Tôi luôn có cảm giác thời mình vừa lớn, Sài Gòn hình như thưa thớt hơn và trong lành hơn với những hàng me xanh ngát cả lòng, Sài Gòn vẫn cái nắng vàng trong trẻo nhưng không bỏng cháy, bằng chứng là thời ấy, chúng tôi không biết đến những cái khẩu trang che kín mặtnhư bây giờ.
Ngày ấy, Sài Gòn rộng thênh, ta dễ bắt gặp những mái tóc bay, những cái nón lá hiền lành, xanh biếc cái nhìn và những nụ cười thiếu nữ. Có rất nhiều trang phục nhưng áo dài luôn là trang phục thường thấy ở những thiếu nữ Sài Gòn thời ấy. Áo dài đi học, áo dài đi lễ, áo dài đi đám cưới, áo dài đi party, áo dài dạo phố,.. Những vạt áo bay khuất một góc phố, trắng một con đường tan học...làm ngơ ngác không ít những ánh mắt nhìn theo.
Ngày ấy vào lớp đệ thất (lớp 6) chúng tôi đã phải mặc áo dài đi học. Cái tuổi còn ham nhảy nhót chơi đùa, chưa biết làm dáng như các cô bé lớp 6 bây giờ, người suôn đuột như cái que kem, đứa nào đứa nấy mặc áo dài chắc buồn cười lắm nhưng chúng tôi thì không để ý đến điều ấy. Áo dài cũng nhảy dây, cũng chơi u, cũng ngồi bệt xuống góc sân trường mà đánh đũa. Nhớ lần đầu mặc cái áo dài trắng đi học, hai vạt cứ làm tôi vướng víu khó chịu, tôi cứ vén vạt áo, một tay ôm cặp, một tay khư khư nắm vạt áo. Lũ bạn tôi thì mặc áo dài đi lễ đã quen nên chúng cứ nhìn tôi cười ngặt nghẽo.
Chúng tôi lớn dần, cái áo dài cũng dần đẹp ra trong dáng dấp thiếu nữ. Ngày ấy những cái áo dài có vạt nhỏ và ngắn luôn đi với quần sa-tanh đen bóng, ống rộng, chân mang guốc hoặc những đôi giày trắng. Buổi sáng, trời Sài Gòn trong veo bởi những vạt áo trắng xuống đường. Biết bao bài hát mang mang hình ảnh hai tà áo xinh xinh con gái.
Áo dài theo tôi lên đại học. Tôi thích thú khi lần đầu được me may cho một lọat áo dài nhiều màu để vào đại học, những cái áo bằng tơ lụa màu hồng, màu trắng, màu xanh nhạt, có cả cái áo lụa tím mà tôi thích nhất. Ngày ấy con gái Văn Khoa nổi tiếng đẹp và ăn mặc mốt nhất trong các trường đại học nhưng bao giờ áo dài cũng chiếm số đông trong mỗi buổi đến trường.
Sau tháng 4 năm 1975, ngày trình diện Thành Đoàn để nhận công tác đầu tiên của thành phố, không ít đứa trong bọn tôi bị đáng giá là còn tác phong "tiểu tư sản" khi mặc áo dài đến trình diện - trong đó có cả tôi - sau lần ấy, không bao giờ tôi đến theo lời triệu tập của Ban đại diện sinh viên Văn Khoa - tôi bỏ Văn Khoa với nổi buồn không sao hiểu được.
Áo dài có một thời vắng bóng trên mọi góc phố, trên mọi họat động kể cả các họat động văn hóa, truyền thống. Nó được xem là một hình ảnh xa xỉ, lạc điệu. Tôi gấp hết những chiếc áo dài đã cũ của mình vào tủ, không dám nhìn đến vì sợ mình sẽ khóc. Đến giai đoạn khó khăn nhất, những chiếc áo dài của tôi cùng nhiều thứ khác rời khỏi ngôi nhà của chúng tôi...và không bao giờ còn có dịp nhìn lại.
Năm ngành giáo dục kêu gọi mặc áo dài đi dạy lại là những năm đồng lương giáo viên không đủ ăn, lấy đâu mua áo dài? May, trường tôi dạy cũng là ngôi trường có nguồn thu từ căng-tin của trường cao lúc bấy giờ nên mỗi giáo viên được tặng một bộ áo dài. Sau nhiều năm, lần đầu mặc lại áo dài, tôi nắm hai vạt áo rưng rưng nhớ con bé lớp sáu một thời đã xa...
Áo dài bây giờ đã không còn xa lạ với những cô gái, những người phụ nữ hiện nay nhưng lại không là thứ trang phục được ưu tiên chọn trong mọi sinh hoạt đời sống bây giờ. Thời buổi mà mọi cái được tính toán từng giờ từng phút, chừng như không hợp lắm với hình ảnh thướt tha, bay bổng của hai vạt áo bay. Ngay cả chúng tôi, mỗi tuần cũng chỉ được mặc áo dài vào sáng thư hai, thế mà đôi khi có người còn than thở rằng vướng víu nóng bức.
Tôi nhớ những bài thơ, bài nhạc làm say lòng người thời mình mới lớn :
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay
(Nguyên Sa)
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay
(Phạm Thiên Thư)
Hình ảnh chiếc áo dài là hình ảnh của một trong nhiều thứ đã cũ nhưng luôn luôn đẹp. Giữa bộn bề của cuộc sống, giữa tất bật của công việc hằng ngày, giữa cái mong manh của trí nhớ...một hôm nào bỗng mềm lòng khi thấy một
Hạ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét