Trong bầu không khí lắng đọng thương nhớ Sài Gòn và hoài niệm tháng ngày vượt biển trại tị nạn, hơn 300 đồng hương hội ngộ trong căn phòng hội trường VNCR tối thứ bảy 18-4-2015 thưởng thức những ca khúc của Trần Chí Phúc với chủ đề Sài Gòn Một Thoáng 40 Năm, vào cửa miễn phí.
Cali Today News - Các ca sĩ Như Mai, Anh Dũng, Ngọc Trọng, Thúy Vi, Hương Thơ, Xuân Thảo, Thanh Vũ ,Hồng Nga và tác giả đã trình bày 10 ca khúc về thành phố đã mất tên và mấy bài hát tị nạn vượt biển.
Trần Chí Phúc đã khai mạc bằng lời cám ơn bằng hữu đã giúp đỡ mọi điều để có buổi nhạc này và ôm đàn thùng hát mở đầu bản Hát Cho Em Nghe Bài Hát Sài Gòn. Kế đến Như Mai trình diễn bản nhạc đắc ý của tác giả Sài Gòn Em Ở Đó gây xúc động khán giả . Những bản kế tiếp như Sài Gòn Chiều Mưa ( Hồng Nga), Sài Gòn Mơ Ngày Hội Ngộ ( Ngọc Trọng), Sài Gòn Em Vẫn Còn Đây ( Anh Dũng), Anh Yêu Em Nên Yêu Sài Gòn ( Hương Thơ). Riêng Thanh Vũ hát 2 bản Sài Gòn Một Thoáng 20 Năm và Sài Gòn Một Thoáng 30 Năm.
Bài mới nhất là Sài Gòn Một Thoáng 40 Năm do chính Trần Chí Phúc trình bày chấm dứt chương trình. Lời ca có mấy câu cuối : “ Sài Gòn bốn mươi năm góc phố êm đềm hàng cây biến mất. Người về bước chân hoang ngơ ngác đi tìm đường xưa ngõ cũ. Đất nước tơi bời cuộc sống đổi đời, bao ngày niềm đau cách xa, gởi về người em nhớ thương, anh vẫn tin một mai thành phố lấy lại tên.”
Hồng Nga, tác giả và Nguyễn Vũ Nhã nói về bản Xác Em Nay Ở Phương Nào
Những nhạc phẩm bàng bạc nỗi buồn viễn xứ và tị nạn như Chiều Winnipeg (Hương Thơ), Chiều San Francisco ( Ngọc Trọng), Leamsing Chiều Tị Nạn ( Xuân Thảo), Mai Em Đi ( Thúy Vi), Mai Mốt Em Về Đâu ( Như Mai), Xác Em Nay Ở Phương Nào ( Hồng Nga) xen kẻ các bản Sài Gòn làm phong phú dòng nhạc Trần Chí Phúc và tạo hứng thú khán giả.
Một số diễn giả được mời lên phát biểu cảm tưởng như Thanh Trúc xướng ngôn viên đài Á Châu Tự Do đến từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Nghị viên San Jose Nguyễn Tâm một người bạn văn nghệ của tác giả.
Anh Nguyễn Vũ Nhã kể lại câu chuyện tháng bảy âm lịch năm ngoái về thăm bãi biển Qui Nhơn thấy đám người thả thuyền giấy trên biển để cầu nguyện cho người thân vượt biển mất tích và anh hát cho họ nghe bản Xác Em Nay Ở Phương Nào làm họ rơi nước mắt.
Cô Xuân Thảo hát Leamsing Chiều Tị Nạn với đôi mắt ngấn lệ. Cô sinh vào đúng năm Sài Gòn thất thủ và đã ở tù vì vượt biển 12 lần và cuối cùng đến trại tị nạn lúc mười mấy tuổi và đã chứng kiến người thân bị hải tặc làm ô nhục và đã tự tử chết.
Chụp chung cùng bằng hữu
Anh Lâm Hoàng Dũng người bị hải tặc xô xuống biển sau khi giết hết người thân, đã bơi giữa đại dương mênh mông nhiều tiếng đồng hồ, nhờ sóng và gió đưa tới một điểm sáng trong đêm tối, đó là mảnh lưới giăng cá của Thái Lan và sống sót. Anh kể lại câu chuyện đặc biệt đó trên sân khấu trong niềm đau quá khứ vượt biển.
Những câu chuyện vượt biển đó gợi nhớ một thời đau thương của người tị nạn Việt Nam và làm khán giả thưởng thức ca khúc vượt biển trọn vẹn hơn.
Một điều bất ngờ khi Thị trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí lên sân khấu cùng Nghị viên Bùi Phát thành phố Garden Grove trao tặng bằng khen cho nhạc sĩ Trần Chí Phúc về những đóng góp cho cộng đồng.
Hai MC là Diệu Quyên và Thúy Vi giới thiệu các ca khúc ngắn gọn mà đầy đủ, đậm chất văn chương để người nghe thấm hiểu lời ca của Trần Chí Phúc.
Ban nhạc gồm Mai Trí Dũng ( Keyboard) và Quang ( Guitar), âm thanh do Tuyền Soundman và kỹ sư Vũ Hải giúp cho các tiếng hát bay bỗng hơn.
Khách ngồi nghe đến cuối buổi nói lên sự hấp dẫn của dòng nhạc Trần Chí Phúc. Nhiều đồng hương phải đứng và nhiều người phải ra về vì không còn chỗ ngồi.
Mười bài hát Sài Gòn của Trần Chí Phúc nói về những chiều mưa, những lần hò hẹn quán cóc với người yêu, ước mơ thành phố sẽ hồi sinh lấy lại tên cũ dấu yêu. Khách thú vị so sánh nét thay đổi của ba bản Sài Gòn Một Thoáng 20 Năm( 1995), Sài Gòn Một Thoáng 30 Năm ( 2005) và Sài Gòn Một Thoáng 40 Năm( 2015).
Thương nhớ Sài Gòn và hoài niệm một thời vượt biển, tâm tình viễn xứ bàng bạc trong 15 ca khúc của đêm nhạc Trần Chí Phúc- Sài Gòn Một Thoáng 40 Năm; khách đông và lắng đọng tâm tư nghe hát đến cuối buổi.
Đó là sự thành công và sự cảm mến của khán giả dành cho tác giả - một nhạc sĩ thiết tha với Sài Gòn và nỗi niềm tị nạn xa xứ trong mùa Quốc Hận 30/4 năm 2015 tại Quận Cam.
Phương Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét