Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Nhữbg Cuộc Tình Lãng Mạn - Trần Đĩnh và Đèn Cù

Tháng 10 năm 2014
“Đèn Cù” là một tác phẩm dày 600 trang, được tác giả viết với một văn phong mới mẻ. Độc giả đọ̣c hết cuốn sách không thể nào không để ý đến hai chuyện tình lãng mạn mà tác giả đã cố ý dàn trải một cách đứt đoạn trong nội dung tác phẩm.
1811
Phải nói đây là một kỹ thuật viết khéo léo để buộc độc giả phải chú tâm theo dõi hai câu chuyện tình cần kể lại.
Tác giả đã thành công vì cách viết của ông đã lôi cuốn người đọc giống như khi họ đi xem những cuốn phim hồi hộp của HITCHCOCK ngày xưa.
Tuy lãng mạn nhưng hai câu chuyện này đều liên quan đến chính trị. Câu chuyện thứ nhất kín đáo nhắc lại một tội ác của Hồ Chí Minh. Còn câu chuyện thứ hai thì đề cập đến tính chuyên chính của chế độ, nhấn mạnh đến sự thiếu vắng của tính pháp trị và của nhân quyền.
Những đoạn viết tiếp theo sẽ trình bày hai chuyện tình nói trên một cách ngắn gọn và liên tục hơn để qúy độc giả có thể dễ theo dõi như khi đọc báo hàng ngày.
Câu chuyện tình thứ nhất
Năm 1949, lúc đó mới 19 tuổi, tác giả tìm vào An Toàn Khu (ATK) cùa Việt Minh để làm báo Sư Thật. An Toàn Khu, căn cứ địa đầu não của Đảng Cộng Sản Đông Dương và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nằm ở chân hai con đèo tên Re và So của dãy núi Hồng chia đôi hai huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên và huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang.
Dạo đó ở ATK, có thể nói là chưa gò ép lắm và tác giả còn được hưởng một chế độ dân chủ nhất định. Tuy nhiên cuộc sống trong khu thì hoàn toàn khó khăn và thiếu thốn vì quân Pháp bao vây cô lập và hành quân kiểm soát thường xuyên các khu vực xung quanh.
Tháng 10/1949 nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Hai tháng sau, Hồ Chí Minh bí mật lén qua vùng địch ở Phúc Hòa (Cao Bằng) đi Trung Quốc. Trần Đăng Ninh, Vũ Đình Huỳnh, Phạm Văn Khoa (phiên dịch) đi theo. Chừng một tháng sau ông Hồ và phái đoàn trở về. ATK mở sổ xố ăn mừng. Được biết Mao Trạch Đông đã nhận lệnh của Stalin, viện trợ cho Việt Nam đánh Pháp đến người Việt cuối cùng.
Cuộc sống ở ATK bắt đầu quen thuộc thì tác giả được cử đi học tại Bắc Kinh. Vui buồn lẫn lộn. Vui vì được đi học nước ngoài. Buồn vì nỗi nhớ một người con gái, mặc dù người con gái đó ở một nơi kín cổng cao tường khó có thể lọt qua,
Mới cách đây một năm. trên đỉnh đèo Re, tác giả đã gặp người con gái đẹp đó từ Tân Trào sang. Hỏi ra mới biết cô là con nuôi của “Bác” và có tên là X… Hai người làm quen nhau và giữa họ tình cảm bắt đầu nảy nở.
Mặc dù ở hai chi bộ khác nhau nhưng cứ đến bữa ăn là hai người kiếm cách dềnh dàng để cùng dạt vào một bàn, ngồi cạnh nhau hoặc ngồi đối diện. Ăn xong lại cùng nhau xuống suối rửa bát đũa và nấn ná ở bên suối cho đến khi sẩm tối. Họ ở bên nhau tình tự cho đến khi đèn ở các lán sau lưng thắp sáng như đêm hội chùa Hương. Đêm nào cũng vậy, tình cảm giữa họ tiếp tục nảy nở, còn có thêm cả chiều kích thiêng liêng của ngoại cảnh.
Thời gian họ quen nhau là thời gian ATK mở lớp chỉnh huấn khơi mào cho chiến dịch “Cải cách ruộng đất”. Khai mạc được chừng hơn một tháng thì bỗng một hôm Hồ Chí Minh đến thăm, nói chuyện với các học viên chật ních cả phòng ăn. Bình thường, thế nào tác giả cũng chạy lên đứng bên cạnh ông Hồ, thế nhưng hôm đó tác giả lại kính nhi viễn chi, vì muốn đứng ngắm cô con nuôi đứng sát ông già. Lần đầu tiên trong đời tác giả, nhìn “Bác” ít, mà nhìn người bên “Bác” thì nhiều.
Tác giả thấy cô gái cũng chỉ cười nhìn ông, và trên tất cả, những cái nhìn âu yếm đó dường như muốn hỏi : “em giới thiệu anh với Bác nhé ?”. Đắm đuối vì những nụ ̣ cười thân thương đó tác giả có cảm tưởng như đang vút trên chín từng mây, nhưng rồi thoáng thấy như sụp ngã và thoáng oán ông già.
Nhắc lại tình cảm giữa hai người, tác gỉả viết :
“Mới hôm qua ở suối lên, tôi giơ tay ra đỡ X…Bàn tay con gái, lần đầu tiên tôi được nắm lâu trong đời. Và cảm giác rạo rực trong tôi mãi”. 

Tác giả cho biết thêm :
Và mới chiều nào bên suối tôi cũng nói với cô gái rằng : “ Sau khi gặp X.. ở đỉnh đèo, mình có ký tên là Hoàng X.. sau mỗi bài viết trên báo”, thì thấy X..đỏ ửng mặt. Có lẽ chưa có ai nói với cô như thế. Tay cô chợt long ngóng không đút nổi cái thìa vào trong cái túi dài và cái thìa rơi xuống cỏ. Tôi cúi xuống nhặt, và ngứớc lên, mắt hỏi : “cho nhé”. Cô cúi đầu im lặng và tôi cất chiếc thìa trong ba lô, không bao giờ dùng tới”. 
Câu chuyện tình đầu tiên bị tác gỉả cắt đứt tại đây, nghĩa là vào chương thứ 6 của Đèn Cù.
Độc giả phải tiếp tục đọc thêm 9 chương nữa, nghĩa lả vào chương thứ 15 mới thấy lời kết như sau :
“ Chiều ấy, khoảng 4 giờ tới phủ chủ tịch, tôi bất thần nhớ tới X.., con gái nuôi của “Bác”. Hỏi mấy người đứng tuổi có vẻ quen từ trên rừng thì được trả lời : “ Cô Xuân ấy hả ? Lấy chồng rồi. Chồng lái xe, nhưng chết rồi. Bị ô tô đè”. Tôi bàng hoàng kêu lên: Khổ ! Tại sao lại thế ? Lúc đó tôi chưa biết các tiểu tiết liên quan đến cái chết tang thương đó”.
Tác giả nhớ lại bàn tay mềm mại ông đã nắm thật lâu để đỡ người con gái lên bờ suối cao trơn. Ông cũng nhớ lại những ánh mắt ái ân và những nụ cười hạnh phúc. Bây giờ thì tất cả những thứ đó chỉ còn là kỷ niệm. Bây giờ thì ai cũng biết cô đó là cô Xuân hồng nhan bạc mệnh, và ông cũng không cần viết tắt tên cô đó làm gì nữa.
Nông Thị Xuân là người tình của Hồ Chí Minh. Năm 1955 cô được đưa về Hà Nội phục vụ “Bác Hồ” và được sắp xếp cho sống với người em gái ở số 66 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Liên hệ giữa cô Xuân và Hồ Chí Minh được giữ bí mật không cho ai biết, ngoại trừ Trần Quốc Hoàn, lúc đó là bộ trưởng công an, có nhiệm vụ đưa đón cô Xuân ra vào Phủ Chủ Tịch.
Năm 1956 cô Xuân sinh con trai, được đặt tên là Nguyễn Tất Trung, nhưng ông Hồ không cho cô Xuân vào sống trong Phũ Chủ Tịch như vợ chính thức. Đầu năm 1957 người ta thấy một cái xác phụ nữ chết trên đường Cổ Ngư. Đưa vào bệnh viện khám thì nhận diện ra là xác của cô Xuân. Mấy năm sau người em gái của cô Xuân cũng bị giết chết để bịt miệng.
Chuyện cô Xuân đã được các ông Nguyễn Minh Cần và Vũ Thư Hiên phổ biến với nhiều tình tiết. Nay Đèn Cù lại đóng góp thêm một chi tiết nữa để nói rõ thêm tội ác của họ Hồ và trả lại sự thật cho lịch sử.
Câu chuyện tình thứ hai
Câu chuyện tình thứ hai của tác giả cũng được dàn trải một cách không liên tục trong 7 chương đầu của cuốn sách 42 chương. Kỹ thuật sắp xếp này gây cho độc giả hết hồi hộp này qua hồi hộp khác, nhưng toàn là những hồi hộp thú vị.
Năm đó, tác giả được cử sang Bắc Kinh du học. Ngày mai tác giả lên đường. Tối hôm trước, tác giả thức trắng đêm với Thép Mới , một đồng nghiệp cùng làm trong tòa báo, để chuyện trò tâm sự.
Thép Mới nói : “Học lâu lắm là một năm chứ quái gì. Cứ đi đi rồi về tìm con bé này hay lắm”. Con bé hay lắm này là Hồng Linh,16 tuổi, văn công Tổng Cục Chính Tri, đã từng phuc vụ tại Điện Biên Phủ. Lính Điện Biên xếp nó vào loại Át Cơ (As Coeur) trên Át Tép và Át Bích. Sang năm về, tìm nó nghe mày”.
Khi đến địa điểm chỉnh huấn thì nhóm văn công quân đội cùng uà đến và mang thêm sức sống cho đoàn lưu học sinh xa tổ quốc. Các cô gái trong đoàn văn công, phải nói là thanh sắc vẹn toàn. Một cô nổi bật, rất đẹp, mắt to, ngây thơ và hiện đại. Kín đáo dò hỏi thì được biết đó là Hồng Linh. Hồng Linh là người Trung Hoa. Bố là Hồng Tông Cúc. Thép Mới chưa nói đến những điều này, có thể vì chưa biết.
Mấy ngày sau khi đến trường đại học Bắc Kinh hiệu trưởng chiêu đãi. Văn công và lưu học sinh biểu diễn ca nhạc.
Trần Đĩnh tả lại
Chàng buông vạt áo em ra..là em ra. Linh hát hay quá nên tôi không buông. Tôi kéo Linh ra đứng dưới cây lê thấp, ngoài sân trước cửa nhà ăn. Tuổi trẻ lãng mạn thích trăng sao. Nhìn mắt Linh lúc đó tôi nghĩ mình đang vút lên ngang với những vì sao trên Vạn Lý Trường Thành, rồi tôi chạm tới mặt trăng thật :một cái hôn vào má”. 
Ông hiệu trưởng biết việc này, thông cảm, không nói gì. Nhưng cả năm học ấy, Hồng Linh và tác giả đã là đối tượng bị giáo dục, phê phán, ngăn chặn và ép cắt đứt vì vi phạm giới luật thiêng liêng hàng đầu cũa Đảng. Tác giả cho biết là đến nay thì ông cũng vẫn không hiểu tại sao và, nhất là, Hồng Linh thì càng không hiểu tại sao lại bị cấm yêu.
Song hè 1955, Hồng Linh sang học Vũ Đạo Học Hiệu tại đằng Đào Nhiên Đình cách chỗ tác giả học khoảng 25 cây số. Tác giả buồn ghê gớm. Khi chia tay nhau và lúc xe buýt chở Hồng Linh rồ máy lăn bánh, tác giả có cảm tưởng như vừa đánh mất một vật gì qúy giá nhất trên đời.
*
Một buổi sáng ngồi ở công viên Trung Sơn, Thép Mới muốn tác giả đở buồn vì bị cấm yêu, tiết lộ : “Này, mày nghe bình tĩnh nhé. Hình như bố Hồng Linh bị ta thịt rồi, nghe đâu ông ta là đặc vụ”.
Qua câu nói của Thép Mới, tác giả cảm nhận một luồng băng lạnh buốt chạy suốt dọc người. Ông hỏi lại : “Cậu nghe ai ?” Thép Mới nói : “Thì cũng là xì xào thế. Khoa Tếu nó biết ông ấy”. Tác giả cực kỳ dao động, nhưng cũng đi ngay đến quyết định :“Không, mình phải ở lại bên Linh để cùng nhau ngụp lặn trong cảnh ghê sợ này, nếu đó có là thật đi nữa”.
Mồng 8 Tết Đinh Dậu 1957, tác giả về nước họp Đại Hội Văn Nghệ. Đoàn tầu chở ông chạy qua biên giới. Một người trong nhóm phiên dịch đi cùng chợt đến ngồi bên tác giả thăm hỏi. Hỏi đến Hồng Linh, tác giả nói “biết”.
Người kia liền hí hửng nói tiếp : “Bố là đặc vụ bị ta giết, anh biết không ? Lim, ty công an bổ búa vào đầu đấy”.
Tác giả bắt đầu coi cái chết của bố Hồng Linh đồng thời cũng là thảm kịch của chính mình. Khả năng Đảng bắt cắt quan hệ với Linh thỉnh thoảng lại nổi lên trong tâm trí. Trở lại Bắc Kinh tác giả đi chơi liền liền với Linh. Mấy lần định hỏi đến cái chết của bố nhưng thương hại lại thôi. Tuy nhiên rất lạ là tác giả càng tin ông cụ bị giết oan.
Tháng 10/1959 Hồng Linh về nước. Ngày 30 Tết Canh Tý (tức tháng Giêng 1960) tác giả và Hồng Linh lấy nhau. Mẹ Linh và Trần Châu (anh của tác giả) không ai biết. Tối hôm đám cưới Hoàng Tùng mời hai vợ chồng đến nhà ăn tất niên. Trong bữa ăn Trường Chinh mời hai người sáng mồng một Tết lên nhà chơi. Từ đấy, theo lệ cứ sáng mồng một Tết, tác giả đưa vợ đến nhà Trường Chinh mừng tuổi.
Năm 1962, vui chuyện khi Trường Chinh hỏi thăm bố mẹ Linh, tác giả nói luôn để dò xem thái độ : “Con của Hồng Tông Cúc, anh ạ”. Tác giả thấy Trường Chinh biến sắc mặt và lùi xa Linh ra. Cử chỉ đó làm tác giả tin rằng bố vợ đã bị giết oan và từ sau Tết ấy tác giả và vợ không đến nhà Trường Chinh nữa.
Mối tình thứ hai đứng vững. Hai người chung sống với nhau rất hạnh phúc và nuôi con khôn lớn. Một buối sáng, vào bệnh viện thăm vợ đẻ trong khi Mỹ ném bom Đức Giang tác giả vừa mừng vừa thẫn thờ. Ông thương con và tự hỏi không biết rồi con mình sẽ chịu đựng bom đạn ra sao. Trưa hôm đó, đang đi mua chậu tắm cho con với người anh là Trần Châu, đột nhiên ông thấy chán nản và thốt ra câu nói : “Je maudit la guerre, elle abrutit l‘homme”
(Tôi nguyền rủa chiến tranh, nó vũ phu hóa con người) 
*
Từ cuộc tình thứ hai này, từ sự cấm đoán yêu nhau của Đảng, từ việc bố Hồng Linh bị giết oan, tư tưởng bỏ Đảng bắt đầu phát triển và ăn sâu vào não bộ của tác giả. Trong lúc đang bất mãn với chế độ thì xảy ra một chuyện động trời : Đại Hội 20 của Đảng Cộng Sản Liên Xô và báo cáo mật của Kút Xép lên án Stalin và chống sùng bái cá nhân. Sự kiện chính trị quan trọng này thúc đẩy tác giả đi đến quyết định bỏ Đảng.
Lại thêm một sự kiện thứ hai làm quyết định bỏ đảng của tác giả nhanh chóng trở thành sự thật. Hôm đó, nhân tiễn phái đoàn Hoàng Minh Chính, gồm cả Kỳ Vân, Xuân Tùng, Hồng Hà, Minh Việt, sang Liên Xô du học, Hoàng Minh Chính cứ nắm lấy tay cửa lên xuống của toa xe lửa, nhoài người ra về phía tác giả và lớn tiếng : “Cấm yêu là thế quái nào. Đấu tranh đi, đòi dân chủ”. Lời nhắn nhủ đó, tác giả ghi nhớ mãi.
Ở trang 156, tác giả viết : “…sau 5 năm du học tôi thấy được một điều khôn lớn nhất : hãy cảnh giác với thần tượng và bỏ thần tượng. Hãy tin trước hết ở lương tri và ở bản chất mình. Nhờ ở phong trào phái hữu mà tôi say sưa, sung sướng chứng kiến sự phủ nhận chủ nghĩa xã hội, phủ nhận sự độc quyền lãnh đạo, phủ nhận những mỹ từ có tính cách bùa phép khiến một lớp người trở thành thần thánh. Phong trào chống sùng bái cá nhân, tôi tiếp nhận tại bắc Kinh. Rồi tiếp theo là phong trào đòi dân chủ ở Trung Quốc”.
Năm 1976 Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam vì lý do ở trong tổ chức chống Đảng, thường gọi là vụ Hoàng Minh Chính. Khi nhận được tin Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng, ông thân sinh từ Saigon đã gửi ra Hà Nội lời chúc mừng : “Il faut célébrer la grande sortie de Đĩnh”.
( Phải ăn mừng sự giải thoát lớn của Đĩnh).
Sự giải thoát đó cần ăn mừng thật lớn vì nó không những chỉ có giá trị lớn lao trong lòng của Trần Đĩnh, của Hồng Linh, mà còn của cả gia đình hai người.
Sự giải thoát đó, toàn thể dân tộc chúng ta đang mong đợi ./.

Không có nhận xét nào: