Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Phở “đỏ” - Hai Quê


“Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, râu bác dài, tóc bác bạc phơ…” Đầu bác choàng thêm tai nghe, tay bác lại còn tẩu vape! Mơ hay thực? Em dụi xốn mắt mới hiểu là thực, không phải mơ. “Bác” chễm chệ trên tường, trong một quán cà phê tên Hanoi Corner, số 7, đường Blanche, quận 9, Paris. Dưới ảnh “Bác” chạy câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, dịch ra tiếng Pháp hẳn hòi, khẳng định lòng biết ơn của chủ quán: Nhờ “Bác” năm xưa đem chủ nghĩa chuyên chính vô sản về mà ngày giờ này chúng cháu được làm ông bà chủ ngay tại thủ đô một nước tư bản. Khỏi cần phải nói thêm cũng biết chúng cháu đây thuộc “thành phần” nào.
<!>
“Cháu ngoan bác Hồ” loại này có mặt ngày càng đông đảo tại Paris. Chẳng biết có hẹn không mà các cháu chọn ngành ăn uống để an cư lạc nghiệp đều cho Hà Nội vào tên quán: Hanoi Corner, Ha Noi 1988 Sao Vang, Hanoi Cà Phê.

Hanoi Corner, quận 9, Paris

Riêng chuỗi Hanoi Cà Phê hiện có 4 tiệm tại Paris, một tiệm ở Lyon. Cả 4 tiệm ở Paris đều nằm ở “vị trí chiến lược”. Thứ nhất ở La Défense, khu kinh tế, tài chính lớn nhất nước Pháp (lớn nhì Châu Âu, sau Luân Ðôn). Thứ hai ở Opéra, một khu sầm uất và đông khách du lịch vì có nhiều nhà hát nổi tiếng và cửa hiệu mua sắm sang trọng. Thứ ba ở trung tâm thương mại Vélizy, thứ tư ở khu mua sắm và vui chơi Bercy. Ðiểm nổi bật nhất của chuỗi nhà hàng này là cổng vào nhà hàng đỏ rực và trong mỗi tiệm đều treo tranh lớn, vẽ dạng bích chương tuyên truyền hừng hực không khí trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng của Mao Trạch Ðông! Thực khách các quán này đa số là dân Tây. Hoặc họ chẳng biết gì về tranh ảnh nghệ thuật đỏ hoặc hiểu nhưng cóc cần. Trang trí không quan trọng. Xứ dân chủ, ai muốn vẽ gì vẽ. Thích thì ngắm, không thích thì nhún vai, ghét thì chẳng ai bắt phải bước vào. Thế thì bức tường vẽ ông Hồ Chí Minh, cờ đỏ sao vàng, công nông binh búa liềm, hay thiếu nhi quàng khăn đỏ đối với Tây hay người Việt sinh trưởng ở nước ngoài vô tâm vô tư đều là chuyện chẳng có gì đáng để ý. Ngược lại, những ai thích bông ba hoa lá cành còn cho đây là kiểu trang trí tươi vui, nhiều sinh khí. Riêng với “cha già dân tộc”, anh nào không biết mặt “Bác” của các cháu nó thì đơn giản chỉ buồn cười khi nhìn thấy hình ảnh một ông lão Á Châu đeo tai nghe, hút tẩu vape hiện đại.

Ha Noi 1988 có 2 quán, cả hai đều nằm ở quận 4, Paris. Quán thứ nhất tên Ha Noi 1988, quán thứ hai mở sau, thừa thắng xông lên, thêm hai chữ Sao Vang vào. Tây đọc chẳng hiểu Sao Vang là gì mà có hiểu thì cũng chỉ hiểu Sao Vang là ngôi sao màu vàng. Hiểu giỏi hơn, sao vàng đây chính là ngôi sao trên lá cờ Việt Nam được bao nhiêu người? Và bao nhiêu người hiểu như Hai Quê đang hiểu: Ðây là một con dấu, một thách thức: Tớ đấy! Thì sao?

Hanoi Cà Phê ở Lyon

Nếu Hanoi Corner khai thác hình ảnh lãnh tụ, Hanoi Cà Phê đề cao màu đỏ cách mạng thì Ha Noi 1988 Sao Vang phô trương cờ sao. Một mảng tường quán ăn này vẽ hình cờ đỏ sao vàng, một mảng tường treo báo Công An Nhân Dân, Lao Ðộng, Thanh Niên… lại một mảng tường khác trang trí kiểu hàng xén Hà Nội, trên góc có treo cả cái loa phóng thanh! Tờ thực đơn lót bàn in cờ đỏ sao vàng chình ình để khẳng định “lý lịch” thêm một lần nữa.

Giá phở “ngạo nghễ”: Một tô tái nhỏ bán tới 14.80 euros ngay thời điểm lạm phát nặng nề 2023. Muốn bò viên phải trả thêm 4 euros. Thêm thịt? 4 euros. Thêm trứng? 4 euros. Thêm dầu cháo quẩy? 5 euros. Thêm nước dùng? 5 euros. Thêm bánh phở? 3 euros. Tức là, vị nào ăn khỏe, muốn một tô lớn, đầy đủ lệ bộ, phải trả 39.80 euros! Trong khi tất cả các tiệm phở khác ở khu phố Á Châu, quận 13, tái, chín, sách, nạm, gầu, bò viên đủ bộ to bành ky, ăn hoài không hết cũng chỉ 15 euros một tô.

Hanoi Cà Phê khu Bercy

Khu Montparnasse, quận 6, có quán Mâm Son Ca Phe trương cờ đỏ sao vàng trên trang Facebook. Khẩu hiệu đầy khẩu khí : “Little by little, we made our brand name, our image, our signature.” (“Vào dần”, chúng ta khẳng định thương hiệu, hình ảnh và chữ ký.)


Ngoài những quán hoạt động công khai kiểu vỗ ngực xưng tên này, nhiều quán khác không đánh trống khua chiêng rùm beng nhưng chỉ cần bước vào cũng biết đây là đâu. Không khí khác hẳn các quán ăn do người Việt di tản sau 75 làm chủ. Chạy bàn đa số rất trẻ, nói giọng Bắc hai nút (75), thường bỏ dấu hỏi vào chỗ dấu sắc. Thí dụ, thay vì nói: “Em không có món ấy”, họ nói: “Em không cỏ mỏn ỉ.” Về thực đơn, ngoài những món bất cứ tiệm Việt Nam nào cũng có vì dễ bán cho Tây là phở, chả giò, gỏi cuốn, bún thịt bò xào, bánh mì thịt, các quán “Tớ đấy” có một số món rất “thời thượng”, ví dụ cà phê trứng, cà phê nước cốt dừa, chè khoai dẻo khúc bạch, chè bưởi … Một điểm chung nữa, các quán này thường có website và / hoặc Facebook được chăm chút, viết song ngữ Pháp-Việt hoặc có cả tiếng Anh, cho thấy họ thuộc lớp người mới, được “đào tạo bài bản” và trên hết có vốn hỗ trợ tốt để chơi tới bến.



Hanoi Cà Phê khu La Défense

Hai Quê nhớ một người bạn có lần nhại câu nói nổi tiếng trong phim “Forrest Gump” do tài tử Tom Hanks thủ vai chính: “Mama always said life was like a box of chocolates. You never know what you’re gonna get” để triết lý trại đi như thế này: “Cuộc đời là một hộp sô-cô-la thập cẩm, bạn không thể ngăn cấm sự có mặt của nó nhưng bạn có thể chọn viên nào hợp khẩu và khước từ viên nào bạn không ưa.” Không ai ngăn cản được phở đỏ có mặt ở Paris. Bước vào hay không là lựa chọn của mỗi người. Lựa chọn ấy, với người bản xứ và khách du lịch tứ xứ được dựa trên nhiều lý do khác nhau như thực đơn, giá cả, chỗ ngồi v.v. Với người Việt, phức tạp hơn. Ở Pháp, những người Việt trân trọng cờ Quẻ Ly không bạo động đến nỗi rủ nhau đi đốt tiệm phở đỏ nhưng cũng không bao giờ bước chân vào cho dù có ngon cách mấy. Lớp người Việt sinh trưởng ở Pháp, vấn đề ý thức hệ không có hoặc mờ nhạt, không đủ ảnh hưởng để họ tẩy chay phở đỏ. Còn những người Việt sang Pháp du học, làm việc, sinh sống mang tâm hồn “đời đời nhớ ơn Hồ Chủ Tịch vĩ đại” tất nhiên rất vui sướng khi có những nơi như thế này để lui tới.


Hai Quê chỉ gọi phở, không thêm những đề nghị kỳ dị như giấm tỏi và dầu cháo quẩy. Công tâm mà nói, nước dùng trong, thơm, ngọt, đúng hương vị phở Bắc. Bánh phở tươi, thịt tái mềm, thịt chín nấu trong ngày chứ không phải thứ thịt đã qua đêm. Thời gian chờ đợi từ lúc gọi đến lúc được ăn không quá 10 phút. Người đứng chăm phở là một thanh niên tuấn tú, biết cười với khách. Người bưng bê là một sinh viên lịch sự và vui vẻ. Toa-lét sạch.



Ha Noi 1988 Sao Vang, quận 4, Paris

Rời quán phở Ha Noi 1988 Sao Vang và không khí hừng hực vàng vàng đỏ đỏ, đi dăm bước thì ra đến sông Seine. Dưới cái nắng chang chang ngỡ như nắng quê nhà, dòng sông quê người ung dung chảy. Trên bờ kè, đây đó có người nhàn hạ ngồi tựa gốc cây đọc sách hay nằm dài phơi nắng.

Hai Quê cũng ngồi xuống, gỡ cờ đỏ, sao vàng khỏi đầu để hít thở chút hồn nhiên hạnh phúc lênh đênh cũng gần (thơ Kiệt Tấn).

Hai Quê
September 22nd, 2023

Không có nhận xét nào: