Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

ĐÊM TRUY ĐIỆU - Huỳnh Văn Của

Ảnh tai nạn "giao thông" giữa xe GMC và L-19, tại dốc Lương Sơn ( Xã Chợ Lầu, Quận Hòa Đa/ Tỉnh Bình Thuận ) ngày 19-01-1973.
( Gởi quý bạn đồng khóa 4/72B SQTB/ Đồng Đế )Bên ngoài nhá nhem. Trong Sam ( Salle ) không một chút ánh sáng. Mọi người đang chờ ngọn lửa bùng lên giữa màn tối. Im lặng tuyệt đối. Không khí của đêm truy điệu trầm, lắng, rất thâm u. Đèn đóm trong quân trường đều tắt ngấm. Ánh sáng bây giờ là chiếc đèn pha chiếu thẳng lên bức tượng trong thế đứng chong súng Thao Diễn... Nghĩ của anh chàng Cù Lần trên Hòn Khô. Bức tượng mang dấu ấn "Ngàn Năm Thao Diễn Nghỉ" của Đồng Đế ngày thường, vốn đã cương nghị đến lạnh lùng dưới ánh sáng ban ngày; trong đêm Truy Điệu trông càng thêm vô cảm và...xa vắng! 
<!>
Ai là người đặt biệt danh Chàng Cù Lần cho biểu tượng của quân trường Đồng Đế này? Từ khi nào bức tượng khiêm nhường trên dãy Hòn Ngang ( còn gọi là núi Cô Tiên với dáng vươn mình ra biển đông ), đã được nhân cách hóa qua hai câu thơ mộc mạc mà đậm nét thủy chung này:

Anh đứng ngàn năm thao diễn nghĩ
Em nằm xõa tóc đợi chờ anh.

Đêm nay "Anh" nhìn về phố biển, "Em" in hình trên vòm tối của Hòn Ngang và bầu trời đặc quánh. Vũ Đình Trường của Đồng Đế cũng lắng chìm trong mờ ảo của ảnh sáng nhá nhem, phát ra từ vài ngọn đèn phía sau khán đài và ngoài cổng quân trường.

Im lặng! Sự im lặng tuyệt đối của thành kính và trang nghiêm. Đã một lần truy điệu trong đêm gắn Alpha sau 8 tuần huấn nhục. Đêm Alpha là dấu ấn của một Tân Khóa Sinh đủ điều kiện tiếp tục hành trình, để trở thành sĩ quan trung đội trưởng tương lai. Đêm nay lại truy điệu. Lần này là để kết thúc chương trình và công nhận kết quả mỹ mãn của khóa huấn luyện.

Ánh sáng chập chùng như đuốc thiêng soi rọi. Không khí trang nghiêm mang đậm nét linh thiêng của đêm chiêu hồn Tử Sĩ. Khi lắng trầm đã đến mức tuyệt đối u tịch, thì từ những chiếc loa được khuếch đại đến hết cỡ âm thanh, có tiếng chiêng trống vang rền theo từng hồi thúc giục. Trống chiêng vừa lắng thì có tiếng vang vọng thật trầm hùng mà cũng thật xa vắng phát ra từ chiếc loa trên khán đài danh dự.

Trên cánh đồng chiêm Bắc Việt
Bên con rạch nhỏ Đồng Nai.
Trong đám rừng sâu Trung Việt.
Phút chốc liệt vị đã trở nên người thiên cổ!
Sự nghiệp đang công đeo đuổi…
Thôi! Cũng đành gián đoạn nửa đường!
Chí tang bồng hằng mong thực hiện…
Thôi! Cũng đành ôm hận ngàn Thu!
Mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến
Đám sương mù tàn tạ mảnh chinh y...(*)

Chưa chính thức dấn thân mà đã nghe những lời não nùng này là sao?! Để tăng thêm phần long trọng của buổi lễ, để tưởng niệm anh linh tử sĩ, để phác họa viễn cảnh không mấy "tươi đẹp"của đời lính chiến; hay lời đồng vọng tưởng chừng như rất u uẩn nhưng bi tráng này, còn mang những ý nghĩa trang trọng và cao cả hơn những gì đang được phát âm?!

Chắc chắn tác giả của những lời truy điệu này đã nhắm vào một mục đích khác! Cũng không có lý gì, trong khung cảnh hùng tráng và trong sự háo hức của những cánh chim sắp tung trời, mà Khối Quân Huấn của Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận cho tổ chức một buổi lễ có vẻ như rất trái khoái, nửa như khêu gợi Hào Khí, nữa như đang "TẾ SỐNG" những chàng trai sắp nhập trận nà

Đành rằng chốn trần gian, nào ai mong sống mãi!?
Nhưng lúc quốc thù chưa gột rửa, chí làm trai chưa toại nguyện hải hồ
thì hận tuyền đài ngăn được làm sao dòng huyết lệ!
Lại còn người thân, kẻ thuộc, ơn cha mẹ, nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ.

Bao tình cảm sao nỡ dứt cho đành!?
Nhưng…
Non nước Việt vẫn thắm tươi cùng thảo mộc
Giòng Lạc Hồng vẫn tồn tại với thời gian...

Thì ra là như vậy! Hóa ra tác giả bài phú đã khơi dậy bản chất của con người, khi đào sâu vào tâm lý của những chàng trai sắp băng mình vào lửa đạn. Bởi trong những tận cùng sâu lắng của bản chất của con người có sự sợ hãi, nhưng cũng từ sợ hãi mà người ta mới thực sự đối diện với hoàn cảnh.

Rồi từ đó có hai lối rẽ. Một là buông xuôi, đầu hàng nghịch cảnh. Hai là tích cực tự thắng ( thắng sự sợ hãi của chính mình ) để vượt thắng ( thắng hoàn cảnh tưởng chừng như vô vọng hoặc không lối thoát ). Đây là đúng chân lý tiềm ẩn trong bài Phản Phục Kích. Sợ! Ai mà không sợ!? Nhứt là sợ chết! Vậy tại sao không lao vào chỗ Chết để tìm con đường Sống?! Tự Thắng để Vượt Thắng chính là đây!

...Bởi đâu? Nhờ đâu?
Thân chiến sĩ vững xây nền thế hệ
Máu anh hùng nhuộm thắm lá cờ Nam…
Chiến sĩ trận vong
Hãy trở về chứng giám...
Ngày mai đây, một đoàn trai sẽ hăm hở lên đường,
quyết nối gót tiền nhân làm cho Tổ Quốc thêm tỏ rạng...

Đúng như vậy! Đã khoác chiến y, thì mục đích sống không chỉ là diệt thù hay chống giặc, mà còn giương cao màu cờ và tô điểm cho sắc áo trong việc giữ yên bờ cõi. Việt Nam Cộng Hòa không cổ vũ hay phát động chiến tranh! Quân và Dân miền Nam chỉ chiến đấu để tự vệ và giữ yên bờ cõi.

Gương chiến đấu và hy sinh của tiền nhân được nhắc lại thật bi tráng và long trọng trong buổi lễ. Truy điệu anh linh Tử Sĩ hay chuẩn bị tâm lý cho chính mình? Có lẽ là dành cho cả hai mục đích. Tại sao không?! Vào Lính là để tác chiến. Sẽ bị thương. Sẽ hy sinh tánh mạng. Ai lại không chết?! Nhưng chết ra sao? Chết cho ai, mới là dấu ấn đích thực của người chấp nhận dấn thân.


Có tiền nhân chứng giám. Có sông núi hiển linh. Có Anh Linh Tử Sĩ hộ phù. Đêm Truy Điệu quả đang gieo vào lòng trai trẻ một nguồn năng lượng mới cho bầu nhiệt huyết. Đã mấy ngàn năm hưng vong. Đã qua bao đời chinh chiến chống ngoại xâm. Vào giờ phút này, Hồn Chiến Sĩ Trận Vong đang vẽ từng trang sử liệt oanh cho thế hệ cháu con trong giờ phút trầm tư vọng tưởng.

Đêm nay tưởng niệm. Ngày mai dấn thân. Chàng trai trẻ lên đường, quyết nối gót tiền nhân làm cho Tổ Quốc thêm tỏ rạng... Cao đẹp làm sao hình ảnh và sắc thái trang trọng trong việc khẳng định quyết tâm gìn giữ biên cương và duy trì Tự Do - Dân Chủ trên quê hương xứ sở!

Dân Chủ!Ai đã đặt tên Dân Chủ cho khóa 4/72B này? Chuẩn Tướng Võ Văn Cảnh, Chỉ Huy Trưởng đương nhiệm của Trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH chăng? Sao không lấy tên Công Lý?! Không chỉ là tên của người Sinh Viên Sĩ Quan vắn số Võ Công Lý, cũng là người đầu tiên của cả Khóa hy sinh, trong khi thi hành công tác Chiến Tranh Chính Trị. Đúng là hy sinh! Cho dù chỉ không may qua đời trong một tai nạn "giao thông" giữa quân xa GMC và "Đầm Già"L19 trên đường về từ Bình Thuận.

Công Lý! Cái tên nghe cũng thật ý nghĩa! Khi Cộng Sản vô thần ngang nhiên xâm lăng miền nam Việt Nam, bất chấp dư luận thế giới, là họ đã chà đạp công lý. Cộng Sản VN bất chấp công lý, nhưng người yêu chuộng Hòa Bình và Công Lý cần phải đứng lên đòi lại công lý, không chỉ cho người Dân ở phía Nam vĩ tuyến 17; mà còn cho những ai đang khát khao tự do đang còn chịu cảnh bất công và đọa đầy ở phương Bắc!

Đêm nay là phần chuẩn bị tinh thần, là hình ảnh tương lai của những người cầm súng nơi tuyến đầu mà Quân Đội muốn người chiến binh cần lưu tâm, khắc trí. Bóng tối đêm nay sẽ nhường lối cho ánh sáng của ngày mai, khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ có thêm 540 tân Chuẩn Úy.

Sáng mai, ít nhứt một nửa sẽ đối diện địch quân ngoài chiến trận. Từ lúc đó, cho tới khi xong Trách Nhiệm bảo vệ Tổ Quốc bằng Danh Dự của người chiến sĩ, sẽ không tránh khỏi thương vong hay ly biệt. Nhưng đó là tương lai vô định. Còn hiện tại là Đêm Truy Điệu, đêm đối diện chính mình trước ngày dấn thân. Đêm Truyền Thống trước ngày xuất quân. Cũng là đêm trưởng thành trong cuộc đời lính chiến của những chàng trai thời loạn.

HUỲNH VĂN CỦA
DS 005/ĐĐ 727/ TĐ 3SVSQ

( Để nhớ quân trường Đồng Đế và Ngày Mãn Khóa 4/72B SQTB,
25/8/1972 - 26/6/1973 )
(*)Bài PHÚ này là sáng tác của cựu Đại Tá Trần Ngọc Huyến, cựu Chỉ Huy Trưởng
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ( Đà Lạt )

Không có nhận xét nào: