Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

40 NĂM: Quốc Sách Tham Nhũng - Vũ Thạch

 
Vào khoảng thời gian này 40 năm trước, phải công nhận rằng đại đa số cán bộ, đảng viên CSVN trung và cao cấp đều khá lý tưởng và tin rằng mình đang "cứu nước". Ý đồ dùng máu người Việt để "đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc" được giữ kín trong đầu của chỉ khoảng 10 người chung quanh các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh. Từ căn bản lý tưởng đó, hầu hết cán bộ đều sống trong sạch,  sống trong nghèo nàn, đói khát như dân.

Nhưng ngày 30/4/1975 có thể nói đã đánh dấu lằn mức khởi đầu của cuộc chạy đua "kiếm ăn" của toàn bộ guồng máy cán bộ đảng. Họ bắt đầu giành nhau từng căn hộ lớn của các gia đình miền Nam bỏ chạy ra nước ngoài hoặc bị đẩy đi vùng Kinh tế mới. Có những cán bộ phường, quận tranh cãi kịch liệt để giành nhau từng chiếc tivi, tủ lạnh trong các nhà bỏ trống. Sau chừng một năm, khi các món lặt vặt đó đã cạn, cán bộ địa phương bắt đầu nhìn và học cách lừa đảo, cướp trắng tài sản của dân từ Trung ương, qua các thủ thuật đổi tiền, đánh "tư sản mại bản", rồi
đánh luôn "tư sản dân tộc", rồi "xây, xóa, chuyển tiểu thương", ... Và chỉ vài năm sau, cán bộ nhiều tỉnh, thành đã biết tự tổ chức bán "bãi vượt biên" kiếm vàng, lập các trại tù kín để bắt những người vượt biên lén lút hoặc vượt biên từ các "bãi" khác để lột cho hết vàng rồi thả về, khỏi báo cáo. Tay nghề của cán bộ lúc đó đã tiến khá xa nhưng nhìn chung họ vẫn còn tự xem tham nhũng là chuyện xấu, phải làm lén lút, phải giấu giếm Trung ương. Và ít là tại thời điểm bắt đầu chính sách "Mở cửa" năm 1986 vì Liên Xô cắt hết viện trợ, lãnh đạo đảng CSVN vẫn còn xem tham nhũng là quốc nạn.

Nhưng từ điểm đó đến nay, tham nhũng đã tiến từ quốc nạn lên quốc sách. Nghĩa là hiện nay tham nhũng đang được chủ động xử dụng để duy trì guồng máy vận hành và bảo vệ chế độ, duy trì sự trung thành của toàn bộ hàng ngũ cán bộ đang nắm quyền. Sau 4 thập niên với mấy chục chiến dịch toàn quốc chống tham nhũng, hàng ngàn các ủy ban bài trừ tham nhũng ở mọi cấp, hàng trăm lời thề độc "nếu không diệt được tham nhũng thì từ chức" của các quan chức ở thượng đỉnh, nay lãnh đạo đảng không những hoàn toàn chịu thua mà còn chuyển qua khâu vận động cả nước chấp nhận tham nhũng như một phần của cuộc sống. Lời hứa không đánh chuột nữa vì chuột đang nằm cả trong bình quí đã được chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố và được các cán bộ tuyên giáo lập lại trên cả nước.

Tại sao lại như thế khi giới lãnh đạo đều biết và đã cảnh báo tham nhũng đang làm nguy hại đến khả năng lãnh đạo của đảng?

·                     Lý do thứ nhất rất đơn giản: Vì những người được chỉ thị đi diệt tham nhũng ngày nay đều có khối tài sản lớn hơn nhiều những kẻ mà họ có trách nhiệm điều tra hay trừng phạt. Càng mở thêm các chiến dịch phòng chống tham nhũng họ càng giàu nhanh nhờ các món quà chạy án.

·                     Lý do thứ nhì cũng đơn giản không kém: Vì các quan chức ở thượng đỉnh, những người có thẩm quyền đề xuất các chiến dịch phòng chống tham nhũng, đều biết "chúng ta cùng giàu như nhau cả". Cấp bậc càng cao mức giàu càng vĩ đại vì mạng lưới đàn em bên dưới "cư xử đúng phép tắc" càng rộng. Và khi đã như thế, ai lại nỡ tước đoạt chính mình, vợ mình, con mình?

·                     Lý do thứ ba: Vì tham nhũng đã tràn ngập như nước lụt và quá hiển nhiên trước mắt mọi người hàng ngày. Làm sao giải thích được những quan chức đã và đang "cống hiến mọi thời giờ, năng lực và cả cuộc đời cho cách mạng" và chỉ dùng những giây phút hiếm hoi còn lại cuối ngày đã đủ để quấy lên những núi tài sản ở cấp hàng tỉ mỹ kim? Hiện tượng thiên tài đó lại không hiếm, từ các cố quan chức như Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Hữu Thắng, ...; đến các cựu quan chức như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, ...; đến các quan chức đương thời như Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Xuân Phúc, v.v...

·                     Lý do thứ tư cũng hiển nhiên không kém: Vì tất cả mọi người, từ lãnh đạo đến các cán bộ trong đảng và những đối tượng đang phấn đấu vào đảng đều biết hiện nay chỉ còn một qui luật vận hành duy nhất trong cả guồng máy, bất kể ở ban ngành nào. Đó là, cấp trên ghi tâm: "Phải cho ăn mới nuôi được sự trung thành";  và cấp dưới vững tin: "Cứ trung thành là còn có ăn". Qui luật trên hiển nhiên đến độ nó được viết ra công khai trong bài bản huấn luyện tư tưởng cho đảng viên và được dùng để thu hút đảng viên mới, dưới tiêu đề "Chỉ biết còn đảng còn mình".

Tuy nhiên, quốc sách tận dụng tham nhũng này vẫn chưa phải là giải pháp hữu hiệu cho lãnh đạo đảng vì 2 khó khăn sau đây:

Hệ thống cán bộ ngày càng phình lớn quá nhanh. Mỗi ghế mới được đẻ ra, từ địa phương đến trung ương, đều lập tức trở thành món hàng bán được giá, và giá ngày càng cao. Từng cán bộ đã bỏ tiền mua ghế, do đó, phải kiếm ăn ngay để lấy lại vốn và sinh lời, kể cả việc đẻ thêm các ghế mới bên dưới mình để bán. Áp suất kiếm ăn của mỗi cán bộ mới lên nắm quyền càng nặng nề, thúc bách khi đương sự biết cái ghế mình đang ngồi, dù được mua với giá đắt, vẫn có thể mất vì người bán trở mặt, vì có người khác cũng muốn chen vào và đang trả giá cao hơn, hoặc vì ô dù lớn hơn ở phía trên bị thay thế. Tóm tắt là số miệng đòi ăn trong hệ thống cán bộ đang gia tăng liên tục theo cấp số nhân.

Cùng lúc đó các nguồn "lương thực" đang cạn dần. Hầu hết các viện trợ quốc tế, các khoản cho vay của các ngân hàng phát triển để xây những dự án lớn đều đã biến mất, vì tình trạng rút ruột công trình quá trầm trọng trong lúc thi công và tình trạng bỏ mặc công trình hư hại sau khi xây xong. Các hãng xưởng quốc tế cũng rút hầu hết các ý định đầu tư ra khỏi Việt Nam (và Trung Quốc) để chuyển qua Thái Lan, Indonesia vì hệ thống luật pháp tại đó bảo đảm hơn, cũng như các chi phí "bôi trơn" thấp hơn nhiều. Hiện nay cũng không còn hiện tượng các tập đoàn kinh tế và tổng công ty dưới quyền Thủ tướng Nguyền Tấn Dũng tha hồ xài tiền vay quốc tế mua hàng phế thải rồi chia nhau "khoản lời". Các vụ mua sắm tàu ngầm, hỏa tiễn cũ với giá hàng mới cũng không còn ngân quĩ để tiếp tục. Những nỗ lực hốt tiền lẻ như các lệ phí mới tại trường học, tại nhà thương, tại công sở, đặc biệt các trò "đẻ luật tại chỗ" để đòi tiền của CSGT, ... dù gia tăng nhiều nhưng vẫn không đủ ở cấp hệ thống để chia chác.

Chính tình trạng "cám ít, lợn nhiều" đó đã dẫn đến hiện tượng nở rộ các sáng kiến kiếm ăn mới ngày càng táo bạo: Các đường dây dẫn người, bán người, cho thuê nô lệ Việt tại nước ngoài đang lan từ Đông Á, Đông Nam Á, sang các nước Trung Đông, Đông Âu, Tây Âu, và đến tận Phi Châu; Tài nguyên quốc gia  từ dầu hỏa đến than đá đến cát trắng đến cao su được bán gấp với giá càng lúc càng rẻ; Khắp nơi khởi công xây cất các công trình vô lợi vô ích nhưng vô cùng mắc tiền: tượng đài vĩ đại nơi này, tháp cao nhất thế giới nơi kia; Thành phố nào cũng lên kế hoạch "chỉnh trang đô thị" với trọng tâm cắt hàng ngàn cây cổ thụ đem bán; Tỉnh nào cũng nghiên cứu cách "bảo trì sông ngòi" với trọng tâm lấp bớt lòng sông để bán mặt bằng cao cấp. Và nay đã bắt đầu ló dạng những đường dây cung cấp nội tạng con người với giá phải chăng.
 
Nhưng có lẽ áp suất mạnh nhất đang thúc đẩy guồng máy cán bộ kiếm ăn càng lúc càng man dại là điều mà chính họ đã nhận ra rất rõ: không một chế độ nào với tầm vóc và tốc độ nạo khoét quốc gia như hiện nay có thể tồn tại được. Sụp đổ là hậu quả chắc chắn, chỉ không biết ngày nào thôi. Chính vì vậy mà họ càng phải ăn gấp rút hơn nữa và càng phải chuyển tài sản nhanh chóng hơn nữa ra khỏi Việt Nam. Dịch xâu xé đất nước đã lên tới mức gần như điên loạn, không khác gì bầy cá mập xông vào một con mồi đang tuôn máu.

Còn ai thấy 40 năm vẫn chưa đủ?

Vũ Thạch 
 

Chuyện tham nhũng

Nguyễn Vũ Bình

Trong thời gian gần đây, vấn đề tham nhũng, hối lộ lại được hâm nóng trở lại bởi một phát biểu của ông bộ trưởng bộ Công an Việt Nam. Trong phiên chất vấn của Đại biểu Quốc Hội ngày 14/3/2015, bộ trưởng công an đã khẳng định: “Trong môi trường công tác chịu rất nhiều áp lực, tuyệt đại đa số cảnh sát giao thông giữ được phẩm chất đạo đức của mình, hoàn thành nhiệm vụ, không nhận hối lộ, không tiêu cực.”
 
 

Không những vậy, trong các lập luận của những người yêu chế độ, muốn giảm thiểu mức độ trầm trọng của tình trạng tham nhũng ở Việt Nam thường cho rằng, nước nào cũng có tham nhũng, Việt Nam cũng tham nhũng như mọi nước khác trên thế giới mà thôi. Vậy thực hư của chuyện này là thế nào? có đúng là Việt Nam cũng như tất cả các nước đều có tham nhũng và tham nhũng đều giống nhau hay không?
 

Nhìn nhận một cách khách quan, ít nhất vế đầu của lập luận, nước nào cũng có tham nhũng và Việt Nam cũng có tham nhũng là đúng! Sự khác nhau chỉ xuất hiện khi đi vào phân biệt sự khác nhau về tham nhũng ở các nước khác và sự tham nhũng ở Việt Nam. Có thể dùng hình ảnh về bệnh tật của con người để mô tả sự khác nhau về tham nhũng ở các nước và ở Việt nam. Ở các nước (những người nói Việt Nam giống các nước về tham nhũng rất hay so sánh với các nước như Mỹ, Đức, Nhật và châu Âu) thì tham nhũng của họ được ví như bệnh ghẻ lở, hắc lào tức là bệnh ngoài da. Còn tham nhũng ở Việt Nam, nhẹ thì so sánh với ung thư xương, ung thư máu còn chính xác thì so với Si đa giai đoạn cuối. Sự khác biệt là như vậy.

Ở các nước tư bản phát triển, nơi có sự công khai, minh bạch và thông tin trung thực, cùng với hệ thống tam quyền phân lập, đối trọng quyền lực và các định chế ngăn ngừa và phòng chống tham nhũng, thì việc tham nhũng là có, nhưng chỉ là số ít, các vụ việc đơn lẻ và mức độ không quá nghiêm trọng. Sự việc tham nhũng ở các nước này, nếu bị phát hiện thì tuyệt đại bộ phận đều bị truy tố, dù cấp bậc và chức vụ của người tham nhũng ở vị trí nào đi chăng nữa. Động cơ tham nhũng ở đây, thường là kẻ tham nhũng gặp khó khăn bất ngờ về tài chính, hoặc những phút bốc đồng nổi máu tham không kiềm chế được. Phần lớn công chức, quan chức trong hệ thống công quyền đều nhận thức được cái giá phải trả vô cùng nặng nề so với công sức họ bỏ ra để học hành, thi cử và làm việc để có được vị trí họ đang nắm giữ. Chính vì vậy, trong suy nghĩ và hình thành động cơ đã có sự khác biệt rất lớn với Việt Nam trong vấn đề tham nhũng. Tóm lại, với các định chế hiện hành cùng với mức lương đủ sống, tham nhũng ở các nước này là những hiện tượng cá biệt, trong các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, không phải phổ biến và không thành hệ thống.

Tham nhũng ở Việt Nam là câu chuyện khác hẳn. Đầu tiên, mức lương của tất cả các chức danh, của quan chức hoàn toàn không đủ sống theo nhu cầu bình thường của họ. Do hệ thống chính trị độc tài, toàn trị ở Việt Nam đã duy trì hai hệ thống tổ chức song song, đó là hệ thống đảng và hệ thống chính quyền. Đồng thời, Việt Nam còn có các tổ chức ngoại vi là các hội, đoàn thể cùng với hệ thống an ninh, mật vụ, đặc tình để giám sát và kiểm soát dân chúng. Chính vì vậy, số lượng người thông thường hưởng lương ngân sách của một quốc gia tương ứng với 90 triệu dân là khoảng 3-4 triệu người thì ở Việt nam, con số này khoảng 20-25 triệu người. Nếu tính cả số người nhận phụ cấp hàng tháng và khối doanh nghiệp nhà nước trong ngân sách chi quốc gia, thì số người hưởng phụ cấp từ 200.000 VNĐ trở lên, tới lương Tổng bí thư số lượng khoảng từ 30-40 triệu người. Một con số khủng khiếp. Với một số lượng lớn chi thường xuyên của ngân sách như vậy, thì mức lương của công chức và quan chức hoàn toàn không thể đủ sống. Chính vì vậy mà nguyên nhân đầu tiên dẫn tới động cơ tham nhũng ở Việt nam chính là do cơ chế, do mức lương không đủ sống mà tất cả mọi người bắt buộc phải tham nhũng, kiếm chác để duy trì cuộc sống.

Lý do thứ hai, quan trọng không kém là tình trạng mua quan, bán tước đút lót, hối lộ để vào làm công chức, viên chức, vào biên chế nở rộ hiện nay. Tất cả những ai, có lương tâm và hiểu biết ở Việt Nam đều phải thừa nhận, gần như tuyệt đối, các suất biên chế, các chức danh ở Việt nam đều phải có một cái giá nhất định nào đó. Trường hợp các suất biên chế, các chức danh không mất một đồng nào chỉ có con cháu của cán bộ cao cấp gửi gắm ở cấp dưới mà thôi. Với việc mua các suất biên chế, mua các chức danh như vậy, các công chức, quan chức bắt buộc phải tham nhũng để bù vào số tiền, số vốn đã bỏ ra để mua các chức danh đó.

Có một điều cần nhấn mạnh, về các văn bản, thủ tục và quy trình thực hiện việc tham nhũng ở Việt Nam cũng không hề dễ dàng. Tức là nếu ai muốn tham nhũng được, ví dụ ở một công trình xây dựng, thì phải có sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống, những đầu mối để hoàn thành các thủ tục giải ngân. Chính vì vậy mà tham nhũng ở Việt nam là sự tham nhũng có hệ thống, chứ không hề đơn lẻ và cá biệt. Điều này giải thích các vụ việc tham nhũng rất khó bị phanh phui, như mấy vụ tham nhũng tiền ODA của Nhật bản trong giao thông, đều do phía Nhật Bản phát hiện (vụ đại lộ Đông – Tây; vụ đường sắt trên cao). Và mức độ tham nhũng ở Việt Nam, theo luật ngầm tự hiểu trong hệ thống, đối với các công trình xây dựng, giao thông là 75%. Tức là số tiền thực được đưa vào các công trình là 25%, còn lại 75% là số tiền thất thoát, tham nhũng. Đây gọi là tỷ lệ vàng ở Việt Nam.

Như vậy, sự khác biệt về tham nhũng ở Việt Nam so với các nước khác, đó là tham nhũng do cơ chế. Người ta cần tham nhũng để có tiền để sống, để có tiền mua các chức danh, chức vụ và cùng với nó là cuộc sống sung sướng, hưởng thụ. Ngay từ năm 2000, đã có người tổng kết rằng: tham nhũng ở Việt Nam là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng do mức lương khốn khổ cộng với tình trạng mua quan bán tước nở rộ hiện nay. Như vậy, chúng ta đã có câu trả lời về tham nhũng và cách thức xóa bỏ tham nhũng ở Việt Nam./

Hà Nội, ngày 18/4/2015
Nguyễn Vũ Bình

Không có nhận xét nào: