Tiệm hớt tóc Đời Mới – Ông Tư Triều và bạn hữu (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều) - Đầu thập niên 1960, dân cư quanh khu Bàn Cờ thấy có một tiệm hớt tóc được mở ra ở số 405B đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), đoạn giữa chợ Vườn Chuối và đường Cao Thắng. Tiệm có tên là Đời Mới, tuy hẹp bề ngang nhưng có bảng hiệu rất bắt mắt, vẽ ba đầu tóc đàn ông chải bồng kiểu tăn-gô không khác gì những mái tóc của kép Dũng Thanh Lâm, kép Minh Phụng sau này. Trong tiệm có dãy gương kê sát nhau phía bên trái cùng ba ghế tựa. Bên phải có khoảng năm ghế gỗ cho khách ngồi đợi, một bàn nhỏ hình chữ nhật bằng gỗ có ép nhiều tờ tiền giấy xưa dưới tấm kiếng trong suốt.
<!>
Dưới bàn là chồng nhật báo, lúc đó gọi là “nhật trình” … trên cao có vài chậu kiểng be bé và những tấm gương nhỏ hơn để khách ngồi quay lưng phía đối diện có thể thấy được “cái ót” của mình … Tiệm không có gì đặc biệt, nhưng ai nấy đều chú ý vì ở đó thỉnh thoảng lại có tiếng đàn và ca cổ phát ra. Đám con nít rủ nhau đi coi mấy người đờn ca tài tử ở nhà ông Tư Triều tiệm hớt tóc Đời Mới. Ban đờn ca tài tử này, tuy lúc rảnh rỗi mới tụ lại với nhau thôi mà tồn tại rất lâu hơn chục năm. Dấu ấn của nó sâu đậm đến độ đến giờ còn có người vùng Bàn Cờ còn nhắc, dù đã hơn 40 năm trôi qua và các nhân vật chính, phụ trong câu chuyện này hầu như không còn mấy người còn trên đời.
Ông Tư Triều, chủ tiệm hớt tóc Đời Mới vốn dân gốc ở quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa. Về Sài Gòn lập nghiệp giữa thập niên 1950 sau khi gãy đổ cuộc hôn nhân đầu, ông lập gia đình lần nữa và mở tiệm hớt tóc khi vừa có đứa con gái. Tiệm cũng là nhà ở, ông sống cuộc đời bình thường của một người làm dịch vụ cùng với hai người thợ nhưng do có máu văn nghệ, thích cổ nhạc lại có nghề làm nhạc cụ, ông biến tiệm hớt tóc của mình thành nơi đờn ca tài tử những lúc rỗi rảnh. Trên đất Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, những nhóm đờn ca tài tử có ở khắp nơi, lúc đầu là nơi gặp mặt vui chơi đàn hát văn nghệ nhưng dần dà là nơi nuôi dưỡng nghệ thuật ca cổ, là nguồn cung cấp nghệ sĩ cho các gánh hát cải lương miền Nam từ đầu thế kỷ đến lúc đó và cả sau này. Từ hồi trai trẻ, ông đã đam mê cải lương, đờn ca cổ nhạc bên cạnh những thú vui khác như đá gà, đua ngựa, v.v.. Bạn bè ông cũng có người thích tiếng hát, tiếng đờn như bác Năm Trèo ở Hóc Môn, cha của nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh. Trước khi có tiệm hớt tóc, giữa thập niên 50, ông chơi thân thiết với nghệ sĩ tài danh Hữu Phước và danh hài Văn Hường. Lúc đó, họ chưa nổi tiếng, cùng ông mỗi đêm tìm chỗ ca hát cho thỏa. Ông gọi Hữu Phước là Ri, vì ông này có quốc tịch Pháp có tên là Henry và nghệ danh Hữu Phước chưa xuất hiện.
Ông Tư Triều cắt tóc cho một người khách ái mộ cải lương (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)
Khách đến hớt tóc có đủ loại người, già trẻ lớn bé, từ người trong giới bình dân, trí thức, luật sư, cảnh sát, hoặc phục vụ trong quân đội Sài Gòn, có cả một vị bộ trưởng, luật sư Quang ở tòa Thượng thẩm. Ông Tư Triều là người từng trải, lịch duyệt lại có máu nghệ sĩ nên có khiếu ăn nói, chuyện chính trị, xã hội, cải lương nhất là mấy loại nhạc cụ trong ngành cổ nhạc .. hầu như ông đều có hiểu biết sâu. Ông lại biết sửa chữa nhạc cụ. Thoạt đầu, ông tìm mua lại những cây đờn cũ, mang về chỉnh sửa lại theo ý mình và sau đó đưa cho mấy bạn bè trong nhóm đờn ca dùng thử. Đến khi cứng tay nghề rồi, ông đến xưởng gỗ bên Chánh Hưng (quận 8) đặt từng thanh gỗ có kích thước hẳn hoi để làm cần đờn, mặt đờn. Có khi tìm cho được gỗ của cây ngô đồng nhập từ bên Tàu qua đường Cam pu chia … Về nhà, ông tiếp tục gọt dũa từng chút một rất công phu ngày này qua ngày kia. Ông còn tự chế keo dán gỗ, mua dây đàn nhập từ Tây Đức … Khi đàn hình thành, ông đem đi cẩn ốc xà cừ. Ông cầu kỳ đến mức mua đàn tranh, thấy 16 “con nhạn” (miếng gỗ kê dây đàn) của đàn không đẹp, ông đặt luôn những miếng gỗ hình tam giác và mang về gọt dũa thành những “con nhạn” mới để thay vào. Ông có đủ thứ đồ nghề để chế tác những miếng gỗ vô tri đó thành những nhạc cụ cổ nhạc hảo hạng.
Từ khi nhóm đờn ca tài tử của ông bắt đầu tụ lại, khách đến đông thêm ngoài những người đến cắt tóc thường xuyên lâu nay. Những người thường ghé chơi là mấy thầy dạy bên trường Quốc gia âm nhạc là bác Hai Khuê, bác giáo Thinh và bác bác Bảy Hàm. Nhạc sĩ Vĩnh Bảo, nghệ sĩ tiền phong Duy Lân (nghệ sĩ đoàn Cải lương Kim Thoa, lúc đó đã bị mất một chân phải đi chân giả sau đêm diễn vở tuồng Lấp sông Gianh bị ném lựu đạn ở rạp Nguyễn Văn Hảo), bác nghệ nhân nổi tiếng Mười Phú, chú Mười Hoa (nhạc phụ nghệ sĩ Viễn Sơn), nhạc công nổi tiếng Văn Giỏi, anh Minh Hữu nghệ sĩ đờn kìm, bác Tư Tuất (nghệ sĩ đờn cò một thời cho gánh Hương Mùa Thu, thân phụ các nghệ sĩ Hoài Dung, Hoài Mỹ) .v.v. .. Trong số đó, ông Tư Triều thương anh Minh Hữu vì có tài và khiêm tốn, luôn ăn mặc nho nhã với sơ mi trắng và đeo kính cận. Sau này, khi gánh hát Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há lên ti vi, bà mời anh Minh Hữu chơi đờn kìm cho tuồng của bà và ông Tư Triều rất sung sướng khi nhìn thấy cây đờn kìm do ông làm được Minh Hữu dùng biểu diễn trên ti vi.
Hầu hết họ đều là các nghệ sĩ chơi đờn, chỉ có vài giọng ca là anh Biện (hay Biền) to cao nhưng tánh khiêm tốn, hiền lành. Một giọng khác là anh Ngọc, đẹp trai còn hơn nghệ sĩ với mái tóc chải ép, ca rất hay. Bài bản các anh ca khá lạ, rất khó ca và ít được dịp nghe trong tuồng cải lương trên sân khấu hay truyền hình … Ngày đó không dễ gì liên lạc nhau nhưng không hiểu sao mấy nghệ sĩ tài tử này «đụng» nhau thường xuyên ở tiệm Đời Mới như đã hẹn nhau từ trước vậy. Anh Ngọc, giọng ca chính của ban nhạc đang mặc quân phục làm việc, chạy xe ngang thấy xôm tụ, cũng ghé vào chào hỏi, ca luôn mấy bài rồi vội vã đi. Mỗi tuần ông Tư Triều đều dành một buổi chơi đờn hay hòa đờn với nhau. Lâu lâu vào buổi tối ông mời bạn bè lên gác hát xướng, hòa điệu suốt buổi tối cho đến khuya. Những lúc như vậy, vợ con ông ở dưới nhà, lâu lâu thì “sấp nhỏ” chạy mua thức ăn thức uống cho cha. Bà Tư niềm nở hiếu khách nên bạn bè ông Tư không ngại. Khách đến chơi, hứng thú khi nhìn chung quanh tiệm treo đầy những cây đờn. Ở nhà sau treo trên hai bên vách hơn 30 loại nhạc cụ khác nhau (kìm, cò, tranh, sến, guitar, gáo, đản), có cây vĩ cầm trong chiếc hộp gỗ thiệt đẹp, bên trong lót vải nhung đỏ rực. Nhiều cây đờn kìm, đờn tranh cẩn xà cừ hình «bát tiên quá hải”, “mai lan cúc trúc”, “ngư tiều canh mục” … rất đẹp. Đó là tất cả gia tài và niềm đam mê của ông Tư Triều, hiếm khi hoặc không bao giờ ông muốn bán, chỉ cho mượn đi đàn ở gánh hát.
Ngày Tết mỗi năm thì không tổ chức đờn ca vì cả nhà phải về quê thăm họ hàng. Chỉ có từ mùng 2 trở đi, bạn bè trong hội mới ghé chúc Tết và nếu hứng lên thì chơi vài bản khai xuân.
Chú bé Tâm, con trai út của ông Tư Triều nay đã ở tuổi năm mươi, sinh sống tại Đức còn nhớ những ngày vui đầu thập niên 1970 khi mới lên bảy tuổi. Lúc đó, cuộc sống còn dễ thở, khách đến đông và giới đờn ca tài tử thường xuyên đến góp vui. Mỗi lần tụ họp thường từ 9, 10 giờ sáng đến quá trưa rồi ai về nhà nấy. Khách qua đường thường đứng lại xem, khi có người ca luôn đông người xem hơn chỉ có hòa tấu đờn. Có chị hàng xóm dắt con đến cắt tóc, thấy hòa đờn cũng xin ngồi vào ca vài bài, rất đúng nhịp trong khi đợi cậu con trai cắt tóc xong. Các chú các anh ít khi ca bài vọng cổ mà thường ca những bài bản cổ, khó hơn như Tây Thi, Lưu Thủy Trường, Xàng Xê, Tứ Đại Oán … Những bài đó, tuy giới nghệ sĩ chuyên nghiệp thỉnh thoảng vẫn ca trên ti vi, đài phát thanh nhưng khi nghe các ông đờn ca tài tử ở nhà mới thấy thấm làm sao giữa tiếng đờn réo rắt, luôn mang âm hưởng trầm buồn … Anh Ngọc, giọng ca chính có bài ca “Phù Đổng Thiên Vương”, không nhớ điệu gì nhưng cách thể hiện rất hào hùng. Câu cuối cùng anh ca: “ … phi ngựa lên núi Sóc Sơn”, kết thúc quá đẹp, dứt nhịp song lang ai cũng tấm tắc. Ông Tư Triều thỉnh thoảng cũng góp giọng, dù hơi yếu nhưng điệu ca cũng lạ tai, khá vững nhịp.
Nhóm đờn ca tài tử ở tiệm hớt tóc Đời Mới (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)
Tâm còn nhớ nghệ sĩ Duy Lân thường chở học trò cưng Ngọc Hoa (bây giờ là nghệ sĩ Thoại Miêu) đến chơi. Thầy bảo hát bài gì chị cũng răm rắp nghe lời. Chị ca thiệt là hay, nhịp nhàng tuyệt vời. Có lần, tàn cuộc thầy dắt chiếc xe Mobilette ra về, xe đạp hoài không nổ. Thầy bảo: “phụ thầy đẩy đi con !” là chị lập tức cột hai vạt áo dài trắng tinh, cong lưng đẩy ngay. Xe nổ và chị tót ngay trên xe, ai nhìn thấy cảnh ấy cũng thương cô học trò rất vâng lời và thương ông thầy. Một lần duy nhất Tâm chứng kiến ông Tư Triều đồng ý bán cây đàn do ông chế tác. Số là trong số khách đến hớt tóc có anh trung tá X., luôn đi bằng xe Jeep (công vụ) có tài xế đưa đón. Anh này thích tiếng của cây đờn tranh, dường như có mướn thầy về dạy riêng ở nhà. Anh kính mến ông Tư, nhiều khi tóc chưa dài cũng ghé đến cắt, cạo râu, lấy ráy tai chỉ để nói chuyện với ông. Anh mê một cây đờn tranh cẩn xà cừ rất đẹp của ông và sau nhiều lần thuyết phục, anh được ông Tư đồng ý đổi chiếc đờn lấy một cái Ti vi hiệu Sanyo 17 inches mới toanh, giá thị trường lúc ấy là 90.000 đồng tiền thời đó. Hẳn ông cũng quý anh bạn trẻ và cũng muốn có ti vi cho vợ con xem cải lương nên chấp nhận cho cây đờn ra đi.
Ông Tư Triều tiếp bạn trong tiệm hớt tóc Đời Mới (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)
Từ năm 1973, tiệm hớt tóc Đời Mới dần vắng khách. Kinh tế lúc đó bắt đầu đi xuống do người Mỹ rút đi. Chính quyền đặt ra loại thuế T.V.A (trị giá gia tăng), ngoài thuế môn bài. Tất cả những cửa tiệm kinh doanh đều phải kê khai từ ngày thành lập cho đến thời điểm hiện tại và phải đóng cho chính phủ mộ số tiền khổng lồ từ năm 1960 đến 1973. Nếu không thì dẹp tiệm, nhưng trước khi dẹp cũng phải đóng đủ số tiền đó. Ông Tư Triều bảo: “nếu gom tiền để dành bấy lâu nay đóng thuế thì nhà không còn gì để sống” nên quyết định đóng cửa tiệm. Giữa 1974 ông lui về quê Củ Chi cất cái “nhà” lá nhỏ vách đất để trồng rau nuôi gà và cắt tóc cho dân quang vùng tạm mưu sinh, cuối tuần lại về Sài Gòn thăm vợ con. Sống một mình, ông lấy tiếng đờn làm vui để nhớ lại thời huy hoàng, tuy không giàu tiền bạc nhưng đầy lời ca tiếng nhạc thỏa mãn chất nghệ sĩ sâu đậm trong ông. Mấy mươi năm theo tiếng đờn ca của những ban nhạc tài tử, ông gặp đủ loại người. Có những nghệ sĩ danh tiếng biết nhau từ thuở hàn vi, được ông chở đi hát trên chiếc xe vespa. Ông không bao giờ gặp lại họ nữa từ khi họ nổi danh, thậm chí còn không nhận ra ông là người quen. Ông nói với Tâm khi nhắc đến một danh ca cải lương: “Hắn còn thiếu ba mấy cặp vỏ xe vespa”. Đó là lý do ông không thích đến rạp hát nữa. Nhóm đờn ca tài tử, nơi quy tụ những người có máu nghệ sĩ, cùng ngân nga đàn hát những bài ca cổ đề cao nhân hiếu tiết nghĩa, và cũng là nơi lui tới của những người “vui đâu chầu đấy”, nên điều đó không có gì lạ.
Đến năm 1979, Tâm gặp lại anh trung tá năm xưa từng mua cây đàn tranh khi anh tìm đến. Anh tiều tuỵ và sạm nắng đi nhiều, nhưng vẫn nhận ra được. Anh bảo lâu ngày quá không gặp, muốn thăm ông Tư. Anh buồn buồn chia tay khi biết tin ông đang ở Củ Chi và vội vã đi như đang lo lắng điều gì. Từ đó, Tâm không gặp lại anh nữa từ gần bốn mươi năm nay. Sau đó vài năm, ông Tư Triều mất vì tai biến lúc Tâm đã ra nước ngoài. Ông không gặp được đứa con út mê cổ nhạc như ông, đứa con đã từng khiến ông có lúc hạnh phúc khi nghe tin con đậu hạng cao vào ngôi trường Nam trung học lừng lẫy nhất miền Nam, trường Petrus Ký.
Anh Tâm kể rằng dù hồi nhỏ chỉ nghe ba và các chú đàn hát, đến giờ khi nghe tiếng rao của cây đàn kìm, tranh hay sến, anh có thể cảm được âm thanh nhạc cụ nào hay hay dở hoặc độ ấm nhiều hay ít, nhạc công nào chơi hay hay dở. Anh cho rằng đó không phải là tài năng, chỉ nhờ nghe nhiều mà biết. Anh nhớ lời nghệ sĩ Mỹ Châu nói với anh: “Có nhiều tiếng rao đàn (*) mới nghe đã chảy nước mắt, và mình sẽ thăng hoa theo, sẽ ca rất muồi. Có nhiều tiếng rao mới nghe qua nước mắt đã dội ngược về tim”. Tâm tin là ban nhạc đờn ca tài tử do người cha có máu nghệ sĩ của anh đã nhiều lúc làm được điều đó, nên mới thu hút những tên tuổi đến tụ hội đàn hát trong căn nhà phố bé xíu bề ngang 2,2 m của mình. Ông Tư Triều và ban đờn ca tài tử của ông chỉ là một mảnh nhỏ xíu trong đời sống văn hóa của người dân Sài Gòn – Gia Định. Họ có thể vô danh hay hữu danh, yêu lời ca tiếng nhạc bằng tâm hồn rộng mở, hồn nhiên và tình cờ góp phần tạo nên mạch ngầm chảy âm ỉ nhưng đủ sức nuôi dưỡng vốn văn hóa cổ của ông bà lưu giữ, từ thời mở cõi vô Nam.
(*): Mỗi khi muốn bày tỏ tâm tình và trước khi vô vọng cổ, người hát thường hay “nói lối” .. hơi giống ngâm thơ một chút, nhưng có hướng bi thảm hơn. Tiếng đàn dạo lên hoà với giọng ngâm nga của người nghệ sĩ , giúp người hát và tiếng ca được thăng hoa khi người Nghệ sĩ xuống câu vọng cổ (gọi là xuống hò) ..
(tác giả Phạm Công Luận chấp bút)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét