– Tưởng nhớ Trần Trí Dũng, Khóa 19 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, và các chiến hữu đã hy sinh tại Đồng Xoài.– Gửi “Bố Già” Lê Văn Phát, Nam Xương, Bác Sĩ Võ Đạm, Trần Trung Nhứt, Lâm Văn Rớt và các bạn để nhớ Đồng Xoài!
Dòng sông Đồng Nai mênh mang uốn khúc, êm đềm chảy qua thành phố Biên Hòa trong ánh chiều đỏ rực. Những tia nắng cuối ngày lướt thướt trên mặt sông, phản chiếu trên những mái nhà tôn hai bên bờ sông, trông như những tấm gương rực rỡ sắc màu trên sông nước. Từng rề lục bình đầy hoa xanh, tím, bám theo mạn thuyền chở đầy trái cây, gạch ngói, xuôi về phía Tân Vạn.
Xa xa, những cụm khói lam chiều tỏa lên từ bếp lửa gia đình trong khóm nhà sàn, hay trên những khoang thuyền neo sát hai bên sông. Núi Châu Thới tím thẫm nổi bật trên nền trời trong ánh nắng chiều vàng đỏ cuối cùng trong ngày.
Chúng tôi thường ngồi im lặng như thế thật lâu trong quán Tân Hiệp đầu cá hấp bên bờ sông Đồng Nai để ngắm hoàng hôn trong những bữa cơm chiều khi đơn vị không bận hành quân.
Dũng vừa bẻ lóng tay vừa nói để phá tan bầu không khí im lặng:
– Hoàng hôn trên sông nơi nào cũng đẹp. Tao nhớ sông nhớ biển Đà Nẵng quê tao quá!
Rớt búng mẩu thuốc lá cuối cùng xuống sông, rồi góp ý:
– Quê tao miền Hậu Giang, Cửu Long Giang, nơi 9 dòng sông gom nước đổ về xô ra biển. Ngồi ghe trên Bắc Mỹ Thuận, sông lớn mênh mông, không thấy bờ thấy bến, khua tay xuống nước nghe sóng vỗ bên mạn thuyền, róc rách qua kẽ ngón, thả hồn ngắm mặt trời lặn, cảnh trí còn hùng vĩ và đẹp gấp trăm lần trên dòng sông nhỏ bé này.
– Thôi đừng mơ mộng nữa mấy anh hai, ngày mai nhảy vào Đồng Xoài thì không lo, lại còn ngồi đây mà mơ với mộng.
Nhứt nói xong, chép miệng rồi từ từ đứng lên, cả bọn nhảy lên xe về trại. Ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy, nhảy múa theo tiếng nhạc ồn ào từ trong các quán rượu dọc theo Dốc Sỏi và đầy rẫy trong thành phố Biên Hòa.
Lính Mỹ say sưa nghiêng ngả bên mấy cô gái bán bar, loạng choạng giữa đường phố, miệng hát nghêu ngao khiến Nam Xương nổi nóng chửi thề, bấm còi xe lia lịa.
Cherry, Vicky, Diana, Carolyn... tên những người đẹp Mỹ Quốc nhấp nháy dưới ánh đèn xanh đỏ bên những hình vẽ đầy dục tình mời gọi.
Qua khỏi cổng phi trường, doanh trại im lìm trong khu vườn cao su yên vắng.
Tôi gieo mình lên chiếc giường nhà binh, thả mắt nhìn qua khung cửa.
Trời trong vắt đầy sao, tự dưng tôi nhớ mẹ tôi qua tiếng thở dài, ánh mắt xót xa buồn khi thấy tôi vừa tốt nghiệp ra trường, đội chiếc nón đỏ bước vào nhà.
– Sao con không chọn lính gì cho nó nhàn nhàn, mà lại đi lính Nhảy Dù, lính đánh giặc quanh năm thì làm sao mà sống nổi!
Tôi chạy lại bóp nhẹ lên vai mẹ như hồi tôi còn bé:
– Sống chết có số, trời sinh thì trời dưỡng, hơi đâu mà mẹ phải lo. Ngày nào mẹ cũng thắp nhang cầu xin may mắn cho nhà mình thì thế nào Trời Phật cũng mang may mắn cho gia đình. Mẹ an tâm đi, con không sao đâu. Lính Nhảy Dù đồn trú ngay trong thành phố, con mà đi lính khác lên tuốt trên cao nguyên hay ra tận Đông Hà, Quảng Trị, thì cả năm mẹ cũng không thấy con một lần. Yên tâm đi mẹ, con biết giữ gìn mà!
Mẹ tôi âu yếm củng lên đầu tôi như hồi tôi còn bé, rồi chạy ra bàn thờ chắp tay khấn vái.
Tiếng trăn trở của Dũng ở giường bên khiến tôi chợt tỉnh vội lên tiếng:
– Dũng, mày nhớ nhà hả?
– Cứ mỗi lần sắp hành quân là tao lại nhớ nhà. Độ này lười viết thư, bà già la hoài, còn người yêu thì ghen bóng ghen gió, nghi tao có bồ mới, giải thích hoài mệt quá!
Ánh trăng lọt qua khung cửa, tôi nằm im nghe rõ tiếng lá thì thầm, tiếng cành cây cựa mình. Tiếng rơi của những quả cao su khô cứng trên mái nhà. Tiếng muỗi vo ve trong đêm vắng, hòa nhịp với tiếng nói õng ẹo “trong như đường cát, mát như đường phèn” của em gái Dạ Lan trong radio qua tiết mục tâm tình với lính trong đêm.
Cuối năm 1964, Trần Trí Dũng, Trần Trung Nhứt, Lâm Văn Rớt, và tôi tốt nghiệp khóa 19 Võ Bị Đà Lạt, về phục vụ Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, đồn trú trong phi trường Biên Hòa. Thành phố của lính, quán rượu, quân nhân Mỹ và các cô gái quê mùa trôi nổi từ những miền quê xa xôi nghèo khó về kiếm tiền trên thân xác ngoại nhân trong các quán rượu đầy như nấm trong thành phố. Biên Hòa, thành phố lính, cách Sàigòn gần 30 cây số, nổi tiếng với pho tượng Tiếc Thương súng để ngang đùi, ngồi buồn bã trên bệ cao trước Nghĩa Trang Quân Đội. Thành phố còn nổi tiếng với núi Châu Thới, với bưởi Biên Hòa, với khu “chị, em ta” tại Lò Than, Dốc Sỏi, và những quán “Sống Trên Đời” trước cổng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, kéo dài mãi tới Hố Nai, Tam Hiệp.
Nhưng Biên Hòa cũng rất tình tứ với các cô nữ sinh áo dài trắng thướt tha trong giờ tan học, tản bộ bên nhau, nghiêng nghiêng nón lá bên bờ sông Đồng Nai hiền hòa phủ đầy hoa phượng đỏ dọc theo bờ sông chảy dài bên thành phố.
Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, đơn vị đầu đời của tôi được thành lập trong những năm cuối cùng của chiến tranh Pháp Việt, tại vùng rừng núi thượng Lào, lan rộng về Hòa Bình, Nà Sản, Điện Biên.
Khi về đơn vị tôi còn thấy rất nhiều binh sĩ gốc Miên, gốc Thượng, gốc Nùng. Những chiến sĩ Nhảy Dù dầy dạn gió sương, đã sống còn qua nhiều trận chiến, từ vùng sa mạc nóng cháy Algerie Phi Châu của đoàn quân Lê Dương trong quân đội Pháp, cho tới các chiến trường đẫm máu trên vùng thượng du Bắc Việt. Tôi nghe bao nhiêu giai thoại của Đại úy Võ Văn Hải, Đại úy Nguyễn Văn Nhâm, “Bố Già” Lê Văn Phát, Đại úy Trương Điền... trong những ngày máu lửa tại Hòa Bình, tại những cứ điểm đẫm máu ở Điện Biên Phủ.
Noel 1964, những ngày bỡ ngỡ đầu đời ở đơn vị, theo Phan Nhật Nam kéo quân ra rừng cao su Tân Phong nằm an ninh vòng đai cho phi trường Biên Hòa. Đu đưa trên võng, chia nhau chiếc bánh, san sẻ chút rượu nồng ấm để nghe âm ba rạo rực theo từng mạch máu trong cơ thể. Tiếng đại bác từ Tân Uyên vọng về, tiếng phản lực gầm thét mang đầy bom đạn trong phi vụ oanh kích đêm. Lòng thanh thản nghe bản Thánh ca hòa lẫn trong tiếng chuông nhà thờ từ chiếc radio bỏ túi, khi đó mới ngỡ ngàng biết rằng đêm nay là đêm Giáng Sinh! Đêm Chúa sinh ra đời, Chúa mang bình an xuống cho trần thế, nhưng Chúa ơi! Sao tới bây giờ loài người vẫn còn chém giết, đọa đày, đói khổ trong chiến tranh tang tóc!
Mới chỉ nửa năm trời từ ngày ra trường mà tôi đã xuôi ngược từ An Khê, Củ Chi tới Bình Ba, Bình Giả, rồi nửa khuya đêm nay lại ba lô vào vùng hành quân mới.
Gió sớm mai làm tôi tỉnh ngủ, quán Mơ, quán Lá, nhà máy xi măng Hà Tiên nằm bên xa lộ còn mờ trong bóng đêm.
Xe đưa đoàn người binh đao vào thành khi Sàigòn còn đang say ngủ. Người phu quét đường ngưng chổi, giơ tay vẫy rồi cúi xuống quét tiếp những chiếc lá khô bay bay trên hè phố khi đoàn xe lướt qua.
Ngày 9 tháng 6 năm 1965, Tiểu Đoàn 7 kéo vào đóng quân tạm tại hậu cứ Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù trong phi trường Tân Sơn Nhứt nằm chờ không vận lên Phước Long.
Lơ mơ dưới giàn hoa giấy đỏ, tôi lướt đọc tin tức Saigon trên trang báo. Các tướng lãnh trong quân đội vẫn tiếp tục chia phe, chia phái, tranh chức, tranh quyền.
Tin tức chiến sự Đồng Xoài nổi bật trên trang nhất. Đơn vị chưa vào vùng hành quân mà báo chí đã đăng rõ ràng là ngày mai 7 Dù sẽ lên Phước Long, từ đó sẽ được trực thăng vận xuống phía bắc Đồng Xoài.
Tụi tôi hậm hực chửi thề: “Mẹ kiếp! Mình chưa có lệnh và chưa biết kế hoạch gì, mà mấy anh nhà báo đã vẽ sẵn bãi đổ quân với đầy đủ chi tiết nữa, thì còn đánh đấm con mẹ gì nữa! Chắc lại có quan lớn áo quần thẳng nếp, giày sáng như gương, tỏ ra mình là nhân vật quan trọng họp báo, thuyết trình “lấy le” với mấy em nhà báo!”
Tôi và Nam Xương rủ Dũng ra Trung Tâm Tiếp Huyết đi “thăm dân cho biết sự tình”.
Dũng lèm bèm nói là tôi vô kỷ luật, rồi quay qua phân bua với đàn anh.
Tôi bực mình, chơi ngay một câu:
– Nó với anh cùng dân Phan Châu Trinh, Đà Nẵng mà sao nó không giống anh tý nào vậy?
Nam Xương trợn mắt lườm, tôi nhảy tọt lên chiếc xe ba bánh ra khỏi cổng Phi Long.
Sáng sớm ngày 10 tháng 6, đơn vị được không vận lên Phước Long. Phi cơ C123 gầm thét trên phi đạo, chúng tôi ào ra khỏi thân tàu khi cửa đuôi mở rộng.
Ủi nhanh vào rừng cao su cạnh sân bay đóng quân để sáng mai trực thăng vận vào phía bắc Đồng Xoài. Tôi nói với mấy thằng bạn là đúng y chang như báo chí đã đăng ngày hôm qua là tụi mình nhảy trực thăng xuống phía bắc quận lỵ Đồng Xoài.
Căng võng trong rừng cao su, phì phèo khói thuốc chờ ngày mai đổ quân. Em gái hậu phương lại thỏ thẻ qua radio những lời ngọt lịm như đường, thơm như mít với “Các anh chiến sĩ thân thương trên các nẻo đường đất nước”!?
Đồng Xoài có tên hành chánh là quận Đôn Luân, nằm trên quốc lộ 14 cách Tây Bắc Sàigòn hơn 70 cây số, thuộc tỉnh Phước Long, nằm lọt giữa những cánh rừng cao su ngút ngàn trải dài trong vùng đồn điền cao su mênh mông, bát ngát Quản Lợi, Hớn quản, Bình Long.
Sáng 11 tháng 6, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù trực thăng vận vào Đồng Xoài. “Chuồn chuồn” chở Nam Xương Phan Nhật Nam vừa cất cánh thì trục trặc máy móc, đâm nhào xuống đất. Từ trên cao tôi thấy lửa khói quanh thân tàu. Nam Xương bị thương phải ở lại Phước Long. Lính léo nhéo:
– Rồi khoẻ ru, về ôm vợ nghỉ 29 ngày tái khám. Coi chừng bị thương mà “làm ăn” bậy bạ là cưa chân đó mấy cha! Chưa đánh đấm gì mà đã rớt máy bay, cú này chắc không khá!
Ngồi trên trực thăng, chân đong đưa ngoài không khí. Trời trong xanh, mây trắng lững lờ trôi dưới thân tàu, gió lùa qua áo trận khiến tôi rùng mình cảm thấy hơi lạnh. Hợp đoàn trực thăng như bầy chim đang soải cánh bay trên tấm thảm cao su xanh ngát. Từng hàng hố bom B52 đầy nước trong xanh ẩn hiện trong rừng cây. Xa xa sông Bé uốn khúc như một giải lụa bạc chảy về phía biển.
Đồng Xoài hiện ra trong tầm mắt, khói lửa bao trùm quận lỵ. Từ trên cao tôi thấy phố chợ nằm ngay trên quốc lộ, một vài khu nhà ngói đỏ nổi bật giữa những khu nhà tôn, nhà tranh ngang dọc quanh mấy con đường trải nhựa.
Trực thăng đổ quân xuống phía Bắc quận đường, ngay trên quốc lộ. Tôi dẫn trung đội lủi nhanh vào khu nhà cháy đen đổ nát hai bên đường. Mùi hôi thối làm lính tráng muốn ói, xác ta và địch rải rác đầy đường phố. Lũ chó hoang đang cào bới xác người, khi nghe tiếng trực thăng nghểnh mõm sủa vu vơ rồi cong đuôi chạy vào rừng.
Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân đã tái chiếm Đồng Xoài từ ngày hôm qua, nhưng có lẽ vì không đủ quân số nên chỉ lục soát và bố trí quanh quận đường.
Tôi dẫn lính chạy về phía đông, tới khu nhà cửa sập đổ ngổn ngang xác người. Có em nhỏ khi chết mắt vẫn mở tròn ngồi dựa góc tường với vết đạn lỗ trỗ trên thân. Bà mẹ đang cho con bú gục chết, tay vẫn ôm chặt lấy đứa con như để ngăn cản loạt đạn rải đều trên cơ thể con mình. Con bò mộng gục chết bên lề đường khi đang kéo chiếc xe chở đầy xác Việt Cộng cột chùm vào thành xe. Rải rác trên quốc lộ dăm ba chiếc xe đạp và vài chiếc xe chở mủ cao su của đồn điền chở đầy xác địch bị trúng bom còn bốc khói khét lẹt xác người.
Tiểu đoàn được lệnh truy kích địch về phía đồn điền Thuận Lợi, phía bắc Đồng Xoài hơn 6 cây số.
Đại Đội 72 đi đầu, trung đội tôi chĩa mũi dùi đi trước, lính tráng lèm bèm:
– Từ ngày ông Thầy về, đi đâu cũng đi đầu, cực quá ông Thầy ơi!
Tôi giơ hai tay lên trời cười trừ rồi lầm lũi đi sau toán khinh binh. Vừa ra khỏi quận đường chừng 2 cây số đã thấy 3 chiếc trực thăng cháy đen ngay gần quốc lộ trong khu rừng cao su non. Đơn vị bung rộng bố trí quanh khu rừng để lượm xác cho đơn vị bạn thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh mới bị địch phục kích khi trực thăng vận xuống giải tỏa Đồng Xoài. Quân bạn bị hỏa lực khủng khiếp của cả trung đoàn địch chờ sẵn khi trực thăng vừa đáp, nên tổn thất rất nặng nề. Dưới ánh nắng gay gắt trong buổi trưa hè, mặt đất lung linh bốc khói, chúng tôi mệt nhừ vì lượm và gom xác chết lại một khu.
Mũi tôi sưng và đỏ hỏn vì đã bôi hết chai dầu Nhị Thiên Đường để tránh mùi hôi thối từ các tử thi, tay mỏi rời như tê dại vì kéo xác người. Mới có hơn 3 ngày mà xác nào xác nấy gần như rữa nát dưới ánh nắng và những cơn mưa mùa hạ đầu mùa. Nhìn bầy kiến kéo nhau rúc vào thân thể qua lỗ tai, lỗ mũi, đôi mắt, tôi rùng mình tự nhiên ơn ớn nổi da gà. Âm thanh vo ve của bầy ruồi nhặng trên xác chết bay túa lên đụng cả vào mặt làm tôi nghẹt thở. Tự nhiên tôi thấy thèm một điếu thuốc mà không dám đưa tay lấy, vì bàn tay đầy mùi tử khí. Khiêng được cỡ trăm xác thì trời bắt đầu chạng vạng tối. Tiểu đoàn di chuyển lên phía bắc gần 1 cây số, bung ra lục soát để đóng quân đêm. Đói lả người vì từ sáng tới giờ chưa có gì vào bụng, tôi khui hộp thịt với gói cơm sấy. Lát thịt heo bầy nhầy lớp mỡ bên trên trông giống như thân thể rữa nát của những xác chết hồi chiều khiến tôi nôn oẹ. Tôi hút thuốc liên miên, lòng nặng chĩu buồn phiền.
3 tháng trước ở Đồi 30, khu vườn tiêu, trên đường vào Bình Giả tiếp ứng Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến, tôi đã gặp người chết với cánh tay thòng xuống bên thành thiết vận xa. Tôi ngỡ ngàng khựng lại khi thấy chiếc nhẫn bạc của khóa 19 Võ Bị chúng tôi khi tốt ngiệp ra trường. Mấy chú lính phụ tôi mang xác người chết ra ngoài. Lục soát giấy tờ tôi mới biết là Nguyễn Thái Quang, bạn Võ Bị cùng khóa. Chiếc mũ nâu thêu huy hiệu Biệt Động còn thơm mùi nỉ mới, mới như hoài bão vào đời còn chưa kịp thấy vinh quang thì đã ra đi! Khuôn mặt đẹp trai tươi tốt ngày nào nay đã xạm đen như màu chiếc nhẫn bạc định mệnh đeo trên ngón tay! Bạn bè cùng khóa ở Sư Đoàn 5 rất đông, không biết những xác chết bên rừng cao su non kia, có ai đeo chiếc nhẫn bạc cùng khóa 19 nữa không?
Đang trăng sao vằng vặc thì mây đen kéo về, rồi mưa như trút nước, đúng là mưa rừng mưa núi, mưa đến vội vàng bất ngờ, chợt đến chợt đi như đời sống con người trong thời loạn lạc.
Mưa rơi đều trên poncho, vài ánh hỏa châu yếu ớt len lỏi xuyên qua khe lá. Giọng nói của anh xướng ngôn viên Đài phát thanh Quân Đội đang tường thuật cảnh trực thăng vận vào Đồng Xoài, thì đột nhiên bị cắt ngang để chêm vào bản nhạc với lời lẽ mớn trớn "Anh là lính đa tình...", làm thằng bé đệ tử nằm cạnh chửi thề um sùm:
– Mấy em này xạo quá, toàn yêu lính bằng lời, nghe phát chán ông Thầy ơi!
– Nghe cho vui tai, mà sao mày khó thế, hay con gái Thượng sĩ Tài cho leo cây nên mày chửi bậy?
– Tụi em vẫn mùi lắm ông Thầy.
– Coi chừng bỏ chạy, ông bắn què giò đó mày!
Sáng hôm sau ngủ dậy mới hay đêm qua 1 binh sĩ của đại đội 74 bị cành cây lớn gẫy đổ và đè thiệt mạng khi đang ngủ. Lại một điềm xui, chưa thấy địch mà đã thương vong!
Lấy Quốc Lộ 14 làm chuẩn, tiểu đoàn hành quân phía trái Quốc Lộ 14 trong cánh rừng cao su rậm rạp. Bên phải quốc lộ là vườn chuối và ruộng mía của dân chúng quanh vùng.
Đơn vị chia làm 2 cánh quân, cánh thứ nhất do đại đội 72 dẫn đầu, theo sau là đại đội 70, bộ chỉ huy tiểu đoàn, và đại đội 71 bao chót. Cánh thứ hai là đại đội 74 và theo sau là đại đội 73.
Một số dân chúng và binh sĩ thuộc Sư Đoàn 5 thất lạc đơn vị đang chạy trên quốc lộ về phía Đồng Xoài cho biết Việt Cộng đóng quân đầy trong rừng cao su và ngay những khu nhà trong đồn điền Thuận Lợi.
Địch thấp thoáng phía trước, súng bắt đầu nổ, đồng hồ chỉ gần 1 giờ chiều ngày 12 tháng 6. Đại úy Lê Văn Phát, Đại Đội Trưởng Đại Đội 74 (ĐĐT/ĐĐ74), bắt được tù binh, khai thác sơ khởi được biết địch thuộc 2 trung đoàn Q762 và Q763 đang dàn quân phục kích tiêu diệt Nhảy Dù để ra mắt Công Trường 7.
Địch chạy khơi khơi gần bìa rừng, chúng cố tình dụ chúng tôi vào sâu bên trong. Tôi báo cáo lên cấp trên nhưng được lệnh cứ tiếp tục tiến quân. Từng dẫy nhà ngói đỏ và sân bay thấp thoáng phía trước, ẩn hiện trong rừng cây. Tôi thấy Trần Trí Dũng, bạn cùng Khóa 19 ở phía tay trái đang điều động lính tráng lên ngang với tôi. Địch rất đông ngay tại mé rừng và đầy trong mấy căn nhà ngói đỏ. Lính của Thiếu úy Đỗ nổ súng ngăn địch đang lấp ló cạnh sân bay. Đại liên 12 ly 7 và đủ loại súng của địch bắt đầu nhả đạn kèm theo mấy cây súng cối 82 đặt sau mấy dẫy nhà bên kia phi đạo, pháo như mưa về phía chúng tôi.
Tôi gọi máy xin Pháo Binh và Khu Trục. Đại úy Điền, Đại đội Trưởng của tôi, chửi thề ầm ĩ vì Bộ Tư Lệnh Hành Quân không cho bắn Pháo Binh và thả bom với lý do là dân còn đầy trong đồn điền!?
– Dân con mẹ gì mà dân, toàn là Việt Cộng không à!
Tôi la toáng trong máy vì không hiểu Bộ Chỉ Huy hành quân lấy tin ở đâu, trong khi tôi ở sát ngay tuyến đầu, không thấy dân mà chỉ thấy toàn lính Việt Cộng, kaki vàng, xanh, nón cối, chạy khơi khơi đầy trong khu nhà máy và các khu nhà kế cận.
Tôi được lệnh phải chiếm bìa rừng và mấy căn nhà ngói đỏ để làm bàn đạp tấn công qua sân bay tiêu diệt mấy cây cối 82 và mấy cây đại liên trên lầu nước. Tôi lẩm bẩm: “Phen này chết là cái chắc, trung đội với gần 30 mạng mà bắt xung phong qua sân bay để cướp mấy ổ súng cối! Nhưng nhà binh lệnh thì phải thi hành, lon thì mới có Thiếu úy, lạng quạng là xuống binh nhì như chơi. Nhưng xung phong qua sân bay với bề ngang gần 200 thước và cả rừng hỏa lực của địch chờ sẵn thì chắc chắn không còn mạng nào về. Thôi cứ chiếm xong bìa rừng và mấy căn nhà ngói đỏ rồi sẽ tính. Nghĩ như thế nên tôi xả tối đa hỏa lực của cây 57 ly không giật, bắn sập căn nhà và cày nát hàng cao su sát bìa rừng.
Bằng kinh nghiệm máu xương của những người lính cũ lâu năm, 30 mạng chúng tôi ào ạt xung phong với tất cả sức mạnh đặt trên đôi chân chạy đua với tử thần, mặc cho đạn réo bên tai. Dồn tất cả hỏa lực về phía trước, ném lựu đạn, thọc lưỡi lê, nhảy lên đầu địch, cố làm những động tác thật nhanh, thật chính xác để tiêu diệt địch, mong cứu lấy mạng mình. Chúng tôi chiếm được bìa rừng với ngổn ngang xác giặc trong dẫy hầm hố bên gốc cao su. Chỉ còn một khoảng cách ngắn từ vị trí vừa chiếm tới mấy căn nhà, anh xạ thủ 57 lại một lần nữa tập trung hỏa lực bắn sập 2 dẫy nhà. Với lối đánh lựu đạn tài tình, chúng tôi đã chiếm được dẫy nhà đầu tiên. Xác địch la liệt trong đống gạch.
Mờ mịt trong khói súng giữa tiếng đạn bay, tôi chạy lại chỗ mấy binh sĩ bị thương, buồn bã vuốt mặt cho 2 binh sĩ tử thương, thẫn thờ bẻ ngang tấm thẻ bài kim khí trên có ghi tên tuổi, số quân, loại máu của mỗi người lính.
Lúc này ở một nơi thật xa, trong khu vườn cao su hậu cứ Biên Hòa, giờ này lũ trẻ chắc đang nô đùa nhởn nhơ bên lớp học, người vợ trẻ đang lo bữa cơm chiều hay ngồi bên cửa sổ nghĩ tới chồng. Chị vừa nghe tiếng kèn hạ cờ trong ngày, nếu ở hậu cứ thì giờ này chồng chị cũng sắp về nhà ăn cơm chiều!
Nhưng chị có biết đâu, chiều nay khi tiếng kèn hạ cờ ở hậu cứ vừa dứt, thì cũng là lúc đơn vị đang đụng nặng và chồng chị vừa vĩnh viễn ra đi! Trời đột nhiên trở gió, rừng cây tối sầm vì những đám mây đen đang ùn ùn kéo đến, rồi mưa ào xuống như trút nước. Đại úy Trương Điền, đại đội trưởng và Thiếu úy Đỗ, vừa chạy đến chỗ tôi. Chỉ tay qua sân bay, tôi nói với ông là khi địch ngưng pháo, chúng sẽ tấn công, chúng sẽ kéo quân thọc ngang hông và đánh bọc đằng sau tiểu đoàn. Qua chiếc ống nhòm, Đại úy Điền thấy tất cả, ông gật đầu đồng ý rồi lui về phía đằng sau.
Mưa vẫn như trút nước, tôi đưa cây đại bác 57 cho Thiếu Úy Đỗ. Với cái tinh tế bén nhạy của một con cáo già gần 20 năm binh lửa, từ binh nhì lên Thiếu Úy, Đỗ lắc đầu nói với tôi:
– Mình đã lọt vòng vây của hơn 1 trung đoàn địch.
Anh bóp chặt tay tôi, bóng anh nghiêng nghiêng bên những bức tường khói đen đổ nát rồi đi về trung đội. Những vết sẹo trên khuôn mặt già nua cằn cỗi của anh nám đen vương đầy khói súng. Đỗ vừa dùng cây 57 bắn tung mấy ổ đại liên trên lầu nước.
Bên kia sân bay, mấy cây cối 82 ngưng pháo, địch đông như kiến đang thổi kèn xung phong. Súng nổ khắp nơi. Đơn vị đã lọt vòng vây của địch, trước mặt là sân bay, sau lưng là quốc lộ. Người lính Nhảy Dù chỉ còn khoảng rừng cao su ở giữa để vùng vẫy, để đánh trả những đợt xung phong biển người đẫm máu của địch.
Ngay từ giây phút nổ súng đầu tiên, chúng tôi ở sát ngay tuyến đầu đã báo cáo rất rõ lên cấp trên là không còn dân trong đồn điền, địch đang tập trung hơn cả trung đoàn, mà tại sao vẫn không cho phi pháo yểm trợ. Rõ ràng là cấp chỉ huy cao cấp ngu xuẩn đang muốn giết chúng tôi, đang muốn để trung đoàn địch tiêu diệt những người lính Nhảy Dù trong tuyệt lộ. Nhìn địch di chuyển khơi khơi ngoài tầm súng cá nhân mà không biết làm sao! Giờ này nếu có phi cơ và pháo binh yểm trợ như các trận đánh khác thì chúng tôi đã làm cỏ cả trung đoàn địch!
Chiến tranh có những cái kỳ cục đầy uất ức, biết mình sắp chết mà cũng đành nhắm mắt xuôi tay trước những quyết định của các cấp chỉ huy vô tài bất tướng! Giờ này các tướng lãnh đầu não còn đang tranh dành ngôi vị và quyền lực tại Saigon.
Đất nước rối tung sau khi phe quân nhân đảo chánh lật đổ giết chết 2 anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Từ đó các tướng quân miền Nam kết bè kết phái, tiếp tục thanh toán, triệt hạ lẫn nhau để tranh dành quyền lực!
Súng đủ loại nổ như pháo rang, tiếng kêu, tiếng rú, tiếng đạn nổ như điên loạn xuyên vào thân xác địch quân. Địch kê đại liên lên xác đồng đội để làm bia đỡ đạn bắn về phía chúng tôi. Thây người, xương thịt trúng đạn tung lên từng mảnh, máu theo nước mưa nhuộm đỏ sân bay. Địch vẫn cuồng điên xung phong lần thứ 3 qua sân bay. Nhưng dù có lấy thân đồng đội làm bia đỡ đạn, địch vẫn bị chặn đứng ở giữa sân bay. Mìn Claymore hất tung những toán địch lọt gần tuyến phòng thủ, thân xác địch bay lên cao, vỡ tan từng mảnh, thịt xương vương vãi rớt trên đầu trên cổ chúng tôi.
Chắc vì tổn thất quá nặng nhưng vẫn không thành công, nên địch ngưng tấn công qua sân bay.
Súng đạn vẫn vang rền tứ phía. Đột nhiên tôi nghe Đại úy Nhâm, Tiểu Đoàn Trưởng trong máy gọi tôi. Ông cho biết Đại úy Trương Điền Đại Đội Trưởng của tôi đã hy sinh. Ông ra lệnh cho tôi gom đại đội lui về phía sau để chống giữ các đợt xung phong như vũ bão của địch.
Tôi gào lên trong máy là tại sao không có phi pháo yểm trợ? Ông chửi thề ầm ĩ và cho biết Bộ Chỉ Huy Hành Quân không thỏa mãn, vì tin tình báo nói là có nhiều dân trong nhà thờ và đồn điền!? Nhưng trước mặt tôi trong khu đồn điền địch đông như kiến, dân đã di tản từ 2, 3 ngày hôm trước!
Thượng sĩ Tăng Màn Tài vừa báo cáo là Thiếu úy Đỗ đã hy sinh. Tôi nhớ cái bóp tay và ánh mắt buồn buồn của anh hồi chiều. 20 năm binh lửa, lần này anh đã thật phủi tay. Thôi ngủ yên đi anh Đỗ, mong anh siêu thoát và không quá mệt mỏi như ở kiếp này!
Mưa vẫn rơi và đã hơn 6 giờ chiều, đạn lửa ngang dọc trong rừng cao su, ta và địch vẫn la hét giành giật, đánh chiếm từng gốc cây. Thương vong đơn vị lên cao, đâu đâu cũng có xác người.
Tôi gặp Đại úy Phát, ĐĐT/ĐĐ 74, hỏi ông về Dũng. Ông lắc đầu cho biết Dũng đã tử thương ngay gần sân bay khi chiếm được dẫy nhà gạch sát phi đạo sau khi đã diệt được mấy ổ đại liên và dàn súng cối 82 của địch.
Tai tôi ù đi, lảo đảo chạy lại ổ đại liên đang nhả đạn về phía địch của Hạ sĩ Phan Niên.
Cách tôi không xa, Đại úy Nhâm, ông Tiểu Đoàn Trưởng mới tinh trong chức vụ, đang la hét lệnh lạc trong máy.
Đại úy Hải, ĐĐT/ĐĐ 73 kiêm Tiểu Đoàn Phó cũng vừa tử trận. Người lính già ngang tàng ngạo nghễ trong suốt cuộc chiến từ Lào qua tiền đồn Beatrice ở Điện Biên Phủ vừa rũ áo ra đi!
Trung úy Trần Trọng Hợp, ĐĐT/ĐĐ70 chạy đến cạnh tôi cho biết 2 đại đội 73 và 71 đang chống trả nhiều đợt xung phong biển người của địch từ phía quốc lộ 14. Hai bên đang cận chiến ngay trên quốc lộ.
Hạ sĩ Thặng xạ thủ M79 chợt cong người lên vì trúng đạn. Tôi nghe đầu đạn đi ngang thân thể phá vỡ lồng ngực của anh. Ôm cây AR15 lăn qua gốc cây khác thì vừa lúc trái lựu đạn của địch nổ tung.
Tôi rải đạn về phía trước, mấy tên Việt Cộng đang lao về phía tôi, hứng trọn băng AR15, bật người về phía sau.
Tôi nghe tiếng hét của Trung úy Hợp, Đại úy Nhâm trong chiếc áo mưa may bằng poncho chạy lại phía tôi. Khẩu Carbin M2 báng gấp của ông đang nhả đạn về toán địch đang nhào tới.
Như say máu, tôi đứng bật lên quét hết băng AR15 về phía địch. Đại úy Nhâm giơ tay vẫy rồi chạy theo toán cận vệ của ông.
Nhảy qua xác người tôi chạy về phía quốc lộ. Mấy cây đại liên 12 ly 7 của địch đang cày nát bìa rừng và mặt đường, đốn ngã tất cả những binh sĩ muốn băng qua đường để sang khu vườn chuối bên kia quốc lộ. Xác ta và địch đầy trên mặt đường, vắt ngang hàng rào kẽm gai sát khu vườn chuối. Lính đại đội 71 vừa cho biết Trung úy Kỳ, Đại Đội Trưởng tử thương.
Tôi liên lạc trong máy nhưng không nghe tiếng ông Tiểu Đoàn Trưởng. Đại úy Phát cho biết ông vẫn đang đánh vùi với địch ở gần quốc lộ.
Đơn vị gần như tan rã, 4 đại đội trưởng hy sinh, mất liên lạc với Tiểu Đoàn Trưởng.
Đột nhiên mắt tôi nhoáng lửa, giống như ai tát mạnh vào mặt, tay tung lên, cây AR15 tuột khỏi cườm tay. Tôi gục xuống cạnh ổ đại liên đang nhả đạn của Hạ sĩ Phan Niên.
Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã nhá nhem tối, mưa vẫn rả rích trong rừng cao su. Xác một tên địch đè ngang bụng, chiếc nón cối ngay sát mặt làm tôi muốn nghẹt thở, mặt và tay phải tê dại đau đớn vô cùng, tôi cố gắng rút tay trái lên khỏi xác địch. Đồng hồ chỉ hơn 7 giờ chiều, nhưng trời vẫn còn mờ mờ sáng. Tôi đưa tay trái sờ lên mặt, đạn cắt ngang sống mũi và gò má, máu chan hòa, mặt sưng vù tê dại không còn cảm giác. Tay phải đau đớn bất động khi lãnh 2 viên AK với 4 vết đạn cháy đen.
Mưa làm tôi tỉnh hẳn, bằng cả sức lực cuối cùng, tôi co hai chân hất xác chết qua bên cạnh. Tên địch bị bắn nát ngực, ruột gan máu me lòng thòng, thấm đỏ lòm cả mặt và thân thể tôi. Lết qua gốc cây cao su khác, tôi nằm yên bất động vì quá đau đớn và kiệt sức.
Chiến trường chỉ còn những tiếng súng lẻ tẻ của cả hai bên. Địch la hét gọi nhau ơi ới, chúng bắt đầu đi thanh toán chiến trường, vừa lục soát vừa chửi thề vì sự tổn thất quá nặng nề trong chiến trận vừa qua.
Mấy tên địch đi ngang chỗ tôi, nhìn thấy bông mai đen thêu trên cổ áo, một tên chửi giọng Bắc kỳ, đá vào chân tôi rồi cúi xuống.
Tôi nín thở chờ nỗi bất hạnh cuối cùng khi cảm thấy hơi lạnh từ mũi lưỡi lê gắn trên đầu súng AK rà sát vào mặt. Trời vẫn mưa lâm râm, có lẽ thấy vết thương trên mặt tôi xưng vù, chan hòa máu và vết đạn lỗ trỗ trên cánh tay còn khét mùi thuốc súng, lại thêm gan ruột còn dính lòng thòng trên bụng nên chúng nghĩ là tôi đã chết. Vừa buông tiếng chửi thề vừa lấy chiếc radio nhỏ, chiếc kính mát Rayband, chiếc đồng hồ đeo tay rồi vội vã bỏ đi.
Tôi nghe có tiếng léo nhéo cãi nhau của mấy tên Việt Cộng đang đòi chia chác những vật dụng lấy được trên người tôi. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra khi nghĩ tới hình ảnh mẹ tôi ngày ngày bên bàn thờ cầu xin may mắn cho thằng con đi lính Nhảy Dù!
Quả thật tôi đã có quá nhiều may mắn!
Tôi bắt đầu thấy lạnh vì nước mưa đã thấm vào thân thể và gần như kiệt sức vì vết thương ra máu quá nhiều. Tôi lết lại xác Hạ sĩ Tâm, kéo chiếc poncho chùm lên đầu lên ngực, rồi nằm cạnh xác chú đệ tử mang máy cho tôi. 2 thầy trò một sống một chết nằm co quắp bên nhau. Tôi mủi lòng nhìn Tâm, nhớ lại bao nhiêu cay đắng ngọt bùi san sẻ với nhau từ ngày tôi về coi trung đội. Tôi nghĩ tới bố mẹ và gia đình. Giờ này là buổi cơm chiều, chắc cả nhà đang nhắc đến tôi, và thế nào mẹ tôi cũng chạy lại bàn thờ thắp nhang khấn vái.
Tôi lơ mơ nghĩ tới Dũng, thằng bạn thân ở trường cùng trung đội. Thằng hay chê tôi lười biếng, bê bối, nhưng lại rất thân với tôi. Hình ảnh Dũng chập chờn ẩn hiện trong trí óc!
Dũng ơi! Mày có chết thật không? Rõ ràng tao thấy mày bên tay trái khi cùng xung phong tiến chiếm mấy căn nhà bìa rừng. Bóng mày lúp súp bên gốc cây. Hồi chiều khi tao đưa Đại úy Phát băng đạn, ông buồn bã nói là mày đã hy sinh! Tao đang bị thương nằm đây, mất máu quá nhiều, nhìn cái gì cũng thấy quay quay, chả biết có còn sống được hay không? Nếu như chết thì lại gặp mày! Thì cũng lại là tao, cái thằng bê bối lúc nào cũng ở bên mày. La thì la vậy thôi chứ vắng tao là mày lại đâm đầu đi kiếm. Rõ ràng mình là bạn chí thân. Tao đang nằm cạnh xác chú đệ tử mang máy, đang nhớ lại cái ngày tụi mình ở trường Võ Bị!
Dũng ơi! Ở đồi 1515 ai đá banh, ai bóng rổ hơn mày?
Thằng Trọng “mập” đá có hay nhưng đường banh không bay bướm. Còn thằng Thu “đen”, dù có như én liệng mùa xuân trong khung gỗ cũng chẳng thể nào ngờ và đỡ được cú sút sát góc độc đáo của mày. Đã thế mày lại còn trắng trẻo đẹp trai và nhất là hiền lành trung hậu. Tao chẳng biết gì về bói toán tử vi, nhưng tướng như mày thì ai cũng nghĩ phải may mắn sống lâu. Mày có nhớ năm thứ nhì ở trường không? Tao, thằng Khương, thằng Giư, “được mời” qua đại đội A vì những thành tích “sáng chói” là đã làm cho đại đội D liên tục lãnh cờ đen!
Ngày “nghênh đón” tụi tao, có mày, có Thế, có Miên, có Trọng “mập”. Tụi mày lườm lườm, nhưng tao coi như đồ bỏ, vì nếu gây hấn thì tụi tao sẽ chẳng ngần ngại, tiếc rẻ gì mà không thân tặng cho đại đội mới vài lá cờ đen!
Dũng ơi, tao hân hạnh được ở chung phòng, chung đại đội với mày, và quả nhiên “Trời có mắt”, đệ nhất đại đội của mày được “tuyên dương” với lá cờ đen.
Cuối năm 1964 khi mãn khóa, tao lại được hân hạnh phục vụ cùng binh chủng với mày. Tao, mày, Nhứt và Rớt cùng về Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù. Sáng thứ bảy giữa tháng 12 năm 1964, thẳng nếp trong 4 bộ kaki vàng, lon thiếu úy mới tinh với chiếc mũ đỏ trên đầu về trình diện đơn vị đầu đời quân ngũ. Người đón tiếp ở cổng doanh trại chẳng ai xa lạ, đó là 2 ông đàn anh Khóa 17 Trần Văn Ký và Khóa 18 Nam Xương Phan Nhật Nam.
Sau khi cho một màn lên lớp, người dẫn cả bọn đi bay bướm Biên Hòa. Cái cảnh này tao thấy y chang như ngày vừa gắn Alpha mặc đồ đại lễ ra Đà Lạt dạo phố lần đầu. Các đàn anh chu đáo lo cho đàn em chỉ bảo đủ điều. Người diễn nghĩa thế nào là Dù Hoa Nón Đỏ, thế nào là vui buồn quân ngũ, thế nào là lính Nhảy Dù thì phải biết uống VSOP “Về Say Ở Phòng”, hay (Very Sexy Old Parachutist), thế nào là “Sao anh làm em mệt” trên bao thuốc SALEM, “Cho Anh Phát Súng Tàn Ân Nghĩa” trên bao thuốc lá CAPSTAN, hay “Phải anh là lính mời anh lên lầu” trên bao thuốc Pallmall, và ôi thôi còn đủ điều, đủ chuyện để say, và quên bên xác bạn xác thù!
Cuối cùng tao chỉ nhớ là khi về đến doanh trại thì bọn mình chẳng còn biết đây là Đà Lạt, hay đây là Dốc Sỏi, Lò Than (những địa danh “nổi tiếng” của Biên Hòa). Ở đơn vị mày hay nói chuyện với anh Nam. Sau này tao mới biết mày học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, nổi tiếng thể thao, chơi môn gì cũng giỏi và là bạn cùng học với Nam Xương. Ngày về học Nhảy Dù, lúc nhảy saut thứ nhất, chẳng hiểu gió máy thế nào mà tao kéo dù lung tung, đạp trên dù mày. Báo hại mày la khản cổ và kéo dù đi chỗ khác. Xuống tới đất, mày buông một câu mà tao cho là thấm thía: “Cũng lại là mày!” Ờ thì lúc nào lại chả là tao. Làm cho mày bị phạt oan, nhảy xổm ở gốc cây xoài, hít đất ở chuồng cu, cả toán giơ súng chạy giữa trưa hè lúc đang học nhảy dù... Làm cho mày bị cằn nhằn trong cú hành quân ở đèo An Khe... Lúc nào, lúc nào thì cũng chỉ là tao!?
Tháng 3 năm 1965, hành quân trong mật khu Hắc Dịch, tao với mày cùng chiếm mục tiêu. Mày bên trái, tao bên phải, đạn bắn như mưa, chiến trường đầy khói súng. Gặp nhau trên mục tiêu khi trận địa còn vương lửa đạn, mày đấm nhẹ vào vai tao vừa cười vừa nói: “Cũng lại là mày!” Tao đoán mày sẽ nói câu này, nhưng lần này với ánh mắt vui tươi, không giận hờn, trách móc. Mày làm lòng tao ấm lại Dũng ơi! Ừ thì ít ra tao cũng làm cho mày vui được một lần!
Tao vẫn luôn luôn bâng khuâng, chưa thể hiểu về câu nói “Cũng lại là mày!” Nửa đậm đà thân mến, nửa trách móc thân quen. Vật đổi sao dời, tóc bạc thế tóc xanh, mãi mãi về sau tao vẫn chưa thấm câu nói lạ lùng này. Thôi cứ để nó nằm trong tâm thức, câu nói sẽ theo tao cả đời và mãi mãi sẽ là một kỷ niệm khó quên.
Tháng 5 năm 1965, lúc mình có ông tiểu đoàn trưởng mới, Đại úy Nguyễn Văn Nhâm thay thế Thiếu tá Ngô Xuân Nghị. Mày có nhớ lúc bàn giao đơn vị thì cột cờ nghiêng ngả không? Bữa ăn chiều tại quán đầu cá hấp bên bờ sông Biên Hòa, mày ngắm chiều rơi trên sông nước, rồi tự nhiên kêu nhớ nhà, nhớ sông nhớ biển Đà Nẵng và tiên đoán tiểu đoàn sẽ gặp xui! Lúc ứng chiến ở Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, trong buổi trưa hè, tao rủ mày ra Trung Tâm Tiếp Huyết, thì mày lườm tao rồi nói:
– Lại là mày! Sao mày kỷ luật quá Dũng ơi! Bỏ đi một chút có sao, lỡ mai này có gì xảy ra mày đâu còn dịp đi nữa. Nhưng thôi, mỗi thằng mỗi tính, bê bối như tao coi như chẳng kể làm gì. Trưa đó mày không đi, mày chờ tao về rồi mò sang tâm sự với tao về Đà Nẵng, về những ngày đầy hoa mộng, về những tháng ngày với bộ sport trắng rong ruổi bên người yêu, dưới bóng mát của những hàng phượng vĩ đỏ ngập đường. Mày nói về những kỷ niệm bên bờ biển Mỹ Khê, những ngày ngất ngây hạnh phúc đầu đời bên bờ biển Thanh Bình, những ngày khó quên bên Non Nước trong dãy Ngũ Hành Sơn... Rồi nói đến người yêu học trò của mày nước mắt đẫm vai khi biết mày vào Võ Bị. Sao mày nói nhiều thế Dũng ơi? Sao mày lại tâm sự với tao? Tự dưng tao hơi sờ sợ và cảm thấy nóng ruột không vui! Như mày đã biết, mình bị 2 trung đoàn Việt Cộng bao vây, trận chiến kéo dài cở hơn nửa ngày thì tao bị thương. Địch quân đang đi thanh toán chiến trường, chúng bắn hầu hết những thương binh đang đau đớn rên siết. Tao không hiểu tại sao chúng nỡ bắn những người bị thương? Có lẽ chúng được đào tạo chỉ biết căm thù, như những con chó Pavlov chỉ cần nghe tiếng chuông là thi hành theo phản ứng!
Mưa đã ngưng, trời đã tối, tao nghe có tiếng máy bay, hỏa châu chợt sáng trên bầu trời, địch quân đang tập họp gọi nhau ơi ới di chuyển đầy trên quốc lộ. Chúng đang dùng mấy chiếc xe vận tải loại lớn và hàng chục chiếc xe bò của đồn điền để di tản các bộ đội tử thương. Nhờ ánh sáng hỏa châu, tao mới thấy địch đông như kiến, chúng đi như diễn binh trên quốc lộ về hướng bắc đồn điền. Cả tiếng đồng hồ sau, địch lại tăng cường thêm mấy xe tải và đoàn xe bò khác để chở thêm xác chết, rồi bỏ đi.
Tao lết tới túi cứu thương của xác anh y tá gần đó, lấy thuốc đỏ, cồn 90 đổ đại lên vết thương trên tay, trên mặt, rồi dùng chiếc khăn quàng cổ đỏ, biểu hiệu của đại đội 72, quấn lại vết thương trên tay rồi đeo khăn qua cổ. Theo ánh sáng hỏa châu, bò qua xác bạn, xác thù lết lại phía mày.
Rừng cây chập chờn, thân cây như vươn dài di động, xác người lúc tỏ lúc mờ hòa trong tiếng rên siết gọi tên người thân của thương binh, nghe thật não lòng. Hình như con người sắp chết thường không nghĩ tới mình, mà chỉ kêu tên vợ con cha mẹ hay những người thân?
Có tiếng khu trục trên trời, tao nằm vội xuống cạnh gốc cây. Đại liên từ máy bay bắn xuống như mưa, theo sau hàng là hàng loạt bom xé gió lao xuống khu rừng. Người rung lên vì sức dội, mồm ứa máu vì những trái bom nổ quá gần. Tao nguyền rủa kẻ đã cho lệnh thả bom khi chiến trận đã tàn. Tại sao khi đụng trận thì không một trái pháo, một trái bom yểm trợ!? Quá mệt mỏi, tao đã ngất đi trong tiếng nổ của đạn bom.
Ánh nắng xuyên qua khe lá của những tàng cao su rậm rạp làm tao chợt tỉnh. Tao nhổ ra từng cục máu khô, máu đã đông lại khi tao ngất đi từ đêm hôm qua. Tựa mình vào thân cây, uống chút nước từ cái bát đựng mủ cao su, mắt mất hồn nhìn cảnh tượng chung quanh, mồm há hốc vì kinh sợ! Xác người nhiều quá, hầu như chỗ nào cũng có! Bạn, thù nằm chồng chất lên nhau, mã tấu lưỡi lê ngập sâu vào thân thể! Chắc đã xảy ra một trận cận chiến kinh hồn khi tao trúng đạn ngất đi. Bom thả đêm hôm qua đào thành những hố lớn đầy nước nhuộm đỏ máu người, cao su bung gốc trụi cành, nhiều cây còn âm ỉ cháy.
Qua khe lá, bầu trời xanh, chim chóc ríu rít bay từng đàn bên những cụm mây trắng lững lờ cắt ngang nóc dẫy nhà ngói đỏ trong đồn điền. Tao áp ống nghe của máy C10 lên tai, đổi lên tần số tiểu đoàn kêu vài danh hiệu, nhưng không nghe ai trả lời.
Rừng cây im vắng, có lẽ chỉ một mình tao là thương binh may mắn sống sót. Tao đã đói và yếu lắm rồi, phải cố gắng ăn một chút để cầm hơi. Lượm gói cơm sấy, đổ chút nước mưa, thẫn thờ bên xác bạn xác thù, tao cố gắng ăn được mấy thìa cơm. Cột lại gói cơm cho vào túi, lượm dây đạn có bi đông nước, tay trái xách cây AR15 thất thểu lết đi.
Tao đang đi về phía mày, lính chết nhiều quá, chắc chẳng còn ai bị thương hay sống sót để hỏi thăm. Tao lật rất nhiều xác chết quanh khu nhà mà hôm qua tao thấy mày, nhưng sao vẫn chẳng thấy mày đâu!
Trong nỗi đau đớn tột cùng, tao cay mắt đắng. Rõ ràng Đại úy Phát nói mày bị ngay dẫy nhà này mà sao chẳng thấy mày đâu? Hay mày còn sống, bị thương như tao?
Lại có tiếng máy bay trên đầu, chắc lại sắp thả bom. Qua phía trận tuyến đại đội 71 và 73, xác bạn xác thù chết chồng bên các gốc cao su.
Không biết thằng Rớt, thằng Nhứt ra sao? Giờ này tụi mày đang ở đâu? Không lý mình về đơn vị 4 thằng lại chết mất 3 hay sao? Tao không tin như vậy.
Nắng đã lên cao, dựa lưng vào gốc cao su, tao đang định hướng về lại Đồng Xoài. Tuy chỉ cách có 7 cây số nhưng biết bao hiểm nguy chờ đợi.
Khu trục lại chúi xuống thả bom, tao thu hết tàn lực lết nhanh qua quốc lộ, chui qua hàng rào sang khu vườn chuối đối diện, trong lúc máy bay vẫn đang xả đại liên, trút bom trút đạn ngay khu đồn điền. Mong bom đạn đừng giết thêm đồng đội, anh em mình khi đang bị thương!
Nằm lăn dưới đường mương dẫn nước trong khu rừng chuối, lơ mơ nhìn bom lao vun vút trên đầu xuống trận địa, cầu xin bom đạn tránh mình!
Dũng ơi! Tao đã yếu lắm rồi, người gây gây lạnh, mắt nhìn cây rừng xanh thành đỏ, và đang lên cơn sốt. Vết thương bắt đầu có mùi hôi, cánh tay sưng tím bắt đầu làm độc. Chả biết có qua khỏi đêm nay!
Pháo binh bắn hàng loạt vào trận địa, tao nghĩ chắc sắp có quân bạn, nhưng biết đâu đó chỉ là những tràng pháo quấy rối vu vơ! Sau gần 2 ngày với bao lần gục ngã rồi lại cố gắng đứng lên, tao gặp một vài đồng đội thất lạc. Mấy chú dìu tao đi, lúc này tao mới thấy thấm thía thế nào là huynh đệ chi binh thực sự ở chiến trường, còn thứ đầu môi chót lưỡi của mấy tướng quân đảo chánh lẫn nhau, giành ngôi, giành tước ở hậu phương thì tao không bàn tới! Gần về tới Đồng Xoài thì cả toán mừng vui khi gặp những người lính mũ nâu Biệt Động.
Về đến Đồng Xoài, vết thương đổi màu, thịt đã thối và làm độc, Bác sĩ Đạm săn sóc tận tình. Tao chờ máy bay về nhà thương Cộng Hòa. Qua phòng hành quân, tao ghé ngang thắc mắc về việc tại sao không có phi pháo yểm trợ khi đơn vị đụng trận. Nhưng với cấp bậc Thiếu úy cắc ké như tao thì ai thèm trả lời, thậm chí còn được “thăm hỏi” bằng một câu nói mà chắc cả đời tao sẽ không quên:
– Cấp bậc như anh, Thiếu úy thì biết mẹ gì mà hỏi. Đi ra ngoài, mới sáng sớm đã làm ồn ào, làm sao “Đại Bàng” ngủ được. Coi chừng ông nhốt anh bây giờ!
Tao điên tiết chửi toáng lên trong phòng hành quân, và quên cả đau, nhào tới chụp cây Carbin M2 ở góc tường. Mấy anh sĩ quan và quân cảnh hoảng hốt ôm cứng lấy tao, rồi lôi ra ngoài đòi còng tay nhốt! Lính Nhảy Dù la hét chửi bới ầm ĩ, chĩa súng xông vào lôi tao ra khỏi toán quân cảnh. Tự nhiên tao ghê tởm cho chữ huynh đệ chi binh trong cái phòng hành quân này!
Về đến nhà thương Cộng Hòa tao gặp Nam Xương và một số đồng đội đang nằm điều trị. Lúc này tao mới biết đích xác 2 trung đoàn địch đã đánh Đồng Xoài và phục kích Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù để ra mắt Công Trường 7 của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Cộng quân sử dụng toàn bộ 2 trung đoàn với tất cả quân số và vũ khí tối tân. AK, B40... được chúng sử dụng lần đầu trên chiến trường, hơn hẳn vũ khí của Nhảy Dù với Garant M1, Carbin M2, Trung liên BAR, đại liên 30, và mỗi trung đội 3 cây AR15 và M79 trao cho Nhảy Dù để trắc nghiệm!
Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Phó, 4 Đại Đội Trưởng và rất nhiều sĩ quan tử trận. Sĩ quan bị thương độc nhất nằm lại trận địa mấy ngày mới mò về được là tao. Đơn vị vỡ vụn từng mảnh, hơn 200 binh sĩ tử trận, và còn bao nhiêu nữa đây...? Tao và Nam Xương bồi hồi đau đớn, lang thang trong Tổng Y Viện Cộng Hòa tìm gặp anh em binh sĩ trong đơn vị. Họ kể về mày lúc dẫn trung đội tiêu diệt ổ cối 82 và mấy cây đại liên. Họ kể lúc mày đánh cận chiến với địch, rồi ngã gục khi địch tràn ngập với quân số đông gấp mấy lần. Họ còn nói về Đại úy Lê Văn Phát dẫn một số binh sĩ còn lại chiến đấu cả đêm, rồi rút sang khu vườn chuối đối diện nằm chờ tiếp viện, nhưng chờ hoài công vô ích nên cuối cùng phải dẫn anh em về lại Đồng Xoài.
Một số binh sĩ theo Nhứt đánh qua hàng rào bên quốc lộ, nằm chờ gom góp binh sĩ thất lạc và thương binh, rồi ngày hôm sau mới rút về quận.
Còn Lâm Văn Rớt thì không ai biết ở đâu, người nói tử thương, người nói nó bị bắt.
Mấy ngày sau trận đánh, Đại úy Phát và Thiếu úy Nhứt, cùng Biệt Động Quân vào lại Đồng Xoài để mang thi hài các chiến hữu tử thương ra khỏi trận địa.
Dũng ơi! Khi biết chắc là mày tử trận, tim tao như ngừng đập, tao tưởng tao nghe sai. Nhưng sai làm sao được khi Nam Xương nhận ra thi thể mày. Nước mắt tao ứa ra, sao mày không bị thương như tao, không mất tích như thằng Rớt.
Dũng ơi! mày ở nhà xác, tao ở nhà thương, cách nhau vài trăm thước. Kẻ nằm đó vĩnh viễn muôn đời, người nằm đây với vết thương mất bạn. Tao muốn nghe mày trách móc, tao muốn nghe lại câu nói: “Cũng lại là mày!” nhưng không bao giờ tao còn nghe được!
Tao theo anh sĩ quan hậu cứ vào nhìn mày lần cuối. Mày nằm đó như ngủ say, mắt nhắm lại, thân thể mặt mũi đã đổi thay! Nhưng dù có đổi thay ra sao, thay đổi cách nào, tao cũng nhận ra mày, bởi vì mày đã quá gần gũi với tao. Những bữa cơm chiều trên bờ sông ngồi ngắm hoàng hôn trên sông nước, những tối say mèm nhảy nhót ở Jupiter trong căn cứ không quân Biên Hòa. Những ngày Võ Bị, những chuyến hành quân từ An Khê về Hậu Nghĩa, Củ Chi... Còn nhiều, còn nhiều lắm, làm sao tao nhớ hết được Dũng ơi!
Đã đành mấy ai đi mà trở về trong buổi loạn ly! Nhưng sao mày lại đi quá sớm như vậy, ra đi giữa tuổi 20, tuổi đầy nhựa sống, ai là người không tiếc, không thương!
Giơ tay chào mày lần chót, chào đúng quân kỷ nhà binh, chỉ khác tao chào mày bằng tay trái vì tay mặt tao còn bó bột chưa lành. Nhưng có sao, tay trái gần tim, càng gần cho tiếc thương tình bạn. Mắt tao lại cay cay, và cảm thấy mặn mặn ở đầu môi. Tao phải ra ngoài vì nếu không, tao sẽ quỵ xuống, sẽ khóc như một đứa con nít và chỉ làm vương vấn tử biệt sinh ly!
Vĩnh biệt, vĩnh biệt mày, Dũng ơi!
Mày hãy đi về chốn bình yên, nơi không có chiến tranh, nơi không có hận thù, nơi giòng sông tuổi nhỏ, nơi bãi biển Thanh Bình, bờ biển Mỹ Khê, những hang động trong Ngũ Hành Sơn... hay cổng trường Phan Châu Trinh dưới giàn hoa phượng đỏ, với bộ sport trắng trong sân trường đi bên cạnh người yêu bé nhỏ học trò... Ở đó mày thấy lại tuổi thơ và chưa một lần biết thế nào là binh đao chiến trận…
Thắp nén hương lòng, gọi tên mày lần nữa Dũng ơi...!
Đoàn phương Hải
(Viết để nhớ trận chiến Đồng Xoài 12/6/1965)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét