Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Mỹ Tưởng Niệm 911 & Chung Quanh Chuyến Đi Của TT Hoa Kỳ Đến VN và Kính Chuyển Tin VN Hôm Nay, Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Dòng “tweet” khơi dậy ký ức và suy ngẫm về vụ khủng bố 11/9 đau thương trong cộng đồng mạng (Thái Dung) --“Bạn có biết 3 phút trước khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa Trung tâm Thương mại Thế giới thứ hai, mọi người trong tòa nhà đã nghe thấy tiếng loa thông báo của tòa nhà rằng: ‘Tòa nhà đã an toàn, vui lòng quay lại văn phòng của bạn’. Một số người đã làm theo lời khuyên đó. Nhưng may mắn thay, nhiều người đã không nghe theo. Đây là một trong những nội dung của báo cáo dài 298 trang do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia công bố năm 2005.” Trước thềm kỷ niệm 22 năm vụ khủng bố 9/11, dòng tweet này đã được đăng trên nền tảng X, nó đã gây ra các cuộc thảo luận rộng rãi trên Internet, với hơn 1.600 câu trả lời, hơn 6.400 lượt tweet lại và hơn 5 triệu lượt xem.
<!>



(Hình: Người dân tham dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày 11/9 tại Đài tưởng niệm và Bảo tàng Quốc gia 11/9 ở thành phố New York vào ngày 11/9/2021.)

Ông Benjamin Carlson, cựu biên tập viên của tạp chí The Atlantic, đã đính kèm một liên kết tới báo cáo và một số ảnh chụp màn hình của văn bản, ông viết:

“Vì sao số người sống sót sau vụ sơ tán khỏi tòa nhà ngày 11/9 lại gấp 4 lần số người đã chết? Họ bất tuân chính quyền. Họ sử dụng thang máy. Họ rời khỏi bàn làm việc. Họ chạy khỏi toà nhà. Nhân viên cứu hộ đã dốc toàn lực trong khi thông tin có hạn. Nhưng lời khuyên của họ không chỉ sai mà còn gây chết người. Nếu nghe lời khuyên của họ thì còn có bao nhiêu người chết?”

Dòng tweet của ông Benjamin Carlson đã khơi dậy những ký ức và suy ngẫm về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, việc lưu ý đến sự an toàn và lời khuyên có uy tín, đồng thời cũng khơi gợi các cuộc thảo luận về những sự cố tương tự và cách mọi người đưa ra quyết định trong môi trường xã hội hiện tại. Dưới đây là một số thảo luận trên tweet để người đọc suy ngẫm. Như cư dân mạng @Aishwarya11Mar đã nói: “Cho dù là ngày nay, nhưng mọi người vẫn có thể học hỏi từ nó và tránh những sai lầm như vậy. Đây đều là những trải nghiệm rất đau đớn.”

Một số người bắt đầu thảo luận và tìm hiểu sâu hơn về lý do tại sao có người lại nghe theo lời khuyên từ loa phát thanh của tòa nhà để quay lại văn phòng.

@ButtercupPB cho biết: Tất nhiên là họ không biết chiếc máy bay thứ hai sắp đâm vào tòa tháp thứ hai. Sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào, ban đầu mọi người nghĩ rằng đó là một tai nạn (không phải một cuộc tấn công), vì vậy họ có thể nghĩ rằng ở yên tại chỗ sẽ an toàn hơn. Việc sơ tán cực kỳ nguy hiểm khi các mảnh vỡ và lửa đổ xuống từ một tòa tháp khác.

@dwins60 cho biết: Trung tâm Thương mại Thế giới đã áp dụng thiết kế phòng cháy chữa cháy theo vùng, để khuyến khích cư dân ở trong khu vực cháy của chính họ khi có báo cháy, thay vì cố gắng thoát khỏi tòa nhà. Điều này là do cầu thang bộ và thang máy trong những tòa nhà thế này không được thiết kế để sử dụng khi xảy ra hỏa hoạn. Do đó, thông báo đã đúng về mặt kỹ thuật nhưng dựa trên những giả định sai lầm.

Tin vào trực giác

Điều này đặt ra câu hỏi về tính chính xác của thông tin và sự tin tưởng vào lời khuyên có uy tín.

@KJisms nói: Công bằng mà nói, đây là nhận thức muộn màng. Nhưng mặt khác, con người có quyền đặt câu hỏi về uy tín và luôn làm theo trực giác của mình.

@Longevity_EDU: Đây là một bài học vô cùng bi thương, nó nhấn mạnh một thực tế rằng có “uy tín” không có nghĩa là bạn “đúng”. Cuối cùng, bạn cần đánh giá lời khuyên được cung cấp và đưa ra quyết định.

@hfthelion: Cuối cùng, mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của chính mình. Không thể thuê ngoài.

@lennygov1: Vâng, hãy là một người suy nghĩ độc lập, bạn chính là [nhà thiết kế] số phận của chính mình!

@duncsjr: Trong quân đội có một khái niệm gọi là “Bất tuân thông minh” (Intelligent Disobedience), nghĩa là trong những hoàn cảnh cụ thể và quy chuẩn rõ ràng, binh lính có thể từ chối thực hiện những mệnh lệnh sai trái hoặc vô lý dựa trên phán đoán và lương tâm của chính họ. Khái niệm này bắt nguồn từ việc huấn luyện chó dẫn đường vì chó có thể cảm nhận được các mối đe dọa mà chủ nhân của chúng bỏ qua và có hành động thích hợp. (Chó dẫn đường không chỉ là “cái nạng” hành động theo ý muốn của người khiếm thị, mà bản thân nó còn giữ được khả năng phán đoán độc lập ở mức độ nhất định.)

Người thoát khỏi cái chết

Những người khác chia sẻ câu chuyện về những người sống sót sau vụ tấn công 11/9 mà họ biết.

@MichaelMartocci đăng ảnh đi giày cao gót 3,5 inch (8,9 cm), nói rằng mẹ anh đi giày cao gót như vậy để làm việc ở tòa tháp thứ hai, chạy xuống cầu thang nhanh nhất có thể từ hơn 40 tầng và băng qua cầu Brooklyn đi bộ suốt chặng đường về nhà.

@LisaLamagna cho biết: Theo thông tin tôi biết được, có 40 nhân viên ngân hàng Nhật Bản vẫn còn sống đến ngày nay vì một người đã nói với họ rằng đừng làm theo những hướng dẫn này.

@KateMartinell11: Anh rể tôi có cuộc họp ở tầng Cantor Fitzgerald. Họ được yêu cầu ở lại. Anh ấy có một linh cảm xấu và đã yêu cầu cả đội sơ tán xuống cầu thang, cứu được rất nhiều mạng sống.

@kathlee76574738: Tôi biết chị gái của một người ở Tháp phía Nam đang đi xuống cầu thang nhưng lại quay lại tầng trên sau khi nghe thông báo. Cô đã chết, nhưng những đồng nghiệp tiếp tục sơ tán của cô đã chạy thoát được ra ngoài.

@peterstringer: “Trước khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào, chúng tôi được yêu cầu ở yên tại chỗ và chờ hướng dẫn. Tôi nói với sếp của mình: “Nếu tất cả chúng tôi vẫn còn ở đây, ngày mai [bà] có thể sa thải tôi. Tôi phải chạy đây.” Bà ấy trả lời: “Có lẽ anh đúng. Về nhà đi.” Tôi đi bộ về nhà. Lúc đó tôi vẫn còn là người mới. Nhiều giám đốc điều hành cấp cao do dự đưa ra những quyết định đơn giản vì sợ hãi. Nếu tôi ở độ tuổi bốn mươi, có lẽ tôi sẽ không quyết đoán như vậy? Tôi sẽ không bao giờ biết câu trả lời, nhưng tôi nhớ rõ ràng rằng chẳng ích gì khi ngồi trong căn phòng đó khi biết rõ rằng đất nước đang bị tấn công.”

@heather_hear: Rick Rescorla đã cứu ít nhất 2.694 mạng sống vào ngày 11/9 bằng cách phớt lờ các chương trình phát sóng kêu gọi mọi người ở lại…

@geomc63: Tôi biết. Phó chủ tịch Morgan Stanley Rescorla là một cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam. Kể từ khi vụ đánh bom xe tải của người Hồi giáo thất bại vào năm 1993, ông nghĩ họ sẽ thử lại. Ông ấy đã tiến hành diễn tập sơ tán. Chính Morgan Stanley đã đuổi mọi người ra ngoài.

@Ssimms777: Ông Rescola yêu cầu tất cả nhân viên để giày chạy bộ dưới bàn làm việc của họ đề phòng trường hợp họ cần phải sơ tán khỏi tòa nhà bằng cầu thang.

@Toecutta1: Tôi nhớ mơ hồ rằng nhiều người bỏ trốn ngay lập tức đã từng trải qua vụ đánh bom năm 1993, hoặc được những người đó tập huấn.

Những người khác đề cập đến những sự cố tương tự khác khi làm theo lời khuyên uy tín và phải chịu hậu quả bi thảm, chẳng hạn như một chuyến phà từ Anh đến Hà Lan và thảm kịch ở Hàn Quốc.

Những suy ngẫm về việc tuân theo lời khuyên uy tín một cách mù quáng

Cuối cùng, cuộc thảo luận đã truyền cảm hứng cho việc suy nghĩ về cách học hỏi từ nó và cải thiện việc ra quyết định trong thời kỳ khủng hoảng.

@BlackPilledDAO cho biết: Hãy ngồi yên, không làm gì cả và chờ được cứu. Điều gì có thể xảy ra?

@Jinx_the_future: Chúng ta không thể thuê tư duy của mình bên ngoài. Chúng ta phải hình thành ý kiến của riêng mình.

@truespeechonly: Trí tuệ và kiến thức thông thường sẽ cho bạn biết có nên tuân theo chỉ dẫn hay không. Niềm tin mù quáng vào chính phủ và các thể chế của nó có thể gây tai hại cho tâm hồn và việc theo đuổi hạnh phúc. Tư duy phê phán và tôn trọng pháp quyền là điều bắt buộc.

@QuantumMage: [Lời khuyên chính thức (của cơ quan / tổ chức có uy tín, có thẩm quyền)] không nhất định có nghĩa là nguy hiểm, đáng sợ, mà nó chỉ là sai lầm thôi. Lời khuyên tốt nhất luôn xuất phát từ trái tim của bạn.

Cuộc thảo luận này cũng khiến mọi người phải suy nghĩ lại về những thách thức và tình huống khó xử mà chúng ta phải đối mặt trong thời đại này.

@Theo_TJ_Jordan cho biết: Một bộ phận lớn dân số của chúng ta đã bị thứ “cỗ máy thuộc tầng chuyên gia” hoàn toàn bắt làm “tù nhân”. Những “tù nhân” này khác với những kẻ cuồng tín về tư tưởng, chẳng hạn như trẻ em chuyển giới. Nhưng chỉ cần duy trì tần số này trong giây lát và người dân của chúng ta dường như phục tùng tất cả các chuyên gia, toàn cầu hóa, kiến thức mới này. Vấn đề khí hậu nói là sự thuyết minh rõ ràng nhất về điều này. Giới trẻ cực kỳ bị ám ảnh bởi nó. Hầu hết mọi người chỉ biết những điều sáo rỗng, logic khó hiểu và tôn sùng mù quáng. Còn những người bị mắc kẹt bên trong đó thì sao? Họ không thể di chuyển vì đã trở thành nô lệ tinh thần.

@cowboyshitz: Đúng vậy, con người đã rời xa thiên nhiên đến mức chúng ta cũng có thể trở thành con mồi.


Tin Việt Nam: Chung quanh chuyến thăm VN của TT Hoa Kỳ

**
Human Rights Watch: Tổng Thống Joe Biden Cần Công Khai Thúc Giục CSVN Trả Tự Do Cho Toàn Bộ Tù Chính Trị


(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Ðốn hôm 6/9/2023.)

-Một ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) ra thông cáo báo chí kêu gọi người đứng đầu chính phủ Mỹ công khai thúc giục Hà Nội trả tự do cho toàn bộ tù chính trị, thay đổi các điều luật đàn áp tự do người dân.

Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội vào ngày 10/9/2023 và có nhiều khả năng hai nước sẽ nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện, bỏ qua mức Đối tác chiến lược, theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế.

“Tổng thống Biden nên làm rõ với lãnh đạo Cộng sản Việt Nam rằng mối quan hệ gần gũi hơn phụ thuộc vào các cải thiện có thể được xác nhận và chắc chắn trong hồ sơ về nhân quyền của Việt Nam” - ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân bân Á Châu của Human Rights Watch, được dẫn lời trong thông cáo cho biết.

“Hoa Kỳ không nên gạt sang bên những quan ngại về nhân quyền vào khi Mỹ đang tìm kiếm để mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế và ngoại giao với Hà Nội”. - ông Phil Robertson nói tiếp.

Theo Human Rights Watch, hiện Hà Nội đang giam giữ ít nhất 159 tù chính trị là những người đã thực hiện các quyền chính trị và dân sự của minh một cách ôn hòa. Ít nhất 22 người khác đang bị giam giữ chờ điều tra và cuối cùng sẽ phải ra tòa do Đảng điều khiển. Chỉ trong vòng 8 tháng qua, các tòa án ở Việt Nam đã kết án tù ít nhất 15 người với các án tù dài hạn, vi phạm quyền được có các phiên tòa công bằng của họ.

Human Rights Watch cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ thúc giục lãnh đạo Việt Nam phải sửa những điều luật trong Bộ luật Hình sự và các luật khác thường được dùng để kết án những nhà hoạt động bao gồm các điều luật như “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và “phá hoại chính sách đoàn kết”.

“Tổng thống Mỹ nên kêu gọi Chính phủ Hà Nội thay đổi Luật An ninh mạng và Nghị định 53 đi kèm để chúng phù hợp với các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế” - thông cáo báo chí viết.

Trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và của người Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ phải tiếp tục gây sức ép lên Hà Nội về vấn đề nhân quyền.

Hôm 1/9, hơn 60 gia đình Tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã ký tên vào một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Biden, kêu gọi ông lên tiếng cho hàng trăm nhà hoạt động đang bị cầm tù và Việt Nam phải dừng việc dùng họ làm món hàng mặc cả với chính phủ các nước tự do trong đó có Mỹ.


Tòa Bạch Ốc: Tổng Thống Biden Nêu Tầm Quan Trọng của Vấn Đề Nhân Quyền


(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo ở Hà Nội.)

-Hôm 10/9/2023, Tòa Bạch Ốc ra tuyên bố về việc Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có tầm quan trọng của nhân quyền.

Tuyên bố viết rằng Tổng thống Biden “nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền và tầm quan trọng của sự hợp tác song phương nhằm thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, tôn giáo hay tín ngưỡng, trong và ngoài nước”.

Ngoài ra, văn bản này còn nói rằng Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam “là một cơ chế quan trọng để thảo luận về một loạt các vấn đề liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, bao gồm: quyền tự do ngôn luận và lập hội; tự do tôn giáo hay tín ngưỡng; pháp quyền và cải cách pháp luật; và quyền của các thành viên thuộc nhóm dân số bị đặt ngoài lề, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, các nhóm dân tộc thiểu số, người LGBTQI+ và người khuyết tật, cũng như các trường hợp cá nhân cần quan tâm”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trước chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam, nhiều cá nhân và tổ chức trong nước lẫn quốc tế đã lên tiếng thúc giục nhà lãnh đạo Mỹ nêu bật vấn đề nhân quyền cũng như việc các nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù. Hà Nội lâu nay vẫn bác bỏ không bỏ tù những người bất đồng quan điểm mà chỉ tống giam những người vi phạm pháp luật.

Ngoài nhân quyền, tuyên bố của Tòa Bạch Ốc còn đề cập tới các vấn đề khác như đầu tư vào nền kinh tế đổi mới, hợp tác khoa học kỹ thuật, trong đó có quan hệ đối tác về chất bán dẫn; củng cố ngoại giao nhân dân, nhất là về giáo dục và đào tạo; tăng cường hợp tác thúc đẩy khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế cũng như kinh tế; giải quyết hệ quả của chiến tranh và tăng cường an ninh thông qua thúc đẩy hợp tác.

“Sự nâng cao quan hệ chưa từng có và quan trọng giữa hai nước, chuyển từ Đối tác toàn diện được thiết lập năm 2013 sang Đối tác chiến lược toàn diện, là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ của cả hai chính phủ nhằm thiết lập và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau cũng như vạch ra con đường hướng tới tương lai với những cơ hội và thách thức trong một thế giới đang phát triển nhanh chóng”, tuyên bố có đoạn.

Trước khi ra tuyên bố này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ngắn gọn tại trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi việc nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện.

Ông Trọng nói rằng quan hệ đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển “nhảy vọt” và hiện đã được “nâng lên một tầm cao mới”.

Ông Trọng nói: “Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Trong khi đó, Tổng thống Biden cũng đề cập đến sự phát triển của mối quan hệ kể từ sau chiến tranh cũng như giá trị của việc vượt qua “nỗi đau của quá khứ”.


Đại Diện Các Tập Đoàn Kỹ Thuật Lớn của Mỹ Đến Việt Nam Cùng Tổng Thống Mỹ


(Hình: Những tấm áo in hình Tổng thống Joe Biden và ông Hồ Chí Minh được treo bán tại một cửa hàng ở Hà Nội hôm 6/9/2023, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam.)

-Đại diện các tập đoàn kỹ thuật lớn của Mỹ bao gồm cả các hãng sản xuất chip bán dẫn sẽ đến Việt Nam và dự một cuộc gặp kinh doanh vào ngày 10/9/2023, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam. Hãng tin Reuters trích hai nguồn tin giấu tên biết rõ về kế hoạch này cho biết như vậy.

Cuộc gặp với sự có mặt của các đại diện của Google, Intel, GlobalFoundries, Amkor, Marvell, Boeing hiện vẫn trong giai đoạn giàn xếp, theo thông tấn xã Reuters. Các tập đoàn này hiện cũng chưa đưa ra lời bình luận nào về thông tin này.

Việc sản xuất chip bán dẫn được coi là một trong những trọng tâm được bàn thảo trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam vào khi Hoa Kỳ đang có kế hoạch giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp này nhằm phục vụ cho một chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Hiện vẫn chưa rõ liệu sẽ có một thông báo về cuộc gặp này hay không, nhưng theo thông tấn xã Reuters, sẽ có khoảng 30 đại diện lãnh đạo cấp cao và viên chức chính phủ tham gia.

Intel hiện có một nhà máy trị giá 1,5 tỉ Mỹ kim ở Việt Nam nơi hãng này cho lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip. Intel hiện cũng có kế hạch để mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Amkor hiện đang xây dựng một nhà máy hiện đại gần Hà Nội để lắp ráp và thử chip bán dẫn, theo thông báo của Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng Bảy vừa qua.

Hãng thiết kế chip Marvell cũng cho biết hãng này sẽ xây dựng một trung tâm cấp thế giới ở Việt Nam.

Hãng Boeing cũng có thể sẽ công bố một thoả thuận bán 50 máy bay 737 MAX của hãng nhân dịp này, thông tấn xã Reuters dẫn nguồn giấu tên cho biết.


Hết Mỹ, Giờ Đến Úc Ðại Lợi Muốn Sớm Nâng Cấp Quan Hệ Với Việt Nam Lên Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện


(Hình: Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese (giữa) tại Thượng đỉnh ASEAN-Úc Ðại Lợi tổ chức ở Jakarta, thủ đô của Nam Dương, hôm 7/9/2023.)

-Trong cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính ở Jakarta, thủ đô của Nam Dương, hôm 7/9/2023, Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese đề nghị hai phía hoàn tất trao đổi và các thủ tục nội bộ để sớm tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên.

Báo Chính phủ Việt Nam loan tin nhắc lại khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Canberra Anthony Albanese về việc coi trọng mối quan hệ với Hà Nội. Ông này lặp lại lời mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm Úc Ðại Lợi.

Vào tháng Sáu vừa qua, Thủ tướng Anthony Albanese có chuyến thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tại cuộc gặp ở thủ đô Jakarta của Nam Dương hôm 7/9, Thủ tướng hai nước Úc Ðại Lợi và Việt Nam nhất trí về ý nghĩa tích cực của quan hệ song phương Canberra - Hà Nội đối với hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Úc Ðại Lợi Penny Wong thăm Việt Nam lần thứ hai trong cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao nước này. Dịp đó, bà Penny Wong đồng chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng Úc Ðại Lợi-Việt Nam lần thứ năm diễn ra ở Hà Nội.

Úc Ðại Lợi và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Đến tháng 3/2018 quan hệ song phương được nâng cấp lên mức đối tác chiến lược.


Tổng thống Biden và Nguyễn Phú Trọng ca ngợi rối rít về việc nâng cấp quan hệ!


(Hình: Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch.)

-Sau khi kết thúc cuộc hội đàm vào chiều ngày 10/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ngắn gọn tại trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi việc nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện.

Theo phóng viên của New York Times Peter Baker, hiện tháp tùng ông Biden và đại diện đưa tin từ Hà Nội cho các phóng viên chuyên tường trình về Nhà Trắng khác, ông Trọng nói rằng quan hệ đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển “nhảy vọt” và hiện đã được “nâng lên một tầm cao mới”.

“Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ và các đối tác quốc tế khác theo tinh thần của ông Hồ Chí Minh sau khi Việt Nam giành được độc lập”, ông Trọng nói, theo phóng viên trên.

“Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Trong khi đó, Tổng thống Biden cũng đề cập đến sự phát triển của mối quan hệ kể từ sau chiến tranh cũng như giá trị của việc vượt qua “nỗi đau của quá khứ”.

Theo phóng viên Baker, ông Biden cũng trích dẫn ông John Kerry, một trong những cố vấn đứng đằng sau ông khi phát biểu và cố thượng nghị sĩ John McCain, những người đã nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ sau khi họ phục vụ trong chiến tranh.

Ông Biden nói: “Cả hai người đều nhìn thấy rất rõ ràng, như tôi và rất nhiều người khác đã thấy, mức độ mà chúng ta có thể đạt được bằng cách cùng nhau vượt qua quá khứ cay đắng”.

Theo phóng viên Baker, ông Biden cũng nói về việc hợp tác trong các vấn đề như chuỗi cung ứng chất bán dẫn, thương mại, đầu tư, khí hậu, năng lượng sạch, y tế toàn cầu, ung thư và HIV/AIDS cũng như an ninh bao gồm cả chống buôn người.

Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chào đón ông Biden tại Phủ Chủ tịch với sự xuất hiện của các em thiếu nhi Việt Nam, đoàn quân nhạc và đội danh dự.

Sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm. Theo phóng viên Baker, nhiều quan chức Mỹ cùng ông Biden tham dự, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Đặc sứ của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, người cũng từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong khi đó, phía Việt Nam cũng có nhiều quan chức, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng như Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng.

Tin cho hay, thông qua một người phiên dịch, ông Trọng đã nồng nhiệt chào đón Tổng thống Biden và chúc chuyến thăm Việt Nam của ông “thành công tốt đẹp”. Ông Trọng cũng đề cập rằng trong một lá thư gửi hồi tháng Sáu, Tổng thống Biden đã mời ông đến thăm Hoa Kỳ và đã nói lời cảm ơn.


Truyền thông nhà nước Việt Nam kiểm duyệt gắt gao lời phát biểu của TT Biden về nhân quyền


(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức họp báo tại Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2023).

-Các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát của Việt Nam cắt cụt phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề nhân quyền của nước này trong những phiên bản được gọi là “toàn văn phát biểu” của ông sau cuộc hội đàm với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng về việc nâng cấp quan hệ hôm 10 tháng 9.

Khảo sát những video thời sự có phần dịch lồng tiếng, được phát sóng trên các đài truyền hình nhà nước, cùng bài đăng trên một số website báo mạng khác cho thấy phát biểu vốn đã ngắn ngủi của tổng thống Mỹ, được đưa ra sau cuộc họp với nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, đã bị cắt bỏ chỉ chừa lại một vế.

Phát biểu của ông Biden về nhân quyền, theo bản ghi do Nhà Trắng công bố và theo video thu trực tiếp tại hiện trường, nói:

“Tôi cũng đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về vấn đề đó.”

Trong khi đó, phiên bản được sử dụng trên truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ nói: “Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người.”

Nhân quyền là một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ giữa hai nước và Việt Nam luôn tỏ ra nhạy cảm về những chỉ trích mà họ cho là thiếu khách quan.

Các tổ chức theo dõi nhân quyền nhận định nhà chức trách Việt Nam trong những năm qua đã tăng cường trấn áp xã hội dân sự, nhắm mục tiêu không chỉ vào những người bất đồng chính kiến mà còn mở rộng sang những người vận động vì môi trường.

Nhiều cá nhân và tổ chức trước đó đã hối thúc ông Biden mạnh mẽ lên tiếng về thành tích nhân quyền của Hà Nội khi ông hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này.

Một số nhà lập pháp Mỹ nói với VOA sẽ là một sai lầm nếu nâng cấp quan hệ mà không có sự cải thiện về nhân quyền.


Vietnam Airlines mua 50 máy bay 737 Max của Boeing


(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ngày 11/9/2023.)

-Hôm 11/9, Nhà Trắng cho biết hãng hàng không Vietnam Airlines mua 50 máy bay 737 Max của nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ trị giá 7,8 tỷ đôla, trong lúc doanh nghiệp hai nước tìm cơ hội giao thương, ký kết thỏa thuận.

Một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với lãnh đạo doanh nghiệp: “Tổng thống và Thủ tướng hoan nghênh thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Boeing và Vietnam Airlines trị giá 7,8 tỷ đôla sẽ hỗ trợ hơn 30.000 việc làm tại Hoa Kỳ”.

Cả Boeing và Vietnam Airlines chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về thương vụ này. Thỏa thuận giữa hai công ty được Nhà Trắng công bố hôm 10/9.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ năm thế giới vào năm 2022 khi dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19, dự đoán nước này sẽ phục vụ 150 triệu hành khách vận tải hàng không vào năm 2035.

Boeing cũng có thỏa thuận với đối thủ của Vietnam Airlines là VietJet để bán 200 máy bay 737 MAX của hãng này.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm Hà Nội từ ngày 10 tới 11/9, cùng với các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty tận dụng cơ hội đó để củng cố quan hệ đối tác kinh doanh.

Các thỏa thuận khác được Nhà Trắng tiết lộ trong chuyến thăm của ông Biden bao gồm các kế hoạch của Microsoft nhằm tạo ra một “giải pháp dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tổng quát phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi” và Nvidia hợp tác với FPT của Việt Nam, Viettel và Tập đoàn VIC, công ty mẹ của VinFast, về AI.

Các giám đốc điều hành cấp cao của Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing vừa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới & Đầu tư, tháp tùng trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden.

Phía các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài Vietnam Airlines, còn có nhà sản xuất ôtô điện VinFast, tập đoàn viễn thông FPT, công ty nền tảng ví điện tử MoMo, tập đoàn công nghệ và Internet VNG.

Ông Biden nhắc lại tại hội nghị với lãnh đạo doanh nghiệp rằng hai nước đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện toán đám mây, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam rất quan trọng đối với nguồn cung cấp khoáng sản thiết yếu.

Cuộc gặp diễn ra sau sự nâng cấp lịch sử về quan hệ ngoại giao đã được nhất trí hôm 10/9, nhấn mạnh mong muốn của Hoa Kỳ nhằm tăng cường vai trò toàn cầu của Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực sản xuất chip khi Washington đang tìm cách giảm mức độ rủi ro liên quan đến Trung Quốc của ngành này, bao gồm cả xung đột thương mại và căng thẳng về Đài Loan.

Nhà Trắng cũng công bố kế hoạch của Microsoft nhằm tạo ra một “giải pháp dựa trên AI mang tính sáng tạo phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi”.

Tập đoàn Nvidia cũng sẽ hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup, công ty mẹ của VinFast, về AI tại Việt Nam.

Nhà Trắng cũng nhấn mạnh số lượng đầu tư liên quan đến chip của các công ty Mỹ tại Việt Nam, bao gồm cả kế hoạch của Marvell và Synopsys nhằm xây dựng các trung tâm thiết kế chip tại nước này.

Một nhà máy mới của Amkor trị giá 1,6 tỷ đôla gần Hà Nội sẽ lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 10.

Giá trị đầu tư này tương đương với nhà máy lắp ráp chip trị giá 1,5 tỷ đôla của Intel ở miền Nam đất nước - nhà máy lớn nhất thế giới của công ty.

Các nguồn tin cho biết đầu năm nay rằng Amkor có thể được mở rộng.

Nhà Trắng cũng cho biết, tập đoàn Honeywell của Hoa Kỳ sẽ hợp tác với một đối tác Việt Nam để triển khai dự án thí điểm phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng pin đầu tiên của Việt Nam.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp, sau đó là các cuộc thảo luận với Tổng thống Biden và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Theo một tuyên bố của Chính phủ, ông Dũng cũng phát biểu tại cuộc họp rằng ông hy vọng các công ty Việt Nam có thể mở rộng ở Hoa Kỳ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.


Dân gốc Việt nói gì về chuyến thăm Hà Nội của Biden?


(Hình: Người Mỹ gốc Việt biểu tình đòi tự do cho Việt Nam trước Tòa Bạch Ốc)

-Ông Long Nguyễn, ở Anaheim, cho rằng đây là điều có lợi cho Việt Nam và đã đến lúc Mỹ phải có sự hiện diện ở khu vực biển Đông.

“Không làm vậy thì Mỹ sẽ mất nhiều đồng minh ở Đông Nam Á. Đây cũng là cách Mỹ trấn an Đài Loan cũng như những đồng minh quanh cùng. Nếu Mỹ chính thức tuyên bố tăng cường quan hệ bang giao với Việt Nam thì dĩ nhiên đây là điều tốt cho Việt Nam,” ông Long nói.

Ông Quân Nguyễn, ở Westminster, cho rằng điều này là tốt, còn chuyện chống Cộng tạm gác qua một bên.“Được như vậy thì tôi mừng cho Việt Nam. Có Mỹ, Việt Nam sẽ bớt bị ăn hiếp trên chính trường Đông Nam Á. Tôi nghĩ chuyện tranh chấp Quốc Cộng nên tạm dẹp qua một bên để lo chống lại ngoại xâm. Chuyện trong nhà để mai mốt ‘xử’ sau,” ông Quân nói.

Đảng Việt Tân, một trong những tổ chức chính trị lâu đời trong cộng đồng người Việt hải ngoại, cũng đồng ý đây là cơ hội thuận lợi và đất nước và dân tộc Việt Nam và “chỉ có người dân Việt Nam mới có quyền quyết định đến vận mệnh tương lai của dân tộc.”

Đảng Việt Nam nêu quan điểm qua một thông cáo báo chí có tựa đề “Quan điểm của Đảng Việt Tân: Nâng quan hệ Việt-Mỹ để đổi mới Việt Nam” trong đó có hai đoạn sau đây.

– Việc nâng cấp ngoại giao với Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây trong lúc này mang nhiều yếu tố chiến lược. Việt Nam cần gia tăng quan hệ với Hoa Kỳ để thúc đẩy hợp tác an ninh, gia tăng trang bị quân sự chống lại sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông và bảo toàn sự ổn định trong vùng. Ngoài ra, Việt Nam cần sự hỗ trợ của thế giới để áp lực Trung Quốc đòi lại quần đảo Hoàng Sa và các hòn đảo tại Trường Sa bị Trung Quốc đánh chiếm phi pháp.

– Sự hợp tác của Hoa Kỳ nhằm giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế tập trung vào công nghệ, đổi mới giáo dục và phát triển lực lượng lao động là cơ hội hi hữu tạo những bước đột phá cho Việt Nam. Trong bối cảnh mới của thế giới hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có triển vọng thay thế Trung Quốc về chuỗi cung ứng cho nhu cầu nhân công và lao động.

Tuy nhiên, cũng vẫn có những người cho rằng chuyện này không tốt cho người Việt Nam.

“Tự nhiên Mỹ tăng cường bang giao với Việt Nam thì chuyện nhân quyền trong nước coi như bỏ đi. Mỹ chỉ nghĩ đến cái lợi kinh tế của họ trong việc tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông mà bất chấp mọi chuyện khác,” bà Nguyễn Chuyên Cần, ở Garden Grove, nói. “Như vậy là dân trong nước sẽ tiếp tục bị thẳng tay đàn áp rồi.”

Ông Nam Lộc, chuyên gia di trú kiêm chuyên gia “giải cứu” người Việt tị nạn Cộng Sản, phát biểu ngắn gon: “Mỹ chỉ làm gì có lợi cho họ thôi, tốt xấu mặc bây.”

Bà Lisa Lam Hoàng, ở Santa Ana, nói: “Phải chi ông Trump làm chuyện này thì dân mình còn có tiếng nói chứ ông Biden yếu quá, sức mấy mà dám đòi hỏi nhân quyền cho mình.”

Bà thêm: “Thế lực kinh tế yếu, ông Biden sẽ để Cộng Sản Việt Nam thao túng, tham nhũng và người dân vẫn tiếp tục bị áp bức vì Mỹ chỉ lo cho quyền lợi Mỹ thôi.”


Việt Nam bí mật mua $8 tỷ vũ khí Nga trước khi Biden đến Hà Nội


(Hình: Hỏa tiễn phòng không của Nga tại cuộc triển lãm vũ khí ở Hà Nội hồi Tháng Mười Hai, 2022)

-Hà Nội rất ranh mãnh khi nhảy múa với các cường quốc thế giới. Nhưng việc theo đuổi mua sắm vũ khí Nga sẽ làm giảm khả năng tiếp cận của Việt Nam với Mỹ. Đồng thời nó cho thấy những rủi ro của chính sách đối ngoại của Mỹ buộc những nước khác phải lựa chọn “hoặc ta hay nó.”

Việt Nam bí mật mua một số lượng vũ khí của Nga trị giá $8 tỷ trong kế hoạch cải tiến quân sự bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.

Nhật báo The New York Times (NYT) tiết lộ thông tin này trong bản tin ngày 9 Tháng Chín, chỉ một ngày trước khi ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, đến Việt Nam thăm viếng và dự trù ký thỏa hiệp nâng mối quan hệ song phương giữa hai kẻ cựu thù từ “Đối tác toàn diện” lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện.”

Tổng Thống Biden đến Hà Nội vào hôm 10 Tháng Chín, để tán dương khả năng tăng thêm một người bạn nữa vào trong liên minh mà ông hy vọng hòa nhịp với các lợi ích của Mỹ thay vì của Nga và Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của ông Biden, hai nước sẽ nhấn mạnh cam kết “gia tăng hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở khu vực,” theo bản tuyên bố của Tòa Bạch Ốc.

Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, dự trù gặp ông Joe Biden để nâng cấp mối quan hệ chiến lược. Bù lại, Washington làm ngơ các vụ đàn áp nhân quyền ngày càng tệ hại tại Việt Nam.

Trong khi Hà Nội và Washington thúc đẩy mối quan hệ gần lại với nhau những tháng gần đây, Việt Nam lại đang bí mật mua vũ khí của Nga bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, theo một tài liệu nội bộ của nhà cầm quyền Việt Nam.

Tài liệu của Bộ Tài Chính Việt Nam đề Tháng Ba mà nội dung được một số cựu viên chức hay đương chức của chế độ kiểm chứng, trình bày cách làm thế nào hiện đại hóa quân đội bằng cách bí mật chuyển tiền mua sắm vũ khí xuyên qua liên minh dầu khí Việt Nam-Nga ở Siberia. Văn bản, do một thứ trưởng Tài Chính ký, lưu ý rằng Việt Nam đàm phán hợp đồng mua vũ khí mới với Nga nhằm “củng cố niềm tin chiến lược” tại giai đoạn “Nga đang bị các nước Tây Phương cấm vận mọi mặt.”

Theo NYT, đối với Việt Nam, việc mua sắm vũ khí Nga có cái lý của nó. Từng là một trong 10 nước nhập cảng vũ khí hàng đầu thế giới, lâu nay Việt Nam tùy thuộc vào các loại vũ khí Nga. Mỹ từng đe dọa trừng phạt bất cứ nước nào mua vũ khí Nga nên đã phá hỏng kế hoạch cải tiến trang bị quân sự của Việt Nam khiến cho khả năng đối phó với lực lượng Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông trở nên yếu thế hơn.


Nhưng khi vẽ ra một kế hoạch bí mật mua trang bị quốc phòng của Nga, Việt Nam lại bước vào trung tâm của cuộc cạnh tranh an ninh quốc phòng lớn hơn vốn chìm đắm trong “chính trị chiến tranh lạnh” và cuộc chiến sôi bỏng đang diễn ra tại Ukraine hiện nay.

Giới chức ngoại giao Mỹ không trả lời NYT khi đề nghị bình luận về triển vọng thương vụ Việt Nam mua sắm vũ khí Nga. Hà Nội rất ranh mãnh khi nhảy múa với các cường quốc thế giới. Nhưng việc theo đuổi mua sắm vũ khí Nga sẽ làm giảm khả năng tiếp cận của Việt Nam với Mỹ. Đồng thời nó cho thấy những rủi ro của chính sách đối ngoại của Mỹ buộc những nước khác phải lựa chọn “hoặc ta hay nó.”

Ông Ian Storey, một phân tích gia tại Viện Nghiên Cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore và là tác giả một quyển sách sắp xuất bản về quan hệ giữa Nga với các nước ASEAN, nói rằng: “Tôi cảm thấy trong một cách nào đó nước Mỹ có những kỳ vọng không thực tế đối với Việt Nam. Tôi không biết chắc chắn là Mỹ hiểu mức độ nhạy cảm đến đâu về mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như quan hệ của Việt Nam với Nga sâu xa thế nào. Hiểu sai những điều đó có thể đốt cháy Mỹ.”

Văn bản của Bộ Tài Chính Việt Nam đưa ra chi tiết làm thế nào Bộ Quốc Phòng có thể trả tiền mua vũ khí Nga. Để qua mặt sự giám sát của Mỹ, tiền mua vũ khí Nga được chuyển khoản trong sổ sách của liên doanh giữa Việt Nam và Nga là Rusvietpetro. Liên doanh này đang có hoạt động khai thác dầu khí ở phía Bắc nước Nga.

Hai tháng sau khi Bộ Tài Chính Việt Nam viết tài liệu trên để lưu hành nội bộ, ông Dmitri Medvedev, cựu tổng thống và cựu thủ tướng Nga và nay là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Nga, lặng lẽ tới Hà Nội. Báo chí tuyên truyền Việt Nam chỉ viết sơ sài về chuyến thăm của ông Medvedev nhưng một số chức sắc Việt Nam cho hay ông tới Hà Nội để “chốt” thương vụ quốc phòng.

Một viên chức Việt Nam cho hay thỏa hiệp mua vũ khí Nga trị giá $8 tỷ với tín dụng kéo dài 20 năm. Từ khi Nga xâm lăng Ukraine đầu năm ngoái, Việt Nam không bỏ phiếu lên án Nga ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, rồi lại cũng không bỏ phiếu loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Tại cuộc hội thảo về an ninh quốc phòng ở Moscow tháng trước, ông Sergei Shoigu, bộ trưởng Quốc Phòng Nga, cho hay Việt Nam thích hợp nhất cho các loại vũ khí mới nhất của Nga.

Mỹ từng nhiều lần thuyết phục Việt Nam đi ra khỏi quỹ đạo của Nga. Năm 2016, Tổng Thống Barack Obama của Mỹ đến Hà Nội tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Dù không ai dự trù Việt Nam mua ngay các máy bay chiến đấu Mỹ, rõ ràng Hà Nội sẽ được đền bù khi trở thành hàng rào hữu ích chống lại Trung Quốc. Việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ giúp cho những đồng minh như Nam Hàn bán các loại vũ khí tân tiến của họ cho Việt Nam dễ dàng hơn.


Nguy To! Tập Cận Bình Trước Cơn Bão Lửa Thế Giới!


-Khắp nơi nơi, lãnh tụ Trung Quốc dường như đang hứng nhiều lửa đạn. Trên bình diện quốc tế, chủ tịch Tập Cận Bình phải đương đầu với thái độ ngày càng cứng rắn và sự đồng thuận chống Bắc Kinh tại phương Tây, cũng như sự rạn nứt quan hệ của nước này với các cường quốc khu vực và láng giềng. Trong nước, Tập chủ trì một nền kinh tế Trung Quốc riệu rã dần. Môi trường tăng trưởng kinh tế chậm lại, xung lực tăng trưởng kinh tế ngắn ngủi hậu dịch bệnh chóng tàn và các nhà phân tích đã chỉ ra các căn nguyên đang hủy hoại các viễn cảnh xán lạn tương lai của Trung Quốc. Tập và tay chân thủ hạ của ông ta đang vật vã giải quyết các thách thức mới do nền kinh tế già cỗi Trung Quốc. Dân số trong nước vừa tụt giảm vừa lão hóa và các câu hỏi hiển hiện trước mắt về năng suất tiềm năng của một lực lượng lao động đang già cỗi. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao tới mức chính phủ đã ngưng công bố dữ liệu liên quan trong hè này. Kinh tế Trung Quốc từng được ví như động mạch chủ của thế giới – và nước này vẫn là một gã khổng lồ trong nền mậu dịch toàn cầu – nhưng một cảm thức trì trệ đang ngàyhằn sâu, một điều có thể được chứng kiến trong dữ liệu kinh tế vĩ mô cũng như thái độ lạc quan ngày càng tàn tạ ở một thế hệ trẻ chỉ biết các giai đoạn bùng nổ tăng trưởng.

Nhà nước độc đảng Trung Quốc không thể tái hiện các gói kích cầu khổng lồ cho các dự án cơ sở hạ tầng và các công trình bất động sản, vốn đã đưa Trung Quốc thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cho phép Tập và các đồng chí của ông ta khoe mẽ tính ưu việt của mô hình Trung Quốc so với các nền dân chủ phương Tây bị cuộc khủng hoảng dập tả tơi. Đúng 15 năm sau đó, các vết thương từ các đợt phong tỏa khắc nghiệt về dịch bệnh vẫn còn mưng mủ và lĩnh vực bất động sản hứng thêm sức ép cảnh nợ nần vì tiền mặt bị thắt chặt hơn và một số nhà công ty bất động sản hàng đầu đang ngấp nghé trên bờ vực phá sản

Người ta đưa ra lập luận, chính kiểu cai trị ngày càng độc đoán của Tập áp lên toàn thể xã hội đã khiến cho tình hình càng thêm tồi tệ. “Việc chính phủ theo đuổi chính sách kiểm soát toàn diện đã đưa đất nước bước vào quỹ đạo tăng trưởng chậm hơn đồng thời tạo nên vô số mầm móng bất mãn”, Johnson, một thành viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đồng thời là nhà quan sát Trung Quốc lâu lăm nhận xét.

Thế giới cũng phải hứng chịu sự ảnh hưởng nặng nề. “Sự giảm tốc gần đây đã thể hiện một bước dịch chuyển về hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc”, David Lynch, đồng nghiệp của tôi giải thích. “Trong suốt nhiều năm, thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc đã vẫy gọi các tập đoàn đa quốc gia bằng lời hứa hẹn kiếm lợi nhuận khủng. Và không chóng thì chày nó sẽ vượt qua Hoa Kỳ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Nhưng hiện thời, “viễn cảnh này kém tươi sáng hơn”, Lynch viết, Trung Quốc đã trình diễn một hiệu suất chậm lụt thê thảm trong quý 2 chiếu theo xung lực bức tốc nền kinh tế của nó trong ba thập niên qua.

Đây không phải là sự lóe sáng, khi Bắc Kinh dự báo một cơn gió mạnh địa chính trị thổi theo hướng ngược lại. Nhân chuyến công du sang Trung Quốc tuần rồi, Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo cảnh báo sự bất định trải khắp, bị thổi bùng do các hành động cứng rắn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đang biến Trung Quốc thành nơi ‘không thể đầu tư” trong con mắt các nhà đầu tư Mỹ.

“Trung Quốc cần nhìn nhận thực tế họ không còn trông cậy vào thị trường trong nước khổng lồ của họ là lý do thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài”, Naomi Wilson, phó chủ tịch chính sách, Châu Á và thương mại toàn cầu tại Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Viễn thông, nói với đồng nghiệp Meaghan Tobin của tôi. “Thậm chí đối với cả các công ty Trung Quốc từng nỗ lực di dời nhà máy ra khỏi đại lục”.

Theo các khảo sát gần đây cho thấy, phần lớn công luận toàn cầu tỏ rõ thái độ tiêu cực về đà ảnh hưởng của Trung Quốc trên bình diện quốc tế, kể cả một số quốc gia có thu nhập trung bình bên ngoài phương Tây. Tại Châu Á, Hoa Kỳ ngày càng được hậu thuẩn bởi một mạng lưới gồm các đồng minh và các đối tác với các nước láng giềng Trung Quốc, được tiếp thêm sức mạnh bởi các lo ngại về hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Động thái đó khiến Trung Quốc rất tức tối vì cho rằng, các nước đó – thay vì phẫn nộ vì các hành vi mà họ xem là thể hiện thói bá quyền quá đáng của Mỹ – lại hiện hữu một mối đe dọa cho sự ổn định và trật tự. Nhưng Bắc Kinh dường như lực bất tòng tâm. Trung Quốc, mới đây cho công bố một tấm bản đồ tuyên bố ngang ngược ôm trọn một phần lãnh thổ của các nước láng giềng, gồm cả Ấn Độ, đã dấy lên một tranh cãi ngoại giao dữ dội với New Delhi, đến mức Trung Quốc tuyên bố ông Tập sẽ không dự cuộc họp các nền kinh tế hàng đầu thế giới G-20 được tổ chức vào tuần này tại thủ đô Ấn Độ.

Cách tiếp cận hiện giờ của Tập đã thể hiện khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa ngày càng cứng rắn của ông. Tầm nhìn một thập niên trước giờ chỉ là ảo ảnh, khi đó một số chuyên gia đã hình dung giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ lèo lái nền kinh tế đất nước vì một tương lai tự do hơn, thiên về thị trường hơn. Thay vào đó, Tập Cận Bình không màng đến sự thịnh vượng của dân tộc mình , bắt tay vào các đợt thanh trừng và trấn áp triệt để, các đối tượng bị nhắm đến là nhóm tinh hoa chính trị và những người hoạt động trong lĩnh vực tư nhân của Trung Quốc.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đã tổn thất hàng tỷ đô la giá trị trong những năm qua. Các nhà kỹ trị xuất sắc nắm giữ các cương vị quan trọng bị ông Tập thay thế bằng các nhân vật dễ bảo. Các quản lý và cac người đứng đầu doanh nghiệp tại các công ty do nhà nước vận hành buộc phải nghiên cứu và thấm nhuần các giá trị trong “Tư tưởng Tập”, phải tuân thủ các chủ thuyết có từ thời Mao. Về phần mình, ông Tập xem sự tập quyền và kiểm soát là mục đích tối thượng. Điều này phản ánh yếu điểm của ông Tập. “Sở dĩ Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình được hưởng tiếng thơm đời đời vì thành quả cách mạng và là cha đẻ của nước ‘Trung Quốc Mới’, Tập không có tính chính danh cá nhân độc lập với Đảng Cộng Sản, “Chun Han Wong, tác giả “Party of One: The Rise of Xi Jinping and China’s Superpower Future (tạm dịch: Đảng Một người: Sự trỗi dậy của Tập Cận Bình và tương lai siêu cường của Trung Quốc)”, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Quyền cai trị của ông gắn bó chặt chẽ với tính chính danh của đảng, và quyền lực của ông không thể tách rời cổ máy chính trị của đảng”.

Nhưng tốt cho đảng không có nghĩa là tốt cho đất nước. “Vấn nạn kinh tế gần đây một phần nguyên do tiến trình sơ cứng chính trị và cứng nhắc về ý thức hệ”, Johnson viết trong bài xã luận trên tạp chí Foreign Affairs. “Đối với những người theo dõi sát tình hình đất nước trong vài thập niên qua, khó bỏ qua tín hiệu của một chủ nghĩa nhà nước quốc gia mới hoặc cái mà người dân Trung Quốc gọi là neijuan. Từ thường được dịch là ‘cách mạng’ mộng tưởng những thứ viễn vong không có thực”.

Tình trạng khó chịu này có thể tác động sâu rộng trong những năm sau.

“Cho đến nay chưa ai là đối thủ chính trị [Tập], Ling Chen, một trợ lý giáo sư tại Trường Nghiên cứu Tiến bộ Quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, nhận định với đồng nghiệp Christian Shepherd của tôi. “Nhưng sự tăng trưởng kinh tế luôn là yếu tố cốt lõi cho tính chính danh của chế độ và tác động của nó sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng điều hành đất nước của ông ta”.

“Mọi việc luôn tệ hại chậm dần đều cho đến khi mọi việc bung xung”, William Hurst, một giáo sư phát triển Trung Quốc tại Đại học Cambridge nói với Reuters, cảnh báo các cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng sắp tới có lẽ sẽ gây ra các hậu quả khôn lường về xã hội và chính trị. “Rồi tới lúc sẽ phải tính sổ một lần cho xong”.


TNS Lankford trình dự luật ngăn ĐCSTQ phá hoại hệ thống giáo dục Hoa Kỳ
(Anh Nguyễn)


(Hình: Thượng nghị sĩ James Lankford (Đảng Cộng hòa, Oklahoma)

-Thượng nghị sĩ James Lankford (Đảng Cộng hòa, Oklahoma) đã đưa ra một dự luật mới nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng của chế độ Cộng sản Trung quốc khỏi hệ thống giáo dục K-12 (mẫu giáo đến lớp 12) và giáo dục đại học.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực làm suy yếu và thách thức Hoa Kỳ – không chỉ trên quốc tế, mà cả trên chính đất nước chúng ta. Họ đang len lỏi vào hệ thống giáo dục của chúng ta tại bậc đại học và bậc giáo dục phổ thông để gây mất ổn định, đưa thông tin sai lệch, đánh cắp thông tin, và tuyên truyền”, ông Lankford cho biết trong một tuyên bố hôm 5/9 về luật của mình.

Vị thượng nghị sĩ này nói rằng vẫn là chưa đủ khi “những kết nối nguy hiểm” giữa các trường đại học Hoa Kỳ và các viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ bị vạch trần.

“ĐCSTQ đã đang dùng những mối quan hệ này để đánh cắp sáng kiến của Hoa Kỳ và gây ảnh hưởng chính trị lên sinh viên, giảng viên và gia đình của họ”, ông Lankford nói.

“Nhưng họ đang tìm các cách thức mới để can dự ác ý vào những trường học của chúng ta, từ giáo dục phổ thông đến bậc cao đẳng và đại học. Những trường học này thường có mối liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ qua các hợp đồng. Dự luật của tôi đảm bảo chúng ta sẽ đưa ĐCSTQ ra khỏi các lớp học và ngăn họ tiếp cận với những thông tin nhạy cảm về an ninh quốc gia”, ông Lankford nói tiếp.

Dự luật của TNS Lankford

Dự luật với tên gọi Đạo luật Chống lại mối quan hệ đối tác thù địch và độc hại tại các trường đại học và trường học (CAMPUS) sẽ yêu cầu giám đốc tình báo quốc gia hàng năm phải báo cáo cho Quốc hội danh sách các tổ chức giáo dục đại học “có trụ sở tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” mà cung cấp hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc, được biết với tên chính thức là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Theo dự luật, các trường cao đẳng và đại học Trung Quốc tham gia chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự (MCF) của Bắc Kinh, cũng như những trường tham gia vào lĩnh vực quốc phòng, được coi là đang hỗ trợ PLA.

Dự luật cho biết: “Không khoản tiền nào được phép phân bổ hoặc cung cấp cho Bộ Quốc phòng để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá có thể được cung cấp cho một thực thể duy trì hợp đồng với một tổ chức” có tên trong danh sách nêu trên mà giám đốc tình báo quốc gia gửi Quốc hội hàng năm.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ (pdf), chính quyền Trung Quốc thực hiện chiến lược MCF của mình một cách “bí mật và không minh bạch”, bao gồm hành vi trộm cắp, có ý định chiếm đoạt tài sản trí tuệ và nghiên cứu quan trọng thông qua công dân, nhà nghiên cứu, học giả và ngành công nghiệp tư nhân trên toàn thế giới. Dưới chiến lược này, chế độ Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được các công nghệ tiên tiến – bao gồm trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và điện toán lượng tử – để đạt được ưu thế quân sự.

Dự luật cũng nghiêm cấm Bộ Giáo dục Mỹ tài trợ cho các trường phổ thông hợp tác với các thực thể có liên kết với PLA.

Ngoài ra, dự luật sẽ trao quyền cho bộ trưởng ngoại giao có thể chọn “từ chối đơn xin thị thực cho người không nhập cư” liên quan đến việc hỗ trợ quân đội Trung Quốc.

Trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của ĐCSTQ tới những trường học Hoa Kỳ, ông Lankford khuyến khích các trường học nên hợp tác với Đài Loan, ông đề cập thông qua dự luật của mình.

“Bộ trưởng Giáo dục được ủy quyền cung cấp các khoản tài trợ cho các trường ‘mẫu giáo đến lớp 12’ và các tổ chức giáo dục đại học để hỗ trợ tiếp cận chương trình giảng dạy tiếng Quan Thoại và văn hóa Trung Quốc tại Hoa Kỳ với sự hợp tác giữa Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ”, dự luật viết.

Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan trên thực tế là Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Đài Loan. Hiện tại, Hoa Kỳ và Đài Loan không phải là đồng minh ngoại giao chính thức; hai bên đã đang cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thứ kể từ khi Washington thay đổi sự công nhận ngoại giao theo hướng có lợi cho Bắc Kinh vào năm 1979. Tuy nhiên, Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan để cung cấp cho hòn đảo này những vũ khí cần thiết để tự vệ.

Sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các lớp học Hoa Kỳ

Ông Lankford, thành viên của Ủy ban Tình báo và Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ Thượng viện, là một trong số các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã viết thư cho Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona sau một báo cáo vạch trần sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các lớp học “mẫu giáo đến lớp 12” ở Hoa Kỳ.

Báo cáo được công bố vào tháng Bảy bởi nhóm hoạt động Phụ huynh Bảo vệ Giáo dục, cho thấy ĐCSTQ đã tài trợ cho các chương trình giảng dạy tiếng Trung tại 143 học khu trên 34 tiểu bang và Quận Columbia. Các học khu đã nhận được hơn 1,7 triệu USD tài trợ từ Trung Quốc kể từ năm 2009.

Trong bức thư, ông Lankford và các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác đã yêu cầu ông Cardona thực hiện một cuộc kiểm toán toàn quốc để xác định “có bao nhiêu nguồn tài trợ từ các chính phủ thù địch nước ngoài đã chảy vào các trường ‘mẫu giáo đến lớp 12’ của Mỹ”.

Bức thư viết:

“ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh nước Mỹ hiện nay. Sự can thiệp của ĐCSTQ vào hệ thống giáo dục phổ thông càng chứng tỏ chính phủ Trung Quốc sẵn sàng mở rộng ảnh hưởng và quảng bá chế độ độc tài của mình”.

“Chúng ta không thể ngồi yên và cho phép ĐCSTQ mở rộng hoạt động tuyên truyền này. Phụ huynh xứng đáng được minh bạch và các nhà hoạch định chính sách phải biết mức độ của vấn đề để chúng ta có thể tìm ra giải pháp bảo vệ cho cả học sinh và an ninh quốc gia của chúng ta.”

Các thượng nghị sĩ muốn ông Cardona trả lời trước ngày 8 tháng 9 về việc liệu ông có cam kết thực hiện cuộc kiểm toán đó hay không.


Việt Nam Hôm Nay:
Bộ Chính trị Đảng CSVN Đề Nghị Kỷ Luật Bí Thư Bến Tre Lê Đức Thọ


(Hình: Ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.)

-Vào ngày 8/9/2023, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre, ông Lê Đức Thọ, bị Bộ Chính trị Đảng CSVN đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật do không trung thực, không minh bạch về nguồn gốc tài sản sở hữu.

Truyền thông nhà nước loan tin trong cùng ngày dẫn đề nghị vừa nêu tại cuộc họp Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng CSVN dưới sự chủ trì của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội.

Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương (Uỷ ban Kiểm tra) đảng CSVN Khóa 13 họp kỳ thứ 31 kết luận ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của tổ chức trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; không trung thực trong giải trình nguồn gốc và biến động tài sản…

Những vi phạm của ông Lê Đức Thọ bị cho mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm gây hậu quả rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Lê Đức Thọ, trước khi được đưa về Bến Tre làm Bí thư tỉnh ủy hồi tháng 7/2021, có 3 năm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam.


Thái Nguyên: Hoãn Phiên Tòa Xử 33 Người Trong Vụ Khai Thác Hơn Ba Triệu Tấn Than Trái Phép


(Hình: Các bị cáo tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên vào ngày 8/9/2023.)

-Vào ngày 8/9/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên phải quyết định hoãn phiên Tòa Sơ thẩm xét xử 33 người trong vụ án khai thác hơn 3 triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào sáng ngày 8/9 đã phải hoãn lại sang ngày 9/10/2023 vì lý do vắng mặt mộ số Luật sư bào chữa cho bị cáo và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong số những người bị đưa ra xét xử có các cựu viên chức ở Thái Nguyên bao gồm: Nguyễn Thanh Tuấn, cựu Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Thế Giang, cựu Phó Giám đốc; Cao Sĩ Linh, chuyên viên Phòng Khoáng sản; Lại Trung Hiếu, Phó Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên. Những người này bị cáo buộc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, cùng hai cấp dưới là Đỗ Huy Cương, Nguyễn Văn Phong (cựu Trưởng phòng và Phó phòng Kỹ thuật An toàn Môi trường) bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, lợi dụng việc Công ty cổ phần Yên Phước được cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông-Bắc Hải Dương do hai anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang góp vốn, đã cấu kết với Linh, đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất vượt nhiều lần trữ lượng được cấp phép.

Theo cáo trạng được truyền thông trong nước trích đăng, vụ án xảy ra từ tháng 6/2018 đến tháng 8/2021. Các bị cáo đã khai thác tổng khối lượng hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, trong khi sản lượng được cấp phép chỉ hơn 136 ngàn tấn.

Điều tra của công an xác định, tổng số tiền thu lợi bất chính của hai nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông-Bắc Hải Dương là hơn 375 tỉ đồng.


Lãnh Đạo Chi Cục Thú Y Vùng VI và Trạm Kiểm Dịch Động Vật Cảng-Bưu Điện Bị Khởi Tố Về Tội “Nhận Hối Lộ”


(Hình: Văn phòng Chi cục Thú y vùng VI, phường 4, quận Tân Bình, Sài Gòn.)

-Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp. HCM hôm 31/8/2023 đã khởi tố vụ án hình sự “Buôn lậu”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, khởi tố 12 người trong vụ án nhập cảng trái phép hàng hóa.

Công thông tin điện tử Bộ Công an hôm 8/9 có thông báo cho biết, vào ngày 25/8 vừa qua, Công an Tp. HCM khai triển kiểm tra đối với hai lô hàng gồm 10 container bột hồng cầu heo có xuất xứ từ Pháp (là mặt hàng không đủ điều kiện nhập cảng về Việt Nam) với khối lượng 117.630kg, giá trị 3.252.825.000 đồng qua cảng container quốc tế SP-ITC do Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất-nhập cảng dinh dưỡng Hoàng Sa làm thủ tục thông quan.

Cũng theo Bộ Công an, bộ hồng cầu bị phát giác ở 10 container được sản xuất tại cơ sở sản xuất VAPRAN SAS của Pháp, được Công ty Hoàng Sa (do Trần Nguyên Bình và Đỗ Thùy Nhung làm chủ) ký hợp đồng mua bán với Công ty CERESOS PTE LTD nhập cảng về, sau đó làm giả giấy chứng nhận kiểm dịch (H/C) của Pháp; thông đồng với cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Cảng-Bưu điện và Chi cục Thú y vùng VI để cho ra kết quả kiểm dịch đủ điều kiện để làm thủ tục thông quan.

Bộ hồng câu, bột xương bò, cừu…. ở các nước Âu Châu hiện bị cấm nhập cảng vào Việt Nam vì các quốc gia Âu Châu từng có dịch bò điên và vẫn còn nguy cơ dịch bệnh.

Các bột này được nhập cảng trái phép về Việt Nam để bán cho các xưởng, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, nhằm thu lợi bất chính, theo kết luận điều tra từ công an.

Trong số 12 người bị khởi tố có 7 người thuộc Công ty Hoàng Sa (Trần Nguyên Bình, Đỗ Thùy Nhung về tội “Đưa hối lộ” và “Buôn lậu”; Đặng Minh Đức, Nguyễn Thị Hiền, Trần Thị Thanh Luyến, Nguyễn Thị Kiều Thi, Huỳnh Văn Thịnh về tội “Buôn lậu”); 5 người thuộc Chi cục Thú y vùng VI (Bạch Đức Lữu – Chi Cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI, Lý Hoài Vũ – Chi cục phó, Trần Trung Nhân –Trạm phó Trạm Kiểm dịch động vật cảng-bưu điện, Nguyễn Minh Thành - Trạm phó Trạm Kiểm dịch động vật cảng-bưu điện, Nguyễn Văn Trung – kiểm dịch viên về tội “Nhận hối lộ”).

Theo kết luận điều tra của công an, ông Trần Trung Nhân –Trạm phó Kiểm dịch động vật cảng-bưu điện – đã nhận tiền hối lộ từ lãnh đạo Công ty Hoàng Sa. Số tiền nhận được, ông Nhân chia cho ông Bạch Đức Lữu 4,6 tỉ đồng; ông Lý Hoài Vũ 3,2 tỉ đồng; chia cho các kiểm dịch viên 3,3 tỉ đồng; cá nhân ông Nhân hưởng lợi 1,9 tỉ đồng.


Tòa Kháng Nghị Huỷ Hai Bản Án Vụ Cựu Tử Tù Liên Khui Thìn Đòi Tài Sản



(Hình: Ông Liên Khui Thìn.)

-Tòa án Nhân dân Tối cao kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án liên quan đến cựu tử tù Liên Khui Thìn đòi tài sản, theo hướng huỷ 2 bản án Sơ thẩm và Phúc thẩm vì cho rằng, “thiếu người tham gia tố tụng”.

Truyền thông nhà nước trong ngày 8/9 loan, Tòa án Nhân dân Tối cao vừa có quyết định số 08/2023 kháng nghị và tạm đình chỉ thi hành bản án kinh doanh thương mại Phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Tp. HCM cho đến khi có quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Về lý do kháng nghị, quyết định của Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định ông Liên Khui Thìn khởi kiện yêu cầu hủy các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi từ lần thứ nhất đến lần thứ tám của công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Tây Sơn (viết tắt Công ty Tây Sơn) nhưng tòa án cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm không đưa công ty Tây Sơn vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là xác định thiếu người tham gia tố tụng, vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 68 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Ngoài ra, hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại này không có tài liệu, chứng cứ về việc ông Thìn chuyển nhượng tòa bộ phần vốn góp cho bà Nguyễn Thị Tuyết Mai hay việc Công ty Tây Sơn mua lại toàn bộ phần vốn góp của ông Thìn cũng như về việc giảm vốn điều lệ của công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999.

Vào tháng 6/2021, ông Liên Khui Thìn gửi đơn tố cáo các cá nhân lợi dụng thời gian ông chấp hành án phạt tù đã chiếm đoạt tài sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn EPCO, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Khánh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Long.

Trong đơn khởi kiện, ông Thìn đòi lại phần vốn góp 50% vốn điều lệ và tài sản tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tây Sơn, gồm: Biệt thự số 198 Võ Thị Sáu (quận 3, Sài Gòn) có diện tích 1.704 mét vuông; khu dự án du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy mô 3 hecta.

Tại phiên Phúc thẩm hồi tháng 6/2022, Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn.

Ông Liên Khui Thìn từng là Giám đốc, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Epco. Năm 1997, ông bị bắt tạm giam, sau đó cùng ông Tăng Minh Phụng bị tuyên án tử hình vì chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của các ngân hàng.

Sau thời gian thụ án, ông Thìn được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân. Năm 2008, ông Thìn tiếp tục được xét giảm án còn 20 năm. Ngày 2/9/2009, ông Thìn được đặc xá.


Tây Ninh: Bắt Giam 6 Người Thuộc Các Công Ty Đăng Kiểm Về Tội Đưa và Nhận Hối Lộ


(Hình CAND, minh họa.)

-Sáu người thuộc các công ty đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm và Sở Giao thông-Vận tải Tây Ninh vừa bị bắt giữ và khám xét nơi làm việc, chỗ ở vào ngày 7/9 vừa qua với cáo buộc hành vi đưa và nhận hối lộ. Truyền thông nhà nước loan tin này hôm 8/9/2023 theo xác nhận từ ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh.

Trước đó, vào ngày 2/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an tỉnh Tây Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, xảy ra từ năm 2020 đến năm 2022 tại Công ty Cổ phần đăng kiểm Tây Ninh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xe hơi Tây Ninh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn cải tạo xe cơ giới Tây Ninh.

Những người bị bắt bao gồm: Văn Công Phong (Giám đốc Công ty Cổ phần đăng kiểm Tây Ninh); Văn Công Phú (Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xe hơi Tây Ninh); Nguyễn Thị Lê Vân (Chủ sở hữu Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xe hơi Tây Ninh); Ngô Anh Tuấn (Đăng kiểm viên, phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 7003D, thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh); Lê Bá Phát (Đăng kiểm viên Công ty Cổ phần đăng kiểm Tây Ninh); Nguyễn Phước Vinh (Chuyên viên Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Tây Ninh).

Theo báo Nhà nước, Công ty Cổ phần Đăng kiểm Tây Ninh có 3 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới nhưng hai trong số này đã tạm thời ngừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra.

Từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 6 năm nay, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã khởi tố và bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm với 68 vụ án, theo báo cáo của Bộ Giao thông -Vận tải trước Quốc hội.

Các tội danh để khởi tố được cho biết 1- Môi giới hối lộ; 2- Đưa hối lộ; 3- Nhận hối lộ; 4- Giả mạo trong công tác; 5- Sản xuất, mua, bán, trao đổi hoặc tặng các công cụ thiết bị, nhu liệu điện toán để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; 6- Xâm nhập trái phép vào mạng máy điện toán mạng viễn thông hoặc mạng điện tử của người khác; 7- Che giấu tội phạm”.

Hồi tháng 1 vừa qua, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà và nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình bị bắt giam theo cáo buộc tội “Nhận hối lộ”.


Quảng Trị: Tòa Bác Đơn của Công Ty Ngọc Hưng Kiện Tổng Cục Trưởng Hải Quan


(Hình: Trong “vụ án gỗ trắc” tại Quảng Trị, phía Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Hưng đã khởi kiện Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan để yêu cầu trả lại 59,6 tỉ đồng trong phiên tòa.)

-Hội đồng Xét xử đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng kiện Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị, trong ngày 8/9/2023 được truyền thông loan, đã kết thúc phiên Tòa hành chánh Sơ thẩm xét xử vụ kiện giữa công ty Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) kiện Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan liên quan đến kỳ án buôn lậu gỗ trắc kéo dài nhiều năm qua.

Phiên tòa có sự theo dõi trực tiếp của ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cùng một số đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

Công ty Ngọc Hưng khởi kiện quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan tịch thu số tiền hơn 59 tỉ đồng của công ty này vào ngày 5/11/2019. Đồng thời đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị hủy bỏ quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chánh số 3241 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan; yêu cầu Tổng cục Hải quan trả lại cho công ty số tiền này.

Đại diện Công ty Ngọc Hưng cho rằng số tiền hơn 59 tỉ đồng là tài sản hợp pháp của của Công ty Ngọc Hưng, vì đây là số tiền Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên không có hành vi buôn lậu.

Tang vật của vụ án không thuộc loại hàng hóa bị cấm lưu hành, nên việc Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định tịch thu là không đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, hành vi vi phạm hành chánh đã quá thời hạn xử phạt.

Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử cho rằng Công ty Ngọc Hưng đã có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất cảng, nhập cảng không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động của hải quan. Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định tịch thu hơn 59 tỉ đồng của Công ty này là đúng quy định.


Gia Lai: Uỷ Ban Kiểm Tra Kỷ Luật, Đề Nghị Kỷ Luật Nhiều Cá Nhân, Tổ Chức Đảng


(Hình: Quang cảnh kỳ họp.)

-Trong ngày 8/9/2023, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh uỷ Gia Lai cho truyền thông hay tại kỳ họp lần thứ 36, Uỷ ban đã xem xét kết luận một số nội dung, nhiều cá nhân, tổ chức đảng ở Gia Lai bị kỷ luật. Trong số đó, có những cán bộ đã bị khởi tố, bắt giam.

Tại cuộc họp, Uỷ ban Kiểm tra Gia Lai quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Võ Như Minh Quang - Trưởng phòng Chính sách xã hội, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chánh thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Uỷ ban Kiểm tra cũng thực hiện quy trình xử phạt kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt kỷ luật đối với các ông Nguyễn Tư Sơn - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Trương Quý Sửu - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chánh, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ông Sơn và ông Sửu đã bị cơ quan Công an tỉnh Gia Lai khởi tố bị can để điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, Uỷ ban Kiểm tra Gia Lai đề nghị xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Hồ Văn Điềm - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kỷ luật bà Trần Thị Hoài Thanh - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; bà RCom Sa Duyên - Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh.

Ông Điềm được nói đã thiếu kiểm tra, không phát giác việc kế toán cơ quan là bà Đỗ Thị Thu Hiền, trú tại thành phố Pleiku, chiếm dụng tiền từ Quỹ phòng chống dịch COVID-19 để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Bà Hiền đã bị cơ quan công an tỉnh Gia Lai điều tra về tội “tham ô tài sản”.

Trong cùng ngày 8/9, truyền thông cho biết phiên Tòa Sơ thẩm xét xử nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai Huỳnh Văn Tâm cùng hai thuộc cấp vi phạm gây thất thoát ngân sách hơn 575 triệu đồng, sẽ được mở vào ngày 12/9 tới.

Trong vụ án này, ông Huỳnh Văn Tâm và Nguyễn Đình Trúc (Phó Văn phòng Sở) bị Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại điểm D khoản 2 Điều 219 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 3-12 năm tù;

Riêng Hồ Quang Thi (Kế toán trưởng) bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với khung hình phạt từ 15-20 năm.

Không có nhận xét nào: