Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Bản Tin hai ngày 28+29 Tháng 92023 - MHP

Tòa Bạch Ốc giải thích về những tờ ngân phiếu từ Trung Quốc được gửi đến tư gia của TT Biden Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc ám chỉ rằng ông Hunter Biden lúc đó đang sống ở Delaware, trong khi đó, các phóng viên chỉ ra những hồ sơ tòa án chứng tỏ ông ấy đã ở California.
Từ trái qua phải: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Đệ nhất phu nhân Jill Biden, ông Hunter Biden, và bà Ashley Biden tham dự một sự kiện tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, Pennsylvania, hôm 15/05/2023. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)
<!>
Catherine Yang

Thứ năm, 28/09/2023
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc phụ trách giám sát và điều tra Ian Sams giải thích lý do ông Hunter Biden sử dụng địa chỉ tư gia của cha mình ở Wilmington, Delaware, để nhận các khoản tiền từ Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Trung Quốc Lý Tường Sinh (Jonathan Li).

“Hãy tưởng tượng khi họ lập luận rằng, nếu một người nào đó ở nhà cha mẹ mình trong thời kỳ đại dịch, và ghi đó là địa chỉ thường trú để làm việc, và nhận tiền lương, thì bằng cách nào đó cha mẹ họ cũng là đang làm việc cho người chủ đó,” ông viết trên X, trước đây là Twitter. “Thật điên rồ. Tuy nhiên, đây lại là điều mà các thành viên Đảng Cộng Hòa cực đoan ở Hạ viện đã chìm đắm vào.”

Trong một bài đăng khác, ông nói rằng những tuyên bố cho rằng tổng thống nhận tiền từ Trung Quốc là một “lời nói dối trắng trợn.”

Câu nói này được đưa ra để đáp lại lời tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm Giải trình Hạ viện, Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky).

Ông Comer đã đưa ra tuyên bố cáo buộc Tổng thống Biden nói dối công chúng Mỹ khi nói rằng gia đình ông chưa bao giờ nhận tiền từ Trung Quốc.

Tuyên bố của ông Sams cho thấy các tờ ngân phiếu đã được gửi đến ông Hunter Biden, người đang cư trú tại địa chỉ ở Delaware nói trên. Tuy nhiên, các tài liệu tòa án (pdf) do nhóm pháp lý của ông Hunter Biden đệ trình để phục vụ cho một thỏa thuận nhận tội hiện đã hủy bỏ cho biết vào năm 2019 ông đang sống ở California.

Những tài liệu đó nói rằng từ năm 2017 đến năm 2019, ông Hunter Biden làm việc trong hội đồng quản trị của một công ty năng lượng Ukraine và một quỹ đầu tư tư nhân Trung Quốc, nơi đã trả cho ông hàng triệu dollar tiền bồi thường. Tài liệu viết rằng ông Biden chuyển đến Los Angeles hồi năm 2018 khi tình trạng nghiện ma túy của ông trầm trọng thêm, rồi tiếp tục kiếm và tiêu số tiền lớn kiếm được thông qua công việc tư vấn của mình. Và đến tháng 05/2019, ông Hunter đã thoát khỏi tình trạng nghiện, và “ở lại California” mùa hè năm đó, dành phần lớn thời gian để vẽ tranh và hoàn thiện cuốn hồi ký của mình.
Ông Joe Biden có tham gia không?

Khi đang tranh cử tổng thống, ông Joe Biden đã bác bỏ những tuyên bố nói ông hoặc con trai ông kiếm tiền từ Trung Quốc.

Tổng thống cũng đã bác bỏ những tuyên bố trong năm nay, khi các cuộc điều tra con trai ông được công khai, rằng ông biết mọi điều về hoạt động kinh doanh của con trai mình.

Năm 2019, The New Yorker đưa tin ông Hunter Biden đã giới thiệu ông Lý với cha mình khi phó tổng thống có chuyến công du Trung Quốc vào năm 2013. Ông Lý đã thành lập quỹ đầu tư Trung Quốc BHR sau khi ký một thỏa thuận với Rosemont Seneca, công ty tư vấn mà ông Hunter Biden từng làm việc.

The New York Post cũng phát hiện ra rằng ngay sau khi Phó Tổng thống Biden rời nhiệm sở, ông đã viết thư giới thiệu vào đại học cho con trai và con gái ông Lý.

Các bức thư điện tử mà Fox News thu được tiết lộ rằng ông Lý đã liên lạc với ông Hunter Biden và các đối tác kinh doanh của ông tại Rosemont Seneca để xin lời khuyên và giúp đỡ cho con trai ông để nộp đơn vào Đại học Brown, Cornell, và NYU.

Cẩm An lược dịch


Báo cáo của CDC: Có thể hàng triệu người Mỹ đã bị bệnh COVID kéo dài

Theo một báo cáo của CDC, khoảng 7% người trưởng thành ở Hoa Kỳ, tương đương khoảng 18 triệu người, cho biết họ bị bệnh COVID kéo dài.
Trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tại Atlanta vào ngày 23/04/2020. (Ảnh: Tami Chappell/AFP qua Getty Images)
Jack Phillips
Thứ năm, 28/09/2023

Theo một báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố hôm thứ Ba (26/09), khoảng 7% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết họ bị bệnh COVID kéo dài sau khi nhiễm COVID-19.

Báo cáo của CDC cho thấy trong một cuộc khảo sát hồi năm ngoái (2022), khoảng 6.9% người Mỹ trưởng thành cho biết họ trải qua bệnh COVID kéo dài, và khoảng 3.4% người trưởng thành cho biết họ hiện đang phải chịu đựng bệnh COVID kéo dài khi cuộc khảo sát được thực hiện. Dựa trên dữ liệu Điều tra dân số Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa là khoảng 18 triệu người trưởng thành có thể nhiễm phải một loạt các triệu chứng.

Các định nghĩa về COVID kéo dài thì khác nhau, nhưng có thể được mô tả là một tập hợp các triệu chứng kéo dài khoảng ba tháng hoặc lâu hơn sau khi nhiễm COVID-19. Báo cáo hôm thứ Ba của CDC xác định đây là các triệu chứng kéo dài trong ít nhất ba tháng, nhưng hồi tháng Tám, cơ quan này đã xác định COVID kéo dài là có các triệu chứng kéo dài bốn tuần hoặc lâu hơn.

Báo cáo của CDC nêu rõ: “Những người đã nhiễm COVID-19 có thể tiếp tục có các triệu chứng hoặc phát triển các triệu chứng mới vài tháng sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Điều này có thể dẫn đến những tác động lâu dài về sức khỏe và kinh tế đối với những người bị ảnh hưởng và đối với xã hội.”

Báo cáo cũng cho biết “ước tính tỷ lệ nhiễm bệnh ở nữ giới cao hơn so với nam giới, người trưởng thành ở độ tuổi 35–49 cao hơn so với các nhóm tuổi khác, và người trưởng thành sống ở nhiều vùng nông thôn cao hơn so với những người sống ở các khu vực đô thị lớn ở trung tâm.”

CDC cho biết, “Ước tính tỷ lệ nhiễm bệnh ở người gốc Á Châu trưởng thành thấp hơn so với các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác,” và bệnh COVID kéo dài được ước tính là thấp hơn ở “những người trưởng thành có thu nhập gia đình từ 400% mức nghèo liên bang trở lên so với những người có thu nhập từ 200% đến 399% mức nghèo liên bang.”
‘Những điều nguy hiểm’ về bệnh COVID kéo dài được tiết lộ

Trong khi đó, một phân tích mới được công bố trên tạp chí BMJ cho thấy có một số “điều nguy hiểm” với nhiều nghiên cứu về bệnh COVID kéo dài.

Các nhà nghiên cứu, do nhà nghiên cứu Tracy Beth Hoeg của Đại học San Francisco dẫn đầu, đã viết: “Tỷ lệ cao về bệnh COVID kéo dài hoặc di chứng hậu cấp tính của COVID-19 (PASC) tiếp tục được đưa tin trên các tạp chí học thuật và sau đó được tiết lộ ra công chúng” và kết luận rằng một số ấn phẩm và cơ quan đánh giá quá cao tình trạng này do “các định nghĩa rộng quá mức, thiếu nhóm đối chứng, nhóm đối chứng không phù hợp, và các sai sót khác về phương pháp.”

Họ nói thêm rằng vấn đề này “bị phức tạp hơn bởi việc đưa các nghiên cứu được thực hiện sơ sài vào các đánh giá và phân tích tổng hợp có hệ thống đã cường điệu hóa mối nguy hiểm này. Những nhà nghiên cứu này đã viết rằng, do thực hiện sơ sài, vấn đề này đã “được giới truyền thông và mạng xã hội cung cấp cho công chúng, làm dấy lên sự quan tâm và lo lắng quá mức” về bệnh COVID kéo dài.

Một nhân viên y tế đang lấy dịch mũi để xét nghiệm COVID-19 tại địa điểm lái xe qua ở Ottawa vào ngày 20/09/2020. (Ảnh: The Canadian Press/Justin Tang)

Một nghiên cứu của Na Uy về trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 15 đã sử dụng một định nghĩa sửa đổi về những gì tạo thành bệnh COVID kéo dài. Những nhà nghiên cứu lưu ý rằng nghiên cứu phát hiện có sự tương đồng giữa nhóm bệnh COVID kéo dài và nhóm đối chứng.

Họ cũng nhận thấy: “Khi giới hạn các nghiên cứu ở những nghiên cứu có định nghĩa [về bệnh COVID kéo dài] có thể chấp nhận được và các biện pháp kiểm soát phù hợp, thì chúng tôi nhận thấy có rất ít hoặc không có sự khác biệt về tỷ lệ các triệu chứng dai dẳng được báo cáo ở trẻ em vào khoảng 4 tuần hoặc ở người lớn dưới 50 tuổi vào khoảng 12 tuần sau khi nhiễm bệnh so với các nhóm đối chứng.”
Thêm ngân sách liên bang được phân bổ

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS), báo cáo của CDC được công bố chỉ vài ngày sau khi chính phủ liên bang trao khoản tài trợ trị giá khoảng 45 triệu USD để giúp các phòng khám điều trị bệnh COVID kéo dài phát triển các mô hình săn sóc mới và mở rộng khả năng tiếp cận.

Bộ này cho biết chín phòng khám sẽ nhận được khoản tài trợ 1 triệu USD hàng năm trong vòng 5 năm tới thông qua Cơ quan Nghiên cứu và Chất lượng Y tế thuộc HHS.

“Chính phủ Biden-Harris đang tài trợ cho bệnh nhân, bác sĩ, và người chăm sóc bằng cách cung cấp các biện pháp thực hành tốt nhất dựa trên cơ sở khoa học để điều trị bệnh COVID kéo dài, duy trì khả năng tiếp cận bảo hiểm, và bảo vệ quyền của người đi làm khi họ quay trở lại làm việc trong khi đối phó với những bất ổn về bệnh tật của họ,” Bộ trưởng HHS Xavier Becerra cho biết hồi tuần trước.

Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để tăng số lượt thăm khám trực tiếp và qua mạng, thành lập các phòng khám vệ tinh mới, và một sáng kiến giáo dục nhằm tăng thêm những lượt chuyển tuyến. Kiến thức hạn chế và sự chấp nhận của các bác sĩ lâm sàng đã góp phần gây ra sự chậm trễ trong chẩn đoán và chuyển tuyến.

Nghiên cứu đang được tiến hành với các phương pháp điều trị. Viện Y tế Quốc gia đang tiến hành chương trình RECOVER trị giá 1.15 tỷ USD, vốn khởi động hai thử nghiệm lâm sàng hồi tháng Bảy để đánh giá ít nhất bốn phương pháp điều trị tiềm năng.
Dữ liệu mới

Đầu tuần này, CDC đã công bố dữ liệu cho thấy số ca nhập viện do COVID-19 đã giảm 4.3% trong tuần kết thúc vào ngày 16/09, sau nhiều lần gia tăng liên tiếp số ca nhập viện được báo cáo vì loại virus này. Mặc dù có sự gia tăng mới trong số ca nhiễm COVID-19 trong những ngày gần đây, nhưng những phương hướng của CDC cho thấy sự gia tăng thấp hơn nhiều so với “những đợt nhiễm tăng vọt” loại bệnh đường hô hấp này trong những năm trước.

Theo bộ phận theo dõi của CDC, biến thể EG.5, hay “Eris”, chiếm khoảng 24.5% tổng số ca nhiễm COVID-19. Và biến thể FL.1.5.1, được gọi là Fornax, được ước tính là nguyên nhân gây ra khoảng 13.7% số ca nhiễm COVID-19, theo CDC.Bản tin có sự đóng góp của Reuters

Hoa Kỳ cho phép công dân Israel đến Hoa Kỳ được miễn thị thực khi Israel được vào nhóm những quốc gia chọn lọc

Tổng thống Joe Biden gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) tại New York hôm 20/09/2023. (Ảnh: Susan Walsh/AP Photo)
The Associated Press
Thứ năm, 28/09/2023

WASHINGTON—Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang cho Israel vào một nhóm những quốc gia chọn lọc trong đó công dân của họ được phép đến Hoa Kỳ mà không cần xin thị thực trước.

Quyết định này được công bố hôm thứ Tư (27/09) đánh dấu một thành tựu lớn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người thường xuyên đấu khẩu với chính phủ Tổng thống (TT) Biden.

Theo chương trình miễn trừ này, kể từ ngày 30/11, chỉ cần ghi danh với Hệ thống Điện tử Cấp phép Du lịch là người Israel sẽ có thể đến Hoa Kỳ với mục đích công tác hoặc giải trí trong tối đa 90 ngày mà không cần thị thực.

Israel đã phải đối mặt với thời hạn chót vào ngày thứ Bảy (30/09), ngày kết thúc năm ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ, để được nhận vào chương trình mà không cần phải tái thẩm định để đủ điều kiện vào năm tới.

Bộ An ninh Nội địa quản lý chương trình này, hiện cho phép công dân của 40 quốc gia chủ yếu là châu Âu và châu Á đến Hoa Kỳ trong ba tháng mà không cần thị thực.

Bộ trưởng Alejandro Mayorkas cho biết sau hơn một thập niên phối hợp, thỏa thuận này “sẽ tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia về chống khủng bố, thực thi pháp luật, và các ưu tiên chung khác của chúng ta” và giúp các đồng minh an toàn hơn.

Trong một tuyên bố chung với ông Mayorkas, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đề cập đến việc nâng cao “quyền tự do đi lại cho công dân Hoa Kỳ, bao gồm cả những người sống ở Lãnh thổ Palestine hoặc đi du lịch đến và đi từ những nơi này.”

Việc Israel được gia nhập chương trình miễn thị thực đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo liên tiếp của Israel.

Tại Israel, ông Yair Lapid, cựu thủ tướng Israel, hiện là người đứng đầu phe đối lập, đã ca ngợi “tin tốt cho Israel.” Cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett cảm ơn Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nói rằng ông “đã làm tốt việc giữ lời hứa của mình.”

“Sắp tới các quý vị, những công dân Israel, sẽ không cần phải xếp hàng chờ đợi tại đại sứ quán ở Tel Aviv nữa,” ông Bennett nói thêm trên nền tảng X, trước đây gọi là Twitter.

Các quốc gia muốn tham gia chương trình thị thực phải đáp ứng ba tiêu chuẩn quan trọng.

Israel đã đáp ứng được hai trong số những tiêu chuẩn đó trong hai năm qua: tỷ lệ người Israel nộp đơn xin thị thực và bị từ chối ở mức thấp và tỷ lệ người Israel ở lại quá hạn thị thực ở mức thấp. Israel đã phải chật vật để đáp ứng được điều kiện thứ ba, vì đặc quyền giữa hai nước, về căn bản có nghĩa là tất cả công dân Hoa Kỳ, bao gồm cả người Mỹ gốc Palestine, phải được đối xử bình đẳng khi đi đến hoặc qua Israel.

Với lý do an ninh quốc gia, Israel từ lâu đã có các yêu cầu nhập cảnh và quy trình sàng lọc riêng biệt đối với người Mỹ gốc Palestine. Người Mỹ có giấy tờ cư trú là người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza phần lớn bị cấm sử dụng phi trường quốc tế của Israel. Thay vào đó, giống như những người Palestine khác, họ buộc phải đi qua Jordan hoặc Ai Cập để tới điểm đến.

Các quan chức Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng tình trạng của Israel trong chương trình này sẽ được theo dõi liên tục và nếu như nước này không tuân thủ, thì tình trạng miễn thị thực đặc biệt có thể bị thu hồi.
Cẩm An biên dịch


Người tố cáo của IRS đưa ra chi tiết cụ thể về khoản nợ thuế của ông Hunter Biden

Ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Joe Biden, rời Tòa nhà Liên bang J. Caleb Boggs và Tòa án Hoa Kỳ ở Wilmington, Delaware, hôm 26/07/2023. (Ảnh: Mark Makela/Getty Images)
Jackson Richman

Thứ năm, 28/09/2023
Theo một tài liệu mà người tố cáo của IRS cung cấp, ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Joe Biden, đã nợ chính xác 6,544,362 USD trong tổng thu nhập chịu thuế chưa khai báo hoặc tổng số thuế không được đóng đúng hạn từ năm 2015 đến năm 2019.

Tài liệu đó chỉ là một trong nhiều tài liệu được Ủy ban Tài chính và Thuế vụ công bố hôm 27/07, cho thấy ông Hunter Biden không đóng hàng triệu USD tiền thuế dẫn đến các đề nghị về cáo buộc hình sự, bao gồm trốn thuế và khai thuế sai sự thật.

Theo một trong hàng chục tài liệu IRS mà người tố cáo từ IRS Joseph Ziegler đưa ra, ông Hunter Biden đã không khai báo khoản thuế 335,265 USD vào năm 2014 và 267,269 USD vào năm 2018. Ngoài ra, ông Hunter Biden nợ 124,845 USD tiền thuế bổ sung vào năm 2014 và 106,945 USD tiền thuế bổ sung vào năm 2018.

Theo một tài liệu khác mà ông Ziegler cung cấp cho ủy ban, từ năm 2015 đến năm 2019, ông Hunter Biden đã không khai báo gần 5 triệu USD tiền thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp. Đồng thời, ông Hunter Biden đã đóng không đúng hạn hơn 1.56 triệu USD tiền thuế.

Vấn đề về thuế của ông Hunter Biden chỉ là một phần nhỏ trong số các tài liệu do ủy ban này công bố, qua đó họ cho rằng có một âm mưu lớn hơn: Con trai tổng thống đã lợi dụng ảnh hưởng của gia đình mình, đặc biệt là cha mình, để gia đình này thu lợi — trong đó có lợi ích từ các tổ chức ngoại quốc như Trung Quốc. Hôm 27/09, Ủy ban đã biểu quyết với kết quả theo quan điểm đảng phái để thông qua việc công bố các tài liệu.

Chủ tịch ủy ban, Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri) cho biết trong một tuyên bố: “Những tài liệu này cho thấy mối liên hệ rõ ràng hơn giữa ông Joe Biden, cơ quan công quyền của ông ấy, và kế hoạch lợi dụng tầm ảnh hưởng để trục lợi trên toàn cầu của ông Hunter Biden, đưa đến khoản thanh toán hơn 20 triệu USD cho gia đình Biden.”

Ông nói: “Ngoài việc Phó Tổng thống đương thời Joe Biden tham dự bữa trưa và nói chuyện qua điện thoại với các đối tác kinh doanh của con trai ông, các chi tiết được công bố hôm nay đã vẽ nên một bức tranh toàn diện hơn về cách văn phòng phó tổng thống của ông Joe Biden đóng vai trò quan trọng đối với các kế hoạch kinh doanh của gia đình Biden.”

“Bằng chứng này cho thấy rõ ràng rằng công việc của ông Hunter Biden là rao bán ‘thương hiệu’ Biden, và sự tiếp cận với Tòa Bạch Ốc là tài sản quý giá nhất của gia đình ông ấy — bất chấp những tuyên bố chính thức phủ nhận việc làm đó.”

Ủy ban cho biết trong một thông cáo báo chí rằng “cả người em trai của Tổng thống Biden [tức ông James Biden] lẫn nhân viên kế toán thuế của ông Hunter Biden đều tuyên bố trong các cuộc thẩm vấn với các nhà điều tra liên bang rằng một số phần trong tờ khai thuế năm 2018 của ông Hunter Biden là không trung thực, qua đó bổ sung thêm bằng chứng cho thấy thân phận là con trai Tổng thống Hoa Kỳ của ông [Hunter] đã đóng một vai trò trong thỏa thuận nhận tội được ưu ái của ông ấy.”Thanh Nguyên lược dịch

Ông James Biden khai với FBI rằng ông đã cố gắng giúp các nhà đầu tư Trung Quốc mua cơ sở của Hoa Kỳ

Em trai của tổng thống đã mời chào công ty năng lượng Trung Quốc trong một thỏa thuận ‘đổi đời’ để bán cho họ một cơ sở khí đốt.
(Từ trái sang phải) Ông Mark Gitenstein, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Romania, Finnegan James Biden, cháu gái của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ông Joe Biden và bà Libby Gitenstein, vợ của ông Mark Gitenstein, đến Phi trường Quốc tế Henry Coanda ở Bucharest vào ngày 21/10/2009. (Ảnh: Daniel Mihailescu/AFP qua Getty Images)
Catherine Yang

Thứ năm, 28/09/2023
Khi được thẩm vấn trong một cuộc điều tra hồi năm ngoái, ông James Biden nói với FBI rằng ông đã trình bày với các nhà đầu tư Trung Quốc một thỏa thuận phát triển một cảng ở Louisiana. Bên phía Trung Quốc rốt cuộc đã không ký kết thỏa thuận này.

Báo cáo về cuộc thẩm vấn trên đã được công bố sau khi hôm thứ Tư (27/09), Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã biểu quyết để công bố một loạt tài liệu mới do hai người tố cáo từ IRS cung cấp.

“Ông James B. kể lại rằng cuộc gặp gỡ đổi đời này là thương vụ với công ty Monkey Island,” bản ghi nhớ viết (pdf).

Nhân viên IRS Joseph Ziegler, một trong hai người tố cáo, đã có mặt tại cuộc thẩm vấn và soạn thảo báo cáo này cùng với nhân viên IRS Christine Puglisi.

Ông James Biden giải thích trong cuộc thẩm vấn rằng ông có giao tình thân thiết với cháu trai, và mối quan hệ kinh doanh của ông bao gồm các dự án kinh doanh nhỏ, bắt đầu khi ông Hunter Biden nhờ ông đưa ra các đề nghị về quỹ phòng hộ sau khi gia nhập một công ty luật ngay sau khi tốt nghiệp trường luật Yale.
Thương vụ với công ty Monkey Island

Theo cuộc thẩm vấn mà ông James Biden tham dự hồi năm 2022, ông đã được ông Hunter Biden giới thiệu với công ty năng lượng CEFC của Trung Quốc vào năm 2017.

Một giám đốc điều hành của công ty nói trên, ông Diệp Giản Minh (Jianming Ye), được gọi là “Chủ tịch Diệp” trong bản ghi nhớ, có “mối quan hệ rất thân thiết” với ông Hunter Biden, ngoài ra ông Hunter Biden miêu tả với ông James Biden rằng ông Diệp là “người được Chủ tịch Tập Cận Bình che chở.”

Monkey Island là một công ty khí tự nhiên hóa lỏng có diện tích 246 mẫu Anh (0.99 km vuông) ở Louisiana, cách Vịnh Mexico khoảng hai dặm trong đất liền.

Ông James Biden cho rằng có cơ hội để phát triển cảng, các khu địa ốc đã được phê chuẩn trước trong dự án này, ngoài ra, hòn đảo này có lối đi thông thoáng để bốc dỡ các bình khí đốt tự nhiên. Ông tiếp cận ông Diệp để bàn bạc về cơ hội mua lại cơ sở năng lượng đó từ Tổng giám đốc của Monkey Island, ông Greg Michaels.

Trong cuộc thẩm vấn đó, ông James Biden cho biết ông đã nói chuyện với những người thích hợp trong văn phòng thống đốc về giấy phép và thỏa thuận được cho là đang được “xúc tiến mau lẹ.” Các máy khoan sẽ được chế tạo ở Trung Quốc và vận chuyển đến cảng này.

Ông cho biết ông đã trao đổi về thỏa thuận này với cả ông Hunter Biden và Chủ tịch Diệp, sau đó “Chủ tịch muốn theo đuổi với dự án,” theo bản ghi nhớ. “Ông James B nhớ lại, Chủ tịch Diệp cũng đã phái người đi xem xét Monkey Island.”

Ông James Biden khai với FBI rằng, tuy nhiên sau đó, sau nhiều tháng đàm phán, mối quan hệ với CEFC bắt đầu “đổ vỡ” vì những lý do khác, và các nhà đầu tư Trung Quốc không muốn liên lạc và từ bỏ thỏa thuận. Không có thỏa thuận nào được ký kết và ông không đưa ra lời giải thích.Thanh Nhã lược dịch

Các ứng cử viên GOP bàn luận về Trung Quốc, biên giới trong cuộc tranh biện lần thứ 2

Bảy ứng cử viên Đảng Cộng Hòa đưa ra lý do tại sao họ nên trở thành ứng cử viên tổng thống tiếp theo.
(Từ trái qua phải) Thống đốc North Dakota Doug Burgum, cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, cựu Thống đốc South Carolina và là cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, Thống đốc Florida Ron DeSantis, doanh nhân Vivek Ramaswamy, Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina), và cựu Phó Tổng thống Mike Pence tham dự cuộc tranh biện sơ bộ tổng thống của Đảng Cộng Hòa lần thứ hai tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, California, hôm 27/09/2023. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)
Jackson Richman

Thứ năm, 28/09/2023
Tối hôm thứ Tư (27/09), bảy ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa đã lên sân khấu để đưa ra lý do tại sao họ nên là người đối đầu với ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, có thể là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Cựu Thống đốc South Carolina và từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, Thống đốc Florida Ron DeSantis, doanh nhân Vivek Ramaswamy, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, Thống đốc North Dakota Doug Burgum, và Thượng nghị sĩ South Carolina Tim Scott đã xuất hiện trên sân khấu tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, California.

Bỏ qua cuộc tranh biện thứ hai, cựu Tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa Donald Trump đang tổ chức một cuộc tập hợp ở Detroit để thể hiện sự đồng lòng với các công nhân ngành xe hơi đang đình công.

Ngay từ đầu, cuộc tranh biện này đã vượt quá tầm kiểm soát khi những người tham gia trên sân khấu trao đổi qua lại với nhau và tìm cách chi phối cuộc thảo luận. Những người điều hành—các xướng ngôn viên Dana Perino và Stuart Varney của Fox, cũng như xướng ngôn viên Ilia Calderón của Univision—cuối cùng đã giành lại quyền kiểm soát. Nhưng vài phút sau, cuộc tranh biện trở nên hỗn loạn khi các ứng viên bàn luận với nhau về Trung Quốc.

Các chủ đề trong giờ đầu tiên bao gồm khủng hoảng biên giới, tội phạm, fentanyl, chăm sóc sức khỏe, và giáo dục. Ông Ramaswamy gọi cuộc khủng hoảng fentanyl là “khủng bố sinh học,” trong khi ông và ông DeSantis đều cho biết họ sẽ sử dụng quân đội Hoa Kỳ để ứng phó với cuộc khủng hoảng tại biên giới phía nam.

Ông DeSantis cũng ủng hộ việc tiếp tục xây dựng bức tường biên giới. Và hồi tháng Năm, ông đã ký một đạo luật yêu cầu các chủ doanh nghiệp ở Florida có quy mô hơn 25 nhân viên phải kiểm tra tình trạng nhập cư của nhân viên bằng cách dùng cơ sở dữ liệu liên bang E-Verify.

Ông Christie và ông DeSantis chỉ trích ông Trump vì đã trốn tránh cuộc tranh biện và yêu cầu ông giải trình lý do tại sao ông lại thêm hàng nghìn tỷ dollar vào nợ quốc gia. Cùng với bà Haley, bộ đôi này đổ lỗi cho việc chi tiêu liều lĩnh là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát cao hiện nay.

Cựu Tổng thống Donald Trump diễn thuyết tại một sự kiện ở Clinton Township, Michigan, hôm 27/09/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Ông Pence kêu gọi một bản án tử hình cấp tốc cho những kẻ xả súng hàng loạt.

“Tôi phát ốm và mệt mỏi với những vụ xả súng hàng loạt này,” ông nói. “Với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ tới Quốc hội Hoa Kỳ và chúng tôi sẽ thông qua một bản án tử hình cấp tốc của liên bang đối với bất kỳ ai liên quan đến vụ xả súng hàng loạt để họ có thể kết thúc cuộc đời mình sau vài tháng— chứ không phải nhiều năm.”

Ông Pence dẫn ra trường hợp năm 2018 về Nikolas Cruz đã bắn chết 17 người tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida. Năm ngoái, Nikolas Cruz, người đã nhận tội với tất cả các tội danh, đã thoát khỏi án tử hình vì bồi thẩm đoàn không đưa ra được một quyết định đồng thuận về việc xử tử anh ta. Thay vào đó, anh ta bị kết án chung thân mà không được ân xá.

Về vấn đề tội phạm, ông Christie kêu gọi các biện lý Hoa Kỳ góp phần ngăn chặn tình trạng vô luật pháp ở các thành phố. Ông DeSantis cho biết các công tố viên cực tả, những người đã bị chỉ trích vì mềm mỏng với tội phạm, sẽ phải đối mặt với các vụ kiện về quyền công dân.

Ông DeSantis đã buộc phải bảo vệ chương trình giảng dạy ở trường học ở Florida mà các nhà phê bình chế nhạo là dạy trẻ em rằng nô lệ được hưởng lợi từ khoảng thời gian họ sống trong cảnh nô lệ.

Ông gọi đây là một “trò lừa bịp do [Phó Tổng thống] Kamala Harris gây ra,” và cho biết chương trình giảng dạy này được viết bởi con cháu của những người nô lệ.

“Đây là những học giả lịch sử người Mỹ gốc Phi Châu vĩ đại. Vì vậy chúng ta cần ngừng chơi những trò này,” ông DeSantis nói.

“Đây là sự thông đồng ám muội. Hệ thống giáo dục nước ta đang suy thoái vì tập trung vào việc nhồi sọ, phủ nhận quyền của cha mẹ. Florida đại diện cho sự hồi sinh của nền giáo dục Mỹ.”

Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina) nói trong khi cựu Phó Tổng thống Mike Pence quan sát trong cuộc tranh biện sơ bộ tổng thống của Đảng Cộng Hòa lần thứ hai ở Thung lũng Simi, California hôm 27/09/2023. (Ảnh: Robyn Beck/AFP qua Getty Images)

Ông Scott đáp lại: “Không có điểm gì bù đắp trong chế độ nô lệ.”

Ông tiếp tục nói rằng mặc dù người Mỹ gốc Phi Châu bị phân biệt đối xử, nhưng “Mỹ quốc không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc. Đừng bao giờ nghi ngờ chúng ta là ai. Chúng ta là đất nước vĩ đại nhất trên trái đất xanh của Chúa.”

Ông Scott đã gọi giáo dục là “bộ phận cân bằng tuyệt vời ở đất nước này.” Ông ủng hộ việc cắt tài trợ liên bang cho bất kỳ trường học nào cho phép học sinh thay đổi đại từ nhân xưng, dấu hiệu giới tính, hoặc vào trong các khu vực phân theo giới tính bao gồm cả phòng thay đồ và phòng tắm, mà không có sự đồng ý của cha mẹ.

Ông Ramaswamy đã bị đối chất về việc tham gia TikTok, một ứng dụng mạng xã hội bị chỉ trích vì mối liên kết chặt chẽ giữa công ty mẹ của ứng dụng này với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông đã bảo vệ việc sử dụng ứng dụng này của mình bằng một câu trả lời mưu mô mang phong cách Machiavelli, nói rằng GOP cần thu hút những người trẻ tuổi.

Bà Haley đã chỉ trích ông Ramaswamy vì sử dụng ứng dụng này.

“Thực tình, mỗi khi nghe anh nói, tôi cảm thấy có chút ngớ ngẩn vì những gì anh nói,” bà nói với ông Ramaswamy. Bà Haley chê bai TikTok là một ứng dụng nguy hiểm mà ĐCSTQ có thể truy cập vào danh bạ của người dùng.

Ở các lĩnh vực khác, ông Ramaswamy đã thẳng thắn chỉ trích ĐCSTQ, với lời hứa sẽ đưa ra một “tuyên bố độc lập” khỏi Trung Quốc nếu ông trở thành tổng thống.

Cuộc tranh biện nói trên diễn ra khi chính phủ Hoa Kỳ đang trên bờ vực bị đóng cửa, đồng thời Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đang phải đối mặt với các yêu cầu từ nhóm Freedom Caucus của đảng ông, chẳng hạn như không viện trợ thêm cho Ukraine, trong khi cố gắng bảo vệ chiếc búa quyền lực ở Hạ viện, nơi Đảng Cộng Hòa kiểm soát với cách biệt chỉ tám ghế.

Cuộc tranh biện kéo dài hai giờ được phát sóng trên Fox Business.

Trong một tuyên bố trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC) Ronna McDaniel cho biết: “Cuộc tranh biện hôm thứ Tư là một cơ hội nữa để RNC chia sẻ sân chơi gồm các ứng cử viên đa dạng của chúng tôi với người dân Mỹ.”

“Đảng Cộng Hòa gắn kết vì một mục tiêu chung–đánh bại ông Biden–và không có nơi nào thể hiện tầm nhìn bảo tồn truyền thống của chúng tôi về tương lai tốt hơn ngoài Thư viện Tổng thống Ronald Reagan.”

Để đủ điều kiện tham gia cuộc tranh biện thứ hai, các ứng cử viên phải có tối thiểu 50,000 nhà tài trợ riêng — bao gồm 200 nhà tài trợ từ 20 tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ.

Các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa cho chức tổng thống đủ điều kiện tham gia cuộc tranh biện lần thứ hai lên sân khấu tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, California hôm 27/09/2023. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Ngoài ra, để bước vào sân khấu tranh biện ở California, các ứng cử viên phải đạt được ít nhất 3% số phiếu ủng hộ trong hai cuộc thăm dò quốc gia hoặc 3% trong một cuộc thăm dò toàn quốc và hai cuộc thăm dò từ các tiểu bang bỏ phiếu sớm khác nhau, bao gồm Iowa, New Hampshire, South Carolina, và Nevada. Tất cả các cuộc thăm dò phải được RNC công nhận.

Cuối cùng, một yêu cầu đáng chú ý là việc ký một cam kết ủng hộ ứng cử viên cuối cùng của đảng và không tranh cử với tư cách độc lập.

Trong bản cam kết, các ứng cử viên đồng ý “chỉ xuất hiện trong các cuộc tranh biện bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử đã được Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa thừa nhận, theo Quy tắc 10(a)(11) của Bộ quy tắc của Đảng Cộng Hòa. Tôi thừa nhận và chấp nhận rằng nếu tôi không ký cam kết này hoặc nếu tôi tham gia vào bất kỳ cuộc tranh biện nào chưa được Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa chấp thuận, thì tôi sẽ không đủ điều kiện để tham gia vào bất kỳ cuộc tranh biện nào khác do Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa chấp thuận.”

Cam kết tiếp tục nêu rõ: “Ngoài ra, tôi khẳng định rằng nếu tôi không giành được đề cử của Đảng Cộng Hòa cho chức Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, thì tôi sẽ tôn trọng ý chí của các cử tri sơ bộ và ủng hộ ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa năm 2024 để cứu đất nước chúng ta và đánh bại ông Joe Biden.”

“Tôi cam kết thêm rằng tôi sẽ không tìm cách tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập hoặc bổ sung và cũng sẽ không tìm cách hoặc chấp nhận đề cử tổng thống của bất kỳ đảng nào khác.”

Kể từ cuộc tranh biện hôm 23/08, bà Haley đã chứng kiến số phiếu bầu của bà trong các cuộc thăm dò tăng lên, trong khi số phiếu bầu của ông DeSantis lại giảm xuống. Các cuộc thăm dò từ CNN và NBC News cho thấy bà Haley đánh bại Tổng thống Biden với hơn vài điểm phần trăm.Cẩm An biên dịch

Thảm họa tự chúng ta gây ra ở biên giới

Nhìn từ trên không, những người di cư đang tụ thành nhóm trong khi chờ được giải quyết ở biên giới phía Ciudad Juarez, ở El Paso, Texas, vào hôm 21/09/2023. (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images/TNS)
Victor Davis Hanson

Thứ năm, 28/09/2023
Kể từ đầu năm 2021, chúng ta đã chứng kiến khoảng 7 đến 8 triệu người nhập cư bất hợp pháp vượt qua biên giới phía Nam Hoa Kỳ, nơi hiện nay đã không còn tồn tại.

Biên giới càng biến mất, luật nhập cư liên bang càng trở nên trì trệ, và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas càng ảo tưởng rằng “biên giới được an toàn.” Giờ đây, ông ấy được gọi là một nhà tuyên truyền “Baghdad Bob” (biệt danh của cựu Bộ trưởng Thông tin Iraq, ông Muhammad Saeed al-Sahhaf) thực thụ.

Nhưng làm thế nào và tại sao chính phủ ông Biden lại phá bỏ luật nhập cư mà chúng ta đã biết?

Những nỗ lực ban đầu của chính phủ ông Trump nhằm đóng cửa biên giới đã liên tục bị gây chướng ngại tại Quốc hội, bị bộ máy hành chính nhà nước phá hoại, và bị cản trở tại các tòa án. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, cuối cùng chính phủ ông Trump đã bảo toàn được an ninh biên giới.

Tuy nhiên, gần như toàn bộ bước đầu thành công của chính phủ này đã bị đảo ngược ngay trong năm 2021.

[Việc xây dựng] bức tường biên giới đột ngột bị dừng lại, quỹ đạo dự kiến của kế hoạch này bị hủy bỏ. Chính sách “bắt và thả” tai hại vào thời của ông Obama về việc không thực thi luật nhập cư đã được phục hồi.

Áp lực trước đó đối với Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador nhằm ngăn chặn việc cố tình xuất khẩu công dân của ông ta về phía bắc đã chấm dứt.

Các nhân viên của lực lượng tuần tra biên giới liên bang buộc phải rút lui.

Các khoản trợ cấp mới của liên bang đã được cấp để lôi kéo và sau đó trợ giúp việc nhập cư bất hợp pháp.

Không một ai trong Đảng Dân Chủ phản đối việc phá hủy bức tường biên giới hay việc lật đổ luật nhập cư.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi phần nào khi các tiểu bang biên giới phía nam tràn ngập người nhập cư trái phép bắt đầu đưa vài ngàn người nhập cư bất hợp pháp về phía bắc bằng xe buýt hoặc phi cơ để đến các thành phố trú ẩn nơi họ được bảo vệ — đặc biệt là đến New York, Chicago, và thậm chí cả Martha’s Vineyard.

Những “nhà nhân văn” của các thành phố trú ẩn ở đó, vốn bật đèn xanh cho việc nhập cư bất hợp pháp vào các tiểu bang miền nam, đột nhiên la hét. Họ tức giận sau khi trải nghiệm những hậu quả cụ thể của các nghị trình biên giới không thực tế trước đây của chính họ. Suy cho cùng, chủ nghĩa hư vô của họ lẽ ra phải nhằm vào những người xa lạ và bị chế giễu khác.

Thị trưởng New York Eric Adams đã chuyển từ việc chào mừng một số ít người nhập cư bất hợp pháp được đưa vào Manhattan, đến việc chỉ trích đảng của mình vì cho phép hàng chục ngàn người tràn vào thành phố hiện đã khánh kiệt của ông ta.

Nhưng tại sao chính phủ Biden lại cố tình để làn sóng người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới phía Nam lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ này xảy ra?

Những người theo chủ nghĩa Sô-vanh (chauvinists) và giới tinh hoa của Đảng Dân Chủ cần những cử tri mới, do các nghị trình của họ ngày càng không được lòng dân.

Họ lo sợ rằng những người nhập cư gốc Latinh càng đồng hóa và hòa nhập vào xã hội Hoa kỳ, thì họ càng ít hài lòng hơn với [các chính sách] phá thai cực đoan, phân biệt chủng tộc, ủng hộ chuyển giới, tội phạm, và những quan điểm về [môi trường] xanh của cánh tả.

Các nhân vật quan trọng của Đảng Dân Chủ luôn khoe khoang rằng việc nhập cư bất hợp pháp sẽ tạo ra cái mà họ gọi là “Đa số Dân chủ Mới” theo phong cách “Nhân khẩu học là Định mệnh.” Giờ đây, họ vu khống các nhà phê bình là “những kẻ phân biệt chủng tộc”, những người vốn phản đối nỗ lực của cánh tả nhằm lợi dụng tình trạng nhập cư bất hợp pháp để biến các tiểu bang màu đỏ phía tây nam thành màu xanh.

Hiện nay, Mexico không thể tồn tại như một quốc gia hiện đại nếu không có các khoản tiền kiều hối hàng năm trị giá 60 tỷ USD do kiều bào đang ở Hoa Kỳ gửi về. Nhưng rất nhiều người nhập cư bất hợp pháp đã dựa vào các quyền lợi của tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ để có tiền gửi về nhà.

Mexico cũng khuyến khích người nghèo khổ và thường là người bản địa từ miền nam Mexico di chuyển về phía bắc như một loại biện pháp an toàn. Chính phủ Mexico xem những cuộc di cư hàng loạt về phía bắc này là [lựa chọn] thích hợp hơn so với một cuộc diễn hành khắc nghiệt ở Thành phố Mexico để giải quyết những bất bình về nghèo đói và phân biệt chủng tộc.

Trên thực tế, các băng đảng tội phạm hiện đang điều hành Mexico. Một biên giới mở sẽ cho phép họ vận chuyển fentanyl về phía bắc, kiếm được hàng tỷ dollar lợi nhuận — và cướp đi sinh mạng của gần 100,000 người Mỹ mỗi năm. Người nhập cư bất hợp pháp phải trả thêm hàng tỷ dollar cho các băng đảng để được trợ giúp trong việc vượt biên.

Đừng quên các chủ doanh nghiệp tại Hoa Kỳ. Số lượng nhân viên bỏ việc đã tăng cao kỷ lục sau lệnh phong tỏa do COVID. Để ứng phó với tình trạng thiếu nhân sự người Mỹ, các ngành khách sạn, đóng gói thịt, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, và nông nghiệp đang nỗ lực thuê nhân viên mới — và rẻ hơn rất nhiều.

Các nhà hoạt động nhân quyền nhấn mạnh rằng bản thân các đường biên giới là di tích của thế kỷ 19. Và do đó, những người nghèo và bị áp bức trên toàn cầu có quyền con người để được nhập cư vào phương Tây giàu có bằng bất kỳ phương tiện nào cần thiết.

Nhiều người ở khu vực ngoại thành giàu có và trong các trường đại học không sống ở gần biên giới. Vì vậy, họ mới đưa ra lời bảo đảm rằng hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp chưa được kiểm tra sẽ không bao giờ xâm nhập vào khu dân cư hoặc khuôn viên trường học của chính họ.

Kết quả là giới thượng lưu phải từ bỏ niềm tin của họ — chứ không phải trải nghiệm trực tiếp về hậu quả tự nhiên của việc hàng triệu người hỗn loạn chạy trốn khỏi một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới để đổ xô vào những quốc gia giàu có nhất. Nếu không có việc kiểm tra lý lịch, chích ngừa và kiểm tra sức khỏe, tính hợp pháp, bằng cấp trung học, khả năng sử dụng tiếng Anh, bộ kỹ năng, hoặc tiền vốn [mà họ mang theo], kết quả sẽ là một thảm họa tồi tệ.

Các cuộc thăm dò tiếp tục cho thấy người dân Mỹ ủng hộ việc nhập cư có chừng mực, đa dạng, hợp pháp, và xứng đáng cũng như phản đối việc nhập cư bất hợp pháp hàng loạt vào đất nước của họ và hệ quả kéo theo là việc Hoa Kỳ mất chủ quyền ở biên giới.

Họ hiểu điều mà chính phủ ông Biden không hiểu: Không có quốc gia nào trong lịch sử tồn tại được sau khi biên giới của họ bị phá hủy, một khi quyền công dân của họ không khác gì so với quyền cư trú đơn thuần, và một khi các nước láng giềng làm suy yếu chủ quyền của họ mà không bị trừng phạt.

Việc chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc người dân Mỹ lấy lại được quyền kiểm soát từ tay các nhóm lợi ích đặc biệt tham nhũng và giới lãnh đạo vốn kiếm lợi từ sự hỗn loạn và đau khổ của con người hiện nay.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.Tuệ Minh biên dịch

BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các bác sĩ cảnh báo về ‘tác hại tiềm ẩn’ của thực phẩm biến đổi sinh học

Một số bác sĩ cảm thấy lo lắng trước xu hướng thao túng nguồn thực phẩm hiện tại.
Nhờ một điều khoản của Quốc hội, việc chấp thuận cho trồng cây biến đổi sinh học trở nên nhanh chóng và dễ dàng. (Ảnh: Juan Mabromata/AFP/Getty Images)
Patricia Tolson

Thứ năm, 28/09/2023
Với sự gia tăng của các loại thực phẩm và nguyên liệu biến đổi sinh học trên thị trường, các bác sĩ đang cảnh báo người tiêu dùng về những “tác hại tiềm ẩn” có thể ẩn giấu trong thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) định nghĩa thực phẩm biến đổi sinh học là sản phẩm tiêu dùng “chứa vật liệu di truyền có thể phát hiện được, đã qua sửa đổi bằng một số kỹ thuật phòng thí nghiệm cụ thể. Những biến đổi này không thể xuất hiện thông qua nhân giống thông thường hoặc có trong tự nhiên.”

Vào ngày 01/01/2022, USDA đã bổ sung một tiêu chuẩn công bố mới đối với thực phẩm biến đổi sinh học. Vì vậy, hiện tại các nhà sản xuất phải dán nhãn sản phẩm thực phẩm bằng các thuật ngữ “biến đổi sinh học” hoặc “có nguồn gốc từ biến đổi sinh học” để người tiêu dùng biết họ đang mua gì.

Việc thông báo cho công chúng là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, do chưa có kiểm nghiệm đầy đủ về những thực phẩm biến đổi sinh học này nên Tiến sĩ Syed Haider có nhiều lo ngại.

Tiến sĩ Syed Haider ở Dallas, Texas, hôm 28/04/2023. (Ảnh: York Du/The Epoch Times)
‘Những tác hại tiềm ẩn’
Tiến sĩ Haider nói với The Epoch Times: “Những tác động có thể xảy ra đối với cơ thể con người khi tiêu thụ thực phẩm biến đổi sinh học vẫn chưa được biết rõ. Bản thân thực phẩm đó có thể độc hại. Thực phẩm biến đổi sinh học có thể gây ra dị ứng, tăng kháng kháng sinh. Loại thực phẩm này cũng có thể kích hoạt [quá trình] ức chế miễn dịch hoặc ung thư. Và đã có bằng chứng cho thấy tất cả những điều này đang xảy ra.”

Tiến sĩ Haider nói một cách đơn giản hơn rằng, “Cách thức hoạt động của công nghệ biến đổi sinh học đối với thực phẩm là lấy một gene từ một số sinh vật khác, và chèn ngẫu nhiên vào mã di truyền của thực phẩm mà quý vị muốn tạo ra.”

Ông nói: “Vấn đề là chúng ta không thực sự hiểu cách thức hoạt động của mã di truyền đó, và chúng ta có thể thay đổi cách phát triển của thực phẩm. Điều này có thể tạo ra độc tố mới trong thực phẩm, làm tăng độc tố vốn có trong thực phẩm, và thậm chí làm tăng lượng độc tố bên ngoài mà thực phẩm hấp thụ vào.”

“Chúng ta đang ở giai đoạn sơ khai của công nghệ này,” ông khuyến nghị. “Chúng ta đang loay hoay với những thứ mà chúng ta không hoàn toàn hiểu được. Tôi nghĩ những thứ đó thực sự đáng sợ, đặc biệt là khi chúng ta không kiểm tra xem tác động cuối cùng là gì. Đây là sự tiến triển của những gì đang diễn ra với cuộc cách mạng xanh trong nhiều thập niên.”

Tiến sĩ Haider cảm thấy băn khoăn trước việc thao túng nguồn thực phẩm hiện nay khi người ta nói với người tiêu dùng rằng đây là sự thay thế an toàn và lành mạnh cho thực phẩm tự nhiên.

“Chúng ta đều bị mớm cho một luận điệu rằng điều này là cần thiết, rằng chúng ta sẽ chết đói nếu không có cuộc cách mạng xanh và thực phẩm biến đổi gene. Nhưng điều đó không đúng,” ông nhấn mạnh. “Chúng ta đang đưa công nghệ vào những thứ mà ngay từ đầu chưa bao giờ cần đến, và chúng ta sẽ thấy nhiều tác dụng phụ cũng như những tác hại tiềm ẩn.”

Hội Ung thư Hoa Kỳ thừa nhận rằng thực phẩm biến đổi sinh học “có thể tạo ra các chất có thể gây ra phản ứng” ở những người bị dị ứng “hoặc tạo ra hàm lượng cao các hợp chất có thể gây ra các ảnh hưởng khác đến sức khỏe.”

“Tuy nhiên, tại thời điểm này, chưa có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hiện có trên thị trường có chứa các thành phần biến đổi gene hoặc các chất có hại cho sức khỏe con người, hoặc làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư.”

Tương tự, trong khi Thư viện Y khoa Quốc gia thừa nhận “những người chích vaccine đã cho biết một loạt các tác dụng phụ đa hệ thống” — chẳng hạn như “sốc phản vệ, gia tăng phụ thuộc kháng thể, và tử vong” — thì mọi người vẫn được bảo rằng vaccine mRNA là “an toàn.”

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, và Hiệp hội Vì sự Tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ đang nói với người tiêu dùng rằng thực phẩm hoặc nguyên liệu biến đổi sinh học “là an toàn.”

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy những thực phẩm này không an toàn.

Tiến sĩ Haider đã trích dẫn một nghiên cứu liên quan đến việc cho chuột ăn khoai tây biến đổi gene, được công bố vào ngày 16/10/1999 trên Tập san The Lancet.

Ông hồi tưởng: “Đã có những thay đổi bất lợi trong quá trình phát triển cơ quan, trao đổi chất, và chức năng miễn dịch của chuột.”

Ông cho biết, thật không may, “bất cứ ai công bố những thứ như thế này đều sẽ bị tấn công, và họ đã bị tấn công.”

Ông giải thích: “Cũng giống như với các đại công ty dược phẩm, có những câu hỏi không thể đặt ra và nghiên cứu không thể hoàn thành vì tất cả nguồn tài trợ cho nghiên cứu trong các lĩnh vực này đều đến từ các đại công ty và chính phủ, và chính phủ cũng đồng hành cùng các công ty đó. Có một sự thuyên chuyển qua lại giữa chính phủ và các công ty này.”

Ông cũng lo ngại về “rủi ro đang diễn ra” khi các công ty “tiếp tục sửa đổi thực phẩm theo những cách mới.” Cách mà họ chích vaccine mRNA cho gia súc là một ví dụ.

“Những người ủng hộ tất cả những điều này sẽ nói rằng điều đó là cần thiết. Nhưng đó là một phiên bản thực tế sai lệch mà những người thu được lợi ích đang đưa ra, và họ sẽ không cho phép bất kỳ ai có quan điểm khác công bố bất cứ điều gì,” Tiến sĩ Haider khẳng định. “Nếu thậm chí phản đối sự cần thiết của vaccine, quý vị sẽ bị xem là phản khoa học.”

Tiến sĩ Haider nhấn mạnh việc đẩy mạnh thực phẩm biến đổi sinh học hướng tới phong trào xanh.

“Có lẽ cuối cùng nghị trình thực sự của họ sẽ được đưa ra, đó là giảm bớt dân số,” ông nhận định. “Tôi cho rằng tất cả những gì họ đã làm cho đến nay, tuyên bố cải thiện năng suất và sản lượng, thực ra là một phần lý do khiến chúng ta ngày càng ốm yếu hơn và tử vong ngày càng sớm hơn.”

“Thực phẩm nên là để giúp chúng ta khỏe mạnh,” ông nói. “Nhưng thực phẩm mà chúng ta đã ăn trong 50 năm qua thực sự đã kích phát bệnh béo phì, ung thư, suy giảm miễn dịch, dị ứng, tự miễn dịch, và gây độc cho tất cả các cơ quan của cơ thể.”
‘Hãy đọc nhãn hàng hóa’

Hôm 19/04/2023, Dân biểu Holly Jones (Cộng Hòa-Missouri) đã đệ trình một dự luật dài hai trang, HB1169. Theo dự luật này, các nhà sản xuất, phân phối, và buôn bán các sản phẩm “có thể lây nhiễm bệnh cho người hoặc khiến một người tiếp xúc với nguyên liệu biến đổi gene” phải được “dán nhãn rõ ràng với dòng chữ ‘Sản phẩm Liệu pháp Gene.’”

“Điều này áp dụng cho thực phẩm biến đổi sinh học và thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm,” bà Jones nói với The Epoch Times, đồng thời lưu ý rằng “họ thậm chí còn đi đến mức muốn chúng ta bắt đầu ăn sâu bọ.”

Có thể quý vị đã ăn sâu bọ rồi mà không biết. Côn trùng được nuôi làm thực phẩm được gọi là “vật nuôi vi mô” hoặc “vật nuôi nhỏ.”

Hồi tháng 08/2022, trang Get Better Wellness đã tường trình rằng nhãn “Acheta domesticus” trên các sản phẩm có nghĩa là con dế. Trang này cho biết, “Một số người đang che giấu điều này bằng cách gọi dế là ‘Acheta Protein’ và quảng bá như một sự thay thế tuyệt vời cho protein động vật.”

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Food Chemistry hồi tháng 06/2021 đã tiết lộ rằng việc ăn dế có thể gây tử vong cho những người bị dị ứng với động vật có vỏ.

Một rủi ro khác khi ăn dế đó là dế mang nhiều mầm bệnh khác nhau như vi khuẩn E. Coli và salmonella (thương hàn).

National Library of Medicine (Thư viện Y khoa Quốc gia) đã công bố một nghiên cứu cho thấy hơn 81% trang trại côn trùng có ký sinh trùng; 30% ký sinh trùng trong đó có thể gây bệnh ở người.

Như bà Jones đã lưu ý: “Chúng tôi cũng biết rất nhiều loại thực phẩm biến đổi sinh học này có thể gây ung thư.”

“Với sự thiếu hiểu biết về thực phẩm biến đổi sinh học cũng như các loại thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm, mọi người không biết mình đang ăn gì,” bà giải thích. “Nếu quý vị đọc bất kỳ thông tin nào về thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm, quý vị sẽ hoàn toàn ngạc nhiên khi họ có thể xem đây là nguồn thay thế tốt cho nguồn cung cấp thực phẩm tự nhiên mà Chúa đã ban cho chúng ta, như gia súc, heo, và gà.”

Điều thú vị là “có bao nhiêu người đang tin vào điều đó và cho phép điều đó diễn ra.”

“Tôi sẽ đưa dự luật này trở lại,” bà tuyên bố. “Tôi sẽ giới thiệu một lần nữa trong phiên họp lập pháp tiếp theo vào tháng Một. Bởi vì người dân xứng đáng được biết có gì trong thực phẩm, và sau đó họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt về việc có nên ăn thứ đó hay không.”

Bà cho rằng mọi người cần phải “đọc nhãn hàng hóa.”

“Chỉ cần cầm lên một lon xúp. Quý vị thậm chí không thể phát âm được một nửa số thành phần,” bà gợi ý. “Họ ngày càng bỏ nhiều hóa chất vào mọi thứ chúng ta ăn. Chúng ta càng bệnh tật, Big Pharma càng kiếm được nhiều tiền, vì vậy họ muốn người Mỹ béo lên, ốm yếu, và gần với cái chết để họ có thể bán thuốc chữa hoặc điều trị.”
‘Chúng ta trở nên hay bệnh tật hơn’

Tiến sĩ Eric Napute là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính được cấp phép có trụ sở tại Missouri. Ông là bác sĩ chỉnh hình được cấp phép, bác sĩ y học tự nhiên được chứng nhận, và là một chuyên gia nội khoa. Ông cũng là một chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận với các khóa đào tạo nâng cao và có các chứng chỉ về thần kinh chức năng, dinh dưỡng học phân tử, nội khoa, và sinh học nâng cao.

Tiến sĩ Eric Napute (Ảnh: Được cho phép bởi Tiến sĩ Eric Napute)

Tiến sĩ Napute cho biết ông thường nghĩ về việc “chúng ta đã ở đâu để thấy chúng ta sẽ đi đến đâu.”

Ông nhớ lại 20 năm trước, khi thực phẩm biến đổi sinh học lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường với thuật ngữ “GMO,” hay “Sinh vật Biến đổi Gene,” và công ty Monsanto đang ở sân sau “đưa các hợp chất hóa học như glyphosate (một loại thuốc diệt cỏ) vào thực phẩm.”

Tiến sĩ Napute nói với The Epoch Times: “Khi đó, chúng tôi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các vấn đề tiềm ẩn với thực phẩm biến đổi gene và cách mà loại thực phẩm này gây hại cho bộ gene của con người như thế nào.”

Như Tiến sĩ Napute đã giải thích, cơ thể chúng ta hấp thụ và biến đổi thức ăn thành chất dinh dưỡng. Vấn đề đó xảy ra khi chúng ta tiêu thụ “thứ gì đó mà bộ gene của chúng ta không nhận ra.”

“Cơ thể xem thực phẩm biến đổi gene như một kẻ xâm lược từ bên ngoài, và nhiều lần chúng tôi đã bắt đầu thấy chứng Tăng Bạch cầu (GI Leukocytosis), nghĩa là quý vị có phản ứng siêu miễn dịch ở đường tiêu hóa khi ăn thứ gì đó. Nếu lặp lại nhiều lần, tình trạng này có thể dẫn đến những vấn đề như tự miễn dịch và hội chứng rò rỉ ruột.”

Tiến sĩ Haider cũng nhận thấy các vấn đề về phát triển thần kinh gia tăng đáng kể. Ngày càng có nhiều trẻ em bị rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD) và tự kỷ. Ở những bệnh nhân lớn tuổi, ông nhận thấy có tình trạng thoái hóa thần kinh suy giảm.

Ông phản ánh về dự luật do bà Jones giới thiệu gần đây, dự luật 1169 (pdf) của Hạ viện, và rất ngạc nhiên về việc làm thế nào mà “dự luật chưa bao giờ được thông qua ở ủy ban [Hạ viện].”

Missouri HB1169 | 2023 | Regular Session

Bill Text (2023-04-19) Creates provisions relating to required disclosures for certain products [Motion to Do Pa...

Trong khi các nhà vận động hành lang cung cấp cho các nhà lập pháp thông tin sai lệch và các nhà lập pháp “lặp lại tất cả các quan điểm mà các nhà vận động hành lang đưa ra cho họ” để biện minh cho việc hủy bỏ giải pháp này, ông cho biết, “Bà Holly Jones đã nhận được hàng chục ngàn cuộc gọi ủng hộ dự luật.”

“Điều đó không bình thường,” ông nói. “Bình thường quý vị chỉ nhận được 20 hoặc 30, hoặc thậm chí có thể là 100 cuộc gọi — chứ không phải là hàng chục ngàn cuộc gọi từ khắp đất nước. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm túc của người dân về vấn đề này. Phản đối duy nhất đối với dự luật này là từ các nhà vận động hành lang.”

Điều khiến Tiến sĩ Napute hy vọng đó là “rất nhiều người đang hoài nghi, và đúng như vậy.”

“Mối lo ngại hiện giờ là chúng ta không biết về các thành phần có trong nguồn cung cấp thực phẩm mà họ che giấu,” ông khẳng định. “Là một quốc gia, chúng ta đang trở nên hay bệnh tật hơn.”

“Câu hỏi của tôi là, ‘Tại sao họ lại cố che giấu nếu điều đó an toàn?’”Tuệ Minh biên dịch

Cuộc thăm dò cho thấy đa số cử tri lo sợ nước Mỹ đang trở thành quốc gia cảnh sát

Các đặc vụ SWAT của FBI đang tiến vào trung tâm mua sắm trong một cuộc diễn tập huấn luyện thực địa của FBI vào ngày 02/05/2014 tại Landmark Mall, ở Alexandria, Virginia. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)
Joseph M. Hanneman

Thứ năm, 28/09/2023
Một cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy hơn 70% cử tri Mỹ lo ngại rằng Hoa Kỳ đang trở thành quốc gia cảnh sát, biểu hiện qua sự chuyên chế của chính phủ đi kèm với “sự giám sát hàng loạt, kiểm duyệt, truyền bá tư tưởng, và nhắm mục tiêu vào các đối thủ chính trị.”

Một cuộc khảo sát quốc gia qua điện thoại và trực tuyến của Rasmussen Reports cho thấy 72% cử tri “lo ngại” rằng nước Mỹ đang trở thành quốc gia cảnh sát, trong đó có 46% đang “rất lo ngại.”

Hôm 14/09, 17/09, và 18/09, Rasmussen và Pulse Opinion Research đã khảo sát gần 1,000 cử tri tiềm năng. Cuộc thăm dò có sai số lấy mẫu khảo sát là +/- 3% với mức độ tin cậy 95%.

Rasmussen Reports viết trong một thông cáo báo chí rằng: “Số cử tri Đảng Cộng Hòa (62%) rất lo ngại rằng nước Mỹ đang trở thành quốc gia cảnh sát nhiều hơn so với số cử tri Đảng Dân Chủ (34%) hoặc cử tri độc lập (43%).”

“Tương tự như vậy, số cử tri Đảng Cộng Hòa (45%) hoàn toàn đồng ý rằng FBI là mối nguy hiểm đối với quyền tự do và an ninh của những người Mỹ tuân thủ luật pháp nhiều hơn so với số cử tri Đảng Dân Chủ (17%) hoặc cử tri độc lập (22%).”

Khi những nhân viên thăm dò ý kiến của Rasmussen đề cập đến cuộc đột kích của FBI vào dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 08/2022 như một yếu tố có khả năng dẫn đến kết quả trên, thì một cựu đặc vụ FBI cho biết đây là một vấn đề rộng lớn hơn.

“Trong vài năm qua, người Mỹ đã chứng kiến FBI nhắm vào các nhà hoạt động ủng hộ sự sống và những bậc cha mẹ đã lên tiếng tại các cuộc họp hội đồng trường học, đồng thời phớt lờ các cuộc nổi loạn đầy bạo lực trong suốt năm 2020, khuyến khích kiểm duyệt trực tuyến, và cản trở nỗ lực giám sát của Quốc hội,” ông Stephen Friend, người tố cáo từng là cựu đặc vụ của FBI, nói với The Epoch Times.

Một nửa số cử tri trong cuộc thăm dò của Rasmussen cho biết họ đồng tình với tuyên bố rằng: “FBI là mối nguy hiểm đối với quyền tự do và an ninh của những người Mỹ tuân thủ luật pháp,” trong đó có 28% “hoàn toàn đồng ý.”

45% cho biết họ không đồng tình với tuyên bố này, trong đó có 26% “hoàn toàn không đồng ý.”

Ông Friend, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Đổi mới nước Mỹ, cho biết: “Danh tiếng của FBI luôn là tài sản quan trọng nhất của cơ quan này.”

“Việc một cơ quan được hầu hết mọi người tán thành gần đây đã mất đi sự ủng hộ của một nửa quốc gia là một minh chứng cho thấy công chúng đã nâng cao nhận thức và cơ quan này đã sa sút đến mức nào.”

Cựu đặc vụ FBI Stephen Friend, là thành viên của nhóm SWAT Omaha của FBI cuối năm 2020. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Stephen Friend)

Ông Friend nói: “FBI sẽ tiếp tục quỹ đạo hiện tại của mình cho đến khi nhiều người Mỹ nhận ra rằng đây không còn là một lực lượng khách quan lâu dài nữa.”

Ngày 19/09/2022, ông Friend đã bị FBI đình chỉ không lương, sau khi ông bày tỏ những lo ngại nghiêm trọng về sự vi phạm Hiến Pháp liên quan đến cuộc đột kích của đội SWAT FBI đã được sắp xếp nhằm bắt giữ một bị cáo phạm tội tiểu hình trong sự kiện ngày 06/01 ở Florida.

Ông Friend đã chuyển từ Iowa đến Florida để giải quyết các vụ án liên quan đến buôn bán trẻ em. Ông đã được lệnh dừng những vụ án đó để tham gia vào các vụ truy tố sâu rộng những người biểu tình có mặt tại tòa nhà Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.
Khủng bố trong nước

Nhãn “khủng bố trong nước” đang được sử dụng cùng với các chiến thuật khác tại FBI để khiến có vẻ như các nghi phạm ngày 06/01 là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quốc gia.

“Họ đã chọn cách mở hàng trăm vụ án và sau đó lan rộng ra khắp cả nước,” ông Friend nói trong một cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu về sự kiện ngày 06/01 sắp ra mắt của Epoch Times.

“Điều đó mang lại ấn tượng rằng chủ nghĩa khủng bố trong nước là mối đe dọa toàn quốc trong khi, thực chất, những con số mà FBI đưa ra đều bắt nguồn từ một vụ việc xảy ra trong một ngày.”

“Đó là một vấn đề đối với quốc gia,” ông nói. “FBI được cho là đại diện cho pháp luật và trật tự, nhưng thay vào đó, chúng tôi lại làm quá vấn đề lên.”

Việc vũ khí hóa FBI khiến ông Friend đề xướng những thay đổi mạnh mẽ để kiềm chế cơ quan này.

Ông Friend nói: “Ngoài việc bãi bỏ FBI, một giải pháp tiềm năng là Quốc hội cắt giảm ngân sách cho vị trí điều tra viên tội phạm 1811 – đặc vụ.”

“Điều này buộc FBI phải hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật địa phương, nhận được sự chấp thuận của họ để tiến hành các cuộc điều tra thích hợp, và ủy quyền chéo cho nhiều cảnh sát trị an của tiểu bang và địa phương hơn để trao cho họ quyền bắt giữ liên bang.”

“Điều này tạo ra một bức tường thành trong đó cảnh sát trưởng của quận có thể chỉ đạo các nguồn lực của FBI để chống lại hoạt động tội phạm hợp pháp trong khu vực của mình thay vì đóng vai trò là người ngoài cuộc trong khi trụ sở FBI liên tục sử dụng hệ thống hạn ngạch của mình đối với số lượng và loại vụ việc mà các đặc vụ phải giải quyết,” ông Friend nói.

“Đây không phải là ‘cắt giảm ngân sách cảnh sát.’ Thay vào đó, là trao quyền cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương.”

Đặc vụ FBI bị đình chỉ Garret O’Boyle (trái), cựu đặc vụ FBI Steve Friend (giữa) và đặc vụ FBI Marcus Allen (phải) bị đình chỉ, trong một phiên điều trần ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 18/05/2023. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Các bị cáo ngày 06/01 đã nêu ra các vấn đề bao gồm việc các đặc vụ FBI được trang bị vũ khí hạng nặng và sử dụng vũ lực quá mức, việc FBI từ chối đưa ra lệnh bắt giữ, hành hung những người bị bắt và chĩa súng trường M4 dẫn hướng bằng laser vào nghi phạm và con cái của họ.

Một số bị cáo ngày 06/01 ở Texas cũng nêu lên các vấn đề về chủ quyền tiểu bang sau khi các đội chiến thuật của FBI đột kích vào các ngôi nhà và căn hộ rồi đưa nghi phạm đến các cơ sở giam giữ liên bang mà không có sự tham gia của chính quyền địa phương.

Ngày 15/01/2021, bị cáo Troy A. Smocks, 61 tuổi, ở Dallas, đã bị khoảng 30 đặc vụ FBI và An ninh Nội địa với trang bị vũ khí dày đặc đột kích vào nhà, kèm theo sự xuất hiện của một chiếc xe chiến thuật được bọc thép chống mìn phục kích (MRAP).

Ông Smocks cho biết ông bị bắt phải đứng ở giữa đường trong khu nhà với độc một chiếc quần đùi boxer dưới nền nhiệt 34 độ F ngoài trời.

Khi đội SWAT của FBI đến bắt giữ nghi phạm vụ ngày 06/01 Tony Martinez, họ đã đập vỡ cửa kính trượt của nhà ông. (Ảnh: CapitolPunishmentTheMovie.com/Bark at the Hole Productions)

Hồi tháng 11/2022, trong đơn kiến nghị liên bang về việc yêu cầu người bị bắt phải được đưa ra tòa xét xử xem có tội hay không rồi mới được phạt tù hoặc giam giữ (writ of habeas corpus), ông Smocks lập luận rằng cuộc đột kích của FBI, việc bắt giữ ông và việc ông bị trục xuất khỏi tiểu bang đã vi phạm chủ quyền của tiểu bang Texas.

Lệnh bắt giữ liên bang lẽ ra phải được thông qua bởi chính quyền địa phương như Sở Cảnh sát Dallas, và ông Smocks lẽ ra phải ra hầu tòa ở Texas trước khi được chuyển giao cho Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ (U.S. Marshals).

Ông Friend nói: “Tôi nghĩ những trường hợp đó cần được xem xét và tranh biện kỹ lưỡng.”

“Cơ quan thực thi pháp luật liên bang thường xuyên can thiệp vào các cuộc điều tra tội phạm địa phương để lập công và được công chúng nhìn nhận một cách tích cực.”

“Các tài khoản mạng xã hội của FBI tràn ngập những thông cáo báo chí sôi nổi liên quan đến sự tham gia của cơ quan này vào các vấn đề tội phạm địa phương, gây lãng phí tiền thuế của người Mỹ và được cho là vi phạm chủ quyền tiểu bang.”Tịnh Nhi biên dịch

Hạ viện Hoa Kỳ công bố thông tin mới từ người tố cáo về cuộc điều tra ông Hunter Biden

Các dân biểu cho biết, một trong những bức thư điện tử cho thấy một quan chức Bộ Tư pháp yêu cầu các nhà điều tra không được thẩm vấn ứng cử viên tổng thống đương thời Joe Biden.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Minnesota) nói trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Văn phòng Hạ viện Longworth tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 29/09/2023. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Zachary Stieber

Thứ năm, 28/09/2023
Hôm 27/09, một ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ đã công bố thêm thông tin từ những người tố cáo đã tham gia cuộc điều tra về con trai của Tổng thống Joe Biden.

Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu kín để công khai thêm các thư điện tử và các tài liệu khác mà hai người tố cáo từ IRS, ông Gary Shapley và ông Joseph Zeigler, cung cấp.

Loạt tài liệu này bao gồm một thư điện tử hồi tháng 08/2020 từ bà Lesley Wolf, một biện lý của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) giúp giám sát cuộc điều tra ông Biden, yêu cầu các nhà điều tra soạn thảo lại một lệnh khám xét để loại bỏ người được gọi là “nhân vật chính trị 1.”

Theo Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Minnesota), chủ tịch ủy ban, nhân vật đó là ứng cử viên tổng thống đương thời Joe Biden.

“Đó là về một hệ thống tư pháp hai tầng. Nếu không phải là cái tên Joe Biden, mà là Smith, Jones, hoặc Johnson, thì người đó sẽ không bị loại khỏi lệnh khám xét này. Nhưng người đó đã bị loại. Và chúng ta sẽ không biết điều đó nếu những người tố cáo này không bước ra,” Dân biểu David Kustoff (Cộng Hòa-Tennessee), cựu biện lý liên bang và là một thành viên trong ủy ban này, nói với các phóng viên.

Ông Shapley và ông Zeigler nằm trong số các quan chức IRS, FBI, và DOJ đang điều tra con trai tổng thống.

Hai quan chức này đã bị loại khỏi cuộc điều tra ông Hunter Biden sau khi họ liên lạc với Quốc hội, làm dấy lên lo ngại rằng họ bị trả đũa.

DOJ cho biết quyết định sa thải hai quan chức này được đưa ra trước khi họ trình bày mối lo ngại của mình lên Quốc hội.

Các tài liệu mới được công bố khác cho thấy các quan chức khuyên là nên đưa ra nhiều cáo buộc hơn so với những cáo buộc cuối cùng đối với ông Hunter Biden.

Trong một lần, ông Zeigler đề nghị rằng ông Hunter Biden nên bị cáo buộc trọng tội vì đã không đóng thuế đối với thu nhập nhận được từ năm 2014 đến năm 2018 và vì đã nộp tờ khai thuế với thông tin sai lệch bởi vì ông được cho là đã dán nhãn sai cho các khoản đáng ra là khấu trừ kinh doanh và không báo cáo số tiền mà ông nhận được từ một trong những kế hoạch tiết kiệm tiền để con của ông học đại học. Theo ông Zeigler, một thông tin khác cho thấy một cuộc điện thoại đã diễn ra, mà qua đó các công tố viên của DOJ đã đề nghị ba khinh tội và một trọng tội trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019.

Ông Hunter Biden cuối cùng chỉ bị cáo buộc các khinh tội vì không đóng thuế trong hai năm.

Ông Smith (Cộng Hòa-Minnesota), chủ tịch ủy ban, nói với các phóng viên tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn rằng, thông tin mới “có ý nghĩa quan trọng và cho thấy thêm tính trung thực của những người tố cáo cũng như nhiều sự tôn trọng mà các đồng sự dành cho họ, và thông tin này cũng công khai bằng chứng mới dựa trên lời khai trước đó của họ.”

Ông Smith cho biết những bằng chứng này củng cố thêm cho cuộc điều tra đàn hặc tổng thống mà ông đang giúp chỉ thị.

Dân biểu Beth Van Duyne (Cộng Hòa-Texas), một thành viên khác trong ủy ban cho biết: “Những gì mà quý vị nhận thấy qua những bức thư điện tử này là họ bị cản trở thực hiện công việc của mình hết lần này đến lần khác.”Thanh Nhã lược dịch

Hoa Kỳ: Thực phẩm biến đổi gene sẽ được ghi nhãn là ‘được chế tạo bằng công nghệ sinh học’ theo quy định mới

Một bao bì được nhìn thấy tại một cửa hàng bách hóa ở California trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Robyn Beck/AFP qua Getty Images)
Zachary Stieber

Thứ năm, 28/09/2023

Các sản phẩm ở Hoa Kỳ có chứa những động-thực vật biến đổi gen (GMO) giờ đây sẽ được ghi nhãn là “được chế tạo bằng công nghệ sinh học” theo các quy tắc công bố thực phẩm mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Đây là một sự thay đổi so với việc mô tả thực phẩm có các thành phần “biến đổi gen” hoặc GMO theo các quy tắc cũ.

Các công ty được cho thời hạn đến ngày 01/01/2024 để tuân thủ các quy định mới vốn được hoàn thiện dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump. Chính phủ đã tuân theo một đạo luật được Quốc hội thông qua hồi năm 2016 để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về việc công bố các thực phẩm được chế tạo hoặc có thể được chế tạo bằng công nghệ sinh học.

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Nông nghiệp đương thời Sonny Perdue cho biết tiêu chuẩn toàn quốc này “ngăn ngừa một hệ thống chắp vá theo từng tiểu bang vốn có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.”

Các yêu cầu ghi nhãn cập nhật này đã vấp phải sự chỉ trích, cũng như một vụ kiện từ Trung tâm An toàn Thực phẩm, nơi cho rằng những yêu cầu ghi nhãn này đang gây nhầm lẫn.

“Những quy định này không nhằm mục đích thông báo cho công chúng mà để cho phép các tập đoàn che giấu khách hàng của họ về việc sử dụng các thành phần biến đổi gene,” ông Andrew Kimbrell, giám đốc điều hành của trung tâm này, cho biết trong một tuyên bố. “Đó là một hành vi lừa đảo bằng quy định mà chúng tôi đang tìm cách bãi bỏ tại tòa án liên bang.”

Trong số những tổ chức phản đối quy định này có Hiệp hội Thương mại Hữu cơ, Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại, và Dự án Không GMO.

Lúc các quy tắc nói trên được công bố, Dự án Không GMO cho biết trong một tuyên bố rằng: “Nhìn chung, nhiều sản phẩm có chứa GMO sẽ không được ghi nhãn, tức là, việc không được công bố là được chế tạo bằng công nghệ sinh học (bioengineered, hay BE) không đồng nghĩa với việc sản phẩm đó không [chứa các thành phần] GMO.”

Trong Luật Công bố Thực phẩm Công nghệ Sinh học Quốc gia, Quốc hội đã yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm phải đưa lên trên nhãn những dòng chữ, một biểu tượng, hoặc một liên kết kỹ thuật số như mã QR nếu sản phẩm có những thành phần được chế tạo bằng công nghệ sinh học. Các nhà lập pháp đã sử dụng thuật ngữ “được chế tạo bằng công nghệ sinh học,” nhưng lại không cho phép Bộ Nông nghiệp sử dụng các thuật ngữ tương tự. Tuy nhiên, bộ đã chọn tiếp tục dùng thuật ngữ “được chế tạo bằng công nghệ sinh học” này.

Những người ủng hộ các quy định này bao gồm các nhóm công nghiệp thực phẩm, chẳng hạn như Viện Tiếp thị Thực phẩm và Hiệp hội các Nhà sản xuất Hàng bách hóa.

Năm 2018, viện này tuyên bố: “Quy tắc này cung cấp một cách làm thống nhất để mang lại sự minh bạch về thực phẩm mà chúng tôi bán, đồng thời cung cấp cho khách hàng của chúng tôi trên toàn quốc cách thức để tìm hiểu thêm về các hàng bách hóa có chứa những thành phần được chế tạo bằng công nghệ sinh học.”

Tuy nhiên, ngay cả một số người ủng hộ cũng đã kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden trì hoãn thời hạn tuân thủ này bởi vì các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn còn bề bộn.

Trong một tuyên bố gần đây, Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng nói rằng chính phủ “ngay lập tức phải bảo đảm lập trường ‘không gây hại’ để cho phép các công ty tập trung vào việc phân phối cho người tiêu dùng.”Cẩm An biên dịch

Phim tài liệu ‘Không có nông dân, Không có lương thực: Quý vị sẽ ăn bọ chứ?’ phơi bày đại kế hoạch đằng sau nghị trình khí hậu

Bộ phim tài liệu độc quyền này cung cấp một góc nhìn sâu sắc về việc chính phủ các nơi trên thế giới đang định hình một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu như thế nào.
Anh Roman Balmakov, giám đốc kiêm người dẫn chương trình Facts Matter tại buổi ra mắt thế giới bộ phim tài liệu “Không có nông dân, Không có lương thực: Quý vị sẽ ăn bọ chứ?” tại Irving, Texas, hôm 22/09/2023 (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Jana J. Pruet

Thứ năm, 28/09/2023
Một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu âm thầm xuất hiện khi chính phủ các nơi trên thế giới thúc đẩy “những chính sách xanh” buộc nông dân phải rời bỏ hoạt động kinh doanh.

Trong bộ phim tài liệu độc quyền của The Epoch Times “Không có nông dân, Không có lương thực: Quý vị sẽ ăn bọ chứ?” anh Roman Balmakov phơi bày một đại kế hoạch kéo dài cả thập niên nhằm phá hủy nguồn cung cấp lương thực trên thế giới.

“Đây sẽ là cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp theo mà giới truyền thông khắp thế không màn đến,” anh Balmakov, người dẫn chương trình “Facts Matter” của EpochTV cho biết.

Anh Balmakov sẽ đồng hành cùng quý vị xuyên suốt một cuộc hành trình mà ở đó ghi hình lại những câu chuyện đời thật của những người nông dân tại Mỹ quốc, Hà Lan, và Sri Lanka. Họ là những người đang bị mất đi đất đai và sinh kế dưới chiêu bài biến đổi khí hậu.

Bộ phim của The EpochTV được ra mắt vào lúc 8 giờ 30 phút tối theo giờ Miền Đông, hôm Thứ Hai 25/09.

Điểm phim

Anh Balmakov phơi bày lịch sử của khủng hoảng khí hậu và cách mà các nhà lãnh đạo thế giới nhìn nhận vấn đề này tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển, còn được biết đến là Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất vào tháng 06/1992, ngay sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.

“Mọi con đường đều dẫn đến Liên Hiệp Quốc (U.N),” anh Balmakov, cũng là đạo diễn bộ phim, chia sẻ với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước ngày ra mắt phim tại Thảm Đỏ hôm 23/09, nơi mà bộ phim được công chiếu cho khoảng 200 khán giả tại Hội nghị Thượng đỉnh Stop 30×30 ở Irving, Texas.

Bộ phim đi sâu vào Nghị trình 30, trước đây được biết đến là Nghị trình 21, và việc Liên Hiệp Quốc đặt ra các chính sách toàn cầu nhằm chấm dứt hoạt động nông nghiệp tư nhân và tạo ra sự phụ thuộc vào một chính phủ toàn cầu vốn sẽ kiểm soát nguồn cung cấp lương thực của thế giới như thế nào.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới quy trách nhiệm cho sự biến đổi khí hậu đã khiến cho giá lương thực tiếp tục tăng trên toàn cầu.

“Và giải pháp của họ có thể làm quý vị ngạc nhiên,” anh Balmakov cho biết trong bộ phim. “Theo Liên Hiệp Quốc, [loài bọ] có thể thực sự trở thành bữa tối của quý vị trong tương lai.”

“Những người phụ trách một số tổ chức quyền lực nhất hành tinh xác định ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chăn nuôi, là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân khiến cho giá lương thực đắt đỏ và gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực.”

Bộ phim khám phá ra cách các chính phủ đang lợi dụng nghị trình khí hậu — cả ở trong và ngoài nước — để kiểm soát đất nông nghiệp tư nhân.

“Quý vị sẽ cho rằng chính phủ muốn giúp đỡ người nông dân,” anh Balmakov cho biết. “Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là chuyện này đã đi đến mức nào rồi.”

Trong bộ phim, các chủ trang trại ở California giải thích cho anh Balmakov về cách mà cơ quan cung cấp nước của tiểu bang đưa ra các quy định kiểm soát hạn hán khẩn cấp vào năm ngoái, với lý do là bảo vệ loài cá hồi Coho mà tiểu bang tuyên bố đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Bà Theodora Johnson, chủ trang trại gia súc ở Thung lũng Scott, cho biết những quy định đó ngăn cản chủ sở hữu đất tiếp cận nguồn nước ngầm của chính họ. Bà cho rằng nếu không có nước thì việc chăn nuôi không thể tiếp tục được.

“Nước là thứ khiến cho mọi việc hoạt động được,” bà Johnson cho biết trong phim. “Ở Thung lũng Scott, quý vị không thể làm được gì nếu không có nước.”

Các chuyên gia địa phương kể lại với anh Balmakov rằng cá hồi Coho không phải là loài thuộc địa phương sông Klamath, dòng sông chảy qua Thung lũng Scott.
‘Cuộc khủng hoảng nitơ’ tại Hà Lan

Anh Balmakov còn đi tới Hà Lan. Ở đây, nông dân bị buộc phải giảm số lượng bầy đàn gia súc từ 50 đến 90% dưới danh nghĩa biến đổi khí hậu.

Năm 2019, chính phủ Hà Lan tuyên bố một cuộc “khủng hoảng nitơ” và bắt đầu thực hiện các quy định nhằm cắt giảm mạnh 50% lượng phát thải khí nitơ vào năm 2030.

Quốc gia nhỏ này có lịch sử lâu đời về chăn nuôi, từng là quốc gia xuất cảng thịt lớn nhất châu Âu, nhưng cục diện đang thay đổi, và các trang trại gia đình có niên đại hàng thế kỷ đang dần phá sản.

Một số nông dân và chuyên gia cho rằng toàn bộ cuộc khủng hoảng nitơ này được tạo ra để chính phủ có thể kiểm soát đất đai.

Ông Martijn Vorkink, một nông dân thế hệ thứ tư, cho biết đất đai trở nên vô giá trị khi không thể canh tác được nữa. Vì vậy, nhiều nông dân đang bán đất của họ cho chính phủ vì họ không đủ khả năng giữ đất nếu như đất không thể nuôi gia đình họ được nữa.

Một người nuôi dế và sâu bột cho anh Balmakov biết côn trùng đang được đưa ra thị trường như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực trong tương lai.
Đói kém ở Sri Lanka

Bộ phim tài liệu này sẽ cho quý vị thấy trực tiếp điều gì sẽ xảy ra khi các quy định của chính phủ áp đặt lệnh cấm phân bón hóa học giúp cho nông dân sản xuất cây trồng.

Vào năm 2021, chính phủ Sri Lanka đã cấm phân bón hóa học và thuốc trừ sâu với lý do nhằm cung cấp phương áp ăn [thực phẩm] hữu cơ cho tất cả người dân trong nước.

Hành động này đã phá hoại nghiêm trọng các vụ lúa, nguồn lương thực chính của quốc đảo có khoảng 22 triệu dân này, và đẩy quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và thiếu hụt lương thực.

Năm ngoái, chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm vừa mới ban hành đối với phân bón hóa học, và quốc gia này đang bắt đầu phục hồi trở lại.
Phản ứng đối với bộ phim

Bộ phim tài liệu làm nổi bật một số chính sách nghe có vẻ vô thưởng vô phạt đối với nguồn cung cấp lương thực.

“Điều đáng lo ngại nhất là họ đang đặt ra những luật lệ để đẩy những tiểu nông rời đi,” bà Margaret Byfield, giám đốc điều hành của American Stewards of Liberty, chia sẻ với The Epoch Times sau buổi chiếu. Bà Byfield cũng góp mặt trong bộ phim này.

Một số khán giả khác cho rằng bộ phim là lời cảnh tỉnh về sự lừa dối ẩn giấu đằng sau “những chính sách xanh” trên toàn cầu.

Bà Stephaine Cross chia sẻ với The Epoch Times: “Anh Roman Balmakov đã làm được một việc phi thường khi tiết lộ những thực tế khắc nghiệt và những câu chuyện cần được đưa ra ánh sáng nhưng chưa có ai kể.” Bà Cross, chủ sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Địa ốc Tennessee, đã tham dự buổi ra mắt phim tại Irving.

Bà cho biết thêm: “Tôi thấy vừa hoang mang vừa kinh sợ! Nội dung [phim] phơi bày sự thật và tạo cảm giác hồi hộp, làm sáng tỏ những phương diện đã bị che giấu khỏi chúng ta một cách tỉ mỉ và dối trá.”Tuệ Chân biên dịch

Hoa Kỳ: Thượng nghị sĩ Menendez không nhận tội hối lộ

Tại tòa án Manhattan, Thượng nghị sĩ Bob Menendez không nhận tội hối lộ khi ngày càng nhiều người yêu cầu ông từ chức.
Thượng nghị sĩ Bob Menendez, nghị sĩ Đảng Dân Chủ của New Jersey, và vợ, bà Nadine Arslanian, đến Tòa án Địa hạt Liên bang, Địa hạt phía Nam của New York, ở New York hôm 27/09/2023. (Ảnh: Timothy A. Clary/AFP qua Getty Images)
Savannah Hulsey Pointer

Thứ năm, 28/09/2023
Hôm thứ Tư (27/09), Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Cộng Hòa-New Jersey) ra hầu tòa và không nhận tội về các cáo buộc tham nhũng chống lại ông vào ngày 22/09.

Nghị sĩ Đảng Dân Chủ từ New Jersey lần đầu tiên trình diện tại tòa án liên bang ở Manhattan trong bối cảnh các đồng sự của ông ngày càng yêu cầu ông từ chức nghị sĩ Quốc hội. Ông Menendez và vợ ông, người cũng bị cáo buộc trong vụ án, đã không nói gì khi bước vào tòa án tại Lower Manhattan sáng hôm thứ Tư.

Hôm 22/09, ông Menendez và vợ, bà Nadine Arslanian Menendez, đã bị công tố viên liên bang của Địa hạt phía Nam New York truy tố, với nhiều cáo buộc về âm mưu, trong đó có hối lộ, gian lận trong các dịch vụ trung thực, và tống tiền dưới danh nghĩa pháp luật.

Theo tài liệu chi tiết (pdf) mà The Epoch Times có được, ông Menendez và vợ bị cáo buộc đã nhận hối lộ hàng trăm ngàn dollar. Các quan chức tuyên bố rằng hối lộ được thực hiện dưới hình thức tiền mặt, vàng, và thậm chí cả các khoản vay mua nhà. Tháng 06/2022, khi thực hiện lệnh khám xét tư gia của ông Menendez, các nhà chức trách đã thu giữ cả vàng và tiền mặt.

Ông Menendez tỏ ra thách thức, khẳng định rằng những cáo buộc cho rằng ông lạm dụng chức vụ để làm giàu cho bản thân là không có căn cứ. Ông đã tuyên bố rằng ông tự tin mình sẽ được minh oan và không có dự tính thôi việc ở Thượng viện. Hồi tuần trước, ông đã từ chức vị trí chủ tịch Ủy ban Đối ngoại sau khi bị truy tố.

Đây là vụ án tham nhũng thứ hai của ông Menendez trong một thập niên; hồi năm 2017, các bồi thẩm viên đã không đưa ra được một sự kết án nào trong phiên tòa trước đó của ông liên quan đến các cáo buộc tương tự.

Ông Menendez cho biết trong một cuộc họp báo ngày 25/09 rằng những cáo buộc mà các công tố viên đưa ra chống lại ông là hoàn toàn sai sự thật và bằng chứng được tìm thấy trong nhà ông là tiền được giữ lúc đó bởi vì lịch sử gia đình ông có liên quan với chủ nghĩa cộng sản, đồng thời ông yêu cầu giả định vô tội trong vụ kiện của ông.

“Nền tảng của nền dân chủ Mỹ và hệ thống tư pháp của chúng ta là nguyên tắc mà tất cả mọi người đều được cho là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Tất cả mọi người,” ông Menendez nói với một nhóm phóng viên. “Tôi không yêu cầu gì hơn và không kém phần xứng đáng với nguyên tắc đó. Tòa án của dư luận không thể thay thế cho hệ thống tư pháp tôn kính của chúng ta.”

Thượng nghị sĩ Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois), trước đây không muốn kêu gọi ông Menendez từ chức, nhưng hôm 27/09, đã thay đổi quan điểm của mình, nói trong một tuyên bố đăng lên X, trước đây là Twitter: “Các nhà lãnh đạo ở New Jersey, kể cả Thống đốc và đồng sự của tôi ở Thượng viện, ông Cory Booker, đã nói rõ rằng Thượng nghị sĩ Menendez không thể phục vụ được nữa. Ông ấy nên từ chức.”
Những lời kêu gọi ông Menendez từ chức

Điều này xảy ra sau tuyên bố hôm 24/09, trong đó ông gọi những cáo buộc chống lại ông Menendez là “rất nghiêm trọng,” nhưng không kêu gọi ông từ chức: “Đây là một cáo buộc rất nghiêm trọng. Không có nghi ngờ gì về điều đó,” ông Durbin nói trong chương trình Thông điệp Liên bang của CNN khi được hỏi liệu Ông Menendez nên từ chức hay không. “Nhưng điều đó nhắc nhở chúng ta về những gì tôi đã nói về các cáo trạng chống lại ông Donald Trump, những cáo buộc nghiêm trọng không kém.”

Ông nói: “Trên thực tế, đây là những cáo buộc phải được chứng minh theo quy định của pháp luật.”

Ông Booker, Thượng nghị sĩ từ New Jersey, cũng là đồng sự của ông Menendez, đã gây chú ý khi đưa ra tuyên bố hôm 26/09, nêu quan điểm của mình về người đồng sự đang gặp rắc rối này. Ông Booker đã khen ngợi ông Menendez nhưng cho rằng ông nên rời nhiệm sở. Ông Menendez làm việc ở Thượng viện từ năm 2006 và hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ ba.

Ông mô tả Thượng nghị sĩ Menendez là người “thông minh, cứng rắn, đam mê, và đồng cảm sâu sắc,” đồng thời cho biết ông trân trọng mối quan hệ công việc và tình bằng hữu của họ.

“Một bồi thẩm đoàn gồm những người ngang hàng với ông ấy sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu ông ấy có phạm tội hình sự hay không,” ông Booker nói. “Tuy nhiên, có một tiêu chuẩn khác cao hơn dành cho các công chức quốc gia, một tiêu chuẩn không phải về luật hình sự mà là về những lý tưởng chung.”

“Là thượng nghị sĩ, chúng tôi hoạt động dựa trên sự tin tưởng của công chúng. Sự tin tưởng đó là điều cần thiết đối với khả năng thực hiện công việc của chúng tôi và thực hiện nghĩa vụ đối với cử tri của mình.”

Nhà lập pháp này khẳng định rằng vì bản chất của cáo buộc, người dân New Jersey không thể bỏ qua nguy cơ ông Menendez sẽ có tội và do đó, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của ông đã bị tổn hại.

“Thượng nghị sĩ Menendez quyết liệt khẳng định mình vô tội, và do đó có thể hiểu được rằng ông ấy tin rằng việc từ chức rõ ràng là không công bằng. Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm. Việc từ chức không phải là thừa nhận tội lỗi mà là sự thừa nhận rằng việc giữ chức vụ công quyền thường đòi hỏi những hy sinh to lớn với cái giá phải trả lớn về phương diện cá nhân.”

“Thượng nghị sĩ Menendez trước đây đã hy sinh những điều này để phục vụ. Và trong trường hợp này, ông ấy phải làm lại lần nữa. Tôi tin rằng từ chức là điều tốt nhất cho những gì mà Thượng nghị sĩ Menendez đã dành cả đời mình để phục vụ.”

Các nghị sĩ Đảng Dân Chủ tại Thượng viện khác cùng đồng lòng kêu gọi ông Menendez từ chức bao gồm ông Tammy Baldwin (Dân Chủ-Wisconsin), ông Bob Casey (Dân Chủ-Pennsylvania), ông Jon Tester (Dân Chủ-Montana), ông Jacky Rosen (Dân Chủ-Nevada), bà Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts), ông Martin Heinrich (Dân Chủ-New Mexico), ông Mark Kelly (Dân Chủ-Arizona), ông Michael Bennet (Dân Chủ-Colorado), và bà Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota).

Cuối ngày thứ Ba, nhiều lời kêu gọi hơn đến từ các Thượng nghị sĩ Edward Markey (Dân Chủ-Massachusetts), Maggie Hassan (Dân Chủ-New Hampshire), Mazie Hirono (Dân Chủ-Hawaii), Kristen Gillibrand (Dân Chủ-New York), và Raphael Warnock (Dân Chủ-Georgia).Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press

PHÂN TÍCH: Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác định Trung Quốc cộng sản là mối đe dọa vũ khí sinh học chính

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng về chiến tranh sinh học nói Trung Quốc là ‘một thách thức đáng gờm” đối với Hoa Kỳ, sau nhiều thập niên tồn tại các mối đe dọa của ĐCSTQ.
Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân đã qua đời đến một chiếc xe tải đông lạnh dùng làm nhà xác tạm thời, tại Trung tâm Bệnh viện Brooklyn ở thành phố New York, vào ngày 09/04/2020. (Ảnh: Angela Weiss/AFP qua Getty Images)
Nathan Su
Thứ năm, 28/09/2023

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phác thảo chiến lược quốc gia để đáp ứng những thách thức do các mối đe dọa sinh học gây ra.

Tuần trước (18-24/09), Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã đưa ra một thông báo cấm Viện Virus học Vũ Hán (WIV) nhận tài trợ liên bang trong 10 năm vì các thí nghiệm tăng chức năng của viện này.

Thông báo đó được đưa ra khi các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện thúc giục Bộ trưởng HHS Xavier Becerra tuân thủ một cuộc điều tra của Quốc hội về nguồn gốc của Covid-19. Trong khi đó, hôm thứ Hai (25/09), Vương quốc Anh xác nhận rằng hội nghị thượng đỉnh toàn cầu sắp tới về trí tuệ nhân tạo sẽ tập trung vào tiền năng mà AI có thể tạo ra vũ khí sinh học, khi Thủ tướng Rishi Sunk cảnh báo về một “cơ hội mong manh” để giải quyết mối đe dọa này.

Các nhà phân tích quốc phòng tiếp tục thảo luận về Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học năm 2023 (pdf), được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố hồi tháng trước (tháng Tám). Báo cáo này là một tài liệu toàn diện phác thảo sự sẵn sàng chiến lược của quốc gia trước các mối đe dọa an ninh sinh học tiềm ẩn.

Báo cáo được công bố sau hơn hai thập niên với các mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên quan đến tiềm năng sử dụng công nghệ sinh học như một hình thức “chiến tranh không giới hạn” chống lại các quốc gia phương Tây. Báo cáo đề cập đến hậu quả tàn khốc của đại dịch COVID-19, khiến hàng triệu người tử vong trên toàn cầu.

Chỉ vài tuần trước khi báo cáo được công bố hôm 17/08, Bộ Quốc phòng tuyên bố sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD mỗi năm trong 5 năm tới để đề phòng các mối đe dọa sinh học đã biết và đang phát sinh. Theo một bài báo trên tạp chí Quốc phòng Quốc gia, khoản đầu tư đó tiếp thêm tối đa khoảng 1.4 tỷ USD được phân bổ trong năm 2022 cho các hoạt động phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ, và hạt nhân.

Hôm 28/07, bà Deb Rosenblum, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các chương trình hạt nhân, hóa học, và sinh học, đã đưa ra thông báo cảnh báo về “sự hội tụ sinh học” — sự kết hợp giữa khoa học sinh học với các công nghệ mới nổi.
Trung Quốc: Một ‘thách thức đáng gờm’

Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học gọi Trung Quốc, kế tiếp là Nga, Bắc Hàn, Iran, và các “tổ chức cực đoan bạo lực” không được nhắc tên, là “thách thức đáng gờm” đối với Bộ Quốc phòng.

Bản đánh giá lưu ý rằng Chiến lược Quốc phòng Quốc gia, được ban hành năm 2022, “mang đến một tầm nhìn để Bộ Quốc phòng tập trung giải quyết thách thức đáng gờm của chúng ta” — cụ thể là, một đối thủ cạnh tranh đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thách thức khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ — “ngay cả khi chúng ta kiểm soát các mối đe dọa còn lại của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.”

Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học đã nêu rõ bốn mục tiêu mà Bộ Quốc phòng phải ưu tiên trước năm 2035 để chống lại các mối đe dọa sinh học:

1. Bảo vệ quốc gia trước mối đe dọa đa lĩnh vực ngày càng tăng do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) gây ra;

2. Ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược chống lại Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của mình;

3. Ngăn chặn sự xâm lược, đồng thời sẵn sàng chiếm thế thượng phong trong xung đột khi cần thiết — ưu tiên thách thức của CHND Trung Hoa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau đó là thách thức của Nga ở châu Âu;

4. Xây dựng một Lực lượng Liên hợp và hệ sinh thái quốc phòng kiên cường.

Trong bốn mục tiêu ưu tiên này, thì các mối đe dọa chủ yếu đến từ hai chế độ: ĐCSTQ và Nga, trong đó ĐCSTQ hai lần được nêu tên còn Nga thì một lần.
Nhiệt tình ủng hộ chiến tranh không giới hạn

Báo cáo lưu ý rằng các ấn phẩm của Trung Quốc “đã gọi sinh học là một lĩnh vực chiến tranh mới.”

Vào những năm 1990, quân đội Trung Quốc đưa ra khái niệm chiến tranh không giới hạn, một hình thức chiến tranh tổng lực vượt qua ranh giới quân sự và sẵn sàng sử dụng mọi công nghệ sẵn có.

Hai đại tá Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), Kiều Lương (Qiao Liang) và Vương Tương Tuệ (Wang Xiangsui), đã đặt ra khuôn khổ và các chiến thuật cho cách tiếp cận này trong cuốn sách xuất bản năm 1999 có nhan đề “Unrestricted Warfare” (“Siêu Hạn Chiến”) của họ. Họ đưa vũ khí sinh hóa vào như một phần trong chiến lược tiến tới một “cuộc cách mạng trong chiến tranh.”

Chiến tranh sinh học, về bản chất, thể hiện tất cả đặc điểm của chiến tranh không giới hạn, trong đó quy tắc đầu tiên là “không có luật lệ, không có gì cấm đoán.”

Hơn một thập niên sau khi cuốn sách đó được xuất bản, một cuốn sách của tác giả Quách Kế Vệ (Guo Jiwei), được xuất bản năm 2010, có nhan đề “War for Biological Dominance” (“Chiến tranh Giành Thống trị Sinh học”) đã nhấn mạnh tác động của sinh học đối với chiến tranh trong tương lai. Ông Quách Kế Vệ là một giáo sư kiêm bác sĩ trưởng tại Đại học Quân y số 3 của PLA, đồng thời là tác giả của một bài báo năm 2006 trên Tạp chí Quân y PLA có tiêu đề “Quyền chỉ huy của công nghệ sinh học và cuộc chinh phục nhân từ trong phe đối lập quân sự.”

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục nhiệt tình ủng hộ chiến tranh không giới hạn trong thập niên tới.

Ngày 23/01/2014, tờ Tin tức Quốc phòng Trung Quốc đã phát hành một bài báo có tiêu đề “Chiến tranh di truyền sẽ làm biến đổi một cách căn bản chiến tranh của nhân loại.”

“Vũ khí di truyền có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau,” bài báo này viết. “Thông qua con người, phi cơ, phi đạn, hoặc pháo binh, người ta có thể đưa vi khuẩn bị biến đổi gen, côn trùng mang vi khuẩn, và vi sinh vật có gen gây bệnh vào các con sông lớn, các thành phố, hoặc các trục giao thông chính của các quốc gia khác, để những vi sinh vật như virus có thể lây lan và nhân lên một cách tự nhiên, do đó khiến con người và động vật, trong thời gian ngắn, mắc phải một căn bệnh nan y nào đó.”

Đối với tác giả của bài báo này, thì việc sát hại hàng loạt hoặc làm bị thương những thường dân vô tội rõ ràng không phải là vấn đề đáng lo ngại.

“Ngoài ra, vũ khí di truyền có thể sử dụng các kỹ thuật chỉnh sửa gene tùy theo nhu cầu cụ thể. Chẳng hạn, chúng ta có thể chèn các gene gây tổn hại tinh thần con người vào một số sinh vật. Nếu người thuộc một nhóm dân tộc nào đó bị nhiễm các gene làm suy giảm trí thông minh này, thì họ sẽ mất đi năng lực trí tuệ bình thường,” ông này viết.
Chiến trường vô hình

Ngày 10/11/2017, Nhật báo PLA đã xuất bản một bài xã luận có tiêu đề “Vũ khí di truyền sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chiến tranh trong tương lai,” mô tả “chiến trường vô hình” trong tương lai này như sau:

“Một bên có thể sử dụng vũ khí di truyền trước cuộc chiến tranh, gây ra sự tàn phá về nhân lực và môi trường sống của bên kia, dẫn đến sự diệt vong của một quốc gia, vì cả quốc gia mất đi hiệu quả chiến đấu và bị chinh phục mà không đổ máu … Chiến trường tương lai sẽ trở thành một chiến trường vô hình.”

Năm sau đó, các tác giả của một bài báo đăng trên trang China Military — trang tin tức Anh ngữ của PLA — giải thích rằng bằng cách lợi dụng sự khác biệt về di truyền giữa các chủng tộc khác nhau, vũ khí di truyền có thể sát hại hoặc vô hiệu hóa một nhóm người bị nhắm mục tiêu, trong khi cứu một nhóm người không xác định khỏi bị tổn hại.

“Các nghiên cứu đã cho thấy rằng 99.7% đến 99.9% DNA của con người là giống nhau, và những khác biệt nhỏ là chìa khóa để phân biệt các chủng tộc khác nhau. Do đó, mỗi quốc gia và chủng tộc có một bộ di truyền riêng, dựa vào đó, về mặt lý thuyết, vũ khí di truyền có thể được phát triển để nhắm mục tiêu có chọn lọc các gene chủng tộc cụ thể, từ đó sát hại hoặc làm bị thương một chủng tộc cụ thể nào đó,” bài báo viết.

Bài báo này chỉ ra phương diện thực tế của việc “sử dụng 50 triệu USD để xây dựng một kho vũ khí di truyền” mà “sẽ có khả năng sát thương cao hơn nhiều so với một kho vũ khí hạt nhân tốn 100 tỷ USD để xây dựng.”

Năm 2020, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có câu nói nổi tiếng: “Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn.” Câu nói này đã trở thành cơ sở cho một kiểu “ngoại giao chiến lang” gây hấn và đối đầu mới. Phản ánh kiểu ngoại giao này là các cuộc thảo luận chủ chiến về chiến tranh sinh học trên truyền thông nhà nước và ấn phẩm quân sự của Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại trong chính phủ Hoa Kỳ.
Mối quan hệ của Viện Virus học Vũ Hán với quân đội Trung Quốc

Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học liên tục trích dẫn bản chất sử dụng kép của công nghệ sinh học — tiềm năng cho cả mục đích hợp pháp và bất hợp pháp — cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự.

Đáng chú ý, Viện Virus học Vũ Hán (WIV), có thể là một đầu mối của virus corona mới, là một viện nghiên cứu kết hợp quân sự-dân sự điển hình.

Một tài liệu ngày 15/01/2021 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố cho biết: “Mặc dù WIV tự cho thấy họ là một tổ chức dân sự, nhưng Hoa Kỳ xác định rằng WIV cộng tác trong các ấn phẩm và các dự án bí mật với quân đội Trung Quốc. WIV đã tham gia vào nghiên cứu bí mật, bao gồm các thí nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm, thay mặt cho quân đội Trung Quốc ít nhất kể từ năm 2017.”

Tháng 05/2021, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng viện này đã tiến hành công trình nghiên cứu quân sự cùng với nghiên cứu dân sự của mình.

Ông nói: “Điều tôi có thể nói chắc chắn là thế này: chúng tôi biết rằng họ đã tham gia vào các nỗ lực có liên quan đến Quân Giải phóng Nhân dân bên trong phòng thí nghiệm đó, vì vậy công trình nghiên cứu quân sự được thực hiện cùng với những gì họ tuyên bố chỉ là nghiên cứu dân sự thông thường.”

Xem xét lại thời kỳ ban đầu của đại dịch là rất quan trọng. Ngày 25/01/2020, chưa đầy hai ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, một chuyên gia về chiến tranh sinh học của PLA, Thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei), đã dẫn đầu một nhóm đến Vũ Hán để phụ trách viện này. Về mặt chính thức, Tướng Trần được phái đến Vũ Hán để tạo ra một loại vaccine chống lại virus COVID-19, điều mà nhóm của bà đã làm được — với tốc độ vượt trội.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của Tướng Trần tại Viện Vũ Hán xác nhận mối liên hệ giữa phòng thí nghiệm Vũ Hán và quân đội Trung Quốc.

Một báo cáo điều tra chung của tạp chí Pro-Publica và Vanity Fair, xuất bản hồi tháng 10/2022, dẫn lời các chuyên gia cho biết tốc độ mà nhóm của Tướng Trần phát triển một loại vaccine là “không thực tế, nếu không muốn nói là bất khả thi.”

Các chuyên gia giấu tên cho biết phòng thí nghiệm này “chắc hẳn đã có quyền truy cập vào trình tự bộ gene của virus trước tháng 11/2019, vài tuần trước khi Trung Quốc chính thức thừa nhận rằng virus đang lây lan.”

Hồi tháng 05/2023, một người trong cuộc giấu tên nói với The Epoch Times rằng sự hiện diện của chuyên gia chiến tranh sinh học này tại WIV là bằng chứng rõ ràng cho một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Ông nói rằng vị tướng này rất có thể được cử đến Vũ Hán để “dọn dẹp mớ hỗn độn.”
Cẩm An biên dịch

Hoa Kỳ và EU tìm cách kiềm chế sức mạnh về thép của Trung Quốc bằng các mức thuế mới

Trung Quốc đang là mục tiêu của các mức thuế mới do Hoa Kỳ, EU đề nghị nhắm vào các quốc gia sản xuất nhiều thép hơn nhu cầu thị trường.
Một nhân viên cắt tấm thép mới đúc tại nhà máy thép NLMK Indiana ở Portage, Indiana, hôm 15/03/2018. Các chuyên gia cho biết, các chiến thuật sản xuất quá mức và bán phá giá của Trung Quốc đã khiến ngành thép Hoa Kỳ mất hàng ngàn việc làm. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Shawn Lin
Lynn Xu
Thứ năm, 28/09/2023

Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu (EU) đang đàm phán một thỏa thuận áp đặt mức thuế mới nhắm vào sản xuất thép dư thừa.

Theo một bản tin ngày 06/09 của Bloomberg, các biện pháp thuế quan mới sẽ chủ yếu nhắm vào thép nhập cảng từ Trung Quốc. Các biện pháp này nhằm mục đích ổn định lại thị trường thép toàn cầu và chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn do tình trạng dư thừa công suất và việc bán phá giá thép trên thị trường toàn cầu của Trung Quốc.

Trung Quốc từ lâu đã trở thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng đặc trưng bởi tình trạng dư thừa thép toàn cầu nghiêm trọng và kéo dài — sự mất cân bằng xảy ra khi sản lượng vượt quá nhu cầu của thị trường đối với kim loại này.

Chuyên gia tài chính Paul Chiou cho biết, việc tăng ngưỡng thuế có thể cản trở việc bán phá giá thép của Bắc Kinh, đồng thời cho phép các quốc gia phương Tây cải tổ chuỗi cung ứng thép của họ.

Ông Chiou là giáo sư tài chính tại Đại học Northeastern University của Boston và là nhà bình luận thường xuyên về các vấn đề thị trường tài chính. Ông đã nói chuyện với The Epoch Times hôm 12/09 về điều mà ông gọi là thái độ ngày càng “cảnh giác” của EU và Hoa Kỳ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Chiou cho biết, “Tất nhiên, việc xây dựng lại chuỗi cung ứng thép của họ sẽ dẫn đến giá cao hơn, nhưng từ góc độ an ninh quốc gia, các quốc gia phương Tây đã nhận ra sự cần thiết của việc từ bỏ những lợi ích kinh tế tạm thời và chấp nhận ‘nỗi đau tạm thời’ để giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.”

Các nhân viên ngành thép và nhôm vỗ tay khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giơ cao “Tuyên bố Mục 232” về nhập cảng thép, được ký tại Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc, hôm 08/03/2018. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Thuế quan nhằm mục đích kìm hãm Trung Quốc thời ông Trump

Hồi tháng 03/2018, để thực hiện một lời hứa trong chiến dịch tranh cử, chính phủ ông Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với thép nhập cảng và 10% đối với nhôm nhập cảng, nhằm hạn chế tác động của tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Trump đã đề ra biện pháp này dựa trên một đạo luật thời Chiến Tranh Lạnh — Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại — cho phép tổng thống Hoa Kỳ có quyền lực rộng rãi để hạn chế các mặt hàng nhập cảng được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Hồi tháng 01/2018, một báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã kết luận rằng nhập cảng thép của Hoa Kỳ từ ngoại quốc đã dẫn đến việc đóng cửa hoặc ngừng hoạt động của hơn một nửa số nhà máy thép sử dụng lò thổi oxy cơ bản của Hoa Kỳ kể từ năm 2000. Báo cáo cũng liệt kê việc đóng cửa đáng kể trong số các cơ sở lò đốt hồ quang điện.

Báo cáo cho thấy, từ năm 1998 đến năm 2016, ngành thép Hoa Kỳ đã chứng kiến số lượng việc làm trong ngành giảm 35%, mất hơn 14,000 việc làm chỉ riêng trong năm 2015 và 2016.

Ngành này cho biết, nhập cảng từ Trung Quốc đã đóng một vai trò rất lớn, ước tính rằng hơn một nửa lượng thép dư thừa trên toàn cầu nằm ở Trung Quốc.
Tranh chấp thương mại với EU

Hành động của ông Trump đã gây ra tranh chấp thương mại lớn khi EU đáp lại bằng đợt áp thuế riêng đối với một loạt hàng hóa của Hoa Kỳ.

Hồi tháng 10/2021, hai bên đã đạt được thỏa thuận duy trì mức thuế “Mục 232” của Hoa Kỳ đồng thời cho phép miễn thuế một lượng hạn chế kim loại do EU sản xuất vào Hoa Kỳ.

Khi tạm dừng tranh chấp thương mại, Hoa Kỳ và EU đã đồng ý hợp tác cùng nhau hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững, cho phép hai bên đàm phán kế hoạch này trong hai năm. Họ phải đối mặt với thời hạn là ngày 31/10.

Các mức thuế mới sẽ là một phần của thỏa thuận đó, nhằm mục đích xây dựng các rào cản thương mại chống lại hàng nhập cảng từ các nhà máy có lượng khí thải carbon cao, nhưng đáng chú ý là chống lại các quốc gia sản xuất nhiều thép hơn mức bảo đảm nhu cầu thị trường.
Tác động toàn cầu của tình trạng dư thừa nguồn cung thép từ Trung Quốc

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới có trụ sở tại Bỉ, Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, với sản lượng thép thô lên tới 1,018 triệu tấn vào năm 2022, chiếm khoảng 54% tổng sản lượng của thế giới.

Để so sánh, sản lượng thép thô kết hợp của 27 quốc gia châu Âu là 136.7 triệu tấn, trong khi sản lượng thép thô của Hoa Kỳ là 80.5 triệu tấn, tương ứng chưa bằng 1/7 và 1/12 sản lượng của Trung Quốc.

Theo bài viết của ký giả tài chính Wolf Richter trên blog Wolf Street của ông hồi tháng Sáu, sản lượng thép thô toàn cầu đã tăng 122% kể từ năm 2000. Sản lượng thép thô của Trung Quốc đã tăng 735%, trong khi phần còn lại của thế giới, ngoại trừ khu vực Bắc Mỹ, có mức tăng trưởng trung bình dưới 30%.

Một báo cáo năm 2016 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã lưu ý rằng năm 2005, Trung Quốc chiếm 31% sản lượng thép thế giới. Đến năm 2015, con số đó đã tăng lên 50%. Trong thập niên đó, sản lượng của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, chiếm gần như toàn bộ mức tăng 475 triệu tấn trong sản lượng toàn cầu.

Tình trạng dư thừa công suất và bán phá giá xuất cảng các sản phẩm thép đã tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.

Từ năm 2011 đến năm 2015, nguồn cung thép Trung Quốc tăng vọt đã khiến giá thép toàn cầu giảm 57% và khiến hàng chục ngàn người làm việc trong ngành này trên toàn thế giới mất việc, theo một bản tin năm 2018 của Wall Street Journal có tựa đề “Cách Trung Quốc Đã Xây Nên Một Đại Bản Doanh Thép Và Làm Chấn Động Thương Mại Thế Giới” (How China Built a Steel Behemoth and Convulsed World Trade).

Trong một tuyên bố chung hồi tháng 06/2015, các tập đoàn công nghiệp thép trên khắp thế giới đã cáo buộc Trung Quốc “dư thừa công suất rất nhiều và ngày càng gia tăng trong thời kỳ tăng trưởng chậm lại.” Báo cáo cho biết tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đã khiến tất cả các khu vực phải hứng chịu “sự gia tăng nhanh chóng về tình trạng nhập cảng không công bằng.”

Ủy viên Thương mại Âu Châu Cecilia Malmstrom nói trong cuộc tranh luận về thuế quan của Hoa Kỳ đối với thép và nhôm trong một phiên họp toàn thể tại Nghị viện Âu Châu ở Strasbourg, Pháp, hôm 14/03/2018. (Ảnh: Frederick Florin/AFP qua Getty Images)

Tuyên bố kêu gọi các chính phủ xem xét chính sách thép của Trung Quốc khi xem xét liệu Trung Quốc này có nên được Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) công nhận là nền kinh tế thị trường hay không.

Hồi tháng 05/2016, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc chống lại việc trao cho Trung Quốc quy chế “nền kinh tế thị trường.”

Báo cáo cho biết tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và dẫn đến xuất cảng giá rẻ đã gây ra “những hậu quả nghiêm trọng về xã hội, kinh tế, và môi trường ở EU.”
Nguồn lực nhà nước trợ cấp cho việc tiếp quản thép toàn cầu

Sự tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc trong ngành thép có thể bắt nguồn trực tiếp từ các chính sách khuyến khích dài hạn của ĐCSTQ. Bản tin của Wall Street Journal năm 2018 lưu ý, trong nhiều thập niên, rằng “các nhà máy thép của Trung Quốc không thể phân biệt được với nhà nước.”

Wall Street Journal cho biết: “Trong nhiều năm, sự thu xếp này đã ít được quan tâm ở nước ngoại quốc.” Tuy nhiên, khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, mức thuế thấp hơn và sự hậu thuẫn của chính quyền đã giúp xuất cảng ròng của Trung Quốc tăng vọt, gây ra nhiều lo ngại.

Hầu hết các nhà máy thép của Trung Quốc là doanh nghiệp nhà nước, cho phép họ tiếp cận với đất đai miễn phí, năng lượng giá rẻ, nguồn tài trợ của chính phủ, các khoản vay lãi suất thấp, và mọi loại nguồn lực của nhà nước và các quỹ ngân hàng.

Các khoản trợ cấp của ĐCSTQ cho phép các nhà sản xuất thép Trung Quốc định giá thấp hơn 20–40% so với ở Hoa Kỳ.

Theo đánh giá của chính phủ Hoa Kỳ, các cuộc điều tra từ năm 2004 đến 2008 của Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) phát hiện ra rằng Trung Quốc đã trợ cấp cho ống thép carbon hàn từ 25–113% giá trị sản phẩm.”

Trong một trường hợp khác, vào tháng 08/2021, tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc đã chuyển nhượng miễn phí 51% cổ phần của Công ty Bản Cương (Bengang Steel) cho Tập đoàn Yên Cương (Ansteel Group) thuộc sở hữu nhà nước, biến Bản Cương trở thành công ty con của Yên Cương. Việc tái cấu trúc do chính quyền tài trợ này đã tạo ra nhà sản xuất thép lớn thứ ba thế giới từ hai công ty từng là đối thủ.

Hành động này phù hợp với một loạt các hoạt động hợp nhất của ĐCSTQ nhằm củng cố ngành công nghiệp sắt thép.

Hồi tháng 09/2016, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố Tập đoàn Bảo Cương (Baosteel Group) có trụ sở tại Thượng Hải và Tập đoàn Gang thép Vũ Hán (Wuhan Iron and Steel Corp.) có trụ sở tại Hồ Bắc sẽ sáp nhập, đổi tên thành Tập đoàn Thép Bảo Vũ Trung Quốc (China Baowu Steel Group) và trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc.

Khói cuồn cuộn từ xỉ thép tại nhà máy của Tập đoàn Gang thép Trùng Khánh, Trùng Khánh, Trung Quốc, hôm 01/03/2007. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Trong một loạt các hành động tiếp theo, Tập đoàn Thép Bảo Vũ Trung Quốc đã sáp nhập với sáu tập đoàn thép trên khắp Trung Quốc — Tập đoàn Trung Cương (Sinosteel Group) ở Bắc Kinh, Tập đoàn Mã Cương (Masteel Group), Tập đoàn Thái Cương (Taigang Group), Gang Thép Trùng Khánh (Chongqing Iron and Steel), Gang Thép Bát Nhất (Ba Yi Iron and Steel), và Thép Côn Minh (Kunsteel) — để trở thành siêu tập đoàn thép lớn hàng đầu thế giới.

Theo bảng xếp hạng của Hiệp hội Thép Thế giới, sau nhiều thập niên tích lũy, đến năm 2022, Trung Quốc chiếm sáu vị trí trong số 10 công ty thép hàng đầu thế giới.

Ông Chiou đến từ Đại học Northeastern University cho biết, cách tiếp cận quá hung hăng này không tương thích với sự cạnh tranh kinh doanh thông thường.

Tuy nhiên, cách tiếp cận ấy phù hợp với mục tiêu cuối cùng của ĐCSTQ, vốn vượt ra ngoài phạm vi kinh doanh. Ông nói, mục tiêu đó bao gồm việc “loại bỏ các đối thủ cạnh tranh chứ không chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận.”

Ông Chiou cho biết, trong khi các hoạt động kinh doanh thông thường thường hướng đến việc giảm chi phí và nâng cao chất lượng để thu được lợi nhuận, thì chiến lược của ĐCSTQ trong nhiều ngành lại là khác.

Chiến lược này là đơn giản nhưng có hiệu quả, “loại bỏ tất cả những ai có thể gia nhập thị trường bằng cách bán phá giá ở mức giá thấp, sau đó độc quyền ngành.”

Bản tin có sự đóng góp của Xin Ning

Vân Du biên dịch

Target đóng thêm các cửa hàng trên khắp nước Mỹ vì lo ngại trộm cắp

Anh Nguyễn
28/09/2023
Tập đoàn Target dự kiến sẽ đóng 9 cửa hàng ở 4 tiểu bang vào tháng Mười với lý do trộm cắp và lo ngại về sự an toàn của nhân viên và khách hàng.

Quang cảnh bên ngoài một cửa hàng bán lẻ Target tại đường số 14, Manhattan, Thành phố New York vào ngày 20 tháng 11 năm 2019. (Nguồn ảnh: David Dee Delgado/Getty Images)
Gã khổng lồ bán lẻ có trụ sở tại Minneapolis đã đưa ra thông báo hôm thứ Ba (26/9) và cho biết việc đóng cửa sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 10.

Các cửa hàng sẽ đóng ở khu vực Harlem của Thành phố New York, thành phố Portland, thành phố Seattle và khu vực Vịnh San Francisco.

Theo trang tin tức Minneapolis Star Tribune, các giám đốc điều hành của công ty đã đưa ra quyết định đóng cửa các sau khi xác định các biện pháp chống trộm – bao gồm tăng cường an ninh và khóa hàng hóa – không hiệu quả.

Họ cũng đặc biệt chỉ ra vấn nạn “tội phạm bán lẻ có tổ chức” và các vấn đề tại các cửa hàng trong thành phố.

Tập đoàn Target cho biết: “Chúng tôi không thể tiếp tục vận hành các cửa hàng vì trộm cắp và tội phạm bán lẻ có tổ chức đang đe dọa sự an toàn của đội ngũ nhân viên và khách hàng của chúng tôi, đồng thời khiến cho hiệu quả kinh doanh không ổn định. Chúng tôi biết rằng các cửa hàng của chúng tôi đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng nơi chúng tọa lạc, nhưng chúng tôi chỉ có thể thành công nếu môi trường làm việc và mua sắm an toàn cho tất cả mọi người.”

Giám đốc điều hành Target, ông Brian Cornell, cho biết các cửa hàng đã tăng 120% nạn trộm cắp liên quan đến bạo lực hoặc đe dọa bạo lực trong 5 tháng đầu năm nay, tờ Minneapolis Star Tribune đưa tin vào tháng Tám.

Anh Nguyễn



Ông Trump đưa ra tuyên bố dài sau khi bị phán quyết gian lận kinh doanh

Anh Nguyễn
28/09/2023

Cựu Tổng thống Donald Trump lên án phán quyết gian lận chống lại ông là một cuộc tấn công vào gia đình ông. Ông đưa ra tuyên bố này sau khi đăng một số bài đăng trên mạng xã hội Truth Social về vụ án dân sự ở New York.
“Cuộc tấn công cực đoan, rộng rãi chống lại tôi, gia đình tôi và những người ủng hộ tôi giờ đây đã chuyển sang chiều sâu mới, phi Mỹ, dưới bàn tay của một Thẩm phán loạn trí của bang New York, thực hiện mệnh lệnh của một ‘Công tố viên’ hoàn toàn thiên vị và tham nhũng, bà Letitia James vốn đã tranh cử dựa vào kế hoạch hành động ‘Bắt lấy Trump’, thậm chí trước khi biết bất cứ điều gì về tôi”, cựu Tổng thống Trump tuyên bố.

Tổng chưởng lý New York Letitia James quả thực đã công khai nói về việc “kiện” ông Trump khi bà vận động tranh cử, gọi ông là “tổng thống bất hợp pháp”.

Ngoài vụ án dân sự do bà James đưa ra, cựu Tổng thống Trump đang phải đối mặt với một số vụ án dân sự khác và 4 cáo trạng hình sự với tổng cộng 91 cáo buộc mà ông đã không nhận tội. Ông Trump tuyên bố những cuộc tấn công pháp lý ngày càng gia tăng này đến từ “Đảng Dân chủ cánh tả cực đoan” khi ông vươn lên trong các cuộc thăm dò, đánh bại Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Ông Trump cũng cho biết họ sẽ “không dừng lại” trong việc cố gắng ngăn cản một chính quyền Trump khác.

“Dù là Đảng nào, chúng ta không thể để điều này xảy ra ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ!”, ông tuyên bố và nói thêm rằng “các công tố viên và thẩm phán có tính chính trị cao” đang trở nên “ngày càng tuyệt vọng và nguy hiểm hơn.”

“Chúng ta đang nhanh chóng trở thành một quốc gia cộng sản và các quyền công dân của tôi đã đang bị tước đoạt”, ông Trump viết.

Các vụ kiện gian lận tài sản
Hôm thứ Ba (26/9), Thẩm phán Arthur Engoron đã ra phán quyết về một trong bảy khiếu nại mà bà James đưa ra trong vụ kiện dân sự ông Trump. Hồi tháng Tám, bà James đã yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết tóm tắt trước khi xét xử về khiếu nại rằng Cựu tổng thống Trump đã thổi phồng giá trị tài sản ròng của ông từ năm 2011 đến năm 2021, khiến các công ty bảo hiểm và các bên cho vay phải hạ giá cho ông, cấu thành hành vi gian lận.

Bà đang yêu cầu mức phạt 250 triệu USD và cấm cựu Tổng thống Trump cùng các con trai là ông Eric Trump và ông Donald Trump Jr. giữ các chức vụ điều hành doanh nghiệp ở bang New York. Thẩm phán Engoron đã cho họ 10 ngày để đề xuất ba nhà đánh giá độc lập xử lý việc giải thể công ty Trump Organization và các tập đoàn liên quan.

Cựu Tổng thống Trump đã tìm cách chuyển vụ kiện này sang bộ phận thương mại nhưng bị từ chối. Ông Trump sau đó đã gửi các kiến nghị ra tòa nhằm bác bỏ vụ kiện vì những lý do khác, nhưng cũng không thành công.

Định giá dinh thự Mar-A-Lago
Cựu Tổng thống Trump cho rằng cáo buộc gian lận là “vừa nực cười vừa sai sự thật”.

“Ví dụ, thành viên Đảng Dân chủ này đã định giá khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của tôi, tài sản tuyệt đẹp và có giá trị nhất ở Palm Beach, Florida, chỉ có giá trị là 18 triệu USD, trong khi trên thực tế, nó có thể có giá trị gần gấp 100 lần số tiền đó”, ông đã viết.

Ông Eric Trump và ông Donald Trump Jr. đều đã lên X (tên cũ là Twitter) để tranh luận về mức định giá 18 triệu USD.

“Nếu Mar-a-Lago trị giá 18 triệu USD… tôi sẽ lấy 10 cái!!!”, ông Donald Trump Jr., phó chủ tịch điều hành của Trump Organization đã viết trên X. “Nếu cha tôi cố gắng tuyên bố tài sản đó trị giá 18 triệu USD, ông ấy có thể sẽ bị buộc tội cố gắng trả thiếu thuế bất động sản của mình! Họ đã thiết lập trò chơi để kết quả luôn là ‘thua hoặc thua’ ở những bang màu xanh lam (Đảng Dân chủ) này. Nếu bạn không tuân theo họ, họ sẽ tấn công bạn.”

Ông Eric Trump, cũng là phó chủ tịch điều hành của Trump Organization, nói thêm: “Giới bất động sản ở Florida đang cười nhạo sự ngu ngốc này”. Ông Eric đã đăng ảnh chụp màn hình danh sách bất động sản gần đó có diện tích bằng “1/30” của khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago được niêm yết với giá khoảng 40 triệu USD.

‘Đây không phải là nước Mỹ’
Cựu Tổng thống Trump cho rằng quyết định của thẩm phán là tất cả mọi thứ trừ sự công bằng.

“Ông ta [thẩm phán Arthur Engoron] ghét mọi thứ về tôi ở mức độ mà tôi chưa từng thấy trước đây, thậm chí vượt xa sự căm ghét mà bà Letitia James thể hiện. Không có phiên tòa và không có bồi thẩm đoàn nào cho ‘hành vi sai trái’ bị gán cho đó khi tôi trả đầy đủ cho các ngân hàng tinh vi ở Phố Wall, với lãi suất, không vỡ nợ và không có nạn nhân.”

Ông Donald Trump là cựu nhân vật truyền thông và doanh nhân, ông đã trở thành chủ tịch của doanh nghiệp bất động sản của cha ông vào năm 1971. Sau đó ông đổi tên doanh nghiệp thành Trump Organization và mở rộng danh mục đầu tư với các tòa nhà chọc trời, khách sạn, sân gôn và các hoạt động kinh doanh khác. Từ năm 1991 đến năm 2009, ông đã nộp đơn xin phá sản sáu lần.

Bất động sản không phải là lĩnh vực trong các giao dịch của ông; ông đã thương mại hoá cho cái tên “Trump”, vốn chiếm phần lớn trong hoạt động kinh doanh của ông, và từ năm 2004 đến năm 2015 ông đồng sản xuất và dẫn chương trình truyền hình thực tế “Người Tập sự” (The Apprentice). Vì đã dành phần lớn sự nghiệp của mình trong lĩnh vực kinh doanh, nên cựu Tổng thống Trump đã ủng hộ các chính sách thị trường tự do khi ông làm chủ Nhà Trắng.

Cựu Tổng thống Trump cho biết ông sẽ kháng cáo vụ kiện dân sự nêu trên. Ông nói “một số tòa phúc thẩm” nên thụ lý vụ kiện này và “đảo ngược quyết định khủng khiếp, phi Mỹ này”.

Trước đó ông cũng đã đăng trên mạng xã hội về vụ việc, khẳng định rằng giá trị tài sản ròng của ông nhiều hơn những gì được liệt kê trong các tài liệu tài chính được đề cập chứ không phải ít hơn.

“Tôi thậm chí còn không đưa vào tài sản quý giá nhất của mình, cái tên thương hiệu của tôi – Trump ”, ông viết. “Các ngân hàng đã được hoàn trả đầy đủ, đôi khi sớm hơn, không có vụ vỡ nợ nào, các ngân hàng kiếm được tiền, được đại diện bởi các công ty luật tốt nhất và rất ‘vui vẻ’. Không có nạn nhân!”

Ông Trump nói thêm rằng tất cả các tài liệu định giá đều bao gồm tuyên bố từ chối trách nhiệm tiêu chuẩn, một điều khoản “không phụ thuộc” yêu cầu các tổ chức tài chính thực hiện nghiên cứu và phân tích của riêng họ và rằng ông có rất ít nợ.

“Đó là một công ty vĩ đại đã bị vu khống và bôi xấu bởi cuộc săn phù thủy có động cơ chính trị này. Điều đó rất không công bằng và tôi kêu gọi sự giúp đỡ từ các tòa án cao nhất ở bang New York hoặc hệ thống liên bang để can thiệp. Đây không phải là nước Mỹ!” ông viết.

Anh Nguyễn (Theo The Epoch Times)


Thống đốc California Gavin Newsom ký các dự luật ủng hộ LGBTQ

Anh Nguyễn
28/09/2023

Thống đốc California Gavin Newsom ( Đảng Dân chủ) đã ký một gói dự luật ủng hộ LGBTQ vào thứ Bảy (23/9), một ngày sau khi phủ quyết dự luật nuôi con chuyển giới, trong đó việc bố mẹ thừa nhận bản dạng giới tính của trẻ hay không được đưa vào là một trong các yếu tố để tòa án phân định quyền nuôi và thăm con.
Theo bản tin của tờ báo Sacramento Bee, Thống đốc Newsom cho biết ông “cam kết những việc ông đang làm tạo ra không gian an toàn hơn, hòa nhập hơn cho tất cả người dân California”.

Ông Newsom nói: “Những biện pháp này sẽ giúp bảo vệ thanh niên dễ bị tổn thương, thúc đẩy sự chấp nhận và tạo ra nhiều môi trường hỗ trợ hơn trong trường học và cộng đồng của chúng ta”.

Các biện pháp mà thống đốc California đã ký bao gồm:

. Dự luật Quốc hội 5: đặt ra thời hạn cho nhân viên nhà trường tham gia khóa đào tạo liên quan đến LGBTQ
. Dự luật Quốc hội 223: yêu cầu tòa án giữ bảo mật các đơn từ gửi tòa liên quan đến thay đổi giới tính của trẻ vị thành niên
. Dự luật Thượng viện 760: yêu cầu các trường công lập phải có ít nhất một phòng vệ sinh trung tính
. Dự luật Thượng viện 857: yêu cầu tiểu bang thành lập một tổ công tác làm nhiệm vụ xác định nhu cầu của những học sinh LGBTQ và thực hiện các chính sách
Ngoài ra, vào thứ Hai (25/9), ông Newsom đã ký một dự luật cấm các trường học cấm sách về chủ đề LGBTQ+. Điều này có nghĩa là California sẽ phạt những trường học vi phạm luật này.

Động thái ký các dự luật ủng hộ LGBTQ của ông Newsom được đưa ra sau khi thống đốc phủ quyết dự luật quyền nuôi con chuyển giới, trong đó yêu cầu các thẩm phán xem xét sự chấp nhận của cha mẹ (hoặc không có sự chấp nhận của cha mẹ) đối với việc chuyển đổi giới tính của con cái để phân xử quyền nuôi con trong các gia đình có cha mẹ ly hôn đang giành quyền nuôi con.

Thống đốc đã giải thích quyết định của mình, ông cho rằng việc ông phủ quyết không có ý nghĩa gì vì các tòa án ở California đã có thể xem xét việc cha mẹ ủng hộ trẻ chuyển đổi giới tính rồi và ngụ ý rằng ông lo ngại về phản ứng của những người bảo thủ ở các bang khác nếu thông qua dự luật quyền nuôi con chuyển giới đó.

“Tôi kêu gọi thận trọng khi các nhánh Hành pháp và Lập pháp của chính quyền tiểu bang cố gắng đề ra – theo các thuật ngữ mang tính mệnh lệnh chỉ ra một đặc điểm – các tiêu chuẩn pháp lý để nhánh Tư pháp áp dụng”, ông Newsom nói. “Các quan chức dân cử có quan điểm khác, ở California và các tiểu bang khác, rất có thể sử dụng chiến lược này để làm suy giảm quyền công dân của các cộng đồng dễ bị tổn thương.”

“Hơn nữa, theo luật hiện hành, tòa án phải xem xét sức khỏe, sự an toàn và phúc lợi của trẻ khi xác định lợi ích tốt nhất của trẻ trong các thủ tục tố tụng này, bao gồm cả việc cha mẹ xác nhận bản dạng giới của trẻ”, ông Newsom nói thêm.

Biên tập viên Joel Pollak của trang Breitbart News giải thích, thống đốc California đã quyết định giữ quan điểm “ôn hòa” khi ông hướng tới sự nghiệp chính trị quốc gia, cho phép đảng và chính quyền của ông có các quan điểm cấp tiến và sau đó hướng tới trung dung.

Anh Nguyễn

\

Hoa Kỳ: Hơn 1,000 học khu đang che giấu các bậc cha mẹ về nhận dạng giới tính của học sinh

Các nhóm hoạt động nhằm mục đích thúc đẩy các chính sách như vậy trong trường học đã miêu tả rằng gia đình vốn dĩ không an toàn, đang đe dọa quyền của cha mẹ đối với con cái.
Những người ủng hộ một chính sách của học khu, trong đó thông báo cho các bậc cha mẹ khi con cái của họ muốn xác định là người chuyển giới, đang tạo dáng chụp ảnh tại cuộc họp của Hội đồng Trường Orange Unified ở Quận Cam, California, hôm 07/09/2023. (Ảnh: Mei Lee/The Epoch Times)
Naveen Athrappully

Thứ tư, 27/09/2023

Theo tổ chức bảo vệ quyền của cha mẹ “Giáo dục Bảo vệ Cha mẹ” (Parent Defending Education, PDE), hơn 1,000 học khu trên khắp Hoa Kỳ đang ủng hộ các chính sách ngăn cha mẹ biết về nhận dạng chuyển giới của con cái.

Hôm 11/09, PDE đã cập nhật danh sách các học khu đã thực hiện các chính sách liên quan đến những học sinh vốn tin rằng mình là người chuyển giới. Các chính sách này khuyến nghị rằng nhân viên học khu nên giấu kín tình trạng chuyển giới của học sinh với cha mẹ.

Danh sách này đề cập đến 18,331 trường học từ 1,044 học khu đang thực hiện chính sách đó. Những quy định này ảnh hưởng đến hơn 10.7 triệu học sinh Mỹ.

Bà Nicole Neily, chủ tịch của PDE, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Just the News, No Noise” của Real America’s Voice rằng, “Thật ra, chúng tôi đã công bố con số này hồi tháng Ba, rồi sau đó chúng tôi xác định được khoảng 200 quận. … Con số này tiếp tục tăng trên toàn quốc.”

“Chúng tôi vẫn nhận được thêm nhiều trường hợp đổ về mỗi ngày,” bà cho biết.

Bà Neily quy trách nhiệm cho các hiệp hội hội đồng trường học tiểu bang và các nhóm hoạt động LGBT đã thúc đẩy các chính sách như vậy trong các tổ chức giáo dục.

“Những hiệp hội này không phải là bằng hữu của cha mẹ và chúng tôi thực sự cũng đang cố gắng nhắc nhở các gia đình về điều đó,” bà nói. “Vì vậy, đây là những chính sách đang được thúc đẩy bởi các nhóm hoạt động như GLSEN và The Trevor Project. Những tổ chức này cho rằng gia đình vốn dĩ không an toàn.”
Mối lo ngại về các tổ chức hoạt động ủng hộ LGBT

Cả GLSEN (phát âm là “glisten”), và The Trevor Project đều là các tổ chức hoạt động ủng hộ LGBT.

GLSEN tự mô tả mình là một “tổ chức giáo dục quốc gia bất vụ lợi, dẫn đầu phong trào tạo ra các trường K–12 an toàn và hòa nhập.” GLSEN được thành lập vào năm 1990 với cái tên “Mạng lưới Giáo dục Đồng tính Nam, Đồng tính Nữ, và Dị tính” bởi một giáo viên mà sau này trở thành nhà hoạt động. Người này về sau đã giám sát chương trình phòng chống bạo lực và ma túy học đường dưới thời chính phủ ông Obama.

Hướng dẫn của GLSEN dành cho các trường học khuyên rằng giáo viên nên giữ bí mật với cha mẹ về giới tính của học sinh.

Hướng dẫn nêu rõ: “Nhân viên hoặc giáo viên không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào có thể cho biết nhận dạng giới tính của học sinh cho người khác, kể cả cha mẹ hoặc người giám hộ và các nhân viên khác, trừ phi học sinh cho phép tiết lộ như vậy. Thông tin đó có trong hồ sơ trường học do cha mẹ hoặc người giám hộ yêu cầu, hoặc có một nhu cầu cấp thiết khác.”

The Trevor Project mô tả sứ mệnh của mình là nhằm “chấm dứt nạn tự tử trong giới trẻ LGBTQ.”

Vào năm 2019, tổ chức này đã xuất bản một tài liệu (pdf) có nhan đề “Chính sách Kiểu mẫu của Học khu về Phòng chống Tự tử,” trong đó yêu cầu các chuyên gia sức khỏe tâm thần của trường học phải “bảo đảm rằng hành động của cha mẹ là vì lợi ích tốt nhất của học sinh (chẳng hạn như, khi một học sinh là LGBTQ và sống trong một gia đình không chấp nhận điều này).”

Ngoài ra, chính sách này cũng yêu cầu các trường học phải giữ bí mật với cha mẹ về định hướng tính dục hoặc nhận dạng giới tính của học sinh khi họ “được thông báo về nguy cơ hoặc ý định tự sát.” Chính sách nói rằng, thông tin được chia sẻ với các bậc cha mẹ “nên bị hạn chế ở mức [chỉ thông báo về] nguy cơ tự tử có thể nhận thấy hoặc dữ kiện về nỗ lực tự tử này.”

PDE còn duy trì một danh sách các học khu đã đề nghị The Trevor Project như một nguồn tham chiếu hữu ích.

The Trevor Project còn điều hành các phòng trò chuyện TrevorSpace, nơi từng bị chỉ trích vì cho phép người lạ trưởng thành nói chuyện về tình dục với trẻ em vị thành niên.

Hồi năm ngoái, các bậc cha mẹ và các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Santa Ana, tiểu bang California, đã nêu lên mối lo ngại về TrevorSpace.

Ông Victor Cota, một mục sư trẻ ở Santa Ana, đã tiết lộ rằng ông đã thấy bằng chứng [trên TrevorSpace] về việc trẻ em tiếp xúc với người lớn để khám phá về giới tính và tình dục. Nền tảng này cung cấp không gian cho những cuộc trò chuyện như vậy mà cha mẹ không hề hay biết.

“Bất kỳ ai cũng có thể trò chuyện với những đứa trẻ này trong những không gian này,” ông nói. “Tôi đã tận mắt kiểm tra trên nền tảng này. Tôi rất kinh hoàng trước những nhóm trò chuyện mà tôi tìm thấy.”

Bà Brianna Cota, vợ của ông Cota, bày tỏ rằng “mọi chuyện còn tệ hơn tôi tưởng tượng.” Bà cho biết, nền tảng này là “nơi săn mồi cho những kẻ săn mồi tình dục.”
Bảo vệ quyền của cha mẹ

Trong cuộc phỏng vấn với Real America’s Voice, bà Neily đã nhấn mạnh sự cần thiết trong việc bảo vệ quyền của cha mẹ.

“Đây không phải là một vấn đề đảng phái,” bà nói. “Trẻ em sẽ tốt hơn khi gia đình hiện diện trong cuộc sống của các em. Quý vị có thể bổ trợ dạy dỗ cho các em. Quý vị có thể đặt câu hỏi. Quý vị hiểu được con mình, nhưng chúng ta không gần gũi với các em. Chúng ta bị [một số nghiệp đoàn giáo viên] rỉ tai rằng ‘Chúng tôi ở bên các con của quý vị tám giờ một ngày, vì vậy chúng tôi hiểu rõ các em hơn quý vị.’”

Một cuộc thăm dò do PDE công bố hồi tháng Ba cho thấy 71% cử tri ghi danh đã ủng hộ cho việc tạo ra luật nhằm yêu cầu các trường học phải thông báo cho cha mẹ trong trường hợp con em họ muốn thay đổi nhận dạng giới tính tại trường học.

Ngoài ra, 75% cử tri đã ủng hộ việc tạo ra luật yêu cầu các trường học phải có sự đồng ý của cha mẹ trước khi thực hiện thay đổi nhận dạng giới tính cho con cái của mình.

Bà Mailyn Salabarria, giám đốc đoàn kết cộng đồng của PDE, cho biết trong một tuyên bố, “Kết quả của cuộc khảo sát này hoàn toàn củng cố những gì chúng tôi tại Tổ chức Giáo dục Bảo vệ Cha mẹ được nghe từ các bậc cha mẹ trên khắp đất nước: việc liên tục thì thầm vào tai con em chúng ta rằng chúng ta — cha mẹ của các em — là kẻ thù của các em, đang tác động tiêu cực đến các gia đình ở khắp mọi nơi.”

Bà nói: “Các chính sách của trường công lập vốn che giấu cha mẹ và người giám hộ hợp pháp các vấn đề về danh tính và giới tính là hành vi xâm phạm quyền của cha mẹ.”

Trong thời gian gần đây, các tổ chức bảo vệ quyền cha mẹ đã vạch trần một nghị trình về LGBT đang được đẩy mạnh nhắm vào trẻ em trong trường học.

Hồi tháng Ba, tổ chức vận động Liên minh vì Quyền của Cha mẹ (California Alliance for Education) tiết lộ với The Epoch Times rằng đã có 23 học sinh được bí mật thay đổi nhận dạng giới tính tại một học khu địa phương mà cha mẹ các em không hề hay biết. Tám đứa trẻ trong số đó đang còn ở độ tuổi tiểu học.

Một số trường học lại đang thực hiện các bước để bảo vệ quyền của cha mẹ. Hồi tháng Tám, Hội đồng Trường Thống nhất Temecula Valley đã bỏ phiếu với tỷ lệ 3 phiếu thuận – 2 phiếu chống để thông qua chính sách yêu cầu các trường học phải thông báo cho cha mẹ khi con họ muốn xác định là người chuyển giới.

Cha mẹ cũng sẽ được thông báo khi con em của họ yêu cầu sử dụng đại từ nhân xưng, tên, phòng tắm, hoặc phòng thay đồ không phù hợp với giới tính sinh học của các em.

Sau quyết định của trường này, Tổng Chưởng lý tiểu bang California Rob Bonta, một thành viên Đảng Dân Chủ, đã chỉ trích những tổ chức đang thực hiện các chính sách như vậy.

Ông nói trong một tuyên bố: “Văn phòng của tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ không dung thứ cho các học khu nào đang xâm phạm đến sự an toàn và riêng tư của học sinh chuyển giới và học sinh không theo chuẩn giới tính. Chúng tôi sẽ vẫn cam kết bảo đảm cho các chính sách của trường không vi phạm quyền công dân của học sinh.”

Tuệ Minh biên dịch



Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu chấm dứt tranh luận để cân nhắc về nghị quyết chi tiêu tạm thời nhằm tránh đóng cửa chính phủ

Trong nghị quyết chi tiêu tạm thời này có 6.1 tỷ USD tài trợ cho Ukraine và 6 tỷ USD cho Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang.
Thượng nghị sĩ Charles Schumer (Dân Chủ-New York) nói trước các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Quốc hội ở Hoa Thịnh Đốn hôm 19/09/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Adam Morrow

Thứ tư, 27/09/2023

Hôm thứ Ba (26/09), Thượng viện đã bỏ phiếu để thúc đẩy thủ tục để thông qua một nghị quyết tạm thời nhằm ngăn chính phủ đóng cửa khi ban lãnh đạo Hạ viện tập trung vào việc thông qua các dự luật chi tiêu.

Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 77–19 để chấm dứt tranh luận về một kiến nghị tiến hành tái cấp phép cho Cục Hàng không Liên bang (FAA) hoạt động cho đến năm tài khóa 2028. Dự luật này, đã được Hạ viện thông qua, là phương thức dự kiến của ban lãnh đạo Hạ viện để đưa ra một nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR) gia hạn nguồn tài trợ của chính phủ trong khi các cuộc đàm phán ngân sách năm 2024 diễn ra.

Các nhà lập pháp có thời hạn đến ngày 30/09, ngày cuối cùng của năm tài khóa hiện tại, để thông qua một nghị quyết như vậy — hoặc là thông qua cả 12 dự luật phân bổ ngân sách — để tránh cho việc chính phủ bị đóng cửa. Nếu họ không làm được như vậy, thì tất cả các hoạt động không cần thiết của chính phủ sẽ bị đình chỉ từ ngày 01/10 tới.

Giấy phép của FAA sẽ hết hạn trong cùng ngày, do đó, bất kỳ nghị quyết tạm thời nào mà Quốc hội thông qua cũng cần phải kèm theo việc gia hạn giấy phép đó để ngăn chặn tình trạng gián đoạn chuyến bay.

Mặc dù văn bản về gói tài trợ của Thượng viện vẫn chưa có, nhưng Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) nhấn mạnh rằng biện pháp này được đưa ra dựa trên sự cân nhắc “thiện chí” của lưỡng đảng.

“CR lưỡng đảng này là một giải pháp tạm thời — một cầu nối hướng tới hợp tác và tránh xa chủ nghĩa cực đoan. Và nghị quyết này sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục làm việc để tài trợ đầy đủ cho chính phủ liên bang và bảo vệ các gia đình Mỹ khỏi chịu tổn thương do một đợt đóng cửa chính phủ,” ông Schumer nói tại phòng họp Thượng viện.

“Mặc dù chắc chắn rằng dự luật này không đáp ứng mọi thứ mà cả hai bên mong muốn, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ cho chính phủ ở mức hiện tại trong khi vẫn duy trì cam kết của chúng tôi đối với các nhu cầu nhân đạo và an ninh của Ukraine, đồng thời bảo đảm những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên toàn quốc bắt đầu có được những nguồn lực mà họ cần,” ông nói thêm.

Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã cùng ông Schumer kêu gọi các đồng sự của ông ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ với một thông điệp rõ ràng nhắm vào một số thành viên trong đảng của ông.

“Việc trì hoãn hành động đối với nguồn tài trợ ngắn hạn của chính phủ không giúp thúc đẩy bất kỳ ưu tiên có ý nghĩa nào về chính sách,” ông McConnell nói. “Đóng cửa chính phủ vì tranh chấp ngân sách quốc nội sẽ không củng cố được vị thế chính trị của bất kỳ ai. Điều này chỉ làm trì hoãn những bước tiến quan trọng và bỏ lại hàng triệu người Mỹ trong tình trạng ngóng trông.”
Đảng Cộng Hòa chia rẽ

Khi Thượng viện quyết định đẩy nhanh thủ tục đối với nghị quyết gia hạn chi tiêu của mình vào thứ Ba, Hạ viện đã tập trung sự chú ý vào các dự luật chi tiêu.

Cho đến nay, viện này chỉ mới phê chuẩn được một dự luật tài trợ cho việc xây dựng quân đội và Bộ Cựu chiến binh vì các phe trong Đảng Cộng Hòa đã khiến tiến triển trong ngân sách chi tiêu bị đình trệ.

Nắm bắt tình trạng rối loạn đang diễn ra, hôm thứ Ba, Tòa Bạch Ốc đã cáo buộc Đảng Cộng Hòa gây ra một đợt đóng cửa chính phủ “tai hại”, yêu cầu các quân nhân phải làm việc mà không được trả lương, và các nhân viên Bộ Quốc phòng phải nghỉ việc tạm thời.

Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố rằng: “Lý do khiến các ưu tiên an ninh quốc gia này hiện phải chịu rủi ro là vì những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện nhằm cắt giảm tài trợ cho các chương trình quan trọng thay vì hoạt động theo cách thức lưỡng đảng để giữ cho chính phủ luôn hoạt động và giải quyết các nhu cầu khẩn cấp của người dân Mỹ.”

Chính phủ còn cho biết thêm: “Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã quay lưng lại với thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng mà ⅔ những người trong số họ đã bỏ phiếu chỉ cách đây vài tháng, và thay vào đó đã đề nghị cắt giảm nghiêm trọng các chương trình mà hàng triệu người Mỹ làm việc cần mẫn đang trông cậy vào.”

Trong tháng Sáu, sau nhiều tháng bế tắc, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) và Tổng thống Joe Biden đã đạt được một thỏa thuận để đình chỉ giới hạn vay 31.4 ngàn tỷ USD của quốc gia và giữ mức chi tiêu tương đối ổn định cho đến ngày 01/01/2025.

Nhưng thỏa thuận đó đã khiến chủ tịch Hạ viện mâu thuẫn với các thành viên Đảng Cộng Hòa cứng rắn trong nhóm Freedom Caucus, những người muốn Đảng Dân Chủ nhượng bộ nhiều hơn trong việc cắt giảm chi tiêu. Họ cáo buộc rằng thỏa thuận này giống như trao cho tổng thống một “tấm chi phiếu trắng” cho đến hết nhiệm kỳ của ông.

Giờ đây, khi chỉ còn vài ngày nữa để ngăn chặn việc chính phủ ngừng hoạt động, cũng chính những người theo đường hướng cứng rắn này đã dồn Chủ tịch Hạ Viện vào thế khó.

Để thông qua bất cứ điều gì mà không có sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ, ông McCarthy chỉ có khả năng chấp nhận để mất bốn phiếu của Đảng Cộng Hòa. Nhưng nếu ông ấy chọn cách phá vỡ sự kìm hãm trong đảng của mình bằng cách đi đến thỏa thuận lưỡng đảng, thì cơn giận của các thành viên Đảng Cộng Hòa đối với ông cũng sẽ đủ để gây nguy hiểm cho vị trí Chủ tịch Hạ viện mà ông đang nắm giữ.

Và ngay từ đầu đã có một nghị sĩ thông báo cho ông ấy về điều này.

“Tại chính phòng họp này vào tháng Một, cả thế giới đã chứng kiến một cuộc tranh giành lịch sử cho vị trí Chủ tịch Hạ viện,” Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) ghi nhận hôm 12/09 tại phòng họp Hạ viện.

“Ngài Chủ tịch, ông đã không tuân thủ thỏa thuận mà đã cho phép ông đảm nhận vai trò này,” ông Gaetz tiếp tục. “Con đường phía trước của Hạ viện là buộc ông phải tuân thủ hoàn toàn ngay lập tức hoặc loại ông ra khỏi vị trí đó.”

Ông Gaetz, cùng với các thành viên khác của nhóm Freedom Caucus, đã lên tiếng phản đối việc thông qua một nghị quyết chi tiêu tạm thời, cho rằng nên tận dụng một đợt đóng cửa chính phủ để mang lại lợi ích cho các ưu tiên của Đảng Cộng Hòa. Trong một cuộc họp hội nghị vào tuần trước (18-24/09), ông Gaetz được cho là đã tuyên bố rằng ông sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ khoản gia hạn tài trợ nào và “hơn bảy” dân biểu khác đã chia sẻ quan điểm đó.

Mặc dù các thành viên Đảng Cộng Hòa khác rời cuộc họp bày tỏ sự lạc quan rằng một thỏa thuận ngân sách là điều nằm trong tầm tay, nhưng một thỏa thuận như vậy vẫn chưa trở thành hiện thực.

Và nếu không đạt được một thỏa thuận trước thời hạn sắp tới, thì ông Gaetz đã yêu cầu Hạ viện qua thư (pdf) rằng lương của ông sẽ bị giữ lại “cho đến khi luật pháp có hiệu lực để chấm dứt toàn bộ sự gián đoạn trong việc phân bổ ngân sách như vậy.”

Liệu các nhà lập pháp khác có làm theo hay không vẫn còn phải chờ xem, mặc dù lãnh đạo ở cả hai viện dường như muốn không cần phải viện đến một hành động như vậy.

Vân Sa biên dịch


Cựu TT Trump sẽ bỏ qua cuộc tranh biện thứ hai của Đảng Cộng Hòa

Thay vào đó, ông sẽ đến thăm các công nhân nghiệp đoàn Detroit vào hôm thứ Tư - một ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Cựu Tổng thống Donald Trump diễn thuyết trong hội nghị Pray Vote Stand tại khách sạn Omni Shoreham ở Hoa Thịnh Đốn hôm 15/09/2023. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images)
Katabella Roberts
Thứ tư, 27/09/2023

Các quan chức xác nhận rằng cựu Tổng thống (TT) Donald Trump sẽ không xuất hiện trên sân khấu cùng với những đối thủ tranh cử tổng thống trong cuộc tranh biện thứ hai của Đảng Cộng Hòa sau khi ông quyết định đi thăm các công nhân nghiệp đoàn ở Detroit trong bối cảnh một cuộc đình công xe hơi lớn đang diễn ra.

Cựu Tổng thống Trump sẽ đến thăm Detroit, nơi nghiệp đoàn United Auto Workers (UAW) tiến hành cuộc đình công chưa từng có đối với ba nhà sản xuất xe hơi lớn nhất: General Motors, Ford, và Stellantis.

Trong tuyên bố với Axios, một phát ngôn viên chiến dịch tranh cử Trump cho biết khi cuộc tranh biện diễn ra thì cựu Tổng thống Trump “sẽ ở Michigan để nói chuyện với các công nhân nghiệp đoàn và bảo đảm việc làm của người Mỹ được bảo vệ.”

Cuộc tranh biện lần này dự kiến diễn ra tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, California, vào ngày 27/09.
TT Trump sẽ đến thăm công nhân nghiệp đoàn xe hơi

Quyết định mới nhất của cựu Tổng thống Trump không tham dự cuộc tranh biện đánh dấu lần thứ hai ông bỏ qua một cuộc tranh biện sơ bộ trong kỳ bầu cử này. Hồi tháng Tám, ông đã không xuất hiện tại cuộc tranh biện đầu tiên của Đảng Cộng Hòa ở Milwaukee, với lý do ông đang dẫn đầu với khoảng cách lớn trong nhiều cuộc thăm dò.

Lần này, ông sẽ bỏ qua cuộc tranh biện để diễn thuyết trước các thành viên nghiệp đoàn United Auto Workers (UAW) ở Detroit. Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Joe Biden cũng tới Detroit để sát cánh cùng các công nhân nghiệp đoàn xe hơi vào hôm thứ Ba (26/09).

Tuần trước (18-24/09), lần đầu tiên trong lịch sử các thành viên nghiệp đoàn đã đình công chống lại ba nhà sản xuất xe hơi lớn nhất – General Motors, Ford, và Stellantis – sau khi không đạt được thỏa thuận về hợp đồng lao động mới sau nhiều tuần đàm phán về lương, phúc lợi nâng cao, và lương hưu.

Nghiệp đoàn này đã đề nghị một hợp đồng 4 năm với mức tăng lương 40%, giờ làm việc giảm xuống 32h/tuần, loại bỏ các bậc lương thưởng, khôi phục các điều chỉnh chi phí sinh hoạt, và khôi phục lương hưu truyền thống, cùng các hạng mục khác.

Tuy nhiên, những nhà sản xuất xe hơi nói trên đã từ chối đáp ứng yêu cầu đó, và đề nghị mức tăng 20% mà không kèm theo những lợi ích chính yếu mà nghiệp đoàn yêu cầu, với lý do lo ngại về khả năng bị phá sản.

Hôm Chủ nhật (24/09), cựu tổng thống đã viết trên Truth Social rằng, những công nhân UAW đang bị lừa dối và gạt bỏ bởi “mưu đồ bất lương” về xe điện.

“Những chiếc xe đó sẽ được sản xuất tại Trung Quốc, theo CHÍNH SÁCH TRUNG QUỐC TRƯỚC TIÊN của ông Joe lươn lẹo. NHỮNG CÔNG NHÂN XE HƠI, HÃY BẦU CHO TRUMP – TÔI SẼ KHIẾN QUÝ VỊ CHIẾN THẮNG & GIÀU CÓ. NẾU ‘LÃNH ĐẠO’ CỦA QUÝ VỊ KHÔNG ỦNG HỘ TÔI, HÃY CÁCH CHỨC HỌ, NGAY BÂY GIỜ. DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ & ÔNG JOE LƯƠN LẸO, QUÝ VỊ SẼ THẤT NGHIỆP VÀ KHÔNG MỘT XU DÍNH TÚI TRONG VÒNG 4 NĂM. HÃY NHỚ, ÔNG BIDEN LÀ MỘT KẺ LƯƠN LẸO ĐÃ ĐƯỢC TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁC TRẢ HÀNG TRIỆU DOLLAR. Ông ta là một Ứng cử viên của người Mãn Châu!!!” cựu Tổng thống Trump viết.Cẩm An lược dịch

Ủy ban Giám sát Hạ viện: Ông Hunter Biden đã nhận các khoản thanh toán từ Trung Quốc được chuyển tới địa chỉ của cha mình

‘Năm 2020, ông Joe Biden nói với người dân Mỹ rằng gia đình ông chưa bao giờ nhận tiền từ Trung Quốc. Chúng tôi đã chứng minh đó là lời nói dối.’
Tổng thống Joe Biden (trái) vẫy tay cùng con trai Hunter Biden sau khi tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Công giáo Holy Spirit ở Johns Island, South Carolina, vào ngày 13/08/2022. (Ảnh: Nicholas Kamm/AFP qua Getty Images)
Catherine Yang

Thứ tư, 27/09/2023

Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky), Chủ tịch của Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm giải trình Hạ viện, đã ban hành trát lệnh và lấy được hồ sơ chuyển ngân tiết lộ việc ông Hunter Biden đã nhận được các khoản thanh toán từ những công dân Trung Quốc được gửi tới cha của ông, ông Joe Biden, người lúc đó đang tranh cử tổng thống (TT).

Những giao dịch chuyển ngân này, với số tiền lên tới 250,000 USD, được thực hiện hồi tháng 07 và tháng 08/2019 từ Bắc Kinh và trong cả hai lần đều ghi địa chỉ tư gia ở Wilmington, Delaware của tổng thống là địa chỉ của người thụ hưởng.

Ông Comer nói trong một tuyên bố trên X, “Năm 2020, ông Joe Biden nói với người dân Mỹ rằng gia đình ông ấy chưa bao giờ nhận tiền từ Trung Quốc. Đầu năm nay, chúng tôi đã chứng minh đó là lời nói dối, và giờ đây chúng tôi biết rằng cả hai giao dịch chuyển ngân này là xuất phát từ Bắc Kinh, đã ghi tư gia ở Wilmington của ông Joe Biden là địa chỉ người thụ hưởng khi ông ấy đang tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ.”

Cả hai lượt chuyển ngân này đều là do ông Lý Tường Sinh (Jonathan Li), một công dân Trung Quốc và là Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư BHR, chuyển tới ông Hunter Biden.

Ông Comer nói: “Khi ông Joe Biden còn là phó tổng thống, ông ấy đã nói chuyện điện thoại và uống cà phê với ông Lý Tường Sinh ở Bắc Kinh, sau đó đã viết một bức thư giới thiệu vào trường đại học cho các con của ông [Lý].”

Tờ New York Post phát hiện ra rằng ngay sau khi hết nhiệm kỳ trong chính phủ cựu TT Obama, cựu phó tổng thống này đã viết thư giới thiệu vào đại học cho con trai và con gái của ông Lý. Các thư điện tử mà Fox News thu được tiết lộ rằng năm 2017, ông Lý đã liên lạc với ông Hunter Biden và các đối tác kinh doanh của ông Hunter để xin lời khuyên cho con trai ông, người đang nộp đơn vào Đại học Brown, Cornell, và Đại học New York. Chủ tịch đương thời của công ty Rosemont Seneca đã gửi bản tóm tắt lý lịch của con trai ông Lý qua FedEx thẳng tới hiệu trưởng trường Brown. Mặc dù có những mối quan hệ như thế, nhưng con trai ông Lý đã không được chấp nhận vào trường này.

Năm 2019, tờ New Yorker đưa tin rằng hồi năm 2013, ông Hunter Biden đã giới thiệu ông Lý với cha mình khi phó tổng thống Biden có chuyến công du tới Trung Quốc, ngoài ra, Rosemont Seneca, công ty nơi ông Hunter Biden làm việc, đã ký một thỏa thuận với ông Lý để thành lập công ty BHR.

Tổng thống Biden nhiều lần phủ nhận việc ông đã thảo luận các vấn đề kinh doanh với con trai mình, và từ chối bình luận về cuộc điều tra hay bản cáo trạng nhắm vào ông Hunter Biden, thay vào đó đã chỉ dẫn các phóng viên đến Bộ Tư pháp.

“Việc ông Joe Biden lạm dụng chức vụ công quyền vì lợi ích tài chính của gia đình ông ấy đe dọa đến an ninh quốc gia của chúng ta. Gia đình Biden đã làm gì với số tiền nhận được từ Bắc Kinh? Người dân Mỹ yêu cầu và đòi hỏi trách nhiệm giải trình về sự tham nhũng của Tổng thống Biden và Gia đình Tổng thống,” ông Comer tuyên bố, và nói thêm rằng các ủy ban Giám sát, Tư pháp, Tài chính và Thuế vụ sẽ tiếp tục điều tra gia đình Biden.
Cuộc điều tra

Ba ủy ban tại Hạ viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo nói trên đã và đang điều tra các giao dịch tài chính của gia đình Biden, lắng nghe lời khai từ những người tố cáo, và ban trát đòi các hồ sơ tài chính.

Cuộc điều tra kéo dài năm năm của Bộ Tư pháp (DOJ) đã không đưa ra bất kỳ cáo buộc nào cho đến khi hai người tố cáo từ IRS ra làm chứng trước Ủy ban Tài chính và Thuế vụ hồi mùa hè này, tuyên bố rằng DOJ cố tình cản trở cuộc điều tra. Sau đó, DOJ đã đưa ra hai cáo buộc khinh tội về thuế đối với ông Hunter Biden, cũng như một thỏa thuận trước xét xử nhằm chuyển hướng cho cáo buộc trọng tội về súng. Sau khi thỏa thuận nhận tội đó thất bại trong phiên buộc tội ông Biden ở Delaware, Biện lý Đặc biệt David Weiss đã đưa ra ba cáo buộc trọng tội về súng đối với ông Biden. Cho đến nay, ông Biden chưa bị buộc tội bất kỳ hành vi vi phạm về thuế nào.

Phải đến mùa hè năm nay thì ông Weiss, người đã dẫn đầu cuộc điều tra này từ năm 2018, mới được bổ nhiệm làm biện lý đặc biệt. Những người tố cáo tuyên bố ông Weiss không có thẩm quyền truy tố ông Biden ở một số khu vực tài phán, nhưng Tổng Chưởng lý Merrick Garland đã bác bỏ tuyên bố này trước Quốc hội.

Năm 2020, sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, ông Hunter Biden tuyên bố rằng cuộc điều tra ông, bắt đầu từ năm 2018, liên quan đến “các vấn đề thuế” của ông.

Tuyên bố đó được đưa ra sau khi tờ New York Post đưa tin về dữ liệu trong một chiếc máy điện toán xách tay được cho là đã bị ông Hunter bỏ lại tại một cửa hàng sửa chữa máy điện toán ở Delaware, trong đó chứa hơn 129,000 thư điện tử, bao gồm cả thư từ giữa ông Hunter và những người ngoại quốc đã trả cho ông các khoản tiền lớn.

Hai người tố cáo của IRS đã làm chứng trước Quốc hội đầu mùa hè này cũng xác thực các tin nhắn văn bản mà ông Hunter đã gửi đi để yêu cầu một công dân Trung Quốc trả tiền trong khi dẫn ra tên và chức vụ của cha mình.

Kể từ đó, người tố cáo thứ ba đã bước ra, lặp lại những xác nhận rằng DOJ đã cản trở tiến trình điều tra và cho rằng ông Weiss không có thẩm quyền để đưa ra các cáo buộc đối với ông Biden.

Luật sư của ông Hunter Biden nói rằng thân chủ của ông dự định sẽ không nhận tội tại phiên tòa buộc tội sắp tới vào ngày 03/10 ở Delaware.

Vào thứ Tư (27/09), Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện sẽ họp để bỏ phiếu về các tài liệu được bảo vệ theo Mục 6103 Bộ luật Thuế vụ (IRC), vốn cấm nhân viên IRS tiết lộ các tài liệu thuế nhưng có các trường hợp ngoại lệ cho phép chia sẻ thông tin với một cơ quan nhà nước yêu cầu tài liệu đó, hoặc cho phép tài liệu đó được phát hành nếu có lệnh của tòa án.

Diễn tiến này có thể dẫn đến việc công bố thêm các tài liệu thuế liên quan đến cuộc điều tra của ủy ban này về các giao dịch thuế của ông Hunter Biden. Cuộc bỏ phiếu cũng có thể đề cập đến vụ ông Biden kiện những người tố cáo đã làm chứng trước ủy ban này vì cho rằng họ vi phạm Mục 6103.Cẩm An biên dịch

Chính phủ TT Biden công bố 1.4 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt ở 35 tiểu bang

Nhân viên phục vụ các chuyến tàu tại Bãi Xe hơi Amtrak phía nam Loop ở Chicago, Illinois, hôm 13/09/2022. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Wim De Gent
Thứ tư, 27/09/2023

Hôm thứ Hai (25/09) chính phủ Tổng thống (TT) Biden thông báo rằng họ sẽ trao hơn 1.4 tỷ USD cho các dự án cải thiện an toàn đường sắt, tăng cường năng lực chuỗi cung ứng, và mở rộng dịch vụ đường sắt chở khách.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg cho biết trong một tuyên bố: “Những dự án này sẽ làm cho đường sắt Mỹ an toàn hơn, đáng tin cậy hơn, và linh hoạt hơn, mang lại lợi ích hữu hình cho hàng chục cộng đồng nơi đường sắt đi qua và tăng cường chuỗi cung ứng cho cả nước.”

Khoản đầu tư này nằm trong Dự luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá 1.2 ngàn tỷ USD được ký hồi năm 2021 và sẽ tài trợ cho 70 dự án trải dài trên 35 tiểu bang và cả Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Theo Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ, đây là khoản ngân sách lớn nhất từng được đầu tư vào an toàn đường sắt và nâng cấp chuỗi cung ứng đường sắt thông qua chương trình Cải thiện An toàn và Cơ sở hạ tầng Đường sắt Hợp nhất (CRISI).

Ông Amit Bose, người quản lý Cục Đường sắt Liên bang cho biết: “[CRISI là] chương trình tài trợ liên bang duy nhất ưu tiên cho các tuyến đường sắt ngắn và nhỏ, có tầm quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia của chúng ta và chuỗi cung ứng khu vực.”

Nguồn tài trợ được trải rộng trên các dự án ở mọi vùng trên cả nước, với gần 2/3 nguồn viện trợ CRISI được chuyển đến các cộng đồng nông thôn.

An toàn đường sắt đã trở thành mối quan tâm chính trên toàn quốc kể từ khi một đoàn tàu chở hóa chất độc hại trật đường ray và bốc cháy ở Đông Palestine, Ohio, hồi tháng Hai. Hôm thứ Tư tuần trước (20/09), TT Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang tiếp tục buộc công ty điều hành tàu Norfolk Southern phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn.

Bà Erin Brockovich ứng phó với vụ hỏa hoạn xe lửa ở Ohio: ‘Hãy tin vào m...

Jack Phillips

Bà Erin Brockovich cho biết bà đang cố gắng thu thập thông tin về vụ trật bánh và cháy xe lửa khiến người dân ph...


Một gói cải tổ an toàn đường sắt được đề nghị hiện đang được Thượng viện thông qua.

Khoản tài trợ này sẽ dành cho nhiều dự án khác nhau, bao gồm nâng cấp đường ray và sửa chữa cầu, ngoài ra còn cải thiện khả năng kết nối giữa các tuyến đường sắt và làm cho các tuyến đường ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Trong số các bên nhận viện trợ có Dự án Cải thiện Hành lang Bờ biển vùng Vịnh trị giá 178.4 triệu USD, vốn sẽ khôi phục các dịch vụ hành khách dọc theo Vịnh Mexico ở các khu vực của Alabama, Louisiana, và Mississippi lần đầu tiên kể từ khi Bão Katrina xảy ra hồi năm 2005.

“Đây là một cột mốc quan trọng, thể hiện nhiều năm nỗ lực tận tâm nhằm kết nối lại cộng đồng của chúng ta sau sự tàn phá của cơn bão Katrina,” Thượng nghị sĩ Roger Wicker (Cộng Hòa-Mississippi) cho biết. “Việc khôi phục dịch vụ đường sắt vận chuyển hành khách sẽ tạo công ăn việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống, và mang đến lựa chọn đi lại thuận tiện cho khách du lịch, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và sức sống của khu vực chúng ta.”

Khoản tài trợ này sẽ giúp khôi phục các dịch vụ hành khách đến Duyên hải Vịnh Mexico sau khi công ty vận tải đường sắt Amtrak đạt được thỏa thuận với hai công ty đường sắt CSX và Norfolk Southern hồi năm ngoái để dọn đường cho các chuyến tàu chở khách nối lại hoạt động trên đường ray mà các tuyến đường sắt chở hàng sở hữu.

“Chúng tôi đã tranh đấu để đưa các chuyến tàu chở khách trở lại Duyên hải Vịnh Mexico kể từ khi hệ thống này bị Bão Katrina đánh sập. Hành trình 17 năm đó đầy rẫy những trở ngại và thất vọng — nhưng cũng có những khoảnh khắc vui mừng, đó là khi những người tranh đấu cho địa phương và những người ủng hộ quốc gia có thể cùng nhau hướng tới tầm nhìn về một khu vực Duyên hải Vịnh Mexico kết nối hơn,” Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Hành khách Đường sắt Jim Mathews cho biết trong một tuyên bố.

Dự án Cải thiện Hành lang Duyên hải Vịnh Mexico cũng sẽ giúp duy trì các hoạt động vận chuyển hàng hóa đáng tin cậy đến và đi từ cảng Mobile, Alabama.

Trong một trong những khoản tài trợ lớn nhất khác, Đường sắt Thành phố Palouse & Coulee (PCC) ở phía đông tiểu bang Washington sẽ nhận được 72.8 triệu USD để nâng cấp đường ray — có vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng lúa mì của Hoa Kỳ.

Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng liên quan sẽ cho phép tuyến đường sắt đó vận chuyển các toa tàu hiện đại nặng 286,000 pound (~130 tấn), tăng tốc độ, và có khả năng phục hồi tốt hơn trước tác động của các cơn bão và xói mòn nghiêm trọng.

29.5 triệu USD sẽ được trao cho dự án Kentucky để cải thiện 280 dặm (450km) đường ray và cơ sở hạ tầng khác dọc theo Đường sắt Paducah và Louisville.

Tại Tennessee, 23.7 triệu USD sẽ giúp nâng cấp khoảng 42 cây cầu trên 10 tuyến đường sắt ngắn khác nhau cần được sửa chữa hoặc thay thế nhanh chóng trên diện rộng.

Từ NTD News.

Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press

Doanh Doanh biên dịch

Chỉ 7 ứng cử viên đủ điều kiện cho cuộc tranh biện lần thứ hai của Đảng Cộng Hòa

Yêu cầu cao hơn để tham gia cuộc tranh biện tiếp theo có nghĩa là một số người tham gia trước đây đã không vượt qua được vòng loại.
Ngoại trừ cựu Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, thì các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa (thứ 3 từ trái sang) cựu Phó Tổng thống Mike Pence, Thống đốc Florida Ron DeSantis, doanh nhân Vivek Ramaswamy, cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina) và Thống đốc North Dakota Doug Burgum đều giơ tay để nói rằng họ sẽ ủng hộ ông Donald Trump làm ứng cử viên tổng thống của đảng, tại cuộc tranh biện đầu tiên của mùa bầu cử sơ bộ GOP do FOX News tổ chức tại Diễn đàn Fiserv ở Milwaukee, Wisconsin, hôm 23/08/2023. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)
Katabella Roberts

Thứ tư, 27/09/2023
Hôm 25/09, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC) công bố có tổng cộng bảy ứng cử viên Đảng Cộng Hòa đã đủ điều kiện tham gia cuộc tranh biện tổng thống của Đảng Cộng Hòa năm 2024 lần thứ hai.

Bảy ứng cử viên này gồm: Thống đốc Đảng Cộng Hòa Ron DeSantis của Florida, doanh nhân Vivek Ramaswamy, cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, Thượng nghị sĩ South Carolina Tim Scott, cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, và Thống đốc North Dakota Doug Burgum.

Cuộc tranh biện lần thứ hai dự kiến sẽ kéo dài 2 giờ, và do Fox Business Network và kênh truyền hình tiếng Tây Ban Nha Univision tổ chức, và cũng sẽ được phát trực tiếp trên trang phát trực tuyến Rumble, vào thứ Tư (27/09), lúc 9 giờ tối giờ Miền Đông, tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, ở Thung lũng Simi, California.

Để đủ điều kiện tham gia cuộc tranh luận thứ hai này, các ứng cử viên phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn so với cuộc tranh luận đầu tiên.

Thứ nhất, các ứng cử viên phải có tối thiểu 50,000 nhà tài trợ duy nhất không trùng lặp — trong đó có 200 nhà tài trợ từ 20 tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ. Trước đó, để đủ điều kiện tham gia cuộc tranh luận đầu tiên, các ứng cử viên cần có ít nhất 40,000 nhà tài trợ duy nhất không trùng lặp cho ủy ban chiến dịch tranh cử tổng thống chính của họ, với ít nhất 200 nhà tài trợ cho mỗi tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ ở hơn 20 tiểu bang và/hoặc vùng lãnh thổ.

Thứ hai, các ứng cử viên phải đạt được tỷ lệ thăm dò tối thiểu là 3% trong hai cuộc thăm dò cấp quốc gia, hoặc 3% trong một cuộc thăm dò toàn quốc và hai cuộc thăm dò từ các tiểu bang bỏ phiếu sớm khác nhau bao gồm Iowa, New Hampshire, South Carolina, và Nevada. Tất cả các cuộc thăm dò phải được Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC) công nhận. Trong khi đó, đối với cuộc tranh luận đầu tiên, RNC yêu cầu tỷ lệ thăm dò phải đạt ít nhất 1% trong ba cuộc thăm dò quốc gia, hoặc 1% trong hai cuộc thăm dò quốc gia cộng với 1% trong cuộc thăm dò được RNC công nhận ở hai trong số các tiểu bang bỏ phiếu sớm nêu trên.

Cuối cùng, một yêu cầu đáng chú ý là việc ký cam kết ủng hộ ứng cử viên chung cuộc của đảng.Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press

Ông Devon Archer nói tuyên bố của ông Joe Biden về việc không tham gia vào công việc kinh doanh của con trai là ‘hoàn toàn sai sự thật.

Ông Devon Archer nói tuyên bố của ông Joe Biden về việc không tham gia vào công việc kinh doanh của con trai là ‘hoàn toàn sai sự thật.’
Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden tham dự Lễ Lăn trứng Phục Sinh thường niên trên Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 10/04/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Tom Ozimek

Thứ tư, 27/09/2023

Ông Devon Archer, cựu đối tác kinh doanh của ông Hunter Biden, nói với ông Tucker Carlson trong một cuộc phỏng vấn mới được công bố rằng tuyên bố của Tổng thống Biden rằng ông không liên quan đến các giao dịch kinh doanh của con trai ông là ‘hoàn toàn sai sự thật.’

Khi đang trong quá trình vận động tranh cử, ông Joe Biden, ứng cử viên tổng thống lúc bấy giờ, khẳng định rằng ông không có vai trò gì trong các giao dịch kinh doanh của con trai mình. Nhưng nguồn cơn của sự việc tranh cãi này của đang bị lung lay – thứ nhất là vì những tiết lộ về nội dung trong máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden, tiếp đó là vì những tuyên bố của ông Tony Bobulinski, đối tác kinh doanh cũ của ông Hunter Biden, và bây giờ là vì những tiết lộ chấn động của ông Archer.

Hôm thứ Hai, ông Archer có một cuộc thẩm vấn kín với các thành viên của Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm giải trình Hạ viện, trong đó ông cho biết Tổng thống Biden đã nhiều lần nói chuyện với các đối tác kinh doanh của con trai ông. Trong khi Đảng Cộng Hòa coi đây là bằng chứng cho thấy Tổng thống Biden đã nói dối khi phủ nhận liên quan đến các giao dịch kinh doanh của con trai mình, thì những người ủng hộ Tổng thống Biden khẳng định các cuộc trò chuyện chỉ là những cuộc nói chuyện xã giao “bình thường,” và cùng lắm là ông Hunter Biden đã rao bán “ảo tưởng về quyền tiếp cận” với cha mình chứ không phải là thỏa thuận thực sự.

Ông Devon Archer (giữa), đối tác kinh doanh cũ của ông Hunter Biden, rời khỏi Tòa nhà Văn phòng O’Neill House sau khi làm chứng trước Ủy ban Giám sát Hạ viện tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 31/07/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Sau phiên thẩm vấn trước ủy ban này, ông Archer đã tham gia cuộc phỏng vấn của ông Carlson, mà phần mới nhất được phát hành hôm 04/08. Trong phần này, ông Carlson lưu ý rằng phần lớn hướng của lời khai kín trước các nhà lập pháp của ông Archer hồi đầu tuần này về cơ bản là “không có tham nhũng nào ở đây cả, điều này hoàn toàn bình thường, ông Joe Biden không có vai trò gì trong hoạt động kinh doanh của con trai ông ấy hoặc không biết gì về việc đó.”

“Điều đó có vẻ sai sự thật,” ông Carlson trầm ngâm.

“Phải, điều đó hoàn toàn sai sự thật,” ông Archer nhấn mạnh.

Ông Archer nói: “Ông ấy có biết về hoạt động kinh doanh của ông Hunter, ông ấy đã gặp gỡ các đối tác kinh doanh của ông Hunter.” Ông Archer cũng nhấn mạnh rằng việc Tổng thống tuyên bố ông ấy không hề liên quan đến công việc kinh doanh của con trai ông là ‘không đúng sự thật.”

Tuy nhiên, giống như đã nói trong phiên điều trần hôm thứ Hai, ông Archer đã đưa ra một số lưu ý.

“Đồng thời, … Tôi không nghĩ ông Joe Biden đã xem xét một bảng cân đối kế toán hoặc bảng giới hạn hay bất kỳ tài liệu tài chính nào có thể đã từng xem xét,” ông Archer nói thêm, ám chỉ rằng sự tham gia của tổng thống trong công việc kinh doanh của Hunter Biden có vai trò đại diện hơn là trực tiếp thực hiện.

Tòa Bạch Ốc không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận về nhận xét mới nhất của ông Archer rằng tuyên bố của tổng thống về việc không liên quan đến công việc kinh doanh của ông Hunter Biden là “hoàn toàn sai sự thật.”

Bản tin có sự đóng góp của Catherine Yang và Zachary Stieber.

Vân Sa lược dịch

Quy định luận tội theo Hiến Pháp cho thấy cuộc điều tra ông Biden cần tập trung vào trọng tâm hẹp

Các nhà điều tra của Hạ viện nên cẩn trọng để không lặp lại sai sót của những người tiền nhiệm.
Chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Joe Biden tại Điện Capitol hôm 12/09/2023. (Ảnh: Joseph Lord/The Epoch Times)
Rob Natelson

Thứ tư, 27/09/2023

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã công bố một cuộc điều tra luận tội (đàn hặc) về hành vi của Tổng thống Joe Biden. Tất nhiên, “luận tội” không nhất thiết có nghĩa là cách chức. Luận tội là lời buộc tội chính thức của Hạ viện, giống như một bản cáo trạng hình sự. Thượng viện xét xử vụ án và quyết định có nên kết án và bãi nhiệm hay không.

Hầu hết các cuộc luận tội trước đây đều bị chi phối bởi những tranh cãi về khi nào Hiến Pháp cho phép kết tội. Những cuộc tranh cãi này có thể là lý do khiến Thượng viện chưa bao giờ kết án một tổng thống bị luận tội.

Năm 2019, trong các phiên điều trần về cuộc luận tội đầu tiên của cựu Tổng thống Donald Trump, bốn nhân chứng chuyên môn đã làm chứng về ý nghĩa của thuật ngữ trong Hiến Pháp, “tội nghiêm trọng”. Mỗi người trong số bốn chuyên gia đều không đồng ý với những người còn lại. Không ai trong số họ đưa ra một trường hợp hoàn toàn thuyết phục.

Vào năm 2020, tôi đã công bố kết luận từ nghiên cứu mới làm rõ ý nghĩa thực sự của “Tội nghiêm trọng” (pdf). Không ai dám bác bỏ kết luận của tôi. Nghiên cứu cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa rằng trong cuộc luận tội ông Trump đầu tiên, Hạ viện đã áp dụng một định nghĩa quá rộng về “tội nghiêm trọng”. Nói cách khác, cuộc luận tội là bất hợp pháp. Hạ viện được cho là cũng đã mắc sai lầm tương tự trong cuộc luận tội ông Trump lần thứ hai. Trong cuộc điều tra hiện tại, các nhà điều tra của Hạ viện nên cẩn thận để không lặp lại sai sót của những người tiền nhiệm.
Người Anh và những Nhà Soạn Thảo Hiến Pháp

Để hiểu được thủ tục luận tội và bãi nhiệm của Hiến Pháp đòi hỏi phải có hiểu biết lịch sử.

Các phác thảo chung của thủ tục đến từ Vương quốc Anh. Ở Anh, việc luận tội được sử dụng để loại bỏ các bộ trưởng mà nhà vua hoặc nữ hoàng tin cậy. Bản thân các vị vua và nữ hoàng không thể bị luận tội.

Quá trình diễn ra như sau: Hạ viện của Quốc hội sẽ buộc tội (luận tội) một bộ trưởng hoặc cựu bộ trưởng về tội “vi phạm lòng tin” và/hoặc “các tội nghiêm trọng và tội nhỏ nghiêm trọng” [theo nguyên văn]. Trong thủ tục luận tội ở Anh, những cụm từ này giống như thuật ngữ hiện đại của chúng ta “vi phạm nghĩa vụ được ủy thác” (pdf).

Hạ viện sau đó chuyển “văn bản luận tội” của mình tới Thượng viện. Các thành viên sẽ xét xử bị cáo. Trong một số trường hợp, xét xử tiếp tục trong nhiều năm. Sau phiên tòa, các Thượng nghị sĩ bỏ phiếu. Họ có thể kết án, loại bỏ và trừng phạt theo đa số. Không có giới hạn nào cho hình phạt có thể xảy ra.

Những người soạn thảo Hiến Pháp đã quyết định phản đối việc đề xướng chức vị vua cha truyền con nối hoặc suốt đời. Thay vào đó, họ chọn một tổng thống được bầu gián tiếp cho một nhiệm kỳ ngắn. Nhưng những người soạn thảo luật cũng muốn tổng thống gần như độc lập với Quốc hội giống như vua Anh độc lập với Quốc hội. Họ lo ngại rằng Quốc hội có thể sử dụng biện pháp luận tội và đe dọa luận tội để khuất phục ông ta. Một số nhà soạn thảo luật — chẳng hạn như ông Gouverneur Morris của Pennsylvania — ban đầu phản đối bất kỳ thủ tục luận tội tổng thống nào. Họ nghĩ rằng nếu người đứng đầu đất nước chỉ phục vụ trong một thời gian ngắn thì cách loại bỏ ông ta là đánh bại ông ta tái tranh cử. Nhưng những người lập hiến khác (cuối cùng bao gồm cả ông Morris) nhận ra rằng phải có cách nào đó để loại bỏ một tổng thống tội phạm trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông ta.

Vì vậy, về mặt này, cũng như nhiều vấn đề khác, các nhà soạn thảo đã thỏa hiệp.
Quy tắc luận tội của Hiến Pháp

Thủ tục luận tội và xét xử của Hiến Pháp hạn chế hơn nhiều so với thông lệ của Anh. Đặc biệt:Hạ viện, không giống như Hạ viện ở Anh, chỉ có thể luận tội vì [bị cáo] đã thực hiện một trong bốn tội danh được chia thành từng khoản;
Chỉ có tổng thống, phó tổng thống và “các quan chức dân sự của Hoa Kỳ” mới có thể bị luận tội — chứ không phải các nhà lập pháp hay công chức tiền nhiệm.
Thượng viện, giống như Hạ viện, tiến hành luận tội. Nhưng việc kết tội tại Thượng viện đòi hỏi phải có cuộc bỏ phiếu của “hai phần ba số Thành viên có mặt” – chứ không chỉ đơn thuần là đa số thành viên bỏ phiếu.
Không giống như ở Anh, hình phạt chỉ giới hạn ở việc cách chức và loại khỏi chức vụ liên bang trong tương lai.

Bốn căn cứ được liệt kê trong Hiến Pháp để luận tội là (1) tội phản quốc, (2) hối lộ, (3) các tội ác nghiêm trọng khác và (4) “tội nghiêm trọng”. Hiến Pháp đã giới hạn cẩn thận “tội phản quốc” bằng cách định nghĩa bằng một cụm từ trong một đạo luật cũ của Anh để giới hạn tội phản quốc trong việc chiến đấu hoặc trợ giúp một cuộc chiến tranh theo nghĩa đen chống lại đất nước.

“Hối lộ” có nghĩa là chấp nhận thứ gì đó có giá trị cho một quyết định chính trị, ngay cả khi người bị hối lộ cuối cùng không thực hiện được những gì đã hứa. “Tội ác nghiêm trọng” là tội nặng, có thể bị trừng phạt (về lý thuyết, nếu không phải lúc nào trên thực tế) bằng tử hình. Ví dụ bao gồm phản quốc, sát nhân, cưỡng gian và đốt phá.

Những người viết Hiến Pháp từ lâu đã hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ “Phản quốc”, “Hối lộ” và “Tội ác nghiệm trọng”. Nhưng cụm từ “tội nghiêm trọng ” lại là một chủ đề gây tranh cãi.

Cuộc tranh cãi

Bản chất của “tội nghiêm trọng” đã bị tranh cãi trong cuộc luận tội cựu TT Trump đầu tiên, giống như nó đã bị tranh cãi trong các cuộc luận tội tổng thống trước đó.

Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi đã biết câu trả lời vì tôi đã tìm ra nó trong một nghiên cứu năm 2020 của mình. Tôi sẽ đề cập thêm về nội dung này sau đây.

Có một số lý do khiến các chuyên gia bối rối về vấn đề này. Một lý do là họ dựa quá nhiều vào các tiền lệ luận tội của Anh mà không tính đến việc Hiến Pháp phê chuẩn một thủ tục hạn chế hơn nhiều. (Tôi thú nhận rằng bản thân đã mắc sai lầm này trước nghiên cứu năm 2020 của mình.)

Ngoài ra, hầu hết người viết về Hiến Pháp không kiểm tra đủ nguồn [dữ liệu]. Đặc biệt, rất ít người quen thuộc với hệ thống luật học và luật pháp thế kỷ 18 được các Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ dựa vào. Rất ít người từng nghiên cứu một cuốn sách luật nào khác ngoài cuốn “Commentaries.” (Bình luận) của William Blackstone.

Việc không kiểm tra các nguồn pháp lý này được cổ suý bởi một sai sót trong cuốn sách hiện đại quan trọng nhất về luận tội. Trong cuốn sách đó, tác giả khẳng định rằng cụm từ “tội nghiêm trọng” không phải là một thuật ngữ được sử dụng trong luật thời kỳ lập quốc. Tôi phát hiện ra rằng tuyên bố này là hoàn toàn là sai. Trên thực tế, cụm từ “tội nghiêm trọng” xuất hiện rộng rãi trong luật hình sự. Và đó là định nghĩa về luật hình sự mà những Nhà Lập Quốc đã đưa vào Hiến Pháp – chứ không phải cách sử dụng lỏng lẻo trong thông lệ luận tội ở Anh.

Ý nghĩa của ‘tội nghiêm trọng’

Trong luật pháp Anh-Mỹ thế kỷ 18, từ “khinh tội” về mặt kỹ thuật có nghĩa là bất kỳ tội nào. Một “tội nghiêm trọng” và các từ đồng nghĩa của nó (“tội bỏ tù”, “tội nặng”) về mặt kỹ thuật bao gồm cả tội nặng và tội nghiêm trọng có thể bị trừng phạt bằng cách bỏ tù, hình phạt nặng và các hình phạt khác ngoài tử hình. Tuy nhiên, theo cách sử dụng phổ biến hơn được phê chuẩn trong Hiến Pháp, những thuật ngữ đó đã loại trừ các trọng tội gây tử hình và chỉ biểu thị các tội phạm phải rất nghiêm trọng nhưng không phải là tội phạm hình sự. Ví dụ về các tội nghiêm trọng là cố ý giết người, nhận đồ ăn trộm, hành hung và hối lộ.

Do đó, cụm từ “Tội phản quốc, hối lộ hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và tội nghiêm trọng khác” trong Hiến Pháp liệt kê một tội danh đặc biệt nghiêm trọng (“Tội phản quốc”), một tội danh nghiêm trọng (“Hối lộ”), sau đó thêm một cụm từ chung bao gồm các tội danh khác trong hai loại tội danh có các hạng mục chung đó.

Bằng cách yêu cầu bằng chứng về một tội danh nghiêm trọng trước khi một tổng thống có thể bị luận tội, những Người Lập Quốc đã ngăn chặn việc Quốc hội sử dụng việc luận tội để buộc tổng thống phải tuân theo ý muốn của họ.
Bài học cho cuộc luận tội ông Biden

Những người tiến hành luận tội ông Biden phải cẩn thận để không đi quá xa, như những người tiền nhiệm của họ đã làm trong các cuộc luận tội ông Trump. Nếu các nhà điều tra phát hiện ra bằng chứng rõ ràng cho thấy Tổng thống Biden đã nhận hối lộ để đổi lấy các đặc ân chính trị thì họ có cơ sở xác đáng để luận tội.

Nhưng họ không nên làm lộn xộn các điều khoản luận tội với những cáo buộc đơn thuần về khinh suất hoặc hành vi sai trái. Ví dụ, việc Tổng thống Biden không thực thi luật nhập cư là không thể tha thứ được, vừa vi phạm nghĩa vụ Hiến Pháp của ông là “bảo đảm để Luật pháp được thực thi một cách trung thực”. Nhưng việc đó không thể bị kết tội để bãi nhiệm.

Chỉ tập trung vào vấn đề hối lộ cũng mang lại cho những người ủng hộ luận tội một lợi ích chính trị lớn: Điều đó dễ hiểu. Điều này rất quan trọng trong một môi trường mà các phương tiện truyền thông quốc gia hoàn toàn ủng hộ ông Biden. Các phương tiện truyền thông sẽ làm những gì có thể để làm xáo trộn các cáo buộc và phủ nhận động cơ của những người tố cáo. Việc buộc tội đơn giản và rõ ràng có thể giúp những người tố cáo vượt qua làn sương mù của giới truyền thông và giải thích vụ việc của họ cho người dân bình thường.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.Minh Khanh biên dịch

BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Đảng Cộng Hòa chấp nhận việc thu thập phiếu bầu cho cuộc bầu cử năm 2024; dự đoán một số tranh cãi pháp lý

Đảng Cộng Hòa đang toàn tâm ủng hộ việc thu thập phiếu bầu và việc bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử năm 2024 sau nhiều năm chỉ trích hai chính sách này. Một số người dự đoán sẽ có tranh cãi pháp lý.
Những thùng hồ sơ được đặt qua một bên trong phòng xử lý lá phiếu khiếm diện ở Nhà thi đấu State Farm tại Atlanta, tiểu bang Georgia, vào ngày 02/11/2020. (Ảnh: Megan Varner/Getty Images)
Patricia Tolson

Thứ tư, 27/09/2023

Sau nhiều năm chỉ trích việc thu thập phiếu bầu và việc bỏ phiếu sớm, Đảng Cộng Hòa thay đổi đường hướng cho năm 2024 và toàn tâm ủng hộ cả hai chính sách này. Theo các chuyên gia, việc này có thể dẫn đến những hệ quả tốt và xấu. Dự đoán sẽ có một số thử thách về mặt pháp lý.

“Việc thu thập phiếu bầu” là một thông lệ mà các cá nhân hoặc tổ chức bên thứ ba thu thập các lá phiếu gửi qua bưu điện đã được các cử tri điền xong rồi thay mặt cử tri gửi đến các cơ quan bầu cử.

Ông Hans von Spakovsky — thành viên cao cấp kiêm quản lý Sáng kiến Cải tổ Luật Bầu cử của Quỹ Di sản — gọi hành vi này là “Buôn lậu phiếu bầu.”

“Quý vị chơi theo luật tại nơi mà quý vị ở nhưng không có nghĩa là quý vị cho phép giữ nguyên hiện trạng theo cách đó,” Ông von Spakovsky chia sẻ với The Epoch Times.

Ông cũng gợi ý rằng việc Đảng Cộng Hòa (GOP) quyết định chơi trò chơi thu thập phiếu bầu cũng sẽ không ngăn được các cử tri tìm cách thuyết phục những nhà lập pháp tiểu bang của họ “thay đổi luật để tránh buôn lậu phiếu bầu và cho phép bên thứ ba lạ mặt lấy phiếu bầu của cử tri bởi vì những rủi ro khi cho phép điều đó là quá lớn.”

Ông Hans von Spakovsky, thành viên cao cấp của Sáng kiến Cải tổ Luật Bầu cử của Quỹ Di sản tại một sự kiện ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào tháng 10/2017. (Ảnh: Benjamin Chasteen/The Epoch Times)

“Tôi cũng không thấy có gì sai khi tuân theo luật ở địa phương nhưng quý vị nên cố gắng tiếp tục thay đổi,” ông chia sẻ.

Tháng 10/2019, ông von Spakovsky cho rằng việc thu thập phiếu bầu là “một cách thức để cưỡng ép và gian lận bầu cử.”

Từ năm 1988, Dữ liệu Gian lận Bầu cử của Quỹ Di sản đã ghi chép lại hơn 200 trường hợp được chứng minh là sử dụng gian lận các lá phiếu khiếm diện. Số trường hợp gian lận phiếu bầu gửi qua đường bưu điện được xác nhận lớn nhất là 36 vụ, đã xảy ra vào năm 2022.

Cuối cùng, ông von Spakovsky không tin rằng việc thu thập phiếu bầu sẽ mang lại lợi ích cho bất cứ đảng nào.

“Nếu như một đảng có được lợi thế từ luật này còn đảng kia thì không, vậy thì điều này có thể là một bước tiến cho đảng đó,” ông nhận định. “Tuy nhiên nếu cả hai đảng đều có được lợi thế này, thì tôi không chắc điều này sẽ có lợi cho bất cứ bên nào.”
Truy vết phiếu bầu

Với việc tham gia vào trò chơi thu thập phiếu bầu cho cuộc bầu cử năm 2024, bà Sharron Demers nhận thấy được tiềm ẩn các hệ quả tốt và xấu.

Về hệ quả xấu, bà lo ngại rằng, giống như khi Đảng Cộng Hòa dành nhiều năm trời điều tra và kiện tụng các vụ gian lận cử tri theo cáo buộc của các nhà điều tra của Đảng Dân Chủ, Đảng Dân Chủ cũng có thể làm điều tương tự. Bà cảnh báo, việc này sẽ dẫn đến chu kỳ bầu cử kéo dài không dứt kéo theo mùa kiện tụng cũng dài không kém.

Về hệ quả tốt, bà tin rằng việc này sẽ dẫn đến chiến thắng đã bị đánh mất chỉ vì [trước đây] họ đã không theo kịp Đảng Dân Chủ.

Bà Demers, nữ ủy viên Đảng Cộng Hòa của Quận Flagler, nhấn mạnh rằng việc thu thập phiếu bầu bị cấm tại Tiểu bang Ánh Dương (tên gọi khác của Florida).

Bà Sharon Demers, nữ ủy viên Đảng Cộng Hòa của Quận Flagler, bỏ lá phiếu của bà vào thùng bỏ phiếu trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 tại Quận Flagler, tiểu bang Florida. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của bà Sharon Demers)

“Quý vị có thể gõ cửa nhà ai đó và khuyến khích họ gửi lại lá phiếu bầu qua đường bưu điện nhưng ở Florida, họ lại không thể thu thập các lá phiếu và chuyển đến Giám sát viên Bầu cử hoặc thùng bỏ phiếu,” bà Demers giải thích.

“Tuy nhiên nếu một tiểu bang khác cho phép làm như thế, thì chúng tôi cũng cần làm như thế. Nếu như việc đó là hợp pháp,” bà chia sẻ. “Nhưng nếu không hợp pháp thì Đảng Cộng Hòa không nên làm như vậy.”

Bà cũng cho biết tiểu bang Florida cho phép những gì gọi là “truy vết phiếu bầu.”

Đảng Dân Chủ cũng đã và đang truy vết phiếu bầu.

Theo NGP VAN, “nhà cung cấp công nghệ dẫn đầu cho Đảng Dân Chủ và các chiến dịch cấp tiến,” “truy vết phiếu bầu” là một chiến dịch khuyến khích cử tri tận dụng lịch trình bỏ phiếu sớm của tiểu bang của họ để “bỏ phiếu bầu sớm” trong chu kỳ bầu cử.

Các nhà tổ chức có thể sử dụng danh sách cử tri để xác định địa điểm của các đại cử tri sống gần khu vực bỏ phiếu. Bằng phương thức dùng danh sách số điện thoại, kiểm đếm phiếu, hoặc các chương trình tiếp cận cộng đồng khác, các nhà tổ chức có thể khuyến khích họ bước ra và bỏ phiếu.

Theo bà Demers lưu ý, Đảng Dân Chủ được biết đến vì các nỗ lực tổ chức tốt trong việc khai triển những nhà tổ chức khi đón người dân bằng xe buýt và xe van rồi chở họ đến địa điểm bỏ phiếu.

“Đây là những việc mà Đảng Cộng Hòa lười thực hiện ở một số vùng trên đất nước này, không vận động bỏ phiếu hay khuyến khích bỏ phiếu, đặc biệt là với những công dân trẻ tuổi,” bà cho biết, nhấn mạnh rằng các cử tri trẻ tìm được gần như tất cả các thông tin của họ trên truyền thông xã hội.

“Họ không dấn thân vào chính trị và nhìn chung đó là nhóm người dân mà Đảng Cộng Hòa đã bỏ qua,” bà chia sẻ.
“Chúng tôi không có sự lựa chọn”

Là nhà sáng lập America First PACT, ông Gibson hy vọng sẽ tạo động lực cho nhóm công dân trẻ mà Đảng Cộng Hòa đã bỏ qua.

“Chúng tôi có hai sự lựa chọn,” ông chia sẻ với The Epoch Times. “Hoặc là chúng tôi tham gia hoặc chúng tôi cho phép Đảng Dân Chủ cường thịnh và thắng cuộc bầu cử bởi vì họ thu thập phiếu bầu còn chúng ta thì không.”

Ông Corey Gibson, giám đốc điều hành toàn quốc về phát triển của RethinkGOP.org. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Corey Gibson)

Như ông Gibson kể lại với The Epoch Times hồi tháng Sáu, ông đã tập hợp được một “đội quân những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.”

“Chúng tôi là dự án về thu thập phiếu bầu đầu tiên trên toàn quốc,” ông cho hay.

Mặc dù lo ngại rằng nỗ lực thu thập lá phiếu mới đây của Đảng Cộng Hòa có thể trở thành “một cơn lốc diệt vong hợp pháp,” ông cho biết, “là những người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống, việc duy nhất chúng tôi có thể làm là theo đuổi việc này một cách trung thực và minh bạch tối đa để khó tìm ra trong những nỗ lực của chúng tôi và những hoạt động kinh doanh mờ ám mà không thể bào chữa được.”

“Một sự lựa chọn khác là cho phép Đảng Dân Chủ chiếm lợi thế với thông lệ này và không tham gia một cách ngoan cố.”

Tuy nhiên, ông Gibson cho biết, ông von Spakovsky đã đề nghị rằng, “Chúng tôi muốn thu thập phiếu bầu cho đến khi chúng tôi có thể khiến việc này trở nên bất hợp pháp.”

“Mục tiêu của những người theo khuynh hướng bảo tồn là những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Chỉ vậy thôi,” ông giải thích, nói rằng những người theo trường phái bảo tồn truyền thống “thà thua cuộc một cách công bằng trong bầu cử còn hơn là thắng bằng cách gian lận.”

“Đây là khoảng thời gian để chúng tôi nhìn nhận xem chúng tôi muốn thắng cử một cách công bằng hay thoái lui và nhận thua chỉ vì chúng tôi quá bướng bỉnh và khăng khăng rằng chúng tôi không tin tưởng việc thu thập phiếu bầu,” ông nói.

Điều ước lớn nhất của ông Gibson hiện tại là “cấu trúc đảng có thể cho phép tiếp cận bất cứ thứ gì một cách thống nhất và có chiến lược hơn,” bởi vì ngay vào thời điểm hiện tại, “đây là một mớ hỗn độn của những bộ tộc bất đồng ý kiến.”

“Để việc này thực sự có hiệu lực,” ông cho rằng Đảng Cộng Hòa cần phải có “chiến thuật lãnh đạo tốt để bắt đầu những chương trình này.”

“Đó là những gì Đảng Dân Chủ làm tốt còn chúng tôi thì không,” ông cho biết.
“Sẽ rất rắc rối”

Ông Richard Frederick là đại diện tiểu bang của RETHINK! GOP, tổ chức chuyên “trao quyền cho các cử tri thông qua việc thu thập phiếu bầu, các chương trình và hướng dẫn bỏ phiếu sớm.”

Từ sáu đến bảy tháng trước ông đã nói chuyện điện thoại với các cử tri từ tiểu bang California đến tiểu bang Nevada. Những cử tri này cảm thấy khó hiểu bởi việc Đảng Cộng Hòa đột ngột chuyển hướng sang ủng hộ các hoạt động mà họ lên án trong nhiều năm qua.

Ông Richard Frederick, đại diện tiểu bang của tổ chức RETHINK! GOP. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Richard Frederick)

“Nhiều năm qua chúng tôi đã chứng kiến những người đứng đầu Đảng Cộng Hòa hò hào rằng ‘việc này là bất hợp pháp, quý vị không thể làm vậy, và Đảng Dân Chủ đang gian lận,’” ông Frederick nói với The Epoch Times. “Bây giờ họ lại quay ngược trở lại nói rằng quý vị cần phải bỏ phiếu sớm, quý vị phải thu thập phiếu bầu. Vì vậy việc này khiến cho các cử tri rất bối rối.”

Tuy nhiên thật kỳ lạ, ông cũng cho biết hầu hết các cử tri mà ông từng nói chuyện chưa bao giờ hiểu được tại sao ngay từ đầu Đảng Cộng Hòa lại vô cùng phản đối với các chính sách này.

“Họ chưa bao giờ xem những việc này là bất hợp pháp. Quý vị có ông Trump, ông DeSantis, ông McDaniel, và các nhân vật công chúng khác nói rằng việc này là bất hợp pháp, và việc này không phải là bất hợp pháp,” ông cho biết. “Ngay tại tiểu bang Nevada, chỉ vì điều này mà chúng tôi đã mất rất nhiều ghế. Đảng Cộng Hòa tự bắn vào chân họ và Đảng Dân Chủ thì ngồi xuống và tận hưởng từng giây phút bởi vì họ biết họ không cần phải lo lắng về việc thu thập phiếu bầu của Đảng Cộng Hòa.”

Ông Frederick sau đó đã nhớ lại việc Đảng Cộng Hòa phản đối việc bỏ phiếu sớm khiến cho Đảng Cộng Hòa tại Nevada phải trả giá như thế nào bởi vào ngày trước ngày bầu cử năm 2020, tuyết rơi dày.

“Hầu hết người dân không chịu đi ra ngoài bỏ phiếu. Vì vậy tất cả những cử tri Đảng Dân Chủ bầu cử qua đường bưu điện đã chiếm được ưu thế,” ông cho biết.

Ông cũng tin rằng Đảng Cộng Hòa dường như sẽ phải đối mặt với vô số đơn kiện tụng sau “mùa bầu cử” chỉ bởi vì họ không có kinh nghiệm thu thập phiếu bầu.

Mặc dù các tổ chức như RETHINK! GOP, Turning Point USA, và American Majority “đang tự tiến lên phía trước với việc này,” nhưng ông không tin rằng Đảng Cộng Hòa là một tổ chức “sẽ thực hiện những việc cần thực hiện bởi vì đơn giản là họ không biết phải thực hiện như thế nào.”

“Những gì kéo theo sẽ rất rắc rối. Sẽ rất rắc rối, và sẽ dai dẳng,” ông dự đoán. “Trong khi chúng ta đang phàn nàn về việc phải chờ tận 45 ngày mới có kết quả ở một số tiểu bang sau cuộc bầu cử năm 2020, tôi nghĩ rằng hiện tại thời gian chờ đợi sẽ còn dài hơn.”
Bằng các con số

Hội nghị Quốc gia các Cơ quan Lập Pháp tiểu bang cho thấy 31 tiểu bang ủy quyền người khác nộp phiếu bầu thay cho cử tri.

Các tiểu bang Arkansas, Colorado, Florida, Louisiana, Minnesota, Montana, New Jersey, Oklahoma, và West Virginia căn bản là đã cấm hoạt động thu thập phiếu bầu tại tiểu bang của họ bằng cách giới hạn số phiếu bầu mà mỗi cá nhân có thể nộp thay cho người khác. Tiểu bang Florida và Louisiana chỉ cho phép một thành viên trong gia đình nộp một phiếu bầu thay cho một cử tri. Tiểu bang Oklahoma “cấm hoàn toàn việc thu thập phiếu bầu.”

Sáu tháng trước cuộc bầu cử tháng 11/2020, một cuộc thăm dò ý kiến của Gallop cho thấy 64% người dân Mỹ thích ý tưởng nộp phiếu bầu qua đường bưu điện. Mặc dù vậy, có sự khác biệt rõ rệt giữa các cử tri tùy theo đảng phái chính trị của họ. Trong khi 83% cử tri Đảng Cộng Hòa bày tỏ sự ủng hộ đối với việc bỏ phiếu qua đường bưu điện thì chỉ có 40% cử tri Đảng Dân Chủ bày tỏ quan điểm tương tự. Trong số những cử tri độc lập, có 68% ủng hộ.

Cuộc thăm dò do Honest Elections Project thực hiện hồi tháng Bảy và cung cấp độc quyền cho The Federalist cho thấy 76% cử tri tham gia khảo sát tin rằng “bỏ phiếu trực tiếp tốt hơn là bỏ phiếu qua đường bưu điện.” Phần lớn, 73%, cũng “từ chối việc gửi phiếu bầu tự động mà không có yêu cầu của cử tri,” và 74% cho rằng việc thu thập phiếu bầu “nên được coi là bất hợp pháp.”Tuệ Chân biên dịch

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ nỗ lực của tiểu bang Alabama về việc sử dụng bản đồ Quốc hội

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ nỗ lực thứ hai của Đảng Cộng Hòa ở Alabama để sử dụng một bản đồ quốc hội bao gồm một địa hạt bầu cử Quốc hội có đa số người Mỹ gốc Phi Châu
Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ chụp ảnh chính thức tại Tối cao Pháp viện ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 07/10/2022. (Hàng trước từ trái sang phải) Thẩm phán Sonia Sotomayor và Thẩm phán Clarence Thomas, Chánh án John Roberts, Thẩm phán Samuel Alito và Thẩm phán Elena Kagan. (Hàng sau từ trái sang phải) Các thẩm phán Amy Coney Barrett, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, và Ketanji Brown Jackson. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)
Jack Phillips

Thứ tư, 27/09/2023

Hôm thứ Ba (26/09), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã từ chối một yêu cầu của Đảng Cộng Hòa ở Alabama về việc sử dụng một bản đồ Quốc hội bao gồm một địa hạt bầu cử Quốc hội có đa số người Mỹ gốc Phi Châu.

Phán quyết một chiều của Pháp viện hôm thứ Ba vẫn giữ phán quyết ngày 05/09 của hội đồng ba thẩm phán liên bang ở Birmingham, Alabama, cho biết bản đồ, vốn đã được cơ quan lập pháp do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo của tiểu bang phê chuẩn để phân định ranh giới của bảy địa hạt bầu cử Hạ viện của Alabama, là có thành kiến bất hợp pháp đối với cử tri Mỹ gốc Phi Châu và phải được vẽ lại.

Hồi đầu năm nay, bản đồ mới này đã được đưa ra trong hai phán quyết khác nhau của tòa án cấp dưới, trong đó các thẩm phán cho rằng cần có thêm một địa hạt bầu cử dành cho cử tri Mỹ gốc Phi Châu thiểu số, phù hợp với phán quyết hồi tháng Sáu của Tối cao Pháp viện.

Trước khi bản đồ này được đưa lên Tối cao Pháp viện lần thứ hai, hội đồng ba thẩm phán ở Birmingham viết: “Chúng tôi vô cùng lo ngại khi Tiểu bang ban hành một bản đồ mà Tiểu bang sẵn sàng thừa nhận là không cung cấp biện pháp khắc phục mà chúng tôi cho rằng luật liên bang yêu cầu.”

Các thẩm phán nói thêm rằng họ “không biết có bất kỳ vụ kiện nào khác mà một cơ quan lập pháp của tiểu bang … phản ứng bằng một kế hoạch mà tiểu bang đó thừa nhận không cung cấp biện pháp khắc phục cho địa hạt bầu cử đó.”

Các thẩm phán viết rằng (pdf) một biện lý đặc biệt bây giờ phải được chỉ định để tạo ra một “bản đồ khắc phục hậu quả để bảo đảm rằng một kế hoạch có thể được thực hiện như một phần của một tiến trình có trật tự trước cuộc bầu cử, trong đó Tiểu bang được trao một cơ hội để tạo ra một bản đồ tuân theo phán quyết, nhưng đã không được thực hiện.”

Điều đó đã khiến Tổng Chưởng lý Alabama Steve Marshall đưa ra tuyên bố. Hồi đầu tháng này, ông cho biết tiểu bang của ông sẽ kháng cáo lệnh này.

Hôm 05/09, văn phòng vị tổng chưởng lý Đảng Cộng Hòa này cho biết rằng “mặc dù chúng tôi thất vọng về phán quyết ngày hôm nay, nhưng chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng bản đồ của Cơ quan lập pháp tuân thủ Đạo luật về Quyền Bầu cử và phán quyết gần đây của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Chúng tôi dự định sẽ nhanh chóng yêu cầu xem xét lại từ Tối cao Pháp viện để bảo đảm rằng Tiểu bang có thể sử dụng các địa hạt bầu Quốc hội hợp pháp của mình vào năm 2024 và hơn thế nữa.”

Nhưng hôm thứ Ba, Tối cao Pháp viện đã hồi đáp bằng cách ban hành một lệnh không có chữ ký: “Đơn đề nghị tạm hoãn được trình lên Thẩm phán Thomas và được ông chuyển lên Pháp viện đã bị từ chối.” Tối cao Pháp viện đã không đưa ra lý do bằng văn bản nào cho phán quyết của họ.

Sau hành động của Tối cao Pháp viện hôm thứ Ba, ông Marshall vẫn chưa đưa ra bình luận nào trước công chúng.
Phán quyết trước

Hồi tháng Sáu, trong phán quyết với tỷ lệ 5 phiếu thuận – 4 phiếu chống, Tối cao Pháp viện đã khẳng định lệnh của tòa án cấp dưới yêu cầu tiểu bang vẽ lại bản đồ Quốc hội của mình để tính cả địa hạt bầu cử Quốc hội thứ hai có đa số cử tri Mỹ gốc Phi Châu. Nhiều tuần sau, các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa ở Alabama đã thông qua một bản đồ Quốc hội mới vẫn chỉ có một địa hạt có đa số cử tri Mỹ gốc Phi Châu, tuyên bố rằng bản đồ của họ đã vi phạm một phần Đạo luật về Quyền bầu cử.

Trong bản kiến nghị thứ hai gửi lên Tối cao Pháp viện, Tổng Chưởng lý Alabama lập luận rằng bản đồ Quốc hội mới giữ nguyên các cộng đồng và hợp nhất cái gọi là “Vành đai đen” trong tiểu bang.

“Kế hoạch năm 2023 bắt nguồn từ các ranh giới địa hạt hiện tại để hợp nhất Vành đai Đen, phân chia số ranh giới quận tối thiểu cần thiết để cân bằng dân số giữa các địa hạt và làm cho bản đồ trở nên chặt chẽ hơn nhiều thông qua những thay đổi đối với từng địa hạt,” ông Marshall, một thành viên Đảng Cộng Hòa, viết trong đơn đệ trình của mình.

Tòa án cấp dưới vốn đã bác bỏ bản đồ của họ một lần nữa đã phạm sai sót trong việc quy định cho địa hạt thứ hai. Ông nói: “Tòa án đã hủy bỏ quyền quyết định của Tiểu bang trong việc áp dụng các nguyên tắc tái phân chia địa hạt bầu cử truyền thống vào năm 2023, bằng cách rõ ràng từ chối trì hoãn những nguyên tắc đó khi những nguyên tắc này không mang lại kết quả ‘đúng đắn’ về chủng tộc.”

Cử tri Mỹ gốc Phi Châu chiếm 27% dân số Alabama nhưng chiếm đa số chỉ ở một trong bảy địa hạt bầu cử Hạ viện được cơ quan lập pháp tiểu bang vẽ ra trong cả hai bản đồ mà cơ quan này đã phê chuẩn kể từ cuộc điều tra dân số năm 2020.

Các khu vực bầu cử được vẽ lại mỗi thập niên để phản ánh những thay đổi về dân số học được đo lường bằng một cuộc điều tra dân số quốc gia. Ở hầu hết các tiểu bang, đảng cầm quyền thực hiện việc tái phân chia địa hạt bầu cử này, mà điều này có thể dẫn đến việc thao túng bản đồ cho mục đích đảng phái. Các vụ kiện tụng về quyền bầu cử có thể dẫn đến việc thiết lập các bản đồ mới cho các địa hạt bầu cử Quốc hội đang diễn ra ở một số tiểu bang.

Phán quyết hồi tháng Sáu của Tối cao Pháp viện do Chánh án John Roberts đưa ra và có sự tham gia đầy đủ của các thẩm phán do Đảng Dân Chủ bổ nhiệm gồm Thẩm phán Sonia Sotomayor, Thẩm phán Elena Kagan, và Thẩm phán Ketanji Brown Jackson. Thẩm phán Brett Kavanaugh, người được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, tham gia phán quyết này với một quan điểm riêng.

Cơ quan lập pháp do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã đưa ra một bản đồ mới sau phán quyết của Tối cao Pháp viện hồi đầu năm nay. Theo nhiều bản tin, Hạ viện và Thượng viện Alabama đều thông qua bản đồ mới này với đa số phiếu đáng kể.

Bản đồ này sau đó đã được Thống đốc tiểu bang Alabama Kay Ivey, một thành viên Đảng Cộng Hòa, ký thành luật hồi tháng Bảy.

“Theo lệnh của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, tôi đã triệu tập một phiên họp đặc biệt của Cơ quan lập pháp Alabama để thiết lập lại bản đồ Quốc hội của chúng tôi,” bà Ivey nói hồi tháng Bảy sau khi ký tên vào bản đồ. “Cơ quan lập pháp hiểu rõ tiểu bang, người dân, và các địa hạt bầu cử của chúng tôi hơn các tòa án liên bang hoặc các nhóm hoạt động, và tôi rất vui vì họ đã đáp lại lời kêu gọi, vẫn tập trung và thành lập các địa hạt mới trước thời hạn của tòa án.”

Bản đồ mới nhất do Đảng Cộng Hòa vẽ đã thu hút sự phản đối nhanh chóng từ các nhà hoạt động dân quyền. Họ cho rằng bản đồ này đã không khắc phục được hành vi vi phạm Đạo luật về Quyền Bầu cử do Tối cao Pháp viện xác định và làm dấy lên lo ngại về việc bảo đảm sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật theo Tu chính án Thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters

Nguyễn Lê biên dịch


Tổng chưởng lý Texas Paxton sẽ xử lý các vấn đề nổi cộm sau khi trở lại nhiệm sở

Anh Nguyễn
27/09/2023

Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton, thành viên Đảng Cộng hòa, nói rằng ông sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề nổi cộm tại tiểu bang như an ninh biên giới, các công ty công nghệ lớn (Big Tech) và các ông ty công nghiệp dược phẩm lớn (Big Pharma) khi ông trở lại văn phòng sau khi được Thượng viện Texas tuyên trắng án trong vụ luận tội.
“Vấn đề biên giới trở nên tệ hơn khi tôi không có mặt”, ông Paxton nói trên podcast “John Solomon Reports” của Just the News hôm thứ Ba (26/9). “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh với chính quyền Biden về vấn đề đó. Thực khó tin những gì họ đang làm với đất nước này. Điều đó là cố ý gây tổn hại lớn. Vì vậy, đó là một trong những quan tâm hàng đầu của chúng tôi.”

Ông Paxton được phục chức vào tuần trước sau khi Thượng viện tiểu bang bỏ phiếu tha bổng cho ông về tất cả 16 điều khoản luận tội đã được Hạ viện tiểu bang bỏ phiếu thông qua.

Vào ngày được tuyên trắng án, ông Paxton đã đưa ra một tuyên bố trong đó ông nói với chính quyền Biden rằng “hãy thắt dây an toàn vì các chính sách vô luật pháp của các vị sẽ không được để yên.”

“Tôi vẫn còn các vụ kiện Big Tech chống lại Google và những công ty công nghệ khác”, ông Paxton nói. “Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào cuộc điều tra Big Pharma về những gì họ đã có thể làm với vắc-xin và đặc biệt là không trung thực trong cách họ trình bày vấn đề đó với người dân Mỹ”.

Đầu năm nay, ông Paxton đã mở một cuộc điều tra xem liệu Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson có trình bày sai về độ an toàn của vắc-xin ngừa Covid-19 của các công ty này hay không.

“Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm”, ông nói trên podcast. “Chúng ta có rất nhiều vấn đề mà tôi nghĩ là rất quan trọng, không chỉ đối với Texas, mà còn đối với đất nước chúng ta. Nước Mỹ cuối cùng sẽ trở thành kiểu quốc gia như thế nào – liệu chúng ta có trở thành một đất nước tự do như những người Cha lập quốc đã đặt định hay không, hay chúng ta sẽ bị kiểm soát bởi một vài chính trị gia.”

Anh Nguyễn (Theo Just the News)



Bà Hillary: Ông Putin ghét nước Mỹ, có thể sẽ can thiệp bầu cử 2024

Anh Nguyễn
27/09/2023

Bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống năm 2016 của Đảng Dân chủ, nói với cựu thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hiện đang là người dẫn chương trình của đài MSNBC rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “ghét nước Mỹ”. Bà còn nói thêm Moscow sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2024, lặp lại những cáo buộc chưa từng được chứng minh từ năm 2016 và 2020.
Chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton từng buộc tội nhà lãnh đạo Nga ủng hộ đối thủ Đảng Cộng hòa của bà, ông Donald Trump vào năm 2016.

“Người Nga đã chứng tỏ họ khá thành thạo trong việc can thiệp vào bầu cử tổng thống của chúng ta và nếu [ông Putin] có cơ hội, ông ấy sẽ làm điều đó lần nữa”, bà Clinton nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với đài MSNBC hôm Chủ nhật (24/9). Bà cũng không quên cáo buộc ông Putin “ghét nền dân chủ”.

“Ông ấy đặc biệt ghét phương Tây và đặc biệt ghét chúng ta (nước Mỹ)”, bà đồng thời cho rằng ông Putin đứng đằng sau một chiến lược có chủ ý nhằm “gây thiệt hại và chia rẽ” nước Mỹ. Ứng cử viên tổng thống hai lần thất bại này đã kêu gọi người Mỹ chống lại sự bạo quyền của “nhà độc tài chuyên chế” Nga cũng như “những người biện hộ và hỗ trợ” ông ta.

“Vì vậy ở vị trí của chúng ta, một phần thách thức chúng ta đối mặt là phải liên tục giải thích cho người dân Mỹ, ông Putin là kiểu người lãnh đạo như thế nào, là kẻ độc tài sẽ tiêu diệt đối thủ của ông ta, thủ tiêu các nhà báo, hạ độc những người bất đồng với ông ta, xâm chiếm các quốc gia khác, can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta, đó là một phần của lựa chọn mà chúng ta phải loại bỏ trong cuộc bầu cử này”, bà nói.

Bà Clinton nói thêm: “Chúng ta phải loại bỏ một kiểu chủ nghĩa phát-xít thấm dần của những người thực sự sẵn sàng đảo ngược suy nghĩ, phiếu bầu theo những kẻ độc tài khao khát nổi tiếng”.

Bà Clinton cho biết ông Putin đã không muốn thấy bà ở Nhà Trắng nên ông đã chống lại bà.

Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông hồi đầu tháng Chín này, ông Putin đã lên án chính quyền Biden là tham nhũng một cách vô vọng và tiến hành cuộc đàn áp chính trị nhắm vào tổng thống tiền nhiệm, ông Donald Trump. Ông Putin cho rằng trận chiến pháp lý chống lại ông Trump đã vạch trần “sự thối nát của hệ thống chính trị Mỹ, vốn đã không thể giả vờ rao giảng dân chủ cho những quốc gia khác”.

Cũng trong diễn đàn đó, ông Putin đã nhắc lại với khán giả rằng những cáo buộc thông đồng với Nga nhắm vào ông Trump của bà Clinton và những người khác là “hoàn toàn vô nghĩa”. Những cáo cuộc này sau đó được tiết lộ là dựa trên lệnh giám sát bất hợp pháp, những lời khuyên không có thật và bằng chứng giả mạo.

Công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, ông John Durham đã phát hiện cuộc điều tra của FBI về các mối quan hệ có mục đích với Nga của ông Trump có sai sót nghiêm trọng. Ông Durham đưa ra kết luận trong một báo cáo được công bố đầu năm nay rằng FBI đã “không duy trì được sứ mệnh tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp” khi giải quyết các thông tin có nguồn gốc đáng ngờ từ các nhân viên của bà Clinton và các đối thủ chính trị khác của ông Trump.

Không nản lòng với thất bại, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã xem xét lại các tuyên bố can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của họ, trong đó có một báo cáo nhấn mạnh rằng Nga đã thao túng cuộc bầu cử năm 2020 để ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, không có cuộc điều tra chính thức nào về những cáo buộc đó được thực hiện và cũng chính báo cáo đó cuối cùng đã thừa nhận rằng không có nỗ lực nào được thực hiện nhằm can thiệp vào tổng số phiếu bầu.

Anh Nguyễn (t/h)




Hội thảo về nguy hại do xâm nhập của ĐCSTQ vào xã hội Mỹ

Lâm Nam
27/09/2023

Tại một hội thảo tổ chức gần đây ở Poughkeepsie Thung lũng Hudson – New York (Mỹ), nhiều chuyên gia vấn đề Trung Quốc đã nói về các mối đe dọa và tác hại do sự xâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào mọi tầng lớp xã hội Mỹ, những chia sẻ đã được người tham gia đồng tình.

Tại một hội thảo được tổ chức ở Poughkeepsie Thung lũng Hudson bang New York vào tối ngày 21/9, một số chuyên gia về Trung Quốc đã nói về tác hại do sự xâm nhập của ĐCSTQ vào mọi tầng lớp xã hội ở Mỹ. (Ảnh: Gary Du/Epoch Times)
Hội thảo có tiêu đề “Thức tỉnh trước mối đe dọa của ĐCSTQ” (Wake Up to the CCP Threat) được tổ chức bởi Hiệp hội “Orange Strong NY” – nơi được biết đến là “Trung tâm Dịch vụ Thoái ĐCSTQ Toàn cầu”. Các chuyên gia tham dự cho biết: “Trong khi ĐCSTQ tiến hành trao đổi chính trị, kinh tế và văn hóa với phương Tây suốt 40 năm qua, nhà cầm quyền này đã thâm nhập vào phương Tây và thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản và cánh tả”.

Chủ tịch Mela Wu của Hiệp hội người Hoa Mount Hope cho biết, vài năm qua hiệp hội thường xuyên tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng tại Quận Cam – New York, bao gồm tổ chức nhiều hội thảo, các hoạt động ngày càng nhận được ủng hộ của nhiều người. Lần này cô được mời tổ chức buổi hội thảo tại một trường học ở quận Dutchess, đặc biệt sự kiện tổ chức vào buổi tối có tham gia của hàng trăm khán giả, ngay khi kết thúc mọi người vẫn nán lại khiến cô càng thêm thấy ý nghĩa to lớn của sự kiện.

Tại một hội thảo được tổ chức ở Poughkeepsie Thung lũng Hudson bang New York vào tối ngày 21/9, một số chuyên gia về Trung Quốc đã nói về tác hại do sự xâm nhập của ĐCSTQ vào mọi tầng lớp xã hội ở Mỹ. (Ảnh: Hiệp hội người Hoa tại Mount Hope cung cấp)


Mua chuộc quan chức Mỹ và phát động cuộc chiến ma túy

Joshua Phillip, phóng viên điều tra cấp cao của tờ Epoch Times tiếng Anh và là người dẫn chương trình “Ngã tư Thế giới” (Crossroads) cho biết tại hội thảo, rằng ĐCSTQ đã khiến nhiều quan chức Chính phủ Mỹ từ cấp cơ sở đến cấp cao “sa bẫy hủ bại”, thậm chí cả vợ và các thành viên gia đình của họ, qua đó để những quan chức Mỹ giúp thúc đẩy các chính sách có lợi cho Trung Quốc. Họ cũng xúi giục các lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo trường đại học Mỹ hướng theo chương trình nghị sự của ĐCSTQ – một trong những thủ đoạn độc đáo của ĐCSTQ. Nhà cầm quyền này cũng đã phát động một cuộc chiến ma túy chống lại Mỹ, cuộc chiến này còn tệ hơn cả cuộc chiến văn hóa: Họ cung cấp fentanyl và tiền chất ma túy tổng hợp cho các tập đoàn ma túy Canada, các trùm ma túy Canada chỉ là con tốt của ĐCSTQ.

Anh cũng nói rằng theo cách đó, ĐCSTQ giết chết 100.000 người Mỹ mỗi năm, “Ngay cả cuộc chiến dài nhất trong lịch sử loài người cũng không gây ra nhiều người chết như vậy”.

Cuộc điều tra cho thấy ĐCSTQ thông đồng với các nhóm tội phạm ở nước ngoài tương tự như mafia: “ĐCSTQ đang thông đồng với tổ chức mafia lớn nhất thế giới, qua đó tham gia vào hoạt động buôn lậu người nghiêm trọng”; “Họ cũng là bên chủ mưu của một số hoạt động buôn lậu, liên quan đến buôn lậu súng, ma túy; kiểu thông đồng với các băng đảng tội phạm đó đã làm xói mòn các kênh vận tải, làm hư hỏng các quan chức chính quyền (địa phương), cảnh sát và thẩm phán”.

Phillip cũng cho hay “cảm thấy thật kinh khủng” sau khi tin tức về việc ĐCSTQ thành lập các đồn cảnh sát ở nước ngoài bị phơi bày, “Vì ĐCSTQ có một mạng lưới cảnh sát khổng lồ ở nước ngoài, nhưng tôi không thể tìm thấy bất kỳ báo cáo liên quan nào về chuyện này từ Chính phủ Mỹ”.

Anh cũng cảnh báo vấn đề ĐCSTQ có cơ sở dữ liệu về người Mỹ, bao gồm cả thông tin về người Mỹ gốc Hoa; đánh cắp dữ liệu sức khỏe của người Mỹ thông qua các cuộc tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu trường học và thậm chí cả dữ liệu sinh trắc học và DNA của các cá nhân, “chúng có thể sử dụng để phát triển vũ khí (sinh học)”.

Xâm nhập vào hệ thống giáo dục Mỹ
Vị khách nữ duy nhất của hội thảo ở Poughkeepsie là nhà văn và nhà làm phim Kay Rubacek, cô đang nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Cô cho biết những thảo luận tại hội thảo về sự xâm nhập và ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với hệ thống giáo dục cơ sở của Mỹ là rất cần thiết.

Cô cho hay ĐCSTQ dùng nhiều hình thức truyền thông và hệ thống giáo dục khác nhau để truyền bá hệ tư tưởng của họ vào người Mỹ, gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ giá trị của người Mỹ, giống như lãnh đạo Liên Xô cũ Lenin từng tuyên bố, “chỉ cần được tiếp xúc hàng ngày với đứa trẻ với tư cách như là một nhà giáo dục hoặc cha mẹ, với thời gian 4 năm có thể giúp ông thay đổi một đứa trẻ”.

Cô giới thiệu rằng tại một phiên điều trần của Ủy ban Giáo dục và Lao động (Education and the Workforce Committee) – Hạ viện Mỹ, đã phát hiện hơn 500 trường học ở Mỹ đang hợp tác với các Viện Khổng Tử, Lớp học Khổng Tử, hoặc Trung tâm Khổng Tử của ĐCSTQ; nhà cầm quyền ĐCSTQ sử dụng các trung tâm và lớp học đó để xâm nhập vào các trường học ở Mỹ và thay đổi suy nghĩ của thế hệ người Mỹ tiếp theo. Cô nói: “Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng… Họ không chỉ cố gắng ảnh hưởng đến các trường học ở Mỹ, một số chính sách của họ còn ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo của nước Mỹ, từ đó ảnh hưởng cả thế giới”.

Cô cho biết, từ năm 2008 đã có xu thế trong xã hội Mỹ lo ngại về Viện Khổng Tử vì chúng “nguy hiểm”, cản trở tự do học thuật và cản trở trẻ em học tập mà không bị kiểm duyệt, đồng thời cũng cản trở tư duy đúng đắn của trẻ em về lịch sử. Vấn đề này rất nghiêm trọng, bởi giáo dục là vô cùng quan trọng vì mang lại thay đổi tương lai.

Ảnh hưởng đối với giáo hội
Nhà nghiên cứu Chris Bob chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của các nước cộng sản (đặc biệt ĐCSTQ và Nga) đối với các giáo phái tôn giáo, đã nói về việc ĐCSTQ chà đạp Cơ đốc giáo và các tôn giáo khác, cũng như ảnh hưởng của nhà cầm quyền toàn trị này đối với nhà thờ ở Mỹ.

Bob nói: “Về cơ bản, nhà thờ là nơi mọi người học hỏi những giá trị của mình. Đó là nơi bắt nguồn đạo đức và giá trị làm người, từ đó giúp con người trưởng thành trong nhận biết điều hay lẽ phải”.

Tuy nhiên tình hình ở Trung Quốc lại khác: cả 5 giáo phái lớn ở Trung Quốc đều do ĐCSTQ quản lý.

Bob giải thích rằng ĐCSTQ biết giá trị của tôn giáo, nhà cầm quyền toàn trị đó hiểu rõ hệ giá trị mọi người được nuôi dưỡng từ cái nôi tôn giáo/tín ngưỡng mà người đó hướng theo. Trong nỗ lực khiến người ta quay lưng lại với tín ngưỡng mà họ tin theo, ĐCSTQ đã dùng thủ đoạn đàn áp như một cách để gây ảnh hưởng đến các nhóm tôn giáo, từ đó kéo các tín đồ tôn giáo tham gia vào ĐCSTQ.

“Để gây ảnh hưởng, người của ĐCSTQ sẽ thâm nhập vào các nhóm tôn giáo. Họ sẽ tham gia các chủng viện, các nhóm nhà thờ, họ sẽ trở thành cấp trên của các nhóm đó, sau đó họ sẽ tiếp tục thực hiện những thay đổi về tôn giáo”, ông cho hay.

Bob ví dụ ở Trung Quốc, Kinh thánh không còn là Kinh thánh của Cơ đốc giáo nữa: “Một ví dụ điển hình là trong Chương 8 của Phúc âm Giăng, khi Chúa Giêsu chứng kiến một người phụ nữ phạm tội ngoại tình và sắp bị ném đá đến chết. Chúa Giêsu đã can thiệp, Ngài đã nói gì? Theo phiên bản của ĐCSTQ, Chúa Giêsu yêu cầu đám đông rời đi, còn chính Ngài đã đánh chết người phụ nữ này vì bà không trung thành với luật pháp. Sau đó Ngài tự vấn rằng bản thân là kẻ có tội”.

“Chúa Giêsu lại trở thành tội nhân là vấn đề nghiêm trọng”, ông Bob nói với vẻ xúc động.

Bob cho biết, năm 2018 ĐCSTQ đã đưa ra kế hoạch “Hán hóa” tôn giáo, theo đó những hệ thống giáo hội mới lớn nhất ở Trung Quốc được dựng lên giúp bàn tay đen của ĐCSTQ kiểm soát tất cả. Từ đó ĐCSTQ đã nghĩ ra phiên bản Kinh thánh do họ chỉnh sửa, vì thế bản Kinh thánh đó là “Kinh thánh Trung Quốc” chứ không phải là Kinh thánh Kitô giáo. Bản kinh đó phải phù hợp với nhiều khía cạnh khác nhau của chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Trung Quốc, cũng như những vấn đề khác mà lãnh đạo ĐCSTQ tin rằng người dân nên theo.

Ông cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ sử dụng các tổ chức Phật giáo để “xuất khẩu Phật giáo kiểu Trung Quốc” ra nước ngoài, cũng để kể những câu chuyện Trung Quốc hay ho cho ĐCSTQ… cùng câu chuyện về cách tôn giáo phát triển ở Trung Quốc để tác động đến cách người Mỹ thực hành đức tin, cách họ nhìn nhận tôn giáo Trung Quốc, và cách họ ứng xử những gì đang diễn ra rộng rãi trên thế giới.

Vấn đề thanh trừng nội bộ
Tại hội thảo, Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu), một chuyên gia về virus học người Mỹ gốc Hoa là cựu quan chức Quân đội Mỹ, cho biết rằng vụ mất tích gần đây của Ngoại trưởng ĐCSTQ Tần Cương (hiện đã bị cách chức) và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc là điều chỉ có thể xảy ra dưới hệ thống cộng sản, còn nhà cầm quyền ĐCSTQ lợi dụng điều này để thể hiện quyền lực tuyệt đối của họ.

Tuy nhiên Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc cho biết, việc trong một thời gian ngắn mà ông Tập Cận Bình loại bỏ 8 tướng lĩnh cho thấy ĐCSTQ đang ở trong tình trạng nội bộ cực kỳ bất ổn. Nhiều thông tin chỉ ra vấn đề ông Tập Cận Bình rất sợ bị thân tín ám sát, vấn đề giới chóp bu quân đội ĐCSTQ lo sợ nên cản trở gây chiến tranh, vấn đề hủ bại của Quân chủng Tên lửa… có thể là nguyên nhân của những trường hợp thanh trừng đó.

Theo Lâm Nam, Epoch Times

MHP

Không có nhận xét nào: