Nhìn tấm hình Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (chắc ở tuổi 80), tác giả của ‘Vòng tay học trò‘ nổi tiếng một thời, kí tặng sách cho các độc giả trẻ tuổi tôi thấy vui trong lòng. Vui là vì sau gần 50 năm thì những tác phẩm văn học kinh điển trước 1975 cũng đến tay các bạn đọc thuộc thế hệ trẻ. Nhưng sự kiện đó cũng làm tôi nhớ lại thời đen tối — vô cùng đen tối — sau 1975. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng kí tặng sách cho độc giả. Nguồn: nguoi-viet.com
<!>
Để biết đen tối ra sao thì bài viết của Phúc Tiến [1] và của Bs Ngô Thế Vinh [2] sẽ cung cấp thêm thông tin về một giai đoạn lịch sử đó. Thỉnh thoảng, có vài bạn trẻ hỏi tôi là hồi sau 1975 có chuyện nhà cầm quyền mới đốt sách hay không. Thoạt đầu, tôi rất ngạc nhiên về câu hỏi vì đó, và tự hỏi ‘sao họ là sinh viên, là bác sĩ, là kĩ sư … mà có vẻ quá ngây thơ, chẳng biết gì về cái thời đau thương đó?’ Phải vài năm sau tôi mới hiểu. Hiểu rồi thông cảm cho họ, vì sự thật đó chưa đến với họ.
Thật ra, ngay từ trong thời còn chiến tranh trong thập niên 1960s, chiến dịch huỷ diệt nền văn nghệ miền Nam đã được bàn đến. Thời đó, mấy văn nghệ sĩ ở miền Bắc cho rằng nền văn học miền Nam tiền 1975 là nền “văn học thực dân mới”. Những nhà phê bình văn học nổi tiếng như Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức đều có những bài viết phê phán nặng nề nền văn học miền Nam. Theo một thống kê của Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, trong thập niên 1954 – 1975 đã có ít nhứt 286 bài viết chửi bới các văn nghệ sĩ và nền văn nghệ miền Nam xuất hiện trên các tuần báo như Học Tập, Thống Nhất, Nghiên cứu nghệ thuật, Văn Nghệ, Tạp Chí Văn Học.
Các nhà cầm trịch văn nghệ mới gọi nền văn học miền Nam nói chung là “đồi trụy hóa con người”, một thứ “văn học phục vụ chính trị phản động”, và nó chỉ “phục vụ xã hội tiêu thụ miền Nam”. Phong Lê và Hoàng Trung Thông có cuốn “Văn học Việt Nam Chống Mỹ, Cứu Nước”, và trong sách, hai vị này gọi Mĩ là “tên sen đầm quốc tế”, là “tên đầu sỏ chủ nghĩa thực dân mới”. Phạm Văn Sỹ thì đánh giá rằng nền văn học miền Nam là thứ “văn chương chống Cộng là thứ văn-chương xảo trá đê hèn nhất của Mỹ – Ngụy ở miền Nam”. Lữ Phương trong “Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mĩ tại miền Nam Việt Nam” gọi các nhà văn hóa và văn-nghệ sĩ miền Nam là “đội quân văn-hóa phản động”, là “tay sai của đế quốc Mỹ”.
Các tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Thuỵ Long, Văn Quang, Thế Uyên, Phan Nhật Nam, Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ được gọi là “độc dược”, “đồi trụy” và “chống cách-mạng một cách có ý thức”.
Sau năm 1975, có hàng loạt cách lên án các văn nghệ sĩ và nền văn nghệ miền Nam trước 1975. Có thể kể vài cuốn sách đáng chú ý như sau (tôi vẫn còn giữa vài cuốn để đọc cho biết):
• Văn hoá văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ Ngụy (hai tập) của Phong Hiền, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Hoa Lục Bình (1977);
• Tiếp tục đấu tranh xoá bỏ tàn dư văn hoá mới của Hà Xuân Trường (1979);
• Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hoá, tư tưởng của Trần Văn Giàu, Nguyễn Huy Khánh, Vũ Hạnh, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phong Hiền, Phan Đắc Lập, Bùi Công Hùng (1980);
• Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam của Lữ Phương (1981);
• Nọc độc văn học thực dân mới của Trần Trọng Đăng Đàn (1983);
• Nọc độc văn hoá nô dịch của Chính Nghĩa (?);
• Những tên biệt kích cầm bút của nhà xuất bản Công an Hà Nội (1986);
• Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ Ngụy của Lê Đình Kỵ (1987);
• Lại bàn về nọc độc văn học thực dân mới Mỹ của Trần Trọng Đăng Đàn (1987);
• Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-1975 (tập 1) của Trần Trọng Đăng Đàn (1988);
• Văn hoá văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam cũng của Trần Trọng Đăng Đàn (1990). Cuốn sách nổi tiếng một thời “Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hoá, tư tưởng” của Trần Văn Giàu, Nguyễn Huy Khánh, Vũ Hạnh, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phong Hiền, Phan Đắc Lập, Bùi Công Hùng (1980).
“Biệt kích văn hoá”
Các nhà phê bình lí luận chế độ mới có vẻ thích chữ ‘biệt kích’. Thật vậy, mệnh đề “biệt kích văn hoá” được dùng làm tựa đề cho 2 cuốn sách lên án các văn nghệ sĩ miền Nam thời trước 1975. Có lẽ các bạn đang nóng lòng hỏi ai là những tên ‘biệt kích văn hoá’ này? Theo danh sách được liệt kê trong cuốn ‘Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hoá, tư tưởng’ (tôi thích cuốn này vì cách viết rỗn rãng của nó) thì những người sau đây nằm trong danh sách:
• Võ Phiến
• Nguyễn Mạnh Côn
• Doãn Quốc Sĩ
• Mai Thảo
• Vũ Khắc Khoan
• Hồ Hữu Tường
• Thích Nhất Hạnh
• Dương Nghiễm Mậu
• Duyên Anh
• Nhã Ca.
Cuốn này dự tính có tập II (nhưng tôi không tìm thấy). Theo dự kiến, tập II sẽ viết về “những tên khác như” (thời đó người ta gọi văn nghệ sĩ miền Nam là ‘tên’):
• Phạm Duy
• Chu Tử
• Tạ Tỵ
• Đinh Hùng
• Thanh Tâm Tuyền
• Phan Nhật Nam
• Văn Quang
• Xuân Vũ
• Thảo Trường
• Hà Huyền Chi
• Tô Văn
• Lê Xuyên …
Còn cuốn ‘Những tên biệt kích cầm bút’ thì đề cập đến những văn sĩ nổi tiếng như:
• Hoàng Hải Thủy
• Dương Hùng Cường
• Lý Thụy Ý
• Nguyễn Thị Nhạn
• Nguyễn Hoạt
• Trần Ngọc Tự
• Khuất Duy Trác (ca sĩ tâm đắc của tôi).
Giới cầm bút cung đình thời đó (Trần Văn Giàu, Nguyễn Huy Khánh, Vũ Hạnh, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phong Hiền, Phan Đắc Lập, Bùi Công Hùng) khi viết về các văn nghệ sĩ trên, họ chỉ có một ngôn ngữ: chửi bới và hạ nhục. Dưới đây là một mẫu ngẫu nhiên từ cuốn sách trên:
• Nhà văn Võ Phiến: “từng bị án tù của cách mạng, hoạt động cầm bút với động cơ hận thù giai cấp.”
• Nhà văn Nhất Linh: “một tay cầm bút phản động trộn lẫn với hoạt động chính-trị phản động mà tên tuổi đã gắn liền với những đảng phái phản động và võ biền, với những vụ tống tiền man rợ năm 1946″.
• Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “sát ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chạy theo chủ ra nước ngoài, vẫn không từ bỏ con đường cũ, cùng một số tên khác tổ chức những hoạt động, nhằm kích động, xúi giục người di tản bất hợp pháp, hòng gây thêm tình trạng khó khăn cho cách mạng.”
• Hồ Hữu Tường: “một tên trốt-kít, ngày trước từng hoạt động chống cách mạng, chống kháng chiến.”
• Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn: “đã từng là tay sai của phát xít Nhật, của bọn Tàu Tưởng và sau hết là ‘sĩ quan đồng hóa’ trong quân đội ngụy.”
• Nhạc sĩ Phạm Duy: “tay sai đắc lực, kẻ phản động đầu sỏ trong lĩnh vực âm nhạc ở miền Nam.”
• Kí giả và nhà văn Chu Tử: “xuất thân từ một gia đình địa chủ lớn.”
• Còn các nhà văn ‘chiêu hồi’ như Xuân Vũ, Phạm Thành Tài, Nguyễn Anh Tuấn, thì được mô tả là “bọn phản động đầu hàng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Những người này vì không chịu được gian khổ, bị bắt, không chịu được sự tra tấn, tù đày đã ly khai tổ chức, rởi bỏ đồng đội quay lưng với kháng chiến, thậm chí có kẻ vì bả lợi danh đã cam tâm làm tay sai cho kẻ thù, chống lại cách mạng, chống nhân dân.”
Và sự trở lại của những “biệt kích văn hoá”
Dĩ nhiên, cái thời hung hăng và đen tối đó đã qua rồi. Một số trong những người hạ bút viết ra những câu chửi bới trên đã về bên kia thế giới. Nạn nhân bị họ lăng nhục cũng đã về bên kia thế giới. Thời này, người ta bắt đầu cảm nhận được ánh sáng văn minh, dần dần biết được cái chân – thiện – mĩ trong văn nghệ, nên những cách chửi thô bạo và vô giáo dục đó không còn nữa (hay giảm đi khá nhiều).
Một thế hệ mới đã hình thành và họ có học tốt hơn thế hệ cha anh. Họ cũng có cái nhìn tỉnh táo và văn minh hơn. Cho nên mới có sự ‘trở lại’ của văn học miền Nam. Tuy nhiên, có người vẫn quen thói láu cá gọi là ‘Văn học đô thị miền Nam’ [3]. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng không đồng ý với chữ ‘trở lại’, vì theo bà ‘trở về’ mới đúng. Bà nói như một nhận định chung của nền văn học đó: “Tôi vẫn sống như không bao giờ phải chết.” Đúng! Nếu nói cho rộng ra, Văn Học Miền Nam vẫn sống như chưa bao giờ phải chết.”
Vậy những ai đã trở về (hiểu theo nghĩa tác phẩm của họ đã được in lại ở trong nước)? Thì đây là danh sách mà tôi biết được:
• Dương Nghiễm Mậu
• Du Tử Lê
• Võ Phiến
• Bình Nguyên Lộc
• Tô Thùy Yên
• Thanh Tâm Tuyền
• Trần Thị NgH
• Nguyễn Thị Thụy Vũ
• Nguyễn Thị Hoàng
• Nguyên Sa
• Mai Thảo
Còn nhiều nữa nhưng tôi không theo dõi và nhớ hết. Thỉnh thoảng lang thang trong các tiệm sách ở Sài Gòn tôi thấy những tác giả quen quen như Nguyễn Văn Trung, Bằng Giang, Vũ Văn Kính, Nguyễn Tôn Nhan, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Thụy Long, Văn Quang, Thế Uyên, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, v.v. Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ ký tặng sách trong buổi ra mắt 10 tác phẩm được tái bản.
Theo tôi, một độc giả, thì văn học miền Nam chẳng đi đâu cả; nó vẫn tồn tại trong cộng đồng dân tộc và trong tâm tưởng của những người thuộc thế hệ tôi. Các ca khúc của Phạm Duy (và của nhiều nhạc sĩ khác) chẳng đi đâu cả, mà vẫn tồn tại trong chúng tôi và các thế hệ trẻ hơn. Vấn đề không phải ‘trở lại’ hay ‘trở về’, mà là ghi nhận. Ghi nhận những đóng góp của các văn ngệ sĩ miền Nam trước 1975 là một bước cần thiết trong quá trình hoà giải dân tộc vậy. Và, hãy bỏ đi cái thói láu cá trẻ con (kiểu Trạng Quỳnh) khi đề cập đến những người thuộc nền văn nghệ miền Nam.
_______
[3] [3] Tôi tự hỏi cái mệnh đề “Văn học đô thị miền Nam” nó xuất phát từ đâu và có ý nghĩa gì. Chẳng thấy nguồn gốc và định nghĩa. Nhưng tôi tìm thấy trong một luận án tiến sĩ của Bùi Tiến Sỹ (Đại học Khoa học Huế) có tựa đề “ĐẶC ĐIỂM TÙY BÚT Ở ĐÔ THỊ MIỀN NAM (1954 – 1975)”. Luận án này viết năm 2016. Như vậy, cách gọi xách mé “Văn học đô thị miền Nam” đã có trước đó, nhưng chẳng ai chú ý?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét