Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Việt Nam hành quyết Lê Văn Mạnh bất chấp phản đối của các nước phương Tây và gia đình - VOA

 

Tử tù Lê Văn Mạnh tại trại giam ở Thanh Hóa trong một lần được thăm gặp gia đình. Chính quyền Việt Nam cho biết họ đã hành quyết ông hôm 22/9.Chính quyền Việt Nam vừa hành quyết tử tù Lê Văn Mạnh bằng thuốc độc sau hơn 18 năm giam giữ ông bất chấp gia đình kêu oan cho ông và những lời kêu gọi ngừng thi hành án từ các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền trong nhiều năm qua.Gia đình ông Mạnh hôm 25/9 cho VOA biết họ nhận được thông báo việc ông bị thi hành án hôm 23/9 dù gia đình đã và đang đi kêu oan không ngừng nghỉ cho ông, người bị kết án tử hình tội “giết người” và “hiếp dâm”, trong gần hai thập niên qua.

<!>

“Nhận được tin như vậy gia đình cực kỳ sốc, không bao giờ ngờ lại như vậy,” ông Lê Văn Cường, em trai ông Mạnh, nói với VOA và cho biết trong nhiều tháng trước đó gia đình không được thăm gặp anh trai ông tại trại giam ở Thanh Hóa. “Họ giấu, lúc thì bảo là trại có COVID không cho thăm gặp, lúc thì bảo trại đang họp, rồi thì họ lại bảo đang sửa chữa trại. Họ tạo lý do (để) không cho gặp.”

Trong các giấy tờ mà gia đình ông Mạnh nhận được về việc thi hành án mà VOA được xem, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết bản án tử hình ông Mạnh “được thi hành hồi 7 giờ 00 ngày 22 tháng 9 năm 2023.” Thông báo, do gia đình cung cấp, cho biết ông Mạnh đã được chôn cất tại nghĩa trang Chợ Nhàng ở thành phố Thanh Hóa.

Kèm thêm thông báo thi hành án là giấy chứng tử do Ủy ban Nhân dân xã Thu Phong của tỉnh Hòa Bình cấp, trong đó cho biết ông Mạnh “đã chết lúc 08 giờ 45 phút, ngày 22 tháng 09 năm 2023”. Theo trích lục khai tử này, ông Mạnh chết tại “nhà thi hành án tử hình” của Công an tỉnh Hòa Bình, cách Thanh Hóa, nơi ông sinh sống và sau đó được chôn cất, khoảng 150km.

Gia đình Lê Văn Mạnh khóc bên mộ, nơi ông được chôn sau khi bị thi hành án, ở Nghĩa trang Chợ Nhàng ở TP Thanh Hóa.
Gia đình Lê Văn Mạnh khóc bên mộ, nơi ông được chôn sau khi bị thi hành án, ở Nghĩa trang Chợ Nhàng ở TP Thanh Hóa.

Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thi hành án tử hình ông Mạnh hôm 18/9 nhưng theo gia đình cho biết, họ không thông báo thời gian thi hành án. Thông báo này cho gia đình biết họ có thể làm đơn xin nhận tử thi của ông Mạnh với hạn chót vào ngày 21/9. Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của ông Mạnh, hôm 19/9 nói với VOA rằng gia đình bà không chấp nhận quyết định này vì cho rằng con trai bà bị kết án oan.

Vào ngày 20/9, phái đoàn Liên minh châu Âu và các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Na Uy và Anh Quốc đưa ra lời kêu gọi tới chính phủ Việt Nam, yêu cầu họ dừng thi hành án tử hình ông Mạnh. Cùng ngày, nhóm các luật sư ở Hà Nội đại diện cho gia đình ông Mạnh gửi thư tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị đình chỉ việc thi hành án và yêu cầu xem xét lại bản án mà họ cho là có “sai sót” và “vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng.”

Ông Mạnh bị kết án tử hình vào năm 2005, lúc 23 tuổi, vì bị kết tội “hiếp dâm” rồi “giết hại” Hoàng Thị Loan, sinh năm 1991, trong vụ án ở xã Yên Thịnh thuộc huyện Yên Định ở Thanh Hóa. Trong 7 phiên tòa xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, ông Mạnh đều nói mình vô tội. Tòa án Thanh Hóa kết tội ông Mạnh dựa trên lời khai “nhận tội” của ông mà ông nói là ông bị tra tấn và nhục hình để phải nhận tội.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi năm 2015 đã kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép một cuộc điều tra độc lập trước các cáo buộc về việc ông Mạnh bị bức cung để phải nhận tội.

Sau những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và phản đối từ gia đình, án tử hình ông Mạnh được hoãn lại vào cuối năm 2015. Nhưng tử tù này cuối cùng đã bị hành quyết mà gia đình không được biết.

“Vụ hành quyết Lê Văn Mạnh là một ví dụ nổi bật về mọi điều sai trái trong hệ thống tư pháp Việt Nam,” ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW), nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/9, và cho rằng “Việt Nam đang cố che giấu sự thật rằng họ là một trong những quốc gia sử dụng án tử hình nhiều nhất ở châu Á và trên thế giới.”Ông Robertson kêu gọi chính phủ Việt Nam “cần ngay lập tức giảm bớt tất cả các án tử hình để ngăn chặn những vụ xét xử sai lầm này và tiến tới bãi bỏ án tử hình ngay lập tức.”

Trước đó, các phái đoàn ngoại giao của 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu cùng 3 nước Canada, Na Uy và Anh cũng kêu gọi Việt Nam xóa bỏ hình phạt tử hình khi thúc giục chính quyền ngừng thi hành án ông Mạnh, vì cho rằng hình phạt tử hình không có tác dụng răn đe tội phạm hơn hình phạt tù và không thể sửa chữa được nếu có sai sót mà một khi được thi hành.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về lời kêu gọi của các nước phương Tây và đề nghị của các luật sư tới Chủ tịch nước.

Ông Cường cho biết gia đình ông sẽ tiếp tục đi kêu oan cho anh trai ông dù đã bị hành quyết.

“Lời dặn của anh (tôi) là khi con chết rồi thì bố mẹ với các em vẫn phải đi kêu oan cho con,” ông Cường cho biết về lời dặn của anh trai ông với mẹ trong những lần thăm gặp trước đây. “Cái án oan này, nếu họ giết con rồi mà bố mẹ không đi kêu oan cho con, thì bản án oan này cả đời sẽ đi theo con và theo gia đình mình.”

Không có nhận xét nào: