Sau hội nghị thượng đỉnh BRICS, những tin đồn rằng sức khỏe của ông Tập Cận Bình đang sa sút trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đổ vỡ đã buộc chúng ta phải đặt câu hỏi rằng, chính quyền Trung Quốc sẽ tồn tại được thêm bao lâu và điều gì sẽ xảy ra tiếp đó. Sức khỏe của ông Tập là một ẩn số lớn; có nhiều tin đồn dai dẳng cũng như các dấu hiệu thể chất cho thấy ông Tập đang gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, vượt quá mức mà một người đàn ông bước vào độ tuổi 70 sẽ gặp phải. Nếu ông ấy qua đời hoặc không thể hoạt động bình thường, thì sẽ có một cuộc chiến cho vị trí lãnh đạo, tương tự như sau cái chết của Mao Trạch Đông.
<!>
Quy mô của cuộc chiến đó sẽ cực kỳ lớn, và phần lớn sẽ phụ thuộc vào những tính toán của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như lòng trung thành của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và Bộ An ninh Quốc gia (MSS). Cả PLA và MSS, không còn nghi ngờ gì, sẽ tự bị chia rẽ sâu sắc bởi chủ nghĩa bè phái. Hai tổ chức này sẽ là những ‘tay chơi’ chủ chốt trong cuộc chiến, đặc biệt là PLA. Nhưng cả hai đều có thể tạo ra chủ nghĩa Bonaparte (Bonapartism), đồng thời có thể duy trì, thay đổi hoặc tiêu diệt chính quyền Trung Quốc tùy theo khuynh hướng của họ.
Sự kiện ông Tập qua đời sẽ mang đến cơ hội tốt nhất cho người dân Trung Quốc hay cộng đồng hải ngoại trong việc lật đổ ĐCSTQ, vì đây sẽ là thời kỳ Đảng dễ bị tổn thương nhất, như sau cái chết của Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, không giống như lúc Mao Trạch Đông qua đời, khi lực hướng tâm của chủ nghĩa Mao vẫn còn mạnh mẽ, thì hiện tại ở Trung Quốc không có lực nào như vậy. Cũng không giống như thời Đặng Tiểu Bình, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang chững lại, đang suy thoái. Sự phản kháng đối với chế độ cai trị của Đặng Tiểu Bình từng được giảm nhẹ nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế phi thường lúc bây giờ. Khi điều đó không còn tồn tại, sẽ có cơ hội chống lại Đảng, từ đó cho phép xảy ra sự chuyển đổi sang một nhà lãnh đạo duy nhất hoặc một chính quyền (có thể là chính quyền quân sự) nào đó, mà tiếp sau đó, có thể sẽ là quá trình chuyển đổi sang hình thức chính phủ lai có xu hướng tiến đến dân chủ.
Chế độ Trung Quốc hiện dễ bị tổn thương, có 3 mô hình cho chính phủ tạm quyền: mô hình Singapore, mô hình Đài Loan và mô hình “Nhà lãnh đạo Hùng cường” (hay còn gọi là “Hoàng đế mới”). Với lịch sử chính trị của Trung Quốc, mô hình “Nhà lãnh đạo Hùng cường” sẽ là kết quả có khả năng xảy ra nhất.
Mô hình Singapore của Lý Quang Diệu
Ông Lý Quang Diệu đã chi phối nền chính trị Singapore kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1965 và giữ chức thủ tướng cho đến năm 1990. Ông vẫn có ảnh hưởng với tư cách là bộ trưởng cấp cao (senior minister) cho đến năm 2004 và bộ trưởng cố vấn (minister mentor) cho đến năm 2011. Ông Lý Quang Diệu có lẽ là người ủng hộ nhiệt thành nhất của cả chủ nghĩa thực dụng chính trị (political pragmatism) và cả “các giá trị châu Á” (các nguyên tắc chính trị Nho giáo) - vốn có ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị Singapore.
Mô hình này là mô hình gần giống nhất với dân chủ trong 3 mô hình được xem xét. Chế độ là độc tài, nhưng lành tính; một chính phủ độc tài “mềm” không tham nhũng, tránh xa chủ nghĩa dân túy và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc công dân thông qua chế độ nhân tài [nhân tài làm chủ xã hội], pháp quyền và các kế hoạch kinh tế và xã hội dài hạn vì lợi ích của xã hội.
Mô hình Đài Loan
Với mô hình Đài Loan, sự chuyển đổi của Trung Quốc sẽ đi theo con đường giống như Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan). Đó là, quá trình chuyển đổi kéo dài nhiều thập kỷ từ chính quyền quân sự dưới thời Tưởng Giới Thạch sang chế độ độc tài và cuối cùng sang chế độ dân chủ. Trong trường hợp này, bộ máy quân sự và an ninh Trung Quốc sẽ thành lập một chính quyền quân sự tồn tại trong một thời gian, có thể là hàng thập kỷ. Sau thời kỳ này, nó sẽ chuyển sang một chế độ độc tài mà chấp nhận sự tham gia ở mức hạn chế của chính trị. Giống như mô hình Singapore, điều này có thể diễn ra trong nhiều thập kỷ trước khi chuyển sang chế độ dân chủ.
Theo mô hình Đài Loan, Trung Quốc cũng sẽ không tự do, thậm chí phi tự do, trong giai đoạn cuối của quá trình chuyển đổi. Chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism) sẽ trở nên mạnh mẽ và cản trở mối quan hệ với phương Tây. Mô hình Đài Loan mang đến một con đường mà được nhiều người biết đến cho sự chuyển đổi của ĐCSTQ nếu Đảng mất quyền kiểm soát sau khi ông Tập qua đời hoặc sau một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở trong nước hay quốc tế. Nó hứa hẹn về một nền dân chủ nếu nhiều bước chuyển đổi được điều hướng thành công.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tham dự lễ chào cờ trước Tòa nhà Văn phòng Tổng thống Đài Loan ở Đài Bắc, ngày 1/1/2023. (Ảnh: Gene Wang/Getty Images)
Mô hình Nhà lãnh đạo Hùng cường
Theo kịch bản “Nhà lãnh đạo Hùng cường” (Strong Man), Trung Quốc sẽ có một vị hoàng đế mới giống như Oliver Cromwell trong Nội chiến Anh hoặc Napoléon Bonaparte của ‘cuộc đảo chính’ năm 1799 lật đổ chế độ độc tài quân sự. Trong bối cảnh Trung Quốc, mô hình Nhà lãnh đạo Hùng cường chính là bước trở về với nền chính trị Trung Quốc trong nửa đầu thế kỷ 20, là sự cai trị của Tôn Trung Sơn hay Tưởng Giới Thạch. Đây sẽ là một sự cai trị độc tài mạnh mẽ của một nhà lãnh đạo duy nhất.
Như các ví dụ từ Trung và Đông Âu đã chứng minh, quá trình chuyển đổi hậu cộng sản luôn khó khăn. Nó có thể sẽ dẫn đến mô hình Nhà lãnh đạo Hùng cường như chúng ta đã chứng kiến ở Nga và một số quốc gia cộng sản cũ ở Trung Âu, như là sự cai trị của Vladimir Meciar ở Slovakia những năm 1990, hay Slobodan Milosevic ở Nam Tư cũng trong thập kỷ đó. Những quốc gia này đã có một quá trình chuyển đổi sang dân chủ đầy khó khăn, và tất nhiên, Nga chưa bao giờ chuyển đổi sang dân chủ.
Một Cromwell hoặc Bonaparte sẽ đến từ PLA, ĐCSTQ, hoặc bộ máy an ninh - như là điều Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm. Nhà lãnh đạo mới chắc chắn sẽ kêu gọi hướng đến sự vĩ đại của Trung Quốc và thúc đẩy câu chuyện rằng tầm vóc vĩ đại của đất nước này đã bị cản trở bởi sự cai trị hàng thập kỷ của ĐCSTQ và các thế lực nước ngoài bất chính - chẳng hạn như Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Nếu ĐCSTQ thất bại, thì Trung Quốc sẽ đi theo con đường của Nga, hướng tới sự cai trị độc tài ngày càng mạnh mẽ. Nước Trung Quốc hậu ĐCSTQ sẽ yếu ớt, nhưng lại có khát vọng mãnh liệt khôi phục những vinh quang trong quá khứ. Điều này có thể được coi là sự quay trở lại với các nguyên tắc quản lý quốc gia của Nho giáo - thứ đã hình thành nên sự cai trị của các triều đại Trung Quốc. Sẽ có sự giả bộ rằng nền dân chủ đã đến, nhưng Trung Quốc sẽ không phải là một nền dân chủ.
Tóm lại, quá trình phát triển chính trị tại Trung Quốc sẽ đòi hỏi nhiều chuyển đổi. Sẽ có sự biến hóa từ chính thể cộng sản sang chính thể hậu cộng sản. Trung Quốc thời hậu ĐCSTQ có thể sẽ trải qua nhiều quá trình chuyển đổi tiếp theo nữa, mỗi quá trình chuyển đổi đều sẽ khó khăn và mang nhiều rủi ro liên quan đến sự ổn định ở Trung Quốc cũng như những tác động của chúng đối với chính trị thế giới. Hơn nữa, một nước Trung Quốc thời hậu ĐCSTQ sẽ được cai trị bởi một nhà lãnh đạo vĩ đại duy nhất – về cơ bản là một hoàng đế – như đã từng xảy ra trong quá khứ của Trung Quốc. Điều này là do lịch sử chính trị, truyền thống và văn hóa Trung Quốc, cũng như môi trường đe dọa bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt, và như thế thì Trung Quốc vẫn trong nguy hiểm. Vấn đề cuối cùng là, ở mức độ nào mà hình thức chính phủ lai - kết hợp một số yếu tố dân chủ vào cái có thể là một chính phủ độc tài được lãnh đạo bởi một Nhà lãnh đạo Hùng cường hoặc một chính quyền trong nhiều thập kỷ - sẽ xảy ra, như điều đã xảy ra ở Nga hay Trung Quốc (dưới thời Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch trước đây, trước cuộc xâm lược của Nhật Bản).
Những vấn đề sức khỏe bí ẩn của ông Tập đòi hỏi chúng ta phải phân tích về những gì sẽ xảy ra sau khi ông ấy qua đời hoặc mất khả năng hoạt động bình thường, cũng như về cách người dân Trung Quốc và cộng đồng hải ngoại có thể tác động đến diễn biến chính trị tại Trung Quốc. Mọi chuyện có thể đến với chúng ta sớm hơn dự đoán.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét