Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

16 Bí quyết hóa giải những bất hòa trong hôn nhân - Trần Mỹ Duyệt

Một gia đình hạnh phúc. Một cuộc sống hôn nhân vững bền bên cạnh người mình yêu. Đó là những ước mơ rất bình thường, và là một trong những ước mơ của tất cả mọi người khi bước chân vào đời sống hôn nhân gia đình. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Đời sống chung, những va chạm thường ngày giữa vợ với chồng luôn luôn tạo nên những xung khắc dẫn đến tranh cãi, giận hờn, chỉ trích và trong nhiều trường hợp đã đưa đến đổ vỡ, đến ly dị.
<--m-->
Tại sao người trước đây là người bạn yêu, bạn thương và yêu bạn, thương bạn nhất mà nay đã trở thành khó ưa, đáng ghét, và thù địch? Câu hỏi này ai ai trong đời sống hôn nhân cũng muốn tìm hiểu và muốn có câu trả lời. Thật ra, nguyên nhân đưa đến những xung đột, cãi vã, giận hờn trong hôn nhân có nhiều, nhưng quan trọng nhất, thông thường nhất vẫn là thiếu thông cảm, thiếu lắng nghe, thiếu hiểu biết, và không đón nhận những thành ý của nhau. Bạn phải làm gì để tự chủ và kìm hãm những nóng giận khi có những bất hòa xẩy ra giữa vợ chồng trước khi nó bùng nổ thành bất hòa và dẫn đến cãi vã, tranh chấp, giây tổn thương tình cảm, tình yêu của nhau. Sau đây là một số gợi ý tạm gọi là những bí quyết giúp giải quyết khi có những bất hòa xẩy ra giữa vợ chồng trong đời sống hôn nhân.
1. Không chỉ vào mặt nhau: Khi bạn dùng ngón tay chỉ vào mặt chồng hoặc vợ mình, cũng chính là lúc xung khắc bắt đầu bùng nổ! Thay vì nóng nẩy, bực bội, nhăn nhó chỉ vào mặt chồng nói: “Tại sao tôi đã bảo anh là phải đổ thùng rác trong nhà đi mà anh không làm?”. Người vợ có thể nhẹ nhàng đặt tay trên vai chồng, và nói: “Anh à. Em biết anh mệt rồi, nhưng ráng đem thùng rác ra ngoài để khỏi hôi nhà. Anh giúp em đi mà!” Bảo đảm bạn sẽ nhận được câu trả lời: “O.K.”. Và bạn chỉ cần mất thêm hai tiếng “cám ơn” nữa là cả nhà đều vui vẻ.
2. Không lườm, nguýt nhau: Nếu vì lý do nào mà sự tranh cãi đã bắt đầu, bạn phải cố gắng hết sức để tránh dùng cặp mắt liếc, lườm, nguýt nhau. Một trong hai người phải bình tĩnh đủ để nói với người kia: “Em hay anh hãy ngồi xuống đây. Chúng ta cùng nói chuyện với nhau. Chuyện đâu còn đó không cần to tiếng.” Hành động mời được người kia ngồi xuống là một việc làm rất khó khăn, đòi nhiều can cảm, và tự chủ. Nhưng khi hai vợ chồng đã chịu ngồi xuống với nhau, là bạn đã chiến thắng được một nửa, nửa phần còn lại là để lắng nghe nhau.  
3. Không quan tâm những chuyện nhỏ nhặt: Người chồng cũng như người vợ, mỗi người thường có những quán tính cá biệt gọi là những thói quen biểu lộ qua hành động và lời nói.  Những hành động và lời nói này xem ra như thông thường vì đó là một lối bày tỏ tư tưởng, cảm tình của một người. Tuy nhiên, nó có thể là những câu nói hoặc hành động mà bạn không ưa thích (chứ không phải là những câu nói tồi tệ, những việc làm sai trái). Thí dụ, chồng bạn có thói quen ít lời. Ít khen mà cũng không chê bạn. Thông thường khi cần nói gì với vợ, anh ấy chỉ nói một hoặc hai lần, sau đó thì tự mình làm lấy hoặc không hỏi ý kiến bạn về điều ấy nữa. Nếu là người vợ hiểu và yêu chồng thì không được bắt bẻ cho là chồng thiếu lãng mạn, không biết dùng lời nói để bạn hài lòng, hoặc cho rằng chồng bạn là người độc tài không thèm hỏi ý kiến bạn khi cần một quyết định. Một cách tương tự, vợ bạn là một người có nhiều thắc mắc, luôn nhắc lại một điều gì mỗi khi nhờ vả bạn. Là người chồng hiểu tính vợ, thì đây không phải là một thái độ “lải nhải”, hoặc “không tin tưởng”, nhưng đó chỉ là một tập quán của người vợ mà bạn không thích.
Hiểu được tâm lý và lối sống, lối hành xử của vợ hoặc chồng để chấp nhận, và nếu cần để từ từ sửa đổi là một nghệ thuật sống. Chấp nhất, bắt bẻ hoặc cằn nhằn chỉ làm thêm khó chịu cho chính mình mà không bao giờ sửa được tập quán mà bạn không thích của nhau.  
4. Không quan tâm đến quá khứ: Ngày bạn cùng người mình yêu bước vào đời sống hôn nhân là ngày hai người khởi đầu một hành trình mới. Bơi móc quá khứ của nhau là thiếu tin tưởng, thiếu tự trọng. Một hành động dễ dẫn tới nghi ngờ và gây tranh cãi. Tất cả những gì cần tìm hiểu, bạn phải tìm hiểu trước khi cưới. Khi đã trở thành vợ chồng rồi, bạn phải có can đảm chấp nhận con người thật của nhau. Rồi tìm cách khuyến khích, giúp nhau vượt qua những bất đồng về tính tình, về lối sống, và về quan niệm sống. Tại sao bạn nhìn về quá khứ thay vì hướng tới tương lai tốt đẹp hơn?
5. Không có người yêu tuyệt vời: Đây là một triết lý sống vừa thực tế vừa công bằng, và cũng vừa diễn tả được bản chất thực sự của hôn nhân. Khi kết hôn, bạn lấy một người làm chồng hoặc làm vợ. Điều này cũng có nghĩa là bạn lấy toàn bộ con người ấy gồm ưu và khuyết điểm. Đòi hỏi chồng hoặc vợ phải tuyệt vời là một điều vô lý. Ngược lại, nếu thấy mình có khuyết điểm mà không cố gắng hoàn chỉnh lại là một điều hết sức bất công, vì bạn luôn luôn bắt chồng hoặc vợ mang lấy khuyết điểm của mình trong khi đó lại không chấp nhận giới hạn và khuyết điểm của người đó.  
6. Không lẩn trách đối diện sự thật: Tránh mặt hoặc xa tránh chồng hay vợ là những hành động hoàn toàn tiêu cực. Câm nín và tránh mặt nhau không những không giải quyết được những xung khắc mà càng tạo thêm sự bất hòa. Vì càng câm nín, mối hận thù, giận hờn càng nung nấu tâm hồn bạn, càng tạo nên những mối nghi ngờ, bất hòa, và càng khó tha thứ. Bạn phải đối diện với những cái xấu trước mặt để giải quyết và không làm cho những cái xấu ấy trở thành tồi tệ hơn qua thái độ câm nín và tránh mặt. Biết có khuyết điểm mà tránh né là hèn nhát, là nhu nhược.
7. Không đưa người ngoài vào cuộc: Những người đó là cha mẹ, anh chị em hai bên. Là con cái, cháu chắt. Những bất đồng là chuyện giữa hai vợ chồng. Chuyện của hai người, hai người phải giải quyết, không được đưa những người khác vào cuộc. Muốn mình thắng mà lôi kéo họ vào phe với mình là gây cho họ những khó xử, là bất công với họ. Bênh ai? Chê ai? Chọn ai? Bỏ ai? Dùng tình cảm gia đình, dựa dẫm vào cha mẹ, anh chị em, con cháu để tạo áp lực với chồng hoặc vợ nói lên bạn là người thiếu trưởng thành, không có khả năng giải quyết những khó khăn, những bất hòa trong hôn nhân.  
8. Không ngồi lê đôi mách: Ca dao Việt Nam có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”. Mỗi ngày, bạn phải dùng ít phút thinh lặng nhìn lại những tư tưởng, lời nói, và hành động của mình để kiểm điểm, và để thư dãn. Đây là những giây phút riêng tư rất quan trọng cần để duy trì sự quân bình về tình cảm, tâm lý, cũng như thể lý. Nhưng lười biếng tối ngày ở rỗi một mình là không tốt. Như chiếc ao tù, trí khôn người lười sẽ trở nên đần độn. Ý chí của họ sẽ trở nên bạc nhược. Khả năng hành động của họ sẽ trở nên khó khăn, thiếu sáng tạo. Người lười là mồi ngon của những cám dỗ.  
9. Không bạn bè với người nhiều chuyện: Những bạn bè nhiều chuyện, ngồi lê đôi mách. Những bạn bè hay xoi mói và dèm pha người này, người khác là những người mà bạn cần phải tránh xa. Nọc độc chia rẽ, ghen tỵ, và dèm pha của họ sẽ ngấm vào bạn một cách dễ dàng, không ngờ. Nó cũng biến bạn thành những người ngồi lê đôi mách. Những người dùng lời nói mà phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác. Những ai không nghĩ tốt, không nói tốt, và không có hành động tốt với người khác, bạn không nên đến gần và làm bạn với họ. “Gần mực thì đen. Gần đèn thì rạng!”
10. Nên tìm hiểu nhau: Cách thức tốt nhất để vợ chồng hiểu nhau là phải biết lắng nghe nhau. Phụ nữ thường lắm lời, nói năng lải nhải, nhắc đi, nhắc lại một điều gì không vừa ý. Ngược lại, đàn ông ít nói, nhưng nhiều khi nói ra thì lại cộc lốc, khó nghe, hoặc xem như vô duyên. Người này ít lời, trầm ngâm, kín đáo. Người kia ba hoa, khoác lác, nói năng vung vít. Bởi thế, cách duy nhất để hiểu nhau là lắng nghe, và quan sát những cử chỉ của nhau. Một thí dụ có tính cách tâm lý, đó là khi ai đó nói với bạn mà nhìn thẳng vào mặt bạn, có nghĩa là người đó muốn bạn hiểu họ qua điều họ nói. Nhưng khi họ nói với bạn mà quay đi chỗ khác, một đôi khi tỏ ra ngượng ngùng, mắc cở thì có nghĩa là người ấy đang gặp khó khăn trong cách diễn tả điều họ muốn nói, hoặc muốn nói mà nói không được. Do đó, đừng bắt bẻ lời nói của nhau, nhưng cần tìm hiểu và quan tâm đến chủ ý tốt của nhau.
11. Nên dành thời giờ bên nhau: Lý do nào bạn đi tới quyết định kết hôn? Dĩ nhiên là để hạnh phúc với người mình yêu. Nhưng trong hôn nhân không có thứ hạnh phúc một mình. Bạn không thể hạnh phúc nếu chồng bạn không hạnh phúc. Ngược lại, bạn cũng không thể hạnh phúc nếu vợ bạn không hạnh phúc. Nếu bạn không muốn thứ hạnh phúc “có đôi” mà lại tìm hạnh phúc riêng tư một mình, la cà phòng trà, quán nhậu, sòng bài, shopping, hoặc đàng đúm bạn bè… là bạn đang đi ngược lại giấc mơ hạnh phúc của hôn nhân. Và bạn là người ích kỷ, chú ý nhiều đến cái tôi của mình hơn là cùng đồng hành với người phối ngẫu trên hành trình xây dựng hạnh phúc.   
12. Nên dễ dãi với nhau! Để hạnh phúc hôn nhân ngày càng thêm thắm đặm, vợ chồng phải đối xử dễ dãi với nhau một chút. Không làm lớn chuyện vì những bất đồng, những hiểu lầm, những va chạm nhỏ nhoi. Dù là vợ chồng với nhau, quan niệm sống này cũng rất khó thực hiện. Nhưng dù khó khăn đến đâu, bạn cũng phải cố gắng thực hiện. Thế giới tình yêu và bầu khí gia đình sẽ trở nên đẹp đẽ hơn, chan hòa hạnh phúc hơn khi bạn đối xử với người phối ngẫu bằng tâm tình này: dễ dãi với mình cũng như dễ dãi với người yêu một chút.
13. Nên thành thật với mình: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một tư tưởng rất hay về đời sống hôn nhân. Theo ngài nếu cần cãi vã bạn cứ cãi vã. Nếu chén đĩa bay bạn cứ để chúng bay. Nhưng quan trọng là sau những nóng nẩy, bất hòa đó, phải thành thật với mình và với nhau. Ai phải, ai trái phải có lời xin lỗi và cùng nhau sửa sai.  
14. Nên giữ vững lập trường: Đừng để cho bất cứ ai ảnh hưởng đến hạnh phúc và đời sống hôn nhân của bạn. Trong đời thường bạn nên lắng nghe và đón nhận ý kiến xây dựng từ người này, người khác. Nhưng bạn phải biết cách gạn lọc và phân tích xem coi ý kiến nào tốt, ý kiến nào phù hợp với hoàn cảnh gia đình bạn. Không phải hễ ai nói gì cũng nghe rồi đem vào đời sống khiến ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân của bạn. Hậu quả là thay vì yêu thương nhau vợ chồng lại trở nên bất hòa, chia rẽ vì những ý kiến của người này, người khác. Nên lưu ý: Ý kiến dù hay cũng chỉ là ý kiến.
15. Nên chọn hạnh phúc: Trong đời sống hôn nhân, phải và trái, đúng và sai, được và thua chỉ nói lên những quan niệm, suy nghĩ cũng như hành động mang tính cá thể, con người, và sự khác biệt nam và nữ. Quan trọng hơn cả, cần thiết hơn cả vẫn là hạnh phúc. Nếu cần chọn giữa ăn thua đủ với nhau và hạnh phúc, bạn hãy chọn hạnh phúc. 
16. Nên biết cảm ơn nhau: Lời cảm ơn. Thái độ đón nhận, biết ơn nhau là hành động của người trưởng thành và mang ý nghĩa tích cực. Văn hóa “cảm ơn” là cách hành xử của những con người hiểu biết, tôn trọng mình và tôn trọng nhau. Một lời cảm ơn có thể thay đổi cả một cục diện trong đời sống. Hằng ngày bạn vẫn nhận từ người phối ngẫu rất nhiều điều mà nếu vô ơn bạn sẽ khiến chồng hoặc vợ bạn rất buồn. Sống với tâm tình biết ơn bạn sẽ cảm thấy mình may mắn, và đời sống hôn nhân là một hành trình mà mỗi bước đi bạn đều khám phá ra tình yêu của người đang đi bên mình.

Không có nhận xét nào: