Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

TIỂU ĐOÀN 9 TQLC VÀ RỪNG BARBARA - MX ĐOÀN VĂN TỊNH


Qua khỏi căn cứ Nancy – dãy Trường sơn chạy dài từ Bắc xuống Nam cao dần, giữa vùng rừng núi trùng trùng điệp điệp khoảng cách chừng 8 cây số đường chim bay về hướng Tây, ta có thể nhìn thấy một ngọn núi cao lớn vươn lên, đỉnh màu đất đỏ đã được sạt bằng để làm thành căn cứ Hỏa lực có tên gọi là đỉnh Barbara hay căn cứ Hỏa-lực Barbara là nơi trung tâm yểm trợ hỏa-lực cho các cuộc hành-quân ở khu vực rừng núi phía Tây của Mỹ-Chánh. Giữa tháng 4/1972, hầu hết các đơn vị Pháo Binh đã rời khỏi căn cứ này chỉ để lại một phần nhỏ, còn tất cả đã di chuyển về phía đồng bằng lập thành căn cứ Hỏa-lực bên cạnh Nancy, nơi mà BCH/LĐ369 đang đặt vị trí chỉ huy.
<!>
Con đường chiến lược quan trọng nối liền từ Nancy đến Barbara đuợc TĐ2/TQLC và TĐ9/TQLC bảo vệ. Những điểm cao chiến thuật hai bên trục lộ được các đơn vị từ Tiểu-đội, Trung-đội, bán Trung-đội và Đại-đội chiếm đóng,các đơn vị thường xuyên tổ chức những cuộc hành quân lục soát, từ cấp Trung-đội, đến Đại-đội và trên trục lộ dài chừng 10 cây số này thường được các toán An Ninh của BCH/TĐ kiểm soát. Ranh giới trách nhiệm giữa hai TĐ/TQLC là đỉnh đồi 108. TĐ9/TQLC từ Nancy đến ngọn đồi 108 và TĐ2/TQLC từ ngọn đồi 108 đến ngọn núi Barbara .

Ngày 26/4/1972
Chúng tôi được lệnh về họp ở BCH/TĐ đang đóng trên một đỉnh đồi phía sau chừng 1km. TĐT/TĐ9/TQLC, Nguyễn Kim Đễ (Đà-Lạt) cho biết tình hình của địch và bạn ở Gio-Linh, Đông-Hà, cùng các vị trí căn cứ Hỏa-lực A1, A2, C1, C2, Fuller, Carol, đỉnh Sartre, Ba-Hô…Dưới áp lực mạnh mẽ, hùng hậu của quân Bắc-Việt. SĐ3/BB đã lùi dần về phía Nam. LĐ147/TQLC đang đóng ở Mai-Lộc cũng bị áp lực nặng nề của địch, đêm ngày bị pháo kích dữ dội. Tình hình quá xấu, SĐ/TQLC quyết định lập tuyến phòng thủ trên sông Mỹ-Chánh. TĐ2/TQLC đã rời khỏi căn cứ Barbara. Vì vậy áp lực phía Tây trở nên nặng nề đè nặng lên TĐ9/TQLC.Quyết định phối trí lực lượng cûaTÐT/TÐ9/TQLC như sau : – BCH/TĐ së di chuyển lui về dãy núi cao phía sau với Đại-đội 1, ba Đại-đội còn lại tổ chức di chuyển đến các vị trí mới. Riêng ĐĐ3 ở lại vị trí cũ này để tác chiến ngăn chặn địch-ĐĐ2 bố trí ở phía Ðông và cách ÐÐ3 chừng nửa cây số, từ trục lộ chạy từ Ðông sang Tây, ĐĐ4 nằm ở bên trái đường lộ và gần BCH/TĐ. Tóm lại, 3 Đại-đội được lui bố trí ở phía sau, còn Đại Đội 3 tổ chức lại lực lượng phòng thủ trên các đỉnh núi mà BCH/TĐ9 cùng với hai Đại-đội 3,4 đã phòng thủ trước đây.Nhiệm vụ chính yếu của Đại đội chận đứng và tiêu diệt những đơn vị địch hoạt động và xâm nhập vào khu vực Mỹ chánh và Quốc lộ 1.

“Tân-An, cho thường vụ đem người lên nhận lãnh thêm lựu-đạn, mìn Claymore, M72 và các thứ đạn dược, và Tân-An cho phòng thủ mìn, lựu đạn dầy đặc chung quanh vị trí để sẵn sàng chiến đấu. Chú nhớ nhiệm vụ rất nặng nề. Tôi sẽ điều động các Đại-đội sẵn sàng yểm trợ kịp thời – yên tâm.” Lời của Đà-Lạt TĐT/TĐ9/TQLC.

Chúng tôi chào TĐT, TĐP, bắt tay nhau rời khỏi BCH/TĐ trở về vị trí đóng quân và gọi Đại-đội Phó cùng với các Trung-đội Trưởng lên họp.

Vị trí đóng quân phòng ngự là toàn bộ những đỉnh núi lớn, nhỏ trong khu vực.

Trung-đội 1 do Thiếu-úy Nguyễn Văn Sang làm Trung-đội trưởng, anh là người Huế, tâm tính vui vẻ, có giọng hát và ngâm thơ khá hay. Sang thường ca hát hoặc ngâm thơ cho đơn vị nghe sau những ngày Hành-quân trở về Hậu-cứ hoặc tạm dừng quân ở nơi nào đó an-toàn. Tuy là Trung-đội trưởng, song cuộc đời nhiều lăn lộn trong đời sống trước khi Sang nhập ngũ, đã làm cho anh trưởng thành sớm, nên mọi công tác giao cho anh đều được anh kế hoạch cẩn thận, chắc chắn. Đây là một trong 4 người Trung-đội trưởng còn lại của Đại Đội từ ngày thành lập TĐ9/TQLC. Những người lính trong trung-đội anh rất tự tin và tin tưởng vào cấp chỉ huy của mình. Là một trung-đội tác chiến rất giỏi, kể cả lúc đột kích, tấn công hay di chuyển, thường nhận nhiệm vụ nặng nề của ĐĐ giao phó. Được chỉ định phòng thủ trên một đỉnh đồi về phía Tây của Đại-đội, đỉnh đồi này chỉ cách Đại-đội có một thế yên ngựa chừng 100m và là đỉnh cao nhất của Đại-đội, ở đó có thể nhìn thấy căn cứ Barbara và ngọn đồi 108, Trung-úy Đỗ Đức Hòa, Đåi Ðội phó cùng ban chỉ huy của anh nằm chung với Trung-đội1 – tạo vị trí quan trọng này thành tiền đồn vững chắc, quan sát, chiến đấu, phòng ngự của Ðại Ðội. Trung-đội 1 được tăng cường thêm một Tiểu-đội súng nặng của Trung-đội 4. BCH/ĐĐ phòng thủ phía Đông cách Trung-đội 1 chừng 100m đường đỉnh, gồm có Trung-đội 3 Thiếu-úy Hồ Viết Lam. Lam người Tuy-Hòa, hiền, ít nói, hay cười, làm việc cẩn thận, siêng năng nhưng hơi chậm – công tác giao cho anh đáng tin tưởng, Trung-đội của Lam phòng thủ mặt Bắc, là thế núi đổ dốc xuống phía Bắc, mặt Bắc và Tây sẽ là những vị trí chiến đấu chính yếu cûa phòng tuyến Đại đội để ngăn chặn quân Bắc Việt,nặng nề nhất là Trung-đội 2 do Thiếu-úy Bạch Văn Sang, người Long-An, làm Trung-đội trưởng, anh là một Chuẩn-úy về trình diện ĐĐ vào năm 1971. Người nhanh nhẹn, chịu khó học hỏi và sống rất gần gũi với thuôc cấp, dễ mến. 1/2 Trung-đội 2 nối liền với Trung-đội 3, trên thế đường đỉnh chạy về phía Bắc,Ðông Bắc, cho một tiểu đội cộng nằm tiền đồn về phía Bắc, Đông-Bắc trên đường đỉnh. Đây là một vị trí tiền đồn vô cùng quan trọng, vì nếu vị trí này lọt vào tay địch quân, thì mặt Bắc, Đông-Bắc sẽ bị uy hiếp nặng nề, nguy hiểm.

Trung-đội 4 do Thiếu-úy Nguyễn-văn-Sáng làm Trung-đội trưởng, phòng thủ phía Đông.
Chừng 1/2 cây số về phía Đông,Sáng ra trường và trình diện đơn vị chừng nữa năm, ít nói hiền lành trắng trẻo "beau trai". Mặt Đông Bắc do Đại Đội 2 của Ðại úy Lê Thắng phòng thủ trên những đỉnh núi chạy dài từ Nam lên Bắc. ĐĐ4 dưới sự chỉ huy của Đại úy Nguyễn-minh-Trí phòng thủ trên trục lộ sau chừng 1 km. Còn ĐĐ1 phòng thủ bảo vệ cho BCH/TĐ.

Đến giờ này, chúng tôi hiểu một cách chắc chắn rằng đây là một cuộc phòng thủ quyết tử với cuộc chiến đấu không thể rút lui được nữa, cho dù có bị pháo kích nặng nề hay bị những cuộc tấn công biển người cûa các đơn vị của Trung-đoàn 9 và 24 của quân Bắc-Việt. Đây chính là tuyến phòng thủ để ngăn chặn địch quân từ phía Tây và yểm trợ cho các đơn vị TQLC có đủ thời gian thành lập tuyến phòng thủ cấp Quân-đoàn trên giòng sông Mỹ-Chánh đã trở thành lịch sử từ những tháng ngày này. Do đó, các cấp cán bộ trong ĐĐ được dặn dò, hướng dẫn cẩn thận. Tất cả các trung đội giăng mìn bẫy dầy đặc và thành nhiều lớp cách xa vị trí phòng thủ cả 150 thước.

BCH/Đại đội đào lại những công sự phòng thủ tác chiến vững vàng, chúng tôi thường xuyên hiện diện trên mặt tuyến phòng thủ và lưu tâm nhất cho hai trung đội 1 và 2. Trong cuộc đời chiến đấu của tôi, tôi nghĩ đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một cuộc phòng thủ căng thẳng như thế này. Đầy ắp cả mìn bẫy, lựu đạn, còn trên tuyến tất cả mọi hầm hố đều có những đầu bấm mìn Claymores, ống phóng M72….Tóm lại, TĐ đã yểm trợ cho ĐĐ tất cả phương tiện của Tiểu đoàn có, và phần còn lại là ý chí: Quyết chiến và quyết tử của tât cả mọi cấp từ Tiểu-đội lên đến Tiểu-đoàn. Cuộc tổ chức phòng thủ có thể nói đã hoàn hảo vào chiều ngày 26/4/1972 và sẵn sàng chiến đấu.

Trên đỉnh núi của Trung-đội 1, chúng tôi nhìn về phía Nam bên kia trục lộ đi Barbara chừng 500 thước đường chim bay, có một đỉnh đồi cũng cao lớn do một đơn vị của TĐ2 phòng thủ. Đây có lẽ là cánh quân bạn còn lại gần nhất chúng tôi.

Trước buổi tối ngày 26/4, Cam-Ranh (Đ/U Phạm-Cang TĐP) gọi chúng tôi vào đầu máy và tôi báo cáo với thẩm quyền Cam-Ranh tình hình phòng thủ, những cần thiết cần được yểm trợ thêm và tình hình di chuyển của địch. Có một sự trùng hợp về tình hình, chúng tôi nhìn xuống lòng trũng phía Bắc, cách xa chừng hơn cây số đường chim bay, những cánh quân của SĐ304 Bắc-Việt dang di chuyển từ Tây sang Đông, vô cùng đông đảo.

Những tin tức này được báo cáo về TĐ cấp thời, những cuộc oanh kích của A37, F105 yểm trợ từ các ham đội ngoài khơi cùng pháo binh của SĐ/TQLC bắt đầu khai hỏa. Qua một đêm, tuy không yên tỉnh nhưng chẳng có gì đáng lo, những người lính gác thay phiên từng tiếng đồng hồ vì tình hình rõ ràng không còn yên được nữa, nên chúng tôi quyết định thay đổi giờ gác, thứ nhất là kéo ngắn thời gian gác để người lính luôn luôn tỉnh táo và thay đổi thói quen, nếu có sự cố dò xét và bám sát của địch quân.

4 giờ sáng ngày 27/4/1972
Các Trung-đội gọi máy báo cáo về ĐĐ tình hình trong đêm vô sự, và đây là những ngày đêm không ngủ, bao giờ chúng tôi cũng tỉnh táo để đối phó với tình hình.Hạ sĩ 1 Hường gọi về Tiểu Ðoàn báo cáo tình hình trong đêm .

Người truyền-tin vừa nắm ống liên hợp đưa lên miệng, bổng hướng Tây-Bắc có vài tia chớp sáng và tiếng xé gió của những loại đạn lớn vun vút phóng tới. Những trái đạn vừa chạm nổ vào thân cây, mặt đất…là tiếng hô xung phong đầy trời của cộng quân la ó rộ lên phá vỡ sự yên tỉnh cä vùng rừng núi . Cuộc tấn công đã khởi đầu vào vị trí của Trung-độ1/ĐĐ3/TĐ9/TQLC,trọng điểm phòng ngự của Đại đội có thể nói đây là điểm sinh tử của đơn vị.Cộng quân nghĩ rằng với quân số đông gấp nhiều lần thì dễ dàng nuốt sống chúng tôi. Cho nên cuộc tấn công không cần theo lối tác chiến cũ là tiền pháo hậu xung mà là ngang nhiên dàn quân và đồng loạt xung phong vào vị trí phòng thû cûa Trung đội 1 trên thế Núi dốc ngược.
- Đức-Hòa, 1, 2, 3, 4 đây Tầm-Dương, tất cả vào máy gặp tôi.
- Đáp nhận, đáp nhận, đáp nhận…. Đức-Hòa nghe Thẩm-quyền.

Tiếng trả lời ngắn gọn của của các thông tín một cách chắc chắn và tự tin làm tôi yên tâm và thầm cười vui vẻ.
- Đúc-Hòa thấy thế nào?
- Yên tâm, dù chúng có đem cả Tiểu-đoàn đánh vào cũng không sao Anh Tư.
- Kiểm soát tác chiến của con cái và nhất là tránh thương vong cho các cấp cán bộ, binh sĩ. Vì chúng ta cần phòng thủ và tác chiến nhiều ngày.
- Đáp nhận 5, thẩm-quyền yên tâm.

Mặt phía Đông của Trung-đội 2 và 3 vẫn yên tĩnh dù rằng đạn lớn, đạn nhỏ đã rớt vào quá nhiều trên tuyến phòng thủ. Nhưng nhờ tái tổ chức lại vị trí cũng như tận dụng những hầm hố, các phương tiện phòng thủ của TĐ để lại nên con cái chưa bị thương vong do đạn pháo.
- Sa-Giang đây Tầm-Dương.
- Nghe Thẩm quyền.
- Có Sa-Giang đó không?
- Trình Thẩm quyền, Sa-Giang đang chiến đấu trên phòng tuyến.
- Nên cẩn thận.
- Đáp nhận.
- Tầm-Dương đây Sa-Giang.
- Nghe trên 5.
- Trình Thẩm-quyền, chúng chỉ vào nộp mạng thôi. Bao giờ xong rồi, tôi sẽ báo cáo sau. Thẩm-quyền an tâm, chỉ có thằng Bình bị viên đạn xuyên qua cánh tay.
- Có cần chuyển xuống Đại đội ngay không?
- Chưa cần, nó đang chiến đấu.

Lòng tôi tự dưng xôn xao ấm lại, khi nghĩ về những người lính trẻ và cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương của họ thật oai hùng và tuyệt diệuvới niềm tự tin tuyệt đối. Trên chiến trường, hầu như sự sống chết không còn là điều phải âu lo suy nghĩ, bởi vì cuộc chiến đấu này tự nó đã là sự giải thích chính đáng, rõ ràng cho từng con người của đất nước: chiến đấu để bảo vệ quê hương – không chấp nhận cộng sản. Hơn nữa, tôi cũng dư hiểu rằng với kiểu tấn công này thì quân Bắc-Việt chỉ là những miếng mồi hấp dẫn của đoàn quân Cọp-Biển mà thôi.

6 giờ sáng,tiếng súng đạn ngưng hẳn.
- Tầm-Dương đây Đức-Hòa.
- Nghe Đức-Hòa.
- Tôi đang cho yểm trợ để lục soát.
- Cẩn thận, mìn bẫy và những tên còn sống nấp chung quanh.
- OK! Thẩm-quyền yên trí lớn.

Ông Đức-Hòa này khi lâm trận giống hệt lúc đổ bia vào họng. Lúc nào cũng vui vẻ, chắc ăn như bắp, hào hùng, cương quyết. Có lúc vô cùng nghiêm khắc, nhưng tâm tính anh thì lại dễ chịu, cùng sống chết trong chiến đấu nên thương anh em 9 bỏ làm 10, dễ dàng thông cảm, đề huề. Thỉnh thoảng vì ham rong chơi, tôi cũng khiển trách anh nhưng thấy cái mặt “bị quê” của anh tôi lại vui vẻ. Trung-úy Hòa xuất thân khóa 25 Trường Bộ BinhThủ Đức, vào tháng 4/1970, anh đuợc di chuyển từ Tiểu đòan 1 Quái điểu về đơn vị mới cùng lần với tôi khi thành lập TĐ9/TQLC,là môt Sĩ quan tài hoa nhiều kinh nghiệm chiến trường,tài năng và cương quyết.Hòa về Tiểu đoàn 9/TQLC khi chiến trường đã trở nên vô cùng sôi động và ác liêt trên khắp đất nước và mở rộng qua Campuchia - Lào, trong những năm tháng này Hòa đã giúp chúng tôi đưa đơn vị tới nhiều chiến thắng to lớn cho TĐ9/TQLC tân lập như trận chiến thắng bên giòng sông Tonlé Bassac ở Campuchia,Trận Động Cù mông tây nam Huế và những trận nơi miền giới tuyến Gio linh hay những tháng ngày te tua khốn đốn của Đại đội trên giòng sông Ba lòng khi thất trận .Đơn vị xuất thân của anh là Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến với danh hiệu Quái điểu lừng lẫy

Cuộc tấn công của địch đồng loạt ngưng khi màu hồng ở phương Đông xuất hiện. Núi rừng, cây cỏ tươi tỉnh lúc ban mai và với chiến thắng đầu tiên là niềm khích lệ vô cùng lớn lao đối với chúng tôi, đối với các cấp trong Đại đội và cũng là sự yên tâm của Tiểu-đoàn.
- Đà-Lạt đây Tân-An.
- Đà-Lạt nghe Tân-An.\
- Trình Đại-bàng, lớn nhỏ chừng 30 súng và cách xa tuyến của Trung-đội chừng 40 xác địch, xác gần nhất là cách tuyến chừng 30 thước. Các vị trí khác yên ổn.
- Đáp nhận Tân-An, chúc mừng chú. Tôi sẽ cho chuyển thêm bánh kẹo và các thứ chú cần. Có chai rượu để dành cho Tân-An nữa.
- Đáp nhận và cám ơn Đà Lạt.

Một ngày lại qua, đầu mùa Hạ và cuối Xuân,khí hậu yên lành. Trên vị trí vẫn canh gác nghiêm nhặt, thay phiên nhau nghỉ ngơi, tu bổ lại hầm hố và công sự.


Ngày 28/4/1972
Đài phát thanh Quân-Đội cùng với tình hình chiến sự cũng như tin tức của TĐ cho biết chiến trường ngày càng trở nên cấp bách và sôi động. Cuộc tấn công áp đảo vừa người vừa chiến cụ của quân Bắc-Việt ngày càng tăng nhanh. SĐ3/BB và LĐ147 triệt thoái dần về phía Nam. Tôi nghĩ, trong chiến tranh cũng có những sự kiện tuyệt vời. Ai đã đưa ra cái chiến thuật vừa là chiến lược tạo giòng sông Mỹ-Chánh thành con sông Lich sử của chiến tranh và cũng là điểm mốc của một cuộc chiến đấu oai hùng của đoàn quân mang tên Thủy Quân Lục Chiến.

5 giờ sáng ngày 28, địch quân lại tổ chức một cuộc tấn công vào Trung-đội 1 ồ ạt, mạnh hơn với đủ loại súng (AK, B40, 41, cối, không giật 100 ly…) đổ xuống vị trí như mưa. Nhưng cái tiền đồn này vẫn hiên ngang chống trả mãnh liệt và đẩy lui đoàn quân cuồng tín Bắc-Việt trở về vị trí cũ sau khi để lại quá nhiều thương vong. Chúng tôi không còn cách gì khác hơn để cứu sống những chiến binh Bắc-Việt đang thương vong rên la trên chiến trường.

Một ngày nữa lại nặng nề đi qua, chúng tôi nhìn xuống lòng trûng phía Bắc, địch quân vẫn tiếp tục di chuyển ồ ạt từ Tây qua Đông và từ Bắc xuống Nam. Rõ ràng con đường duy nhất của Bắc-Việt là cố gắng đưa người, đưa cũa quyết tâm đẩy lùi và tiêu diệt những cánh quân của LĐ369, quyết chiếm lấy thị xã Quảng-Trị. Suốt ngày, những đoàn chim sắt A37, F4 thay phiên nhau dội bom xuống lòng trũng, rồi Pháo Binh 105, 155, 175 và những tấm thảm bom của B52 rãi đều trên núi rừng phía Tây của trục lộ Quảng-Trị, Mỹ-Chánh.

TĐ2/TQLC cũng đang bị quân Bắc-Việt tấn công mãnh liệt, Trung-đoàn 24 thuộc SĐ-304 Sao Vàng cộng quân quyết chia cắt và tiêu diệt TĐ2 Trâu-Điên, đồng thời Trung-đoàn 9 tấn công mãnh liệt vào các đơn vị của TĐ9. Địch quân cố đẩy lùi 2 TĐ/TQLC này về phía Quốc lộ1 quyết chiếm lấy các vị trí cao của núi rừng Trường-Sơn để dễ dàng quan sát và yểm trợ.

BCH/ LĐ369 vẫn còn trụ trên căn cứ Nancy, cách sông Mỹ-Chánh chừng 1 cây số, nằm bên trái quốc lộ 1 từ Nam lên Bắc. TĐ sẽ tiếp tế đạn dược, thưc phẩm cho chúng tôi ngày mai. Bây giờ tình hình đoạn trục lộ giữa chúng tôi và BCH/TĐ đã không còn an toàn được nữa. Trên vòm trời Barbara, ngày đêm bom đạn của 2 phía bắt đầu đổ xuống khắp núi rừng. Nào C130, B52, A37, F,C47 và Pháo Binh… với những cột đạn màu lửa từ trên cao cấm thẳng xuống cùng với những tiếng hụ như bò rống và những Specter Gunship đẩy những loạt đạn 105 ly vào những vị trí nghi ngờ địch quân đang di chuyển. Đạn pháo của Bắc-Việt ít hơn cộng vớí những loạt hỏa tiển 122 ly đổ về vị trí của ta.

4:30 giờ sáng ngày 29/4/1972
Cộng quân lại ồ ạt tiến đánh vào tất cả các vị trí của Đại Đội với số quân đông hơn, chúng dùng máy phóng thanh kêu gọi “ĐĐ3/TĐ9/TQLC nên đầu hàng, về với Bắc-Việt sẽ được ưu đãi.” Thật buồn cười, cuộc chiến phi nghĩa, phi lý này tạo nên những tên điên cuồng chủ nghĩa Bắc-Việt, chúng hành động bằng tất cả mọi cách, dù chết, dù mất, dù dân có đói khổ chết chóc đau thương, dù đất nước có tan tành. Chúng vẫn cứ tiến tới và cái mục đích to lớn nhất là nhuộm đỏ miền Nam.
- 1, 2, 3, 4 Đức-Hòa đây Tầm-Dương.
- 1 nghe, 2 nghe, 3 nghe, 4 nghe, Đức-Hòa nghe.
- Yên tâm trên phòng tuyến, cố gắng dứt nọc cái bọn vớ vẩn này để chúng đùng reo hò điên loạn nữa.

Cuộc chiến đấu kéo dài không lâu, chừng 1 tiếng đồng hồ thì tất cả trả lại sự im lặng của núi rừng, cây cối bốc khói, mùi thuốc súng ngột ngạt, những đám cháy nho nhỏ dưới triền núi, trên thân cây…Những người lính TQLC thuộc TĐ9 vẫn hào hùng chiến đấu, những lúc rảnh rỗi vẫn vui cười, chuyện trò, cafe, mì gói, thịp hộp và thuốc lá…

12 giờ trưa, Trung-đội 2 – Bạch-văn-Sang gọi về ĐĐ.
- Tầm-Dương đây Sầm-Giang.
- Tầm-Dương nghe.
- Trình Thẩm-quyền, bọn nó bắt đầu nhào tới từ phía tiền đồn của T/S Còn và trước mặt tôi cây lá di động.
- Nhận rõ 5 trên, sẵn sàng chiến đấu.
- 1, 3, 4 cho con cái sẵn sàng.

Cường độ càng ngày càng tăng trên chiến tuyến. Mìn Claymore, lựu đạn vẫn cố gắng gài chằn chịt trước phòng tuyến. Song không thể xa hơn được nữa vì ngày đêm địch quân cố bám sát hạn chế mọi hoạt động của ĐĐ.

Không thể chờ đợi chống trả khi chúng tấn công được nữa. Trung-đội 1 từ lợi thế cao điểm đã cho khai hỏa, những loạt đạn đại liên, M16, M79…như những chùm tia sáng quét từ phải qua trái làm việc liên tục. Riêng Trung-đội 2 và 3 cứ vẫn thế chờ địch xuất hiện. 5 phút sau Trung-đội 1 khai hỏa, cộng quân không còn làm thế nào đến sát hơn được nữa, chúng ra lệnh tấn công bằng loa phóng thanh và đồng loạt những tiếng hô xung phong vang khắp cả rừng núi.

Ban ngày mà cộng quân tấn công một đơn vị TQLC đang ở trên những điểm cao quả là chuyện khó tin, nhưng lại có thật. Khởi đầu cho những cuộc tấn công địa chiến biển người.

Đang tựa nòng súng XM16 vào thân cây nghỉ ngơi, bổng toán quân đầu của Bắc-Việt nhổm dậy và đồng loạt xông thẳng vào vị trí chúng tôi. Tôi gầm lên thật lớn.
- Bắn, tất cả bắn.
Mìn Claymore, lựu đạn, M79, đại liên, M72, M16…cùng lượt phủ xuống trên chiến địa, những thân người gục ngã rồi trở lại im lặng kế tiếp để cộng quân thực hiện đợt xung phong tiếp tục. Đúng như vậy, 3 phút sau, tiếng loa lại phát lên với những tiếng xung phong và lại có những tấm bia thịt lại ồ ạt lăn vào. Sau những tiếng la kinh hoàn “Xung phong, xung phong” không còn nhuệ khí nữa. Cứ như thế cho đến 1 giờ 30 thì sự im lặng được hoàn trả lại về với núi rừng.

Cuộc chiến đấu đã kéo dài 3 ngày liên tục với quân số thương vong quá lớn của Bắc-Việt. Đại Đội bị thương chừng 30 người, nhưng có điều may mắn là chưa có ai tử trận. Đây là một sự an toàn có một không hai trên chiến trường khốc liệt này. Nhờ ở vị trí cao và liên hoàn phòng ngự yểm trợ nhau chặc chẻ.

5 giờ 30 chiều, tôi và Hòa lên vị trí của Trung-đội 1 quan sát, từ phía Bắc vẫn có dấu hiệu di chuyển của quân Bắc Việt. Nhìn về vị trí của ĐĐ2 ở sau về phía Bắc vẫn chưa có dấu hiệu tấn công. Vị trí quân bạn TĐ2 Trâu-Điên vẫn còn trên ngọn đồi phía nam ven trục lộ đi Barbara, nhưng trên ngọn 108 ở phía tây, rõ ràng quân địch đã chiếm đóng, phía trước mặt Trung đội 1 về phía Tây chừng 500 thước. Như vậy là trận chiến sẽ trở nên khốc liệt hơn, nguy hiểm hơn nữa.

Kiểm soát lại vị trí, hầm hố chiến đấu của Trung-đội 1, vui vẻ chuyện trò với Sang, Hòa và TS Bảy, người HSQ tác chiến gan dạ, lì lợm, oai vệ râu ria trên nét mặt sáng sủa, đẹp trai.
- Sao Bảy?

Bảy vui vẻ cười nhẹ, tính anh vẫn như vậy, là một người phụ tá rất đắc lực của Th/uý Nguyễn-văn-Sang.
- Đợi chúng lên mình lại tiếp tục làm thịt, phải không Đại-úy?
- Đúng 5, tất cả cẩn thận và mạnh khỏe nghe!

Tôi trở về phòng tuyến của ĐĐ vừa lúc một quả B40 dội vào ngay giữa phòng tuyến và cộng quân bắt đầu mở cuộc tấn công khác. Lần này mọi mặt đều bị tấn công. ngoại trừ Trung-đội 4 nằm quay mặt về phía đường lộ. Nhờ sự phòng thủ liên tục, ĐĐ2 chỉ cách Trung-đội một hẻm núi. Sự chống trả của các Trung-đội lại càng mãnh liệt hơn, cắt ngay cuôc tấn công không hy vọng của địch. Trong đêm tối, tôi nghe rõ tiếng la hét, hối thúc rút lui của cộng quân cộng lẫn tiếng chửi bới om sòm.
- Hùng, gọi các Trung-đội cho tác xạ liên tục và Trung-đội 4 đằng sau coi chừng chúng bò vào.
- Đà-Lạt đây Tầm-Dương.
- Đà-Lạt nghe.
- Chúng đã bị đẩy lui và trong đêm tối chúng tôi không kiểm soát được.
- Đà-Lạt đáp nhận.

Giọng nói của Đà-Lạt hầu như có vẻ lạc quan hơn.
- Tầm-Dương, chịu đựng 2 ngày nữa thôi, cuối tuần này tôi cho ĐĐ khác đến thay.
- Đáp nhận Đại-bàng, cho tôi gặp Cô-Tô.
- Cô-Tô nghe Tầm-Dương.
- Cô-Tô chuẩn bị cho thêm đạn dược nhất là lựu đạn, phóng lựu M79, ống phóng 202 và mìn claymore.
- Đáp nhận, còn gì nữa không Tầm-Dương?

Cô-Tô ám danh của Đại úy Kiều-công-Cự, trưởng Ban-3 TĐ9/TQLC, là người bạn đồng khóa với tôi. Anh từ TĐ2 Trâu-Điên thuyên chuyển về TĐ9 sau khi chữa thương. Từ chơi cho đến làm việc, chúng tôi rất tâm đầu ý hợp. Tôi nhớ Cô-Tô về với Tiểu Đoàn khi chúng tôi đang hành quân ở Mai-Lộc, Đông-Hà
- Cô-Tô, hình như TĐ2 ở bên phải, không còn ở lại những vị trí cũ phải không?
- Tân-An đây Đà-Lạt, có thể như vậy!
- Đáp nhận, Đại-bàng.
- Cám ơn Cô-Tô.

Kể từ giờ phút này, phía đường lộ hoàn toàn bỏ trống. Nếu địch quân nhanh chóng với chi tiết này, chúng tôi sẽ lâm vào thế nguy hiểm vô cùng.

10 giờ sáng ngày 30/4/1972
Đại Đội 4 cho 2 Trung-đội mở đường tiến đến chân núi mà ĐĐ3 đang phòng thủ, mang theo đạn dược của Cô-Tô chuyển lên cho Đại Đội chúng tôi. Trung sĩ Nguyên văn Còn đem một toán quân tuột núi nhận lãnh cùng tháp tùng những binh sĩ của các Trung-đội xuống khe suối lấy nước nấu ăn trong ngày. Trong chuyến tiếp tế này, Thiếu Tá TĐT đã gởi cho tôi một chai rượu và mấy gói thuốc con Mèo.

Tôi gọi các Trung-đội Trưởng vào ĐĐ dặn dò tổ chức lại phòng thủ, cấp phát đạn dược và chia nhau người ly rượu, bao thuốc ấm lòng dẫu sau thì cũng là niềm vui nho nhỏ với chút quà ân tình của người đàn anh đã hết lòng với chúng tôi từ ngày thành lập TĐ.

Sang, Lam, Sang, Sáng và Luyến (người đàn em khoá 25 mới về ĐĐ chừng 2 tháng đang đi OJT Trung-đội 3 với Thiếy úy Lam) về cho con cái thay nhau ngủ, nghỉ ngơi lấy sức cho đêm nay và những ngày tới. Các anh nhớ, với bất cứ giá nào chúng ta cũng vững vàn, không thể rời nơi này. Hòa nhớ TĐ2 không còn đóng quân ở ngọn núi bên kia đường nữa, hãy cẩn thận. Tôi sẽ cho toán Biệt-kích xuống nằm dưới chân của Trung-đội 1. Trung sĩ Lộc sẽ chỉ huy toán này. Nhớ báo cáo ngay mọi biến cố và lập vị trí phòng thủ.

Mọi người chia tay nhau, Hường và Hoàng, 2 người truyền-tin căn võng dưới hầm, sửa soạn thay điện từ cho máy truyền tin. Binh nhất Lan, người lính lo ăn uống cho tôi dọn dẹp vài ba đồ đạt lặt vặt trên tấm Poncho trải trên mặt đất. Lan là người đệ tử thân tín của tôi, anh ra trường tân binh về ĐĐ, thấy hiền lành, khỏe mạnh tôi lấy anh về lo ăn uống cho tôi. Người lính TQLC này quê ở Củ-Chi, có ai biết rằng anh là người du kích lì lợm của VC gần 2 năm. Khi về sống trong BCH/ĐĐ, anh rất ít nói, thỉnh thoảng cười, tính hay mắc cỡ và luôn luôn tỏ ra hiền lành, thật thà.

Khi TĐ về nghỉ quân ở hậu cứ, anh cũng như tất cả mọi người được đi phép 1 tuần thăm gia đình. Nhưng mới 2 ngày anh đã trở lại đơn vị. Thấy thế, tôi hỏi:
- Tại sao vậy?
- Khi em nói ra, Đại úy đừng la em.
- Được rồi!
- Em còn người Mẹ độc nhất vừa mới bị VC thủ tiêu năm rồi, vì ngày trước em là Tổ-trưởng du kích. Em thấy bọn nó độc ác quá nên em trốn và gia nhập TQLC.
- Ồ! em đi làm du kích bao lâu?
- Dạ gần 2 năm, bây giờ em không thể về nơi đó nữa nên em trở lại đây. Xin Đại úy cho em ở hậu cứ rồi đi chơi quanh quanh ở Thủ Đức được rồi.

Tôi nhìn anh, thật sự tôi không cần phải thăm dò, tôi nghĩ anh đã nói thật và chiều hôm đó tôi đưa anh về nhà Mẹ tôi đang ở Ngã Ba Trung-Chánh – Quang-Trung cho anh thoải mái với những ngày phép vui vẻ.

3 giờ thiếu 10 Trưa ngày 30 tháng 4/1972
Suốt mấy đêm rồi thao thức,tôi ngồi dựa gốc cây với giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy bên cạnh tôi có 1 cây hoa dại có cánh hoa nhỏ màu trắng tinh khiết tỏa tí hương thơm. Tôi cúi xuống định ngửi lên hoa, bổng 1 tiếng nổ kinh hoàn trên đỉnh cây cao làm tan biến đi giấc mơ. Tôi mở mắt, nhìn nhánh lá ào ạc rơi xuống cùng với bụi khói mù mịt.
- Gì vậy?
- Đ/U, địch pháo kích, 2, 3 qủa trật ra xa, chỉ có quả đạn này trúng ngay trên đỉnh đầu chúng ta.
- Như vậy là chúng đang điều chỉnh pháo binh rồi. Gọi cho tất cả Trung-đội sẵn sàng tác chiến.

Hôm nay chúng đã dùng cả Pháo Binh, phải rồi, đỉnh núi Barbara căn cứ hỏa lực cũ của pháo binh và ngọn đồi 108 trước mắt thì vô cùng tiện lợi cho súng cối và pháo địch quân yểm trợ, tấn công. Tôi nhìn vào đồng hồ, bây giờ là 3 giờ kém 10 trưa .
- Cô-Tô đây Tầm-Dương.
- Tôi nghe đây.
- Cô-Tô trình với Đà-Lạt, Việt cộng chỉnh pháo binh và bây giờ trái đạn trúng ngay giữa vị trí.
- Cam-Ranh, Tân-An đây Đà-Lạt.
- Nghe Đại Bàng.
- Chuẩn bị tác chiến, trái phào thứ 3 này đã trúng vào vị trí của Tân-An chính xác. Chúng sẽ tiền pháo hậu xung chừng khoảng thời gian ngắn nữa thôi. Cam-Ranh theo dõi Tân An và dùng Pháo Binh đập vào ngọn đồi 108.
- Đáp nhận Đại Bàng.
- Trùng-Dương, Thăng-Long, Giáo-Đức đây Đà-Lạt.
- Nghe Đại Bàng.
- Cho con cái chuẩn bị, Giáo-Đức lên gặp tôi. Thăng-Long quan sát chung quanh cẩn thận và Trùng-Dương sẵn sàng tiếp ứng khi có lệnh.

Một đơn vị TQLC phòng thủ, địch muốn tiền pháo hậu xung cũng phải có 1 lực lượng gấp 10 lần và cũng chưa chắc đã ăn được. Chúng tôi là những người lính TQLC trên đất nhà, dĩ nhiên ít nếm mùi chiến bại, cho nên chiến đấu rất tự tin dầu biết rằng địch quân đang đêm ngày dần siết chặt vòng vây và cố chiếm vị trí này. Bằng chứng đã 4 ngày qua, mỗi ngày 2 đến 3 lần ồ-ạc tấn công, cho dù đêm, ngày chúng vẫn điên cuồng lì lợm tiến đánh.
- Tân-An đây Đà-Lạt. Tan-An cẩn thận quan sát và chận đứng kịp thời các cuộc tấn công. Yên tâm, Thăng-Long sẽ quan sát yểm trợ hỏa lực phía Bắc. Cho tiền sát theo dõi mà điều chỉnh. Pháo binh 105, 155 sẽ rãi xuống hướng Tây và Tây-Bắc. Còn air sẽ dập xuống hướng Bắc do Cam-Ranh và Thăng-Long điều chỉnh. Đồng thời, Trùng-Dương sẽ tiếp trợ cho Tân-An bên trái trục lộ Barbara.
- Đáp nhận, Đại-bàng yên tâm. Không sao đâu?

Giữa giờ phút đợi chờ lâm chiến, tôi nghĩ đến cánh hoa nho nhỏ màu trắng tinh khiết, mĩm cười một mình và nhớ về cái thành phố xa xôi ở tận miền Nam nước Việt. Tôi thì thầm “Loài hoa này đang mọc ở đó!”,

3 giờ 15, loạt pháo đầu tiên của địch rãi đều trên khu rừng núi đang đóng quân, chừng 5 phút sau, pháo địch ồ-ạt đổ xuống khắp các vị trí chừng 10 phút thì ngưng. Tiếp theo là những đơn vị bộ-binh địch ồ-ạt xung kích vào tiền đồn Trung-đội 1và 2. Vị trí phòng ngự của ĐĐ hình móng ngựa, bề lõm quay về hướng Bắc, Trung-đội 1 và 2 là 2 mũi nhọn chiến đấu đầu của đội hình. Vì thế cộng quân quyết tâm triệt hạ 2 mũi này để phá tan đội hình và dễ dàng tấn công mạnh mẽ vào BCH/ĐĐ. Khắp các vị trí đều bị tấn công, các chiến sĩ TQLC ngang nhiên chống trả 1 cách bình tỉnh anh dũng và đẩy lui những đợt xa luân chiến của địch quân.
- Tầm-Dương đây Đức-Hòa.
- Nghe, Đức-Hòa.
- Trình Thẩm-quyền, mặt Bắc, Tây-Bắc, chúng tấn công ồ-ạt, hỏa lực hùng hậu hơn trước, nhưng không sao, chúng không thể nuốt chúng ta đâu!
- Nhận 5, Đức-Hòa cho tiểu-đội nằm về phía trục lộ cẩn thận quan sát.
- Sầm-Giang, thẩm-quyền vào máy.
- Trình Tầm-Dương, chúng tôi vẫn vững vàn trên tuyến.
- Tầm-Dương đây Lam-Giang, chúng tôi đã thấy chúng bò lên đông lắm. -OK! dùng M79 và ống phóng M72 thụt ngay.
- Đáp nhận Tầm-Dương.

Những loạt đạn M79 và ống phóng M72 liên tục phóng ra phía trước, tiếng reo hò của địch yếu dần và im lặng.
- Sa-Giang, Lam-Giang, Sầm-Giang đây Tầm-Dương.
- Nghe, nghe, nghe thẩm-quyền
- Bảo con cái cẩn thận, phòng thủ vững vàn, không cần thu dọn chiến trường. Sẵn sàng đợt tấn công tiếp của chúng.

Tự dưng hàng loạt súng cối từ phía Tây, Tây-Bắc liên tục dập xuống vị trí hàng trăm quả đạn pháo mở đầu cho đợt tấn công kế tiếp. Bây giờ là 5 giờ chiều, trong rừng cây đầy đặc cả khói và mùi thuốc súng nồng nặc. Rừng núi về chiều mau tối, lại càng tối hơn. Địch quân dồn hết lực lượng đánh vào Trung-đội 2 của Sầm-Giang để cắt đứt yểm trợ hỏa lực cho Tiểu-đội tiền đồn và 1 lực lượng lớn. Nếu địch quân chiếm được tiền đồn này, thì vị trí này là trục tiến quân trên đường đỉnh đánh vào Trung-đội 2 đang phòng thủ với ĐĐ rất tiện lợi. Tiền đồn này những ngày trước là vị trí của 1 Trung-đội thuộc ĐĐ2 nên vị trí chiến đấu tương đối tốt cho 1 Tiểu-đội được tăng cường nằm tiền đồn. Lực lượng chính của cộng quân đánh thẳng vào Trung-đội 1 với hỏa lực yểm trợ vô cùng hùng hậu, những đợt xung kích ồ-ạt không nghỉ. Còn vị trí của ĐĐ, chúng xối xả dùng B40, B41 và súng lớn cùng sự yểm trợ liên tục của súng cối và Pháo Binh.

Toàn bộ hỏa lực đè lên đầu ĐĐ3/TĐ9/TQLC, đến giờ phút này chúng tôi vẫn chống trả mãnh liệt, không hề nao núng. Đồng thời bộ-binh địch đánh vào Trung-đội tiền đồn của ĐĐ2 đang nằm ở dãy núi sau chạy từ Nam lên Bắc và phi cơ quan sát đã cho biết địch quân tập trung đông vô kể.

Các phi vụ A37 của Việt-Nam và các phi vụ F105 của Hạm-đội liên tục dội bom xuống thung lũng phía Bắc. Một trái bom đã đánh ngay trên tuyến ĐĐ2 tạo thương vong cho một số binh sĩ của ĐĐ2. Địch quân đã lợi dụng sự lầm lẫn này đánh mạnh và cắt Trung-đội 1/ĐĐ2 phải lùi về phía Nam của Đại Đội 2. Như vậy là cánh quân của ĐĐ2 không còn giữ mặt Bắc được nữa, sườn phải của ĐĐ3 bị bỏ trống. Địch quân ồ-ạt dồn lên tấn công Tiểu-đội tiền đồn, Trung-đội 2 không chịu nỗi trận chiến biển người, người Tiểu-đội trưởng tử thương cũng như binh sĩ, trong đó có 1 hay 2 binh sĩ bị bắt. Vị trí tiền đồn đã tan tành. Từ đó, địch quân tiến đánh vào mặt Bắc và Đông của Trung-đội 2 rồi tiếp đến ĐĐ.
- Tầm-Dương đây Đức-Hòa.
- Tôi nghe.
- Trình Thẩm-quyền, Sà-Giang đã tử thương. Địch tấn công đông vô kể, tuy nhiên vẫn chưa bể tuyến, Trình Thẩm-quyền cho tăng cường.
- Nhận 5, Đức-Hòa yên tâm.

Tôi dự định cho phần còn lại của Trung-đội 4 lên tiếp trợ cho Trung-đội 1. Nhưng khi bán Trung-đội 4 của Sáng tiến lên đường đỉnh thì địch quân đã tiến đánh vào điểm giữa này quyết tâm cắt ngang đường tiêp viện từ Đại đội lên vị trí phòng thủ của Trung-đội 1. Có nghĩa là 3 phía của Trung-đội 1 đã bị địch quân khóa chặt. Trung-đội 4 của Sáng lâm chiến ngay trước tuyến của Đại đội, và cũng nhờ hỏa lực về mặt này trở nên mãnh liệt ép địch quân phải thối lui. Mặt tuyến của BCH/ĐĐ vẫn còn vững vàng chiến đấu.
- Tầm-Dương đây Đức-Hòa.
- Nghe Đức-Hòa.
- Anh Tư, tôi đã bị thương. Tuyến mặt Tây và Bắc của Trung-đội đã vỡ. Anh Tư cho tôi và em út rút về Đại Đội.
- Nhận 5, Đức-Hòa nghe đây. Đường rút về phía ĐĐ, giữa tôi và Đức-Hòa địch quân đã chiếm. Sườn núi phía Nam cao, nhưng an toàn cho Trung đội1 tụt xuống đó và khi gặp lộ nhựa thì rút về phía Tiểu-đoàn. Nhận rõ không? Dặn con cái như vậy, giông ngay.
- Nhận rõ. Vĩnh biệt anh Tư.

Trong máy Truyền Tin, tôi nghe Hòa nấc lên và giọng nói đầy nước mắt. Những tiếng nổ lớn phát ra từ ống liên hợp, như vậy là xong rồi!

Phòng tuyến của ĐĐ còn vững vàng mặt Tây nhờ bán Trung-đội 4 của Sáng. Mặt Bắc, Lam-Giang còn chống cự hữu hiệu. Tuyến của Sầm-Giang đã vỡ, địch quân đông đảo nhiều đợt chụp vào phòng tuyến, lựu đạn và đạn dược không còn nữa, đến nỗi các binh sĩ của Trung-đội 2 dùng đến bán súng để chiến đấu. Binh sĩ của Trung-đội 3 tràn qua tuyến Trung-đội 2 tiếp tục chiến đấu. Tôi và 2 người truyền-tin quì gối sau gốc cây lớn có chất bao cát cùng toán Biệt Kích 3 người từng phát một bắn từng tên địch tràn vào phòng tuyến. Tuyến phòng thủ của Trung-đội 2 có vỡ nhưng địch quân chưa tràn ngập tuyến.

Tôi quay lại vỗ lên nón sắt của người Đề-lô Pháo Binh, anh quay mặt lên nhìn tôi.
- Loan, nghe đây. Cho tôi gởi người đàn em Vàng-huy-Luyến, cùng anh chạy xuống núi. Nhớ chạy thẳng xuống và tìm đường về Tiểu-đoàn ở phía Đông khi gặp trục lộ. Nhanh lên, không kịp nữa đâu!

Vàng Huy Luyến gở kính cận và hỏi:
- Còn Niên Trưởng thì sao?
- Trời ơi! Mang kính vào, chạy nhanh lên. Đừng lo cho tôi.

Tôi đưa tay đẩy mạnh anh chạy theo anh Đề-lô. Lam-Giang trên tay nắm cây M16 từ ngoài tuyến chạy vào và la lên:
- Tuyến Trung-đội 3 đã vỡ, chạy đi Đại-úy.
- Vâng, Lam chạy thẳng xuống huớng này gặp lộ nhựa, rẽ trái là về phía Tiểu-đoàn, Chạy đi.
-Dạ.

Lam dẫn mấy người thuộc cấp chạy xuống núi.
- Tầm-Dương, Tầm-Dương đây Đà-Lạt.
- Chiến trận tan rồi. Vĩnh biệt Đại-bàng.
- Không! Cứ cố gắng chạy xuống đường. Đại Đội 4 sẽ lên tiếp.

Tôi bảo Hường và Hoàng chạy xuống núi. Nhưng những người truyền-tin này đã vội nắm dây ba chạc sau lưng tôi kéo tôi chạy về phía Ch/úy Sáng đang chiến đấu. Khi vượt qua phòng tuyến, tôi la lên:
- Sáng, Sáng, cho em út chạy xuống núi. Tất cả chiến tuyến đã bể rồi. Nhanh lên.

“Hàng sống, chống chết” tiếng la thét vang cả rừng núi của địch quân và chúng điên cuồng nã súng vào chúng tôi. Chúng tôi núp vào 1 bụi cây rậm rạp gần đó. Người Truyền Tin đưa ống liên hợp cho tôi.
- Tầm-Dương, Tầm Dương, đây Đà-Lạt. Nếu còn nghe hãy rời ngay đỉnh đồi, máy bay C130 và Specter Gunship sẽ tác xạ xuống vị trí của Đại Đội 3. Có nghe được không? Ôi!

Chúng tôi nghe tứ phía, địch quân la ó om-sòm “Hàng sống, chống chết, lục sóat kỷ trong các bụi rậm”. Dưới đường lộ, những toán địch quân đang rược theo các binh sĩ chạy về phía Tiểu-đoàn. Nhìn lên không, tôi nghe tiếng động cơ máy bay đang di chuyển lại gần. Trung sĩ Lộc, Hường, Hoàng và tôi, 4 thầy trò nằm yên 1 lúc thấy chung quanh yên tỉnh, chúng tôi vội phóng ào xuống núi. Những loạt đạn địch bắn theo, nhưng may mắn không trúng ai. Chúng tôi vượt qua khỏi đường lộ, qua phía rừng bên kia và từ đó nhắm hướng về phía Đông. Chúng tôi vượt qua 1 đỉnh núi nhỏ và nhìn lên trời cao thấy vô vàng sao sáng và những chiếc C47 nhả từng cột lửa từ đại liên 8 nòng xuống trên trận tuyến cũng như đạn Pháo Binh thi nhau dập xuống mục tiêu liên tục. Những toán quân Bắc-Việt không kịp tẩu thoát đã bị những con Rồng phun lửa sát hại, trong đó còn có những người chiến binh của Đại Đội 3 bị trọng thương không di chuyển được và chắc chắn đạn địch, đạn bạn và pháo của ta cầy lên thân xác của Sang và thuộc cấp. Người Thiếu úy mang biệt danh Sa-Giang đã ngàn đời yên nghỉ trên đỉnh đồi gần vùng quê hương của anh cùng bè bạn và thuộc cấp trong cuộc chiến đấu khốc liệt này.

Tuy rằng cuối cùng địch quân đã chiếm được đỉnh đồi, nhưng đã phải trả giá quá cao, hàng trăm xác địch đã bỏ lại trên các sườn núi và mục tiêu. ĐĐ3/TĐ9/TQLC đã hoàn thành nhiệm vụ xứng đáng sau 5 ngày cầm cự và hào hùng chiến đấu để kéo đủ thời gian cho SĐ/TQLC thành lập chiến tuyến bên giòng sông Mỹ-Chánh.

Tân-An Đoàn-văn-Tịnh

Ghi chú:
- Sa-Giang là danh hiệu của Sang, Trung-đội Trưởng Trung-đội 1.
- Lam-Giang là danh hiệu của Lam, Trung-đội Ttrưởng Trung-đội 3.
- Sầm-Giang là danh hiệu của Bạch Văn Sang, Trung-đội trưởng Trung-đội 2.
- Sông-Danh là danh hiệu của Nguyễn Văn Sáng, Trung-đội trưởng Trung-đội 4.

Tên của những giòng sông thơ mộng này, có lúc tôi không xác thực được trên vùng địa danh nào của quê hương. Song những người lính trận cứ mãi mê giữa chiến trường, cùng sự khốc liệt của đạn bom chết chóc. Nên thường dùng những mỹ danh này đặt tên cho mỗi cấp chỉ huy để gọi nhau. Câu chuyện trở nên được thi vị hóa, tươi vui hơn. Cũng như tôi, Tiểu Đoàn đặt cho là Tân-An trên hệ thống mã hóa của truyền tin Tiểu Đoàn. Nhưng trong hệ thống ĐĐ, tôi tự đặt cho mình là Tầm-Dương, cùng những bạn đồng khóa của tôi trong đơn vị: Cự là Chương-Dương, Trí là Trùng-Dương và Thắng là Thăng-Long.

MX ĐOÀN VĂN TỊNH

Không có nhận xét nào: