Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Hồng nhan - Hương Thủy

Sãi không chỉ nổi tiếng với bánh bèo mụ Thí, nem lụi mụ Năm mà Sãi còn được thiên hạ biết đến qua nhan sắc của cô Lý xóm Hậu Kiên. Mấy ông trên Tòa Hành chánh Tỉnh cuối tuần xuống Sãi nhậu thường trầm trồ “Đẹp ác liệt!”; xóm giềng thì thầm “Cha mẹ cú đẻ con tiên”; có mụ đàn bà nhiều chuyện còn xa gần “Biết mô con ai đem bỏ chùa nầy?” Sãi là một vùng đất thơ mộng hiền hòa nằm bên con sông Vĩnh Định. Không biết thời Chúa Nguyễn Hoàng chọn Quảng Trị làm thủ phủ có bà Phi nào lạc loài trong dân gian không mà con gái Sãi phần lớn nhan sắc thuộc loại trên trung bình. Nổi nhất là gái xóm Hà, gái xóm chợ Cổ Thành … Nhưng tất cả đều thua cô Lý Hậu Kiên. Thấy cô Lý từ xa, gái đẹp đã tìm cách né kèm theo một cái nguýt dài tám thước – nếu đo được.
<!>
Cô Lý con nhà ai và răng lại như rứa? Suy cho cùng, mọi chuyện đều có căn nguyên.

Nói đừng tự ái chớ một thời nhà vệ sinh là khái niệm xa lạ với phần đông dân Sãi. Con nít thì khỏe. Kêu chó tới “chóc chóc” là xong. Người lớn xuống dưới biền, nói khéo là “đi sông”. Ai lịch sự hơn thì xách một cái cuốc lui sau vườn. Cái ăn mới là chuyện lớn!!!

Quốc sách Ấp chiến lược ra đời, Tỉnh trưởng đi kinh lý. Để tạo bộ mặt khang trang cho nông thôn mới và cũng để đánh bóng tên tuổi với thượng cấp, quận cho xây một cái nhà vệ sinh trên đám đất rộng cuối làng Hậu Kiên, phục vụ cho đầu ra của làng. Không người Sãi nào chịu phụ trách bán vé tháng và quản lý nhà cầu. Chuyện này ngày xưa dành cho thằng mõ, giai cấp cùng đinh. Cho dù thời buổi tiến bộ, cấp trên đã phong tước “nhân viên vệ sinh”cũng không ai thèm làm. Mãi sau cùng có một người tình nguyện. Lâu dần, không ai gọi là nhà vệ sinh như cái bảng sơn xanh trang trọng bên trên. Người ta gọi là “ Cầu xia ông Chác”. Mà oái oăm thay, ông Chác là cha cô Lý!

Ông Chác không phải là người địa phương. Người có chữ nghĩa gọi là “dân ngụ cư”. Ông xuất hiện ở làng Hậu Kiên từ sau hiệp định Geneve chia đôi hai miền Nam Bắc, một vợ ba con.Cô Lý lúc đó đang ẳm ngữa là con đầu. Đẻ sinh đôi hai đứa sau thì bà vợ chết vì băng huyết.

Đọc văn Nam Cao, người ta ấn tượng với khuôn mặt của Chí Phèo, khuôn mặt mà cả làng Vũ Đại phải tránh vì vừa dữ vừa xấu. Nhưng nếu có cơ hội so sánh với ông Chác, có khi Chí Phèo còn đẹp trai hơn! Các bà mẹ thường đem ông Chác ra dọa khi con mếu máo. Trẻ con sợ ông như sợ cọp. Các ông, các bà tự xếp mình vào đẳng cấp “danh giá” tránh tiếp xúc với ông Chác như sợ “mùi cầu xia” bám vào mình. Lâu dần, nhà ông Chác như biệt lập với xóm. Người đã nghèo, lại xấu, lại ít nói, lại làm cái nghề “hạ tiện”!!!

Nhưng lạ thay cô Lý con ông lại đẹp, một cái đẹp không cần đến sự hỗ trợ của son phấn. Da cô trắng như bông bưởi. Hai hàng lông mi cong vút. Con mắt đen nhánh dưới chân mày cong lá liễu. Đôi môi hồng tự nhiên của tuổi đôi tám…Con gái đẹp nhìn cô còn ganh tị huống chi các chàng trai đương tuổi rạo rực yêu đương!

Ở Sãi, con gái mới lớn đã có người mối mai nhưng cô Lý hai mươi vẫn chưa có người dạm ngỏ. Lý do đơn giản: người ta dị ứng với cái nghèo, cái nghề “giữ cầu xia” của ông Chác! “ Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống”. Chung quanh ông Chác, nhiều người cũng nghèo, thậm chí còn nghèo hơn nhưng họ vẫn tự hào xem mình thuộc đẳng cấp cao hơn thằng “quét cầu xia”!

Vậy nên ngoài hai mươi, cô Lý vẫn “ế”! Và đó cũng là nguyên nhân khiến miền gái đẹp vừa ganh tỵ vừa coi thường cô Lý.

Cô Lý bán nón ở chợ Cổ Thành. Hàng của cô khuất trong một cái hốc nhưng vẫn có nhiều khách. Loại khách thứ nhất là những o, những mệ vì cô Lý thuộc hạng khéo tay trong nghề chằm nón. Vừa bán, vừa chằm, cô có thể làm xong một cái sau phiên chợ sáng. Nhìn ngón tay cô thoăn thoắt chằm nón, nức nón ngó thấy mê. Cô lại khéo ở khâu lựa lá, ủi lá, xây vành nên nón của cô rất bền. Những cô gái ganh tỵ nhan sắc của Lý không bao giờ đến hàng cô nhưng vẫn đội nón cô Lý do mạ họ chọn mua. Loại khách thứ hai đến không phải để mua nón mà chỉ để “nghễ” cô Lý theo lời đồn. Đó là những công chức Tòa Hành Chánh trên Tỉnh, những anh lính Bảo An và có cả những thầy giáo được xếp vào thành phần “trí thức danh giá” của địa phương. Ai cũng nắc nỏm trước cái đẹp nhưng rồi ai đến cũng chỉ để nhìn. Chẳng phải người xưa đã dạy “Tốt danh hơn lành áo” đó chăng? Trong số người ngắm có thầy giáo Hoàng…

Thầy Hoàng cũng không phải là người địa phương. Thầy ở tận trong Thành Nội Huế. Tốt nghiệp trường Sư phạm, thầy được bổ nhiệm ra dạy tại quận Triệu Phong. Mặt mày sáng sủa, ăn mặc lịch sự, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Quảng Trị khiến đẳng cấp thầy cao chót vót. Thầy được mời trọ trong một căn nhà ngói khang trang, ăn riêng với chủ nhà là một ông Ấp trưởng ở nhà trên, ra đường mỏi miệng mỏi cổ trước những cái cúi đầu trân trọng của dân làng.

Thầy Hoàng cũng là người có tư tưởng tiến bộ. Bằng cớ là thầy đến hàng cô Lý không chỉ một lần dù đã nghe nói về cái nghề “gác cầu xia” của cha cô. Nhan sắc và sự ngây thơ của cô Lý đã làm thầy rung động dù ban đầu thầy cũng có hơi chợn. Thầy mượn cớ đặt nón cô Lý để đem vào Huế, cả gan đối địch với xứ sở của nón bài thơ! Thầy đã làm ba bài thơ ca ngợi mỹ nhân. Và can đảm hơn tất cả những chàng trai khác, thầy đã trao ba bài thơ ấy cho cô Lý.

Ý thức về thân phận khiến cô Lý không thể không e ngại. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, sư kiên nhẫn của thầy Hoàng đã khiến cô Lý mềm lòng và dẫn tới tình huống “ Đôi bên cùng liếc đôi lòng cùng ưa”. Nhưng họ cũng khôn khéo lắm trước dư luận người đời. Thầy Hoàng không ra chợ Cổ Thành nữa. Họ hẹn nhau những đêm Ba mươi dưới gốc cây ngô đồng trên đường ra chợ gần nhà ông Ba chuyên nghề làm kẹo xóc.

Tình yêu làm cô Lý ngày càng đẹp ra, những cái nguýt của các cô gái khác bây giờ kéo dài cả mười thước. Thỉnh thoảng học trò nghe thầy Hoàng huýt sáo trong giờ dạy. Một đoạn thơ “ Kim Trọng gặp gỡ Thúy Kiều”của Nguyễn Du mà thầy dạy hoài dạy mãi chưa xong vì tâm đắc (!). Sự đoan trang của cô Lý, sự chuẩn mực của ngành mô phạm đương thời nên hai người chỉ dám có những cái cầm tay, vuốt tóc suông. Nhưng với cặp đôi đang yêu này, thế là quá đủ!

Bà Ấp trưởng- chủ nhà trọ- của thầy Hoàng cũng có hai cô con gái đang ở vào lứa tuổi cập kê. Nhan sắc của cả hai đều xếp vào hạng dưới trung bình – nếu không nói là xấu. Nhưng bà Ấp là người đàn bà có tầm nhìn xa. Bà có cái tham vọng một trong hai con sẽ thành bà giáo danh giá trong tương lai. Bà không thiếu tiền, vàng nhưng bà vẫn ý thức được con gái mình là người nhà quê. Bà không biết câu triết lý của phương Tây “Tình yêu đi qua dạ dày” nhưng bà rút kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân với ông chồng. Người đàn bà xấu nhưng không đần này đã chiếm đươc ông Ấp trưởng bảy chục kí lô nhờ vào ba xị đế và món bồ dục xào trứ danh!

Tiền cơm tháng thầy Hoàng đưa cho bà chủ cũng tương đối như các bạn nhưng đồng sự của thầy thi thoảng ghé chơi thường xuýt xoa trước những món ăn được dọn riêng cho ông chủ nhà và thầy giáo. Mùa đông có cá lúi kho khô với một bụng trứng, mùa thu có chim mỏ nhát ướp ngũ vị hương chiên thơm phức, mùa hạ có canh cải nấu cá rô ăn mát ruột, mùa xuân dĩa thịt gà luộc vàng như nghệ… Chưa kể ăn xong còn có quả chuối lùn chín cây, miếng đu đủ ngọt ngào tráng miệng. Cuối tháng vào Huế thăm mạ, bà già thường nắn bóp tay thầy Hoàng “Gạo Quảng Trị ngó bộ ngon hơn gạo Huế con hè!”

Thầy Hoàng có hiểu thâm ý của bà Ấp trưởng không nhưng ngó thầy vẫn cứ tỉnh bơ. Khi yêu, người ta chỉ biết tới người mình yêu! Tình yêu lên cao càng tỷ lệ thuận với những cuộc hẹn hò. Bây giờ, thầy Hoàng với cô Lý tăng cuộc gặp gỡ lên mỗi tuần một lần. Cứ chủ nhật, ăn tối xong, tắm rửa sạch sẽ, chải brillantine láng mượt, thầy Hoàng huýt sáo ra khỏi nhà và chỉ trở về trước nửa đêm…

Kinh nghiệm “chuyện trai gái” cho bà Ấp biết rằng thầy Hoàng đang yêu. Nhưng yêu ai là một ẩn số. Trường Triệu Phong chỉ có ba cô giáo nhưng một cô lớn tuổi góa chồng và hai cô khác thì tay bồng tay mang. Bà Lý thắc mắc và ghen thầm cho con gái. Bà bỏ không ít tiền trau chuốt cho hai con gà mái nòi nhưng thầy Hoàng ngó bộ chẳng quan tâm. Bà quyết định…

Một đêm tối trời, bà Ấp lẳng lặng theo chân thầy Hoàng. Chó ông Ba kẹo xóc gầm gừ đến quá canh ba…

Cũng đêm ấy, cô Lý đi quá giới hạn sau lời đinh ninh của thầy Hoàng “ Tuần sau mạ anh ra đi chạm ngỏ!”.

Trưa thứ hai, chào cờ xong, dạy thêm bốn giờ Văn, thầy Hoàng mệt đứ đừ. Về nhà, thầy rửa mặt và ngồi vào bàn ăn như thường lệ. Chào hỏi ông Ấp cho phải phép, thầy Hoàng đơm cơm vào bát. Cơm hôm nay có món lòng heo chấm mắm nêm. Nếu có thêm ly rượu thì tuyệt cú mèo!

Nhưng miếng lòng heo chưa qua khỏi cổ thì thầy Hoàng đã vội nhả ra. Miếng lòng còn nguyên mùi xú uế, mắm vừa mặn vừa hôi. Răng lạ ri hè? Bà Ấp đủng đỉnh từ nhà dưới đi lên. Nhìn cái nhăn mặt của thầy Hoàng, bà la vọng xuống nhà dưới: “Đứa mô ngu rứa bây. Ăn cơm không thích cứ thích ăn c…”

Tuần sau, như lời hứa, thầy Hoàng đưa mạ ra Quảng Trị dòm mặt cô Lý. Trước đó, thầy đã khéo léo làm công tác “Dân vận”: “Dâu mạ đẹp, đảm đang, hiền lành, buôn bán giỏi. Mạ coi cái nón o nớ làm còn đẹp và chắc hơn nón Huế…” Mấy lâu ni, thấy thầy Hoàng đỏ da thắm thịt, coi bộ bà mạ cũng xuôi xuôi. Quảng Trị với Huế cũng nỏ xa xôi, cách chừng sáu mươi cây số ngó cũng đặng. Miễn là con nhà tử tế. Dù sao con bà cũng là thứ có ăn có học.

Đúng là một bà già Huế đi coi mặt con dâu. Bà mặc một cái áo dài gấm vàng còn thơm phức mùi long não. Cái kiềng vàng cất tận đáy rương được moi ra mang vào cái cổ khẳng khiu. Tay bà đeo thêm chiếc vòng hạt huyền gia bảo. Miệng bỏm bẻm nhai trầu, hai mẹ con lên xe đò ra Quảng Trị rồi đi xe lôi về Sãi.

Bà Ấp trưởng đón mẹ thầy giáo Hoàng thật nhiệt tình. Bà sai bắt con gà mập ú nấu cháo, thịt xé phay. Bà bảo con gái trải chiếc chiếu mới cho mạ thầy Hoàng nghỉ ngơi chờ ngày mai đi ra chợ Cổ Thành coi mặt cô Lý rồi về chuẩn bị cau trầu. Bà ngọt ngào chị chị em em với bà già. Bà tâng thầy Hoàng lên tận trời xanh với những lời nhận xét của hàng xóm: “Đẹp trai, dạy giỏi, khiêm nhường, ai tu bảy kiếp mới có con rể như rứa”… Mạ thầy Hoàng nghe mà mát ruột mát gan. Ăn cơm tối xong, thầy Hoàng vội vã ra chỗ hẹn dặn dò người yêu. Bóng thầy vừa khuất, bà Ấp cũng đưa mẹ thầy Hoàng đi dạo mát mà bước chân hướng về “Cầu xia ông Chác”.

Hôm đó nhằm đêm mười sáu, trăng sáng vằng vặc. Ông Chác lấy ánh trăng thay đèn quét dọn nhà vệ sinh. Ông mặc cái quần cũ rách hai đầu gối, đội chiếc nón cời theo thói quen, tay xách thùng nước, tay tê cầm cái chổi cùn, mùi nhà cầu vương trong gió thum thủm. Gặp hai người đàn bà đi ngược đường, ông ý tứ nép qua một bên nhưng mạ thầy Hoàng cũng kịp đưa tay che ngang lỗ mũi. Chặp sau, bà Ấp trưởng buông nhẹ một câu: “Sui gia của chị đó nghe!”. Bà mạ thầy Hoàng sững sờ, ngó bộ chân đi không nổi.

Thầy Hoàng vẫn chưa về. Hai bà rù rì trong giường suốt đêm. Mặt mạ thầy Hoàng tím rịm như trái mùn quân. Sáng mai, mạ thầy Hoàng dậy muộn. Thầy thay áo quần đi dạy. Gấp chi. Mạ còn ở cả tuần…

Sáng ni, cô Lý dọn hàng sớm dù đêm qua từ chỗ hẹn về bóng trăng đã xế ngang đầu. Lòng cô hồi hộp, xốn xang. Anh ấy đúng là một người quân tử “ nói lời đã giữ lấy lời”. Cô tưởng tương ra vẻ mặt hiền hậu của người mẹ chồng tương lai. Rồi cô sẽ nấu cho anh những bữa ăn thật ngon, rồi cô sẽ sẽ giặt ủi cho anh những bộ áo quần thẳng nếp. Và cô cũng sẽ thật dịu dàng cho đúng với địa vị của một bà giáo, dù là bà giáo nông thôn…

Một bóng người xuất hiện trước chồng nón. A, có người mua. Sáng ni ra ngõ gặp thằng cu Cường đứng đái đúng là may mắn. Cô hé cặp môi hồng định nói câu chào thật dịu nhưng một tràng chửi rủa đã ập xuống mặt cô. Bài chửi hay như một bài hát: “Bớ làng dưới An Tiêm, làng trên Nhan Biều. Bớ xóm dưới Cổ Thành, xóm trên Cửa Hậu, lại đây mà nghe tui chưởi…”

Chợ mới dọn, người đi chợ chưa đông, các mệ, các o, các thím bán hàng xúm lại coi một bà già xa lạ đến ngoác mồm chửi cô Lý. Bà già xĩa miếng trầu chửi tiếp: “Tổ cha cái đứa dụ dỗ con trai nhà bà. Con yêu con quý con cầu con tự của tau gặp phải con thần đanh mỏ đỏ, con thằng gác cầu xia…

Da cô Lý tái ngắt. Cô đã biết người đang chửi là ai. Cô nghẹn ngào cúi xuống lấy nón úp mặt. Bà già chửi tiếp: “Mi muốn sống làng ni thì mi liệu hồn mà buông mà thả con trai nhà tau. Bằng không tau đào mả tam đại tứ đại nhà mi, bật săng ngũ đại thất đại nhà mi…

Thiên hạ xúm lại vòng trong vòng ngoài. Tội cho cô Lý không có lỗ nẻ mà chui xuống. Chưa hết, bà già lại véo von: “Hôm nay tau chưởi một bài. Ngày mai tau chưởi đến hai bài liền. Nhà bà là giống công giống phượng, không ai thèm sui gia với nhà thằng quét cầu xia…Mi còn theo con bà thì ngủ giường giường sập, ngủ võng võng đứt…Nói cho nhà mi biết mà liệu thần hồn…”

Bà nhổ toẹt bãi cốt trầu đỏ lòm xuống đất, ngoe nguẩy bước đi trong tiếng bàn tán xôn xao của những người đi chợ. Đã có mạ con bà Ấp trưởng hộ tống ở bên ngoài. Họ hả hê ra về với nụ cười chiến thắng.

Đêm hôm đó, cả nhà ông Chác bỏ đi khi nào không ai hay…

Sáng ngày mai thầy Hoàng mới biết mọi chuyện xảy ra qua lời kể của cô giáo đồng nghiệp. Thầy bỏ dạy chạy ra chợ thì hàng nón không còn, qua nhà ông Chác thì “Trước sau nào thấy bóng người”. Chạy xuống bến đò An Tiêm nghe ông Lái nói nhà ông Chác đã qua sông lúc quá nửa đêm. Ông Lái cũng giao lại cho thầy Hoàng cái nón và đôi guốc mà cô Lý để quên, đôi guốc Phi Mã sơn màu nâu mà thầy đã mua tặng cô Lý trong một lần về Huế. Đôi guốc chưa vẹt gót, cái quai nón màu tím còn vương mùi da thịt thơm nhè nhẹ, quen quen. Thầy Hoàng thất thểu ôm cái nón, xách đôi guốc đi dọc bờ sông Vĩnh Định…

Bà Ấp trưởng gạt được cái gai trước mắt, tiếp tục chiến dịch “cơm gà cá gỏi” chinh phục ông thầy. Mạ thầy Hoàng ngọt nhạt lý lẽ trước sau để thầy lấy con gái bà Ấp nhưng thầy câm lặng như cái xác không hồn. Học trò cũng không bao giờ còn nghe thầy huýt sáo nữa. Mấy mụ nhiều chuyện phẩm bình “Đũa mốc mà chòi mâm son”, người hiểu biết thì nhân ái hơn “Đúng là hồng nhan đa truân”.

Cuối năm học, thầy Hoàng xin chuyển nhiệm sở. Thầy không về Huế. Thầy xin về một ngôi trường xa xôi, hẻo lánh bên bờ phá Tam Giang tỉnh Thừa Thiên. Ở đó không ai biết thầy và chuyện tình đau đớn.

“Cầu xia ông Chác’’ không còn ai coi sóc dần bỏ hoang và thành chỗ cho trâu bò ăn cỏ. Vã lại, đời sống cũng tiến bộ hơn, gia đình nào rồi cũng có nhà vệ sinh.

***
Thầy Hoàng lúi húi bên bụi cỏ mực mới trồng ngày qua. Cuối Đông, đầu Xuân đám hà thủ ô đã tàn chuẩn bị cho người lấy củ. Đằng xa, giàn lạc tiên đang trổ bông. Mùi cây thuốc Nam tỏa ra từ gian bếp nhỏ…

Sau năm 75, thầy bị nghỉ việc, “vô lương” vì hai từ “biệt phái”. Mẹ già đã mất, thầy nhường căn nhà Thành Nội cho ông anh làm từ đường. Một thân một mình cần chi nhà cao cửa rộng. Thầy mua hai sào đất, cất căn nhà nhỏ gần chỗ dạy cũ, chuyển sang làm ông thầy thuốc Nam. Người xưa “Tiến vi quan, thối vi sư”, còn thầy tự hào vì trước sau vẫn cứ là “thầy” qua cách gọi thân quý của dân làng. Thú vui của thầy giờ đây là sưu tầm những cây thuốc dân gian và chiều chiều bắt sâu nhổ cỏ cho vườn thuốc.

Không hiểu vì “mát tay” hay nhờ cuốn “Y học bí truyền” của ông Nội để lại mà thầy trở nên nổi tiếng. Xa xôi cũng có người tìm đến. Những thang thuốc của thầy chắc chắn hơn những viên Xuyên tâm liên bệnh xá huyện phát cho người bệnh uống từng nắm mà không thấy hiệu nghiệm.

Vuốt mái tóc hoa râm, vói tay đấm lưng mấy cái, thầy lững thững đi vào nhà. Tô nước chè xanh ngan ngát hương thơm. Thầy thở một hơi dài khoan khoái.

Tiếng chó sủa ngoài sân báo hiệu có khách. Khách quen không ai đến giấc này, chắc chỉ là bệnh nhân.

Một thanh niên đang dìu người đàn bà bước qua khung cửa hẹp. Ngó bộ người ốm đã lâu ngày, chân đi chập chững, chiếc khăn kẻ ô vuông che nửa mặt. Uống cạn tô nước, thầy Hoàng lên tiếng:- Chắc bà và em đến từ xa. Xin bà ngồi nghỉ rồi tôi sẽ chẩn mạch.

Người đàn bà hơi rùng mình như có làn gió lạnh thổi qua. Thầy Hoàng ý tứ khép cánh cửa và bật điện. Ánh sáng vàng vọt vừa đủ để soi sáng căn phòng hai mươi mét vuông vừa làm phòng khách vừa làm phòng khám.

Chiếc tủ dài có nhiều ngăn kéo đựng các vị thuốc kê sát vách. Trên tường treo bức tranh thủy mặc lớn vẽ dòng sông, con đò, bến nước…Phía bên dưới, có treo một chiếc nón. Chiếc nón vàng úa, lá khô cong đẫm dấu vết thời gian, vành nón có chỗ bung chỉ, quai nón bạc phếch. Và trên mặt tủ là đôi guốc cũ vẹt gót, lỗi thời nhưng lại được trân trọng đặt trong một khung gỗ.

Người đàn bà nhìn sững bức tường, cổ phát ra một tiếng rên nhẹ rồi ngồi bệt xuống cái ghế nhỏ. Anh thanh niên cuống quýt kêu lên: Má! Má!… Như không còn đủ sức lực, người đàn bà dựa hẳn vào vai con.

Thầy Hoàng lau tay vào chiếc khăn sạch rồi nói với người trai trẻ: “Chẩn mạch sáng sớm lúc âm khí chưa động, dương khí chưa tán sẽ dễ thấy mạch bệnh hơn. Nhưng ngó bộ bà bệnh đã lâu, nghỉ một chút cho khí huyết điều hòa rồi tôi sẽ chẩn bệnh, kê đơn, bốc thuốc”.

Người bệnh nằm trên chiếc giường nhỏ, cánh tay phải duỗi ra, bàn tay để ngữa. Thầy Hoàng ngồi nghiêng, dùng tay trái chuẩn bị chẩn mạch. Thầy xăn tay áo người bệnh lên, đặt ngón tay giữa vào bộ quan chuẩn bị ngón trỏ và áp út thành ba bộ mạch… Bàn tay người đàn bà run run, sợi gân xanh phập phồng. Giữa cổ tay, một cái nốt ruồi son lớn nhô lên, đỏ sẫm…

Thầy Hoàng chớp mắt, giương mục kỉnh cố nhìn cho rõ. Cái mụt ruồi quen quen ngày ấy. Cái mụt ruồi độc đáo thầy hay sờ sẫm trong đêm khuya. Cái mụt ruồi mà có lần thầy đã nói “Nhờ nó, anh có thể tìm ra em trong vạn người”…

Thầy kéo mạnh cái khăn kẻ ô vuông che mặt người đàn bà. Ôi, rõ ràng là khuôn mặt của cô Lý, người đẹp Hậu Kiên hơn hai mươi năm trước! Qua bao thăng trầm vẫn còn đây vẻ duyên dáng dù “Mười phần xuân có gầy ba, bốn phần”.

Hai người ôm chầm lấy nhau trong sự ngỡ ngàng của người con trai mang đường nét của thầy Hoàng thời trai trẻ.

Ngoài trời, mưa Xuân rơi nhè nhẹ. Cây mai giữa sân đang chuẩn bị kết nụ đâm chồi.

Hương Thủy

Không có nhận xét nào: