Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Bạo loạn 1970 ở Mỹ trầm trọng hơn xa bạo loạn 2020 - TS Nguyễn Tiến Hưng


(Hình ảnh một cô gái trẻ bị sốc, la khóc bên cạnh thi thể một sinh viên bị giết ở Đại Học Kent State)Nhiều người nghĩ là nước Mỹ chưa bao giờ trải qua nhiều biến động và bạo loạn như đang xảy ra. Nhưng thật ra, nhìn lùi lại lịch sử, chúng tôi đã từng thấy những diễn biến còn lớn hơn nhiều. Và sau mỗi lần như vậy, nước này lại tiến lên một nấc nữa về cải tổ xã hội.--Tháng 5/2020: một cảnh sát chận cổ, gây nên một cái chết đau đớn.--Tháng 5/1970: hai mươi chín Vệ binh Quốc Gia bắn 67 lượt đạn, giết chết bốn sinh viên và làm chấn thương chín sinh viên khác, chỉ trong vòng 13 giây. Cả nước Mỹ bàng hoàng. Lập tức, những cuộc biểu tình và bạo động lán rộng. Hơn 4 triệu sinh viên và học sinh khắp nơi đã “đình công” để chống đối, một cuộc bỏ học lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Tới 450 đại học phải đóng cửa.
<!>
Đây là vụ bắn chết sinh viên ở Kent State University (tiểu bang Ohio) vào ngày 4/5/1970, cho nên còn gọi ngày này là “May 4 Massacre.”
Khi bạo loạn lan tới thủ đô Washington thì thành phố này đã giống như một “trại vũ trang” (armed camp), và Lực lượng An Ninh phải đưa TT Richard Nixon tới Camp David hai ngày để cho an toàn.
Chiều chiều khi đi làm về, chúng tôi phải đi vòng thật xa, tránh né khu phố Pensylvania Avenue và Constitution Avenue – trước và sau Tòa Bạch Ốc – rồi qua cầu Key Bridge để về nhà ở Bắc Virginia.
Trong bài trước, chúng tôi không đề cập tới biến cố thật lớn này vì chỉ nhắc lại việc “tổng thống Mỹ điều quân ra phố.” Biến cố ở tiểu bang Ohio thì không phải tổng thống mà do thống đốc điều Vệ Binh tới đại học.
Bối cảnh
Thập niên 1960 là giai đoạn nước Mỹ rơi vào cảnh điêu linh do biểu tình, đập phá, đốt nhà, trộm cướp.
Dư luận thường cho rằng biểu tình thời gian ấy là để chống Chiến tranh Việt Nam – như trong phim The Vietnam War - nhưng trong thực tế, biểu tình và bạo động chống chiến tranh đã đi đôi với phong trào tranh đấu cho nhân quyền và nhiều phong trào khác.
Sau cái chết của Mục sư Luther King, Jr. (bị ám sát ở Memphis, Tennessee ngày 4/4/1968), phong trào biểu tình đã tăng tốc và lan tràn tới nhiều thành phố.
Trong ba năm 1968-1970, một số tổ chức còn kêu gọi bạo động cực đoan, như “Đảng Black Panther” hay “The Weathermen.”
--“Đảng Black Panther” (Black Panther Party -BPP) là một tổ chức cách mạng của một số người Mỹ gốc Phi Châu, được thành lập vào năm 1966. Hoạt động của đảng đạt cao điểm vào vài năm sau đó. Mục đích ban đầu là đi tuần tra các khu phố người da đen ở để bảo vệ cư dân khỏi sự tàn bạo của cảnh sát. Sau đó, đảng phát triển thành một nhóm Marxist, kêu gọi ‘vũ trang tất cả người Mỹ gốc Phi, giải phóng tất cả người da đen ra khỏi nhà tù, và bồi thường cho việc bị khai thác trong nhiều thế kỷ.’ Về mặt xã hội thì đảng tổ chức những bữa ăn sáng miễn phí cho trẻ em và phòng khám y tế.

--“The Weathermen” – còn gọi là The Weather Underground - là một tổ chức thiên tả cực đoan, hiếu chiến. Chủ trương của tổ chức này đã leo thang dần dần tới mức đặt ra mục tiêu chính trị là tạo ra một đảng cách mạng để lật đổ những gì mà họ coi là “chủ nghĩa đế quốc Mỹ.”
Về hai tổ chức này thì TT Richard Nixon đã ghi lại trong Hồi ký The Memoirs of Richard Nixon:
“Tổ chức Weathermen là một chi nhánh của tổ chức “Students for Democratic Society.” Tại buổi họp của ‘Hội đồng Quốc Gia’ của bọn họ vào năm 1969, The Wearhermen đã quyết định bắt đầu một chiến dịch mới cho một cuộc chiến ngấm ngầm (underground warfare), giết cảnh sát và đánh bom.
“Bạo động cách mạng là con đường duy nhất” (Revolutionary violence is the only way) là điểm đã được ghi vào thông cáo đầu tiên của họ. Với khoảng 1.ooo hội viên, ‘Weather Underground’ đã chia ra thành những toán đặc công nổi (secret floating commando-type units).
“Cũng như với The Black Panthers, không có cách nào để biết được bọn họ sẽ tấn công ở đâu và bằng cách nào.”
-- Students for Democratic Society (SDS) ban đầu là một phong trào tranh đấu cho nhân quyền. Nhưng từ năm 1965 khi chiến tranh Việt Nam leo thang thì phong trào lớn mạnh. Nổi tiếng là cuộc biểu tình, tuần hành tại Washington vào tháng 4/1965, ngay sau khi TQLC Mỹ đổ bộ ở Đà Nẵng

Và từ thời gian đó thì phong trào trở nên bạo động, dùng chiến thuật chiếm đóng những tòa nhà Hành Chính tại các đại học trên toàn quốc.

Ở Mỹ có một chương trình cấp học bổng để tuyển quân mà đồng hương Việt Nam rất quen thuộc. Đó là chương trình ROTC (Reserve Officer Training Corps), có trụ sở tại khoảng 1.700 đại học. Học sinh mãn khóa trung học có thể nộp đơn để tham gia: chính phủ cấp học bỗng toàn phần (gồm học phí, sách vở, một số tiền chi tiêu hằng tháng) cho đến khi ra trường. Sau đó phải phục vụ trong quân đội tám năm. Có thể bắt đầu bằng ba (hoặc bốn) năm, rồi phục vụ với tính cách là sĩ quan trừ bị trong những năm còn lại. Đối với các sinh viên phản chiến thời đó thì ROTC đại diện cho quân đội Mỹ hay là “thế lực áp bức”.

Phong trào SDS đã mãnh liệt chống đối chương trình ROTC ở Đại học Kent State. Mùa Thu 1966, SDS tổ chức những vụ “sit-in” để phản đối việc tuyển quân.

Ngày 1/4/1969 có cuộc xung đột giữa cảnh sát và một nhóm SDS tới chiếm cứ tòa nhà Hành Chính của Đại học, đưa ra một danh sách những đòi hỏi.

Rồi xung đột cứ thế leo thang cho tới đỉnh khi có tin về chiến tranh Việt Nam đã tràn sang nước láng diềng.
Biến cố tháng 5/1970: “Kent State Massacre”
Ngày 30 /4/1970 TT Nixon lên TV tuyên bố rằng quân đội Mỹ và VNCH đã đánh sang Campuchia để tấn công trung tâm hoạt động quân sự của Cộng sản ở Nam Việt Nam.
Ngay ngày hôm sau, 1/5/1970 biểu tình bắt đầu ở Đại học Kent (tiểu bang Ohio), rồi bùng nổ khoảng nửa đêm, vào lúc một nhóm người ra khỏi quán bar rượu. Họ ném các chai bia vào xe cảnh sát và cửa số hàng quán ở trung tâm thành phố.
Chuông báo động rung lên khi cửa sổ ở một ngân hàng bị đập nát.
Thị trưởng thành phố Kent tuyên bố tình trạng khẩn cấp, điều dộng tất cả lực lượng cảnh sát của tỉnh và vùng lân cận tới giữ trật tự.
Nhiều viên chức hành chính cao cấp và các doanh nghiệp bị đe dọa. Tin đồn lan ra là những toán cách mạng cực đoan đã có mặt ở Kent để phá hủy thành phố và trường đại học.
Cảnh sát trưởng ở Kent báo cáo rằng theo một nguồn tin khả tín,  thì có tới ba mục tiêu sẽ bị phá hủy: tòa nhà ROTC, Trung tâm Tuyển quân của Lục Quân, và nhà Bưu Điện.
Cũng có tin đồn sinh viên sẽ bỏ chất hóa học LSD (lysergic acid diethylamide - gây ảo giác mạnh) vào nhà máy cấp nước của thành phố.
Trong một cuộc họp báo, Thống đốc Ohio Jim Rhodes đập bàn, cáo buộc sinh viên biểu tình là “un-American,” và là “những người cách mạng đang bắt đầu phá hủy đại học ở Ohio…Họ là loại người tồi tệ nhất mà chúng ta phải chịu đựng ở Mỹ.”
Rồi ông kết luận: “Bây giờ tôi muốn nói điều này: bọn họ sẽ không thể chiếm đóng khuôn viên đại học...chúng ta đang chống lại một nhóm cực mạnh, được đào tạo bài bản, và bạo động chưa từng có ở Mỹ.”
Vệ Binh Quốc Gia nổ súng
Ngày 4/5/1970, một cuộc biểu tình dự định được bắt đầu vào buổi trưa ở Đại học Kent. Ban giám đốc đại học đã cố gắng chận lại, phân phát 12.000 tờ thông báo cho các sinh viên về lệnh hủy bỏ cuộc biểu tình.
Nhưng bất chấp lệnh, từng đoàn đã đến tập trung tại tòa nhà tên là “Commons” của trường đại học.
Tiếng chuông từ Victory Bell rung lên, báo hiệu cuộc biểu tình đã bắt đầu. Chuông này thường chỉ để dùng khi nào đội bóng của Kent thắng cuộc trong mùa footbowl.
Một số quân đội Bộ binh (Infantry) và Kỵ binh Thiết giáp (Armored Cavalry) cùng với Vệ binh Quốc gia Ohio và Cảnh sát của Đại học đã tới để phô trương lực lượng, thuyết phục đám đông.
Một cảnh sát đi xe jeep đọc lệnh thật to: phải giải tán, nếu không thì sẽ bị bắt.
Nghe vậy, đoàn biểu tình ào ạt ném đá vào cảnh sát. Xe jeep phải rút lui.
“Pigs off campus”
Vào khoảng trưa, Vệ Binh trở lại, và một lần nữa, ra lệnh giải tán. Cũng không thành công, nên họ phải dùng tới hơi cay để xử lý. Nhưng vì gió thổi mạnh, hơi cay không có tác dụng.
Lần ném đá thứ hai bắt đầu. Có tiếng hô to: “Những con heo ở đây hãy cút đi” (Pigs off campus).
Các ống khí cay được ném ngược trở lại đoàn quân.
Thế là 77 Vệ binh với lưỡi lê gắn trên súng M1 Garand tiến tới đoàn người biểu tình.
Bất chợt, tiếng súng nổ.
Bên nào bắn trước thì vẫn còn là một vấn đề tranh cãi.
Kết quả là: ít nhất có tới 29 trong số 77 Vệ binh đã xả súng, ước tính tới 67 lượt đạn, giết chết bốn sinh viên và làm chấn thương chín sinh viên khác, chỉ trong vòng 13 giây. Có nguồn tin cho rằng cuộc xả súng đã kéo dài tới một phút hoặc lâu hơn. 
Hình ảnh một cô gái trẻ bị sốc, la khóc bên cạnh thi thể một sinh viên bị giết được tung ra. Cả nước Mỹ bàng hoàng.

Giống như hình ảnh ông George Floyd bị chận cổ chết, nó đã trở nên một biểu tượng, ghi lại một thời nhiễu nhương.
Bạo động lan tới khu vực Washington
Bắt đầu từ Đại Học Maryland ở College Park (nằm trong vành đai Washington): hằng ngàn người biểu tình tới chiếm đóng và phá hoại Tòa nhà Hành chính của Đại học, rồi tiến tới trụ sở ROTC.
Thống đốc Maryland Marvin Mandel điều Vệ binh Quốc gia tới dẹp loạn, nhưng không thành công. Một nhóm người đột nhập vào phòng lưu trữ quân phục ROTC của binh chủng Không Quân, thu lượm quần áo, rồi ném vào đám đông đứng bên ngoài. Có tiếng hô to: "Rotcee must go” – những kẻ tuyển quân phải ra đi.

Trên tầng hai của tòa nhà, bàn ghế trong phòng hành chính của ROTC bị lật ngược, các hồ sơ bị vứt tung toé.

Cảnh sát mang dùi cui, hơi cay và chó để đối đầu với đoàn người biểu tình mang gạch, đá, và chai lọ đang tiến dần tới Quốc Lộ 1 để cản trở giao thông.

Đêm hôm đó, khoảng 25 người bị bắt và 50 người bị thương. Tờ Washington Post gọi cuộc biểu tình này là "lớn nhất và bạo lực nhất trong lịch sử của trường đại học."

Thống đốc Mandel tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Từ xa xa, tiếng trực thăng nổ ầm ầm trên bầu trời. Lệnh giới nghiêm được áp đặt.

Thêm 48 người bị bắt giữ.

Vệ binh mang súng M-16 với lưỡi lê có vỏ bọc đứng canh chừng. Tuy vậy, nhiều cửa sổ tiếp tục bị phá vỡ. Lửa bốc lên nghi ngút từ bên trong một tòa nhà trong khuôn viên đại học.
Đến ngày 12/5/1970 thì tình hình dịu xuống khi 1.100 Vệ binh Quốc gia tới tuần hành liên tục để răn đe.
Thủ đô Washington thành “trại vũ trang”


(Từng đoàn xe buýt vây chung quanh Tòa Bạch Ốc ngăn chận biểu tình tiến vào bên trong)
Ngày 9/5/1970 (chỉ năm ngày sau vụ Kent), khoảng 100.000 người tới Washington biểu tình. Thoạt đầu, để cố tránh cảnh xả súng như ở Kent, từng đoàn xe buýt - thay vì cảnh sát và vệ binh - đã được điều động tới để bao vây chung quanh Tòa Bạch Ốc, chận biểu tình tiến vào bên trong.
Lực lượng an ninh cho rằng: cùng lắm thì cũng chỉ có bánh xe buýt bị đâm rạch và cửa sổ bị  đập nát. 
Theo ông Ray Price (người viết diễn văn cho TT Nixon) thì: "Thành phố này đã thành một trại vũ trang. Đám đông đập cửa sổ, rạch bánh xe, đẩy những chiếc xe đang đậu trên hè phố ra ngã ba đường để chận lưu thông. Bọn họ còn ném cả đệm giường từ trên cầu vượt xuống các xe đang chạy.”
Rồi ông kết luận: “Đây không phải là sinh viên biểu tình, mà là một cuộc nội chiến."
Không những TT Nixon đã được đưa tới Camp David hai ngày để cho an toàn, mà theo Charles Colson (Luật sư của TT Nixon) thì quân đội đã được điều tới để bảo vệ chính phủ. Ông nhớ lại: “Binh sĩ từ Sư Đoàn Dù 82 đã có mặt dưới hầm tòa nhà Executive Office Building (nơi làm việc của nhân viên văn phòng tổng thống, nằm sát cạnh  Tòa Bạch Ốc). Tôi xuống hầm nói chuyện với một vài người và đi giữa các binh sĩ. Họ nằm trên sàn, dựa vào túi ba lô, mũ sắt, với dây đai đạn cùng với súng trường. Và tôi nghĩ, 'Đây không thể là nước Mỹ. Đây không phải là nền dân chủ tự do lớn nhất trên thế giới. Đây là một quốc gia đang có chiến tranh với chính mình'."
Kiểm điểm và cải tổ sau bạo loạn
Nước Mỹ là một nước năng động cho nên những vụ loạn lạc hay biểu tình thường lại dẫn đến những tiến bộ và cải tổ xã hội sau đó.
Về thảm cảnh 4/5/1970, dù Vệ Binh Quốc gia đã bắn 67 lượt đạn giết chết sinh viên, nhưng vì bạo động đã tới mức quá khích, đưa nước Mỹ tới cảnh xáo trộn, cho nên đa số người dân đã bất mãn với chính sinh viên.
Một cuộc thăm dò của Gallup được thực hiện cho thấy: 58% số người được phỏng vấn đã đổ lỗi cho các sinh viên, 11% đổ lỗi cho Vệ binh Quốc gia, và 31% không bày tỏ ý kiến
Năm tuần sau thảm cảnh, TT  Nixon đã lập ra một Ủy Ban – Ủy Ban Sranton  (Scranton là tên cựu thống đốc Pennsylvania, người điều khiển ủy ban) để tìm hiểu cho thật sâu tình trạng bất ổn tại các đại học. Đặc biệt là về những gì đã thực sự xảy ra ở Kent và những lý do tại sao.
Sau cùng, 24 sinh viên và một giáo sư đã bị truy tố về cuộc biểu tình và vụ đốt cháy tòa nhà ROTC.
Mặt khác, Tòa cũng truy tố năm Vệ Binh về trọng tội (felony), và kết án tội nhẹ (misdemeanor) một số khác. Vệ binh kháng cáo rằng họ đã phải nổ súng để tự vệ vì những bạo động trong mấy ngày trước đó đã làm cho họ hết sức lo âu và tin rằng chính mạng sống của mình đã bị đe dọa.
Bài học từ vụ việc đã được rút tỉa, buộc Vệ binh Quốc Gia phải kiểm tra lại các phương pháp kiểm soát đám đông.
Khí giới mà Vệ Binh đã dùng ngày 4/5/1970 tại Kent State là loại giết người (lethal), như súng trường M1 Garand có nạp đạn, lưỡi lê, và lựu đạn khí.
Trong những năm sau, Quân đội Mỹ bắt đầu chế tạo các phương tiện ít nguy hiểm hơn (như đạn cao su) để giải tán biểu tình khi cần.
Phương cách để ‘kiểm soát đám đông’ và ‘chiến thuật dẹp bạo động’ cũng được chỉnh sửa để giảm thiểu xu hướng gây hấn.
Có hai kết quả nổi bật:
Thứ nhất, thành lập một viện tại Đại học Kent để nghiên cứu những phương pháp ứng xử, gọi là ‘Center for Peaceful Change’- Trung tâm giúp thay đổi một cách ôn bình (1971). Viện này phát triển và trở thành ‘The Center for Applied Conflict Management’ (CACM) - Trung tâm Quản lý Xung đột Ứng dụng (CACM); và
Thứ hai, thành lập một ‘Institute for the Study and Prevention of Violence’ - Viện nghiên cứu và phòng chống bạo lực  (1998).
Phần lớn những kết quả nghiên cứu  đã được áp dụng trong các tình huống tương tự sau này, như các cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992, vụ rối loạn sau trận bão Katrina năm 2005, và bây giờ, trong những bạo loạn sau vụ Floyd ở Minneapolis, Chicago và Los Angeles.
Hai bối cảnh: 1970 và 2020
Hiện nay, hệ lụy theo sau biến cố George Floyd vẫn tiếp tục gia tăng.
Những đòi hỏi của nhóm quá khích tại khu tự trị ‘autozone’ ở thành phố Seatle, như cung cấp thực phẩm và nhà ở, bảo hiểm sức khỏe, tự do nhập cư, cùng với những vụ đập phá, lôi kéo tượng đài kỷ niệm ở nhiều thành phố - kể cả ở thủ đô Washington - đang làm cho nhiều người lo ngại cho một nước Mỹ loạn lạc.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử 50 năm trước đây thì ta thấy rằng: về tầm mức bạo động thì hoàn cảnh 1970 còn trầm trọng hơn xa hoàn cảnh 2020.
Về số người biểu tình từ tháng năm tới nay cũng ít hơn là 4 triệu sinh viên tham gia năm 1970 khi 450 đại học phải đóng cửa.
Tại Washington DC thì Sư đoàn Dù 82 (đóng ở Fort Bragg, North Carolina) cũng chưa phải đến để bảo vệ chính phủ, và trực thăng cũng chưa phải đưa TT Trump đi nánh lạn.
Cũng nên so sánh phong trào “Black Life Matters” (BLM) năm 2020 với “Black Panthers Party” (BPP) năm 1970. BPP kêu gọi ‘vũ trang tất cả những người Mỹ gốc Phi Châu, giải phóng tất cả người da đen ra khỏi nhà tù, và bồi thường cho việc bị khai thác lao động trong nhiều thế kỷ.’
Và những đòi hỏi quá khích như giải tán cảnh sát (2020) thì cũng không thể so sánh với đòi hỏi “lật đổ chủ nghĩa đế quốc Mỹ” của The Weather Underground (1970).
Tổng kết về những khó khăn của nước Mỹ năm ấy, TT Nixon ghi lại trong Hồi ký:
“Từ tháng 1/1968 qua tháng 4/1970 – dù ước tính một cách bảo thủ, thì cũng đã có tới 40.000 sự cố…
“Trong năm học 1969/1970, khủng bố đã thực hiện tới 174 cuộc đánh bom lớn, và mưu toan đánh bom tại các đại học.”
Dù vậy, sau 1970 nước Mỹ đã trổi dậy và tiếp tục tiến bộ về mọi mặt (đang khi Liên Xô đã sụp đổ). Cho nên, đừng nghĩ rằng nước Mỹ sẽ đi đến loạn lạc và làm mất vài trò lãnh đạo thế giới.
Sau khi đã cải tổ Vệ Binh Quốc Gia, bây giờ đến lượt cải tổ Lực lượng Cảnh sát. TT Trump đã ký sắc lệnh, và Quốc Hội đang chuẩn bị để có thể thông qua một đạo luật mới về vấn đề này trước Lễ Độc Lập ngày 4/7/2020.
Bạo loạn tác động đến bầu cử: từ Nixon tới Trump
Những hành động phi luật pháp, vô trật tự năm 1970 đã khởi động mạnh từ sau khi TT Nixon đẩy cuộc chiến Việt Nam sang Campuchia.
Nhưng đến khi vận động cho nhiệm kỳ hai thì ông lại dùng chính cảnh bạo động để thuyết phục cử tri. Lập trường tranh cử 1972 của TT Nixon dựa trên hai cột trụ chính yếu được gắn vào hai khủng hoảng của thời cuộc: “Restore law and order and provide new leadership for the Vietnam War”- tái lập trật tự, luật pháp, và cung cấp lãnh đạo mới cho cuộc chiến Việt Nam.
Ta thấy ông đã đặt nhu cầu vãn hồi trật tự và luật pháp trước cả chiến tranh Việt Nam.
Và ông đã thắng cử (ngày 7/11/1972). Lại đại thắng – người Mỹ gọi là “landslide” (long trời lở đất) – vì Nixon đã thắng ở 49/50 tiểu bang. Ứng cứ viên Đảng dân Chủ George  McGovern chỉ thắng ở một tiểu bang là Massachussets và biệt khu Washington DC.
Chính trị nước Mỹ - nhất là về bầu cử tổng thống – thì thật là khó hiểu.
Chúng tôi đã sinh hoạt ở quốc gia này trên dưới là 62 năm – và sinh hoạt ở ngay trung tâm chính thống của xã hội, chứ không phải ở ngoại vi, mà cũng chỉ hiểu biết được một phần nào về chính trị nước Mỹ, nhất là về bầu cử tổng thống.
Trong cuộc bầu cử  sắp tới (3/11/2020), TT Trump – cho tới nay và qua hai lần vận động ở Tulsa (Arkansas) và Phoenix (Arizona) xem ra đã rập theo cái khuôn của TT Nixon, đó là đặt nặng vấn đề trật tự và luật pháp. Ông cũng hay đưa ra viễn tượng thành công về thuốc chữa trị và chủng ngừa coronavirus.
Nước Mỹ năm 2020 là một nước Mỹ mới, nó khác với nước Mỹ 1970 về dân số, sắc tộc, mức độ chia rẽ nội bộ, và phạm vi hoạt động của truyền thông. Thêm vào đó là phức tạp của truyền thông xã hội.
Bầu cử lại xảy ra trong bối cảnh đại dịch Coronavirus, gây nên một tình trạng đặc biệt ̣chưa bao giờ từng có trong lịch sử nước Mỹ - đó là ‘lockdown’ cả nền kinh tế - mà TT Trump phải đương đầu.  Đây là những khó khăn mà chưa có tổng thống nào gặp phải.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có vãn hồi được trật tự cho nước Mỹ và kiềm chế được sự tăng tốc của đại dịch trước ngày bầu cử?

Tác giả: TS Nguyễn Tiến Hưng, nguyên giáo sư kinh tế tại N.C. Wesleyan College, Trinity College, và Howard University, và là kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (1966-1070). Ông là cựu Tổng Trưởng Kế Hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, và là phụ tá về Tái Thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản – ngoài những sách về kinh tế – các cuốn “The Palace File” (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập) (1986), “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (2005), “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” (2010) và “Khi Đồng Minh Nhảy Vào” (2016).

Không có nhận xét nào: