau đó đã được chính quyền giải cứu.
Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại, ngập úng khiến hàng chục ha hoa màu của bà con thành phố Hà Giang chìm trong nước, nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc bị hư hỏng, hàng chục gia cầm bị chết, theo trang Quân đội Nhân dân.
Việt Nam Sẽ Cho Các Công Ty Tái Tục Nhập Vàng Sau Nhiều Năm Gián Đoạn
(Hình: Các miếng vàng được đóng gói tại nhà máy của Sacombank ở Tp. HCM hôm 22/1/2010.)
-Việt Nam dự kiến sẽ cho phép các công ty tái tục hoạt động nhập cảng vàng lại sau hơn một thập niên bị gián đoạn. Mục đích nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng nội địa với giá vàng thế giới.
Reuters loan tin độc quyền dẫn nguồn Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), ông Huỳnh Trung Khánh, về những cuộc họp lâu nay với Chính phủ Hà Nội tìm biện pháp điều chỉnh tình trạng mất cân đối cung cầu và nhu cầu vàng tại Việt Nam.
Reuters dẫn phát biểu của ông Huỳnh Trung Khánh cho biết kế hoạch của Chính phủ Hà Nội về việc cho nhập cảng vàng lại dự kiến bắt đầu vào tháng 7 hay tháng 8/2024 tới đây.
Các chuyên gia của VGTA cho rằng hoạt động nhập cảng vàng lại sẽ bắt đầu sớm vào đầu tháng sau. Đó sẽ là một mốc quan trọng thay đổi chính sách hiện nay để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát hoàn toàn việc nhập cảng vàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa trả lời bình luận của Reuters về tin vừa nêu.
Trong diễn biến liên quan, tin từ Ngân hàng Nhà nước ngày 11 tháng 6 cho biết Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng vừa ký công văn hỏa tốc gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng.
Công văn được đưa ra trong tình hình trên thị trường Việt Nam đang lan truyền thông tin Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán ra. Trước thông tin này, xuất hiện tình trạng có người được thuê xếp hàng để mua gom vàng.
Thực tế đó bị cho dẫn đến bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị Bộ Công an giúp xử phạt người tung tin đồn bị cho thất thiệt; người đầu cơ, thao túng thị trường….
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các tỉnh, thành bố trí lực lượng tại các điểm bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước, Công ty SJC để kiểm soát tình hình….
Công An Kêu Gọi Gần 10.000 Nhà Đầu Tư Trái Phiếu Vạn Thịnh Phát Hợp Tác Trình Báo
(Hình minh họa: Trụ sở của Ngân hàng SCB thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở Tp. HCM hôm 7/12/2023.)
-Bộ Công an mới đây cho biết đã xác định số người bị hại trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là hơn 35 ngàn người, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 25.000 hồ sơ trái chủ được thu hồi, còn gần 10.000 nhà đầu tư trái phiếu Vạn Thịnh Phát chưa trình báo công an.
Đây là những người đã đầu tư mua 25 mã trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là công ty là An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra. Số tiền bị chiếm đoạt được xác định là hơn 30.800 tỉ đồng.
Vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được coi là vụ lừa đảo lớn nhất trong ngành ngân hàng tại Việt Nam từ trước tới nay với số tiền biển thủ được xác định lên đến hơn 12 tỉ Mỹ kim. Đã có 54 người bị đưa ra xét xử trong giai đoạn một của vụ án này. Bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn – hồi tháng 4 vừa qua bị tòa tuyên án tử hình với tội tham ô tài sản.
Theo truyền thông nhà nước, vào các ngày 29/7, 22/9, 7/10 năm 2023 và 14/5/2024, Cơ quan Điều tra đã ban hành các thông báo tìm bị hại và các Quyết định Ủy thác điều tra gửi đến Cơ quan CSĐT Công an tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước lấy lời khai của 35.824 người bị hại.
Đến nay, CQĐT Bộ Công an đã xác định rõ thông tin từng cá nhân và thu thập đầy đủ ý kiến của 25.140 hồ sơ trái chủ. Tuy nhiên, vẫn còn gần 10.000 hồ sơ bị hại chưa thể hoàn tất do chuyển nơi cư trú và chưa hợp tác trình báo, truyền thông nhà nước cho biết.
Nhà Máy Xe Hơi VEAM Tồn Kho Hơn 2.000 Xe Vận Tải Nhiều Năm, Bán Giảm Giá Nhiều Lần Vẫn Không Có Người Mua
(Hình VietNamNet: Bãi chứa các xe vận tải chưa bán được VEAM ở Thanh Hóa.)
-Truyền thông nhà nước mới đây có phóng sự cho biết Nhà máy xe hơi VEAM ở Thanh Hóa (thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam) có hàng ngàn xe vận tải tồn kho nhiều năm và qua nhiều lần đấu giá với giá rẻ mà không có người mua.
Phóng sự của VietNamNet hôm 10/6/2024 cho biết, nhà máy này đã để ra một khoảng đất rộng mênh mông để chứa gần 2.200 xe vận tải. Công ty này đã tiến hành đấu thầu bốn lần và giảm giá liên tục mà cũng không có người mua.
Lần đấu giá gần nhất là ngày 13/5/2024, công ty thông báo đấu giá tài sản 2.177 xe với giá khởi điểm là hơn 503 tỉ đồng. Hồi tháng 8/2023, công ty cũng thông báo đầu giá cho 2.122 xe với giá khởi điểm là hơn 626 tỉ đồng. Lần đấu giá vào tháng 2/2022, số xe được thông báo đấu giá là 2.257 xe với giá khởi điểm 931 tỉ đồng. Lần đấu giá đầu tiên vào năm 2021, giá khởi điểm cho lô xe 2.290 xe là 971 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, xe thượng hiệu VEAM hiện còn tồn 2.622 xe với giá vốn lên tới 966 tỉ đồng. Trong số này, có tới 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỉ đồng.
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công thương (trong đó vốn nhà nước hơn 88%), với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xuất cảng trực tiếp các loại máy động lực, thiết bị máy móc phục vụ cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Các xe tồn kho của VEAM liên quan đến dự án đầu tư của VEAM vào nhà máy sản xuất, lắp ráp xe hơi ở Thanh Hóa. Trong dự án này, VEAM đã mua nguyên một nhà máy cũ của Tập đoàn Samsung (Nam Hàn) chuyên sản xuất xe vận tải vào đầu năm 2004. Tổng vốn đầu tư cho dự án là gần 2.000 tỉ đồng, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2018 là 343 tỉ đồng, theo báo của VEAM vào ngày 7/5/2019 gửi Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Trong những năm vừa qua, một loạt các lãnh đạo của Tập đoàn đã phải hầu tòa và chịu các án tù với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến đất đai và vốn đầu tư.
Vào giữa năm 2022, hàng lãnh đạo của VEAM đã lãnh án tù do sai phạm trong việc vay ngân hàng trái quy định, gây thiệt hại gần 183 tỉ đồng.
Foxconn Sản Xuất Thiết Bị 5G Cho Nokia Tại Việt Nam
(Ảnh AFP, minh họa.)
-Nokia chọn nhà máy Foxconn Bắc Giang làm nơi sản xuất thiết bị 5G AirScale để phục vụ nhu cầu tại thị trường Việt Nam và quốc tế.
Ông Ruben Flores, Tổng Giám đốc Nokia Việt Nam cho truyền thông hay tin trên trong ngày 11/6, xác nhận dự án sẽ bắt đầu vào tháng 7/2024 và tăng sản lượng từ tháng 9 trở đi.
Việc hợp tác với Foxconn để sản xuất sản phẩm AirScale theo ông Flores, nhằm giúp hãng thiết bị viễn thông Phần Lan nâng hiệu quả chi phí đồng thời thể hiện cam kết trong việc liên tục tối ưu hóa hoạt động sản xuất, phân phối và cung cấp trong khu vực.
Theo hợp tác, Foxconn sẽ sản xuất các sản phẩm AirScale hàng đầu trong ngành tại Việt Nam, trong đó bao gồm thế hệ mới nhất của các thiết bị vô tuyến massive MIMO AirScale.
Vào tháng 3/2024, CEO Nokia toàn cầu Pekka Lundmark trong chuyến thăm đến Việt Nam cho biết, Nokia luôn hưởng ứng chủ trương của Chính phủ Việt Nam về sản xuất thiết bị trong nước. Và, thời gian qua, như cam kết, Nokia đã có nhiều thiết bị mạng là sản phẩm made in Việt Nam như trạm gốc 5G, thiết bị băng rộng cố định FTTH kết nối đến gia đình.
Việt Nam dự kiến thương mại hóa 5G trong năm 2024. Vào tháng 1/2024, Thủ tướng Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2050 tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu là 100 Mbps cho mạng 5G; đến năm 2030 mạng 5G phủ sóng 99% dân số.
TikTok Điều Chỉnh Nhiều Quy Định Để Tăng Kiểm Duyệt Nội Dung Chia Sẻ Tại Việt Nam
(Ảnh: Logo ứng dụng TikTok.)
-TikTok công bố một số biện pháp kiểm soát nội dung mới, với mong muốn tăng độ an toàn cho các nội dung chia sẻ trên nền tảng Tik Tok tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Anh, đại diện bộ phận an toàn TikTok, cho biết thông tin trên tại sự kiện Tik Tok Safety Summit 2024 tại Việt Nam trong ngày 11/6 và được truyền thông loan.
Theo bà Phương Anh, nền tảng vừa cập nhật các tiêu chuẩn an toàn mới trao quyền nhiều hơn cho người dùng cũng như các nhà sáng tạo nội dung trong việc kiểm soát và giải quyết các nội dung vi phạm.
Bà Phương Anh cho biết, các nội dung, dù đăng tải ở chế độ công khai hay riêng tư, khi được phát giác vi phạm các quy tắc của TikTok sẽ được gỡ bỏ khỏi nền tảng. Ngoài ra, TikTok sẽ giới hạn độ tuổi với các nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên. Những tính năng cập nhật mới nổi trội của Tik Tok bao gồm vô hiệu hóa tin nhắn, kiểm soát tin nhắn, kiểm soát nội dung, kiểm soát bình luận và bộ lọc bình luận…
Bà Naree Nguyễn, Giám đốc kinh doanh khối khách hàng Tik Tok Việt Nam cho biết Tik Tok khẳng định việc bảo vệ an toàn cho cộng đồng sử dụng, cũng là bảo vệ nhóm người dùng cho thương hiệu.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tik Tok Việt Nam tại sự kiện cam kết TikTok sẽ tiếp tục thường xuyên lắng nghe phản hồi từ người dùng, tổ chức các chiến dịch lan tỏa các nội dung tích cực trên nền tảng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, tổ chức, cơ quan chính phủ nhằm đẩy mạnh các hoạt động, chiến dịch nâng cao nhận thức và thực hành an toàn trên không gian số.
Ông Thanh cũng cho biết, trong quý 4/2023, Tik Tok đã gỡ bỏ hơn 85,6 triệu video vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng và điều khoản dịch vụ của nền tảng. Trong đó, 46,8 triệu video được xóa tự động và hơn 91% video vi phạm đã được gỡ chỉ trong 24 tiếng đồng hồ đăng tải.
Theo báo cáo thực thi Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok, Việt Nam hiện là nước có lượng người kiểm duyệt nội dung tiếng Việt trên TikTok cao thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Nam Dương.
Số người dùng Tik Tok tại Việt Nam trong năm 2022 được hãng DataReporter chuyên theo dõi các mạng xã hội quốc tế thống kê có khoảng 50 triệu người, tăng hơn gấp đôi từ năm 2021, và đang trên đà vượt qua số người dùng Facebook và YouTube ở Việt Nam.
Bốn Chủ Doanh Nghiệp Tư Nhân Ra Tòa ở Hà Nội Vì Đưa Người Trung Quốc Trái Phép Vào Việt Nam
(Hình VnEconomy: Các bị cáo tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 11/6/2024.)
-Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 11/6/2024 xét xử bảy người bao gồm bốn chủ doanh nghiệp tư nhân vì đã thông đồng đưa người Trung Quốc vào Việt Nam trái phép. Những người này bị cáo buộc các tội tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép, tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức.
Truyền thông nhà nước cho biết, những người bị xét xử đã bắt đầu đưa người Trung Quốc vào Việt Nam trái phép từ năm 2022. Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử, bị cáo Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1992, Giám đốc Công ty TNHH phát triển Thiên Nguyên) bị xác định là người đầu tiên kết nối với một người có tên Ming (chưa rõ nhân thân) để đưa một số người Trung Quốc đang ở quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam để về Trung Quốc. Oanh sẽ được nhận 10 triệu đồng/khách.
Bị cáo Oanh đã kết nối với một bị cáo khác là Phạm Thị Tuyết Nhung (SN 1984, ở Quảng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Thịnh Vượng) để sử dụng danh nghĩa các công ty bảo lãnh theo diện chuyên gia. Oanh trả công cho Nhung tám triệu đồng/một khách.
Từ đây, bị cáo Nhung bị xác định đã kết nối với những bị cáo là chủ doanh nghiệp khác để ký và đóng dấu cho các tài liệu bảo lãnh cho người Trung Quốc vào Việt Nam dù các công ty này không có nhu cầu mời chuyên gia ngoại quốc làm việc.
Truyền thông nhà nước dẫn kết quả điều tra của công an xác định, bị cáo Oanh đã tổ chức cho 20 người nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, hưởng lợi 36 triệu đồng.
Bị cáo Oanh bị tuyên phạt tám năm tù, bị cáo Nhung bị án tù chín năm, năm người còn lại chịu án tù thấp nhất là 30 tháng tù treo và cao nhất là sáu năm tù.
Tân Chủ Tịch Nước Việt Nam Mong Muốn Tranh Chấp Lãnh Hải Với Trung Quốc Được Kiểm Soát Tốt
-Tân Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm, vào ngày 11/6/2024 bày tỏ với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, rằng điều quan trọng là kiểm soát tốt vấn đề tranh chấp lãnh hải và quyền lợi của mỗi quốc gia phải được tôn trọng.
Reuters loan tin trong cùng ngày dẫn thông cáo của Phủ Chủ tịch về bày tỏ của ông Tô Lâm như vừa nêu.
Theo thông cáo của Phủ Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm, phát biểu trong cuộc gặp ở Hà Nội với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba rằng các quốc gia phải tôn trọng quyền lợi hợp pháp của nhau; và hai phía Việt Nam - Trung Quốc cần tích cực tìm những giải pháp thích hợp phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên biển.
Mặc dù Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, hai nước trong suốt nhiều năm có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Vào ngày 30 tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của một tàu khảo sát của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tại cuộc gặp ngày 11 tháng 6 ở Hà Nội với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, Chủ tịch nước Tô Lâm của Việt Nam phát biểu rằng công tác phát triển tình hữu nghị và hợp tác với phía Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Hà Nội.
Vào tháng 12 năm 2023, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác; trong đó có thỏa thuận về kết nối tuyến xe lửa.
Trong cuộc gặp ngày 11 tháng 6, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm lặp lại nhu cầu cần tăng cường kết nối tuyến xe lửa giữa Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường thêm nữa cho hàng nông sản của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét