Tập đoàn Intel chuyên về các bộ vi xử lý ồ ạt đầu tư và xây cất ở khu Công Nghệ Cao quận 9. Những tưởng sinh viên ngành công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ có đất dụng võ. Ai dè chất lượng sinh viên Việt Nam quá thấp, cứ 100 người Việt ứng tuyển mới có 1 người đủ tiêu chuẩn để làm việc cho Intel, thậm chí 1 người duy nhất đó cũng phải đưa đi nước ngoài đào tạo.
Con số này cho thấy sự tụt hậu đáng ngạc nhiên của đất nước về lĩnh vực điện toán công nghệ thông tin vốn được coi là dễ dàng đi tắt đón đầu. Việt Nam chưa sản xuất được siêu vi tính, kể cả các máy chủ cũng phải đi nhập của nước ngoài, thậm chí còn chưa có công ty nội địa nào sản xuất được mạch vi điện tử máy tính. Bề ngoài, thị trường phần mềm ở Việt Nam rất sôi động chẳng khác gì Ấn Độ những năm cuối thế kỷ 20, nhưng về phần cứng, Việt Nam đã bị tụt hậu rất xa so với thế giới. Câu hỏi về nguyên nhân tụt hậu về công nghệ thông tin và giải pháp khắc phục đang sừng sững thách đố trí tuệ các nhà giáo dục khai phóng của Việt Nam.
Chương trình học lạc hậu và nặng tính hàn lâm
Thông thường ở các nước phát triển cứ 3 năm là thay đổi giáo trình vì công nghệ, khoa học phát triển như vũ bão, trong khi đó giáo trình của ta hơn 30 năm nay vẫn không có được những thay đổi rõ rệt.
Vào thập kỷ 90, nhiều giáo sư đã nhận định những cuộc bùng nổ về công nghệ thông tin trên toàn thế giới và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Yêu cầu tuyển sinh đầu vào của ngành này là toán, vật lý và ngoại ngữ, nhưng phải đến năm 2012, Bộ giáo dục mới cho lưu hành việc thi tuyển đầu vào khối A1 toán, vật Lý, tiếng Anh) vào chương trình tuyển sinh ngành công nghệ thông tin.
Khi mà ở phương Tây, người ta trang bị cho sinh viên kiến thức nền cơ bản rồi hướng họ vào các mũi nhọn thì chính sách của ta vẫn theo “hướng dàn hàng ngang”, nghĩa là sinh viên của chúng ta sẽ biết tất cả nhưng lại không biết gì. Và nếu cứ tiếp tục “dàn hàng ngang” về chuyên môn như thế này thì không bao giờ sinh viên Việt có thể có được các ưu thế như sinh viên nước ngoài, nhất là sinh viên Mỹ và Ấn Độ.
Điều đó cho thấy tầm nhìn rất ngắn hạn của những người làm chính sách giáo dục ở Việt Nam. Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Cường là một trong những thành viên chủ chốt đầu tiên của trung tâm tin học, đại học quốc gia TP.HCM, hiện nay trung tâm này phát triển thành trường đại học Công nghệ thông tin. được cấp bằng đại học về công nghệ thông tin khi chưa trở thành đại học. Hiện ông là trưởng phòng đào tạo của đại học Hoa Sen, một đại học đang hướng đến mục tiêu phi lợi nhuận trong vài năm tới. Trao đổi với phóng viên, ông chỉ ra được một thứ luật ngầm mà thượng tầng chính trị đã dựng nên và kìm hãm học thuật. Từ khi có hệ thống tín chỉ, Bộ giáo dục nói rằng các trường được tự chủ về nội dung giảng dạy. Thế nhưng, không một trường nào dám bỏ 10 tín chỉ môn chính trị. Chưa xét tính đúng sai của một hệ tư tưởng, một nền giáo dục đã phạm sai lầm khi ép buộc quốc dân phải tiếp thu một cách không có phản biện một hệ tư tưởng. Trong khi đó, ở tất cả các nước phát triển và tiến bộ, anh thích học triết Đông hay triết Tây thì đó là quyền lựa chọn của anh. Thứ hai, việc đặt các môn chính trị với dung lượng nặng quá mức lên vai các sinh viên khoa học kỹ thuật là không thể chấp nhận được. Vì ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nhiều hơn Liên Xô nên tính hàn lâm trong chương trình giáo dục của chúng ta còn quá nặng nề.
Trưởng giả học làm sang
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chỉ ra căn nguyên của việc công nghệ Việt Nam kém phát triển. Đó là tật “trưởng giả học làm sang”. Nghiên cứu phải được kết hợp với giảng dạy. Những người làm nghiên cứu nên tham gia giảng dạy để bớt giờ của các thầy ở các trường. Các thầy ở các trường chạy sô nhiều quá nên không có thì giờ để nghiên cứu. Nên có sự kết hợp các trung tâm nghiên cứu với các trường đại học. Trừ những trung tâm nghiên cứu có tính chất chiến lược đối với quốc gia, những trung tâm khác có thể sát nhập vào các trường để các trường chủ động được, để những kết quả nghiên cứu có chất lượng được truyền bá cho sinh viên thông qua bài giảng, hoặc seminar. Những người làm nghiên cứu có hiệu quả mà không phổ biến được cho những người đi sau những thành quả đạt được thì quả là phí phạm. Ngược lại, các giáo sư giảng dạy không có thì giờ nghiên cứu sẽ dẫn đến chất lượng bài giảng xuống cấp.
Nhận thức về tính đẳng cấp quốc tế sẽ rất sai lầm khi cho rằng chỉ cần mang giáo trình của MIT, Harvard về rồi dùng nó để đào tạo là mang lại hiệu quả cao, có tầm quốc tế. Thú thật tôi rất buồn khi đọc trên báo chí đâu đó cách nhìn này. Nó quá hạn hẹp và cục bộ. Những gì thuộc về đẳng cấp thì không thể học vẹt được. Càng không thể lấy bài giảng của người khác làm của mình khi mình không can qua nghiên cứu khoa học thực thụ. Một giáo sư có đẳng cấp quốc tế thường viết ra giáo trình sau khi bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu miệt mài trong ngành đó, có thời gian dài hạn để cọ xát với mảng khoa học tiên tiến ấy. Muốn đào tạo đẳng cấp thì phải có những người thực sự đẳng cấp giảng dạy. Các trường ĐH có đẳng cấp quốc tế họ tìm mọi cách để câu cho được giáo sư đẳng cấp về dạy. Đẳng cấp của họ được đánh giá thông qua quá trình nghiên cứu, số công trình đã công bố quốc tế và qua ảnh hưởng khoa học của giáo sư đó. Để có được khoa học công nghệ có đẳng cấp quốc tế, ta phải bắt trúng người, phải tìm cho được những đầu tàu như thế. Trung Quốc và Singapore làm rất tốt điều này.
Nguyên nhân tụt hậu bắt nguồn từ văn - sử - triết
Thế giới tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về công nghệ thông tin. Trong số các ngành khoa học, ngành khoa học này có tuổi đời ít nhất, nhưng lại có số phát minh nhiều nhất và len lỏi vào từng ngóc ngách của tất cả các lĩnh vực như là yết hầu. Cho dù công nghệ thông tin là lĩnh vực dễ đi tắt đón đầu nhất, để phát triển thành một thế mạnh vẫn cần tính toán quy hoạch đường dài. Trong khi các nước phát triển không ngừng về lĩnh vực này, Việt Nam lại đang cho thấy nguy cơ không theo kịp quốc tế và bị các nước bạn dần bỏ xa trong kỷ nguyên tin học. Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Cường cho rằng không chỉ công nghệ thông tin nói riêng, mà cả xã hội Việt Nam nói chung đang trì trệ bắt nguồn từ văn- sử- triết. Khi ba ngành khoa học định hướng xã hội này còn bị giới chính trị độc tài thao túng thì xã hội không thể nào tiến bộ được.
Tấm bằng về công nghệ thông tin của Việt Nam đã không còn giá trị. Cả xã hội đầy rẫy những chuyên viên tin học, những người làm được “tất cả” nhưng lại không thể làm được một cái gì đòi hỏi trình độ cao. Ngoài ra, còn có một lượng lớn sinh viên công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp mà vẫn không làm được việc đã nộp đơn để học cao học, đây là mỏ vàng của các trường, còn số người này sau khi nộp tiền và đi học đủ số buổi thì có bằng thạc sỹ, lại đi dạy những lứa sinh viên mới và do không đủ trình độ nên họ lại tiếp tục làm hại học thuật.
Những người làm chính sách của nhà cầm quyền cộng sản buộc phải lên tiếng chịu trách nhiệm về lỗi quy hoạch đào tạo của mình. Chỉ khi đó Việt Nam mới có cơ sở để bước vào cuộc đua công nghệ sau khi gia nhập WTO.
Tôn Phi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét