Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

Đường Chinh Chiến - Trung Hậu


Lời mở: 3 năm trong một đời người có thể không lâu nhưng theo bước chân của người đi chinh chiến thì dài và sâu vô hạn. Có dài hơn chăng là đêm dài đợi chờ của những người mẹ già những người vợ trẻ. Có sâu hơn chăng là ánh mắt xuyên đêm của người lính khinh binh trong giờ chờ giặc tới. Hắn cố gắng viết để ghi lại chặng đường đã qua với cái nhìn của người lính thấp nhất để không bao giờ quên bao nhiêu máu xương của đồng đội, nhất là những người sống chưa qua tới tuổi hai mươi. Hắn cầu mong không làm buồn lòng người đã chết.
<!>
Khối Bổ Sung:
Mãn khóa Dù 276, hắn được đưa về Khối Bổ Sung Sư Đoàn Nhảy Dù, chờ ngày đi tăng cường hành quân Quảng Trị. Có dịp hắn mua thêm một bộ đồ Dù và gửi thư và kèm theo tấm bằng Dù về nhà ở Huế. Hắn nhớ niềm vui lúc được Huấn Luyện Viên Nhảy Dù trao bằng và gắn cánh hoa Dù trên ngực áo.
Có khoảng 20 tân binh được đưa về Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù. Hắn, Minh, Phan Đoài, Oanh, Kiểu được phân phối qua đại đội 92. Cả đám tân binh tụ lại lao xao bàn tán “tiểu đoàn mình 9 nút, ngon nhứt rồi đó.”
Một buổi sáng trong tuần lễ cuối tháng 9, 4 chiếc GMC đưa bọn hắn ra phi trường Tân Sơn Nhứt. Buổi sáng có mưa bay lất phất, đoàn xe vừa ra đến vòng đai phi trường thì một người lính nào đó cất cao giọng hát: “Cờ bay cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu...” rồi từ những chiếc xe đưa người ra trận tất cả đồng hát lên “Quảng Trị ơi chào quê hương giải phóng...”
Mặt hắn nóng bừng với niềm hãnh diện vô biên.
Chuyến bay C130 từ Sài Gòn ra đến phi trường Phú Bài chỉ quá hơn 1 tiếng đồng hồ. Từ lòng tàu bay khổng lồ bước ra nhìn lại bầu trời Huế sau thời gian dài xa cách. Một cảnh tượng không quên trước mặt đám tân binh là từng dãy hòm xếp dài theo đường phi đạo chờ đưa về hậu cứ. Hắn và mấy đứa bạn nhìn nhau “chắc là Nhảy Dù đang đụng nặng.”
Đoàn xe về tiền trạm tiểu đoàn (ở Phong Điền gần Cây Số 17) chạy ngang An Cựu, ra đường Lê Lợi, qua cầu Nguyễn Hoàng.Nhìn thấy cửa Thượng Tứ hắn nhớ nhà vô hạn. Chắc lúc này gia đình ba mạ anh em hắn đã về lại cư xá Xã Tắc trong Thành Nội. Đứa em vắn số nằm lại ở Gò Cà bên ngoài vòng đai thành phố Đà Nẵng.
Xe vừa rời Thiên Mụ và cửa An Hòa là hắn ngửi được mùi chiến tranh trong không khí. Trên Quốc Lộ 1 đầy xe lính đủ loại. Có tiếng súng vọng về từ nhưng cao điểm vùng tây bắc Huế.
Xe ngang Văn Xá, thằng Oanh thằng Kiểu trườn ra thanh xe nói “xóm nhà tụi tao sau hàng tre cao đó.”
Đến Phong Điền, đám tân binh xếp hàng trình diện Thiếu Úy chỉ huy tiền trạm Phạm Bá Hồi. Mỗi đứa còn được trang bị thêm 500 viên đạn, 6 hoặc 8 trái lựu đạn M26, và 4 ngày lương thực. Thằng nào to con thì lãnh thêm một thùng đạn đại liên M60.

La Vang:
Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù trong thời gian này là lực lượng bảo vệ sườn cực tả cho đoàn quân tái chiếm Quảng Trị. Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn đóng ở Vương Cung Thánh Đường La Vang. Lúc đó Tiểu Đoàn Trưởng là Trung Tá Trần Hữu Phú; Tiểu Đoàn Phó Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhỏ; Sĩ Quan Ban 3 Đại Úy Lê Mạnh Đường.
Đường ra vị trí đơn vị bắt đầu từ cầu Mỹ Chánh. Đây cũng là điểm cuối của Đại Lộ Kinh Hoàng. Hai bên quốc lộ qua hết cả mùa hè còn đầy dấu vết tang thương. Đất cát còn nhuộm màu máu của người dân Quảng Trị. Những gồng gánh, bao bì, bếp núc tang hoang bên xác người chưa được mang về chôn cất.
Đám linh mới cúi đầu cầu nguyện và chửi thề: “Mẹ, tụi nó tàn nhẫn thiệt.”
Về đến nhà thờ La Vang, trong lúc chờ xe M113 đến đưa ra tuyến của đại đội, đám tân binh được cho phép vào bên trong thánh đường cầu nguyện. Thánh đường đổ nát hết chỉ còn bức tường mặt trước còn đứng vững. Các tượng Thánh hai bên lối vào cửa Vương Cung cũng sập đổ, có vài tượng bị cắt ngang đầu.
Có ai đó nhắc cho hắn biết “chổ này có nhiều bom bi lắm... đừng đi lạng quạng.”
Thường Vụ đại đội 92 Trung Sĩ Nhất Hoàng Văn Châu đón đoàn tiếp tế và tân binh ở bãi đậu M113. Anh Châu ra dấu cho tất cả giữ yên lặng và giải toán lẹ làng trước khi trời tối. Hắn và Kiểu về trung đội 1; Minh đi trung đội 2; Oanh ra trung đội 3; Phan Đoài ở lại trung đội 4.
Về đến vị trí trung đội, chưa kịp gặp Chuẩn Úy Sơn (rỗ) trung đội trưởng thì trời đã tối đen và hắn phải ra trám tuyến, chia chung hố cá nhân với hạ sĩ Hồng. Đêm đầu tiên ở Quảng Trị hắn thực sự đi vào cuộc chiến chinh.
2 giờ sáng, đặc công tụi nó bò vào phòng tuyến trung đội. Lựu đạn thảy ầm ầm rồi yên lặng. Hạ Sĩ Hồng bò ra ngoài phòng tuyến kiểm soát trận địa rồi về nói tụi nó có 2 tên nằm tại chỗ.
Sáng hôm sau hắn đi làm ba chỉ gác đấu đời binh nghiệp. Ngồi cong lưng giữa bụi sim già nhìn ra đồi núi hoang vu hắn thật sự không biết làm gì và xử sự ra sao khi có chuyện. Trái tim trong lồng ngực đập thình thịch khi gió Lào lung lay những cành lá nhỏ. Vừa gác vừa cầu nguyện, phiên gác 3 tiếng đồng dài tưởng như không bao giờ dứt.
2 ngày hôm sau, Kiểu bị thương nặng, bị mảnh pháo khi đang ngồi gác. Lúc tản thương thằng bạn lính thân nhất từ lúc còn trong quân trường,hắn khóc quá chừng, vừa sợ vừa thấy lẻ loi.
Hầu như ngày nào đơn vị cũng ăn pháo ngày hai ba bữa nên dần dà hắn cũng kinh nghiệm và đỡ sợ hơn. Thường thường pháo 130 ly hoặc 122 ly tuy âm thanh dữ dội cộng thêm tiếng hú kinh hoàng nhưng ít chính xác. Pháo cối 82 ly mới là đáng sợ, và làm gì sau cơn pháo 82 ly tụi Sao Vàng cũng nhào vô.
Một tuần sau Chuẩn Úy Sơn trung đội trưởng bị thương vì pháo 122 ly. Chuẩn Úy Quang về thay thế. Theo cùng tăng cường trung đội với Chuẩn Úy Quang là Trung Sĩ Phan Đằng, cả hai đều là dân Trung kỳ nên trung đội một lúc đó nẫu chay.
Buổi chiều mấy ngày sau đó, khi hắn đang sắp sửa xong ca gác thì hàng loạt 122 ly từ bên kia Thạch Hãn ào xuống vị trí các đại đội thuộc Tiểu Đoàn 9. Hắn co giò chạy về hầm trú ẩn khi 1 quả 122 xé không gian hú xuống trên đầu hắn. Tiếng nổ làm hắn ù tai, đất đỏ tung bay tứ phía nhưng hắn không sao cả.
Mải khi trung đội phó Đằng, đi kiểm soát phòng tuyến đơn vị, chỉ vào chân trái của nó và nói “chân mày có sao không?” hắn mới biết là mình dính một miễng nhỏ. Lúc đó hắn thấy chân nó hơi tê và chút máu chảy ra.
Hắn cà nhắc theo toán tản thương ra bộ chỉ huy tiểu đoàn. Thường lệ thì bác sĩ Tín săn sóc cho thương binh và tùy theo vết thương nặng nhẹ cho di tản (và chắc chắn là hắn sẽ ở lại tiểu đoàn để điều trị,) nhưng hôm đó không biết sao chỉ có Minh Y tá. Minh Y Tá lau vết thương, băng lại rồi viết giấy tờ cho hắn di tản về bệnh viện dã chiến ở Phú Bài.
Xe tải thương về đến Phong Điền thì trời đã tối nên hắn được nằm nghỉ đêm tại tiền trạm. Đêm đó, hắn cà nhắc qua phòng truyền tin của Sư Đoàn Nhảy Dù, nhờ nhắn về cho ba hắn ở phòng truyền tin Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Dạ Lê. Sáng sớm hôm sau ba hắn ra tận Phong Điền thăm hắn. Nhìn vết thương ba hắn mới yên tâm, “mạ con lo quá!”
10 ngày ở bệnh viện dã chiến Phú Bài qua như nháy mắt. Xuất viện, thay vì chờ phương tiện đưa ra tiền trạm, hắn đón xe đò về Huế, về thăm gia đình ở trong thành Nội. Thay vì trở về đơn vị liền, hắn “dù” thêm mấy ngày rong chơi trong thành phố.
Một buổi chiều hắn đi chơi với Việt, thằng em trai, trên đường Trần Hưng Đạo thì bị xe Thiếu úy Hồi chận lại. Nhìn huy hiệu sư tử đỏ trên vai là biết lính đại đội 92 liền. Năn nỉ cho về nhà lấy hành trang không xong, hắn bị thẩy lên xe ra tiền trạm và thẩy ra lại vùng hànhquân.
Về trình diện tiểu đoàn gặp sĩ quan ban 2 Thiếu úy Mạc Đạm, hắn bị phạt kỷ luật và dũa tơi bời. 50 roi dây cáp và cạo đầu trọc lóc. Nghiến răng chịu đựng những lằn roi quất xuống, không khóc nhưng ấm ức trong lòng.
Gần chiều tối, hắn về trình diện đại đội gặp đại đội trưởng, đích thân Tường Vi, lần đầu tiên. Tưởng bị ăn đòn thêm một lần nữa nhưng Tường Vi chỉ nhìn nó từ đầu đến chân nói “thôi nghe mày” rồi tha cho về trung đội 2, đi theo Trần Huấn.
Trung úy Đinh Văn Tường, 28 tuổi, đại đội trưởng đại đội 92, danh hiệu truyền tin là Tường Vi, quê quán Khánh Hòa. Dáng cao vòng hiền lành nhìn giống như một nhà giáo hơn là một đại đội trưởng Nhảy Dù, top-of-the-line.
Sau này, nhiều lúc nhớ về đích thân Tường Vi hắn thấy Tường Vi không khác gì Captain John Miller trong phim Saving Private Ryan, một sĩ quan được hạ cấp kính nể và thương mến.

Đêm Nhìn Đồi Đỏ Cháy:
Về trung đội 2, hắn thuộc vào tổ khinh binh, trong đó có Ninh và Liệu. Thằng Minh bạn hắn lúc đó mang máy truyền tin cho Trần Huấn.
Trần Huấn, Trung Sĩ Nhất quyền trung đội trưởng Nhảy Dù, giữa hai mươi, đẹp trai và cao mảnh khảnh. Lúc nào cũng mang khăn quàng cổ em nào đó trong thành phố đan cho.
Đây cũng là thời gian hắn trưởng thànhvà già dặn trong trận mạc. Mỗi ngày hắn có thêm kinh nghiệm đào hầm hố cá nhân, canh gác, nấu ăn, định hướng đường đi nước bước. Hắn học hỏi kỹ thuật phòng tuyến, gài lựu đạn, và gắn mìn claymore. So với lúc vừa chân ướt chân ráo về đơn vị, hắn đổi khác quá nhiều. Chuyện học hành cho xong bậc trung học trở thành chuyện của giấc mơ. 2 cuốn sách toán và lý hóa nằm trong ba lô biết bao lâu rồi chưa mở lại.
Một đêm trời đen như mực và mưa lạnh, trung đội 2 bị pháo cối 82 ly tơi bời, và đặc công Sao Vàng đánh vào vị trí. Trần Huấn và toàn trung đội co mình chịu pháo. Hết pháo là bò leo ra khỏi hầm quần thảo với đặc công bằng lựu đạn vì nằm trong hố cá nhân dễ bị dính B40.
Quần thảo mấy lần như vậy cho đến sau 4 giờ sáng, đặc công Sao Vàng, không dứt điểm được chốt Nhảy Dù, bèn kéo nhau đi. Trung đội 2 có 2 rách áo, trong đó có Minh. Trần Huấn nhìn hắn và chỉ tay nói “chừ mi mang máy cho tao.”
Tháng 11, 12 là thời gian mút mùa lệ thủy đánh đấm lia chia trước ngày ngưng bắn (Hiệp Định Ba Lê). Ngày nào cũng đi tấp chốt, đào hầm hố, tiếp tế, tản thương vòng đi vòng lại. Quần áo và poncho lúc nào cũng ướt lạnh. Đôi giày thì năm khi mười họa mới được cởi ra; hạnh phúc nhất là được thay đôi vớ khô, mới giặt.
Người dân thành phố chắc không bao giờ tưởng tượng ra người lính Nhảy Dù hàng binh sĩ làm việc ra sao. Quần quật hùng hục cả ngày. Chen vào trong 6 giờ gác là thời gian tranh thủ lo đào hầm đào hố, lo nấu ăn, lo đi tiếp tế, và khổ nhất là tản thương đồng đội. Nhiều khi chưa nhắm được mắt cho tròn giấc ngủ thì lại có lệnh zulu, đi tấp tiếp. Có ai biết ba lô lính, 1 cây súng M16 và 500 viên đạn, nón sắt, dây ba chạc, 8 trái lựu đạn, cuốc xẻng, 4 ngày lương thực, 1 thùng đạn M60 và 1 cây M72 nặng đến chừng nào?
Trên đường chinh chiến nhiều khi gặp bạn đôi khi gặp thù. Với hắn 1 ngày khó quên là khi trung đội 2 bắt làm tù binh 2 tên non choẹt trên một ngọn đồi không tên, cách đồi đỏ chừng 2 cây số. Hắn nhớ 1 thằng bộ đội Sao Vàng Trần sĩ Hùng giơ tay đầu hàng khi Nguyễn Liệu dí khẩu M16 vào trán nó.
Thằng tù binh run lẫy bẩy nhưng khi biết mình không chết thì nó trở nên láu lắm. Trần Huấn giao cho hắn giữ tù binh Trần sĩ Hùng khi trung đội bung ra thanh toán chiến trường. Lần đầu tiên đối mặt kẻ thù hắn thấy trong lòng có nhiều khúc mắc. Chẳng trói chẳng cột chi, thằng tù binh ngồi trước mặt chắc tuổi bằng em gái nó, trông hiền lành và chẳng có gì căm căm thù hận. Vậy thì ai gây ra cảnh tan nát điêu linh trên đại lộ kinh hoàng? Ai gây tang thương trên thành phố Huế trong những ngày Tết Mậu Thân?
Tù binh bắt đầu kể lể đủ thứ, xong rồi tù binh xin được thả cho nó bơi qua sông Ba Lòng về bắc. Cuối cùng tù binh chỉa thuốc lá, “thuốc lá thơm quá anh, mình hút điếu nữa nghe anh nhé.”
Sau đó không bao lâu là ngày N, trung đội 2 nhận lệnh đi tấp một vị trí quan trọng có tên giản dị là Đồi Đỏ. Đồi Đỏ, cách bờ sông Thạch Hãn vài ba trăm thước, từ đó có thể nhìn thẳng ra sông Thạch Hãn, và có thể từ đó quan sát được những vị trí depart và di chuyển của Sao Vàng phía bên kia sông.
3 giờ chiều Trần Huấn dẫn con cái về gặp Tường Vi ở dưới chân đồi vị trí đại đội. Tường Vi gầy hẳn, hai gò má hóp xuống, hút thuốc liên miên (không biết từ khi nào, cấp chỉ huy tiểu đoàn hay gọi Tường Vi là Tường Ruby Quân Tiếp Vụ), lấy bản đồ ra chấm choTrần Huấn những vị trí quan trọng chung quanh Đồi Đỏ. Hình như Tường Vi có nhận ra hắn vì cái đầu trọc còn nguyên vẹn lắm “thay cục pin mới trước khi đi.”
Từ vị trí đại đội, trung đội 2 zulu theo hướng 9 giờ, bọc quanh những khe đồi nhỏ rồi nhắm hướng Tango. Chưa được nửa cây số thì toán khinh binh nổ súng và lựu đạn bung ra.Thêm vào đó là mấy tràng AK và xì ầm của B40. Bương theo dấu chân Trần Huấn, hắn thấy trong khóe mắt Nguyễn Liệu ria một tràng M16 vào một bóng áo xanh cứt ngựa đang cố len lỏi vào bụi sim già ven khe đồi vách núi. Thì ra chỉ là 1 chốt nhỏ Sao Vàng bung ra để làm khó dễ Nhảy Dù.
Thanh toán chốt nhí xong, trung đội 2, thay vì tiếp tục đi nhắm về Tango, phải quay lại với “mẹ cha” để trang bị lại. Tường Vi nhìn hắn đi cà nhắc bỗng nhiên đổi ý, ra lệnh Thường Vụ Châu cho người thay thế hắn. Hạ Sĩ Hồng (người tổ trưởng trong trung đội 1 cũ) chạy ra mang máy PRC-25 đi theo trung đội 2, chìm vào bóng chiều đêm Quảng Trị.
Hắn ngồi xuống giữa chân đồi nghiến răng cởi đôi giày. Hai bàn chân của hắn sưng vù như hai trái dưa gan; những ngón cái tím đen và gần như sứt móng. Y tá Minh rắc thuốc bột vào kẽ chân và băng bó cho hắn. Thường Vụ Châu nói hắn ra nằm chung hố với 1 thằng khác cũng đang bị sưng chân.


Màn đêm buông xuống không lâu thì Đồi Đỏ cháy rực lên trong ầm ỳ tiếng pháo binh từ Hải Lăng bắn tới, và cối 82 ly bên kia Thạch Hãn câu qua. Sau đó là tiếng súng nhỏ và tiếng lựu đạn cùng ánh lửa xanh lập lòe của B40.Từ chổ ngồi trong hố chiến đấu hắn nghe tiếng Tường Vi đang điều chỉnh pháo binh.Lâu lâu tiếng súng và tiếng đạn pháo bùng lên rồi yên lặng xuống. Cứ như vậy Nhảy Dù và Sao Vàng quần thảo nhau cho đến gần sáng. Từ hố chiến đấu cá nhân hắn thao thức nhìn về Đồi Đỏ nóng lòng cho trung đội 2. Hắn nghĩ đến từng đồng đội, Trần Huấn, Hồng, Ninh, Liệu, Luân, Hồ...đang chọi mặt tử thần trong bóng tối ngoài kia.
Khi trời sáng Thường Vụ Châu dẫn hầu hết thành phần trung đội 4 mang poncho và băng ca đi về Đồi Đỏ tản thương. Sau cả đêm giành giật, Đồi Đỏ cũng chưa thuộc về tay ai. Một nửa đồi Sao Vàng thủ; một nửa đồi Nhảy Dù nắm. Cả trung đội 2 chỉ còn 4, 5 người lành lặn. Trần Huấn, Hồng và 2 đồng đội nữa 703 (trong Nhảy Dù, lúc nào mà các con số cộng lại thành 10, tức là bù, tức là never never good).
Thường Vụ Châu kể lại là toán tản thương phải bò sát đất lên đồi trọc,kéo trung đội 2 về bằng từng thước một. Ló đầu là bị bắn sẽ liền. 3 tiếng đồng hồ sau, toán tản thương mới về lại dưới chân đồi đóng quân của bộ chỉ huy đại đội.
Hắn đi xuống nhìn đồng đội mà bàng hoàng. Trần Huấn và Hồng ra đi không có chi sứt mẻ. Trần Huấn nằm quay mặt ngang, đất đỏ và máu dính đầy áo trận; vẫn còn khăn len quàng cổ. Nhìn Hồng nhắm mắt ngủ yên, hắn rùng mình tin vào số phận.
Chẳng khi nào hắn quên được Trần Huấn và kỷ niệm của những ngày đêm nằm chung trong hầm chiến đấu, chia nhau hớp cà phê và rít vài hơi thuốc lá. Trần Huấn kể cho hắn nghe những kỷ niệm của những tháng ngày sinh ra và lớn lên rong chơi bên Vĩ Dạ, trong thành phố Huế. Và những ước mơ đơn giản của một tương lai sau chiến tranh.
Có lần nó đọc trong đâu đó một lời nói đại ý như thế này: “Cuộc đời phần lớn đầy rẫy chuyện bất công; những thằng giỏi là những thằng hay chết trước.”
Những ngày sau, Sao Vàng bỏ Đồi Đỏ vì đường tiếp tế của bắc quân bên kia Thạch Hãn bị B52 cày nát. Đêm nào có B52 dội là đêm đó hai bên nằm yên không đánh đấm.
Đầu tháng 1 năm 1973, tiểu đoàn 9 được rút ra khỏi mặt trận, kéo về đóng quân gần căn cứ Lữ Đoàn 1 ở thôn Văn Xá, chỉ vài cây số phía bắc bên ngoài thành phố Huế.
Chiến dịch tái chiếm Thành Phố Quảng Trị đến giai đoạn này được coi như kết thúc. Sư đoàn Nhảy Dù dậm chân tại chỗ chờ lãnh trách nhiệm mới.

Sông Bồ và Căn Cứ Bình Minh:
Thời gian ở Văn Xá thật là thoải mái, mỗi ngày hắn được đi tắm giếng có xà bông thơm và ngồi phơi chân giữa nắng.Đôi bàn chân của hắn đã hoàn toàn lành lặn.
Đường từ Văn Xá về nhà hắn trong Thành Nội Huế không có bao xa. Có thoáng chốc nó muốn xin phép Tường Vi về thăm nhà 1, 2 ngày mà không dám.
Một hôm Lê Bê (Hạ Sĩ Nhất âm thoại viên đại đội), người xứ Huế, được đi phép 4 ngày. Lúc đó Hạ Sĩ Nhất Phạm Tăng Thọ, cũng là người xứ Huế, là âm thoại viên chính, mang máy tiểu đoàn. Tường Vi nói hắn về mang máy tạm thời cho đại đội.
Khi về mang máy cho đại đội hắn khám phá ra bản thân có một năng khiếu trời cho: một trí nhớ khác thường. Hắn nhớ hết bản số mật mã truyền tin của đại đội và tiểu đoàn, nhớ từng số quân, số súng, quê quán, tên cha mẹ của mỗi người trong đơn vị. Nhờ trí nhớ này, hắn làm việc rất nhanh chóng, mật hóa và khai hóa những lệnh lạc trong tích tắc không cần phải tra bản mật mã trong đêm tối. Dần dà hắn nổi tiếng là một âm thoại viên nhớ dai nhất của tiểu đoàn. Tường Vi cũng tỏ ra tin tưởng hắn vì hắn có một số khả năng Anh ngữ, có thể hiểu những mật lệnh bằng Anh ngữ từ các Cố Vấn Mỹ của tiểu đoàn.
Mang máy truyền tin cho đại đội tuy phải trực máy 24/24 nhưng không phải đi khinh binh hoăc tải thương ngoài mỗi ngày 6 giờ canh gác. Và thực ra mang máy, dầu không ai nói thẳng nhưng cũng biết, là “thọ” hơn những người lính khác đi đầu mũi tên đường đạn.
Khi Lê Bê đi phép về, Tường Vi vẫn giữ hắn trong công việc âm thoại viên. Lê Bê ở lại bộ chỉ huy đại đội phụ tá thường vụ và trung đội 4.
Cũng trong thời gian đó (khoảng cuối tháng giêng1973) Hiệp Định Ba Lê ra đời. Hình như đối với Nhảy Dù tin này là tin không buồn không vui. Có người ra tin đồn mai mốt đơn vị được về Hậu Cứ. Có người bàn bạc tình hình này là tình hình chiến tranh da beo, hai bên chiến tuyến đi giành nhau chiếm đất.
Một, hai tuần lễ sau, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù về đóng quân dọc theo Sông Bồ, bên phía trái Quốc Lộ 1 và hướng tây tây bắc của căn cứ Bình Minh.
Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Trần Hữu Phú được bổ nhiệm về nắm giữ 1 tiểu khu nào đó trong miền nam; Trung Tá Trần Văn Sơn (biệt danh Sơn Đui, hay là Moshe Dayan) về thay thế chức vụ. Một tháng sau đó, TrungTá Sơn về làm Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhỏ được đưa lên làm Tiểu Đoàn Trưởng.
Sông Bồ, giòng sông rất hoang dã chảy từ những khe núi A Sầu trên Trường Sơn về phía bắc thành phố Huế. Sau ngày ngưng bắn, Nhảy Dù và bắc quân giữ địa thế lẫn lộn da beo dọc theo hai bờ sông, có nơi cách nhau chưa đầy 25 thước. Đây là lần đầu tiên, hai bên chiến tuyến nhìn rõ mặt nhau mà chẳng làm gì nhau hết. Hầu như hai bên ngày nào cũng ra bờ sông tắm rửa và đấu khẩu tùm lum.
Để cho lính tráng có công việc làm hằng ngày, cấp chỉ huy Lữ Đoàn sai lính đi cắt tranh đốn tre để làm nhà cho dân. Mỗi ngày các đại đội tổ chức các toán đi rừng để kiếm tranh chặt nứa giống như đời lính thú ngày xưa “cắt tranh đốn củi trên ngàn, hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai” (ca dao).
Thực ra thời gian này các đơn vị Nhảy Dù cũng có những sinh hoạt và văn nghệ hằng ngày rất vui. Có những ca sĩ cây nhà lá vườn bắt đầu nổi danh từ đó. Hằng tuần hắn có thêm nhiệm vụ làm danh sách mua đồ câu lạc bộ ký sổ cho các trung đội, thành ra lúc nào các chốt của đại đội cũng có đủ cà phê, sữa đặc, mì gói, kẹo đậu phộng. Mỗi đêm chốt nào cũng có những văn nghệ bỏ túi, và đặc biệt là thư từ cho các “em gái hậu phương”.
Những ngày tháng đó hắn có cơ hội gần gũi hơn với những kỳ cựu trong đại đội. Bố Già Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Đoàn, Phạm Thụ, Dương Ngọc Tư, Hoàng Quang Thọ, Bùi Quốc Vinh, Vinh "con", Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Đăng Thùy, Phạm Hữu Thi, Trần Thuận, Minh và Chúc (Y Tá), Nguyễn Thanh Dũng. Vương, Vượng, Nhợ, Lẹ. Các sĩ quan trẻ thì có Thiếu Úy Trần Xuân Mỹ, Thiếu Úy Đổ Thanh Sơn, Thiếu Úy Nguyễn Văn Bình.
Nhân dịp gần Tết hắn được Tường Vi cho 48 giờ phép về thăm nhà. Lần đầu tiên hắn được phép về thăm nhà, cảm giác lâng lâng khó tưởng. Hắn nhớ một buổi chiều hắn thình lình hiện ra trước cửa nhà, mạ hắn mừng líu lưỡi la lên “tổ cha cái thằng ni...” rồi khóc.
Hắn nhớ ngày ra lại đơn vị ba mạ hắn có gửi theo hắn vài chục gói nem Huế và cuốn “Mùa Hè Đỏ Lửa” để tặng Tường Vi. Đi từ vị trí tiểu đoàn ra vị trí đơn vị qua 5, 7 chốt của các trung đội. Qua mỗi chốt là mất 3, 4 gói nem. Đến khi về trình diện lại Tường Vi thì chỉ còn Phan Nhật Nam và Mùa Hè Đỏ Lửa...

Văn Thánh:
Sau những tháng ngày làm địa phương quân Nhảy Dù, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được kéo ra khỏi vùng hành quân về dưỡng quân ở Văn Thánh, ven bờ sông Hương, cạnh thành phố Huế.
Đây là lúc nhàn hạ nhất của đơn vị, sinh hoạt hằng ngày không khác gì một đoàn hướng đạo đi cắm trại. Riêng với hắn, thời gian này là dịp nhìn thấy nét đẹp, nét nên thơ của Huế, qua con mắt của người xứ Huế. Kim Long, Thiên Mụ, Núi Ngự Bình, Đền Nam Giao bây giờ gần trong tầm mắt. Có những buổi sáng yên bình hắn ngồi nhìn dòng sông trôi trầm lặng mà mơ ước một tương lai thanh bình hắn được trở về lại mái trường xưa. Có mấy lần hắn và đám bạn qua bên kia sông đi tìm quán nhậu và ghẹo các cô chủ quán. Những buổi nhậu đơn giản thôi, nước mắt quê hương và dái mít non chấm muối ớt, thỉnh thoảng có thêm chút thịt từ đồ hộp quân tiếp vụ, vậy mà lúc nào hắn cũng say ngoắc cần câu bị thả lên ghe lắc lư đưa về bộ chỉ huy đại đội.
Trong thời gian này ba hắn cũng hay ra Văn Thánh thăm con, và thỉnh thoảng có những lon Guigoz đồ ăn mạ hắn gửi ra.
Cũng trong thời gian nay, Thiếu Úy Vương, 1 sĩ quan mới từ trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, được bổ sung về đại đội 92. Người sĩ quan trẻ đầy nhiệt tình tổ chức những buổi sinh hoạt đại đội có đầy đủ các bài chiến đấu ca nâng tinh thần đơn vị.
Những kỷ niệm khác trong giai đoạn ở Văn Thánh: Trung sĩ Tâm, 1 lực sĩ bơi lội hạng quốc gia, mỗi ngày lội qua lội lại sông Hương không biết mệt. Thường Vụ Châu dẫn tổ chỉ huy đại đội đi vào nương rẫy đặt bẫy bắt kỳ đà. Có người nói làm như vậy sẽ bị kỳ đà cản mũi nhưng thịt kỳ đà làm đồ nhậu là khỏi chê chỗ nào.

Bạch Mã:
Sau Văn Thánh, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù nhảy trực thăng lên rặng núi Bạch Mã, phía tây Quốc Lộ 1 và phía bắc đèo Hải Vân. Nhiệm vụ của đơn vị là giữ an ninh cho cuộc bầu cử quốc gia sắp xảy ra.
Nếu không có chiến tranh thì Bạch Mã là chốn thiên nhiên đẹp vô cùng. Nhìn ở đâu cũng thấy núi đồi hùng vĩ, cây cối bao la. Hắn nhớ có những buổi sáng thức dậy thấy mây trời trùng xuống sát poncho, và nhiều đêm khuya ngồi nhìn ánh trăng huyền hoặc. Có lần hắn và thằng bạn, sau canh gác nửa khuya, bóp gạo sấy và hái rau cải tàu làm bữa ăn đêm. Đêm trăng sáng bình yên trên đỉnh núi có 2 thằng lính trẻ ngồi mơ ước chuyện mai sau.
Ở Bạch Mã chừng được 1 tuần thì Tiểu Đoàn 9 lội bộ ra Quốc Lộ 1, và di chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa để tập dượt quân sự và bổ sung quân số. Ở đó hắn được thăng cấp lên Binh Nhất, trở thành một binh sĩ gạo cội của đại đội 92. Đồng thời hắn nhận được huy chương Chiến Thương Bội Tinh và Chiến Dịch Bội Tinh dành cho những quân nhân đã tham gia cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị.
Hoàng Mộng, người bạn thân của hắn, được tăng cường về đại đội 92 trong thời gian ở Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa.
Mỗi ngày binh sĩ trong đơn vị tập dượt giống như thời gian ở quân trường Vương Mộng Hồng. Thỉnh thoảng anh em có dịp đi nhảy dù bồi dưỡng bằng trực thăng. Hắn nhớ cảm tưởng lâng lâng khi thấy cánh dù mình bung tròn trên trời đất quê hương.

Cảnh Dương:
Sau 2 tuần tái huấn luyện, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được trực thăng bốc lên dãy núi Cảnh Dương.
Từ đèo Hải Vân đổ xuống đi hướng bắc, qua vịnh Lăng Cô là đến Cảnh Dương. Cảnh Dương nổi tiếng là thắng cảnh mà ngày xưa vua chúa triều Nguyễn hay đến để nghỉ mát. Núi cao biển đẹp, Cảnh Dương yên bình không có dấu vết chiến tranh. Có lẽ các cấp chỉ huy chỉ muốn Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù ứng chiến gần Hải Vân để ngăn chặn quấy rối của địch trên đường đèo Huế Đà Nẵng, và cũng là thành phần trừ bị cho Quân Đoàn 1 ở miền trung.
Thời gian ở Cảnh Dương chẳng có gì nặng nhọc, mỗi ngày các trung đội cho con cái bung ra đi lục soát các đỉnh đồi lân cận, và ban đêm thì đóng chốt nghe ngóng những dấu hiệu lạ trong vùng. Một điều khó quên là lúc đó đại đội 92 thường hay bị đói bởi trực thăng tiếp tế không đáp được vì sương mù dày đặc. Hắn nhớ có ngày các trung đội phải lội núi bương qua đầm Cầu Hai qua chợ Túy Vân mua đồ ăn, hoặc xuống biển Cảnh Dương thẩy lựu đạn kiếm cá về ăn cho đỡ đói.

Trở Về Quảng Trị:
Tháng 8 tháng 9 năm 1973, tình hình ngưng bắn trong mặt trận da beo ở Quảng Trị đã có dấu hiệu sứt mẻ, lính Sao Vàng đã có nhiều lần lấn đất tấn công các đơn vị địa phương quân và bộ binh ở cực bắc Huế và Quảng Trị. Một lần nữa Tiểu Đoàn 9 được thẩy về tuyến đầu cạnh bờ sông Thạch Hãn.
Trở lại Quảng Trị, các tiểu đoàn nhảy dù không được trang bị đầy đủ như những ngày trước khi ngưng bắn. Đạn dược thiếu. Lương thực thiếu. Pháo binh yểm trợ hạn chế 5 quả 105 ly. Lệnh ban ra là các đơn vị phải tiết kiệm toàn bộ vũ khí, đôi khi còn phải đi tìm kiếm và lượm lặt những gì bỏ lại trong chiến trường xưa.
Khi vừa vào vùng trở lại, Nhảy Dù và Sao Vàng đóng chốt sát nhau. 2 trạm gác không cách nhau hơn chiều ngang của một con đường tráng nhựa. Lúc ban đầu vui lắm, ngày nào cũng đấu khẩu nhẹ nhàng, không chửi tục không tuyên truyền chính trị. Nhảy Dù hát nhạc vàng đủ bộ Bolero cho bộ đội nghe; còn bộ đội thì chỉ còn một Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây nhai đi nhai lại cả ngày.
Lâu lâu Sao Vàng có tổ chức cắt tóc cho cả hai bên. Chắc trong lịch sử chiến tranh thế giới chưa có bao giờ hai đối phương mặt chạm mặt lạ kỳ như vậy. Lúc đó hắn thường lội ra các chốt trung đội ở tuyến đầu để vào sổ lý lịch cá nhân của đại đội nên có lần được cắt tóc miễn phí. Nhìn thằng thợ hớt tóc có giọng nói Quảng Bình Đồng Hới hắn nghĩ thầm biết đâu trong những giao thông hào bên kia chiến tuyến này có bà con chú bác cô dì của hắn.
Rồi ngưng bắn và hòa bình da beo trở nên căng thẳng khi các Chính Trị Viên Sao Vàng xuất hiện, và bên kia mở loa tuyên truyền láo khoét. Nhảy Dù phản ứng bằng cắt đứt chương trình nhạc vàng Bolero và trở lại những bài chiến đấu ca.
Hai điều đáng nhớ trong thời gian này, nhớ là Tường Vi sau khi sinh con gái đầu lòng, được gửi đi học khóa Đại Đội Trưởng. Trung Úy Phạm Văn Nhơn về làm tân đại đội trưởng của Đại Đội 92.
Tiếp đó Nhảy Dù và Sao Vàng tiếp tục choảng nhau trở lại, cường độ đánh nhau càng ngày càng dữ dội hơn. Thiếu Úy Vương, người sĩ quan TVBQGVN (khóa 26) hy sinh trong một trận mưa pháo của Sao Vàng.
Thình lình Sao Vàng hoàn toàn rút quân ra khỏi chiến trường Quảng Trị, kéo về bên kia biên giới Lào. Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù cũng chuẩn bị bàn giao vùng trách nhiệm cho TQLC và zulu về hậu cứ.

Trở Về Hậu Cứ:
Có lẽ lúc đó là tháng 5 năm 1974 khi Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được trở về hậu cứ. Hậu cứ đây là trại Trần Thanh Phương, nằm trong bản doanh trại Hoàng Hoa Thám của Sư Đoàn Nhảy Dù (khu Ngã Tư Bảy Hiền trong thành phố Sài Gòn).
Nỗi vui khó tả khi tàu bay đưa đơn vị trở về vòng trên thành phố trước khi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Hầu như từ trên xuống dưới ai nấy cũng lộ chút hãnh diện trên khuôn mặt, và lâng lâng trong men say chiến thắng.
Với thành phần kỳ cựu nòng cốt, cuộc hành quân Quảng Trị là thời gian dài nhất tiểu đoàn xa lìa hậu cứ. Năm tháng trôi qua, có những đứa bé chưa bao giờ thấy mặt cha, chưa bao giờ được cha bồng ẵm. Khi đoàn xe vào khuôn viên Hoàng Hoa Thám, hình như cả trại gia binh tiểu đoàn nhộn nhịp hẳn lên. Xen trong tiếng đám trẻ con reo mừng là những lời chọc ghẹo đám lính mới dành cho các đàn anh đã có gia đình “cha về mẹ có đồ chơi.”
Với hắn và lũ bạn cảm giác khi về lại Hoàng Hoa Thám là như về lại phố xưa xóm cũ, và bước chân vào trại Trần Thanh Phương là trở lại nhà; hắn trố mắt nhìn những góc đường, những hàng cây, những công sở doanh trại như lần đầu tiên bước vào căn nhà mới.
Hầu hết thành phần trong đơn vị có gia đình ở Saigon được phép về nhà. Đám con bà phước quê quán miền trung như hắn thì vào chung vào phòng ngủ của lính, mỗi thằng một giường vải bố. Lâu lắm rồi hắn mới có giấc ngủ bình yên trọn vẹn. Không gác, không trực máy, không phải thức dậy sớm báo cáo tình hình chung của đại đội qua đêm cho bộ chỉ huy tiểu đoàn...
Ngoài những nhiệm vụ tạp dịch làm vệ sinh doanh trại và canh gác, đám lính hạng binh sĩ như hắn hay la cà ở các quán café và quán nhậu ở trong trại gia binh. Những ai khá giả hơn thì được ăn chơi ở Sài Gòn hoặc khu phố gần Ngã Tư Bảy Hiền. Nhiều lúc hắn cũng hơi buồn vì ở hậu cứ đời sống giai cấp giàu nghèo hiện ra rành rành trước mắt. Hắn và đám bạn miền trung hay quay quẩn trong doanh trại, ăn cơm nhà bàn, ngủ phòng trại lính.
Một chuyện khá vui trong lúc Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù về hậu cứ là có một trường trung học ở Quận 3 Sài Gòn, trường Lê Bảo Tịnh, mở rộng vòng tay kết nghĩa. Thầy trò của trường trung học này tổ chức buổi tiệc khao quân cho đơn vị hắn ở ngay tại sân cờ tiểu đoàn. Hắn nhớ có ca sĩ tầm vóc như Duy Khánh, Chế Linh, Phương Hồng Quế đến giúp vui văn nghệ. Bữa tiệc có đủ bò 7 món và bia Con Cọp chảy dài dài.
Lính đại đội 92 hôm tiệc liên hoan mang giày sault nón đỏ (lính nghèo không có nón đỏ thì mượn ở kho tiếp liệu) ngồi cạnh một bầy áo trắng vui quá, mang nón đỏ tặng cho “em gái hậu phương”. Ngày hôm sau, trưởng kho tiếp liệu càm ràm với Thường Vụ là nón đỏ bị chôm mất hơi nhiều.
Thời gian ở hậu cứ,mỗi chiều lính trong các đại đội đều ra sân cờ tiểu đoàn để đá banh. Sĩ quan ban 5 đồng thời cũng có tổ chức giải đá banh cho các đại đội thi đua. Đại đội 92 ngon lành lắm, có những cầu thủ miền trung như Hiếu (Phan Rang), Lẹ (Bao Vinh, Huế), nên được vào trận chung kết với đại đội 91. Trận chung kết vui nhộn và hào hứng không khác gì một giải tranh đua lớn trong thành phố. Đại đội trưởng 92, Chinh Nhơn, nổi hứng treo giải thưởng 5 két bia 33. Hai đội bóng ngang cơ nên phải kết thúc bằng màn đá phạt đền. Thằng Hiếu là cầu thủ số 1 của đại đội nên được chọn đá trái banh cuối cùng cho 92. Không hiểu vì run hay vì muốn chơi đẹp, Hiếu đá nhẹ nhàng như để làm trái chân thủ môn 91, không ngờ thủ môn 91, như cá chẳng chịu cắn câu, chụp trái banh dễ dàng.
Ban ngày ngoài chuyện đá banh là có màn học võ Taekwondo và đi nhảy dù bồi dưỡng. Ban đêm thì có sinh hoạt chiến tranh chính trị và văn nghệ lính hát lính nghe. Toán thích đi nhảy bồi dưỡng thì thức dậy sớm lên xe qua phi trường Tân Sơn Nhứt bay ra tận Ấp Đồn để bung dù trên khung trời cũ. Toán thích học võ thì tụ họp ở trước sân cờ học đánh đấm cùng anh em võ sĩ nhà họ Mạc. Sau phần sinh hoạt chung, lính tráng chia thành từng nhóm lang bang ở trại gia binh hoặc ngã tư Bảy Hiền. Khi đầu tháng có lương thì thôi vui biết mấy, áo hoa nón đỏ tung túa ra thành phố Sài Gòn. Lần đầu tiên hắn được đi ra đường Lê Văn Duyệt, vô chợ Bến Thành, qua cầu Phú Nhuận. Kỷ niệm mang theo của hắn là một lần theo thằng bạn về nhà nó nhậu và ăn cơm tối. Lai rai tới khuya, 2 thằng lính say mèn ngủ lại; đứa em gái thằng bạn nhường chỗ ngủ, treo mùng, cho 2 thằng lính. Tình của người miền Nam đậm đà giản dị.
Có một lần cũng vì ham vui, hắn theo 1 thằng bạn trong trung đội 2 đi xe đò về thăm quê, dưới miệt vườn xa lơ xa lắc. 2 thằng mặc áo dù đi vòng quanh thăm gia đình bà con thằng bạn, quên mất là thời buổi đó chiều tối miệt vườn không có an ninh cho lắm. 6-7 giờ chiều ông xã trưởng kêu người chạy xuống nói các anh nên về sớm kẻo tụi nó kéo về đắp mô thì kẹt đó.
Kế đó không lâu, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được đưa ra Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp ở Phước Tuy để huấn luyện, và nhảy dù hành quân sault đỏ.
Nhảy dù sault đỏ là nhảy dù vào vùng hành quân với hoàn toàn 100% vũ khí và trang bị để nhập trận liền khi chạm chân xuống đất. Hắn nhớ toàn bộ tiểu đoàn có mặt ở phi trường Vũng Tàu lúc 2-3 giờ sáng với đầy đủ trang bị hành quân, và lãnh thêm dù lưng dù bụng. Hắn trong nhiệm vụ mang máy truyền tin đại đội là người nhảy ra khỏi chiếc C147 đầu tiên của đại đội 92 (kế đó là đại đội trưởng Chinh Nhơn) với ba lô, máy PRC-25, dây ba chạc đầy đủ cộng thêm 1 khẩu M16. Khi dù của hắn bung trên khung trời Quốc Lộ 15, hắn nhìn lên và vui biết mấy khi thấy cả ngàn cánh dù khác của tiểu đoàn trổ tròn ra, che kín cả bầu trời đất nước.
Khi xuống đất hắn phải kéo toàn bộ ba lô máy móc súng đạn và 2 bọc dù về chổ tập trung bộ chỉ huy đại đội. Về đến nơi chưa kịp nghỉ ngơi gặm gúc bánh mì thì đã có lệnh xua quân càn quét dọc theo hai bờ quốc lộ, và chiếm các mục tiêu quân sự trên bản đồ thao dợt.
Cuộc hành quân sault đỏ thao dợt kết thúc 3 ngày sau đó. Khi gần về đến ngã tư Long Thành thì tiểu đoàn được bốc đi thẳng về hậu cứ.

Ứng Chiến Miền Trung:
Trở lại hậu cứ lần này tiểu đoàn được lệnh ứng chiến chuẩn bị cho một nhiệm vụ mới. Chưa biết chính thức đi đâu nhưng tin đồn thì chắc chắn là Nhảy Dù sẽ trở lại miền trung. Đại đội 92 ngày nào cũng tập họp hai lần. Đơn vị được bổ sung thêm các sĩ quan mới ra trường. Các trung đội tổ chức lại các tiểu đội, và bộ chỉ huy đại đội có thường vụ và thư ký mới. Mỗi lính tráng cũng chuẩn bị riêng những thứ cần dùng và quân trang cá nhân. Không khí trong tiểu đoàn trở nên nghiêm trọng. Không ai được rời khỏi bản doanh trại Hoàng Hoa Thám. Ngoài trại Trần Thanh Phương, tất cả chỉ có thể la cà trong các tiệm café và quán nhậu trong trại gia binh.
Trời mưa thượng đức trời mưa:
5 giờ sáng của 1 ngày đầu tháng 8, 1974, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù có mặt ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Khi ban 3 tiểu đoàn phát bản đồ hành quân cho các đại đội trưởng, hắn mới biết lần này Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đi Đà Nẵng Quảng Nam, tăng cường cho mặt trận của Quân Đoàn 1 ở vùng Đại Lộc Thượng Đức.
Chuyến bay đưa Tiểu Đoàn 9 đáp xuống phi trường Đà Nẵng lúc gần trưa. Hắn nhìn thấy lại bầu trời quen thuộc, những rặng núi xa xa về hướng bắc. Hơn 2 năm trước hắn còn non choẹt ra đi từ khi nơi chốn này, bây giờ về lại, già dặn hơn qua 2 năm trận mạc, hắn thấy trong lòng gợi lên một chút xao xuyến và một chút buồn buồn. Đám bạn cùng trường cùng lớp chắc đã vào đại học tung bay tứ xứ. Và hắn nhớ lại V, cô bạn hàng xóm láng giềng của ngày tháng cũ.
Đoàn xe GMC đưa Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù rời phi trường Đà Nẵng, qua ngã ba Cây Lang ra Hòa Khánh. Khi đến ngã ba đi Huế, đoàn xe rẽ về hướng trái theo Quốc Lộ 14, đi về Hiếu Đức.
Một chuyện khó quên là khi đoàn xe nhảy dù đến gần Đại Nghĩa thì dân chúng trong làng ùa ra đường vẩy tay mừng rỡ “Nhảy Dù về, Nhảy Dù về. Có Nhảy Dù về rồi bà con ơi!” Điều này làm hắn nhớ cảnh tượng xúc động Phan Nhật Nam ghi lại trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” khi Nhảy Dù bắt đầu đáp xuống Hải Lăng, Quảng Trị đầu mùa hè đỏ lửa 1972.
Sau mấy ngày đóng quân chờ lệnh, Tiểu Đoàn 9 xung quân vào vùng, đi theo hai bên đường 14. Đại đội 92 là mũi dùi đi trước. Càng đi sâu hắn thấy tình hình càng căng thẳng. Làng xóm thì vắng vẻ mà trên đường xe tản thương thì đầy nhóc. Từ xa đã có tiếng pháo lớn vọng về, và trên trời có một, hai L19 lạng qua lạng lại.
Khi đến làng Hà Nha 2, Chinh Nhơn gọi các trung đội trưởng và trung đội phó về nhận lệnh:
“Cho con cái ăn uống xong rồi sẵn sàng tấp vào các cao điểm phía bắc”.
Từ mặt bìa làng Hà Nha 2 đến chân đồi bắt đầu triền núi vùng Đại Lộc Hiếu Đức khoảng cách chừng 1 phần 3 cây số, nhưng chỉ là cánh đồng ruộng lúa. Băng qua cánh đồng này giữa ban ngày thật là không dễ.
Lúc 3-4 giờ chiều, pháo binh Dù bắn trên cánh đồng ruộng lúa một màn đạn khói trắng. Đại đội 92 nhảy xuống bờ ruộng bì bõm chạy nước rút chạy qua cánh đồng. Hắn tháo cần ăng-ten máy PRC-25 cất vào ba lô giữ khoảng cách chạy theo Chinh Nhơn. Đồng lúc từ các cao điểm bên trên dãy núi, lính Sao Vàng nhả hàng loạt 12 ly 7 và hàng trăm trái cối 82 nhắm vào toán quân Dù sau màn khói trắng.
Trời đổ mưa khi đơn vị hắn qua được cánh đồng. Hắn lên máy nhận báo cáo từ các trung đội. Ngoại trừ một ít bị thương ở lại, cả đại đội 92 nhích lên chân núi làm đầu cầu cho cả tiểu đoàn.Khi trời tối thì mưa càng nặng hạt và pháo địch rơi xuống càng nhiều. Đại đội 92 đào hố cá nhân làm phòng tuyến trong đêm tối.
Tiểu Đoàn 9 di quân hình cánh quạt, với đại đội 92 là mũi dùi đi sâu nhất hướng vào đồi 383. Bên trái của đại đội 92 là đại đội 94. Đại đội 91 bảo vệ sườn cực tả. Đại đội 93 lo hông phải. Đại đội 90 và bộ chỉ huy tiểu đoàn, làm nhài cánh quạt, ở phía sau.
Vùng núi đồi Hiếu Đức Thượng Đức địa thế rất là hiểm trở với từng dãy đồi cao trùng điệp. Muốn đi từ đồi cao này qua đồi qua kia phải đi xuống trũng sâu.Bước chân đi thường ngày đã trắc trở nên trong những ngày mưa trở thành khốn khó vô cùng.3 trung đội tác chiến của 92 chia làm 3 nhánh đi ngang hàng; trung đội 4 chia làm hai phần: một nửa ở lại với bộ chỉ huy đại đội; nửa kia lui về phia sau lo công việc nấu ăn và cho cả đại đội.
Thời tiết vùng Quảng Nam cũng chẳng chạnh lòng thương cho người đi chinh chiến. Trời mưa hoài và mưa hầu như liên tục. Vừa đánh vừa đi đến mục tiêu chính nên cả đại đội 92, từ trên xuống dưới, lúc nào cũng ướt nhẹp.
Đồi 383 là mục tiêu quan trọng bảo vệ cạnh sườn của cao đỉnh 1062. Sao Vàng bỏ hết sức lực và sinh mạng cố thủ ngọn đồi trong khi Nhảy Dù cũng dồn hết nỗ lực chiếm cho bằng được.
Sao Vàng nằm trong hầm chữ A kiên cố chờ Nhảy Dù đến gần là ném lựu đạn hoặc dùng 12 ly 7 trực xạ để phòng thủ. Các tiểu đội khinh binh của 92 báo cáo “tụi nó đặt cọc cây trước miệng hầm làm ná bắn lựu đạn bay ra xa lắm.”
Lệnh của Cửu Long là Chinh Nhơn phải đích thân dẫn 1 trung đội tấp 383 bằng mọi giá nên lúc nào hắn cũng mang máy đi sát nách những đợt xung phong. Một lần Chinh Nhơn và hắn đang báo cáo tình hình cho 702 thì 1 trái lựu đạn từ trên cao phóng rẹt xuống ngay trước mặt, hai thầy trò dzọt lẹ trước khi tiếng nổ inh tai.
Trận thanh toán đồi 383 diễn biến như sau: 1 tiểu đội của trung đội 2 làm trục tấn công chính để rút hỏa lực của Sao Vàng trong khi 2 tiểu đội khác chia làm 2 cánh bò lên hai cạnh sườn đánh bằng lựu đạn. Cùng lúc, hai cây M60 đặt bên vị trí đại đội 92 nhả đạn đều đều trên các di động trên đỉnh đồi. 12 Ly 7 và cối 82 của Sao Vàng cũng xối xuống vòng ngoài hầm tuyến. Từ phía xa nhìn, ngọn đồi nhỏ 383 như chìm vào lửa khói.
Phạm Hữu Thi, hạ sĩ tổ trưởng khinh binh, cởi nón sắt ra cầm tay (trên đầu chỉ còn nón nhựa,) bỏ vào đó đầy lựu đạn M26, chạy nghênh ngang giữa lưng đồi, một mình một ngựa xung phong bên tay phải. Từ vị trí chỉ huy, hắn và Chinh Nhơn thầm cầu nguyện cho cái thằng “điếc không sợ súng.”
Trước khi trời tối, lính 92 hoàn toàn kiểm soát đồi 383. Một số lính Sao Vàng sống sót dzọt ra khỏi hầm bung chạy về hướng Thượng Đức.
Tổn thất của đại đội 92 tại 383 không phải là không đáng kể; phần lớn vì 12 ly 7 hoặc CKC bắn sẽ. Trong trí nhớ của hắn lúc nào cũng mang theo những giây phút cuối của người đồng đội trẻ Tăng Văn Năm.
Sau đó Bắc quân trút đủ loại pháo như mưa xuống đồi 383. Và đêm đó các phòng tuyến đại đội 92 đều bị đặc công bò vào thử thách. Ngoại trừ Chinh Nhơn và sĩ quan đề-lô lên máy PRC25 gọi pháo binh Dù trả đũa, tất cả lực lượng của đại đội 92 đều có mặt trong hố cá nhân, sẵn sàng chiến đấu.
Tờ mờ sáng khi pháo Bắc quân vừa dứt là văng vẳng tiếng kèn thúc quân. Chinh Nhơn nói hắn bỏ máy ra ngoài trám tuyến. Vừa ra đến hố cá nhân, hắn đã thấy ngoài phòng tuyến lay động những đầu nón cối. Trần Thuận, xạ thủ đại liên bò tới thì thào “tụi nó đông như kiến.” Tim hắn gần như nhảy ra ngoài lồng ngực.
Bỗng như đất trời đen nghịt và hằng trăm tiếng nổ long trời sát ngay phòng tuyến. Pháo binh Dù từ quận Hiếu Đức Đại Nghĩa bắn tập trung (TOT) vào phía ngoài vị trí đại đội 92. Cây rừng ngã xuống ào ào trên mặt đất. Tiếng người la hét lúc đầu rõ rệt rồi lại xa dần. 15 phút sau chiến trận hoàn toàn yên lặng.
Trung đội 4 và bộ chỉ huy đại đội 92 tiêu hao khá nhiều vì pháo. Bố già Nguyễn Văn Cảnh và Hạ Sĩ Phan Đoài (bạn cùng khóa Dù với hắn) mất ngay tại miệng hầm. Hắn không cần nhìn 2 tấm thẻ bài cũng đọc được tên và số quân của 2 người lính mang số mệnh da ngựa bọc thây.
Cùng thời điểm này, trong những trận mưa pháo tơi bời của Bắc quân, Thế Tữu, đại đội trưởng 93 bị thương nặng phải di tản; Cửu Long đưa Tường Vi, cựu đại đội trưởng 92 vào thay thế.
Đặc công len lỏi vào sau lưng phòng tuyến nhảy dù phục kích những toán tiếp tế và ẩm thực. Có lần bất ngờ 1 toán tiếp tế của 92 bị lọt vào tay giặc. Ngày hôm sau 2 xác treo trên cành cây với hàng chữ “cảnh cáo nhảy dù”...
Những ngày sau đó chiến trận tuy vẫn còn xảy ra hằng ngày nhưng trong vùng hành quân của đại đội 92 thì ít phần dữ dội hơn. Đụng độ lớn hình như dồn dập trên các đỉnh đồi cao bên cánh phải. Tiểu Đoàn 9 bàn giao vị trí lại cho Tiểu Đoàn 3 (?) và lui lại phía sau chuẩn bị cùng Tiểu Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 8 xa luân chiến dành cho được cao điểm 1062.
Lúc đạiđội 92 vừa ở đồi 383 rút ra ngoài và đang chuẩn bị lại quân số thì hắn bị sốt rét nặng. Trong người thì lạnh run mà bên ngoài da thì nóng hầm; giòng nước tiểu đậm như máu. Minh y tá đại đội phải thuyết phục lắm Chinh Nhơn mới chịu cho hắn di tản ra tiểu đoàn điều trị.
Lúc đang nằm ở bộ chỉ huy tiểu đoàn thì bất ngờ gặp anh Lũy của hắn đang trên đường chuyển quân vào 1062 (anh Lũy, sĩ quan Thủ Đức, vừa mới ra trường bổ sung về đại đội 83, Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù). Tâm tư của hai anh em trong lúc đó thật là khó tả, vừa lo âu, vừa an ủi, và vừa bối rối.

Địa Ngục Trên Đỉnh Núi:
1062 là cao độ của 1 cao điểm trong rặng núi giữa hai quận Đại Lộc và Hiếu Đức. Không phải là chốn cao nhất trong những điểm cao, nhưng ở đó người ta có thể quan sát được hầu hết vùng Quảng Nam Đà Nẵng. Bắc quân muốn giữ vị trí này để quan sát kỷ đường đi nước bước cho một tấn công mới cắt đứt miền trung. Nhảy Dù, nhận sứ mạng của Quân Đoàn 1, nhảy vào nơi chốn để chận đứng âm mưu đó.
Thêm một lần nữa, ở đây, “người lại gặp người.”
Bắc quân đưa vào trận địa các sư đoàn và trung đoàn cộng thêm pháo binh và phòng không. Quân Đoàn 1 đưa Lữ Đoàn 1 và 2 Nhảy Dù vào vùng nhập trận.
Trong trí nhớ của hắn, Lữ Đoàn 1 đưa Tiểu Đoàn 1 tiên phuông vào 1062 trước nhất, sau đó đến Tiểu Đoàn 8, và sau cùng là Tiểu Đoàn 9.
Mặt trận Thượng Đức, hay nói đúng hơn, mặt trận 1062 là 1 trong những mặt trận đẫm máu nhất của Sao Vàng và Mũ Đỏ. Biết bao nhiêu máu của hai bên đã đổ xuống trộn vào lòng đất; biết bao nhiêu người nằm xuống, xác thịt rữa ra không còn phân biệt được ai thù ai bạn.
Trong một thời gian 2 tuần, ngọn đồi 1062 thay đổi chủ biết bao lần. Sao vàng giữ; Nhảy Dù lên chiếm. Nhảy Dù thủ; Sao Vang bò vô giựt lại. Lúc nào đại pháo hai bên cũng cày nát đỉnh đồi, diện tích 20 thước nhân 20 thước. Bắc quân sử dụng phòng không 12 ly 7 và 37 ly cộng thêm súng trường CKC bắn sẽ vào những gì nhúc nhích trên mặt đất. Nhiều đêm Bắc quân bắt loa phóng thanh đe dọa và thách thức Nhảy Dù.
Giữa tháng 10, 1974, tiểu đoàn 9 được tung vào mặt trận thay thế tiểu đoàn 8. Đại đội 92 nhận trách nhiệm trấn thủ ngay đỉnh 1062, bên trái có đại đội 94, bên phải có đại đội 93. Đại đội 91 làm thành phần trừ bị ở cạnh bộ chỉ huy tiểu đoàn phía sau đó không xa.
Từ chân đồi 1062 lên đến đỉnh, lính 92 phải bò lên qua biết bao nhiêu xác chết, và cuối cùng phải chạy cắm đầu cắmcổ chừng 25 thước giữa khoảng trống và nhiều lằn đạn để nhảy xuống giao thông hào. Hắn, vì mang máy PRC 25 nên bị những cây súng bắn sẽ chú ý kỷ, phải lăn vào trong cái hố nằm chờ cho đến khi trời tối.
Đồi 1062 ngày nào cũng lãnh đủ 3-4 lần pháo lớn bắn từ quận lỵ Thượng Đức, và Sao Vàng đêm nào đưa đặc công bò vào vòng tuyến Nhảy Dù. Lính 92 hầu hết sống dưới mặt đất trên đỉnh đồi tàn bạo. Xác người chết nhiều quá trong khuôn vi hạn hẹp nên sình thối, mùi hôi không thể tưởng; và những con dòi trong xác chết bò ra leo lên đầu lên cổ người còn sống. Những chuyện tiếp tế, tản thương, vệ sinh, ăn uống đều xảy ra khi mặt trời lặn hẳn.
Đêm nào từ giao thông hào chiến đấu, hắn cũng nghe những tiếng kèn thúc quân của Sao Vàng, và trong tầm nhìn của hắn đoàn xe Molotova để đèn sáng trưng chạy từ Thượng Đức chạy về Đại Lộc.
Những ngày dài trên 1062 tưởng chừng không bao giờ dứt. Khi sức chịu đựng của Sao Vàng và Nhảy Dù cũng đã đến tận cùng, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù thình lình nhận lệnh rời vùng lập tức. Trong một đêm mưa bụi bay lất phất, các toán kỹ thuật của Sư Đoàn Dù nhảy vào làm hàng rào điện tử (để phát hiện những di động của Bắc quân), trong khi các đơn vị tác chiến thầm lặng rút đi.
Đường đi gập ghềnh trong đêm tối đen như mực, lối đi lại ướt át nên trật chân là té lăn xuống hai bờ cây cỏ. Đại đội 92 ra đến đồi 52 gần 2-3 giờ sáng, đói lạnh và mệt rã hắn ngồi xuống ven triền yên ngựa dựa ba lô và gục thiếp. Chập lâu, có tiếng y tá Minh dừng lại chích cho hắn mũi thuốc hồi sinh, và dìu hắn đi theo đơn vị.

Non Nước Ngũ Hành Sơn:
Tiểu Đoàn 9 đóng quân ở Đại Nghĩa Hiếu Đức vài ngày rồi rút về dưỡng quân gần Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Nhảy Dù bên vùng Non Nước (Ngũ Hành Sơn).
Non Nước là một trong những thắng cảnh của Quảng Nam Đà Nẵng. Trong thập niên 60, nơi đây là một địa điểm du lịch và hành hương của dân miền Trung, nổi tiếng về đá quý. Thuở nhỏ, có vài lần anh em hắn đến đây cùng gia đình, đi vào những hang động trên cao dưới thấp.
Ngày xưa, Non Nước là nơi chốn thanh bình, có mái chùa yên tĩnh; bây giờ Non Nước là một chỗ bất an, có du kích địa phương về quấy phá cho nên mỗi đêm các đại đội trong tiểu đoàn thường hay làm tổ phục kích bắt du kích và thành phần kinh tài cho Việt Cộng.
Từ chỗ đóng quân của hắn về thành phố Đà Nẵng khoảng chừng nửa tiếng mà trong đầu óc hắn lúc đó chẳng có ý tưởng về thăm lại ngôi trường cũ. Đời sống của hắn lúc đó và đời sống học sinh hơn 2 năm trước đây hoàn toàn khác hẳn. Ở Non Nước hắn chỉ muốn ăn, ngủ, và uống rượu say.

Bên Bờ Sông Vu Gia:
Dưỡng quân ở Non Nước khoảng 3-4 tuần lễ thì Tiểu Đoàn Nhảy Dù lại phải vào vùng, lúc này nhiệm vụ đơn vị là chận áp lực của Bắc quân hướng hữu ngạn sông Vu Gia. Địa thế hành quân lúc này không là những núi non cao ngất mà là những dãy đồi nhỏ nối kết nhau bằng những trườn đồi dài như lưng ngựa.
Thêm một lần nữa đại đội 92 lại là mũi dùi tiến vào sâu xa nhất. Bên hữu ngạn Vu Gia, không có đồi núi cao và cây rừng rậm rạp như vùng 1062, chỉ có những đồi sim thưa thớt bất lợi cho phía tấn công. Đánh nhau ở đây đại đội 92 bị thiệt hại khá nhiều. Bắc quân từ những cao điểm phụ cận sử dụng 75 ly không giật và cối 82 ly nhắm xuống những toán quân nhảy dù đi tấp chốt.
Trong lần nhập trận này, đại đội 92 mất nhiều người hạ sĩ quan kỳ cựu như Phạm Tăng Thọ, Nguyễn Dương Ninh, Nguyễn Văn Thân, và thiếu úy Cường, người sĩ quan mới vừa bỗ sung về đại đội.
Cuối cùng Bắc quân và Nhảy Dù thu lại vị trí làm thế thủ; hai bên chỉ vờn qua vờn lại bằng đại pháo kích.
Trong một ngày gần Tết, bộ chỉ huy đại đội 92 thay đổi vị trí để tránh tầm pháo Bắc quân. Ngày hôm đó cũng là ngày tiếp tế, và hắn nhận được quà Tết từ nhà hắn gửi ra. Mừng vui vô hạn, mở ra hắn thấy đó là quà Tết và một lá thư của anh Lũy hắn gửi từ bệnh viện Duy Tân.
Người anh ruột của hắn, Chuẩn Úy Hoàng Văn Lũy, đại đội 83, Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù bị thương trong lúc tấp lên 1062. Một viên CKC cắt ngang ống quyển chân. Từ lúc anh em chia tay nhau lúc hắn đau sốt rét,hắn không được tin anh Lũy. Chỉ nghe tin từ các toán tiếp tế tản thương là hàng sĩ quan của Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù hầu như bị thương hay là mất hết.
Lúc chạng vạng tối ngày hôm đó, hắn đem bánh chưng bánh tét ra mời bộ chỉ huy đại đội. Đại đội trưởng Chinh Nhơn đáng lẽ ngồi chung bữa ăn lại nói thôi để đi coi phòng tuyến đã. Một phút sau, có tiếng nổ lớn cách hắn không xa. Chinh Nhơn đạp phải mìn con cóc của Bắc quân gài trong lúc đi kiểm soát vị trí. Hắn chạy ra nhìn thì thấy người đại đội trưởng và người thường vụ đại đội đều bị thương nặng. Hắn thấy rõ ràng Chinh Nhơn mất hẳn một chân.
Cửu Long lên máy ra lệnh cho toán tản thương đi tức khắc mặc dầu trời đã tối. Hoàng Mộng, người mang máy thứ hai, đi theo toán tản thương trong khi hắn ở lại liên lạc với các đơn vị nhảy dù trong vùng để tránh đụng lầm quân bạn.
Gần nửa đêm, toán tản thương trở về bình an. Chinh Nhơn được trực thăng vào bốc đi an toàn. Theo toán tản thương về là người đại đội trưởng mới – Đại Úy Lê Đình Ruân.
Mấy ngày sau đó, Tiểu Đoàn 9 giao vùng cho 1 đơn vị Dù trong Lữ Đoàn 2 rồi rút ra sau, về vùng Túy Loan Đại Lộc.

Túy Loan:
Khi rút quân ra khỏi Đại Lộc lần cuối cùng thì Đại Đội 92 chỉ còn lại khoảng 1/4 quân số so với lúc bắt đầu cuộc hành quân từ hậu cứ tiểu đoàn. Biết bao nhiêu khuôn mặt quen thuộc của những ngày Quảng Trị đã không còn nữa. Có lẽ thời gian đó là thời gian thấp nhất của đại đội, một gia đình thứ hai của hắn.
Một buổi chiều ngồi nhìn mây bay về từ Nam Ô, đơn vị có tiếp tế và tăng cường. Hắn bỗng thấy trong đám lính mới bổ sung về đại đội một khuôn mặt khá quen. Chỉ cần một phút là hắn nhớ ra đây là khuôn mặt trên sân bóng rổ của trường trung học cũ. Vui quá chạy ra bắt tay hỏi chuyện, hắn cũng thấy an ủi thầm nghĩ “Ít ra cũng có một người cùng cảnh ngộ.”

Giã Biệt Miền Trung:
Lúc đó là đầu tháng 3 năm 1975, mặc dầu không có tin tức báo chí nhưng hắn cũng biết biết tình hình quân sự ở miền Trung đang tới thời kỳ sôi động nhất. Có điều không thay đổi là Nhảy Dù đi đến đâu dân chúng cũng rất là mừng rỡ.
Ngày 23 tháng 3 năm 1975, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù bàn giao vùng trách nhiệm cho đơn vị ThủyQuân Lục Chiến, ra thẳng đến phi trường Đà Nẵng bay trở lại Sài Gòn.
Hắn đâu có biết đó là lần từ biệt cuối cùng.

Trở Về Hậu Cứ:
Trở về trại Trần Thanh Phương lần này không vui như những lần trước. Cả tiểu đoàn cắm trại 100%, sẵn sàng ra đi khi có lệnh. Đặc biệt là thời gian này Sư Đoàn Dù đang tổ chức thêm 2 Lữ Đoàn mới nên trong tiểu đoàn lại thêm có nhiều khuôn mặt mới về thay thế cho nhiều khuôn mặt cũ chuyển sang đơn vị mới.
Ngày 30 tháng 3 năm 1975, tin tức từ miền Trung cho biết Huế và Đà Nẵng rơi vào tay giặc. Tin tức miền Trung gây chấn động hoang mang cho đơn vị, vì rất nhiều người trong tiểu đoàn quê quán ở Quảng Trị Huế Đà Nẵng. Hắn bàng hoàng nghĩ đến số mệnh gia đình ba mạ anh em hắn; tất cả bây giờ không biết lưu lạc nơi đâu.
Một buổi tối hắn và nhóm bạn miền Trung ra trại gia binh “uống cà phê”, không biết uống cái gì mà cả đám say quên cả trời trăng; nửa đêm bò về sân tiểu đoàn bị Hạ Sĩ Nhất Hoàng Quang Thọ la om sòm và xách đại liên ra đòi bắn vào cả đám.

Đi Long Khánh:
Giữa tháng Tư 1975 Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù được lệnh đi Xuân Lộc tăng cường cho Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù di chuyển bằng GMC từ hậu cứ đến Trảng Bom, và từ đó trực thăng vận vào chiến trường Long Khánh.
Bộ chỉ huy đại đội 92 bay bằng trực thăng UH1B, các trung đội đi theo những cánh chim Chinook.
Từ Trảng Bom đến Long Khánh,chiếc UH1B bay nhanh và sát đầu ngọn cây để tránh phòng không của địch. Từ trên cao nhìn xuống quê hương đang bốc khói, hắn cứ tưởng mình đang ở trong một giấc mơ. Những ý tưởng không lành cứ nhem nhém vào đầu óc, hắn âm thầm đọc mấy lời kinh cầu nguyện.
Đại đội 92 đáp xuống ngã ba thị trấn, trước mặt là lửa khói của thị xã Xuân Lộc, bên trái là trùng trùng điệp điệp những đồi chuối xiêm đang chín tới, bên phải là rừng cao su xanh ngắt triền miên.Và chung quanh là vô số dân địa phương đang tìm đường tị nạn chiến tranh.
Không có thì giờ để xúc động, hắn mang ba lô và máy PRC-25 theo đơn vị nhắm hướng nhà thờ Bảo Định mà đi. Chưa được 1 phần 2 cây số đơn vị đã “ăn” pháo tùm lum. Phía trước chính Cửu Long cũng bị “rách áo.”
Khi băng ngang vị trí của tiểu đoàn, hắn thấy 702 đang đứng dựa cây cao su ra lệnh cho con cái zulu cho lẹ lẹ. Y Tá Chúc đang băng bó vết thương ở cổ cho 702, và 701 đang chửi thề loạn xạ. Đâu có ai ngờ vết thương của 702 là từ màn đạn cối 60 ly bắn từ làng Giáo Xứ Bảo Định.
Trong cuộc hành quân Xuân Lộc Long Khánh, đại đội 92 không là mũi dùi đi trước như thường lệ. Lần này, vinh dự đó dành cho Đại Đội 93 và Tường Vi đảm nhận. Đêm đầu tiên ở Xuân Lộc, hắn đào hố cá nhân trong vườn cây ăn trái của cựu thống tướng Lê Văn Tỵ, nằm dưới hàng cây đu đủ.
Những ngày hôm sau Đại Đội 93, được yểm trợ bằng thiết giáp, đụng nặng với Bắc quân. Địa thế lúc này là những hàng cây cao su cao lớn trong các khu vườn rộng bằng phẳng nên Nhảy Dù không tiện đánh bằng lựu đạn. Các toán khinh binh báo cáo Bắc quân trèo lên cây dùng CKC bắn sẽ nên rất là khó tấp. Ngày và đêm, chiến trận gay go không ngừng tiếng súng và pháo đốn ngã những tàng cây xanh lá.
Khi cuộc tấn công để nuốt chửng Xuân Lộc LongKhánh coi như không thành công, Bắc quân đổi chiến lược thành bao vây lực lượng Nhảy Dù.
Đột ngột, buổi chiều ngày 20 tháng 4,Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù nhận lệnh cho con cái sẵn sàng băng rừng rút quân trong đêm tối. Tất cả mọi người đều cột trên ba lô 1 bao gạo sấy để dễ nhìn ra trong đêm tối.
9-10 giờ đêm, đại đội 92, theo chân tiểu đoàn, yên lặng rời vị trí. Đường đi tối đen như mực, loáng thoáng là vệt sáng của bao gạo sấy, hắn nghe tiếng nhịp tim và tiếng giày của người đi phía trước.
Quá nửa đêm đại đội 92 mới đến Ngã Ba Tân Phong. Đến đây hắn thấy người dân Xuân Lộc Long Khánh đã gồng gánh tụ tập đầy đường, sẵn sàng di tản, đi theo con đường Liên Tỉnh Lộ 2 xuôi nam về hướng Bình Ba Bình Giã.
Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù lãnh nhiệm vụ bọc hậu, đi bộ trong rừng song song với con đường bỏ hoang đã từ lâu. Đại đội 93 đi đầu; đại đội 92 là đơn vị đi sau chót. Khoảng 10 giờ sáng, Bắc quân chận phục kích phía đuôi của đoàn quân ở gần thung lũng Gia-Rai. Tuy hai đại đội 93 và 92 phản ứng mau lẹ đẩy lui đám Bắcquân, nhưng đơn vị cũng có một vài mất mát. Báo cáo từ đại đội 93, đại đội trưởng Tường Vi bị thương nhẹ ở chân.
Đại đội 92 thầm lặng làm cái đuôi cho đoàn quân di tản chiến thuật. Từ những lối đi nhỏ trong rừng đến những con đường đất, ở đâu hắn cũng có cảm tưởng là có rất nhiều đôi mắt nhìn theo từng bước chân của Nhảy Dù. Có lần,hắn phải nhanh nhẹn chạy băng qua con đường đất lớn dẫn lên một ngọn đồi, ở đó có lô cốt quan sát của Việt Cộng, cắm cờ 3 màu có sao vàng chính giữa...
Đoạn đường có lẽ dài gần 20 cây số. Khi về gần đến Bình Ba thì Nhảy Dù hết nước uống. Trời nóng và khát nước làm từ trên xuống dưới ai cũng hoa mắt và tưởng như không còn đi nỗi. Măy mắn thay, sau khi mặt trời vừa ngã bóng thì Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù từ Bình Giã đem nước uống và lương thực kéo ra đón Tiểu Đoàn 9.
Hắn ngồi xuống bên đường, một mình uống nguyên một nón sắt nước đá lạnh.
Đêm đó tiểu đoàn tạm đóng quân trong rừng cao su ở Bình Ba; ngày hôm sau được xe đưa về Phú Mỹ, 1 xã ấp trên quốc lộ 15, phía tây bắc của thị xã Phước Tuy.
Khi về đến Phú Mỹ hắn mới biết là tình hình chung của miền Nam đang đến thời kỳ thê thảm. Trên quốc lộ 15 có nhiều xe chở người tị nạn chiến tranh từ miền Trung vào. Hắn và thằng bạn học cùng trường đi hỏi thăm từng chiếc xe “có ai từ Huế, có ai từ Đà Nẵng, có ai biết...” rồi thở dài thất vọng.
2 ngày hôm sau, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù tập họp trong sân trường Trung Học Phước Tuy tham dự buổi tiệc do Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam khoán đãi. Buồn nhiều hơn vui, hắn không nhớ bữa ăn đó ra sao.
Gần nửa khuya đêm 27 tháng 4, cả tiểu đoàn có lệnh đi vào thành phố Phước Tuy tử thủ. Từ bên ngoài thị xã, đại đội 92 chia thành những nhánh quân đi dọc theo dãy phố. Với hắn đây là lần đầu tiên chiến đấu trong thành phố. Có bao nhiêu hiểm nguy đang chờ ở từng ngỏ hẻm, từng góc phố.
Tin từ các trung đội cho biết T-54 của tụi nó đầy trong đường phố, không đủ M72 để bắn. Lệnh từ sĩ quan ban 3 tiểu đoàn “các đại đội tự quyết định... Tan Hàng Cố Gắng.”
Đại Úy Ruân không lưỡng lự “mày nói con cái dzọt về hướng Vũng Tàu.”
Khi hắn và bộ chỉ huy đại đội 92 ra khỏi lòng thị xã Phước Tuy thì Bắc quân pháo dữ dội trên trục lộ chính đi về phía Vũng Tàu. Hắn thấy trên đường đầy xác người dân chết và bị thương. Không do dự hắn tấp vào khu lao sậy bên đường đi băng về hướng cầu Cỏ May.
Sông Cỏ May bọc bên ngoài bìa thị xã Bà Rịa không rộng lắm nhưng cũng sâu lút đầu và nước cuốn khá mạnh. Khi hắn và đám lính trong trung đội 2 tìm được chỗ qua sông thì cũng nhào qua đại. Hắn mang PRC-25, dây ba chạc và ba lô đến nữa dòng sông thì chìm lĩm. Một thằng nào đó la lên biểu hắn thả ba lô. Hắn thả ba lô mà cũng không trồi lên được, nên cũng đành thả luôn máy PRC-25 trôi theo giòng nước. Trồi lên chìm xuống uống nước cho đã mà cũng chưa tới bên kia bờ. Lại thêm một lần may mắn, ở bên kia bờ sông, thằng bạn học cùng trường cao lớn hơn nhanh trí tháo dây nịt thẩy ra cho hắn chụp.
Qua được sông Cỏ May thì hắn hoàn toàn tay không, gia tài của hắn, máy PRC-25 và ba lô mang tên tuổi của đơn vị và nhật ký hành quân trôi đã theo giòng nước cuốn. Buồn bã hắn theo trung đội 2 tiếp tục đi. Khoảng chừng trăm thước thì gặp Tường Vi và Đại Úy Trần Ngọc Chỉ, sĩ quan ban 3, đang ngồi trên 1 chiếc M113. Đại Úy Chỉ đưa cho hắn một máy PRC-25 mới bảo hắn bắt thẳng vào tần số liên lạc với Lữ Đoàn; đồng thời Tường Vi đưa cho hắn 1 cây M16.
Trở ra đến đường quốc lộ, hắn ngồi phơi nắng cho khô bộ quần áo ướt. Có một người phụ nữ đang quang gánh tản cư dừng lại đem cho hắn 2 bao thuốc lá rồi thầm lặng bước đi.
Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và 1 chi đoàn thiết giáp tổ chức tuyến phòng thủ bên này cầu sông Cỏ May. Đại đội 92 tập họp lại ở khuôn viên nhà nghỉ mát của cựu tướng Nguyễn Khánh, và chia các trung đội đi theo bảo vệ thiết giáp.
Ngày 28 tháng 4, Bắc quân gửi các toán dọ thám bò qua sông Cỏ May nhưng bị trung đội Nhảy Dù đánh bật lại. Ở chân cầu Cỏ May, các toán Công Binh Dù gài TNT để sẵn sàng giật sập cầu khi có lệnh.
Đêm 28 tháng 4, tiếng xe tăng T54 của Bắc quân đã gần đến bên kia cầu. Bên này cầu chi đoàn thiết giáp cũng sẵn sàng khạc lửa. Trong căng thẳng đó, 2 chiếc M113 bất ngờ nhã đạn không ngừng vào bóng đêm trước mặt, suýt nữa bắn lầm vào bộ chỉ huy đại đội 92 đang phòng thủ bên cạnh đó.
Ngày 29 tháng 4, hệ thống liên lạc của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù bỗng nhiên bận rộn hơn. Trên không có tiếng máy bay rõ rệt. Tin đồn là bây giờ Bắc quân có cả không quân.
Khoảng 2 giờ chiều, toàn bộ Nhảy Dù và Thiết Giáp rút về Vũng Tàu. Trên đường từ cầu Cỏ May về, đám nằm vùng Việt Cộng ngang nhiên đem B40 ra đường nhắm bắn vào thiết giáp. 1 chiếc M113 chạy trước mặt hắn bị B40 xước ngang hông, 2 người lính nhảy dù rơi xuống đất nhưng không bị thương, được chiếc xe theo sau kéo lên đi tiếp.
Khi đại đội 92 về đến Vũng Tàu, hắn thấy thành phố vô cùng náo loạn. Đạn pháo 130 ly và hỏa tiển 122 ly của Bắc quân đang được đề lô điều chỉnh bắn vào khu chợ Lồng và Bến Đá. Có vài đám cháy bùng lên trong dãy phố.
Nhảy xuống xe M113, hắn chạy theo trung đội 4 và bộ chỉ huy đại đội cắt ngang khu lồng chợ thẳng ra Bến Đá. Đang chần chờ phương hướng thì 1 quả 130 ly đâm xuống mặt đất trước mặt hắn không đầy 15 thước. Sau tiếng nổ inh tai và tiếng la hét, hắn tiếp tục chạy về phía trước, có 2 thân xác áo hoa dù bị đứt ngang. Ai đó nói thằng Thuận ca sĩ và Trung Sĩ Nhận bị dính rồi.
Ngoài Bến Đá đông đúc các loại tàu đánh cá của dân địa phương. Lần lượt các tàu này quay đầu vào bến để bốc Nhảy Dù. Hắn thả cây M16 xuống nước, cột chặt máy PRC-25 lấy đà nhảy qua một chiếc tàu vừa lướt qua cách bến hơn 1 thước.Một chân đáp xuống sàn tàu một chân rớt ra ngoài, hắn may mắn chụp được cái phao cột ngang sườn tàu leo lên vào giây phút chót.
5-10 phút sau, khi tàu lềnh bềnh trôi xa, hắn nhìn lại thấy Vũng Tàu như trong biển lửa, có những chiếc xe M113 còn chạy dọc theo bờ Bến Đá.
Trên chiếc tàu đánh cá đưa hắn đi có khoảng hơn 10 người. Chưa đi được bao lâu, về hướng Sài Gòn, thì tàu vô nước nên tất cả phải lấy nón sắt ra mà tát. Gần nửa đêm có chiếc tàu đi biển lớn hơn chạy ngang vớt nguyên cả đám.
Sáng ngày 30 tháng 4 khi đoàn tàu về ngang ngõ vào sông Sài Gòn, tình hình của miền Nam đã tới lúc không còn cứu vãn. Khi nghe tin đầu hàng trên máy PRC-25, Lữ Đoàn 1 quyết định kéo về Vùng 4, đoàn tàu đi thẳng luôn về hướng Gò Công.

Gò Công:
Về ngang Gò Công, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 1 Trung Tá Nguyễn Văn Đĩnh, trao lữ đoàn cho Lữ Đoàn Phó Trung Tá Lê Hồng, đi đường bộ về Sài Gòn để mang gia đình đi theo. Trung tá Lê Hồng giữ đoàn tàu lại, hứa sẽ chờ người chỉ huy cho đến sáng hôm sau.
Đại đội 92 nhân cơ hội xếp đặt 1 toán tiếp tế theo Thiếu Úy Trần Xuân Mỹ vào bờ đi kiếm thức ăn và nước uống. Hắn mang máy truyền tin tình nguyện đi theo. Trong chợ Gò Công chẳng còn ai buôn bán nên toán tiếp tế ghé vào nhà dân, xin ra giếng múc đầy mấy can xăng đựng nước.
Từ 7 giờ chiều ngày hôm đó hắn ngồi áp máy vào tai nghe tin tức. Đến nửa khuya, Trung Tá Lê Hồng cho biết mất liên lạc với Quân Đoàn 4, và có thể đoàn tàu sẽ đi ra đảo Phú Quốc.
2 giờ sáng ngày 1 tháng 5, khi biết không thể chờ đợi thêm tin tức gia đình Trung Tá Đỉnh,Trung Tá Lê Hồng lên máy ra lệnh cho “tất cả zulu.”
Đoàn tàu lênh đênh gần suốt cả ngày thì ra đến hải phận quốc tế. Khi từ buồng lái tàu bước ra, hắn ngạc nhiên nhìn chân trời đen nghịt tàu chiến trong Hạm Đội Số 7 của Hải Quân Mỹ, và tàu chở hàng thương mại. Tự bao giờ, dân Sài Gòn đã lên chật đầy trên những sàn tàu đồ sộ.
Lúc đó hắn chợt biết rằng con đường chinh chiến hắn đi từ gần 3 năm qua đã tới chỗ tận cùng.
Mới ngày nào 5 người lính tân binh nao nức về đơn vị; bây giờ chỉ còn một mình hắn, bồng bềnh trên biển cả, tiếp tục ra đi.

Trung Hậu
Ngày Chiến Sĩ Vô Danh, 2020

Chú thích:
702- Hay còn gọi là Cửu Long Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 9.
701- Tiểu Đoàn Phó
703- Tử thương
Rách áo- Bị thương
Tấp- Xã láng, tapi, tấn công vào vị trí giặc
Zulu- Di chuyển

Không có nhận xét nào: