Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Lời Chúc Mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ và Kính Chuyển Tin Đặc Biệt Sau Cuộc Nổi Loạn Tại Nga, Tin Thế Giới & Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Chúc Mừng Lễ Độc Lập 2023! - Kính chúc Quý Vị và toàn thể Gia Đình, có một ngày nghỉ Lễ Độc Lập Hoa Kỳ và những ngày nghỉ kéo dài, suốt cuối tuần này, (nếu lái xe đi chơi) thật an toàn, bình an, vui vẻ, hạnh phúc, trong không khí ấm cúng Gia Đình, Bạn Bè và những người thân yêu.  Không quên, những Người đã hy sinh, nhất là những người Lính đã nằm xuống, đổ biết bao nhiêu máu xương, để chúng ta được hưởng không khí của một Đất Nước Thanh Bình, Độc Lập, Tự Do! mà Thượng Đế đã yêu thương cách riêng! cũng là Quê Hương thứ 2, của chúng ta! Cùng nhau hô vang “We Love America!”
<!>



Thông Điệp Ngắn, của TT Ukraine Gửi Người Dân Trong Nước và Toàn Thế Giới Yêu Chuộng Tự Do Dân Chủ!


(Phỏng Dịch Tóm Ý Chính, Nhằm Tặng Bạo Quyền CSVN, Rất “Hèn Với Giặc!” Theo Nga, Theo Tầu!)

-Thông điệp của Tổng Thống Ukraine, nhân vừa biến cố, đoàn quân Warner tấn công vào thủ đô Moscow!

"Hôm nay sẽ không phải là ngày im lặng. mà phải nói lên, cho cả thế giới đã nhận ra một sự thật, là những người Nga luôn tự vỗ ngực xưng là những người khôn ngoan, bậc thầy thiên hạ, chỉ là những cái thùng rỗng kêu to! không hề có một tầm nhìn chiến lược, một kế hoạch, tất cả chỉ là một mớ bòng bong hỗn loạn!


Nhờ Wagner đã bốc mẽ và phơi bày tất cả những người thầy vĩ đại tự xưng, che giấu khôn khéo bao lâu nay. Từ nay, thế giới không còn nên sợ hãi người Nga nữa. Người Nga chẳng có gì, ngoài sự khoác lác, dối gian, tàn ác và lòng tham vô đáy! nhân danh thực hiện chính nghĩa trên…nòng súng bạo lực!

Giờ thì Ukraine, chúng ta biết rõ, chúng ta có gì, làm gì, để tạo nên chiến thắng trước người Nga, đó là sự kiêu hãnh đấu tranh của một dân tộc, có lịch sử kiên cường tranh đấu ngàn năm, có trí tuệ, có tình yêu, có lòng cao thượng và có trái tim yêu thương gắn kết.

Chúng ta có đủ sức mạnh để bảo vệ sườn phía đông cho cả châu Âu, trước sự hung hãn xâm lăng, cưỡng chiếm của người Nga. Chúng ta đã chân thành nói với châu Âu rằng, quí vị đầu tư cho Ukraine, chính là đầu tư cho quí vị! Lời mà quí vị thu về, đó là tự do & hòa bình cho cả một khu vực!


Tôi đã khẳng định nói với người Nga bằng tiếng Nga. Các người đang có một tổng thống độc tài, hèn nhát! Putin đang sợ hãi trốn không dám xuất hiện, tôi cam đoan với các người, không chắc ông ta còn ở Moscow, ông ta đang trốn ở đâu đó, làm bộ nhấc điện thoại ra vẻ “tôi hãy còn đây!”


Putin, Tổng thống của các người đang run sợ trước những gì ông ta đã gây ra, đó là hắn ra lịnh bắn giết tự do đồng bào của tôi! đốt cháy những thành phố và làng mạc xinh đẹp của đất nước tôi. Món nợ này hiển nhiên sẽ được tính bằng máu! vào những ngày tới! Tổng thống của các người sẽ không thể trốn mãi, ông ta nhất định sẽ bị lôi ra tòa án công lý, nhận sự trừng phạt.


Nước Nga của các người, vì Putin, sẽ mất hết bạn bè và đối tác, vì nước Nga của các người, có một tổng thống hèn nhát, tàn ác, tồi tệ. Tổng thống của các người, càng duy trì, ở lâu trong điện Kremlin, nước Nga của các người, càng bị tàn phá, chia rẽ, tụt dốc, thảm bại!


Và hỡi những người dân thân yêu của đất nước Ukraine. Chúng ta sẽ làm gì tiếp? Chúng ta sẽ tiếp tục kiên trì chiến đấu cho tự do & hòa bình của đất nước chúng ta. Chúng ta biết cách để tạo nên chiến thắng vinh quang! Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, như tổ tiên của chúng ta bao đời đã từng chiến thắng, chưa bao giờ bại! Đất Nước Ukraine Muôn Năm!


Vụ Wagner Nổi Loạn: Nga Dỡ Bỏ “Chế Độ Chiến Dịch Chống Khủng Bố” Tại Mạc Tư Khoa

-Hôm 26/6/2023, chính quyền Nga thông báo dỡ bỏ “chế độ chiến dịch chống khủng bố”, cho phép mở rộng quyền hạn của các lực lượng an ninh tại vùng Mạc Tư Khoa và Voronej, phía Nam thủ đô nước Nga. Những biện pháp an ninh nghiêm ngặt này đã được thiết lập hôm 24/6 do vụ nổi loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner.

thông tấn xã AFP nhắc lại, khi tiến hành cuộc nổi loạn, lãnh đạo tập đoàn Wagner tuyên bố “giải phóng nhân dân Nga”, khi nhắm đến Bộ trưởng Quốc phòng Serguei Choigu và Tham mưu trưởng Valéri Guerassimov, mà ông Evgueni Prigojine tố cáo đã hy sinh hàng ngàn binh sĩ Nga tại Ukraine.

Cũng trong ngày hôm nay, lần đầu tiên sau 48 giờ nổi loạn của Wagner, ông Choigu đã xuất hiện trước công chúng. Truyền hình Nga phát hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng đến thăm các binh sĩ tại Ukraine.

Nếu như chính quyền Nga đang cố gắng thể hiện cuộc sống trở lại bình thường, cuộc tiến quân ngoạn mục về Mạc Tư Khoa của Prigojine cùng các binh sĩ được trang bị tốt hôm thứ Bảy vẫn còn gây sốc cho người dân Nga và thủ đô Mạc Tư Khoa. Thông tín viên Anissa El Jabri của Ðài RFI tại Mạc Tư Khoa tường trình:

“Làm thế nào điều đó đã có thể xảy ra? Câu hỏi được nghe rất nhiều trong suốt cuối tuần qua và còn nhiều nhiều câu hỏi khác: Làm sao mà thủ đô nước Nga lại có cảm giác rằng thành phố sẽ chao đảo hay có nguy cơ chìm trong “bể máu”? Nhưng nhất là làm thế nào chính quyền đi đến nông nỗi này?

Người dân Mạc Tư Khoa, vốn chỉ biết thông tin qua lời nhắn âm thanh của Prigojine, một nhân vật mà họ ít biết đến và họ thường xem như là một tên xã hội đen, đã không chấp nhận điều đó. Và nhất là việc phát giác nhà nước, bộ máy quyền lực của Nga, bị tước vũ khí, đã làm cho người dân thủ đô sửng sốt, cảm thấy bị sốc và bị xúc phạm. Thật là xấu hổ!

Sáng nay, người ta vẫn cảm thấy trạng thái mơ hồ. Truyền thông tỏ ra dè dặt trong việc diễn giải sự việc. Một tờ báo nhấn mạnh rằng phát biểu kịp thời của Tổng thống Nga hôm thứ Bảy, 24/6, có một vai trò quan trọng.

Nhưng một báo khác ngay từ sáng Chủ Nhật đã dẫn tin của New York Times, theo đó, cơ quan an ninh Mỹ đã có thông tin về những kế hoạch của nhà sáng lập tập đoàn Wagner, và họ đã cảnh báo cho các lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng như cho Quốc hội Mỹ. Tờ báo này lưu ý rằng kẻ thù số một còn có nhiều thông tin hơn là ở Nga. Họ không thể nào tàn nhẫn hơn đối với nhà nước”.


Nga: Chủ Nhân Công Ty Wagner Vẫn Đang Bị Điều Tra Hình Sự

-Chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner, Evguéni Prigojine, vẫn đang bị điều tra hình sự do cuộc nổi dậy bất thành, các hãng tin Nga hôm nay 26/6/2023 cho biết như trên, cho dù Ðiện Cẩm Linh từng thông báo ông sẽ không bị truy tố.

Theo thông tấn xã Reuters, nhật báo Nga Kommersant cho biết Cơ quan an ninh liên bang (FSN) vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra và để ngỏ vụ án hình sự. Ba hãng tin chính của Nga, TASS, RIA và Interfax cũng loan báo vụ điều tra về chủ nhân công ty Wagner vẫn tiếp diễn.

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Bảy (24/6) từng hứa đập tan điều mà ông gọi là “cuộc binh biến” và “sự phản bội”. Theo luật pháp Nga, Evgueni Prigojine có nguy cơ lĩnh án tù giam 12-20 năm. Kể từ khi rút khỏi Rostov trên sông Đông, Evgueni Prigojine vẫn chưa xuất hiện trở lại trước công chúng.

Về hoạt động trung gian của Tổng thống Belarus Alexandre Lukachenko, trên đài RFI Pháp ngữ hôm 25/6, bà Alexandra Goujon, Phó Giáo sư Đại học Bourgogne của Pháp, giảng viên trường Sciences-Po, chuyên nghiên cứu về Ukraine, nhận định trên thực tế, đó có thể là do Mạc Tư Khoa dàn xếp:

“Có nhiều khả năng là như vậy. Xin nhắc lại là Putin và Lukachenko đã nói chuyện với nhau từ sáng sớm (thứ Bảy) và có nhiều khả năng là chính Putin đã đề nghị Lukachenko can thiệp. Lukachenko cũng không nói rằng đó là ý tưởng của chính ông ta. Như một số người cũng đã nói, mục đích của việc dàn xếp này là để tránh khả năng Putin và Prigogine tiếp xúc trực tiếp với nhau”.


Lithuania Kêu Gọi NATO Tăng Cường Quân Sự Nếu Ông Prigozhin ở Belarus


(Hình: Bản đồ Belarus.)

-Thông tấn xã AFP cho hay hôm Chủ Nhật (25/6/2023), Tổng thống Lithuania cảnh báo rằng nếu Belarus tiếp đón chỉ huy nhóm lính đánh thuê Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, thì Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) sẽ cần tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông của mình.

Người đứng đầu quốc gia vùng Baltic, vốn là láng giềng với cả Belarus và Nga và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới, phát biểu như trên sau cuộc họp của hội đồng an ninh nhà nước để thảo luận về cuộc nổi dậy bị hủy bỏ của Wagner chống lại Ðiện Cẩm Linh.

Sau khi ông Prigozhin ngừng tiến quân hôm 24/6, Mạc Tư Khoa cho biết thủ lĩnh Wagner sẽ rời Nga đến Belarus và sẽ không phải đối mặt với cáo buộc.

“Nếu ông Prigozhin hoặc một phần của nhóm Wagner lưu lại ở Belarus với những kế hoạch và ý định không rõ ràng, điều đó chỉ có nghĩa là chúng tôi cần tăng cường hơn nữa an ninh ở biên giới phía Đông của chúng tôi”, Tổng thống Lithuania Gitanas Nausea nói với các phóng viên.

“Tôi không chỉ nói về Lithuania ở đây, mà chắc chắn là toàn bộ NATO”, ông nói.

Ông Nauseda nói thêm rằng Lithuania sẽ dành nhiều khả năng tình báo hơn để đánh giá “các khía cạnh chính trị và an ninh của Belarus”.

Lithuania sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới và ông Nauseda cho biết kế hoạch an ninh chung cho cuộc họp này không yêu cầu thay đổi sau những diễn biến của Nga.

Ông cho biết ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đối mặt với những thách thức lớn hơn nữa trong tương lai.

Cuộc nổi dậy của ông Wagner đánh dấu thách thức lớn nhất đối với triều đại lâu dài của ông Putin và là cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất của Nga kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 1999.


Wagner Nổi Loạn: Hệ Quả Nào Cho Tập Đoàn Lính Đánh Thuê ở Phi Châu?

-Hai ngày sau cuộc nổi loạn bất thành, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner Evgueni Prigojine hôm 26/6/2023, được cho là sẽ đến Belarus sống lưu vong theo thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày giờ xuất phát và nơi ở của ông không được công bố.

Câu hỏi đặt ra: Số phận của những binh sĩ thuộc tập đoàn Wagner sẽ ra sao? Lực lượng này không chỉ có mặt ở Ukraine, mà chủ yếu là ở Phi Châu. Liệu cuộc nổi loạn bất thành có làm thay đổi sự hiện diện của Nga ở châu lục này?

Trả lời đài RFI, Kelian Sanz Pascual, chuyên gia Địa-Chính trị, thuộc văn phòng tư vấn Cassini, phân tích:

“Sẽ có những thay đổi sau sự kiện này, kể cả ở Phi Châu. Vấn đề cần quan tâm là liệu Evgueni Prigojine có sẽ được tiếp tục lãnh đạo Wagner hay không? Nếu ông ấy không được giữ lại, liệu Wagner có sẽ tiếp tục tồn tại như hiện nay, hay là nhân sự sẽ bị phân tán trong nhiều cơ cấu khác nhau? Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng lực lượng Wagner sớm hay muộn cũng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng giông như các công ty quân sự tư nhân khác.

Tôi không lấy làm lạ về việc ông Shoigu và những người thân cận của ông hoặc những người có cùng lợi ích với Bộ Quốc phòng muốn chiếm lấy quyền kiểm soát Wagner.

Tuy nhiên, có thể Bộ Quốc phòng Nga không phải là tác nhân duy nhất tìm cách chiếm lấy những phần thị trường này. Ngược lại, điều chắc chắn là tầm ảnh hưởng của Nga tại Phi Châu sẽ không hề bị suy suyển, mà có thể sẽ chỉ mang một hình thái khác so với những gì chúng ta biết hiện nay”.


Nga Tìm Cách Khôi Phục Sự Yên Bình; Phương Tây Thấy Rạn Nứt Trong Quyền Lực của Ông Putin

 

(Hình: Nga tìm cách khôi phục lại sự yên bình sau một cuộc binh biến bị hủy bỏ bởi lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner. Ảnh: Một poster tuyển dụng của Wagner bị tháo dỡ ở Petersburg, Nga.)

-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm 26/6/2023, Nga tìm cách khôi phục lại sự yên bình sau một cuộc binh biến bị hủy bỏ bởi lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner vào cuối tuần qua, trong khi các đồng minh phương Tây đánh giá cách Tổng thống Vladimir Putin có thể tái khẳng định quyền lực và điều đó có thể có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Kết thúc cuộc nổi loạn ngắn ngủi, các chiến binh Wagner tạm dừng cuộc tiến công nhanh chóng vào Mạc Tư Khoa, rút khỏi thành phố Rostov ở miền Nam nước Nga và quay trở lại căn cứ của họ vào cuối ngày thứ Bảy (24/6) theo một thỏa thuận bảo đảm an toàn cho họ. Ông Yevgeny Prigozhin, chỉ huy của nhóm Wagner, sẽ chuyển đến Belarus theo thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian.

Ngày 26/6 đã được tuyên bố là một ngày không làm việc ở Mạc Tư Khoa để có thời gian giải quyết mọi việc và có rất ít bằng chứng về việc tăng cường an ninh ở thủ đô vào tối ngày 25/6.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, một trong những mục tiêu chính khiến ông Prigozhin tức giận, đã đến thăm quân đội Nga tham gia vào chiến dịch quân sự ở Ukraine, hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin hôm 26/6 trong khi không cung cấp thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm.

Nhưng ông Putin, người đã nắm quyền hơn hai thập kỷ, vẫn phải bình luận công khai kể từ khi hạ nhiệt căng thẳng của một trong những thách thức lớn nhất đối với sự cai trị của ông.

Sự bối rối về các sự kiện bất thường vào cuối tuần đã khiến các chính phủ, cả thân thiện và thù địch với Nga, mò mẫm tìm câu trả lời cho những gì có thể xảy ra tiếp theo ở quốc gia có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho rằng tình trạng hỗn loạn có thể mất nhiều tháng để giải quyết.

Ông Blinken nói với chương trình “Gặp gỡ báo chí” của đài NBC hôm 25/6: “Chúng tôi đã thấy nhiều vết nứt xuất hiện trên mặt tiền của Nga”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko có cuộc hội đàm tại Bắc Kinh hôm 25/6. Không rõ liệu chuyến thăm của ông tới đồng minh mạnh nhất của Nga có phải do cuộc binh biến của Wagner hay không.

“Phía Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của giới lãnh đạo Liên bang Nga nhằm ổn định tình hình trong nước liên quan đến các sự kiện ngày 24/6 và khẳng định mối quan tâm của họ trong việc tăng cường sự gắn kết và thịnh vượng hơn nữa của Nga”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Phản ứng từ Trung Quốc cẩn trọng một cách đặc trưng. Nó khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Nga nhằm duy trì sự ổn định quốc gia, coi sự căng thẳng vừa qua là “công việc nội bộ” của Nga.

Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy thảo luận về các sự kiện ở Nga trong các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau.

Theo các tuyên bố chính thức, ông Biden và ông Trudeau đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine khi nước này theo đuổi một cuộc phản công để giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ.

“Thế giới phải gây áp lực lên Nga cho đến khi trật tự quốc tế được khôi phục”, ông Zelenskiy viết trên Twitter.

Truyền hình nhà nước cho biết ông Putin sẽ tham dự một cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga trong tuần này mà không nói rõ, và hãng thông tấn Belta của Belarus cho biết ông Putin và ông Lukashenko nói chuyện lần nữa hôm 25/6, sau ít nhất 2 cuộc gọi điện đàm hôm 24/6.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình khi các sự kiện đang diễn ra ngày 24/6, ông Putin nói rằng cuộc nổi dậy khiến sự tồn tại của Nga bị đe dọa, thề sẽ trừng phạt những kẻ đứng sau cuộc nổi dậy và so sánh với sự hỗn loạn năm 1917 dẫn đến cuộc cách mạng Bolshevik.

“Huyền thoại về sự thống nhất của nước Nga dưới thời Putin đã kết thúc…. Đó là kết quả không thể tránh khỏi khi bạn hỗ trợ và tài trợ cho một quân đoàn lính đánh thuê”, Ngoại trưởng Ý Ðại Lợi Antonio Tajani được tờ báo Il Messaggero của Ý Ðại Lợi trích dẫn.

Theo thỏa thuận, được môi giới vào cuối ngày 24/6, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết một vụ án hình sự cáo buộc ông Prigozhin vì tội nổi loạn vũ trang sẽ bị hủy bỏ, ông Prigozhin sẽ chuyển đến Belarus và các chiến binh Wagner tập hợp lại cho chính nghĩa của ông sẽ không phải đối mặt với hành động nào, công nhận những hành động trước đó của họ trong việc phục vụ nước Nga.

Ông Prigozhin, 62 tuổi, được nhìn thấy rời trụ sở quân sự quận ở Rostov vào cuối ngày thứ Bảy (24/6) trên một chiếc xe thể thao đa dụng. Nơi ở của ông kể từ đó không được biết đến.

Là một cựu đồng minh của ông Putin và là một cựu tù nhân có lực lượng đã đánh những trận đẫm máu nhất trong cuộc chiến kéo dài 16 tháng ở Ukraine, ông Prigozhin cho biết quyết định tiến công Mạc Tư Khoa của ông nhằm mục đích loại bỏ các chỉ huy Nga tham nhũng và bất tài mà ông cho là đã gây ra chiến tranh.


Wagner Nổi Loạn: Quyền Lực của Putin Sẽ Còn Được Củng Cố Hơn?
(Minh Anh)

Cuộc nổi loạn của Wagner tuy ngắn ngủi, nhưng làm lộ rõ những chia rẽ trong thượng tầng lãnh đạo của Nga. Nhưng nghịch lý thay, biến cố này lại có thể tạo điều kiện để Vladimir Putin củng cố quyền lực và kéo dài sự sống còn của chế độ do chính ông tạo ra. Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Anatol Lieven, trên trang mạng Responsible Statecraft ngày 25/6/2023.

Cuộc tấn công của lãnh đạo Wagner đã làm tổn hại cho hình ảnh của chế độ, do uy tín mà Wagner đã tích lũy được ở Nga nhờ vào những thành tích chiến đấu tại Ukraine, và do những lời chỉ trích của ông về cơ bản là hoàn toàn đúng.

Ông Evgueni Prigojine lên án sự kém cỏi và liều lĩnh của Bộ trưởng Quốc phòng Serguei Choigu và tổng Tham mưu trưởng Valeri Guerassimov trong việc lập kế hoạch tấn công từ sự hỗn loạn, thiếu hụt hậu cần, thiếu phối hợp và tình trạng của quân đội. Lãnh đạo Wagner tố cáo nạn tham nhũng trong giới thượng lưu, trốn thuế và tránh nghĩa vụ quân sự của kẻ giầu. Và nhất là, tuy tránh tấn công trực diện Putin, ông chỉ trích những lời dối trá chế độ đưa ra để biện minh cho cuộc chiến xâm lược.

Cuộc nổi loạn của Evgueni Prigojine trên thực tế là bị thôi thúc bởi nỗi lo Choigu và Guerassimov dùng sức mạnh vượt trội của quân đội để tiêu diệt hay ám sát ông. Nỗi sợ này càng bị thôi thúc trước tuyên bố của ông Putin ngày 14/6 kêu gọi đặt Wagner dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Bộ Quốc phòng Nga. Điều này cho thấy Putin đã vượt qua được rào cản và đứng về phía Choigu và Guerassimov chống lại Evgueni Prigojine.

Tuy nhiên, để cho cuộc nổi loạn được thành công, lãnh đạo Wagner phải hội đủ hai điều kiện: Thứ nhất, phải có đủ số quân chính quy của Nga nổi loạn và tham gia cùng Wagner, và thứ hai, tinh thần Putin không vững và sẽ “đầu hàng” trước những yêu cầu của Evgueni Prigojine. Nhưng rủi thay, cả hai yếu tố này đều không có khi chúng ta nghe phát biểu của tướng Serguei Surovikin, kêu gọi lính Wagner và những binh sĩ Nga nào tham gia nổi loạn quy hàng, cũng như bài phát biểu cứng rắn của Tổng thống Nga ngày 24/6, lên án cuộc nổi dậy là phản quốc.

Theo nhà địa chính trị Anatol Lieven, cuộc nổi loạn này đã làm nổi rõ một số đặc điểm chính trong cách tiếp cận của ông Putin về thực thi quyền lực. Điều thứ nhất mà rất nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã nhanh chóng quên, đó là Vladimir Putin, qua huấn luyện và với bản năng, là một người hoạt động bí mật, chứ không phải là người lính.

Phương pháp hành động của ông có nhiều lựa chọn: Tàn nhẫn nhưng gián tiếp, nửa bí mật và có thể phủ nhận khi cần. Vì vậy, ông có thể hậu thuẫn cho Wagner, với tư cách là một “công ty quân sự tư nhân”, để có thể đeo đuổi các mục tiêu của Nga ở Donbass, Syria và Phi Châu, trong khi vẫn cho phép chính phủ Nga duy trì khoảng cách chính thức với các hành động của mình.

Thứ hai, nếu như phương Tây vẫn luôn xem Vladimir Putin như là một nhà độc tài chuyên chế, thì trên thực tế, Tổng thống Nga hoạt động gần giống như là “Chủ tịch” một tập hợp các nhà tài phiệt nhà nước hay tranh cãi. Khuyến khích các hiềm khích giữa họ là một phần của chiến lược “chia để trị” và ông chỉ can thiệp để giải quyết khi các hiềm khích đó có nguy cơ bộc phát trước công chúng và đe dọa chính quyền. Riêng trong trường hợp này, ông đã để quá muộn. Và nhất là Vladimir Putin còn là bậc thầy trong việc phân phối bổng lộc nhằm bảo đảm lòng trung thành của các hội viên.

Cuộc nổi loạn ngắn ngủi này để lại nhiều nghi vấn chưa có lời giải, nhất là liên quan đến quyền lực cá nhân ông Putin. Liệu sau khi đàn áp Evgueni Prigojine, số phận của hai vị lãnh đạo quân đội Nga cũng bị lung lay, hay là Tổng thống Nga vẫn sẽ bị ràng buộc chặt chẽ với những người này và những người bạn thân khác?

Trái với nhiều suy nghĩ cho rằng cuộc nổi loạn của ông Evgueni Prigojine là một đòn nặng, ảnh hưởng đến uy tín của chủ nhân Ðiện Cẩm Linh, rằng ông có thể sẽ phải quyết định không ra tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, thì nhà nghiên cứu Anatol Lieven nhận định, biến cố nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của cá nhân ông đối với hệ thống chính trị do chính ông tạo ra: Nghĩa là các cộng sự của ông có thể phải cầu xin ông ở lại, vì sợ rằng nếu không có Putin, họ sẽ không thể dàn xếp hòa bình cho sự cạnh tranh giữa chính họ!


Vụ “Nổi Loạn” của Prigojine Phơi Bày Sự “Rữa Nát” của Nhà Nước Nga

(Trọng Thành)
-Vụ “nổi loạn” ngắn ngủi chống Mạc Tư Khoa của chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner, bùng lên rồi tắt ngấm ngay trong ngày thứ Bảy 24/6/2023, là chủ đề trang nhất của các nhật báo Pháp số ra đầu tuần. Báo Le Figaro nói đến “Cuộc nổi dậy làm rung chuyển quyền lực Putin”. Tựa chính của Libération: “Prigojine, kẻ phản bội Ðiện Cẩm Linh”, đã tung ra “một thách thức chưa từng thấy nhắm vào đồng minh Putin, khi đe dọa thẳng tiến Mạc Tư Khoa, trước khi rút lui bí ẩn”.

Ấn tượng nổi bật là vụ nổi loạn của Prigojine làm rung chuyển quyền lực của cựu sĩ quan KGB, người cai trị nước Nga hơn hai thập niên với bàn tay sắt cùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Trang nhất báo La Croix đăng hình binh lính Wagner trên một xe tăng trên nền trời đen kịt, cùng hàng tựa “Ngày mà Putin phải run rẩy”.

Putin Phải “Run Rẩy”

Cuộc “binh biến” của Wagner đã “gây bất ngờ cho Ðiện Cẩm Linh, gieo rắc nỗi bàng hoàng trong hệ thống quyền lực Nga”. Bài xã luận của nhật báo Công Giáo, nhan đề “Những rạn nứt ở Ðiện Cẩm Linh”, khẳng định lãnh đạo Nga phải đương đầu với “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất” trong 23 năm cầm quyền, khi bị chính “thuộc hạ thân tín thách thức”. Evgueni Prigojine là sản phẩm của Putin, cựu sĩ quan KGB, vốn “tin tưởng có thể duy trì quyền lực với việc trực tiếp điều hành hàng loạt thủ hạ và những tổ chức”, như kiểu công ty Wagner, nhưng rút cục “đã bị tay chân phản lại”. Và đây có thể chỉ là “cảnh báo đầu tiên”.

Bài xã luận nhan đề “Rung chuyển” của Libération cũng dự báo “kể từ cuộc nổi dậy của Prigojine, toàn thế giới đã đi đến kết luận Putin không còn kiểm soát được tình hình. Các diễn biến kiểu như ngày 24/6 có thể sẽ tái diễn. Các băng đảng, phe nhóm hay các lực lượng vũ trang tư nhân…. Trong số những thế lực thù địch trong nước này, sắp tới kẻ nào sẽ thẳng tiến về Mạc Tư Khoa?”

Không Phải Là “Người Hùng”

Đối với báo Le Figaro, cho đến hiện tại, với việc lãnh đạo tối cao Nga tỏ ra “khoan dung”, nhân nhượng bất ngờ với kẻ bị gọi là “phản quốc” chỉ ít giờ trước, “người hùng của nước Nga đã hoàn toàn không phải là con người như mọi người vẫn tưởng”. Putin đã phải “run rẩy”. Đây là điều diễn ra ngay trước mắt bàn dân thiên hạ.

Bài xã luận của báo Le Figaro, nhan đề “Prigojine, người tiết lộ” nhấn mạnh: “những diễn biến không thể tin nổi” mà nước Nga cho thấy trong ngày thứ Bảy (24/6) vừa qua chỉ là “phần hiển lộ của một tình trạng bất ổn sâu hơn nhiều. Khi chà đạp lên các định chế của đất nước từ hai thập niên qua, chính Putin đã mở màn cho tiến trình phân rã của Nhà nước Nga – cuộc chiến tranh tại Ukraine chỉ khiến quá trình thối rữa này thêm tăng tốc”.

“Tuyên Chiến” Với Putin hay “Mặc Cả” Với Putin?

Đằng sau ấn tượng ban đầu về quyền lực Putin bị lung lay sau vụ “binh biến” chưa từng có này, những diễn biến bất ngờ ngày 24/6 tại Nga cũng khiến báo chí Pháp đặt nhiều câu hỏi. Hiện tại, theo báo Libération, chưa có lời đáp cho những vấn đề như: Ông chủ Wagner đã đạt được điều gì để chấp nhận sự “thất bại nhục nhã” này, khi buộc phải lưu vong tại Belarus, với nguy cơ bị ám sát đè nặng? Tại sao ông ta rời khỏi thành phố Rostov trên sông Đông với nụ cười trên môi?

Với báo Le Figaro, vụ rút lui của Prigojine ngược lại hoàn toàn không phải là “đầu hàng”, mà đã có một thỏa hiệp, với nhiều bồi hoàn có lợi. Và bí ẩn lớn bao trùm lên vụ nổi dậy vẫn là vai trò của các lực lượng quân đội, được coi là các đồng minh của Prigojine, và vì sao Tổng thống Nga không có phản ứng sớm hơn, khi có thể đã biết trước thông tin về vụ “nổi dậy” trước đó 24 giờ?

Prigojine, “Kẻ Lên Án” Cuộc Chiến của Putin

Một bí ẩn lớn khác liên quan đến quan hệ Prigojine-Putin, được báo Le Monde nêu bật trong bài xã luận “Lột mặt nạ nước Nga của Putin”. Không chỉ đe dọa quyền lực của chủ nhân Ðiện Cẩm Linh với cuộc tiến quân về Mạc Tư Khoa, chủ nhân công ty Wagner còn bác bỏ thẳng thừng luận điệu tuyên truyền của Tổng thống Nga về “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, được Mạc Tư Khoa coi là chính nghĩa.

Bài xã luận của báo Le Monde thuật lại quan điểm của Prigojine, được nhắc đi nhắc lại trong buổi sáng ngày thứ Bảy (24/6), cùng lúc với thời điểm đoàn xe của Wagner tiến về thủ đô Nga. Lãnh đạo Wagner lên án cuộc chiến khiến hàng chục ngàn sinh mạng của hai bên bị cướp đi này, “hoàn toàn không phải vì lợi ích quốc gia, mà chỉ phục vụ cho những kẻ hưởng lợi nhờ chiến tranh”. Mục tiêu tấn công của Prigojine không chỉ là giới thân cận đang bị coi là “ru ngủ Tổng thống Nga”, mà còn nhắm thẳng vào chính chủ nhân Ðiện Cẩm Linh.

Nhà Nước của Băng Đảng: Nước Nga Putin Lộ Nguyên Hình

Thực chất của nước Nga của Putin đã hiện nguyên hình với cuộc xâm lăng Ukraine. Vầng hào quang về sức mạnh quân sự Nga trước ngày 24/2/2022, giờ không còn nữa. Và giờ đây, cuộc “binh biến” nửa chừng của Prigojine cho thấy nước Nga chỉ còn là nơi cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các băng đảng, phe phái, mà tất cả dường như đều khẳng định trung thành với lãnh đạo tối cao.

Phần kết của bài “Lột mặt nạ nước Nga của Putin” của Le Monde lo ngại trước nguy cơ “nước Nga ngày càng lún sâu hơn nữa trong quá trình phân rã đầy bất trắc này”. Báo Le Monde cảnh báo: Một nước Nga lâm vào tình trạng như vậy chắc chắn cũng sẽ không có lợi cho các quốc gia vốn có lập trường gần gũi với Nga, bất chấp các tội ác của quân đội Nga tại Ukraine, “trước hết là Trung Quốc”.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành chủ đề chính cho biến cố Wagner tại Nga. Với báo Les Echos, hiển nhiên đây là một dấu hiệu cho thấy “Chế độ Putin chao đảo”, nhưng “bí ẩn vẫn bao trùm hoàn toàn vụ động binh của Prigojine”. Đối với chuyên gia trung tâm Carnegie, ông Andrei Kolesnikov, được coi là “một trong những nhà chính trị học độc lập cuối cùng” còn trụ lại ở Nga, rất khó nói ai có lợi trong biến cố kỳ lạ này: “Prigojine biết sẽ không được gì, còn Putin không cần đến cuộc khủng hoảng này, trong bối cảnh ông ta từ nhiều tuần này đã tìm cách trấn an dân chúng”.

Vụ Binh Biến Wagner: Kẻ Hưởng Lợi Lớn Nhất Là Ai?

“Cuộc binh biến có mầu sắc đảo chính” của Prigojine rõ ràng cho thấy tình hình hoàn toàn không có gì bình thường. Thông tín viên của báo Les Echos tại Mạc Tư Khoa, Benjamin Quénelle, đã thu thập tiếng nói của nhiều người dân thủ đô nước Nga. Nhiều giả thiết “khó tin nhất” được đặt ra. Một doanh nhân tại Mạc Tư Khoa cho rằng “kẻ được hưởng lợi duy nhất có thể là thủ lĩnh một thế lực trong hậu trường, vừa có mục tiêu loại Prigojine ra khỏi cuộc chơi, vừa giảm uy tín của Putin”.

Ngoài Giáo hội Chính Thống giáo Nga và một số nhân vật trong Quốc hội Nga, không có bất cứ một tên tuổi nào trong chính giới Nga lên tiếng trong thời gian diễn ra cuộc binh biến. Một số người cho rằng, cuộc binh biến có thể dẫn đến thay đổi nhanh hơn về nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga, theo đòi hỏi của chủ nhân Wagner. Việc lực lượng của Wagner di chuyển dễ dàng về Mạc Tư Khoa, rất ít gặp cản trở từ các lực lượng an ninh địa phương dẫn đến nghi ngờ có sự đồng lõa, hoặc ít nhất cũng nhắm mắt làm ngơ. Theo báo Les Echos, đa số quân nhân Nga ủng hộ chiến tranh tại Ukraine, nhưng có thể phần nào ủng hộ các chỉ trích của Prigojine nhắm vào quân đội và tầng lớp chỉ huy tham nhũng.

Với báo Les Echos, rõ ràng vụ binh biến cho thấy “những điểm yếu của chế độ Putin”. Số lượng người công khai ủng hộ Tổng thống Nga trong bộ máy dường như không nhiều. Theo dõi phản ứng của dân Nga trên các mạng xã hội, ít bị kiểm soát chặt, như Telegram, có thể thấy đông đảo dân Nga coi cuộc nổi loạn của Prigojine như một điều “không quá lạ lùng”.

Càng Yếu, Putin Càng Nguy Hiểm

Cũng báo Les Echos có một phân tích đáng chú ý khác của Dominique Moissi, với tiêu đề: “Putin đang trở nên nguy hiểm hơn, bởi vì suy yếu hơn”. Trong bài viết này, nhà chính trị học Pháp nhấn mạnh hai điều. Thứ nhất là vụ “binh biến” mang lại một ví dụ hùng hồn, phản bác lại luận điệu của các lãnh đạo Nga và Trung Quốc từ nhiều năm nay, về các nền Dân chủ tự do già cỗi phương Tây đang hụt hơi, và tương lai sẽ thuộc về các chế độ độc tài, và bởi vì “độc tài nên hiệu quả hơn”.

Biến cố nói trên cho thấy mô hình độc tài đang suy yếu. Tổng thống Nga sử dụng các lực lượng lính đánh thuê như Wagner để gây bất ổn tại Phi Châu, Trung Đông, cũng như kiểm soát các thủ lĩnh quân đội Nga. Nhưng giờ đây gậy ông đập lưng ông. Kẻ chủ trương chính sách “chia để trị” đang gánh lấy các hệ quả của phương cách hành xử, và những tính toán của chính chủ nhân Ðiện Cẩm Linh.

“Con Thú Bị Thương” và Hệ Thống Vũ Khí Nguyên Tử

Tuy nhiên, sự suy yếu của Putin không hẳn là một tin tốt lành. Nhà chính trị học Dominique Moissi cảnh báo: “Không gì nguy hiểm hơn một con thú bị thương, nhất là khi đối tượng sở hữu cả một hệ thống vũ khí nguyên tử hùng mạnh”. Ông ghi nhận cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga đã vén lộ thực chất của nước Nga Putin, và đang thúc lịch sử tăng tốc. Nhưng vấn đề là đi theo hướng nào? Hiện còn quá sớm để trả lời.

Wasinghton lo ngại về nguy cơ Nga mất khả năng kiểm soát hệ thống vũ khí nguyên tử là chủ đề một bài viết của báo Le Figaro. Theo cựu thành viên Ủy ban đối ngoại Hạ viện Adam Kinzinger, Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc đang xem xét “mọi kịch bản tồi tệ nhất”, trong trường hợp Nga rơi vào nội chiến, hoặc hỗn loạn do chính quyền sụp đổ.


NATO: Cuộc Binh Biến Cho Thấy ‘Sai Lầm Chiến Lược Lớn’ của Mạc Tư Khoa Khi Tấn Công Kyiv


(Hình: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.)

-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm thứ Hai (26/6/2023), Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết cuộc binh biến bị hủy bỏ bởi nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga vào cuối tuần đã cho thấy quy mô sai lầm chiến lược của Ðiện Cẩm Linh khi tiến hành chiến tranh với Ukraine.

Nga đã tìm cách khôi phục lại sự yên bình hôm 26/6 sau khi các chiến binh Wagner dừng cuộc tiến công nhanh chóng vào Mạc Tư Khoa, rút khỏi thành phố Rostov họ chiếm giữ ở miền Nam Nga và quay trở lại căn cứ của họ vào cuối ngày thứ Bảy (24/6) theo một thỏa thuận bảo đảm an toàn cho họ.

Ðiện Cẩm Linh cho biết, chỉ huy của họ, ông Yevgeny Prigozhin, sẽ chuyển đến Belarus theo thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian.

“Các sự kiện cuối tuần qua là vấn đề nội bộ của Nga, và là một minh chứng khác cho sai lầm chiến lược lớn mà Tổng thống (Vladimir) Putin đã mắc phải với việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp và cuộc chiến chống Ukraine”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong chuyến thăm thủ đô Vilnius của Lithuania.

Các sự kiện bất thường và khó hiểu vào cuối tuần đã khiến các chính phủ phương Tây phải mò mẫm tìm câu trả lời cho những gì có thể xảy ra tiếp theo ở quốc gia có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới - và cuộc chiến của nước này với Ukraine.

Ông Stoltenberg cho biết NATO đang theo dõi tình hình ở Belarus và một lần nữa lên án việc Mạc Tư Khoa tuyên bố khai triển vũ khí nguyên tử ở đó.

“Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí nguyên tử nhưng NATO vẫn cảnh giác”, ông nói và cho biết thêm khả năng răn đe của NATO đủ mạnh để giữ an toàn cho người dân trong một “thế giới nguy hiểm hơn”.

Đồng thời, ông Stoltenberg bảo đảm với Kyiv về sự hỗ trợ tiếp tục của NATO.

“Nếu Nga nghĩ rằng họ có thể đe dọa chúng tôi vì ủng hộ Ukraine, thì họ sẽ thất bại”, ông nói. “Chúng tôi sát cánh cùng Ukraine lâu dài”.

Ông Stoltenberg đến Lithuania để tham dự một cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng tăng cường nhanh chóng của nhóm chiến đấu NATO do Đức dẫn đầu ở nước này với quy mô của một lữ đoàn, một đơn vị quân đội bao gồm tới 5.000 quân, một kịch bản sẽ được ban hành trong trường hợp căng thẳng gia tăng hoặc một cuộc xung đột với Nga.

Ông mô tả cuộc tập trận này là thông điệp rõ ràng rằng NATO sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của đồng minh.


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Xuất Hiện Trên Truyền Hình Sau Cuộc Nổi Dậy của Wagner


(Hình: Truyền hình nhà nước Nga hôm thứ Hai (26/6) chiếu hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đến thăm quân đội,)

-Theo VOA News, hôm thứ Hai (26/6/2023), truyền hình nhà nước Nga chiếu hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đến thăm quân đội trong lần xuất hiện công khai đầu tiên kể từ cuộc nổi dậy ngắn ngủi của thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin và lực lượng của ông ta.

Bản tin không nêu rõ ông Shoigu đã gặp các binh sĩ và chỉ huy được xác định tham gia cuộc xâm lược Ukraine của Nga khi nào hoặc ở đâu.

Hôm Chủ Nhật (25/6), Hoa Kỳ cho biết rằng cuộc nổi dậy của Prigozhin chống lại giới lãnh đạo quân sự của Nga cho thấy “những rạn nứt rất nghiêm trọng” trong hai thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin và “đặt nghi vấn về tiền đề” của cuộc chiến kéo dài 16 tháng của ông chống lại Ukraine.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với chương trình “This Week” của đài ABC, rằng cuộc chiến này “là một thất bại chiến lược tàn khốc đối với ông Putin trên hầu hết mọi mặt trận - kinh tế, quân sự, địa chính trị”.

“Chúng tôi thấy các vết nứt đang nổi lên”, ông Blinken nói về cuộc biểu tình của ông Prigozhin nhắm vào ông Putin. “Họ đi đâu - nếu có - khi nào họ đến đó, rất khó nói. Tôi không muốn suy đoán về điều đó. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta đã xem xong màn cuối cùng”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết hậu quả của việc Tập đoàn Wagner của ông Prigozhin tiến vào Mạc Tư Khoa hôm thứ Bảy (24/6) trước khi đột ngột rút lui ngay trước khi đến thủ đô Nga “vẫn chưa có hồi kết” với kết quả không chắc chắn.

Ông Putin gọi ông Prigozhin, một đồng minh lâu năm có quân đội đã chiến đấu bên cạnh các lực lượng Nga ở Ukraine, là kẻ phản bội vì đã chống lại chế độ độc tài của ông. Sau đó, nhà lãnh đạo Nga cho biết ông Prigozhin sẽ không bị truy tố và cho phép ông đến nước láng giềng Belarus, một đồng minh của Nga, theo thỏa thuận do nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đàm phán.

Nga cho biết những lính đánh thuê của ông Prigozhin không tham gia cuộc nổi dậy trong thời gian ngắn sẽ được phép ký hợp đồng chiến đấu với quân đội Nga ở Ukraine, nhưng ông Blinken cho biết không rõ điều gì sẽ xảy ra với những lính đánh thuê theo ông Prigozhin vào Nga và hướng về Mạc Tư Khoa trước khi ông Prigozhin ra lệnh hoãn binh.

“Câu trả lời ngắn gọn là chúng tôi không biết”, ông Blinken nói.

Khi được hỏi điều gì xảy ra với ông Prigozhin ở Belarus, ngoài việc được ân xá, ông Blinken thừa nhận: “Đơn giản là chúng tôi không biết”.

Ông Blinken cho biết tình trạng hỗn loạn do cuộc biểu tình Prigozhin tạo ra ở Nga “có thể giúp ích cho người Ukraine trên mặt trận”.

Nhưng ông David Petraeus, một tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), nói với chương trình “State of the Union” của đài CNN rằng “thật không may, nó không có tác động đáng kể đến tiền tuyến”. Nhưng ông cũng nói rằng cuộc biểu tình Prigozhin khiến ông Putin “dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trong hai thập kỷ qua”.

Khi được hỏi liệu có bất kỳ sự thay đổi nhân sự nào trong Bộ Quốc phòng Nga như một phần của thỏa thuận hay không, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Những vấn đề này là đặc quyền duy nhất và thuộc thẩm quyền của Tổng tư lệnh tối cao [Putin] theo với Hiến pháp của Liên bang Nga. Do đó, những chủ đề này khó có thể được thảo luận trong quá trình tiếp xúc nêu trên”.

Phát ngôn viên của Nga không tiết lộ liệu có bất kỳ nhượng bộ nào được đưa ra để thuyết phục ông Prigozhin rút toàn bộ lực lượng của mình hay không, ngoài những bảo đảm cho sự an toàn của ông ta - điều mà ông ta nói rằng Putin đã cam kết - và vì sự an toàn của người của ông Prigozhin.

Trước đó, hôm 24/6, ông Prigozhin và các chiến binh của ông đã tiến vào phạm vi cách Mạc Tư Khoa khoảng 200 cây số, nhưng sau đó ông ra lệnh cho người của mình dừng bước tiến, quay đầu đoàn xe và trở về căn cứ của họ ở Ukraine để tránh đổ máu.


Liên Hiệp Âu Châu Lo Ngại Nguy Cơ Lực Lượng Wagner Từ Belarus Đánh Vào Ukraine

(Trọng Nghĩa)
-Vào hôm 26/6/2023, Ngoại trưởng 27 nước Liên Hiệp Âu Châu họp lại tại Lục Xâm Bảo trong khuôn khổ một cuộc họp hàng tháng. Dù cuộc “xâm lược Ukraine của Nga” đã có trong chương trình nghị sự, nhưng sau vụ nổi loạn bất thành của lực lượng Wagner cuối tuần qua, tình hình nội bộ Nga đã nổi lên thành mối quan tâm hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, trong đó có mối lo về khả năng Wagner từ Belarus tấn công vào Ukraine.

Phát biểu tại hội nghị vào sáng 26/6, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu Josep Borell cho rằng cuộc nổi loạn bất thành của lực lượng Wagner tại Nga cho thấy là cuộc xâm lược Ukraine đã gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, ông Borell cảnh báo rằng tình hình bất ổn tại một cường quốc nguyên tử như Nga “không phải là điều tốt”.

Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Brussels, các rối loạn tại Nga đã khiến các nước Âu Châu bị bất ngờ, do đó các Ngoại trưởng cần cấp tốc thảo luận để xác định lập trường thống nhất của Liên Hiệp Âu Châu:

“Các Ngoại trưởng sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, và dự kiến sẽ phê duyệt thêm 3,5 triệu Euro trợ giúp, thế nhưng cuộc tranh luận hiện đang tập trung vào Nga.

Ngay từ hôm qua, một số Ngoại trưởng đã lên tiếng, trong đó có Ngoại trưởng Ý Ðại Lợi Antonio Tajani, thể hiện quan điểm chung khi khẳng định rằng cuộc nổi loạn bất thành của Yevgeny Prigojine phản ánh một sự leo thang xung đột nội bộ đang chia rẽ giới quân sự Nga.

Liên Hiệp Âu Châu đã coi đó là thêm một lý do để duy trì sự thống nhất trong khối, nhưng ngoài ra, hậu quả của tình hình nội bộ Nga đang khiến họ lo lắng.

Tất nhiên, mối lo đầu tiên, như Thủ tướng Áo đã nêu bật cách nay hai hôm, là tình hình bất ổn chính trị tại Nga có nguy cơ khiến cho các kho vũ khí nguyên tử, sinh học và hóa học của nước này rơi vào tay một kẻ còn tệ hại hơn Vladimir Putin.

Nhưng chính Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda mới là người tổng hợp tốt nhất những lo ngại của Liên Hiệp Âu Châu. Theo ông, đối mặt với sự xuất hiện của lực lượng lính đánh thuê Nga Wagner ở Belarus, Liên Hiệp Âu Châu cần phải tăng cường phòng thủ. Một số người cho rằng Wagner có thể từ lãnh thổ Belarus tấn công vào Ukraine”.

Sự rạn nứt hệ thống quyền lực tại Nga đã được hầu hết các lãnh đạo phương Tây nêu bật.

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vụ nổi loạn của Wagner cho thấy tình trạng “chia rẽ bên phía Nga” và “sự mong manh của cả quân đội Nga lẫn các lực lượng phụ trợ cho họ”.

Về phần Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng ghi nhận cuộc khủng hoảng ở Nga đã “bộc lộ những rạn nứt thực sự” ở cấp cao nhất của nhà nước Nga. Theo ông: “Chỉ riêng việc có một người nào đó ngay bên trong guồng máy thách thức quyền lực của Putin và trực tiếp đặt nghi vấn về lý do ông ấy phát động cuộc xâm lược Ukraine, đã là một điều gì đó rất mạnh mẽ”.

Riêng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 26/6 nhận định rằng vụ Wagner nổi loạn ở Nga chứng tỏ ông Putin đã phạm một “sai lầm chiến lược lớn” khi “sáp nhập vùng Crimea một cách phi pháp và tiến hành cuộc chiến chống Ukraine”.

Về phía các đồng minh của Nga, đáng chú ý là phản ứng của Bắc Kinh. Theo hãng tin Anh Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/6 đã khẳng định ủng hộ Nga trong việc duy trì sự ổn định quốc gia, và xem các diễn biến mới đây là “công việc nội bộ” của Nga.


Nhìn Người Mà Gẫm Đến Ta! Có Bao Nhiêu “Wagner Group” và “Prigozhin” ở Việt Nam?
(Đồng Phụng Việt)


(Hình: Người đứng đầu Nhóm Wagner - ông Yevgeny Prigozhin.)

-Nhiều chuyện khó tin đã xảy ra:

Prigozhin dẫn quân về Mạc Tư Khoa để... vấn tội lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga “đâm sau lưng” Wagner Group. Chỉ trong vòng hơn một ngày, dưới sự chỉ huy của Prigozhin, đội quân của Wagner Group hành tiến về thủ đô Liên bang Nga như đến chỗ không người, không gặp bất kỳ sự kháng cự nào cho dù lãnh đạo Liên bang Nga từ Putin trở xuống xác định vụ nổi loạn đó là “đâm sau lưng” quốc gia và hoạt động nổi loạn, rõ ràng là phản bội này phải bị trừng trị thích đáng...

Wagner Group chỉ ngừng lại khi cách Mạc Tư Khoa chừng 200 cây số vì ông Lukashenko (Tổng thống Belarus) cam kết sẽ để Wagner Group trú đóng trên lãnh thổ Belarus, đồng thời thay mặt ông Putin cam kết, chính quyền Liên bang Nga sẽ xem hoạt động phản quốc gây rúng động cả Nga lẫn cộng đồng quốc tế ấy như... không có nên không... truy cứu trách nhiệm! Theo giới hữu trách Nga, sở dĩ chính quyền chọn giải pháp đó vì... “muốn tránh đổ máu và đối đầu nội bộ mà không thể dự đoán được kết quả”

***
Prigozhin (tên đầy đủ là Yevgeny Viktorovich Prigozhin), 62 tuổi từng có hai lần bị truy cứu trách nhiệm hình sự (lần đầu năm 18 tuổi – bị bắt quả tang đang ăn cắp nhưng được tòa án cho hưởng án treo, lần thứ 2 năm 20 tuổi – bị phạt 12 năm tù vì nhiều tội, bao gồm trộm cắp, cướp giật, lừa đảo và lôi kéo trẻ vị thành niên phạm tội). Sau khi ra tù Prigozhin mở tiệm tạp hóa rồi tham gia sáng lập, điều hành một chuỗi tiệm tạp hóa, kế đó là chuỗi sòng bạc, chuỗi nhà hàng....

Đầu thập niên 2000, Prigozhin liên tục thắng các gói thầu cung cấp bữa ăn cho hệ thống công quyền, hệ thống trường học, sau đó là cho quân đội (riêng gói thầu cung cấp các bữa ăn cho quân đội đã xấp xỉ 1,2 tỉ Mỹ kim/năm)... Thiên hạ tin rằng Prigozhin thành công trên thương trường là nhờ sự hỗ trợ của Putin, còn Putin chưa bao giờ phủ nhận Prigozhin là trợ thủ đắc lực của mình. Tháng 9 năm 2022 (2022), Prigozhin chính thức thừa nhận ông ta là một trong những người sáng lập Warner Group.

Tuy là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quân sự tư nhân nhưng Wagner Group được Bộ Quốc phòng Nga cung cấp vũ khí, trang bị, thiết bị quân sự, có lực lượng Pháo binh, thiết giáp riêng. Doanh nghiệp này còn có quyền sử dụng các căn cứ quân sự của Bộ Quốc phòng Nga để huấn luyện “nhân viên”. Wagner Group thu hút sự chú ý của thiên hạ khi xâm nhập Ukraine, giúp sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, hỗ trợ các nhóm thân Nga thành lập các “Cộng hòa Nhân dân” ở Donbass (2014), Luhansk (2015).

Sau đó, Wagner Group bắt đầu ký “hợp đồng”, gửi “nhân viên” tham dự các cuộc xung đột ở một số nơi khác trên thế giới (Syria, Libya, Trung Phi, Mali,...). Vì vậy, “nhân viên” của Wagner Group được xem là “lính đánh thuê”. Đội quân đánh thuê này thường chiến đấu cho những nhóm có quan hệ hữu hảo với chính quyền Nga. Đó cũng là lý do khiến thiên hạ tin rằng, Wagner Group là một đội quân khác của chính quyền Nga, được thành lập để tránh những rắc rối khi Nga muốn can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ Nga.

Ngoài các cựu quân nhân của quân đội Nga, Warner Group còn tuyển dụng cựu quân nhân của một số quốc gia từng thuộc Liên Xô như Armenia, Kazakhstan, Moldova và một số quốc gia từng là thành viến khối Cộng sản ở Đông Âu như Serbia,.... Sau khi Putin ra lệnh tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine (tháng 2/2022), Warner Group trở thành lực lượng xung kích và chính quyền Nga cho phép Warner Group tuyển dụng tù nhân đồng thời hỗ trợ tuyển dụng bằng cam kết ân xá cho những tù nhân này,....
***

Một trong những lý do khiến Liên bang Nga trở thành nổi tiếng là chính quyền bị các băng nhóm chi phối, lũng đoạn đến tận gốc và Wagner Group chính là ví dụ. Không có Putin sẽ không có Prigozhin – tuy chỉ là người điều hành một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ quân sự tư nhân nhưng có thể thoải mái nhục mạ giới lãnh đạo quân đội Nga mà không hề hấn gì. Không có chính quyền Liên bang Nga rệu rã, bạc nhược như đã biết, không thể có Wagner Group như đang thấy.

Tuy còn rất nhiều yếu tố chưa thể xác định trong sự kiện Prigozhin “hưng binh vấn tội” giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga song nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là mâu thuẫn về lợi ích cá nhân, lợi ích băng nhóm. Khi lợi ích cá nhân, lợi ích băng nhóm bị đe dọa, các mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng thuần túy là lợi ích sẽ bị phá bỏ. Bởi mâu thuẫn này không phát xuất từ lợi ích chung nên cả quân nhân Nga lẫn dân chúng Nga dường như không bận tâm, không muốn làm gì cả.

Cứ ngẫm nghĩ kỹ ắt sẽ nhận ra chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chẳng khác mấy so với chính quyền Liên bang Nga. Việc quản trị-điều hành quốc gia đã cũng như đang bị các băng nhóm chi phối ở tất cả các lĩnh vực. Vì sao “quốc pháp” và “gia quy” (điều lệ Đảng CSVN) lại công khai... “sánh duyên” với những cá nhân dám “chọc trời, khuấy nước” làm được những chuyện không ai từng tưởng rằng có thể và không ít cá nhân đột nhiên trở thành giàu có đến mức “nứt đố, đổ vách”?

Putin và Prigozhin từng xuất hiện như những cá nhân hết lòng vì một Liên bang Nga hùng cường, vì một dân tộc Nga ấm no, hạnh phúc, giờ - khi lợi ích xung đột với nhau - thì sao? Đại dịch COVID-19 từng chỉ ra, ngay cả khi quốc gia, dân tộc ngả nghiêng trong thảm họa thì điều duy nhất mà đa số viên chức hữu trách của tất cả các ngành, các cấp trong chính quyền Việt Nam nghĩ tới là biến “nguy” thành “cơ” – cơ hội để trục lợi, cũng vì thế mới có những scandal “giải cứu” hay “Việt Á”.

Có những dấu hiệu cho thấy, có rất nhiều “Warner Group” và “Prigozhin” ở Việt Nam. Nếu các băng nhóm và các thủ lĩnh chưa giẫm đạp lên lợi ích của nhau thì sai trái trầm trọng thế nào cũng vẫn có thể tự tung, tự tác. Nếu điều này sai thì làm gì có một gian thương như Phạm Bá Hiền – sau khi bị khởi tố vì “gian lận thương mại”, không những có thể thoát án tù mà còn trở thành sĩ quan quân đội, được bổ nhiệm làm Tư lệnh một binh đoàn, được phong tướng và bất chấp dư luận ra sao thì đương sự cũng như băng nhóm hậu thuẫn cho ông ta vẫn bình an vô sự?

Nếu điều này sai thì làm gì có chuyện hệ thống Tư pháp ở Long An càn rỡ tới mức dám ngụy tạo “vụ án Thiền Am” và bất chấp các quy định pháp luật, ra lệnh “truy tìm” ba Luật sư bào chữa cho các nạn nhân vì họ dám lên tiếng tố cáo,... mà từ trên xuống dưới, từ trái sang phải vẫn lờ đi, xem sự càn rỡ ấy nằm ngoài phạm vi trách nhiệm, cuối cùng cả ba phải chạy ra ngoại quốc lánh nạn và vì vậy “tự do, dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam lại trở thành chủ đề nóng trong sinh hoạt của cộng đồng quốc tế?...

Làm sao có thể xem “phòng chống tham nhũng, tiêu cực” là thực tâm, “chỉnh đốn” là thực chất khi chỉ xới lại chuyện cũ mà làm ngơ chuyện vừa xảy ra, khi giải quyết sai phạm thì không truy đến cùng, không buộc những cá nhân về nguyên tắc phải chịu trách nhiệm liên đới vì đứng đầu, vì lựa chọn-bổ nhiệm những cá nhân sai phạm, phải lãnh nhận hậu quả tương xứng? “Đốn” kiểu như thế có khác gì đang biểu diễn “chỉnh” mà “chỉnh” như thế làm sao khả thi?

Người Nga đang trả giá cho sự hờ hững với thời cuộc, mặc kệ các băng nhóm lũng đoạn quốc gia tới mức nào, bằng hiện tại thê thảm như đang thấy và bằng cả tương lai bế tắc, tăm tối. Hãy nhìn Liên bang Nga, nhìn giá mà các công dân Nga đang trả, kể cả việc phải trả bằng tính mạng của chính họ lẫn thân nhân của họ có lẽ sẽ tìm ra được câu trả lời cho thắc mắc, liệu người Việt muốn “an phận thủ thường” và cho dù có cắn răng chấp nhận những bất toàn, bất trắc trong hiện tại thì có thể mưu tìm bình an ở tương lai hay không?


Tin Quốc Tế Đó Đây

Bầu Cử Quốc Hội Hy Lạp: Cánh Hữu của Thủ Tướng Mãn Nhiệm Đại Thắng

-Đúng như dự đoán, đảng bảo thủ cánh hữu Nea Demokratia của Thủ tướng mãn nhiệm Kyriakos Mitsotakis tại Hy Lạp đã thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 25/6/2023, với khoảng 40% phiếu bầu.

Nhờ thay đổi trong luật bầu cử so với lần bỏ phiếu đầu tiên vào cuối tháng 5/2023, đảng bảo thủ lần này đã được hưởng thêm một số ghế trong Quốc hội, chiếm đa số tuyệt đối với hơn 150 trong tổng số 300 ghế Dân biểu, và nhờ đó, sẽ điều hành được đất nước một cách tự do hơn. Thông tín viên RFI Joel Bronner tường trình từ Athens:

“Say sưa với chiến thắng rất lớn của mình, bảo đảm đa số tuyệt đối cho đảng bảo thủ Nea Demokratia mà ông lãnh đạo, Thủ tướng mãn nhiệm Kyriakos Mitsotakis đã tươi cười rạng rỡ trước các ống kính, trước khi đến hòa mình trong giây lát với những người ủng hộ ông, cầm cờ và tù -và trong tay.

Ông tuyên bố: “Lần thứ hai sau vài tuần, cử tri không chỉ gửi đi thông điệp đòi hỏi sự liên tục mà còn ủy thác một quyền hạn mạnh mẽ để tiến nhanh hơn trên con đường thay đổi lớn mà đất nước chúng ta đang cần”.

Khác xa bầu không khí phấn khởi cuồng nhiệt đó, đối thủ của ông là cựu Thủ tướng Alexis Tsipras, vẻ mặt sầm hẳn xuống, đã tuyên bố trong một bầu không khí ảm đạm: “Kết quả bầu cử rõ ràng là xấu đối với chúng ta. Chúng ta đã phải chịu một thất bại bầu cử nghiêm trọng. Tuy nhiên, tôi tin rằng kết quả của cuộc bầu cử thậm chí còn mang tính tiêu cực hơn cho xã hội và nền Dân chủ”.

Cựu Thủ tướng cánh tả lưu ý là bên cạnh chiến thắng của cánh hữu, còn có ba đảng cực hữu có Dân biểu được bầu vào Quốc hội mới của Hy Lạp. Bị chỉ trích về thất bại, người đứng đầu đảng Syriza khẳng định sẽ sớm chấp nhận phán quyết của các đảng viên của ông”.


Chuyến Thị Sát Marseille của Tổng Thống Pháp

-Chuyến đi 3 ngày của Tổng thống Emmanuel Macron đến Marseille, thành phố lớn thứ hai của nước Pháp, là chủ đề trang nhất của một số báo hôm 26/6/2023.

Theo báo Le Figaro, chuyến đi có mục tiêu chính là nhằm kiểm tra việc thực thi kế hoạch “Marseille en grand”, với một mục tiêu chấn chỉnh các dịch vụ công của Marseille, được khởi động từ năm 2021, với đầu tư 5 tỉ Euro. Điều khiến nhật báo thiên hữu lo ngại là các bất đồng lớn giữa Tổng thống và lãnh đạo địa phương thuộc cánh tả, thị trưởng Benoit Payan.

Chuyến đi của Tổng thống Macron đến Marseille cũng là một chủ đề trang nhất của nhật báo thiên tả Libération. Theo Libération, 2 năm sau khi khởi động kế hoạch “nhằm thay đổi đời sống hàng ngày của người dân Marseille”, trong chuyến đi trở lại thành phố cảng, Tổng thống Macron phải đối mặt với việc thực thi các cam kết trong hàng loạt lĩnh vực, từ giáo dục, an ninh, y tế đến văn hóa. Nhật báo thiên tả châm biếm chuyến đi của Tổng thống Macron, với nhận xét, nhân dịp này, Tổng thống Pháp sẽ phải đưa ra hàng loạt phát biểu tự ca ngợi mình. Trong số báo này, Libération có bài “Tại khu đô thị Bassens, không có gì thay đổi, thậm chí còn tệ hơn”.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng chú ý đến chuyến đi Marseille của Tổng thống, và coi đây là một trắc nghiệm trước khi kết thúc giai đoạn 100 ngày hòa giải với dân Pháp, được ông Macron vạch ra nhằm khép lại giai đoạn khủng hoảng cải tổ hưu trí, bùng lên từ đầu năm nay. Báo Les Echos ghi nhận thời gian ba ngày là chưa từng có trong một chuyến công cán của Tổng thống ở trong nước. Trong cuộc tái tranh cử Tổng thống, ông Macron đã có cuộc mít tinh lớn duy nhất giữa hai vòng, diễn ra tại Marseille.

Marseille được Tổng thống Macron coi như cánh cửa đến với trái tim người dân Pháp trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, tương tự như Lyon, trong nhiệm kỳ đầu tiên. Theo báo Les Echos, cho dù có nhiều chậm trễ, đa số các dự án của kế hoạch chấn hưng Marseille đã bắt đầu được thực hiện, như thông báo của phủ Tổng thống. Dự án chấn hưng giáo dục, với tổng số 188 trường học xây dựng lại hay đổi mới trên tổng số 470 trường, đã khởi sự với 19 trường, chủ yếu tại các khu vực dân cư nghèo nhất. Phủ Tổng thống thừa nhận đây là một chương trình khó khăn.


Cháy Rừng Tại Gia Nã Ðại: Khói Bắt Đầu Bay Đến Pháp

-Bùng mạnh lên từ tháng 5 vừa qua, các đám cháy rừng vẫn hoành hoành dữ dội tại Gia Nã Ðại. Theo số liệu của trung tâm theo dõi nạn cháy rừng Gia Nã Ðại, được hãng tin Pháp AFP ngày 25/6/2023 công bố, hiện quốc gia Bắc Mỹ này vẫn bị 470 đám cháy, trong đó có 244 đám đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tính chất nghiêm trọng của các vụ hỏa hoạn tại Gia Nã Ðại vừa được giới quan sát nêu bật khi dự báo là khói của các đám cháy tại Gia Nã Ðại đang vượt Đại Tây Dương để đến Âu Châu và có khả năng đến Pháp vào ngày hôm 26/6.

Theo ông Mark Parrington, Giám đốc khoa học tại cơ quan giám sát khí quyển Copernicus, khói của các đám cháy rừng tại Gia Nã Ðại có thể đến các vùng bờ biển Tây Âu ngay từ thứ Hai 26/6, ảnh hưởng đến hai nước Anh và Ái Nhĩ Lan cũng như “một phần” nước Pháp.

Còn theo kênh dự báo thời tiết La Chaîne Météo, một nguồn tin trên mạng cho biết thêm là khói từ các đám cháy lớn ở Gia Nã Ðại “sẽ bị gió tây thổi qua Đại Tây Dương và sẽ đến một phần nước Pháp trong tuần này”.

Thông tin từ kênh thời tiết Météo Média của Gia Nã Ðại cũng xác định rằng “những đám khói ở Gia Nã Ðại sẽ bay sang Âu Châu và làm tối bầu trời Ái Nhĩ Lan và Anh trong ngày Chủ Nhật 25 và thứ Hai 26/06”.

Tuy nhiên, kênh này đã trấn an, giải thích rằng “khói chủ yếu sẽ ở trên cao”, cho dù một phần “có thể rơi xuống gần mặt đất hơn và do đó ảnh hưởng đến chất lượng không khí”.

Tại Gia Nã Ðại, tình trạng ô nhiễm không khí vì khói từ các đám cháy càng lúc càng nặng nề hơn. Hôm 25/6, thành phố Montréal tỉnh Quebec trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới vì bị chìm trong đám khói của các vụ cháy rừng

Tỉnh Quebec, nơi có thành phố Montreal, hiện vẫn bị 81 vụ cháy rừng, trong đó có 27 vụ ngoài tầm kiểm soát.


Bắc Hàn Tổ Chức Mít-Tinh Lên Án Mỹ, Cảnh Báo Chiến Tranh Nguyên tử


-Thông tấn xã Reuters dẫn truyền thông nhà nước Bắc Hàn đưa tin hôm 26/6/2023 cho hay Bắc Hàn vừa tổ chức các cuộc mít tinh quy mô lớn ở Bình Nhưỡng, nơi mọi người hô vang các khẩu hiệu quyết sẽ tiến hành “cuộc chiến trả thù” để hủy diệt Hoa Kỳ, nhân dịp kỷ niệm 73 năm bùng nổ Chiến tranh Triều Tiên.

Khoảng 120.000 người lao động và sinh viên tham gia các cuộc biểu tình được tổ chức trên khắp thủ đô vào Chủ Nhật (25/6), hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin.

Những bức ảnh do truyền thông nhà nước công bố cho thấy một sân vận động chật kín người cầm những tấm bảng có nội dung “Toàn bộ lục địa Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn của chúng tôi” và “Đế quốc Hoa Kỳ là kẻ hủy diệt hòa bình”.

Lễ kỷ niệm hôm Chủ Nhật diễn ra trong bối cảnh lo ngại Bình Nhưỡng có thể sớm tiến hành một vụ phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên khác để tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ sau nỗ lực đầu tiên thất bại vào ngày 31/5.

KCNA cho biết Bắc Hàn hiện có “vũ khí tuyệt đối mạnh nhất để trừng phạt đế quốc Mỹ” và “những kẻ báo thù trên mảnh đất này đang hừng hực ý chí bất khuất để trả thù kẻ thù”.

Bắc Hàn đã thử nghiệm nhiều loại vũ khí khác nhau bao gồm phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của nước này, làm gia tăng căng thẳng với Nam Hàn và Hoa Kỳ, đồng minh chính của Nam Hàn.

Trong một báo cáo riêng của Bộ Ngoại giao, Bắc Hàn cho biết Mỹ đang “thực hiện những nỗ lực tuyệt vọng để kích động một cuộc chiến tranh nguyên tử”, cáo buộc Hoa Thịnh Ðốn gửi vũ khí chiến lược đến khu vực.


Các Viên Chức Hoa Kỳ Đồng Ý Rằng Ông Tập Cận Bình Là Một Nhà Độc Tài

 

(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21/6/2023.)

-Vài ngày trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhà độc tài và hôm Chủ Nhật (25/6/2023), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết ông đồng tình với nhận định này, VOA News đưa tin.

Ông Blinken, người gần đây đã gặp ông Tập và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác ở Bắc Kinh để thảo luận về mối quan hệ gây tranh cãi của đất nước với Hoa Kỳ, nói với chương trình “Face the Nation” của đài CBS: “Tổng thống luôn nói thẳng thắn; ông ấy nói trực tiếp. Ông ấy nói rõ ràng, và ông ấy nói thay cho tất cả chúng ta”.

Ông Biden gọi ông Tập là một nhà độc tài tại một buổi gây quỹ chính trị vào tuần trước và Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả, nói rằng nhận xét đó là “một sự khiêu khích chính trị trắng trợn”.

“Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng và phản đối mạnh mẽ”, bà Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ vào tuần trước. “Nhận xét của Hoa Kỳ là vô cùng vô lý và vô trách nhiệm”.

Nhận xét của ông Biden được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Blinken trở về từ Bắc Kinh, nơi ông và các viên chức Trung Quốc đã thảo luận về quan hệ thương mại, khí cầu do thám Trung Quốc bay qua Mỹ vào tháng 2 trước khi Biden ra lệnh bắn hạ nó, hành trình hàng hải qua eo biển Đài Loan và các vấn đề khác.

“Mục đích chính [của chuyến đi đó] là mang lại sự ổn định hơn cho mối quan hệ”, ông Blinken nói. “Chúng ta có nghĩa vụ và tôi nghĩ Trung Quốc có nghĩa vụ quản lý mối quan hệ đó một cách có trách nhiệm, để bảo đảm rằng những khác biệt sâu sắc mà chúng ta có không dẫn đến xung đột”.

“Nhưng một trong những điều mà tôi đã nói với những người đồng cấp Trung Quốc [của tôi] trong chuyến đi này là chúng tôi sẽ tiếp tục làm những việc và nói những điều mà các bạn không thích, cũng như chắc chắn rằng các bạn sẽ tiếp tục làm và nói những điều mà chúng tôi không thích”, ông Blinken nói với đài CBS.


Liên Hiệp Quốc Báo Động Nạn Sản Xuất Ma Túy Tổng Hợp Lan Rộng Trên Thế Giới

-Hôm Chủ Nhật (25/6/2023), Liên Hiệp Quốc cảnh báo việc sản xuất ma túy tổng hợp với “giá rẻ, nhanh chóng và dễ dàng” đã “làm biến đổi sâu sắc nhiều thị trường trên thế giới” và chỉ ra “những hậu quả thê thảm”.

Ghada Waly, Giám đốc điều hành của UNODC, Cơ quan có trụ sở tại thủ đô Vienna của Áo, lưu ý thế giới phải thúc đẩy cuộc chiến chống những kẻ buôn lậu lợi dụng xung đột và khủng hoảng toàn cầu để mở rộng sản xuất chất gây nghiện, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp.

Theo thông tấn xã AFP, trong thông cáo kèm theo báo cáo thường niên, Cơ quan của Liên Hiệp Quốc về Chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết Fentanyl, một loại ma túy tổng hợp mạnh gấp 50 lần heroin, “đã làm thay đổi hoàn toàn việc tiêu thụ chất gây nghiện ở Bắc Mỹ”. Trong năm 2021, đa phần các ca tử vong do dùng thuốc quá liều ở khu vực này là do ma túy tổng hợp fentanyl gây ra.

Cơ quan Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm cảnh báo việc sản xuất các chất ma túy tổng hợp có nguy cơ gia tăng. Chẳng hạn, ở A Phú Hãn, việc trồng cây thuốc phiện có thể sẽ giảm do lệnh cấm của chính quyền Taliban, dẫn đến khả năng chuyển sang sản xuất chất kích thích gây nghiện methamphetamine, loại ma túy tổng hợp được sản xuất bất hợp pháp nhiều nhất trên thế giới và hiện giờ đã được sản xuất rất nhiều ở A Phú Hãn.

UNODC cũng cảnh báo về hậu quả của nền kinh tế ma túy đối với môi trường. Ở lưu vực sông Amazon, việc trồng cây coca, mà hiện giờ “nguồn cung vẫn ở mức kỷ lục” và “các mạng lưới ngày càng khôn khéo” đang “làm nghiêm trọng thêm các hoạt động tội phạm”, như phá rừng bất hơp pháp và buôn bán động vật hoang dã.

Trên toàn thế giới, trong năm 2021 có hơn 296 triệu người đã sử dụng chất gây nghiện, tăng 23% so với 10 năm trước và cần sa (cannabis) cho đến nay vẫn là chất gây nghiện được sử dụng rộng rãi nhất. Đáng lo ngại hơn, số người mắc chứng rối loạn do sử dụng chất gây nghiện đã tăng 45% so với cùng kỳ, nhưng tỉ lệ người được chăm sóc y tế chỉ là 1/5.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan Đến Đà Nẵng


(Hình: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến Đà Nẵng sáng 25/6/2023.)

-Sáng 25/6/2023, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN-76) tiến vào khu vực cảng Đà Nẵng để bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong năm ngày.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Marc Knapper chia sẻ, “Chúng tôi rất vinh dự khi có cơ hội làm việc cùng các đối tác Việt Nam tại Đà Nẵng để đón hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm 5 (CSG 5). Chuyến thăm này đánh dấu một dịp đặc biệt khi hai nước chúng ta kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, thể hiện cam kết chung của hai nước hướng tới một tương lai thịnh vượng và an ninh”.

Thông cáo báo chí của Tòa Đại sứ Mỹ dẫn lời Chuẩn Đô đốc Patrick Hannifin, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm (CTF) 70/ Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm 5 (CSG5) cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi đến Việt Nam và trân trọng sự tiếp đón dành cho chúng tôi. Những chuyến thăm như thế này giúp thúc đẩy quan hệ đối tác và củng cố cam kết khi ứng phó với những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải”.

Chuyến thăm gần đây nhất của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến Việt Nam là của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN 71) vào năm 2020. Đây là chuyến thăm đầu tiên của hàng không mẫu hạm Ronald Reagan tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến cùng hai tàu hộ tống là tàu tuần dương mang phi đạn điều hướng USS Antietam (CG 54) và tàu USS Robert Smalls (CG 62).

Ngoài các hoạt động trao đổi văn hóa và chuyên môn, các dự án phục vụ cộng đồng, thi đấu thể thao và tiệc chiêu đãi, các thành viên của ban nhạc Hạm đội 7 Hoa Kỳ sẽ có các buổi biểu diễn miễn phí cho thanh thiếu niên, cũng theo thông tin từ phía Mỹ.


Tại Sao Thủ Tướng Phạm Minh Chính Thăm Bắc Kinh Giữa Lúc Hàng không mẫu hạm Mỹ Đến Việt Nam?


(Hình: Ông Phạm Minh Chính bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường hôm 26/6/2023.)

-Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 26/66/2023 đến Trung Quốc và gặp gỡ người đồng cấp Lý Cường ở Bắc Kinh, đây là chuyến thăm đầu tiên tới nước này của ông Chính kể từ khi nhậm chức năm 2021.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đón tiếp ông Phạm Minh Chính tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, chuyến đi diễn ra theo lời mời của ông Lý Cường.

Chuyến thăm của ông Chính diễn ra trong lúc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và hai hộ tống hạm của Hoa Kỳ đang có chuyến thăm Đà Nẵng trong 5 ngày, bắt đầu từ 25/6.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ báo Thế giới và Việt Nam của Bộ Ngoại giao cho rằng, chuyến thăm lần này của người đứng đầu chính phủ cũng sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai quốc gia, thúc đẩy việc tìm ra những giải pháp đối với những vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển, tăng cường giao lưu giữa người dân, giữa địa phương hai bên, từ đó góp phần làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng ổn định hơn thực chất hơn và bền vững hơn, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới.


Các Nhà Quan Sát: Hèn Thế! USS Ronald Reagan Đến Đà Nẵng Là Chuyện Nội Bộ của Việt Nam, Không Cần Thủ Tướng Chính ‘Qua Chầu’ Trung Quốc!
(Quốc Phương)


(Hình: Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Bắc Kinh hôm 26/6/2023.)

-Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ không thể ‘xé rào’ trong quan hệ Việt-Trung để làm điều gì ‘đột phá’ liên quan Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc này, tuy nhiên, có thể đặt vấn đề với phía Trung Quốc về hai khía cạnh ‘lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc’, ‘bảo vệ an ninh năng lượng của Việt Nam thông qua bảo đảm các dự án thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông’. Đó là nhận định của nhà quan sát và phân tích thời sự, chính trị Việt Nam và khu vực - ông Trương Nhấn Tuấn từ Marseille, Pháp Quốc - với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 26/6/2023.

Vẫn theo ông Tuấn, Việt Nam tiếp tục chính sách ngoại giao ‘cây tre’, mà thực chất là ‘đưa người cửa trước, rước người cửa sau’, cũng như việc Hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Mỹ cập bến Đà Nẵng là chuyện nội bộ của Việt Nam, mà không cần Thủ tướng Phạm Minh Chính phải ‘qua chầu’ bên Trung Quốc làm gì.

Nếu Không ‘Xé Rào’, Thì Cũng Nên Học Phi Luật Tân

RFA: Có ý kiến nói trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông Chính đề cập ‘thẳng thắn’ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông? Theo nhà nghiên cứu, Thủ tướng Việt Nam có ‘đặt vấn đề’ đó dịp này không? Và Trung Quốc có thể phản ứng ra sao, nếu có?

Ông Trương Nhân Tuấn: Theo tôi trên phương diện cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ không có kế hoạch nào về Biển Đông trong chuyến đi này hết cả. Nếu ông Chính có kế hoạch nào đó thì (kế hoạch này) cũng không thể ra ngoài những chương trình đã được soạn trước giữa hai đảng CSVN và CSTQ. Việt Nam có quan hệ thân thiết, nếu không nói là phụ thuộc nhiều thứ vào Trung Quốc. Từ ý thức hệ chính trị đến mô hình phát triển quốc gia. Việt Nam là một bản “photocopy” của Trung Quốc. Mọi quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc trước tiên phải thông qua kênh “đảng”. Chuyện tranh chấp Biển Đông vì vậy không ngoại lệ.

Nhưng nếu ông Chính “xé rào”, hay là ông Chính tuân theo cẩm nang của Đảng, đặt vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc trong chuyến đi này, theo tôi, có hai vấn đề quan trọng cần được ưu tiên đặt ra. Thứ nhứt là chuyện Trung Quốc cấm biển (vùng biển Bắc vĩ tuyến 12°). Việt Nam phải có một giải pháp giải quyết các vấn đề kinh tế, về công ăn việc làm cho ngư dân Việt Nam trong thời gian không hoạt động (do Trung Quốc cấm biển). Kêu gọi ngư dân bám biển (một cách bất chấp sinh mạng) không phải là giải pháp.

Thứ hai là chuyện Trung Quốc cản trở Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Theo tôi thấy hiện thời an ninh năng lượng của Việt Nam bị đe dọa. Có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính yếu là Việt Nam không thể xây dựng các nhà máy điện khí theo dự kiến. Trung Quốc đã cản trở Việt Nam khai thác các mỏ khí đốt (hay đặt ống dẫn khí đốt từ Nam Dương về Việt Nam.) An ninh năng lượng là an ninh quốc gia. Thiếu năng lượng, công kỹ nghệ Việt Nam sẽ bị đình đốn và Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực trong việc thu hút tài phiệt đầu tư.

Về phản ứng của Trung Quốc, theo tôi, mục tiêu của Trung Quốc là kìm hãm Việt Nam phát triển. Trung Quốc sẽ không thể trở thành đại cường nếu các quốc gia có cùng biên giới với Trung Quốc, như Việt Nam, cũng là một đại cường. Hành vi Trung Quốc thường xuyên cho tàu bè hải cảnh, hải giám, tàu nghiên cứu… vào quấy nhiễu thềm lục địa Việt Nam mục tiêu hàng đầu là ngăn cản Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí. Trung Quốc không để Việt Nam tự chủ về an ninh năng lượng. Do đó Trung Quốc sẽ không dễ dàng chấm dứt chuyện quấy nhiễu này.

Về chuyện cấm đánh cá thì từ đã 21 năm rồi, năm nào Trung Quốc cũng ra lệnh cấm đánh cá. Và cũng đã 21 năm Việt Nam không có bất kỳ một giải pháp nào, cho dầu tạm bợ, để giải quyết vấn đề ngư dân Việt Nam. Nếu so sánh bạn “đồng hội đồng thuyền” cùng hoàn cảnh với Việt Nam là Phi Luật Tân thì ta thấy học giả cũng như giàn chính trị gia của quốc gia này đã có những bước đi đột phá, mục đích giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc bằng luật lệ. Phán quyết của tòa PCA 13-7-2016 là thí dụ điển hình. Theo những gì tôi theo dõi thì trong thời gian gần sắp tới, có thể Phi Luật Tân sẽ xúc tiến kiện Trung Quốc thêm lần nữa, kỳ này liên quan đến “quyền đánh cá của ngư dân trong vùng đánh cá truyền thống”, nếu những đàm phán giữa Tổng thống Marcos Jr. của Phi Luật Tân với Trung Quốc không đạt kết quả cụ thể. Theo tôi, chính quyền và Đảng CSVN cần lấy Phi Luật Tân là một tấm gương để có những động thái thích hợp bảo vệ lợi ích của công dân mình.

Ngoại Giao Dồn Dập, Ngẫu Nhiên Hay Có Ngụ Ý?

RFA: Có ý kiến cho rằng Việt Nam trong thời gian vừa rồi đã có các tiếp xúc, thúc đẩy quan hệ (ngoại giao, quốc phòng, an ninh...) với cả 4 quốc gia thành viên khối QUAD (Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Ấn Độ, Việt Nam đón Thủ tướng Úc Ðại Lợi đến thăm (lần đầu trên cương vị đó của tân Thủ tướng Úc Ðại Lợi tới VN), đón nhóm khu trục hạm trực thăng Nhật thăm, đón hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ghé, chưa kể cũng tiếp đón Tổng thống Nam Hàn, ông có bình luận gì về việc này, đây là ngẫu nhiên, hay có kế hoạch với ngụ ý gì?

Ông Trương Nhân Tuấn: Tôi thấy với chính sách ngoại giao “cây tre” và chủ trương quốc phòng “bốn không”, Việt Nam khó có thể có mối quan hệ lâu dài và bền vững với bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam muốn có một quan hệ “tốt” với “tất cả” mà điều này là không thể (trong hoàn cảnh Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh chiến lược).

Để “minh họa”, tôi thử đưa một thí dụ điển hình, về kinh tế. Đó là chúng ta thấy Việt Nam là một trong những quốc gia “mở” so với các quốc gia lân bang. Việt Nam có mặt trong hầu hết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) cũng như Việt Nam ký đủ thứ Hiệp ước về kinh tế với hầu hết các quốc gia tiên tiến, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật, khối Âu Châu, Nam Hàn, Đài loan v.v…. Nếu nói nôm na thì “mâm nào Việt Nam cũng có mặt”. Nhưng kết quả thì thật là khiêm nhường. Có tiếng mà không có miếng. Việt Nam vẫn là quốc gia kém mở mang hơn hết trong khu vực.

Theo tôi, Việt Nam chỉ cần (chọn ngay) một vài đối tác lớn, và thân thiện, như Mỹ và Âu Châu, tất cả những Hiệp ước FTA khác sẽ trở thành thừa thãi. Về quốc phòng cũng sẽ như vậy. Việt Nam muốn “chơi” với tất cả, vì vậy Việt Nam sẽ không thân thiết được với ai. Về quan hệ với Ấn Độ, tôi đánh giá cao quan hệ Việt Nam và Ấn Độ.

Một học giả Pháp thập niên 90 có xuất bản một tập sách về địa chính trị khu vực Đông Nam Á. Tác giả cho rằng sẽ tốt cho Việt Nam nếu Việt Nam đi với Ấn Độ (thay vì Trung Quốc), sau khi Liên Xô sụp đổ. Rốt cục Việt Nam chọn “giải pháp tình thế” cứu nguy cho Đảng, quyết định ngả về Trung Quốc. Hôm nay nhìn lại, ta mới thấy rằng Việt Nam đã không tồi tệ như hiện nay, nếu dàn lãnh đạo Việt Nam đi Ấn Độ, thay vì đi tới Trung Quốc để ký Hiệp ước Thành Đô 1991.

CSVN ngả theo Trung Quốc là một “giải pháp tình thế”, có giá trị giai đoạn. Vấn đề là Việt Nam lấy một giải pháp “tình thế” để làm phương án lâu dài. Rốt cục càng ngày Việt Nam càng lệ thuộc sâu xa vào Trung Quốc, về mọi phương diện. Chính sách ngoại giao cây tre hay chủ trương bốn không của quốc phòng là hệ quả của sự lựa chọn mang tính “tình thế”. Một chính sách quốc gia được hoạch định (lâu dài) chỉ có mục đích duy nhất là phụng sự cho lợi ích của quốc gia. Ta thấy mọi chính sách (ngoại giao, quốc phòng) của Việt Nam chỉ có Trung Quốc là phía có lợi nhất.

Vì vậy, có thể đúng sai còn luận bàn, nhưng tôi chưa thấy giá trị thực tế về “niềm tin chiến lược” của Việt Nam đối với các đối tác, ít ra trong giai đoạn này, qua các chuyện Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Ấn độ, Việt Nam đón Thủ tướng Úc Ðại Lợi, hàng không mẫu hạm Ronald Reagan cập bến Đà Nẵng hay Tổng thống Nam Hàn thăm viếng Việt Nam v.v….

Bị Quốc Tế Đưa Vào Danh ‘Sách Xám’, Chuyện Không Hề ‘Vui’


(Hình: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Đà Nẵng hôm 25/6/2023.)

RFA: Nhân ông vừa nhắc tới bang giao Việt-Hàn, một mở ngoặc, với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nam Hàn, việc Việt Nam cho hay sẽ tham gia thúc đẩy quá trình ‘phi nguyên tử hóa’ bán đảo Triều Tiên, có thể có quan hệ thế nào với động thái từ quốc tế mới đây, mà theo đó Việt Nam bị liệt vào ‘danh sách xám’ các nước bị coi là ‘rửa tiền, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt’, mà theo một thông cáo ngày 23/6/2023 của FATF, tổ chức lập danh sách này, ngoài thêm một nước ở Phi Châu, thêm một nước khác ở Âu Châu, Việt Nam vừa bị đưa vào danh sách đã có sẵn 23 nước trước đó?

Ông Trương Nhân Tuấn: Theo tôi chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Nam Hàn và phu nhân có mục đích kinh tế hơn là quốc phòng. Nam Hàn cần Việt Nam nhiều thứ, như về nhân công lao động và nguồn cung cấp đất hiếm. Việt Nam cũng là “khách hàng” tiềm năng của Nam Hàn, với 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường lớn về xe cộ, đóng tàu, các mặt hàng điện tử…. Ngoài ra Việt Nam còn là khách hàng đặc biệt của Nam Hàn, sau khi nguồn từ Nga bị nghẽn, về các loại vũ khí cũng như các trang bị thông minh dành cho quốc phòng.

Về vai trò của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy “phi nguyên tử hóa” bán đảo Triều Tiên. Tôi thấy là Việt Nam không đủ uy tín và khả năng để thực hiện chuyện này (mà trong quá khứ sáu bên Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, Nam và Bắc Hàn đã bỏ nhiều thập niên mà không thực hiện được).

Về chuyện Việt Nam bị xếp vào “danh sách xám” các quốc gia rửa tiền và “tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”, tức là Việt Nam (có thể bị cho là) ngày càng tiến gần tới bản chất một quốc gia “mafia”, hay “quốc gia côn đồ” là một chuyện không vui cho mọi công dân Việt Nam. Chuyện này tôi có vài lời giải thích như sau.

Theo tôi, đứng trên quan điểm “quốc tế thượng tôn pháp luật - international rule of law”, Việt Nam vẫn là một quốc gia thường xuyên vi phạm những kết ước quốc tế. Điển hình về các công ước thuộc Liên Hiệp Quốc liên quan đến nhân quyền. Việt Nam thiếu uy tín trên trường quốc tế.

Mô hình tổ chức quốc gia của Việt Nam hiện thời là mô hình tạm bợ. “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” là giải pháp tạm bợ đưa ra đầu thập niên 90 nhằm cứu Đảng trong nhất thời, trong hoàn cảnh thế giới Xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Bởi vì “kinh tế thị trường” thì không ai có thể “định hướng” được hết cả.

Khái niệm về “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” cũng là giải pháp tạm bợ, là phương tiện để Việt Nam hội nhập cộng đồng quốc tế với tư cách nhà nước được xây dựng trên hệ thống luật lệ. Tạm chấp nhận “Nhà nước pháp quyền” mang nội hàm của “Etat de Droit”, thì “Etat de Droit” chỉ có thể xây dựng trên một xã hội dân sự, dân chủ tự do (chớ không thể xây dựng trên nền tảng Xã hội chủ nghĩa).

Việt Nam vì vậy không phải là một quốc gia “trọng luật”. Hệ quả, phía quốc nội, tài phiệt đỏ Việt Nam khá giống các “oligarques” (tài phiệt) của Nga. Lợi dụng các kẽ hở trong pháp luật họ chiếm đoạt tài sản của đất nước, của nhân dân. Các vụ án tham nhũng gần đây cho ta thấy điều này. Đối ngoại, họ lợi dụng quyền lực, lợi dụng uy tín và danh nghĩa quốc gia để làm chuyện phạm pháp như rửa tiền hay tài trợ các tổ chức quốc tế chuyên buôn bán vũ khí lậu…

Các giải pháp tạm bợ đã giúp Đảng CSVN giữ được quyền hành nhưng câu hỏi đất nước Việt Nam sau này sẽ ra sao là một điều vô cùng nhức nhối.

Bang Giao Với QUAD ‘Âm Thầm’, Tiếp Tục ‘Ngoại Giao Cây Tre’ Với Trung Quốc?

RFA: Cũng có ý kiến cho rằng trong quan hệ với khối QUAD và trong các hoạt động bang giao (ngoại giao, an ninh, quốc phòng...) rất gần đây đã diễn ra, Việt Nam tỏ ra ‘khá âm thầm’ trên báo chí, truyền thông Nhà nước, ông có nghĩ như vậy không? Hay thực sự chính quyền Việt Nam đang có một cách làm riêng đặc biệt nào đó?

Ông Trương Nhân Tuấn: Thái độ “ẩn mình” của Việt Nam hiện thời cho thấy Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn nội tại. Ảnh hưởng chiến tranh Ukraine khiến kinh tế Việt Nam ảm đạm. Nước Nga bị cô lập trên trường quốc tế. Nước Nga lại bị sa lầy trong chiến cuộc khiến nguồn cung cấp vũ khí cho Việt Nam bị gián đoạn. Có tiếng nói gần đây cho rằng không phải Đài Loan, mà Việt Nam mới là Ukraine ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Sự “im lặng” thận trọng của Việt Nam khá hợp lý vì lãnh đạo CSVN lo ngại Việt Nam trở thành Ukraine Á Châu.

Trung Quốc thì có đủ lý do. Nếu Nga nại các lý do “quốc gia và dân tộc Ukraine không hiện hữu theo lịch sử”, sau đó “nhìn nhận hai Cộng hòa Donetsk và Lugansk độc lập”, cuối cùng nại quyền “tự vệ tập thể chính đáng” để đổ quân vào đánh Ukraine, thì Trung Quốc có thể có nhiều lý do hơn Nga để làm chuyện tương tự với Việt Nam.

Hiệp ước Pháp-Thanh 1885 (còn gọi là Hiệp ước Thiên tân) có nội dung nhà Thanh “nhượng” Việt Nam lại cho Pháp. Tức là Pháp nhìn nhận Việt Nam trước kia “thuộc” Trung hoa. Hiệp định Genève 1954 mặc nhiên xác nhận Việt Nam “chưa bao giờ là quốc gia” độc lập có chủ quyền.

Vùng đất miền Nam là đất mới. Qua vụ ‘lùm xùm’ ở Tây Nguyên, ta thấy rằng đã có lần lãnh đạo CSVN nhìn nhận “quyền tự trị” của các dân tộc Thượng. Do đó, Trung Quốc có dư thừa lý do biến Việt Nam thành một Ukraine thứ hai. Ukraine có Mỹ và cả khối Âu Châu “chống lưng”. Việt Nam hiện không có ai hết cả.

Ngay cả khi quan hệ Việt Nam và Trung Quốc luôn tốt đẹp. Nhưng khi Việt Nam suy yếu, không còn khả năng tự vệ thì Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực đối với Việt Nam để giải quyết các tranh chấp tồn đọng lãnh thổ, biển, đảo… do lịch sử để lại. Vì vậy, trong thời gian sắp tới ta sẽ thấy Việt Nam càng thận trọng hơn trong các quan hệ quốc tế, nhứt là các quan hệ có thể làm phật lòng Trung Quốc.

RFA: Ông có bình luận gì thêm về chuyến thăm của tàu Mỹ (USS R. Reagan) tới Việt Nam lần này, vẫn là ngoại giao pháo hạm bình thường, gửi thông điệp cho Trung Quốc v.v..., hay có điều gì khác thêm đáng lưu ý?

Ông Trương Nhân Tuấn: Tôi cho rằng trên quan điểm địa chiến lược, Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường đang cạnh tranh. Một cường quốc Trung Quốc đang trên đà phục hưng thế lực của đế quốc Trung Quốc ngày xưa. Hai là nước Mỹ siêu đại cường đã khẳng định từ sau Ðệ nhị Thế chiến, nay đang trên đường suy yếu. Cần và đủ, điều kiện để cái “bẫy Thucydide” thành hình.

Trên quan điểm lịch sử, Việt Nam và Mỹ là hai nước cựu thù. Hai bên tái lập lại quan hệ ngoại giao từ 1995. Do đối kháng ý thức hệ chính trị cũng như không chia sẻ các giá trị về nhân quyền, Việt Nam và Mỹ vẫn chưa xây dựng được “niềm tin chiến lược” để quan hệ hai bên có thể nâng lên mức cao hơn. Trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn thân thiết, ngay cả khi có giai đoạn hai bên xâu xé nhau. Việt Nam luôn lựa chọn dựa vào một đại cường có chế độ chính trị và mô hình phát triển quốc gia tương đồng.

Ông Phạm Minh Chính công du Trung Quốc từ ngày 25 đến 28/6/2023, theo lời mời của đồng nhiệm Trung Quốc tân Thủ tướng Lý Cường. Ta thấy lịch trình chuyến đi Trung Quốc của ông Chính lại trùng hợp với lịch trình cập bến Đà nẵng của hàng không mẫu hạm Mỹ Ronald Reagan. Theo tôi đây không phải là sự “trùng hợp ngẫu nhiên”, mà là hệ quả của chính sách “ngoại giao cây tre”, mà thực tế là chuyện “đưa người cửa trước, rước người cửa sau”. Việt Nam buộc phải làm hài lòng Trung Quốc, cho lãnh đạo Trung Quốc thấy bên nào trọng bên nào khinh.

Nhưng nếu Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền thì chuyện chiếc Hàng không mẫu hạm Ronald Reagan cập bến Đà nẵng là chuyện nội bộ của Việt Nam, không cần Thủ tướng Chính phải qua chầu bên Trung Quốc.

RFA: Ông có dự đoán gì về kết quả chính của chuyến thăm Trung Quốc và dự diễn đàn kinh tế thế giới WEF của Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính?

Ông Trương Nhân Tuấn: Tôi không rành lắm về Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) do đó tôi không lạm bàn, nhưng theo tôi mục đích chuyến đi của ông Phạm Minh Chính ngoài thăm chính thức, rồi tham dự “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc”, tham dự WEF, thì một mục tiêu là “cân bằng”, muốn cho Trung Quốc thấy rõ bên nào trọng bên nào khinh với Việt Nam qua chuyện chiếc hàng không mẫu hạm Ronald Reagan cập bến Đà Nẵng.
_______________________
Trên đây là cuộc trao đổi trên quan điểm riêng của ông Trương Nhân Tuấn, nhà quan sát, phân tích thời sự, chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, an ninh khu vực, Biển Đông, với Đài Á Châu Tự Do. Mời quý vị theo dõi phần tiếp theo cuộc trao đổi này, theo đó nhà quan sát từ Marseille, Cộng hòa Pháp chia sẻ thêm góc nhìn cá nhân của ông về một số chuyển động trong thời sự và bối cảnh an ninh, chính trị quốc tế ở khu vực mà có thể Việt Nam cần quan tâm, tham khảo cho các chính sách bang giao, hợp tác quốc tế, khu vực của mình hiện nay. Mời quý vị đón theo dõi.


Đà Nẵng Đón Hàng Không Mẫu Hạm Ronald Reagan, VTV Làm Live Show Về Hải quân Chống ‘Đế Quốc Mỹ’


(Hình: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ tiến vào cảng ở Đà Nẵng hôm 25/6/2023.)

-Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan cùng 2 tàu hộ tống thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam từ ngày 25 đến 30/6/2023, Tòa Ðại sứ Mỹ và cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam thông báo.

Theo quan sát của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), đội tàu hùng mạnh của Hải quân Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào trưa 25/6, đến tối cùng ngày, trong khung giờ vàng, đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV phát sóng trực tiếp một chương trình nói về chiến công của Hải quân Việt Nam thời những năm 1960, 1970 trong cuộc chiến “chống đế quốc Mỹ”.

Chương trình giao lưu nghệ thuật mang tên Mở Đường Ra Biển dài hơn 1 tiếng, phát trên kênh VTV1 từ 20h10 ngày 25/6, tập trung ôn lại việc Hải quân Việt Nam “chống phong tỏa sông biển” ở miền Bắc của đất nước, với đỉnh điểm là vào ngày 27/6/1973, cảng Hải Phòng và các cửa sông biển miền Bắc “được giải phóng khỏi cuộc phong tỏa kéo dài bằng bom, mìn và thủy lôi của Mỹ”.

Tham gia chương trình có nhiều nhân chứng sống là các cựu binh Việt Nam đã rà phá bom, mìn, thủy lôi do “giặc Mỹ man rợ” thả xuống, theo cách dùng từ của chương trình.

Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật chống giặc giữ nước.

Bà Tạ Bích Loan, VTV

Bà Tạ Bích Loan, một trong hai người dẫn chương trình, có lúc bình luận rằng các chiến sĩ của Hải quân Việt Nam “bằng lòng quả cảm, sự dấn thân, sự mưu trí, sự thông minh” đã “đánh thắng vũ khí tối tân, hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ” và khơi thông các luồng sông, cửa biển cho miền Bắc Việt Nam.

Vẫn bà Loan, người cũng giữ chức Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí của VTV, tức VTV3, trong một phần khác của chương trình nói rằng: “Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật chống giặc giữ nước của dân tộc ta”.

Trong khi VTV phát chương trình ôn lại nỗ lực “chống đế quốc Mỹ” cách đây hơn 50 năm, cũng vào buổi tối 25/6, hàng trăm đoàn viên thanh niên Cộng sản ở Đà Nẵng “đã có những phút rực cháy hết mình” với màn trình diễn của ban nhạc Hải quân Mỹ diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của 3 chiến hạm Mỹ kể trên, theo báo chí Việt Nam.

Các báo, đài, trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VTC News, cho hay buổi biểu diễn của ban nhạc Hải quân Mỹ diễn ra tại khuôn viên Thành đoàn thành phố Đà Nẵng. Các bạn trẻ “vỗ tay, nhảy múa cuồng nhiệt theo nhạc và không quên khích lệ tinh thần của ban nhạc bằng những lời khen ngợi hết lòng”, Tuổi Trẻ tường thuật.


(Ảnh: Đông đảo đoàn viên thanh niên Cộng sản ở Đà Nẵng cuồng nhiệt với buổi diễn của ban nhạc Hải quân Mỹ, 25/6/2023.)

Trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA, không ít người tỏ ý băn khoăn về việc đài quốc gia VTV phát chương trình với một số lời lẽ không thân thiện về Mỹ ngay cùng ngày Việt Nam đón nhóm hàng không mẫu hạm Mỹ đến thăm, là một trong các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ (2013-2023), theo mô tả của trang Thông tin Chính phủ.

Ông Dương Quốc Chính, một nhà bình luận về thời cuộc ở Việt Nam, có hơn 72.000 người theo dõi trên Facebook, nhận định với VOA rằng chương trình của đài quốc gia VTV không phải là ngẫu nhiên.

Một buổi giao lưu trực tiếp như vậy phải lên kế hoạch trước nhiều ngày, nhiều tuần, trong khi kế hoạch đón tàu Hải quân Mỹ cũng phải được chuẩn bị từ hàng tháng trước, ông nhận xét và nói thêm:

“Khả năng lớn là có sắp xếp. Giữa hai thông tin này, người ta hoàn toàn có thể tìm hiểu và tránh đi được trong vòng vài ngày gì đó, không khó gì cả. Khả năng lớn không phải chuyện ngẫu nhiên”.

Một số người phỏng đoán trên mạng xã hội rằng sự trùng hợp của chương trình trên VTV1 và chuyến thăm của nhóm hàng không mẫu hạm Mỹ cho thấy đài truyền hình quốc gia nói riêng và bộ máy tuyên giáo nói chung không có sự tế nhị hoặc cũng có thể các cơ quan tuyên truyền này có chủ đích phát ra tín hiệu là Việt Nam có quan hệ với Mỹ nhưng không thân Mỹ.

Nhà bình luận Dương Quốc Chính đưa ra quan sát của ông với VOA:

“Cái này tôi nghĩ người ta [Việt Nam] muốn bật một tín hiệu cho Trung Quốc biết là tuy Việt Nam có đón tiếp về mặt ngoại giao, quốc phòng với Mỹ nhưng vẫn có khoảng cách nhất định chứ không phải là quá vồ vập với phía quân đội Mỹ, vì cái đấy rất là nhạy cảm với Trung Quốc”.

Sự nhạy cảm này là do một loạt những động thái trên các vùng biển gần Việt Nam từ đầu tháng 6 đến nay, ông Chính lưu ý đến bức tranh toàn cảnh, bao gồm việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật, Trung Quốc tập trận gần Đài Loan; Mỹ, Nhật Bản, Gia Nã Ðại và Pháp tập trận gần Phi Luật Tân; chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Không chỉ có các hoạt động của Hải quân các nước, ông Chính cũng đề cập đến việc Tổng thống Nam Hàn vừa thăm Việt Nam và Thủ tướng của Việt Nam có chuyến công du tới Trung Quốc trùng thời điểm nhóm hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam.

Nam Hàn và Nhật Bản tuy không có chủ quyền ở Biển Đông nhưng là hai nước có lượng hàng hóa qua đây rất nhiều, trong khi đó, Việt Nam có vị trí quan trọng và được đánh giá là có thể đủ năng lực để ngăn cản Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, ông Chính phân tích.

Vì vậy, dưới góc nhìn của ông, không phải ngẫu nhiên mà mối quan hệ giữa Nhật Bản, Nam Hàn, thậm chí cả Đài Loan, lại rất mật thiết với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc các chiến hạm hùng mạnh nhất của Nhật Bản và Mỹ liên tiếp ghé thăm Việt Nam những ngày này là điều “rất nhạy cảm” trong mối quan hệ đan xen của Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc với Việt Nam, mà trong đó quan hệ Mỹ-Việt là “nhạy cảm nhất” với Trung Quốc, nhà bình luận Dương Quốc Chính nói.


(Ảnh: Hôm 25/6/2023, VTV1 phát chương trình nói về Hải quân Việt Nam rà phá bom, mìn, thủy lôi của “giặc Mỹ man rợ” thời những năm 1960, 1970.)

Từ các yếu tố kể trên, ông Chính phán đoán rằng việc VTV cho phát sóng trực tiếp một chương trình có nội dung “chống” Hải quân Mỹ là một chỉ dấu cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam đối với Mỹ vẫn là “vừa hợp tác vừa đấu tranh” chứ không hề ngả sang Mỹ.

Tuy nhiên, ông Chính cho rằng việc đó có thể “rất không tế nhị” khi VTV phát sóng trực tiếp vào đúng giờ vàng ngay buổi tối đầu tiên mà tàu USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng. “Lẽ ra họ có thể chọn một thời điểm khác tế nhị hơn để phát đi thông điệp thân Trung Quốc”, ông nói và bình luận thêm với VOA:

“Tín hiệu [không thân Mỹ] quá là mạnh, không cần thiết, thiếu tế nhị. Họ [VTV, tuyên giáo] làm như vậy chứng tỏ là phe thân Trung Quốc có quyền lực lớn, có thể họ rất e ngại Trung Quốc trong việc này”.

Theo quan sát của VOA, không chỉ có chương trình gây chú ý kể trên của VTV, nhiều lần khác, các báo đài thuộc hệ thống tuyên truyền Việt Nam đã đăng bài, phát sóng các lời bình luận, các bài xã luận chỉ trích, phê phán Mỹ để làm đối trọng cho các thông tin tích cực về Mỹ và quan hệ Việt-Mỹ, trong khi rất hiếm khi làm điều tương tự với Trung Quốc.

Thực tế nêu trên dẫn đến câu hỏi của nhiều người trong các diễn đàn trên mạng về “nền ngoại giao cây tre” của Việt Nam, một thuật ngữ được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nêu ra khi ông phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị toàn quốc của đảng về đối ngoại hồi tháng 12/2021.

Tổng Bí thư Trọng đã lấy hình ảnh cây tre để định hướng cho “trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo” của đất nước, được ông đúc kết là “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.

Dẫn chứng từ thiên nhiên và liên hệ đến đường lối ngoại giao kể trên, nhà bình luận Dương Quốc Chính đưa ra quan điểm:

“Tre mà đúng nghĩa gọi là tre lại có thể rất là cong. Cây tre như thế nó vẫn ngả về một bên chứ không tuyệt đối là cân bằng giữa các bên đâu. Nếu mà cân bằng giữa các bên thì bình thường nó phải khá là thẳng, nhưng mà thế này thì nó rất là cong. Nó vẫn đang ngả về Trung Quốc nhiều hơn, vì đối với Trung Quốc, Việt Nam rất nhạy cảm về mặt thông tin. Cây tre này không hoàn toàn cân bằng đâu, nó vẫn ngả về một bên”.

Để chứng minh cho ý kiến của mình, ông Chính nêu ví dụ là hàng năm, đến dịp kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nổ ra tháng 2/1979, Việt Nam vẫn “e ngại”, “e dè” nhắc đến Trung Quốc trong khi vẫn “phê phán Mỹ thẳng thắn”.

VOA cố gắng liên lạc với bà Tạ Bích Loan để tìm hiểu về quyết định của VTV nhưng không kết nối được.


Công An Tỉnh Long An Lấp Lửng Về Tung Tích của 3 Luật Sư Bào Chữa Vụ Án Tịnh Thất Bồng Lai


(Hình: Năm Luật sư bào chữa trong vụ Tịnh thất Bồng Lai gồm, từ trái qua: Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh, Luật sư Đào Kim Lân, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Nguyễn Văn Miếng và Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc.)

-Vào chiều ngày 26/6/2023, Công an tỉnh Long An họp báo cho biết cơ quan này chưa thể xác định ba Luật sư bào chữa trong vụ Tịnh thất Bồng Lai và đang bị truy tìm đã ra ngoại quốc hay còn ở trong nước. Chủ yếu đó là thông tin lan truyền trên mạng.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Long An nhắc lại đã gửi giấy triệu tập nhiều lần cho ba Luật sư gồm Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng; tuy nhiên không ai đến làm việc và không rõ lý do vắng mặt.

Trang thông tin điện tử của Công an tỉnh Long An hôm 11/6 đăng thông báo trong mục “Truy nã-Truy Tìm” về biện pháp thụ lý kiểm tra, xác minh tin báo liên quan đến ba vị Luật sư vừa nêu.

Tin báo được cho biết từ Cục An ninh mạng & Phòng chống tội phạm sử dụng kỹ thuật cao (A05) thuộc Bộ Công an CSVN. Theo đó, A05 phát giác một số cá nhân, trong đó có các Luật sư liên quan có hành vi bị cho phát tán trên không gian mạng đoạn clip với những hình ảnh, lời nói, bài viết với dấu hiệu “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Như tin đã loan, trong quá trình bào chữa cho Vụ án Tịnh thất Bồng Lai, nhóm Luật sư đã dùng kênh YouTube Nhật ký Luật sư để đăng tải các thông tin liên quan vụ án.


Bộ Quốc Phòng Cử Đoàn Công Tác Đến Đắc Lắc


(Hình: Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắc Lắc, lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5 phối hợp khai triển phương án vây bắt những người bị tình nghi tham gia vụ tấn công hôm 11/6/2023.)

-Vào ngày 26/6/2023, một đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam được cử đến Đắc Lắc, nơi vào rạng sáng ngày 11/6 diễn ra vụ nổ súng làm 4 công an tử vong.

Mạng báo Biên Phòng loan tin cho biết đoàn do Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Tổng Tham mưu phó Quân đội Nhân dân làm trưởng đoàn. Mục đích được nêu rõ là kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Lắc.

Tính đến ngày 23/6, cơ quan chức năng Việt Nam đã khởi tố 84 người trong vụ nổ súng vừa nêu. Trong số này, 75 người bị cáo buộc tội khủng bố, 7 người bị cáo buộc tội “Không tố giác tội phạm”, một người bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm”; một người bị cáo buộc tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.

Bộ Công an CSVN vào ngày 23/6 ra thông cáo khẳng định vụ nổ súng có liên quan đến cá nhân và tổ chức ngoại quốc.

Trước đó, vào ngày 20/6, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt- Cục trưởng Cục An ninh Nội địa thuộc Bộ Công an CSVN, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Những người Đứng đầu Lực lượng chống Khủng bố các Nước do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở New York (Hoa Kỳ) rằng trong số những người bị bắt có đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập vào Việt Nam và dàn dựng cuộc tấn công.

Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt không nêu cụ thể tổ chức ở Mỹ là tổ chức nào; trong khi đó một số tổ chức của người Thượng Tây Nguyên nói với RFA họ không liên quan đến vụ tấn công và lên án mọi hành vi bạo lực.

Ngay sau khi xảy ra sự việc tại tỉnh Đắc Lắc, Thủ tướng Hun Sen của nước láng giềng Cam Bốt ra lệnh miệng cho Lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng Xứ Chùa Tháp ngăn chặn cái mà ông này gọi là “mạng lưới phiến quân người Việt” có thể đang ẩn náu tại Cam Bốt. Người đứng đầu chính phủ Nam Vang cũng cảnh báo sẽ đóng cửa bất kỳ tổ chức quốc tế nào ở Cam Bốt nếu bị phát giác giúp cho những nhóm đó.


Nghệ An: Dân Chặn Xe Vận Tải Vào Cảng Quốc Tế Vissai, Lo Ngại Vấn Đề Môi Trường và Giải Phóng Mặt Bằng


(Hình: Người dân chặn xe vận tải vào cảng Quốc tế Vissai Nghệ An ngày 25/6/2023.)

-Hai ngày qua, những người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) đã tiến hành chặn xe vận tải vào cảng biển Quốc tế Vissai Nghệ An để phản đối những vẫn dề về giải phóng mặt bằng, tái định cư, và lo ngại về môi trường.

Cầu cảng Vissai số 1 được vận hành từ tháng 10/2017 phục vụ chính cho việc vận chuyển clinker và xi-măng của Công ty cổ phần xi-măng Sông Lam đến các vùng miền trong nước và xuất cảng. Giai đoạn 2, cụm cảng này đang xây dựng thêm 2 bến cảng tổng hợp, trở thành một cảng biển quốc tế đa dụng.

Truyền thông Nhà nước hôm 25/6 cho biết, đến trưa cùng ngày, có rất nhiều người dân địa phương tập trung, trong đó có cả trẻ em, dựng lều bạt, ngăn không cho xe vận tải ra vào khu vực con đường chính dẫn vào cảng biển quốc tế Vissai đóng ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Việc người dân chặn xe đã khiến những chiếc xe vận tải chở xi-măng từ huyện Đô Lương phải nằm dài trên đường do người dân ngăn cản, theo báo Nhà nước.

Trước đó, vào ngày 23/6, chính quyền địa phương và Công ty cô phần xi-măng Sông Lam Nghệ An đã có cuộc dối thoại với người dân.

Theo truyền thông trong nước, người dân ở đây nêu lại lời hứa hỗ trợ xây nhà văn hóa của các cấp ngành cho xóm Bắc Thịnh và Nam Thịnh - nay nhập lại thành xóm Hải Thịnh từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhà văn hóa của xóm hiện đang trong tình trạng xuống cấp và quá chật hẹp.

Nhiều hộ dân trong diện phải di dời do ảnh hưởng của dự án xây dựng trạm nghiền xi-măng và cảng biển quốc tế Nghi Thiết (thuộc Công ty cổ phần xi-măng Sông Lam) đang mòn mỏi chờ việc di dời, tái định cư.

Vì vậy cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, khi phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa xuống cấp, không thể sửa chữa và sống quá gần khu vực trạm nghiền.

Nhiều hộ dân xóm Hải Thịnh phản ánh lên chính quyền địa phương về sự lo sợ ô nhiễm môi trường khi Công ty cổ phần xi-măng Sông Lam đang xây dựng bến bãi chứa than ở vùng cảng tổng hợp.


Chứng Khoán Tân Việt Bị Đình Chỉ Hoạt Động


(Hình: Trụ sở của Sở Giao dịch chứng khoán Sài Gòn (HoSE).)

-Truyền thông Nhà nước loan tin hôm 26/6/2023 cho hay Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa bị đình chỉ hoạt động mua bán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đănt ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Sài Gòn (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Chứng khoán Tân Việt được thành lập năm 2006 là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông – trực thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan.

Bà Trương Mỹ Lan bị bắt hồi tháng 10/2022 với cáo buộc gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân từ năm 2018 đến 2019.

Cùng bị bắt với bà Lan còn có ông Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán Tân Việt đột ngột qua đời vào đầu tháng 10/2022 ngay trước khi vụ bắt giữ xảy ra.

Theo thông tin từ báo Nhà nước, Chứng khoán Tân Việt đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước đặt vào diện kiểm soát đặc biệt. Thời gian đình chỉ từ ngày 27/6/2023 đến khi công ty chứng khoán này được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt.

Trước đó, ngày 18/5/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa TVSI vào diện kiểm soát đặc biệt do báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 31/12/2022 không được kiểm toán. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 18/5 đến 17/9/2023.

Theo thông tin mới nhất từ báo Nhà nước, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Tân Việt đã thông qua kế hoạch doanh thu xấp xỉ 200 tỉ đồng, giảm 92% so với năm trước, lỗ 749 triệu đồng và lỗ sau thuế là 570 triệu đồng.


VinFast Ký Thỏa Thuận Với Hãng Kakao Mobility của Nam Hàn Cho ứng Dụng Gọi Xe


(Hình: Ứng dụng tin nhắn trên Kakao T taxi của Nam Hàn.)

-Hãng Kakao Mobility chuyên về ứng dụng gọi xe của Nam Hàn vừa ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với hãng xe điện VinFast của tập đoàn Vingroup.

Trang tin Tech in Asia trích thông báo từ Kakao Mobility cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất tại khu vực Đông Nam Á đối với khách du lịch Nam Hàn. Mặt khác, Nam Hàn cũng đã đón khoảng 300.000 khách du lịch Việt Nam trong năm qua.

Thỏa thuận mới, theo Kakao, là một phần trong kế hoạch thức đẩy cơ sở hạ tầng giao thông-vận tải xanh tại Việt Nam thông qua mối quan hệ hợp tác với các công ty trong ngành.

VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng là hãng xe điện non trẻ của Việt Nam được thành lập năm 2017 nhưng mới chỉ chuyển sang sản xuất hàng toàn xe điện vào năm 2019.

Hồi tháng 3 vừa qua taxi điện của Công ty Cổ phần di chuyển Xanh và Thông minh GSM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng được thành lập chuyên sử dụng xe điện của VinFast.

Theo Tech in Asia, hãng Kakao Mobility sẽ sớm hợp tác cùng GSM trong hoạt động gọi xe kỹ thuật.


Các Nhà Sản Xuất Điện Thoại Di Động và Hàng Điện Tử Ấn Độ Lo Ngại Cạnh Tranh Từ Việt Nam



(Hình: Công nhân của hãng Samsung đi làm tại nhà máy của hãng ở Thái Nguyên.)

-Trang tin Economic Times cho hay mới đây, Hiệp hội Các nhà Sản xuất Điện thoại Di động và hàng Điện tử Ấn Độ (ICEA) gửi yêu cầu đến Bộ Tài chính nước này yêu cầu thay đổi thuế đối với các sản phẩm nội địa để tránh cạnh tranh gay gắt đối với các sản phẩm từ Việt Nam và Trung Quốc.

Theo ICEA, mức thuế đầu vào cho các công ty nội địa đang đang đặt Ấn Độ vào thế bất lợi so với các quốc gia khác.

ICEA cho biết, mức thuế đầu vào cao hoàn toàn không tương thích với tham vọng xuất cảng của Ấn Độ và đặt nước này vào thế bất lợi trước các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Mễ Tây Cơ.

Hiện mức thuế đầu vào ở Ấn Độ được quy định là 2,5%, 5%, 10%, 15% và 20%. ICEA đề nghị Bộ Tài chính nước này giới hạn mức thuế ở 0%, 5% và 10%.


Công Ty LG Innotek của Nam Hàn Dự Kiến Đầu Tư Thêm 1 Tỉ Mỹ kim Vào Việt Nam


(Hình: CEO Tim Cook của hãng Apple giới thiệu hệ thống camera mới trên iPhone 13 Pro hôm 14/9/2021.)

-Công ty LG Innotek của Nam Hàn dự định sẽ đầu tư thêm 1 tỉ Mỹ kim vào việc xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị cảm ứng camera tại Việt Nam, đưa công suất sản xuất của hãng này tại quốc gia Đông Nam Á này lên gấp đôi.

Báo The Korea Economic Daily dẫn thông báo từ công ty cho biết hôm 26/6 rằng hãng chuyên sản xuất bộ cảm ứng camera cho iPhone của Apple sẽ đầu tư trong giai đoạn từ tháng 7 năm nay đến tháng 12/2025 để xây dựng một nhà máy sản xuất ở cơ sở của hãng tại Hải Phòng. Công ty dự kiến hoàn tất việc xây dựng vào nửa cuối năm 2024 và bắt đầu đi vào hoạt động thương mại vào năm 2025.

Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol vừa kết thúc chuyến thăm ba ngày đến Việt Nam hồi tuần trước. Đi cùng đoàn của Tổng thống có phái đoàn 205 doanh nghiệp Nam Hàn tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Nam Hàn diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho báo chí biết các doanh nghiệp Nam Hàn dự kiến đầu tư hàng tỉ Mỹ kim vào Việt Nam trong thời gian tới.

Chi nhánh IG Innotek tại Việt Nam đã được khai trương vào tháng 9/2016, chủ yếu để sản xuất bộ cảm ứng camera cho điện thoại di động.

Doanh thu của hãng tại Việt Nam vào năm 2022 là 3,3 tỉ Mỹ kim, mức cao nhất của các cơ sở của công ty tại ngoại quốc.


Nội Bộ Khủng Hoảng! Chủ Tịch Hạ viện Nga Hoãn Chuyến Thăm Việt Nam


(Hình: Chủ tịch Hạ viện Liên bang Nga - ông Vyacheslav Viktorovich Volodin.)

-Chủ tịch Hạ viện Liên bang Nga, ông Vyacheslav Viktorovich Volodin, hoãn chuyến thăm Việt Nam dự kiến diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/6/2023. Lý do được nói rõ vì những diễn biến không mong muốn xảy ra tại đất nước Nga. Đó là cuộc binh biến do ông Yevgeny Prigozhin và lực lượng bán quân sự Wagner tiến hành.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin dẫn thông báo của Ủy Ban đối Ngoại Quốc hội Việt Nam như vừa nêu ngày 24/6.

Sau khi Chủ tịch Hạ viện Liên bang Nga phải hoãn chuyến thăm Hà Nội do tình hình bất ổn trong nước Nga, vào ngày 26/6, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Gennady Stepanovich Bezdetko. Mục đích cuộc gặp được cho biết nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Hà Nội và Mạc Tư Khoa.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân chiến rằng Hà Nội luôn coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và luôn xác định Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tin cho biết trong thời gian tới hai phía sẽ tiến hành Đối thoại Chiến lược Quốc phòng lần thứ VI cấp Thứ trưởng quốc phòng; và Hội nghị Thường trực Ủy ban Phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga.


Tin Cộng Ðồng

***
Hơn 1 Năm, Người Việt Tại Nga Thích Ứng Với Tình Hình Mới
(Thu Hằng)

-Tình hình căng thẳng suốt ngày 24/6/2023 ở Rostov và nhiều địa phương khác ở phía Tây nam Nga do vụ “binh biến” do ông chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner phát động. Chiến dịch chống khủng bố được khai triển ở Mạc Tư Khoa. Từ sáng sớm, các địa điểm quan trọng nhất ở thủ đô Mạc Tư Khoa đã được tăng cường bảo vệ. Nhiều chốt kiểm tra được dựng lên gần Ðiện Cẩm Linh và Duma, rà soát gầm xe hơi. Quảng trường Đỏ bị phong tỏa.

Xe ben chở vật liệu xây dựng được huy động về cản đường đoàn xe thiết giáp của Wagner trong trường hợp tiến vào thành phố. Nhưng ngay trong đêm 24 và ngày 25/6, hầu hết các biện pháp an ninh lần lượt được dỡ bỏ tại các vùng Tula, Rostov, Voronezh, Lipetsk sau khi Yevgeny Prigozhin chấp nhận hòa giải của Tổng thống Belarus và ra lệnh cho quân trở về căn cứ tại chiến trường Ukraine. Người dân ở Mạc Tư Khoa đã trở lại cuộc sống bình thường tuy cửa hàng, công sở vẫn đóng cửa nghỉ thứ Hai (26/6) để tình hình lắng dịu hoàn toàn.

Tuy nhiên, một vụ “binh biến” như vậy chưa bao giờ có thể được hình dung sẽ xảy ra ở Nga, theo nhận định của ông Phi (tên đã được thay đổi vì lý do an toàn), sống từ hơn 30 năm qua ở Mạc Tư Khoa, khi trả lời Ban tiếng Việt của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 25/6:

“Sự kiện ngày hôm qua (24/6) thực sự là chưa bao giờ, không ai nghĩ tới bởi vì chuyện nội bộ thì mình không nói, nhưng chuyện kiểu như hôm qua, Wagner nổi dậy như thế thì không ai nghĩ tới bởi vì cùng nhau chiến đấu trên một mặt trận mà tự nhiên trở về phản lại như vậy. Dân thì không ai nghĩ tới chuyện đấy”.

1 Năm Biến Động và Khó Khăn

Sau hơn 1 năm Tổng thống Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” để “giải trừ tân phát xít” ở Ukraine, lần đầu tiên người dân ở Mạc Tư Khoa cảm thấy bạo lực ở sát sườn. Cũng vì “chiến dịch” này, từ hơn 1 năm qua, Nga chịu khoảng 10 đợt trừng phạt từ các nước phương Tây, bị cắt đứt giao thương, các tập đoàn phương Tây lần lượt rút khỏi thị trường Nga. Cuộc sống hàng ngày và công việc kinh doanh của cộng đồng người Việt bị tác động như nào từ 1 năm qua? Ông Phi cho biết:

“Tất nhiên là tác động rõ ràng, tác động rất là nhiều bởi vì nó hạn chế môi trường đi lại của người dân và tất cả mọi thứ. Nhưng nói chung người Việt mình chịu khó, khịu khổ quen rồi. Nói thật là có khó hơn một tí nhưng nhờ cái trí, cái khôn khéo của người Việt mình nên vẫn xoay sở được, người ta xoay theo chiều hướng đó. Hồi xưa có thể làm được nhiều hơn, nhưng bây giờ người ta làm ít hơn một chút nhưng cuộc sống vẫn thoải mái, vẫn còn hơn ở Việt Nam. Nói thực sự như vậy!

Còn đối với thị trường Nga rất rộng lớn, người dân cũng có khó thêm một chút, nhưng thực sự không đến nỗi như ở ngoài nói vào. Ở trong này mới biết là vẫn thoải mái. Vào cửa hàng, hàng hóa vẫn tràn lan, đầy thịt cá, cái gì cũng có. Sống thoải mái, không có vấn đề gì!”

Về việc truyền thông phương Tây đưa thông tin về tình trạng khan hiếm hàng hóa, những khó khăn của nền kinh tế Nga, ông Phi cho là một số thông tin nói quá sự thật:

“Tôi hay điện hỏi bạn bên Đức, chị em bên Pháp, nên vẫn biết tình hình ở bên Tây với bên Nga, trên thông tin đại chúng không giống nhau mà khác hẳn. Nói chung là bên kia nhiều khi đưa ra nhiều tin không chính xác, cứ đưa tin như thể để mị dân. Bên này cảm thấy bình thường thì bên kia cảm thấy ồn ào, không đúng với thực tế lắm. Người ở trong cuộc mới biết. Những ngày đầu tiên sau sự kiện, chỉ một tuần thôi là hàng hóa hơi khan hiếm. Bởi vì sao? Vì người dân sợ, đua nhau ôm hàng về nhà hết. Nhưng sau một tuần thì hàng hóa chất đầy trong cửa hàng, không ai mua. Lần đầu thì thế, nhưng sau đó hàng hóa trong cửa hàng thoải mái, không thiếu thứ gì”.

Thu Hẹp Kinh Doanh, Sản Xuất

Theo ông Phi, cộng đồng người Việt ở Nga rất đông, khoảng 80.000 đến 100.000 người, cao hơn nhiều con số thông kê chính thức. Hầu hết làm kinh doanh, lập công ty may mặc, nên ít nhiều gặp khó khăn:

“Về chính sách thì không có gì thay đổi. Người Việt ở Nga chủ yếu là buôn bán, nhưng hiện vấn đề đi lại rất khó, ở vùng xa. Người buôn bán phải hạn chế dòng vốn. Trước đây, người ta bỏ ra 10.000 Mỹ kim thì bây giờ chỉ bỏ ra 5.000 Mỹ kim để buôn bán, họ giữ lại 5.000 Mỹ kim để có việc gì thì phải lường trước được. Cho nên bây giờ buôn bán hạn chế lại, không mở rộng như trước. Ví dụ ngày xưa mở 4-5 cửa hàng thì bây giờ nghĩ đến mở lại khoảng 2 cửa hàng để mình vừa làm việc vừa tồn tại, để vượt qua khó khăn, chứ không thể tung ra một lần cả 5-6 cửa hàng. Đó là ví dụ về một khó khăn”.

Về phía các xưởng may mặc, ông Phi giải thích:

“Về may mặc, có người hồi trước có xưởng có 50 công nhân, thì giờ họ hạn chế còn 30 công nhân, giảm 20 công nhân để bớt chi phí. Nói chung để tồn tại, người ta vẫn tồn tại, nhưng để làm ra được nhiều như hồi xưa thì không có bởi vì tiêu thụ giảm. Đồng lương của người Nga có phần hạn chế nên họ tiêu thụ ít đi”.

Ông Phi nhớ lại hồi mới đến Nga, sản phẩm may mặc do người Việt sản xuất tại chỗ bán chạy. Ngoài những khó khăn gần đây do tác động từ chiến tranh, các công ty, xưởng may mặc của người Việt hiện còn phải chịu cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, tràn lan thị trường:

“Bây giờ Trung Quốc và Nga mở cửa nên hàng Trung Quốc sang thoải mái, không thiếu gì hết. Trước đây dân Nga có thể mua một cái áo, cái quần mặc một vài năm, nhưng bây giờ họ không như thế, họ chạy theo mốt. Có thể mùa Xuân họ mua cái áo này, mùa đông người ta mua áo khác mặc. Hồi xưa chất lượng vải quần áo kém giờ chất lượng cao lên, chứ không như ngày xưa nữa.

Bây giờ mình (người Việt ở Nga) với Trung Quốc vẫn cạnh tranh nhau nhưng người Việt thông minh ở chỗ, giả sử cùng một mặt hàng như vậy nhưng mầu sắc thay đổi khác nhau. Ví dụ một kiểu áo có 5 mầu, nhưng 5 mầu đó chỉ bán được ở Trung Quốc, còn ở Nga chỉ bán chạy được 3 mầu, thì không thể đưa từ Trung Quốc đủ cả 5 mầu sang Nga trong khi chỉ bán chạy được 3 mầu. Trong khi người Việt Nam thì chỉ may ra 3 mầu bán chạy, làm ra là bán hết ngay lập tức. Người Việt thông minh ở chỗ ấy, ở bên này phải có những kinh nghiệm như thế”.

Khó Khăn Trong Di Chuyển Quốc Tế

Một khó khăn khác được ông Phi nhắc đến là việc đi lại giữa Nga và Việt Nam:

“Hồi xưa bay thẳng từ Mạc Tư Khoa về Việt Nam chỉ mất 9 tiếng thôi, nói chung rất là thuận lợi với giá cả rất rẻ đối với người Việt, đi về chỉ mất khoảng 1.000 Mỹ kim. Bây giờ đi lại vẫn thuận lợi, nhưng giá cả tăng lên vì phải đi qua một công ty vận tải khác của ngoại quốc, của UAE (Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), phải dừng ở Dubai, hoặc đi Qatar về Việt Nam, nên giá cả tăng, bây giờ lên đến tận 1.500 Mỹ kim. Khó khăn cho người Việt là mỗi khi đi về mất đến 18 tiếng nên không thuận tiện như hồi trước chỉ mất 9 tiếng”.

Do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, giữa Matxcơvà và Hà Nội hiện không còn đường bay thẳng. Tuy nhiên, tại hội thảo “Các biện pháp tháo gỡ khó khăn, trở ngại trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Nga trong điều kiện mới” diễn ra ngày 15/05 tại Mạc Tư Khoa, kế hoạch bay thẳng Irkutsk-Hà Nội từ ngày 04/6 đã được nhắc đến. Công ty hàng không Irkustk (IrAero) của Nga đang nghiên cứu các đường bay giữa các thành phố phía Đông của Nga và Nha Trang.

Theo trang web của Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Nga, Ðại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh thời điểm hiện nay là cơ hội đẩy mạnh đầu tư tại Nga. Hai nước cần khẩn trương khai triển những biện pháp như về phương thức thanh toán, vận tải… để tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Giá trị xuất-nhập cảng hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,6 tỉ Mỹ kim, giảm 50% so với con số 7,1 tỉ Mỹ kim trong năm 2021. Tình hình các tháng đầu năm 2023 vẫn không khả quan. Thương mại song phương phục hồi chậm: 4 tháng đầu năm đạt 1,01 tỉ Mỹ kim, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Hơn 1 năm đầy biến động và khó khăn, cuộc sống tại Nga có nhiều thay đổi, nhưng ông Phi vẫn tin có thể tích góp để gửi về xây dựng Việt Nam.

“Tôi sống ở bên Nga 30 năm rồi. Người Việt như chúng tôi coi nước Nga như là tổ quốc thứ hai. Số người Việt ở bên Nga là rất đông, gần 80-100 ngàn người. Người ta vẫn sống thoải mái. Người ta cảm giác rằng môi trường đó so với Việt Nam, người dân mình ở đây vẫn sống được, làm ra tiền để gửi về tổ quốc, để xây dựng tổ quốc. Cho nên môi trường vẫn là tốt, nói thực sự như thế. Người Việt ở Nga so với người ở Việt Nam thì mức sống chênh lệnh rất là xa”.

Không có nhận xét nào: