Trên chuyến máy bay từ Mỹ đến Ba Tây, tôi nhận được nhiều tin nhắn và cả điện thoại của gia đình và thân hữu gọi báo tin ca sĩ Kiều Loan mới từ giã cuộc đời lúc 7g42 tối thứ hai 18 tháng 9 năm 2023 tại San Diego. Tin nhắn đầu tiên là của chị Kim Hạnh tại thành phố Atlanta (Georgia), cô em gái của chị Kiều Loan cũng là người từng giữ chức Chủ Tịch Cộng Đồng tại thành phố này. Bên cạnh đó là những tin nhắn từ ca sĩ Ngọc Mỹ đang sống tại Hawaii, vũ sư Đặng Bình, Phương Hồng Quế... thông báo bản tin này.
Tin chị Kiều Loan ra đi làm tôi và nhiều thân hữu bàng hoàng dù đã biết trước chuyện này trước sau phải đến vì sức khỏe của chị càng ngày càng xuống dốc từ 10 năm trước, nói chính xác, là kể từ đêm count-down 31 tháng 12 năm 2013 trong lúc mọi người vui vẻ đón Giao Thừa Dương Lịch thì chị Kiều Loan phải vào Bịnh viện cứu cấp sau khi bị một cơn stroke ập đến.
Bốn ngày sau đó, chiều thứ bẩy ngày 4 tháng 1/2014, một số thân tình với Ngọc Minh, Linh Phương, Trang Thanh Lan, Tâm Đan, Phương Hồng Quế, Trần Quốc Bảo.. quyết định lên đường xuống San Diego ghé thăm chị Kiều Loan. Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, cả nhóm đã có mặt tại nhà cô em ruột của ca sĩ Kiều Loan. Người nữ ca sĩ kích động nhạc sôi động năm nào nay phải chống gậy, bước đi không chắc, cố bước ra phòng khách chào đón các bạn từ xa xuống thăm mình. Trên mắt Kiều Loan, hình như có rưng rưng những giọt lệ ân tình. Nhìn chị lê từng bước chậm, tuy rất chậm nhưng vẫn có thể té bổ nhào, bạn bè xa xót vô cùng. Cả nhóm phụ anh Hải Triều (chồng chị Kiều Loan) dìu chị vào bàn.. Yếu và xanh xao như thế, mà miệng chị cười rất tươi và luôn nói những lời đùa cợt tiếu lâm cho bạn bè vui. Hình ảnh này làm người viết nhớ đến 4 câu thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Cuộc đời như gió thoảng mây trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời
Anh Hải Triều cho biết, chị rất may mắn khi chỉ bị một minor stroke rất nhẹ. Tối 31/12/2013, khi anh chuẩn bị chở chị đi gặp mấy người bạn dưới vùng San Diego đón Giao Thừa Tết Dương Lịch 2014, thì trong người chị cảm giác khác lạ. Miệng nói không được và tay chân gần như không còn cử động được nữa. May là có người bên cạnh, anh vội vàng đỡ chị và gọi 911 gấp. Sau đó Bác sĩ cho biết minor stroke vừa qua tựa như một cảnh báo để người bệnh cẩn trọng thêm về mặt ăn uống lẫn thuốc men. Sau những phút giây thăm hỏi, Kiều Loan bắt đầu kể những chuyện vui xa xưa để phá tan đi không khí lo âu đang trùm phủ gian phòng. Thế là cả nhóm có dịp lôi lại những chuyện cũ mấy mươi năm trước, từ cái thuở Kiều Loan đi hát lần đầu ở Anh Vũ Tết Cộng Hòa năm 1963, rồi sau đó ở La Cigale, Hòa Bình, Bồng Lai.. Linh Phương, Ngọc Minh nhắc lại cái thuở năm 1972 Kiều Loan có lần hát tại Nha Trang Hotel cho nghệ sĩ Hoàng Cầm và sau đó đi Đà Nẵng cộng tác cho tới ngày mất nước 30/4/75.. Tâm Đan tay bận rộn chụp lách tách những tấm ảnh bạn bè chị em cười nói bên nhau.. Kỷ niệm như sóng trào, như lệ dâng.. Có những giọt lệ nào đó rưng rưng giữa những tiếng cười đang dâng cao trong niềm nhớ. Trong lúc nói chuyện, Kiều Loan nhận được điện thoại thăm hỏi của nữ ca sĩ Thanh Thúy từ Sacramento gọi đến. Giờ này có lẽ Kiều Loan rất mệt vì phải tiếp các bạn hơn một tiếng đồng hồ nhưng miệng nàng cười càng lúc càng vui. Lại nhớ đến một lời nhạc Trịnh: “ngày nào đời còn có nhau xin cho dài lâu..”.Dài lâu mãi nhé, hỡi tình bạn tuyệt vời.
Buổi tối trên đường về hôm đó, trời ngoài kia gió Đông còn rất lạnh, nhưng 7 người bạn trên xe vẫn thấy ấm vô cùng. Cái ấm từ một tình bạn chân thành nào đã dành đến cho nhau hôm nay. Cám ơn Trang Thanh Lan, Phương Hồng Quế đã khởi xướng một cuộc họp mặt bất ngờ nhưng vô cùng đúng lúc. Phút giã từ, bàn tay vẫy chào tạm biệt, sương khói của vùng biển San Diego đã bắt đầu giăng kín đường về, nhưng cả đoàn trên xe vẫn thấy rõ, nụ cười Kiều Loan từ cổng nhà xa xa hình như còn mãi trên môi.
Trần Quốc Bảo và ca sĩ Kiều Loan có rất nhiều kỷ niệm nhưng một trong những lần hội ngộ xúc động nhất phải kể đến Đêm Thế Giới Nghệ Sĩ “Saigon Màu Kỷ Niệm” đứng ra tổ chức cùng với Phương Hồng Quế thực hiện một đêm nhạc lấy tên “Đêm Chào Đón nhạc sĩ Tòng Sơn từ VN đến Mỹ” tổ chức ngày 12 tháng 9 năm 2010 với sự tham dự của rất đông những khuôn mặt nghệ sĩ Sàigòn xưa như Thái Châu, Mai Lệ Huyền, Connie Kim, Uyên Phương, Ngọc Hiếu, Linh Phương, Mai Ngọc Khánh, Phương Hồng Quế, Tâm Đan, Trang Thanh Lan, Phượng Linh, Đan Thanh… và trong đêm này, nhiều khán giả và nghệ sĩ rất xúc động khi thấy sự có mặt của ca sĩ Kiều Loan, người ca sĩ kích động nhạc nổi tiếng một thời với những giòng nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng lẫn nhạc ngoại quốc như Người lính chung tình, If you go away, Tiếng mưa rơi, Unchained Melody.. sau nhiều năm rời xa sân khấu đã gây xúc động cho khán giả yêu nhạc Sàigòn ngày cũ khi thấy người nữ ca sĩ này bất ngờ từ Kansas bay về Quận Cam tham dự đêm hội ngộ nhạc sĩ Tòng. Trong đêm này, nước mắt chị rưng rưng, khi Trần Quốc Bảo bất ngờ tặng chị một tấm ảnh mà Kiều Loan đã chụp năm 1967 tại phòng trà Tự Do, trong hình nếu quý độc giả nhìn kỹ, còn có cả nhạc sĩ Trường Hải đang đánh guitar và anh Vinh thổi kèn.
Buổi tối đêm đó, trải qua 35 năm vật đổi sao dời, bụi cát sương chiều thời gian có vương vất phủ che phần nào trên nhan sắc cũ nhưng Kiều Loan vẫn còn nguyên những nụ cười Sàigòn dễ yêu ngày đó. Tiếng cười ròn tan của chị khi gặp lại những người bạn xưa đằng sau hậu trường sân khấu trong đêm Tòng Sơn làm mọi người như sống dậy một thời nào. Cái thời Kiều Loan lần đầu đến với phòng trà quán nhạc Kontiki năm 61-62 lúc ấy đã có nhiều tiếng hát cộng tác như Linh Phương, Ngọc Hiếu, Thu Thủy.. Và sau đó từ năm 1963 trở đi là những đêm ca nhạc rộn ràng ở phòng trà Hòa Bình (Đan Phú, Đan Thọ), Bồng Lai, Quốc Tế (có Việt Ấn), Olympia (Võ Đức Tuyết, Võ Đức Xuân), Văn Cảnh, Ritz (ban nhạc Lê Quang Anh, Connie Kim, Carol Kim..). Kiều Loan cũng từng một thời cộng tác với Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương dưới quyền của Họa Sĩ Tạ Tỵ, Ngô Cẩm Đại, Đại Úy Nguyễn Văn Tân, cũng như có lúc gắn bó với Tiểu Đoàn 50 Chiến Tranh Chính Trị dưới quyền Ông Nguyễn Diệp Phương Sinh, Bố Nghị.. cũng như làm việc một thời gian với Hoa Tình Thương có ban nhạc Shotguns, Lam Phương, Túy Hồng, Ngọc Mỹ, Pat Lâm.. Có một dạo khi các phòng trà bị đóng cửa, Kiều Loan gia nhập ban Khánh Băng đi hát ở các Club Mỹ ở Sàigòn, sau đó theo chồng ra Nha Trang, đi hát tiếp tục ở Nha Trang, cuối năm 1972, chị theo chồng, anh Nguyễn Hải Triều lúc ấy binh chủng Biệt Kích Dù đóng đô ở Đà Nẵng, vẫn đi hát nhưng chỉ trình diễn ở Đà Nẵng, chứ không còn về Sàigòn nữa.
Khi biến cuộc 1975 dâng cao khốc liệt, chị và chồng từ Đà Nẵng về được Sàigòn ngày 26 tháng 3/75 và ngày 29 tháng 4 rời Việt Nam vượt thoát đến đảo Guam. Sau đó, được vào trại tỵ nạn tại Arkansas và cuối cùng được một gia đình nhà thờ tại Iowa nhận bảo lãnh. Suốt 3, 4 năm trời tại tiểu bang lạnh giá Iowa, Kiều Loan rất cực khổ vì tiếng Anh không giỏi, tuy nhiên với lòng quyết tâm dựng lại tất cả, công việc nào chị cũng chẳng từ nan. Có nhiều đêm, vừa giữ babysit, vừa may vá, tay chân của chị sưng vù đau nhức vì phải cầm kim đạp máy cho nghề may mặc đang rất thịnh hành ở tiểu bang này. Kiều Loan tâm sự: Đó chỉ mới là một hai việc nhỏ thôi, Kiều Loan còn nhiều job phải làm thời gian đó lắm. Bây giờ ngồi nghĩ lại, cứ như một giấc mộng. Năm 1979, cả gia đình chị dọn về Kansas và sống tại đó suốt hơn 30 năm qua. Công việc chính của chị là nghề gõ đầu trẻ, một nghề mà Kiều Loan từng yêu thích hồi ở Sàigòn. Mấy chục năm chăn lũ con nít từ lớp mẫu giáo đến lớp ba.. có lúc cực, nhưng đó là một cái nghề mà chị yêu thích, nên đi làm mấy chục năm rồi, vẫn thương và nhớ đám con nít vô cùng.
Trần Quốc Bảo còn nhớ trong Đêm Hội Ngộ Tòng Sơn hôm đó, Kiều Loan xúc động vô cùng khi Phương Hồng Quế và Trần Quốc Bảo giới thiệu chị Kiều Loan ra hát bài Nếu Một Ngày, một sáng tác của Khánh Băng, một người anh nhạc sĩ mà chị hằng yêu thích giờ đã ra người thiên cổ. Hát đến đoạn:
Nếu – nếu một ngày không có tôi – thì người yêu ơi – đừng quên tôi nhé xin đừng giận dỗi xin hiểu cho tôi. Nếu nếu ngày ấy mình đừng yêu nhau thì ngày nay có đâu buồn đau – những khi mình xa nhau – có đâu buồn đau.. Kiều Loan như bị xúc động mạnh, tiếng hát có lúc không thành tiếng, thay vào đó là những tiếng nấc bùi ngùi như nhớ về một thời Sàigòn hoa mộng nay đã không còn.
Sau đây là vài giòng về cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Kiều Loan, Trần Quốc Bảo xin mời Bạn cùng đọc để tưởng nhớ về chị.
Kiều Loan tên thật là Đặng Kim Đoan, sinh ngày 23-07-1944 tại Hà Nội. Thuở nhỏ Kiều Loan học tại trường nữ tiểu học Thanh Quan, phố Hàng Cót. Sau đó theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, theo học tại trường tiểu học Chi Lăng, Gia Định. và đã đoạt giải nhất thi ca hát với bài Trường Làng Tôi.. Học trung học tại trường Hàn Thuyên, trường Văn Lang, vùng Tân Định, Sài Gòn. Khi lớn lên, vốn dĩ yêu ca hát nên đã theo học nhạc với nhạc sĩ Phó Quốc Thăng, học hát vói nhạc sĩ Đăng Tiến, và nhạc sĩ Lê Quang Anh (Andy Le). Lần đầu tiên ra mắt làng ca nhạc tại phòng trà Anh Vũ vào dịp Tết Cộng Hòa năm 1963. Sau đó là các phòng trà, vũ trường: La Cigale, Hòa Bình, Bồng Lai (Đan Phú, Đan Thọ), Quốc Tế (Việt Ấn), Văn Cảnh, Olympia (Võ Đức Tuyết, Võ Đức Xuân), Đồng Khánh, Phượng Hoàng, Tự Do (Anh Thân), Maxim (Hoàng Thi Thơ)… Đồng thời cũng cộng tác với Ban Văn Nghệ Địa Phương Quân dưới quyền Trung Úy Tô Công Biên (dượng Năm), Thiếu Úy Hiến (dượng Sáu); Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương dưới quyền Đại Uý Họa Sĩ Tạ Tỵ, Ngô Cẩm Đại, Nguyễn Văn Tân; Tiểu Đòan 50 Chiến Tranh Chính Trị (Ban văn nghệ Hoa Tình Thương) dưới quyền Thiếu Tá Nguyễn Diệp Phương Sinh, Thiếu Úy Nguyễn Văn Nghị (bố Nghị). Bắt đầu cộng tác với ban Khánh Băng - Phùng Trong. Ngoài phần ca hát, Kiều Loan còn được may mắn làm việc với văn sĩ Mai Thảo trong chương trình Trước Đèn Đọc Sách của Ban Tinh Hoa do Nguyễn Văn Quý phụ trách vào 8giờ tối mỗi thứ Ba hàng tuần tại Đài Phát Thanh Sài Gòn. Năm 1972 hát tại Nha Trang Hotel với ban nhạc của nhạc sĩ kiêm kịch sĩ Hoàng Cầm. Mùa hè đỏ lửa về lại Sài Gòn và tiếp tục đi hát với ban Khánh Băng-Phùng Trọng.tại các Club Mỹ. Noel 1972 theo chồng ra Đà Nẵng, hát tại Blue Danube, 59 Night Club. Sống tại Đà Nẵng cho đến 26/03/1975 và về đến Sài Gòn bằng tàu của tòa Đại Sứ Phi Luật Tân. Ngày 29/04/1975 cùng gia đình vượt thoát đến Subic Bay, Guam, trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Được nhà thờ Lutheran bảo trợ về Demoines, Iowa vào tháng 7/75. Dọn sang Kansas vào tháng 2/78. Sau khi đi học tại Donelly College, Kiều Loan chuyển sang nghề dạy học tại Major Hudson Elementary School từ năm 1981. Sau đó dạy tại trường Frank Rushton Elementary School cho đến khi về hưu.
Trần Quốc Bảo
Sept/19/2023
https://youtu.be/0ERS8i5_iG4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét