Trong vòng 15 năm nay, tôi đã đi đến mấy chục vòng
xung quanh nước Mỹ và 3 lần đến Canada nữa. Thường thường tôi đi bằng máy bay từ California ở phía bờ
biển miền Tây (West Coast) qua phía bờ biền miền Đông (East Coast), rồi thì
dùng xe lửa hay xe bus hoặc nhờ bà con chở bằng xe riêng để di chuyển đến các
thành phố lân cận trong vùng.
Mùa Xuân năm 2015 này, cũng như mọi năm tôi lại từ
West Coast đi qua East Coast và kể từ giữa tháng Ba đến nay là giữa tháng Tư,
tôi đã lần lượt đi qua 4 thành phố, đó là Philadelphia, New York, Boston ở Mỹ
và hiện nay đang ở thành phố Toronto thuộc Canada. Trong bài viết này, tôi xin
kể lại hầu quí bạn đọc một số chuyện vui vui nho nhỏ gặp bất ngờ ở dọc đường, lần
lượt theo thứ tự thời gian như sau đây.
1 – Trên máy bay từ Denver đến Philadelphia vào ngày
18 tháng Ba 2015.
Bữa đó, máy bay tôi đi từ Santa Ana thì đỗ lại ở phi
trường Denver để cho một số hành khách xuống và lại rước thêm số hành khách mới
để đi tiếp tới Philadelphia. Trên đọan đường Denver đi Chicago này, người ngồi
bên cạnh tôi là một phụ nữ Mỹ vào độ trên 30 tuổi. Sau khi chuyện trò xã giao
ít lâu, tôi đã tự giới thiệu tên, tuổi của mình cho cô và được cô cho biết tên
của cô là Catherine (Katie). Cô làm việc ở Portland Oregon và đang trên đường về
thăm gia đình với mẹ cô hiện sinh sống tại một thành phố ở tiểu bang New Jersey
gần kề với Philadelphia.
Tôi cho Katie biết là tôi là một luật sư ở Việt nam,
tôi đã sống sót qua cuộc chiến tranh dài đằng đẵng mấy chục năm trời, rồi lại đến
6 năm trời trong nhà tù cộng sản nữa. Và cuối cùng, tôi cùng gia đình đã đến định
cư tại California từ gần 20 năm nay. Tôi mở laptop cho Katie xem vài bài bằng
tiếng Anh tôi mới viết gần đây, cô đọc xong rồi tò mò hỏi : “Bác thật may mắn
là đã sống sót trải qua bao nhiêu gian truân nguy hiểm của chiến tranh, của chế
độ độc tài và của bao nhiêu năm bị giam giữ tù đày khốn khổ như thế. Cháu xin
có lời chức mừng bác, thật vậy đó. Bác viết là có được một nền giáo dục rất tốt,
xin bác cho biết rõ hơn làm sao mà bác lại có được điều đó, trong khi chiến
tranh kéo dài hàng mấy chục năm ở Việt nam? ”
Trả lời cho Katie, tôi nói : “Có đến mấy năm, tôi
không thể đến trường học vì phải tản cư chạy lọan. Nhưng khi được đi học lại,
thì tôi phải miệt mài ngày đêm với chuyện bài vở học tập để mà bù lại những năm
tháng phải bỏ học như thế. Cô biết không, trong thời gian chạy lọan lúc 14 – 16
tuổi, tôi còn được học cả tiếng La tinh nữa đó. Điều may mắn này giúp tôi sau
này khi lên Đại học, thì tôi phải học nhiều về môn Triết học và các môn Luật nữa
v.v…” Nghe vậy, Katie cười và nói : “Mẹ cháu xưa kia cũng là một cô giáo dậy tiếng
La tinh cho các học sinh bậc trung học đấy. Nếu mà bác gặp mẹ cháu, thì chắc
hai người sẽ chuyện trò tâm đắc lắm đấy nhỉ?” Tôi cười xòa và nói : “Đã trên 60
năm, vì ít có dịp đọc sách viết bằng tiếng La tinh, nên tôi cũng quên đi mất
nhiều lắm rồi …”
Đại khái chuyện trò trao đổi thật là hồn nhiên cởi mở
giữa Katie với tôi kéo dài trong suốt chuyến bay từ Denver đến Philadelphia dễ
mất đến gần 3 giờ đồng hồ. Thật cũng là một kỉ niệm vui vui ngộ nghĩnh vậy đó.
2 – Trên chuyến xe bus từ New York đến Boston vào
ngày 1 tháng Tư 2015.
Xe bus Greyhound từ New York đến Boston kéo dài đến
4 tiếng đồng hồ. Dọc đường, tôi thấy tuyết còn đọng trắng xóa và khá dày trên
các vạt rừng cây, nơi ven các sông hồ. Số hành khách khá đông, chiếm hầu hết 50
chỗ ngồi trên xe. Người ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ ở tuổi ngòai 50. Sau hồi
chuyện trò ít lâu, tôi trao cho chị danh thiếp trong đó có ghi số điện thọai,
email và tổ chức mà tôi tham gia sinh họat. Đó là Vietnam Human Rights Network
(Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam). Chị cũng trao danh thiếp cho tôi, với tên gọi
là Susan Stanley và số điện thọai, địa chỉ email v.v…
Vì đường dài, nên chúng tôi có bao nhiêu chuyện để
cùng trao đổi về đủ mọi thứ đề tài với nhau. Từ chuyện riêng tư trong gia đình
đến chuyện họat động ngòai xã hội. Tôi còn mở laptop để Susan đọc một số bài viết
gần đây của tôi. Chị hỏi rất kỹ về hòan cảnh tù đày của tôi ở Việt nam vào những
năm 1990. Qua đó mà câu chuyện giữa chúng tôi mỗi lúc lại càng thêm thân mật đặm
đà hơn. Nhất là khi tôi nói đến chuyện văn chương thi phú, thì Susan càng chú
tâm nghe và hăng hái góp phần trao đổi nhận xét của riêng mình.
Điển hình như khi tôi nhắc đến câu thơ của Walt
Whitman ở thế kỷ XIX : “ Behold, I don’t give lectures or a little charity, When
I give, I give myself”. Hay cả một đọan thơ của Robert Frost hồi đầu thê kỷ XX
: “ The woods are lovely, dark and deep, But I have promises to keep, And miles
to go before I sleep, And miles to go before I sleep” – thì Susan phải thốt lên
: “Sao mà anh lại thuộc kỹ thơ văn của các tác giả Mỹ đến thế nhỉ!”
Nhân tiện, tôi cũng cho Susan biết là hồi ở trong
tù, tôi có làm được nhiều bài thơ, mà vì không có giấy bút để ghi lại, nên đã
quên đi khá nhiều. Tuy vậy, sau khi qua Mỹ, tôi đã cố gắng nhớ lại và ghi ra được
vài chục bài thơ ngắn. Cụ thể như bài thơ chỉ gồm 4 câu cảm đề từ thơ của
Robert Frost ghi ở trên – mà hai câu cuối được dịch ra tiếng Anh thế này : “The
long march is indeed exhausting, But still I am adamant and firmly committed to
this earthly life” (Nguyên văn tiếng Việt như sau : “Đường xa vạn lí mỏi mòn,
Vẫn nòi quân tử sắt son với đời”.
Đại khái như thế, chuyện trò giữa Susan và tôi cứ
miên man dàn trải suốt cuộc hành trình, không lúc nào mà cạn đề tài cả. Cuối
cùng, trước khi chia tay ở bến xe South Station của Boston, Susan mới mở túi lấy
ra cuốn sách và nói với tôi : “Tôi đem cuốn sách này để mà đọc cho khuây khỏa dọc
đường. Ấy thế mà gặp anh bữa nay chuyện trò vui quá, nên cũng chẳng cần phải mở
sách này ra đọc nữa. Xin cảm ơn anh nhiều. Và hẹn sẽ tiếp tục trao đổi qua
email hay phone nha…” Tôi nói : ” Susan Stanley = SS bây giờ là “Soul Sister” của
tôi đấy (Tâm hồn đồng điệu). Susan cười thật dòn đáp lại : “Anh nói đúng quá,
tôi thật tâm đắc với hai chữ Soul Sister này….”
3 – Trên chuyến xe bus từ Buffalo đến Toronto Canada
vào chiều ngày 7 tháng Tư 2015.
Buffalo là thành phố thuộc tiểu bang New York nằm kề
sát với thác Niagara nơi biên giới giữa Mỹ và Canada. Hành khách đi xe bus từ
phía Mỹ, khi đến trạm kiểm sóat của Canada, thì tất cả đều phải xuống xe mang
theo hành lí và xuất trình passport cho cảnh sát. Bữa đó, việc kiểm sóat giấy tờ
cho 50 hành khách chỉ hết chừng 30 phút; tôi không thấy có người nào bị giữ lại
và mấy nhân viên cảnh sát cửa khẩu đều tỏ ra lịch sự, vui vẻ thân thiện đối với
mọi người.
Người ngồi bên tôi trong chuyến xe này là một cô gái
cỡ tuổi 25. Cô cho biết mình là người Canada sinh trưởng ở Montréal, tên là
Mélanie. Thế là tôi có dịp chuyện trò với cô bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh.
Dĩ nhiên là Mélanie nói thông thạo cả 2 thứ tiếng này, mà thường được gọi là lọai
người bi-lingual. Cô cho biết từ vài năm nay thì qua dậy tiếng Anh cho các học
sinh trung học tại Nam Hàn. Cô được cung cấp nơi ăn chốn ở tươm tất tại thành
phố Quanjou ở phía cực nam của bán đảo Triều Tiên với dân số khỏang 1 triệu người.
Ban trưa thì ăn ở nhà trường, các thầy cô giáo đều cùng ăn theo thực đơn như
các học sinh. Cô rất thích các món ăn này mà cô gọi đó là thứ healthy food (thức
ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe). Nói chung là cô có thiện cảm với người dân Đại
Hàn vì trình độ văn hóa tương đối cao và lối sống đày tình người tại xứ sở này.
Mélanie cũng học được tiếng Đại Hàn, đọc báo chí sách vở và nói chuyện được với
người địa phương bản xứ. Nhưng cô lại sử dụng tiếng Anh nhiều hơn vì tại nhà
trường các học sinh cũng như giáo chức thì đều nói thông thạo tiếng Anh.
Được hỏi về tình trạng liên hệ với Trung quốc, thì
cô cho biết người Đại Hàn rất bực bội khó chịu vì phải chịu đựng nạn ô nhiễm
bàu khí quyển do phía bên Trung quốc thổi qua eo biển từ phía Tây qua, nhiều
khi ngột ngạt rất khó chịu. Mà tình trạng này đã kéo dài từ lâu, mà phía Trung
quốc rõ ràng là bất lực không làm sao mà cải thiện tình hình tồi tệ của nạn ô
nhiễm nặng nề như thế được.
Đến lượt Mélanie tò mò hỏi về chuyện của tôi ở Việt
nam như thế nào mà bây giờ lại phải đến tỵ nạn trên đất Mỹ.Tôi cho cô biết là
năm nay tôi đã bước vào tuổi 80, ngang tuổi với ông bà của cô đấy, phải không.
Mélanie gật đầu “ Quả đúng vậy, ông ngọai của cháu năm nay 81 tuổi.” Tôi nói tiếp
: “Chuyện tù đày của tôi nguyên do là vào năm 1990, lúc cộng sản ở Đông Âu sụp
đổ, thì người cộng sản ở Việt nam rất hốt hỏang (panicked), họ mở chiến dịch bắt
giữ những người có chính kiến bất đồng như tôi (dissident).
Tôi liền mở laptop cho cô đọc bài tôi viết “How I
became a political prisoner in Vietnam”. Xem xong, Mélanie nói ngay : “Cháu thật
không thể ngờ được là người cộng sản họ lại có thể độc tài tàn bạo như vậy được!”
Tiếp theo tôi cho Mélanie coi Chứng chỉ của Amnesty International tuyên dương
tôi là một Human Rights Hero trong Đại Hội mới đây ở New York. Tôi giải thích
thêm : “Vì Amnesty đã góp phần cứu thóat tôi ra khỏi nhà tù Ở Việt nam năm
1996, nên từ nhiều năm nay tôi tích cực tham gia họat động với Amnesty – do đó
mà bây giờ họ mới tuyên dương tôi như vậy.” Mélanie gật gù và nói : “Thật là sự
may mắn cho cháu được gặp một nhà Anh hùng về Nhân quyền như bác đấy.” Cả hai
chúng tôi đều cười thật là vui vẻ, hồn nhiên, sảng khóai.
Đại khái câu chuyện dọc đường của tôi trao đổi với
các bạn đồng hành trên máy bay, trên xe lửa hay xe bus từ nhiều năm nay, thì thật
có nhiều chi tiết ngô nghĩnh lí thú tương tự như mấy trường hơp mới đây nhất được
ghi vắn tắt lại trên đây. Tôi nghĩ mình có thể viết thành cả một cuốn sách về
bao nhiêu chuyên đại lọai mà tôi đã gặp trong hơn 10 năm rong ruổi khắp nơi
trên đất Mỹ, Canada, Âu châu, Úc châu.
Nhưng bài viết đến đây, kể đã dài rồi, tôi xin được
tạm ngưng ở đây. Và xin hẹn sẽ viết tiếp thêm chi tiết nữa trong những dịp khác
vậy.
Thành phố Toronto Canada, ngày 14 tháng Tư
2015-04-14
Đoàn Thanh Liêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét