Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 25/8/16 - Lê Minh Nguyên

Biển Đông: Tổng thống Philippines sẽ đến Trung Quốc đàm phán song phương --- Biển Đông: Năm kết luận quan trọng của phán quyết PCA --- Nga-Trung hợp lực ở Biển Đông<!>

Theo đài truyền hình Mỹ CNN, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua, 24/08/2016, cho biết là ông đang dự trù một chuyến “viếng thăm thiện chí” đến Trung Quốc để thúc đẩy đàm phán song phương về tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Ông Duterte nhắc lại là ông muốn thảo luận trực tiếp với Trung Quốc về Biển Đông hơn là đưa hồ sơ này ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào đầu tháng tới. Theo tổng thống Philippines, chuyến viếng thăm Trung Quốc là phương án tốt hơn hết. Hôm qua, tổng thống Duterte cũng đã tuyên bố là đàm phán song phương giữa Philippines với Trung Quốc có thể diễn ra trong năm nay. 

Đáp lại tuyên bố này, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua nói rằng Bắc Kinh cũng mong muốn sớm thảo luận với Manila về vấn đề Biển Đông.
Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/07 vừa qua đã ra phán quyết có lợi cho Philippines khi bác bỏ hầu như toàn bộ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh giận giữ. 

Tuy nhiên, Manila đã cố làm dịu căng thẳng giữa hai nước, qua việc cử cựu tổng thống Fidel Ramos làm đặc sứ đến Hồng Kông trong tháng này. Tại đây, ông Ramos đã gặp bà Phó Oánh (Fu Ying), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, để mở đường cho các cuộc đàm phán song phương giữa hai nước.
Cho dù vậy, hôm qua, tổng thống Duterte cũng đã tỏ thái độ kiên quyết với Bắc Kinh, cảnh báo là sẽ có đụng độ “đẩm máu” nếu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. - RFI

Ngay sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết phủ nhận đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhiều chuyên gia đã đi sâu vào phân tích ý nghĩa văn kiện quan trọng này. Trong bài phân tích dài đăng trên nguyệt san The Diplomat số tháng 08/2016, Giáo sư Carl Thayer – Học Viện Quốc Phòng Úc – đã nêu bật năm kết luận chủ yếu của Tòa Trọng Tài Quốc Tế và tác động có thể có đối với tranh chấp Biển Đông.

Mở đầu bài phân tích, giáo sư Thayer đã nhấn mạnh đến vụ Trung Quốc lấn chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông từ tháng Tư 2012, làm dấy lên một tình hình căng thẳng tột cùng với việc Trung Quốc tung lực lượng Hải Cảnh hùng hậu vào giành quyền kiểm soát vùng này trong thực tế.
Hai mục tiêu của Manila khi kiện Bắc Kinh.
Trước việc ngư dân của mình bị tước quyền đến đánh cá tại vùng bãi cạn Scaborough, chính quyền Philippines lúc đó của tổng thống Benigno Aquino III, không còn cách nào khác là khởi động thủ tục trọng tài quốc tế theo cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều là thành viên. 

Mục tiêu của chính quyền Manila không chỉ là nhờ luật pháp quốc tế giải tỏa sự mơ hồ đã dẫn đến sự cố bãi cạn Scarborough năm 2012, mà còn muốn làm rõ tính chất hợp pháp hay không của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông một cách rộng rãi hơn. 
Thủ tục trọng tài - mà Trung Quốc từ chối tham gia - đã kéo dài ba năm rưỡi, và trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động quyết đoán trong khu vực, trong đó có việc bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và tiếp tục quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng.

Thế rồi, đến ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài xét xử đơn Philippines kiện Trung Quốc, đã công bố bản phán quyết được toàn thể năm thành viên nhất trí, sau ba năm cân nhắc. Phán quyết này đã chấp nhận hầu như toàn bộ 15 yêu cầu mà Philippines đề đạt, và theo giáo sư Thayer, đã thể hiện một bước tiến lớn trong việc giải thích, làm rõ, và áp dụng UNCLOS.
Phán quyết có giá trị toàn cầu vì UNCLOS là Hiến Pháp của đại dương

Theo Phụ Lục VII (Điều 11) của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, "Phán quyết sẽ mang tính chất chung cuộc và bất khả khiếu nại... Mọi bên tranh chấp đều phải tuân thủ phán quyết."

Đối với giáo sư Thayer, những kết luận của Tòa Trọng Tài có tác động rộng lớn trên toàn khu vực và toàn cầu vì UNCLOS thường được gọi là Hiến pháp của các đại dương trên thế giới.
Phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye, theo giáo sư Thayer, có thể được phân chia thành năm phạm trù chính.

Đường lưỡi bò vô giá trị về phương diện pháp lý

1) Trước hết, tòa án phán quyết rằng Công Ước UNCLOS quy định một cách toàn diện về các quyền trên các vùng biển. Nói cách khác, yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử, quyền chủ quyền khác, và quyền tài phán ở Biển Đông nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc là "trái với Công Ước và không có hiệu lực pháp lý" vì chúng vượt quá mức quy định của UNCLOS.
Hơn nữa, tòa án thấy rằng UNCLOS "thay thế bất kỳ quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán nào khác, vượt quá những giới hạn quy định" trong UNCLOS.

Trường Sa không có "đảo"

2) Thứ hai, tòa án phán quyết rằng không một thực thể địa lý nào tại Biển Đông, kể cả thực thể Itu Aba (Ba Bình/Thái Bình) của Đài Loan, là đảo theo định nghĩa của Điều 121 trong UNCLOS, và do đó không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý hoặc một thềm lục địa mở rộng.
Tòa Trọng tài đã nghiên cứu một cách tỉ mỉ tình trạng của các thực thể mà Philippines nêu lên và thấy rằng Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven ở phía Bắc (Gaven Reef North), Bãi Gạc Ma (Johnson Reef), Đá Ken-nan (McKennan Reef), và Bãi Scarborough đều là đá và chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý chú không được quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Tòa án cũng cho thấy Đá Ga Ven (Nam), Đá Huy Gơ (Hughes Reef), Bãi Vành Khăn (Mischief Reef), Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), và Đá Xu Bi (Subi Reef) đều là bãi cạn nửa chìm, nửa nổi. Trong tư cách đó, các bãi này không được hưởng bất kỳ vùng hải phận nào, và cũng không thể bị chiếm đoạt. Nói cách khác, Trung Quốc không thể khẳng định rằng các thực thể đó là lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ.

Một hệ quả lớn từ kết luận của tòa án về quy chế các thực thể địa lý là cả Bãi Vành Khăn lẫn Bãi Cỏ Mây đều nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và không chồng lấn với các vùng biển chung quanh các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng. Vì vậy, tòa án ghi nhận rằng các cấu trúc và cơ sở mà Trung Quốc xây dựng trên Bãi Vành Khăn không được Philippines cho phép. Hơn nữa, tòa án đã thấy rằng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) giàu hydrocarbon cũng là một bãi chìm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tòa án cũng thấy rằng mình không có thẩm quyền quyết định về khiếu nại của Philippines liên quan đến việc Trung Quốc lấn lướt (theo nghĩa quân sự) tại Bãi Cỏ Mây, nơi Philippines cho chiếc tầu BRP Sierra Madre mắc cạn vào năm 1999 để nêu bật đòi hỏi chủ quyền của mình. Tòa án cho rằng các hoạt động của Trung Quốc, chẳng hạn như làm gián đoạn nguồn tiếp tế của Philippines cho số lính đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, là "các hoạt động quân sự", do đó nằm ngoài tầm xem xét của tòa.

Trung Quốc không thực hiện nghĩa vụ quốc tế

3) Thứ ba, Tòa Trọng Tài thấy rằng Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ của mình trong tư cách là một bên đã ký kết UNCLOS và là một quốc gia tiêu biểu đã ký kết Công Ước năm 1972 về Các Quy Định Quốc Tế Phòng Ngừa Đâm Va Trên Biển của Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế. Cụ thể, theo Tòa Án, hoạt động của các tàu thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc "tạo ra nguy cơ va chạm nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho tàu và thủy thủ Philippines."
Tòa Trọng Tài thấy rằng Trung Quốc và tàu thực thi luật pháp trên biển của họ đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila khi cản trở các hoạt động thăm dò dầu khí thương mại, áp đặt một cách bất hợp pháp một lệnh cấm đánh bắt cá, không ngăn cản tàuTrung Quốc đánh đánh bắt cá trái phép, nhưng lại cấm ngư dân Philippines tham gia vào các hoạt động đánh cá truyền thống của họ.

Trung Quốc tàn phá môi trường Biển Đông

4) Thứ tư, Tòa Trọng Tài thấy rằng Trung Quốc không thực hiện nghĩa vụ của mình là bảo vệ và giữ gìn môi trường biển tại Biển Đông. "Trung Quốc đã biết rõ, bao che, bảo vệ và không ngăn chặn" tàu mang cờ Trung Quốc đánh bắt trên quy mô đáng kể các loài thủy sản có nguy cơ bị tiệt chủng, và nạo vét các loài sò khổng lồ theo một cách thức vốn "phá hoại nghiêm trọng hệ sinh thái của rạn san hô".
Tòa án kết luận rằng việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo đã "gây ra thiệt hại nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với hệ sinh thái các rạn san hô" và "Trung Quốc đã không hợp tác hoặc phối hợp với các quốc gia khác xung quanh Biển Đông liên quan đến việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển". Ngoài ra, "Trung Quốc đã không công bố một bản đánh giá về những tác động tiềm tàng của các hoạt động này đối với môi trường biển", do các hoạt động đó gây ra.

Trung Quốc làm tranh chấp nghiêm trọng thêm

5) Thứ năm, Tòa Án Trọng Tài thấy rằng việc Trung Quốc bồi đắp các hòn đảo nhân tạo sau khi Philippines nộp đơn khiếu nại vào tháng Giêng năm 2013 đã làm trầm trọng và phức tạp thêm các tranh chấp pháp lý về quyền lợi hàng hải, cũng như vấn đề bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Tòa Trọng Tài đặc biệt ghi nhận rằng việc Trung Quốc xây dựng một hòn đảo nhân tạo lớn trên Bãi Vành Khăn rất có hại vì nó đã "phá hủy vĩnh viễn... các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của bãi này". - RFI

Ngày 22/08/2016, Nga xác nhận là lực lượng hải quân của họ sẽ tham gia tập trận với hải quân Trung Quốc tại Biển Đông. Cuộc tập trận chung mang tên “Joint Sea – 2016” sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 19/09, trong bối cảnh Bắc Kinh và Matxcơva tăng cường hợp tác quân sự.
Theo lời phát ngôn viên hải quân Nga, được hãng tin TASS của Nga, trích dẫn, trong cuộc tập trận đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ thao dượt tổ chức phòng thủ các tàu trên biển và tập tấn công đổ bộ ở Biển Đông.
Về phần bộ Ngoại giao Trung Quốc thì khẳng định cuộc tập trận chung với Nga chỉ nhằm “củng cố sự phát triển của đối tác chiến lược Nga-Trung và không nhắm vào một bên thứ ba nào”.

Vấn đề là cho tới nay chưa rõ là cuộc tập trận chung Nga-Trung sẽ diễn ra cụ thể tại địa điểm nào ở Biển Đông. Phía quân đội Trung Quốc chỉ nói họ dự trù sẽ thao dượt trên biển lẫn trên bộ, tập trung vào việc đối phó với các mối đe dọa về an ninh hàng hải. Họ nhấn mạnh đây sẽ chỉ là những cuộc tập trận “bình thường”.
Nếu tập trận chung Nga-Trung diễn ra ở các khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông, ngư dân trong vùng có thể bị bắt hoặc bị tấn công trong trường hợp họ vô tình đi vào nơi tập trận.

Thông tin về thời điểm tổ chức tập trận chung Nga –Trung được đưa ra chỉ một ngày sau khi quân đội Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận bằng đạn thật kéo dài 3 ngày, được Bắc Kinh mô tả là tập trận “bình thường” ở Vịnh Bắc Bộ, gây thêm lo ngại cho các nước láng giềng, vào lúc căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/07.
Dự luận Trung Quốc đang cho rằng tòa đã ra phán quyết như trên do tác động của Hoa Kỳ và nhiều cuộc biểu tình phản đối đã nỗ ra, nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc như KFC hay Apple. Tiếp theo đó, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc đòi chính quyền phải nhanh chóng tiến hành chiến tranh với Mỹ.

Tuy Bắc Kinh đã cố kiểm duyệt những lời lẽ hiếu chiến này, nhưng các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng áp lực đó dần dần có thể lên đến mức buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải có hành động mạnh tay với Hoa Kỳ, cho dù họ không thật sự muốn như thế.
Nhưng trước mắt, viễn cảnh “chiến tranh thế giới thứ ba”chắc là khó mà xảy ra. Đối với Washington, sự tham gia của Nga vào cuộc tập trận với Trung Quốc không có gì đáng lo ngại. Phát ngôn viên Nhà trắng đã tuyên bố là Washington không quan ngại cho các chiến hạm của Mỹ trong khu vực Biển Đông, một khi mà các cuộc tập trận Nga – Trung diễn ra một cách “an toàn và chuyên nghiệp”.

Nhưng cũng phải thấy rằng cuộc tập trận chung Nga-Trung diễn ra trong bối cảnh Matxcơva đang tìm cách gia tăng hợp tác quân sự với Bắc Kinh, do đang bị áp lực rất lớn từ phương Tây trong hồ sơ Ukraina. Nga cũng đang cần đến Trung Quốc ở Syria và Bắc Kinh hiện cũng đang muốn đóng một vai trò ở quốc gia đang gặp nội chiến này. Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, các cố vấn Trung Quốc đang huấn luyện cho quân chính phủ Damas sử dụng các vũ khí mua của Trung Quốc. - RFI

2.
Tổng thống Đài Loan thị sát cuộc tập trận đối phó với Trung Quốc

Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn khi thị sát cuộc tập trận hôm nay 25/08/2016 đã cổ vũ quân đội tăng cường hiệu năng, hứa hẹn sẽ cho nâng cấp các trang thiết bị. Đây là lần đầu tiên bà chủ trì cuộc tập trận thường niên nhằm chống lại các cuộc tấn công giả định từ Trung Quốc, mối đe dọa lớn nhất cho an ninh Đài Loan.
Cuộc tập trận diễn ra tại Bình Đông (Pingtung), có sự tham gia của trên 100 lính nhảy dù giả làm quân địch toan xâm nhập một căn cứ quân sự Đài Loan.

Hôm nay bà Thái Anh Văn tuyên bố quân đội Đài Loan "cần có một tổng thể phương hướng vững chắc" và ra lệnh cho bộ Quốc phòng cập nhật chiến lược quân sự. Sau khi quan sát các chiến đấu cơ và các chiến xa tập trận bắn đạn thật, bà nhận xét: "Một số những thử thách cho quân đội Đài Loan là từ những hạn chế bên ngoài, số khác vì chưa thật sự hiệu quả".
Mặc áo giáp và đội nón sắt chống đạn, tân tổng thống Đài Loan nói với các quân nhân và những người chứng kiến, là quân đội quá chậm chạp trong việc nâng cấp thiết bị, hứa hẹn sẽ coi đây là vấn đề ưu tiên.

Bà cũng vinh danh bốn quân nhân bị thiệt mạng tuần trước, khi xe tăng của họ bị trượt và rơi xuống sông vào lúc trời mưa lớn. Tai nạn này xảy ra tiếp theo vụ một chiến hạm Đài Loan bắn nhầm một hỏa tiễn siêu thanh "sát thủ diệt hàng không mẫu hạm" về hướng Trung Quốc, gây giận dữ cho dư luận trong nước và bị Bắc Kinh nghiêm khắc cảnh cáo.
Bà Thái Anh Văn cũng hứa sẽ tăng cường năng lực cho quân đội. Hiện nay hầu hết vũ khí của Đài Loan được mua từ Mỹ. Năm ngoái, Washington cho biết đã bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá lên đến 1,8 tỉ đô la.

Quan hệ với Trung Quốc ngày càng trở nên lạnh giá từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống Đài Loan hồi tháng Giêng. Bắc Kinh rất hoài nghi về bà cũng như đảng Dân Tiến, và cảnh cáo mọi ý định chính thức chính thức tuyên bố độc lập.
Bắc Kinh hiện bố trí 1.500 hỏa tiễn nhắm vào Đài Loan, luôn nhấn mạnh rằng hòn đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, và không loại trừ khả năng sáp nhập bằng vũ lực. - RFI

3.
Sao Hỏa trong tầm ngắm của Trung Quốc

Theo báo chí Trung Quốc ngày 24/08/2016, các nhà khoa học nước này vừa tiết lộ mô hình một rô- bốt sẽ đáp xuống Sao Hỏa vào năm 2020. Dự án cho thấy tham vọng của một quốc gia đang trên đường tự khẳng định vị thế quốc tế của mình trong lĩnh vực không gian. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, chuyến du hành Sao Hỏa là một "thách thức lớn chưa từng có".
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường thuật:

Các nhà nghiên cứu nhìn nhận vẫn còn nhiều trở ngại kỹ thuật phải vượt qua. Liệu rô-bốt sẽ có thể liên lạc được với Trái Đất hay không? Liệu bốn tấm bảng pin mặt trời có đủ để sạc lại các bình điện cho rô-bốt hay không? Điều này không dễ biết trước được, nhưng trưởng nhóm dự án, ông Chương Dung Hiệp (Zhang Rongqia), tỏ ra tự tin: "Chúng tôi quyết tâm thực hiện thành công chuyến du hành này".
Rô-bốt của Trung Quốc sẽ cân nặng 200kg

Vào mùa hè 2020, chiếc phi thuyền Trường Chinh V sẽ được phóng đi từ bệ phóng Văn Xương nằm trên đảo Hải Nam. Bảy tháng sau đó và sau khi đã đi một chặng đường dài 400 triệu km, rô-bốt được hướng dẫn từ xa sẽ phải đáp xuống Hành Tinh Đỏ. Con rô-bốt nặng 200 kg này, được lắp các thiết bị chụp ảnh và máy quay sẽ thám hiểm trên Sao Hỏa trong vòng ba tháng.
Rô-bốt phải nghiên cứu về khí hậu và đất của hành tinh, và nhất là phải tìm hiểu về nước. Các nhà khoa học vẫn còn đang tìm kiếm cho con rô-bốt của họ một cái tên. Trên các trang mạng xã hội, các ý tưởng tuôn ra dồi dào, chẳng hạn như đặt tên cho rô-bốt là Đom Đóm.

Trước đây Trung Quốc đã từng đưa ra một dự án chung với Nga. Đó là vào năm 2011. Nhưng nhiệm vụ bất thành. Bây giờ  dự án này không chỉ làm cho quên đi giai đoạn đau buồn đó, mà còn để chứng tỏ là Trung Quốc có khả năng, rằng họ đang chậm trễ so với Hoa Kỳ và châu Âu.
Hiện tại, Bắc Kinh chỉ có thể tự hào về chương trình khám phá Mặt Trăng, nhờ vào thiết bị được hướng dẫn từ xa mang tên Thỏ Ngọc, đã được đưa vào quỹ đạo Mặt Trăng hồi cuối năm 2013. Nhưng niềm tự hào quốc gia đó cũng đã bị dập tắt, vì "cỗ máy Hằng Nga" đó cũng đã trút hơi thở trước khi kết thúc nhiệm vụ.

Bắc Kinh có đủ phương tiện

Năm 2015, Bắc Kinh có lẽ đã đầu tư đến gần 90 tỷ euro cho các cuộc phiêu lưu không gian của mình. Đó là lợi ích quốc gia và nguồn tự hào dân tộc. Cũng nên biết là chủ tịch Tập Cận Bình khi lên cầm quyền vào năm 2012 đã tuyên bố là cách tân là một trong những trọng tâm cho công cuộc phát triển đất nước.
Kể từ đó, các thông báo về những cuộc chinh phục này hay cuộc thám hiểm khác cứ lần lượt nối tiếp đưa ra. Hồi tuần rồi, Bắc Kinh đã đưa một vệ tinh viễn thông lượng tử, vệ tinh đầu tiên trên thế giới có khả năng điều chỉnh một hệ thống viễn thông mã hóa và có thể ngăn chận mọi ý đồ dọ thám.
Một cuộc chinh phục khác cũng được truyền thông loan tải rầm rộ: Lần đầu tiên, một chiếc tầu ngầm có thể lặn sâu đến hơn 10.000 mét, một sự kiện đủ để cho Trung Quốc trở thành cường quốc thứ ba trên thế giới sở hữu công nghệ lặn này, chỉ sau Nhật Bản và Hoa Kỳ. - RFI

4.
Giải mật tài liệu tình báo về Việt Nam

Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) hôm 24/8 giải mật 28.000 trang báo cáo hàng ngày cho Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, có liên quan chiến tranh Việt Nam.
2.500 tài liệu, với tổng số 28.000 trang, được đăng tải công khai trên mạng của CIA.
Đây là những báo cáo hàng ngày cho tổng thống về các diễn biến lịch sử như chiến tranh ở Việt Nam, các khủng hoảng quốc tế, đánh giá về lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc.

Báo cáo ngày 1/3/1975 của CIA nói quân đội Bắc Việt đã có mặt đông đảo ở miền Nam Việt Nam từ tháng trước, “tập trung nhân lực ở các tỉnh quanh Sài Gòn và cao nguyên”.
Đến ngày 6/3, CIA ghi nhận giao tranh gia tăng ở cao nguyên trung phần, cho rằng chiến dịch mùa xuân của Bắc Việt đã bắt đầu. Đến ngày 8/3, báo cáo đánh giá xung đột gia tăng sẽ nổ ra ở các nơi khác ở miền Nam.

Ngày 28/3, CIA dự báo sai rằng Sài Gòn sẽ sụp đổ vào đầu năm 1976.

Báo cáo này cho rằng quân miền Bắc “sẽ gia tăng áp lực quân sự để lật đổ thẳng chính phủ Nam Việt Nam, trừ phi có thay đổi chính trị ở Sài Gòn mở đường cho thỏa hiệp với các điều khoản”.
Báo cáo ngày 30/4 viết: “Lá cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Việt Cộng đã cắm trên dinh tổng thống lúc 12:15 hôm nay, giờ Sài Gòn, đánh dấu kết thúc hơn 30 năm chiến tranh ở Việt Nam”.
Năm 2015, CIA cũng đã giải mật 19.000 trang báo cáo cho Tổng thống Kennedy và Johnson.

CIA cho biết các báo cáo hàng ngày hiện nay cho Tổng thống Mỹ đã dùng phương tiện di động, kết hợp các tính năng tương tác hiện đại thay vì giấy tờ cổ điển.
Từ tháng Hai 2014, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu nhận báo cáo tình báo hàng ngày qua máy tính bảng. - BBC

Tin Hoa Kỳ

5.
Mỹ đề cử Chủ tịch World Bank thêm nhiệm kỳ thứ hai

Hoa Kỳ đề cử Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim thêm một nhiệm kỳ thứ hai. 
Bộ trưởng Tài chánh Jacob Lew ca ngợi ông về những nỗ lực chấm dứt nạn nghèo đói cùng cực trên thế giới, giải quyết tình trạng bất bình đẳng, và chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Lew nói ông Kim đã ‘khéo léo’ lãnh đạo ứng phó với Ebola, các cuộc khủng hoảng người tị nạn, và thúc đẩy những cải cách cần thiết cho World Bank. 

Ông Kim, một bác sĩ người Mỹ, một nhà nhân loại học và là cựu hiệu trưởng đại học đã lãnh đạo World Bank từ năm 2012 tới nay. Trước đây, ông từng đứng đầu các nỗ lực quan trọng chống lại HIV/AIDS, bao gồm một trọng trách tại Tổ chức Y tế Thế giới. 
World Bank là định chế tài chánh quốc tế cung cấp các khoản vay và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển nhằm xóa bỏ số người có mức sống dưới 1,9 đô la/ngày và thúc đẩy tăng trưởng thu nhập cho các nước nghèo nhất thế giới. 

Tin cho hay quyết định chung cuộc về ai sẽ là người lãnh đạo kế tiếp của World Bank sẽ được đưa ra trước giữa tháng 9. 
Theo truyền thống, người đứng đầu Ngân hàng Thế giới là một công dân Mỹ trong khi lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế là người Châu Âu. Trước đây, giới chỉ trích từng vận động để cho một nhân vật từ các nước đang phát triển được lãnh đạo World Bank. - VOA

6.
Ông Trump giới thiệu lãnh đạo Brexit tại cuộc vận động tranh cử

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã mang đến một khách mời đặc biệt tại một cuộc mít tinh tối 24/8 ở Jackson, Mississippi - cựu chủ tịch Đảng Độc lập Anh Nigel Farage.
Ông Farage là một nhà lãnh đạo của chiến dịch có tên Brexit, trong đó cử tri Anh đã bỏ phiếu để đưa nước họ ra khỏi Liên hiệp châu Âu trong một cuộc trưng cầu hồi tháng 6.

Ông Trump là người ủng hộ mạnh mẽ Brexit. Khi ông đưa ông Farage lên sân khấu, ông Trump nói đã đến lúc Mỹ tuyên bố độc lập khỏi những điều mà ông gọi là doanh nghiệp kiểm soát chính phủ, đặc quyền đặc lợi và một hệ thống gian lận.
Bộ máy vận động của ông Trump nói ông có kế hoạch sửa đổi đề xuất về nhập cư của ông, trong đó ông đã hứa sẽ ngăn chặn người Hồi giáo đi đến Mỹ, đồng thời trục xuất hàng triệu người khác đã nhập cảnh bất hợp pháp vào nước Mỹ.

Ông nói với Fox News rằng ông sẽ "xoa dịu" các đề xuất nhập cư của ông bằng cách làm việc với những người bất hợp pháp nhưng không ban cho họ sự ân xá. Nhưng trong buổi tối 24/8, đã không có dấu hiệu gì về việc làm mềm đi.
Trước đó, hôm 24/8, ở Tampa, Florida, ông Trump nói ông sẽ áp thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ để "tạo sân thi đấu bằng phẳng trong lĩnh vực thương mại".
Ông nói Trung Quốc phải hiểu rằng “chúng tôi từ giờ sẽ nghiêm túc, không tiếp tục dễ dãi như trước nữa. - VOA

7.
Phi hành gia phá kỷ lục Mỹ về thời gian trong vũ trụ

Phi hành gia người Mỹ Jeff Williams đã lập kỷ lục mới về thời gian tích lũy nhiều nhất trong vũ trụ đối với một phi hành gia Mỹ.
Hôm 24/8, ông Williams đã có hơn 520 ngày sống trong vũ trụ, phá vỡ kỷ lục do Scott Kelly lập khi thực hiện sứ mệnh kéo dài gần một năm trên Trạm vũ trụ quốc tế.
Ông Williams sẽ quay trở lại Trái đất vào ngày 6 tháng 9, đến lúc đó kỷ lục của ông sẽ là 534 ngày.

10 ngày đầu tiên ông Williams ở trên vũ trụ là vào năm 2000, khi ông là một kỹ sư về hoạt động bay trên tàu con thoi Atlantis thực hiện sứ mệnh STS-101. Lúc đó tàu con thoi tham gia công việc hoàn thiện lần cuối trạm vũ trụ.
Theo NASA, Ông Williams trở lại vũ trụ năm 2006, thực hiện chuyến bay sáu tháng trên tàu ISS.
Ông đã trở lại vũ trụ 3 năm sau, một lần nữa trên trạm ISS. Lúc đó ông có tổng số là 362 ngày trên vũ trụ.
Sứ mệnh hiện nay của ông bắt đầu ngày 18 tháng 3.
Tuy kỷ lục của Mỹ rất ấn tượng, song nó chỉ đủ để ông Williams xếp hạng thứ 14 trong danh sách các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ về kỷ lục thời gian họ ở bên ngoài Trái đất.

Người đứng đầu danh sách là Gennady Padalka, người đã có 879 ngày trong vũ trụ, thực hiện 5 sứ mệnh.
Kỷ lục của ông Williams sẽ không giữ được lâu khi phi hành gia Peggy Whitson dự kiến sẽ vượt qua ông vào năm 2017 khi thực hiện một sứ mệnh sẽ bắt đầu vào tháng 11 này. Bà Whitson hiện giữ kỷ lục đã là người phụ nữ có tổng thời gian dài nhất ở trong vũ trụ. - VOA

Tin Việt Nam

8.
Nghi can vụ nổ súng ở Yên Bái bị đẩy ‘tới đường cùng’?

Một nông dân Việt, từng nổ súng làm nhân viên công lực bị thương, nhận định rằng nghi can trong vụ bắn giết quan chức ở Yên Bái “có thể bị dồn nén”. 
Hai lãnh đạo cấp cao, bí thư và chủ tịch, của tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam này đã bị bắn chết ngay trong phòng làm việc hôm 18/8. Truyền thông trong nước sau đó đưa tin về nghi can là một người phụ trách kiểm lâm của Yên Bái. 

Ông Đoàn Văn Vươn, người từng dùng súng bắn vào lực lượng thi hành công lực năm 2012, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông “theo dõi kỹ” thông tin về vụ việc.
Người nông dân ở thành phố Hải Phòng này nhận xét rằng dù bản chất hai vụ việc khác nhau, chúng có điểm giống nhau.

Ông Vươn nói thêm: 

“Tâm lý của tôi và tâm lý của nhân vật chi cục kiểm lâm kia có một điểm chung, đó là bị dồn nén tới bước đường cùng. Nhưng mà việc của tôi, mục đích là phải giữ được tài sản, và phải tính toán mức độ hạn chế ít nhất xảy ra thương vong và để tồn tại. Nhưng đối với nhân vật kia thì người ta nghĩ rằng không còn một con đường. Người ta làm chính trị mà, có thể được thì được cả, còn mất thì mất tất thì người ta xử sự tới mức độ cực đoan nên người ta tự tước đoạt tính mạng của chính bản thân họ”. 
Vụ cả gia đình ông Vươn đứng lên “nổi dậy”, chống lực lượng thu hồi đất 4 năm trước, làm một số nhân viên công lực bị thương, từng gây chấn động dư luận. Ông Vươn sau đó bị kết án 5 năm tù giam vì tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”, nhưng sau đó đã được ân xá, cho ra tù trước thời hạn. 

Về vụ Yên Bái, trong khi chính quyền vẫn tiếp tục điều tra, hiện có nhiều đồn đoán trên mạng xã hội về động cơ cũng như về nghi can.
Trong khi đó, tờ Công an Nhân dân hôm 23/8 đưa tin rằng vụ này đã “được đề cập đến trong phiên họp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh” của quốc hội. Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam dẫn lời một quan chức nói rằng vụ nổ súng đó cho thấy “lỗ hổng trong việc mang và sử dụng vũ khí”. 

Nhận xét về vụ Yên Bái cũng như nhiều thông tin giết chóc bằng súng thời gian qua, luật sư Võ An Đôn nói với VOA tiếng Việt: 

“Qua báo chí, thông tin đại chúng, tôi thấy tình trạng sử dụng súng ở Việt Nam hiện nay rất là nhiều, bắn chết người rất là nhiều. Riêng vụ Yên Bái liên quan tới quan chức nhà nước thì không nói, nhưng mà ở ngoài xã hội đen, dân chúng sử dụng súng thường xuyên luôn, vì tôi thấy báo chí đăng tin về việc đó rất là nhiều. Tình trạng đó rất là bất an cho người dân. Nó gây hỗn loạn cho xã hội. Bản thân tôi là luật sư, tôi thấy rất là bất an”. 
Hiện chưa rõ thống kê số người thiệt mạng vì súng ở Việt Nam trong năm 2015. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam thời gian qua đăng tải nhiều bài viết về tình trạng này với những tựa đề như “Cảnh sát ở Sài Gòn nổ súng bắt tên trộm” (Báo điện tử Zing ngày 17/8), “Nổ súng giữa ban ngày rúng động Thanh Hóa” (Báo Giao Thông ngày 20/8), “Trưởng công an xã tới nhà bắn dân” (Báo Tuổi Trẻ ngày 23/8) hay “Y án tử hình 'trùm' giang hồ nổ súng bắn chết 2 người ở Phú Quốc” (Báo An ninh Thủ đô ngày 23/8) và Thượng úy công an bắn 3 phát súng, đồng nghiệp tử vong (trang Pháp luật số ngày 24/8). 

Còn một luật sư khác, ông Trần Vũ Hải, người từng bào chữa cho ông Vươn, cho VOA Việt Ngữ biết thêm về tình trạng bạo lực do súng ống gây ra ở Việt Nam: 
“Mình biết qua báo chí, ví dụ vừa rồi có cán bộ trại giam bắn chết, rồi cán bộ trong ngành cảnh sát giao thông cũng bắn chết, hoặc các sĩ quan bắn nhau. Đấy là những vụ liên quan tới các nhân viên công lực. Thế nhưng ngoài xã hội, còn có những người khác cũng dùng súng. Họ có thể mua súng từ đâu đó. Tôi thì nghĩ rằng là việc quản lý súng ở Việt Nam cũng không đến nỗi lỏng lẻo như nhiều người nói đâu. Tôi thì tôi cảm nhận như vậy, bởi vì mình cũng thấy ít người có súng, và dùng súng. Nếu mà so với nước Mỹ thì chắc bằng một phần vạn [nghìn] thôi”. 

Theo trang web phi lợi nhuận có tên gọi tiếng Việt là Hồ sơ Bạo lực Súng ống ở Mỹ, năm 2015, có hơn 50 nghìn vụ bạo lực liên quan tới súng ở Hoa Kỳ, và ít nhất 12 nghìn người thiệt mạng.
Báo điện tử VnExpress đưa tin, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hôm 25/8 phát hiện trong lô hàng nhập khẩu từ Mỹ về có “súng hơi, 2.000 viên đạn, 24 bình nén khí chuyên dụng và các tuýp dầu bôi trơn cho súng được giấu trong 6 kiện hàng”.

Chia sẻ suy nghĩ về các vụ giết người bằng súng thời gian qua ở Việt Nam, nông dân Vươn nói thêm với VOA Việt Ngữ rằng ông cảm thấy “rất buồn”. Ông nói tiếp:
“Tôi tin rằng rất nhiều người rất buồn. Trong một xã hội mà đạo đức xuống thấp, và cuối cùng người ta không có niềm tin. Mâu thuẫn trở thành con đường luẩn quẩn, dẫn tới cực đoan. Đây là điều tôi và nhiều người dân Việt Nam rất là buồn. Bây giờ nguy cơ nó đang xảy ra, diễn ra hàng ngày”. 

Tờ Người Lao Động mới đây dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nói rằng “quy định về trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm được quy định và thực hiện rất chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật”. 

Tờ báo nằm dưới sự quản lý của nhà nước này trích dẫn quan chức này nói thêm rằng “vụ án mạng nghiêm trọng ở Yên Bái là trường hợp rất đặc biệt và cá biệt, khi người đứng đầu cố ý làm sai. Nó như câu chuyện thủ quỹ quản lý tiền tự ý lấy tiền trong két do mình được giao nhiệm vụ giữ”. - VOA

9.
Thủ tướng Cam Bốt đáp trả chỉ trích của người Việt trên facebook

Bị lên án là theo đuôi Trung Quốc, phá hoại một quan điểm chung của ASEAN về tranh chấp Biển Đông, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm qua 24/08/2016 đã đáp trả những lời chỉ trích từ phía một số người Việt dùng mạng facebook.
The Phnom Penh Post hôm nay cho biết trên Facebook, ông Hun Sen đã trực tiếp trả lời bình luận của một người sử dụng Việt Nam. Thủ tướng Cam Bốt viết: "Nếu bạn hay nước của bạn có vấn đề với Trung Quốc, thì xin hãy giải quyết một cách hòa bình. Đừng đổ lỗi cho tôi và đừng bắt Cam Bốt phải can dự vào chuyện nội bộ của nước các bạn".

Trước đó vào ngày 2/8, cũng tờ báo này thuật lại việc ông Hun Sen gay gắt đôi co với một facebooker Việt Nam tên "Pham Duc Hien". Bị chỉ trích là đã "phản bội" Việt Nam, thủ tướng Cam Bốt đáp trả rằng "Việt Nam không phải là ông chủ của tôi".
Cam Bốt nằm trong số những quốc gia ít ỏi ủng hộ Trung Quốc, sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hôm 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. 

Các ngoại trưởng ASEAN trong hội nghị hồi tháng Bảy đã không ra được thông cáo chung về vấn đề này do Cam Bốt và Lào không đồng ý. Đáng chú ý là một tuần trước hội nghị, Cam Bốt đã được Trung Quốc cho vay 600 triệu đô la.
Chuyên gia Carl Thayer tháng trước nhận định, "nếu Cam Bốt tiếp tục hành động như một con ngựa thành Troie vì lợi ích của Trung Quốc, thì ASEAN nên xem xét để thay đổi nguyên tắc đồng thuận". Một số nhà ngoại giao ASEAN không muốn nêu tên cho báo chí quốc tế biết họ rất bực tức trước thái độ của Cam Bốt.
Trước những chỉ trích hôm thứ Hai 22/8 thủ tướng Hun Sen vẫn tuyên bố: "Tôi sẽ không để cho Cam Bốt ra khỏi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á". - RFI

THI TRUONG TAI CHANH MY ngay 25/8/2016

S&P 500 : 2,172.47            Dow 30 : 18,448.41            Nasdaq : 5,212.20            Crude Oil : 47.32
    -2.97 (-0.14%)                   -33.07 (-0.18%)                   -5.49 (-0.11%)                   0.55 (1.18%)                  

Không có nhận xét nào: