Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Một Vài Tin tức Á Châu

Biển Đông: Mỹ nêu khả năng Trung Quốc lập vùng phòng không

Trọng Nghĩa
media
Vào hôm qua 15/04/2015, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở vùng Thái Bình Dương đã không ngần ngại cho rằng Bắc Kinh đang có những hành vi « hung hăng » tại Biển Đông, với mục tiêu là thiết lập một vùng nhận dạng phòng không, tương tự như Trung Quốc đã làm trên Biển Hoa Đông.

Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear đã nêu bật các hoạt động cải tạo đất, xây dựng cơ sở của Trung Quốc tại tám nơi được ông gọi là tiền đồn của Bắc Kinh ở cả hai vùng Trường Sa và Hoàng Sa. Tại Trường Sa, đó là những công trình bồi đắp quy mô lớn, còn tại Hoàng Sa là việc nâng cấp các cơ sở có sẵn.
Đô đốc Mỹ đặc biệt quan tâm đến các công trình xây dựng bến tàu cũng như điều được cho là một phi đạo dài trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Đối với ông Locklear, các cơ sở đó sẽ cho phép Trung Quốc triển khai nhiều tàu thuyền hơn trong vùng, vì đã có nơi để trú đóng và nhận tiếp tế tại chỗ.
Điều đáng ngại là Trung Quốc hoàn toàn có thể triển khai trên các tiền đồn đó các loại vũ khí như các hệ thống tên lửa hiện đại và radar tầm xa. Đô đốc Locklear kết luận là những nhân tố đó có thể trở thành nền tảng cho việc xây dựng một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Vào cuối năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, gộp luôn cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý. Quyết định của Bắc Kinh đã bị cả Washington lẫn Tokyo cực lực lên án.
Cho đến nay, Trung Quốc luôn luôn phủ nhận mưu toan thành lập vùng phòng không trên Biển Đông, nhưng việc họ ráo riết bồi đắp tạo đảo nhân tạo đã khiến nhiều nước lo ngại.
Mặt khác, các quan chức Hải quân phương Tây và châu Á đã bày tỏ thái độ lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc hạn chế quyền tự do lưu thông qua khu vực này, một khi họ hoàn tất công việc bồi đắp và xây dựng cơ sở trên các hòn đảo nhân tạo. 

Biển Đông: Phó TT Philippines muốn hợp tác với Trung Quốc

Thanh Hà
media
Phó tổng thống Jejomar Binay (T) và tổng thống Benigno Aquino III (P), Manila, tháng 11/2010Reuters/Erik de Castro
Trong lúc tổng thống Aquino có những lời lẽ cứng rắn lên án Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, thì phó tổng thống Philippines, Jejomar Binay, tỏ thái độ hòa hoãn. Ông tuyên bố ủng hộ các dự án đồng khai thác tài nguyên tại Biển Đông với Trung Quốc. Manila lập tức bác bỏ luận điểm của ông Binay.
Jejomar Binay, 72 tuổi chuẩn bị ra tranh cử tổng thống Philippines vào năm 2016. Trả lời trên một đài phát thanh, phó tổng thống Philippines giải thích quan điểm của mình như sau : « Trung Quốc có tiền, mà chúng ta thì cần vốn » và ông tin tưởng rằng, hợp tác với Trung Quốc để cùng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ dầu hỏa đến hải sản… sẽ có lợi cho cả đôi bên.
Phó tổng thống Philippines tin tưởng Manila và Bắc Kinh có thể đàm phán để giải quyết các tranh chấp chủ quyền hải đảo tại Biển Đông. Ông Binay còn chủ trương Philippines nên giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc bằng đối thoại song phương.
Lập tức Ngoại trưởng Philippines, Alber del Rosario bác bỏ lập luận của phó tổng thống Binay. Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh rằng : đối thoại song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông là « lao đầu vào cõi chết ». Điển hình là 50 cuộc đàm phán song phương giữa Philippines và Trung Quốc về bãi đá Scarborough, nhưng kết quả vẫn không đi đến đâu. Bởi Bắc Kinh luôn đưa ra lập trường cố hữu : Scarborough là một vùng đất thuộc « chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc ».
Phó tổng thống Philippines đang trong vòng điều tra của Thượng viện vì tội tham nhũng. Dù vậy theo thăm dò về ý định bỏ phiếu gần đây nhất do cơ quan Pulse Asia thực hiện, Jejomar Binay đang dẫn đầu với 29 % cử tri Philippines có ý định bỏ phiếu cho ông. Giới quan sát lưu ý : phó tổng thống Philippines Jejomar Binay không có kinh nghiệm về ngoại giao.

Biển Đông : Trung Quốc bác bỏ tố cáo của Philippines

Thanh Hà
media
Phát ngôn viên Trung Quốc Hồng Lỗi (Hong Lei)AFP / Frederic J. BROWN
Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ sau phát biểu của tổng thống Philippines về Biển Đông. Ông Benigno Aquino cho rằng theo ông nghĩ, thế giới cần lo ngại trước việc Trung Quốc bồi đắp biển đảo trong vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia khác.
Họp báo ngày 15/04/2015, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi cho rằng những cáo buộc của tổng thống Aquino là « không có cơ sở ». Bắc Kinh « kêu gọi Manila tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ». Vẫn theo ông Hồng Lỗi, tất cả những hoạt động mà Trung Quốc đang làm ở Trường Sa đều nằm trong khu vực chủ quyền của Bắc Kinh. Đại diện bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm, việc xây dựng cơ sở trên một số đảo ở khu vực Trường Sa không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào. Đây cũng không phải là một mối đe dọa đối với an ninh hàng hải trong khu vực.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho hãng thông tấn Pháp AFP, ngày 14/04/2015, tổng thống Philippines Benigno Aquino cho rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới cần phải lo ngại trước các dự án xây dựng của Trung Quốc tại Trường Sa. Hành động bồi đắp đảo và các công trình xây dựng nói trên có thể gây trở ngại cho giao thông trên một tuyến đường huyết mạch của hàng hải quốc tế. Vẫn theo tổng thống Philippines, hành động của Trung Quốc còn đe dọa cả các hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông.

Xung đột biên giới Trung Quốc – Miến Điện : 16 người chết

Thanh Hà
media
Vùng Kokang, gần biên giới Miến Điện với Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 24/03/2015.REUTERS/Wong Campion
Báo chí Miến Điện hôm nay 16/04/2015 đưa tin 16 quân nhân đã bị thiệt mạng trong một đợt tấn công giành lại một địa điểm quan trọng trong tay lực lượng nổi dậy Kokang. 
 
Báo The Mirror, đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền, cho biết chiến dịch quân sự nói trên đã kéo dài trong 10 ngày và vừa kết thúc vào ngày 15/04/2015. Theo thông cáo của quân đội, 16 quân nhân « đã hy sinh tính mạng vì đất nước và 110 người lính cùng sĩ quan bị thương ». Hai người trong phe nổi dậy tử vong. Trước mắt lực lượng vũ trang Kokang ở miền bắc Miến Điện, sát với biên giới Trung Quốc chưa bình luận về tin trên.
Thông cáo của quân đội Miến Điện đăng trên nhật báo The Mirror cho biết thêm là quân đội Miến Điện đã giành lại quyền kiểm soát một ngọn đồi và nhiều căn cứ của quân nổi dậy trong khu vực.
Xung đột tại bang Shan, miền bắc Miến Điện và sát với biên giới Trung Quốc đã dấy lên trở lại từ tháng 2/2015. Căng thẳng đã gia tăng cường độ khi vào tháng trước, quân đội Miến Điện đã pháo kích nhầm, sát hại 4 công dân Trung Quốc ở bên kia biên giới. Naypyidaw đã phải lên tiếng xin lỗi Bắc Kinh về sự cố đáng tiếc nói trên.
Hôm đầu tháng Miến Điện đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn với nhiều nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số, nhưng lực lượng của người Kokang không nằm trong danh sách này.

Một năm vụ Sewol : Dân Hàn Quốc tẩy chay chính quyền

media
Thân nhân các nạn nhân chuyến phà Sewol tuần hành về thủ đô ngày 05/04/2015, để yêu cầu làm sáng tỏ trách nhiệm trong vụ đắm phà.AFP PHOTO / Ed Jones
Cách đây đúng một năm, vào ngày 16/04/2014, chiếc phà Sewol bị đắm ở vùng Tây Nam bán đảo Triều Tiên khiến 295 người chết, 9 người mất tích, trong số 476 người trên tàu. Phần lớn nạn nhân là học sinh đi du ngoạn. Đây là tai nạn hàng hải khủng khiếp nhất ở Hàn Quốc trong vòng 40 năm.
Tổng thống Hàn Quốc hôm nay đã hứa thỏa mãn nguyện vọng gia đình nạn nhân là cho trục vớt chiếc phà « ngay khi có thể làm được ». Tuy nhiên, một năm sau tai nạn, cú sốc và nỗi tức giận đối với chính quyền vẫn nguyên vẹn, và gia đình các nạn nhân đã tẩy chay Tổng thống và Thủ tướng Hàn Quốc khi hai người này đi dự lễ tưởng niệm những người quá cố
Thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tường thuật từ Seoul :
« Thông báo của Tổng thống Hàn Quốc không đủ để làm cho các gia đình nạn nhân nguôi giận. Họ rất phẫn nộ vì cho là chính quyền không thành thật, chỉ hứa suông và đã can thiệp vào cuộc điều tra nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Sáng nay đã có hai cảnh tượng cho thấy nỗi tức giận lên cao như thế nào : Thủ tướng Hàn Quốc đã bị người thân của nạn nhân chận lại không cho ông đến đài tưởng niệm ở Ansan, thành phố của các học sinh đã chết thảm.
Còn Tổng thống Hàn Quốc Park Geung Hye đã đến tham dự lễ tưởng niêm ở Jindo, nơi gần chỗ phà bị đắm, nhưng lại không có sự hiện diện của các gia đình nạn nhân, đã bỏ đi để phản đối và chứng tỏ lòng phẫn nộ.
Tại Trung tâm Seoul, thân nhân nạn nhân đã dựng lều ở đấy từ nhiều tháng qua, họ dựng một đài tưởng niệm tạm bợ ở quảng trường Gwanghwamun, người đi đường qua lại đặt hoa trước ảnh các em học sinh đã chết và ký kiến nghị.
Một năm sau tai nạn nhiều mảng tối vẫn chưa sáng tỏ, bầu không khí căng thẳng nói trên cho thấy là người Hàn Quốc vẫn bị chấn động mạnh, họ vẫn không hiểu tại sao có thể xẩy ra một thảm kịch như thế.
Sự cố này đã chia rẽ xã hội Hàn Quốc : Chiếc phà vẫn còn nằm ở độ sâu 40 mét. Vớt lên sẽ tốn đến 110 triệu đô la. Nhiều gia đình cho đây là một việc cần thiết. Mốt số người nêu bật vấn đề tham nhũng, thói quen đút lót đã dẫn đến thảm kịch.
Ngược lại những người bảo thủ nhất cho đấy là thủ đoạn của cánh tả, lợi dụng thảm kịch, cho nên phải tiếp tục nhìn về phía trước, tóm lại không nên đáp ứng yêu cầu của các gia đình. »

Không có nhận xét nào: