Mùa thu năm 1963, chiến dịch vận động tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai của TT Kennedy đã bắt đầu.
Đó là một nhiệm kỳ đầy trọng trách quốc gia nặng nề và sóng gió của người tổng thống trẻ tuổi bắt đầu nắm quyền ở độ tuổi ngoài 40 cùng các cố vấn, ban tham mưu còn trẻ hơn nữa. Từ các cuộc đối đầu trong cuộc Chiến Tranh Lạnh cùng Liên Bang Xô-Viết và khối cộng sản, sự thất bại quanh cuộc đổ bộ vào Cuba trong chiến dịch Vịnh Con Heo, nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh hạch tâm qua vụ Xô-Viết đặt hỏa tiễn hạch tâm tại Cuba nhắm thẳng vào Hoa Kỳ, giai đoạn đầu sự leo thang của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam, đến kế hoạch chinh phục vũ trụ, phong trào dân quyền tại Hoa Kỳ... Việc điều hành quốc gia của TT Kennedy và nội các vẫn tiếp tục nhận được tín nhiệm cao của người dân Hoa Kỳ, cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ hai của ông được xem là rất nhiều khả năng. Bên cạnh đó, hình ảnh một Tổng Thống đời thứ 35 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đẹp trai, tài hoa, tràn đầy sinh lực, có tài hùng biện với các bài diễn văn cuốn hút về giáo dục, an ninh quốc gia và cơ hội mang lại hòa bình thế giới, đã tạo ra sự nồng nhiệt, mến mộ với nhiều cử tri, dù rằng những điều này ít nhiều cũng tạo ra những dư luận về sự phóng túng trong đời sống tình cảm của ông.Ban tham mưu và các cố vấn chính trị của Kennedy nhận định rằng để tái đắc cử, họ cần nhận được sự ủng hộ của khối cử tri tại Florida và Texas, hai tiểu bang mà Kennedy thắng tại Texas và thua tại Florida trong kỳ bầu cử 1960. Đến cuối tháng 9 năm 1963, Kennedy cùng ban tranh cử đã thực hiện cuộc vận động qua 9 tiểu bang miền Tây chỉ trong vòng một tuần lễ, và chương trình vận động tại Texas được cố vấn đặc biệt của Kennedy là Kenneth O'Donnell sắp đặt cho hai ngày định mệnh của tháng 11 năm 1963, đi qua năm thành phố chính của Texas. Mục đích đến Texas của Kennedy không chỉ nhằm vận động tái tranh cử tổng thống, mà còn dàn xếp những mối bất hòa giữa vài lãnh tụ đảng Dân Chủ Texas có thể làm ảnh hưởng đến cuộc tái tranh cử của ông, cũng như xoa dịu những sự phản đối của vài nhóm cực đoan tại Dallas từng biểu tình và tấn công Đại Sứ HK tại Liên Hiệp Quốc trước đó. Thành phố đầu tiên của Texas mà phái đoàn Tổng Thống dừng chân là San Antonio, theo sau là Houston. Các thước phim tài liệu cho thấy người dân các thành phố đứng đầy hai bên đường nồng nhiệt chào đón đoàn công xa Tổng Thống, và sự kích động càng tăng cao khi cuối bài diễn văn trước các tổ chức gốc Mỹ La Tinh tại tiệc chiêu đãi, TT Kennedy đã mời chính Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline Kennedy lần đầu cùng tháp tùng trong chuyến vận động từ sau khi đứa con trai vừa sinh đã bị chết , thông dịch qua tiếng Tây Ban Nha. Từ Houston, phái đoàn bay về Forth Worth, nơi TT Kennedy ngụ tại khách sạn Texas Hotel, tham dự buổi chiêu đãi của Hiệp Hội Thương Mại sáng hôm sau. Sáng Thứ Sáu, trời mưa nhẹ vẫn không ngăn được đám đông hàng ngàn người đã túc trực phía trước khách sạn, chờ một cơ hội được tận mắt thấy Tổng Thống. Không choàng áo mưa, Kennedy phát biểu ngắn gọn sự cảm kích với người dân Fort Worth đã chào mừng ông, cũng như tái khẳng định về sự lớn mạnh của Hoa Kỳ về quốc phòng và chương trình không gian, sự tiếp tục phát triển kinh tế Hoa Kỳ để trở thành cường quốc "second to none"-có một không hai. Ông đã đi ra tận hàng rào cảnh sát để bắt tay cùng rừng người mừng vui, phấn khích, đang hò reo, chảy nước mắt vì cơ hội gặp Tổng Thống. Rời khách sạn, phái đoàn Kennedy được đoàn công xa hộ tống đến căn cứ không quân Carswell để lên Air Force One bay đến phi trường Love Field, chỉ cách 13 phút đồng hồ. Tại đây, cả ông cùng Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline lại một lần nữa bắt tay với đám đông đón chào, làm trễ thêm lịch trình của toán cận vệ đã sắp đặt. Theo chương trình, đoàn hộ tống công xa Tổng Thống sẽ đi vòng qua khu vực downtown Dallas cho hàng trăm ngàn người dân Dallas có thể đứng hai bên đường chào đón và nhìn tận mặt vợ chồng Tổng Thống. Lộ trình 10 dặm được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Dallas, trước khi dừng chân cho buổi tiếp tân tại Trade Market, tức Dallas Market Center trên xa lộ 35 hiện nay. Theo chương trình, theo sau chuyến thăm Dallas, chiều Thứ Sáu cùng ngày, Kennedy sẽ bay về Austin tham dự một dạ tiệc gây quỹ và ngụ qua đêm tại một trang trại, trước khi về lại Washington chuẩn bị cho lễ Tạ Ơn.Phi trường Love Field. Trưa 22 tháng 11 năm 1963. Trời đã quang đãng, chiếc limousine mui trần hiệu Lincoln Continental mang mật danh SS-100-X, chở TT Kennedy và Đệ Nhất Phu Nhân đã gỡ mui kiếng chống đạn để ông có thể đứng lên vẫy chào người dân. Trên hàng ghế đầu ngoài tài xế, là một cận vệ đặc biệt của TT Kennedy. Hàng ghế giữa là vợ chồng Thống Đốc Texas John Connally và băng ghế cuối cùng là TT Kennedy cùng phu nhân. Theo sau xe TT là các công xa chở các cận vệ, vợ chồng Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson, Thượng Nghị sĩ Ralph Yarborough cùng các phụ tá, cố vấn đặc biệt, thư ký báo chí của Tổng Thống, các đại diện báo chí, thông tấn. 12:29 PM, đoàn xe Tổng Thống đi vào khu Dealey Plaza trên đường Houston Street, nơi Lee Harvey Oswald, kẻ ám sát TT Kennedy đã đặt súng sẵn từ tầng sáu tòa building Texas School Book Depository, nơi chứa sách cho các trường học Dallas và nay là bảo tàng viện tưởng niệm TT Kennedy tại Dallas. Chỉ hơn một phút sau, khi không còn năm phút nữa sẽ kết thúc cuộc diễn hành của đoàn công xa, ba phát đạn oan nghiệp đã kết thúc cuộc đời một Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và đưa lịch sử của nước Mỹ cùng thế giới đi qua một khúc rẽ mới. Nó cũng gây nên sự bàng hoàng, thương tiếc cho hàng triệu người dân Mỹ và thế giới tự do, cùng những bí ẩn đàng sau vụ án kéo dài qua nửa thế kỷ.Theo báo cáo của Ủy Ban Warren (Warren Commision), một hội đồng điều tra vụ ám sát TT Kennedy do TT Johnson chỉ định, phát đạn đầu bắn ra khi Kennedy vừa đưa tay phải vẫy chào đám đông. Viên đạn xuyên qua lưng, trổ qua cuống họng Kennedy và trúng vào Thống Đốc Connally. Một trong hai viên thứ hai và thứ ba gần như bắn liên tiếp, đã trúng đầu Kennedy. Mọi việc chỉ xảy ra trong vài giây đồng hồ, các thước phim tài liệu cho thấy Đệ Nhất Phu Nhân chồm người leo lên cốp sau xe, trong khi một trong những cận vệ Tổng Thống đã nhảy vọt từ chiếc xe ngay sau, leo lên đẩy Jacqueline vào lại băng ghế và che đạn cho Tổng Thống cùng Đệ Nhất Phu Nhân, trước khi chiếc limousine cùng cảnh sát hú còi, chạy hết tốc lực về bịnh viện Parkland Memorial Hospital. 11:38 PM, chiếc limousine đến Parkland, nhưng có lẽ Kennedy hoặc đã chết tức thời ngay sau trúng đạn hay trên đường đến bịnh viện, hoặc đã vô phương cứu chữa. Đúng 1 PM. giờ Dallas, các bác sĩ chính thức tuyên bố Tổng Thống Kennedy đã qua đời sau khi được một Linh mục làm phép. 1.33 PM, thư ký báo chí Bạch Ốc sau khi xin ý kiến Phó TT Johnson, người vừa đương nhiên trở thành Tổng Thống HK, đã họp báo tại ngay bịnh viện để thông báo cho nước Mỹ và toàn thế giới tin chính thức TT Kennedy qua đời sau vụ ám sát vừa xảy ra tại Dallas, Texas. Thay vì thi thể Kennedy phải giữ lại Parkland để khám nghiệm tử thi theo luật Texas, các nhân viên cận vệ của TT Kennedy đã theo lịnh cố vấn O'Donnell đang còn trong cơn xúc động và giận dữ tột độ về cái chết của Kennedy, chĩa súng, dồn các cảnh sát Dallas và bác sĩ vào chân tường để mang xác TT Kennedy ra chuyên cơ Air Force One, di chuyển về Washington DC. 2.38 PM, trước khi phi cơ cất cánh, Phó TT Johnson chính thức tuyên thệ trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ ngay trong khoang máy bay, đứng bên cạnh ông có Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline Kennedy. Thống Đốc Connally bị vết thương nguy hiểm, phải qua hai cuộc giải phẫu cấp thời nhưng may mắn còn sống sót sau vụ ám sát.
Vụ ám sát TT Kennedy là một nghi án kéo dài đúng nửa thế kỷ với hàng ngàn cuốn sách, nghiên cứu, lý thuyết được đặt ra, để chỉ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra rằng: liệu đã có một âm mưu và các tổ chức, hay quốc gia nào đã đứng sau vụ án này hay chỉ duy nhất Lee Harvey Oswald, người đàn ông 24 tuổi đã thực hiện vụ ám sát? Không có câu trả lời từ Lee Harvey Oswald vì hai ngày sau, anh ta đã bị một người đàn ông bắn chết khi đang được chuẩn bị di lý về nhà tù Dallas, ngay trước mặt đông đảo cảnh sát, giới phóng viên báo chí và đang được trực tiếp truyền hình.
Ai là thủ phạm?Lee Harvey Oswald, hung thủ duy nhất bị tình nghi đã bắn TT Kennedy bị bắt ngay sau vụ ám sát đôi tiếng đồng hồ, sau khi Oswald bắn chết một cảnh sát Dallas trên đường đang lẩn trốn. Oswald cũng là người nhân viên làm việc tại tòa building mà hung thủ đã nổ súng vào Kennedy và biến mất ngay sau vụ ám sát. Các cuộc thẩm vấn Oswald ngay tại đại bản doanh cảnh sát Dallas, Oswald vẫn một mực chối trong cả hai vụ sát thủ và đổ thừa cảnh sát tình nghi chỉ vì anh ta từng đào tị sang Liên Xô trước đó. Lee Harvey Oswald là ai?
Lee Harvey Oswald sinh năm 1939 tại New Orleans, Louisiana và theo gia đình về Dallas lúc còn rất nhỏ, nhưng trải qua thời niên thiếu đầy lang bạt khi thay đổi chỗ ở đến 22 lần và theo học đến 17 trường khác nhau. Ngay khi bước vào độ tuổi 17, Oswald tình nguyện nhập ngũ vào Thủy Quân Lục Chiến, từng đồn trú tại Nhật và Phi Luật Tân. Không phải là một học sinh xuất sắc, nhưng Oswald là một con mọt sách, đọc khá nhiều. Năm 15 tuổi, Oswald đã tự nhận mình là một người Marxist và sau đó tự viết cương lĩnh về Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Hoa Kỳ trước khi nhập ngũ. Trong quân ngũ, Oswald cũng chỉ thể hiện là một người lính không trội bật, từng có vài lần ra toà án binh vì vô tình bắn vào tay, hay đánh thượng cấp và nổ súng vô cớ vào rừng. Cũng trong thời gian tại ngũ này, Oswald tự học bập bẹ tiếng Nga và vạch kế hoạch đào tị sang Liên Xô. Tháng 9 năm 1959, ở tuổi 20, Oswald xin xuất ngũ vì lý do mẹ bịnh, được chuyển sang Trừ bị. Một tháng sau, sau khi lấy vài nước Châu Âu làm trạm dừng và từ Phần Lan, Oswald xin được visa vào Liên Xô. Ngay sau khi nhập cảnh, Oswald bày tỏ ý định muốn từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành công dân Liên bang Xô Viết, tự nhận mình là một người "cộng sản", cũng như tôn sùng một "Liên Xô vĩ đại". Oswald bị an ninh Liên Xô thẩm vấn, đồng thời đơn xin nhập tịch bị từ chối, bị buộc phải rời Liên Xô vì visa chỉ có hiệu lực một tuần lễ. Ngay ngày bị buộc rời Liên Xô, Oswald tự cắt cổ tay mình và được đưa vào bịnh viện, được chữa trị và sau đó, được chấp thuận cho lưu lại. Thay vì ở lại và học đại học ngay thủ đô Mạc Tư Khoa theo như mong muốn, Oswald được đưa đến Minsk làm việc và bị giám sát, nơi anh ta gặp và cưới một cô vợ Nga. Chỉ sau hơn một năm sống tại Liên Xô, giấc mộng về "thiên đường xã hội chủ nghĩa " bị tan vỡ, Oswald liên lạc đại sứ quán Hoa Kỳ để xin lại sổ thông hành và xin đưa vợ con về lại Mỹ, nếu được cam kết sẽ không bị truy tố. Câu chuyện đào tị của một lính Thủy Quân Lục Chiến sang nước cộng sản, từng được báo chí thời đó đưa tin nhưng khi anh ta quay về vào giữa năm 1962, tuyệt nhiên không có sự săn đón, phỏng vấn của giới truyền thông như Oswald từng mong đợi. Về sống lại tại New Orleans rồi Dallas - Fort Worth, Oswald làm dăm công việc và bị sa thải, cho đến khi xin được vào làm tại tòa nhà chứa sách mà anh ta đã bắn Kennedy từ tầng lầu thứ sáu. Bộ phim truyện Killing Kennedy được dàn dựng từ một tiểu thuyết cùng tên (Killing Kennedy: The end of Camelot) và những gì ủy ban điều tra báo cáo, vừa được trình chiếu từ hồi đầu tháng 11 này trên National Geographic Channel cho đến cuối tháng 12, đã dàn dựng khá chi tiết về Oswald trong giai đoạn ở Nga cho đến khi bị bắn hai ngày sau khi ám sát TT Kennedy. Từ câu chuyện của Oswald, một số người tin rằng anh ta là một kẻ hoang tưởng hay là một "cảm tình viên" của Liên Xô và khối cộng sản, nên đã ra tay ám sát Kennedy, người đứng đầu Hoa Kỳ quyền lực và đại diện thế giới tự do trong cuộc đương đầu cùng làn sóng đỏ. Nhưng trong các cuộc thăm dò được thực hiện từ những năm thập niên 60 cho đến nay, phần lớn dân Mỹ vẫn không tin rằng Oswald là hung thủ độc lập duy nhất mà còn có những bí ẩn, những âm mưu ám sát chưa được giải mã hay công bố chính thức.
Ngay cả các báo cáo của Uỷ ban Warren điều tra về vụ ám sát Kennedy do TT Johnson bổ nhiệm, kết luận rằng Oswald là sát thủ duy nhất và sau đó bị Jack Rubby, một chủ một hộp đêm tại Dallas bắn Oswald vì tức giận, cũng là một hành động độc lập, cũng gây nhiều tranh cãi và không đồng nhất với điều tra của vài ủy ban điều tra khác của chính phủ, trong đó có ban điều tra về ám sát của Quốc Hội (US House Select Committee on Assassinations-HSCA). Các điều tra này có chung kết luận là TT Kennedy bị trúng hai phát đạn từ phía sau, nhưng HSCA cho rằng đã có một âm mưu ám sát Kennedy chứ không đơn thuần là hành động độc lập của Oswald, cũng như có đến hai kẻ bắn ra bốn phát đạn, chứ không phải chỉ mỗi một Oswald bắn ra ba phát đạn. Kết luận về vụ án đã đi theo hai hướng khác nhau này. Hoặc Lee Harvey Oswald, một kẻ bất bình thường đã tự mình ám sát Kennedy và sau đó bị Jack Rubby tức giận bắn chết. Hoặc đã có một kế hoạch ám sát Kennedy đầy tinh vi và sau đó tổ chức hay những kẻ chủ mưu đã cho Jack Rubby hạ thủ Oswald, người bị lợi dụng, nhằm bịt đầu mối. Với kết luận đầu tiên, vụ án xem như đã chấm dứt ngay sau báo cáo của Uỷ ban Warren. Nhưng trong 50 năm qua, phía tin vào kết luận thứ nhì vẫn tiếp tục đi tìm sự thật với hàng trăm nghiên cứu, điều tra, giả thuyết khác nhau từ giới luật pháp, sử gia, học giả, truyền thông, điện ảnh cùng khoảng trên 1,000 cuốn sách khác nhau. Câu hỏi vẫn là "Ai là thủ phạm?".
Có những lý thuyết rất khó thuyết phục dù dẫn giải các chứng cứ, lý luận như chính Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline, Phó TT Johnson, George W. H. Bush (Tổng Thống Bush cha, được cho là làm việc cho CIA trong thời gian này và về sau trở thành Giám Đốc CIA), Giám Đốc FBI J. Edgar Hoover..., là những người chủ mưu. Các lý thuyết cũng đưa ra các nhóm tài phiệt về vũ khí, quân đội đã ra tay vì Kennedy không muốn leo thang chiến tranh Việt Nam, trong khi các nhóm này muốn Mỹ đổ quân vào Việt Nam nhiều hơn. Các tổ chức Mafia cũng bị đưa vào lý thuyết nghi vấn vì cho rằng Kennedy làm họ bị mất quyền lợi tại Cuba, cũng như vì mang mối thù với Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, tức em trai và cánh tay đắc lực của Kennedy. Giả thuyết cũng nêu tên các nhóm lưu vong Cuba chống Fidel Castro muốn hạ Kennedy, vì ông không mạnh tay với Cuba như họ mong muốn. Một số giả thuyết cho rằng chính các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ thực hiện vụ ám sát như Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang hay Cục Tình Báo Trung Ương CIA. Ngân Hàng Liên Bang muốn ra tay vì Kennedy mang ý định trao quyền cho Bộ Ngân Khố nhiều hơn. CIA thì bị nhắc nhiều nhất khi các nghiên cứu dẫn giải những bất đồng giữa Kennedy và CIA, từ thất bại trong vụ Vịnh Con Heo cho đến các kế hoạch ám sát Tổng Thống Fidel Castro của Cuba hay cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm dẫn đến cái chết của ông và bào đệ Ngô Đình Nhu tại miền Nam Việt Nam đều do CIA thực hiện mà Kennedy hầu như bị bất ngờ khi biết tin, theo các tài liệu mật được công bố sau này. Các giả thuyết này dẫn chứng rằng CIA không cung cấp đủ tin tức để bảo vệ Kennedy tại Dallas, CIA từng tiếp xúc Oswald và che giấu hay ngụy tạo một số hồ sơ trong quá trình điều tra. Cho đến nay, một số tài liệu mật của CIA liên quan đến vụ án này vẫn chưa công bố cho đến năm 2017, mà lẽ ra một số tài liệu còn phải chờ đến năm 2038, sau 75 năm theo như dự định ban đầu. Vài giả thuyết dễ dàng thuyết phục hơn khi cho rằng chính Fidel Castro đã thuê người ám sát Kennedy hay mật vụ KGB của Liên Xô đã đạo diễn vụ ám sát vì sự đối đầu mạnh mẽ của Kennedy với thế giới cộng sản. Theo số liệu trích dẫn của CNN, tổng cộng đã có đến 42 tổ chức, 82 sát thủ và 214 người liên quan đã bị đưa vào danh sách nghi vấn qua các nghiên cứu, bài viết, báo chí, phim ảnh và sách viết về vụ án này trong suốt nửa thế kỷ qua.
Cho đến những ngày ngay trước lễ tưởng niệm Kennedy 50 năm hồi năm trước, nghe trên vài đài radio địa phương tại Dallas, thính giả vẫn được nghe những lời kêu gọi các nhân chứng, những người sống qua giai đoạn thập niên 60 kể hay gởi những gì họ nghe-thấy-biết về đài phát thanh và bảo tàng Kennedy tại Dallas. Những việc này mang tính truyền thông hơn là một cuộc thu thập tài liệu điều tra. Nhiều người trả lời trên radio vẫn không tin rằng Kennedy bị ám sát chỉ do một kẻ cuồng tưởng như Oswald thực hiện. Nghi vấn nửa thế kỷ xem ra vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho một sự thật. Nhưng có một sự thật khó chối cãi là, hình ảnh và di sản John F. Kennedy để lại cho đất nước Hoa Kỳ này vẫn còn được nhắc nhở trong suốt nửa thế kỷ qua.
Đinh Yên Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét