Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Uẩn khúc quanh mồ anh em Ngô Đình Diệm - Phanxipăng


Chân dung Ngô Đình Diệm trên bìa tờ Time ra ngày 4-4-1955
Ngô Đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1955 – 1963, cùng hai em ruột Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn được an táng ở những nơi nào? Phải chăng các nấm mồ ấy đang phong kín lắm điều kỳ bí? Ngô Đình Khả (1857-1923) là phụ chính thân thần vào thời Nguyễn, từng giữ chức Thượng thư Bộ Lễ, từng làm Chưởng giáo / Hiệu trưởng đầu tiên của trường Quốc Học ở Huế. Ông Khả cùng với Thượng thư Bộ Công rồi Thượng thư Bộ Lại kiêm Bộ Hộ là Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) bộc lộ thái độ cương quyết trước giặc Pháp khiến dân Việt truyền tụng: Phế vua, không Khả; đào mả, không Bài. Hai gia đình đại quan này lại có quan hệ thông gia.
<!>
Ngô Đình Khả cưới Phạm Thị Thân năm Kỷ Sửu 1889, lần lượt sinh 9 con, gồm 6 trai và 3 gái. Trước khi đề cập đến nơi an nghỉ nghìn thu của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, bài viết này giới thiệu mấy dòng về 6 người kia.

Ngô Đình Diệm (thứ hai từ trái sang) cùng gia quyến

Ngô Đình Khôi chào đời năm Quý Tị 1893, là trưởng nam của Ngô Đình Khả. Ông Khôi lấy Nguyễn Thị Giang – trưởng nữ của Nguyễn Hữu Bài – sinh một trai duy nhất Ngô Đình Huân. Tháng 8-1945, cả hai cha con bị Việt Minh bắt, đưa ra làng Hiền Sỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, xử tử ngày thứ năm 6-9-1945 nhằm ngày 1 tháng 8 năm Ất Dậu.


Phanxipăng thăm mộ Ngô Đình Khả, Ngô Đình Khôi & Ngô Đình Huân trên đường Đoàn Hữu Trưng, phường Phước Vĩnh, TP. Huế. Ảnh: Tôn Nữ Cẩm Nhung

Ngô Thị Giao chào đời năm Giáp Ngọ 1894. Lấy Thừa phái Trương Đình Tùng, nên Ngô Thị Giao được gọi mụ Thừa Tùng, sinh 9 con, gồm 5 gái, 4 trai. Mụ Thừa Tùng mất năm Bính Tuất 1946, an táng tại nghĩa trang Mến Thánh Giá, gần khu vực Chín Hầm, ở xã Thủy An, thành phố Huế.

Nữ tu Maria Mađalêna Trương Thị Lý viếng mộ cha mẹ là Trương Đình Tùng và Ngô Thị Giao. Ảnh: Phanxipăng

Ngô Đình Thục chào đời năm Đinh Dậu 1897, tu sĩ Kitô giáo, được thụ phong linh mục, giám mục, tổng giám mục, từng làm việc ở Việt Nam, Roma và châu Phi. Ông Thục mất năm Giáp Tý 1984 tại Hoa Kỳ.

Ngô Thị Hiệp chào đời năm Quý Mão 1903, lấy ông Nguyễn Văn Ấm, nên được gọi mụ Ấm, sinh 9 con, gồm 4 trai, 5 gái, trong đó có hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002). Mất năm Ất Dậu 2005 tại Australia, mụ Ấm được chôn trong nghĩa trang Rookwood tại thành phố Sydney của nước ấy.


Mộ chồng Nguyễn Văn Ấm, vợ Ngô Thị Hiệp, con gái Nguyễn Thị Hàm Tiếu tại Sydney, Úc

Ngô Thị Hoàng chào đời năm Giáp Thìn 1904, lấy thầu khoán Nguyễn Văn Lễ, nên thường được gọi mụ Cả Lễ, sinh một con gái độc nhất là Nguyễn Thị Anh kết hôn với luật sư Trần Trung Dung – Bộ trưởng Quốc phòng thời Ngô Đình Diệm làm Tổng thống. Mụ Cả Lễ mất năm Kỷ Hợi 1959, an táng gần khu vực Chín Hầm.


Mộ mụ Cả Lễ nhũ danh Ngô Thị Hoàng. Ảnh: Phanxipăng

Ngô Đình Luyện chào đời năm Giáp Dần 1914, có bằng kỹ sư do École centrale Paris (ECP) cấp, lấy hai chị em ruột người Sài Gòn. Năm 1963, lúc Ngô Đình Diệm từ trần, ông Luyện làm đại sứ Anh quốc. Tạ thế năm Mậu Thìn 1988, ông Luyện được chôn trong nghĩa trang Montrouge tại Paris, thủ đô nước Pháp
.

Mộ Ngô Đình Luyện trong nghĩa trang Montrouge tại Paris, Pháp. Ảnh: Nguyễn Văn Tiên

Mộ Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu

Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu chào đời ở Huế: anh, năm Tân Sửu 1901; em, năm Đinh Mùi 1907.


Năm 1957, tại Ban Mê Thuột / Buôn Ma Thuột, sau lưng Tổng thống Ngô Đình Diệm, từ trái qua phải có Ngô Đình Thục, Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Nhu. Ảnh của tạp chí Life

Trưa thứ sáu 1-11-1963, tại Sài Gòn, bùng nổ cuộc đảo chính do trung tướng Dương Văn Minh cầm đầu. Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng cố vấn Ngô Đình Nhu rời dinh Gia Long, lẩn trốn ở khu vực Chợ Lớn. Hôm sau, hai anh em bị áp giải trong thiết vận xa M113 về Bộ Tổng tham mưu, giữa đường thì gục chết vì đại úy Nguyễn Văn Nhung bắn.

Bài Kể chuyện dời mộ ở Sài Gòn nhân lễ Vu Lan của Phạm Cường công bố trên báo điện tử VietnamNet ngày 18-8-2005 có đoạn: “Sau khi bị lực lượng đảo chính giết vào tháng 11-1963, hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi”.

Viết thế chưa chính xác.

Lúc 11 giờ 15 thứ bảy 2-11-1963, người ta chuyển thi hài Diệm và Nhu vào Bộ Tổng tham mưu. Đến 17 giờ 30 cùng ngày, đưa xác tới Bệnh viện Saint Paul để hãng Tobia tẩm liệm, dự định an táng trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trưa ngày 3-11-1963. Tuy nhiên, kế hoạch đó chẳng thể thực hiện, vì đông đảo dân chúng tìm cách đoạt xác Diệm và Nhu để tế lễ bao con người phải bỏ mình bởi chế độ độc tài gian ác.

1 giờ rưỡi sáng chủ nhật 3-11-1963, lợi dụng giới nghiêm, Hội đồng Quân nhân kín đáo chuyển hai quan tài chứa Diệm và Nhu về Bộ Tổng tham mưu, quàn trong phòng họp đại đội Tổng hành dinh. Ngày 6-11-1963, áo quan Ngô Đình Nhu xì hơi rất khó chịu. Theo đề nghị của ông bà Trần Trung Dung, trung tướng Dương Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng – ký công văn đồng ý tạm chôn Diệm và Nhu tại khoảng đất trong trại Trần Hưng Đạo. Đó là địa điểm kề lăng Võ Tánh, mé bên phải mộ ông Lê Văn Phong (bào đệ của Tả quân Lê Văn Duyệt), phía sau chùa Hưng Quốc, thuộc quận Phú Nhuận. 20 giờ 8-11-1963, với sự hiện diện của ông bà Trần Trung Dung, linh mục Claude Large – đại diện Tòa Khâm mạng Sài Gòn – và ủy ban kiểm soát, hai quan tài được đưa đến hai huyệt đã xây sẵn kim tĩnh. Hai mộ được tô đá rửa, phía trước có sân tráng xi măng, chung quanh có hàng rào kẽm gai và một vọng gác thường trực.

Những chi tiết vừa nêu được rút từ Tài liệu sơ lược về hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu sau khi chết ngày 2-11-1963 lúc 11 giờ 15 đến ngày an táng 8-11-1963 lúc 21 giờ 00 do giới hữu trách quân đội đương thời lập. Hồ sơ này có nhiều tấm hình đính kèm; văn bản được đăng trọn vẹn trong sách Làm thế nào để giết một tổng thống của Cao Vị Hoàng và Lương Khải Minh (Đinh Minh Ngọc xuất bản, Sài Gòn, 1971).

Lần đầu chôn Ngô Đình Diệm & Ngô Đình Nhu trong trại Trần Hưng Đạo, kề lăng Võ Tánh, quận Phú Nhuận, Sài Gòn, tối 8-11-1963

Ngày 2-1-1964, bà Phạm Thị Thân trút hơi thở cuối cùng tại Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi. Bà Thân được an táng trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, quận 1, Sài Gòn.

Ít lâu sau, hài cốt Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được dời tới nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, vùi nông hai nấm. Chưa tìm thấy những dòng tường thuật khả tín cùng hình chụp cảnh tượng bốc mả, song một số kẻ vẫn đoán rằng quân đội đã dùng phương tiện cơ giới xeo hai kim tĩnh – mỗi kim tĩnh có kích cỡ 1,2 x 1,3 x 2,5m được xây bằng gạch với ximăng – rồi đưa đến đây, lấp xuống đất. Hoặc người ta khênh nguyên hai quan tài, đoạn đưa vào nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi và chôn, chứ chẳng hề tháo hòm ra. Cớ sao suy nghĩ vậy?

Năm 1984, chính quyền giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nhằm xây dựng công viên Lê Văn Tám. Ai lo việc cải táng mộ bà Thân và Diệm lẫn Nhu? Mụ Luyến – họ tên thật Nguyễn Thị Sách (1902-1996), gọi bà Thân bằng dì ruột – bảo cháu rể T. Đ. Sơn phụ trách. Sơn lấy Nguyễn Thị Kinh – con gái ông bà Thận, mà bà Thận là em ruột mụ Luyến và cũng gọi bà Thân bằng dì ruột – nên hai vợ chồng Sơn gọi Phạm Thị Thân bằng bà, gọi Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bằng cậu. Cùng đảm nhiệm việc cải táng, còn có nữ tu Trương Thị Lý – con ông Trương Đình Tùng với bà Ngô Thị Giao – và linh mục Lê Văn Thí.

Sách Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm của Vĩnh Phúc (NXB Văn Nghệ, California, 1998) ghi chép sự việc xảy ra cuối tháng 9-1984: “Khi khai quật, hai cái hòm còn nguyên. Cái hòm ông Diệm vì là hòm Mỹ, rất tốt, nên phải khó khăn mới mở được lớp bằng kẽm bên trong. Khi mở nắp quan tài, có thể nhận được ngay ai là người nằm trong đó, vì tất cả đều còn y nguyên và khô ráo không bị mục rữa (sau 21 năm liệm chôn). Chỉ có một lớp bụi dày phủ trên, còn quần áo, giày vớ vẫn nguyên. Cả đến sợi dây giày cũng không mục đứt. Lớp trà của nhà đòn Tobia ướp phía trên cùng vẫn còn. Hai thi hài còn nguyên, chỉ hơi tóp lại vì bị mất nước. Hai khuôn mặt vẫn có thể nhận ra được những nét chính. Mặt ông Nhu không tròn, dáng người cao. Mặt ông Diệm tròn, dáng mập. Bộ complet của ông Nhu màu giữa xanh đậm và đen, có lẽ trở nên sậm vì thời gian và bụi bẩn. Bộ của ông Diệm lợt hơn”.

Mộ Ngô Đình Diệm trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, quận 1, Sài Gòn

Di hài bà mẹ Phạm Thị Thân cùng hai con Diệm và Nhu được dời đến nghĩa trang Lái Thiêu. Song, mấy ngôi mộ ấy vẫn còn bao vấn đề khuất kín.

Mộ Ngô Đình Cẩn

Bấy lâu nay, nhiều thư tịch ghi năm sinh của Ngô Đình Cẩn là 1911. Thế nhưng, sổ rửa tội còn lưu tại giáo xứ chánh tòa Phủ Cam ở Huế lại đề: Ngô Đình Cẩn chào đời ngày 1-11-1910. Tính theo âm lịch, đó là ngày 30 tháng 9 Canh Tuất.


Họ tên Ngô Đình Cẩn trong sổ rửa tội năm 1910 tại nhà thờ chánh toà Phủ Cam, Huế. Ảnh: Phanxipăng

Các con trai của ông Ngô Đình Khả đều được học hành quy củ, ngoại trừ Cẩn. Vào trường Pellerin, gần ga xe lửa Huế, Cẩn học đến lớp 3 thì nghỉ. 13 tuổi, mất cha. Năm 1954, Quốc trưởng Bảo Đại ủy nhiệm Ngô Đình Diệm chức Thủ tướng. Tháng 12-1955, Diệm lên ngôi Quốc trưởng, đoạn chuyển thành Tổng thống. Tháng 4-1956, Tổng thống Diệm phong Cẩn chức “Cố vấn chỉ đạo các đoàn thể cách mạng trong và ngoài nước”. Tháng 9 năm ấy, Cẩn ra lệnh sửa chữa mấy kho cũ do Pháp từng lập để chứa súng đạn ở khu vực Chín Hầm, biến nên ngục tù dã man tàn nhẫn. Quá nhiều trường hợp vô tội cũng bị tống vào Chín Hầm, không ít người thiệt mạng. Chịu đựng giam cầm tại Chín Hầm suốt 2 năm ròng, từ tháng 11-1961 đến tháng 11-1963, Nguyễn Dân Trung đã sáng tác truyện thơ Sống trong mồ (NXB Văn Học, Hà Nội, 1973 – NXB Hội Nhà Văn tái bản, Hà Nội, 2002). Ngày 16-12-1993, Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Chín Hầm là di tích lịch sử quốc gia.

Cũng tại thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế, cách Chín Hầm non 1km, từ năm 1956, Ngô Đình Cẩn xây sẵn sinh phần cho mình với biệt thự bê tông cốt sắt hai tầng, hồ bán nguyệt, thủy tạ, giả sơn.


Hiện trạng sinh phần tại Huế của Ngô Đình Cẩn. Ảnh: Phanxipăng

Ngày 2-11-1963, Đài Phát thanh Sài Gòn loan tin vắn: “Anh em ông Diệm bị bắt tại Chợ Lớn, và đã tự tử”. Ấy là nội dung thông báo của Hội đồng Quân nhân vừa thực hiện cuộc đảo chính. Dư luận xôn xao: lẽ nào Diệm với Nhu – hai con chiên ngoan đạo – lại tự sát? Chiều tối hôm đó, tại Huế, Ngô Đình Cẩn rời nhà riêng, đến ẩn núp trong Dòng Chúa Cứu Thế. Sáng chủ nhật 3-11-1963, Cẩn xin Tòa Lãnh sự Mỹ cư trú chính trị. Đại sứ Henri Cabot Lodge ra lệnh trao Cẩn cho quân đảo chính. Ngày 6-11-1963, Cẩn bị áp giải vào giam tại khám Chí Hòa, Sài Gòn. Ngày 20-4-1964, Tòa án quân đội tuyên: phạm tội cố sát, mưu sát, bắt giam người trái phép, sách thủ tiền tài và lũng đoạn kinh tế quốc gia, Ngô Đình Cẩn phải chịu tử hình. Quốc trưởng Dương Văn Minh bác đơn xin ân xá của Cẩn bằng sắc lệnh ký ngày 5-5-1964.

Ngô Đình Cẩn thụ án tại khám Chí Hòa ngày nào? Soạn sách Tử ngục Chín Hầm & những điều ít biết về Ngô Đình Cẩn (NXB Thuận Hóa, Huế, 2006), Dương Phước Thu ghi: ”Bản án tử hình Ngô Đình Cẩn được thi hành ngày 11-5-1964”. Thế nhưng, nhiều tài liệu khả tín lại khẳng định Cẩn lĩnh đạn chiều 9-5-1964. Một số người được phép chứng kiến cảnh bạo chúa miền Trung ra pháp trường, trong đó có cháu ruột là Nguyễn Thị Anh – con của Nguyễn Văn Lễ và Ngô Thị Hoàng. Thấy cháu nhỏ lệ, Cẩn nói: “Không có chi đáng buồn mà khóc lóc. Cậu chẳng oán thán gì hết. Làm chính trị thì phải biết có ngày như thế này”.

Trong khám Chí Hoà, ngày 9-5-1964, linh mục Jean Baptiste Lê Văn Thí làm phép xức dầu cho Ngô Đình Cẩn trước khi ra pháp trường

Xác Cẩn được chôn tại nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế, cạnh Bộ Tổng tham mưu. Cuối năm 1984, cải táng mộ Cẩn về nghĩa trang Lái Thiêu. Bãi tha ma này không nằm trên địa bàn TP. HCM như Dương Phước Thu (sđd) nhầm tưởng. Đây vốn là nghĩa trang Quảng Đông ở xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương; nay gọi nghĩa trang Lái Thiêu số 6B thuộc xã Bình Hòa, huyện Thuận An (1), tỉnh Bình Dương.
_________________
(1) Theo nghị quyết 04/NQ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 13-1-2011, huyện Thuận An trở thành thị xã Thuận An.

Tréo ngoe bi ký

Tại nghĩa trang Lái Thiêu ở tỉnh Bình Dương, mộ Ngô Đình Cẩn nằm cùng hàng ngang và cách mộ mẹ với mộ hai anh ruột chỉ quãng ngắn. Tấm bia đá gắn nơi mộ có khắc: Jean Baptiste Can mất năm 1965. Từ Can gần đây được trổ thêm dấu, thành Cẩn. Song năm mất không phải 1965, mà chính xác là năm 1964. Người bà con nào đấy bị nhầm lẫn ư? Chưa chắc!


Mộ Ngô Đình Cẩn hiện nay tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Phanxipăng

Ba ngôi mộ của phu nhân Ngô Đình Khả và hai con Diệm, Nhu được xây cùng kiểu, nom nhỏ nhắn, đơn sơ. Ai lần đầu ghé đến đây, nếu không nhờ “thổ dân” hướng dẫn, e tìm suốt ngày cũng chẳng thấy.

Mộ bà mẹ ở giữa, bia đá đề: Luxia Phạm T. Thân mất ngày 2-1-1964. Lạ lùng thay, bia chẳng ghi năm và nơi sinh, nơi mất!

Bia đá trên mộ Ngô Đình Diệm: Gioan Baotixita Huynh mất ngày 2-11-1963. Bia đá trên mộ Ngô Đình Nhu: Giacôbê Đệ mất ngày 2-11-1963. Sở dĩ bia không thể hiện rõ họ tên vì thân nhân của người khuất bóng đề phòng những bất trắc dễ xảy ra: biết đâu hiện nay vẫn còn lắm kẻ căm thù sâu sắc mấy anh em nhà Ngô, nhỡ họ mạnh tay phá hoại tử phần thì quá ư… khó khắc phục hậu quả!

Mộ Ngô Đình Diệm, Phạm Thị Thân, Ngô Đình Nhu (phải qua trái) tại Thuận An, Bình Dương, ngày 21-10-2006. Ảnh: Phanxipăng

Sau thời gian dài, bốn nấm mồ chẳng bị tác động gì xấu, một số người đề nghị chỉnh sửa bia cho thật chính xác. Năm 2005, hai tấm bia đá mới được ốp lên. Bia kia ghi: Ông Ngô Đình Diệm mất ngày 2-11-1963. Bia nọ đề: Ông Ngô Đình Nhu mất ngày 2-11-1963. Ít lâu sau, chính quyền yêu cầu giở bỏ bia mới, chỉ giữ lại bia cũ, với lời giải thích: “Tránh phiền phức!”.

Thật sự, người nhà họ Ngô còn lo “hơi bị” xa. Lúc cải táng về Bình Dương, T. Đ. Sơn tìm cách đánh tráo tên: cụ thể là mộ có bia Huynh lại chôn Ngô Đình Nhu, người em; và ngược lại, mộ được gắn bia Đệ lại chôn Ngô Đình Diệm, người anh. Đích thân Sơn thổ lộ điều bí mật này với Vĩnh Phúc. Nhận thấy cần làm sáng tỏ sự thật, Vĩnh Phúc cố gắng thuyết phục. Được Sơn đồng ý, Vĩnh Phúc “bật mí” chi tiết thầm kín đó trong cuốn Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm (sđd).

Kể ra, chỉ ba ngôi mộ liền kề, sự hoán đổi tên chắc chắn chẳng tránh khỏi nguy cơ bị tan tành nếu xuất hiện trận đòn thù. Thực tế cho thấy suốt mấy thập niên tọa lạc trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi rồi nghĩa trang Lái Thiêu, mồ bà Thân và Diệm lẫn Nhu vẫn lành lặn. Thỉnh thoảng, người dưng còn quét tước, thắp nhang, cắm hoa nữa. Điều đó chứng tỏ dân Việt ngày nay lắng lòng, tĩnh trí, từ tâm. Vả, Ngô Đình Diệm cùng các anh em ruột của mình đã, đang và sẽ chịu sự phê phán nghiêm minh của công luận. Vậy nên chăng quy hoạch rẻo đất riêng để chôn những nhân vật lịch sử này, đồng thời dựng nhà kề cận trưng bày tư liệu cần thiết liên quan, nhằm tạo điểm viếng thăm hữu ích đối với hậu thế? ♥

Phanxipăng thăm mộ Pham Thị Thân, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu tại Bình Dương ngày 24-9-2011. Ảnh: Trần Ngọc Đại Dương

● Phanxipăng

Đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 711 (13-11-2006) & 712 (20-11-2006)





Không có nhận xét nào: