Ông Trump và ông Biden lên tiếng về “binh biến” tại Nga Mới đây đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, những người đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024, đã có bình luận về cuộc “binh biến” diễn ra ở Nga vào cuối tuần qua. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm thứ Hai (26/6), Mỹ và NATO không liên quan đến cuộc nổi dậy của lính đánh thuê Tập đoàn Wagner. Ông cho rằng còn “quá sớm” để đánh giá tác động đối với cuộc chiến Ukraine.
<!>
Ông Biden cho biết đã có một cuộc gọi điện video với các đồng minh vào cuối tuần qua, tất cả đã làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng ông Putin không có lý do gì để đổ lỗi điều này cho phương Tây hoặc NATO.
“Chúng tôi đã làm rõ rằng chúng tôi không liên quan. Chúng tôi không liên quan gì đến việc đó. Đây là một phần của cuộc đấu tranh nội bộ trong hệ thống Nga”, ông Biden nói.
Ông Biden cũng đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về vấn đề này vào cuối tuần qua, cũng dự định nói chuyện lại vào cuối ngày thứ Hai hoặc đầu ngày thứ Ba.
“Tôi đã nói với ông ấy rằng dù bất kỳ điều gì xảy ra ở Nga, nước Mỹ chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ phòng vệ và chủ quyền, cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, ông Biden nói.
Ông cho hay chính quyền của ông Putin đã gặp phải thách thức lớn nhất và tình hình vẫn đang thay đổi, “Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá hậu quả của những sự kiện cuối tuần qua và các tác động của nó ở Nga và Ukraine. Nhưng còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác vụ việc này sẽ đi về đâu”.
Trong một tuyên bố ghi âm dài 11 phút, thủ lĩnh Wagner Prigozhin miêu tả rằng ông làm “biểu tình” chứ không phải đảo chính, và đoàn xe vũ trang —như từng được chứng kiến thậm chí có cả các dàn tên lửa phòng không— là “diễu hành công lý” (march for justice), là để chính thức giao nộp vũ khí, chứ không phải binh biến, v.v.
Trên mạng xã hội Truth hôm 24/6, ông Trump nói: “Một mớ hỗn độn lớn ở Nga, nhưng hãy cẩn thận với những gì bạn mong muốn. Điều tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn nhiều!”.
Ông Trump, người đang tìm kiếm đề cử của Đảng Cộng hòa cho chức ứng viên tổng thống năm 2024, cho biết ông sẽ chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ nếu giành lại Nhà Trắng. Gần đây ông Trump cũng tiết lộ, nhiều năm trước đã nói với ông Putin rằng nước Nga sẽ “trả giá đắt” nếu xâm lược Ukraine.
Reuters: NATO nói Nga suy yếu, và NATO tiếp tục tăng cường bảo vệ Kyiv khỏi đe dọa của Nga
Trong chuyến thăm Litva, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng binh biến của Prigozhin cho thấy Nga đã suy yếu rồi, theo Reuters đưa tin. Nhưng mặc kệ là Nga yếu hay mạnh, thì sự tồn tại của Nga đều là lý do khiến NATO tiếp tục tăng cường cho Kyiv. “Nếu Nga nghĩ rằng họ có thể đe dọa chúng tôi ủng hộ Ukraine, thì họ sẽ thất bại,” ông nói. “Chúng tôi sát cánh với Ukraine cho đến chừng nào còn khả dĩ.”
Theo ông Stoltenberg thì Nga đã suy yếu rồi. “Các sự kiện cuối tuần qua là vấn đề nội bộ của Nga,” ông nói. “Tất nhiên, đó là một minh chứng cho sự yếu kém. Điều đó cho thấy sự mong manh của chế độ Nga nhưng NATO không can thiệp vào những vấn đề đó, đó là vấn đề của Nga.”
Vấn đề vũ khí hạt nhân cũng được ông đề cập đến, “Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng NATO vẫn cảnh giác,” ông nói và cho biết thêm khả năng răn đe của NATO đủ mạnh để giữ an toàn cho người dân trong một “thế giới nguy hiểm hơn.”
Phe Nga vẫn coi việc NATO mở rộng về phía Đông là đe dọa an ninh của Nga, và chỉ ra rằng Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Châu Âu nhiều năm rồi. NATO cho rằng họ cần tăng cường quân sự và để đề phòng Nga, bất chấp Nga yếu hay mạnh. NATO cũng tuyên bố đề phòng vũ khí hạt nhân của Nga dù có bằng chứng Nga có dùng chúng hay là không.
Tháng 7 tới NATO sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh tại Litva. Ông Stoltenberg có khả năng sẽ được đề nghị ở lại làm tiếp chức vụ người lãnh đạo cao nhất của NATO thêm một thời gian nữa.
Litva kêu gọi NATO tăng cường nếu thấy Prigozhin xuất hiện ở Belarus
Tổng thống Litva Gitanas Nausea hôm Chủ Nhật cảnh báo rằng một khi Belarus dám chứa chấp thủ lĩnh Prigozhin, thì NATO cần tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông của nước này để “bảo đảm an ninh” cho biên giới Litva tiếp giáp với Belarus, theo VOA đưa tin. NATO từ lâu vẫn dùng lý do e sợ Nga để biện minh cho các leo thang quân sự của mình. Lần gần đây nhất, Thụy Điển —quốc gia cách Nga qua 1 nước Phần Lan trung gian— đã tuyên bố muốn gia nhập NATO vì sợ bị Nga tấn công. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên có lời kêu gọi NATO tăng cường quân sự vì một nhóm lính đánh thuê.
“Nếu ông Prigozhin hoặc một phần của nhóm Wagner tới Belarus với những kế hoạch và ý định không rõ ràng, điều đó chỉ có nghĩa là chúng tôi cần tăng cường hơn nữa an ninh ở biên giới phía đông của chúng tôi,” Tổng thống Litva Gitanas Nausea nói với các phóng viên. “Mà tôi không chỉ nói về Litva ở đây, mà chắc chắn là toàn bộ NATO.”
WSJ: Washington hoãn lệnh trừng phạt Wagner vì Hoa Kỳ muốn tỏ ra trung lập — Trong khi “binh biến” đang diễn ra thì Wagner được Hoa Kỳ tạm hoãn lệnh trừng phạt (theo WSJ) và được báo chí phương Tây gọi là “chiến binh vì tự do”.
Theo kế hoạch, tháng 7 tới sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh của NATO tại Litva.
Ông Prigozhin tối hôm Thứ Sáu đã làm “binh biến” ở Nga, và truyền thông phương Tây đưa tin rất nhiều. Nhưng đột nhiên ông đã hủy bỏ cuộc nổi dậy của mình và tuyên bố nhận lời đi lưu vong ở Belarus, sau khi Tổng thống Belarus đứng ra hòa giải.
Thủ tướng Moldova: Cuộc binh biến của Nga cho thấy sự yếu kém của Moscow
Ngày 26/6, Thủ tướng Moldova nhận xét, cuộc binh biến bỏ dở ở Nga đã phơi bày điểm yếu của Moscow, và sự can thiệp của Điện Kremlin vào đất nước của ông đang ngày càng kém hiệu quả hơn.
Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nằm giữa Ukraine và Romania đã nhiều lần cáo buộc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của họ, đặc biệt là về khu vực ly khai Transdniestria – cáo buộc mà Nga bác bỏ.
Thủ tướng Dorin Recean nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Những gì chúng ta chứng kiến trong những ngày gần đây là một dấu hiệu rõ ràng về sự yếu kém của giới lãnh đạo Nga và cách quản lý quân đội của Nga.”
Phát biểu tại Zurich trước cuộc họp của Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu ở nước láng giềng Liechtenstein để chuẩn bị ký một hiệp định thương mại tự do, ông nói: “Nga yếu hơn nhiều so với những gì mọi người tưởng tượng.”
Thủ lĩnh lính đánh thuê người Nga Yevgeny Prigozhin đã gây chấn động thế giới khi lãnh đạo cuộc nổi dậy vũ trang hôm 23/6, rồi đột ngột hủy bỏ khi các chiến đấu cơ của ông tiếp cận gần Moscow, sau khi bắn hạ một số máy bay mà không gặp phải sự kháng cự nào trên mặt đất.
Ông Recean cho hay, các sự kiện này có thể thúc đẩy tinh thần cho Ukraine phản kháng cuộc xâm lược của Nga. “Điều quan trọng là phải có nhiều cam kết hơn nữa từ phương Tây trong việc cung cấp cho Ukraine những gì nước này cần để bảo vệ đất nước và đẩy quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ,” ông lưu ý thêm.
Chính phủ Moldova – vốn hy vọng sẽ gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2030 – đã cáo buộc Nga tiến hành một loạt nỗ lực nhằm phá hoại an ninh của nước này, bao gồm âm mưu đảo chính, đánh bom lừa đảo, tấn công mạng internet và kêu gọi nhập ngũ giả.
Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Moldova về việc kích động tình trạng bất ổn.
Ông Recean khẳng định Moldova vẫn tiếp tục là mục tiêu của Nga, mặc dù các chiến dịch của nước này đang trở nên kém hiệu quả hơn.
“Chúng tôi không cảm thấy rằng Nga đang rút lui hoặc giảm bớt cường độ. Chỉ là các tổ chức của chúng tôi đã cải thiện khả năng của họ để chống lại cuộc chiến hỗn hợp này của Nga.”
Về lâu dài, việc giải quyết tranh chấp Transdniestria rất có thể phụ thuộc vào việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, ông nói thêm.
Hàng trăm binh sĩ Nga đã đóng quân tại mảnh đất chạy dọc biên giới phía Đông của Moldova với Ukraine kể từ sau cuộc chiến giữa phe ly khai thân Nga và lực lượng chính phủ Moldova sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.
“Trước hết, Moldova sẽ giải quyết vấn đề Transdniestria này một cách hòa bình,” ông Recean nhấn mạnh. “Đây là điều cơ bản.”
“Điều đầu tiên là phi quân sự hóa khu vực nơi quân đội Nga đồn trú bất hợp pháp. Điều này rất có thể sẽ xảy ra khi người Nga bị đẩy ra khỏi Ukraine.”
EU và Meta thống nhất tiến hành việc kiểm tra nội dung trực tuyến
Liên minh châu Âu (EU) và hãng công nghệ Meta đã nhất trí tiến hành một cuộc kiểm tra vào tháng 7 tới đây, trước khi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số có hiệu lực, theo hãng tin Reuters.
Được biết, việc kiểm tra nội dung trực tuyến nói trên nhằm mục đích xác minh việc các nền tảng mạng xã hội của Meta tuân thủ các quy định mới của EU. Cuộc kiểm tra sẽ diễn ra tại trụ sở của Meta ở EU đặt tại Dublin.
Có hiệu lực từ ngày 25/8 tới, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số cấm một số hình thức quảng cáo mục tiêu trên các nền tảng mạng như quảng cáo nhắm đến đối tượng trẻ em hoặc sử dụng các phân loại đặc biệt về dữ liệu cá nhân như sắc tộc, quan điểm chính trị và xu hướng tình dục để phát quảng cáo mục tiêu.
Việc vi phạm các quy định của Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số có thể khiến các công ty công nghệ lớn đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm và nếu vi phạm kéo dài sẽ bị cấm hoạt động trên lãnh thổ EU.
Trước đó, vào tháng 5, Meta Platforms đã thua trong cuộc chiến pháp lý khi Tòa sơ thẩm châu Âu phán quyết việc EC yêu cầu thông tin liên quan đến cuộc điều tra về dữ liệu và thị trường trực tuyến của Facebook là hợp pháp.
Vụ kiện bắt đầu từ năm 2020 khi EC bắt đầu kiểm tra nền tảng bán hàng của Meta và cách nền tảng này sử dụng dữ liệu từ các ứng dụng. Meta tuyên bố đã hợp tác và bàn giao hơn 1 triệu tài liệu, nhưng đã kiện EC vào năm 2020 với lý do các yêu cầu dữ liệu có phạm vi rất rộng. Các cơ quan quản lý có thể yêu cầu những công ty cung cấp tài liệu đề cập đến một số từ khóa nhất định có nguy cơ bị phạt.
Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm châu Âu cho rằng nhà chức trách không thể buộc Meta giao nộp các hồ sơ có khả năng nhạy cảm mà không xem xét chi tiết. Theo đó, tòa ra phán quyết EC nên làm việc với Meta và lưu trữ thông tin trong một phòng dữ liệu ảo.
Trong phán quyết mới nhất, tòa án có trụ sở tại Luxembourg khẳng định, Meta Platforms Ireland chưa chứng tỏ được rằng yêu cầu cung cấp các tài liệu được xác định theo từ khóa tìm kiếm là vượt quá mức cần thiết. Tòa cũng tuyên bố Meta chưa chứng minh được rằng việc lập phòng dữ liệu ảo không đảm bảo được dữ liệu cá nhân nhạy cảm được bảo mật một cách nghiêm ngặt.
Yevgeny Prigozhin lên tiếng trở lại sau cuộc binh biến vũ trang bất thành
Thủ lĩnh quân sự Nga Yevgeny Prigozhin đã xuất hiện trở lại lần đầu tiên kể từ khi từ bỏ cuộc binh biến vũ trang của mình vào tối thứ Bảy, đưa ra một tuyên bố dài 11 phút đầy thách thức, trong đó ông bảo vệ cuộc nổi dậy của Wagner, tuyên bố rằng “xã hội đòi hỏi điều đó”.
Trong tuyên bố này, Prigozhin phủ nhận nhóm lính đánh thuê Wagner của ông đã tìm cách lật đổ Vladimir Putin và nói rằng, cuộc nổi dậy cho thấy có “những vấn đề nghiêm trọng về an ninh trên toàn bộ lãnh thổ của đất nước chúng ta“.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là lật đổ chế độ”, Prigozhin nói trong bản ghi âm được tải lên trang Telegram của Tập đoàn Concord của ông.
Một hình ảnh do Wagner chia sẻ, cho thấy một đoàn xe quân sự được cho là đã bị không kích trên đường tới Matxcơva.
“Chúng tôi dừng lại vào thời điểm đó, khi việc phải đổ nhiều máu là rõ ràng”, Prigozhin tiếp tục, mô tả tiến độ của đoàn xe quân sự đã tiến đến khoảng cách gần so với Matxcơva. “Đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng việc trình diễn những gì chúng tôi dự định làm là đủ. Quyết định rút lui của chúng tôi có hai yếu tố: Chúng tôi không muốn làm người Nga phải đổ máu. Thứ hai, chúng tôi đã tuần hành để thể hiện sự phản đối của mình”.
Prigozhin một lần nữa cáo buộc, Bộ Quốc phòng Nga đã nhắm bắn vào quân đội của ông bằng pháo binh, gọi đó là “ngòi nổ khiến chúng tôi phải rút lui ngay lập tức“.
Ông nói: “Mục tiêu của cuộc tuần hành là không cho phép [Bộ Quốc phòng] phá hủy tập đoàn quân sự tư nhân Wagner và buộc tội các quan chức đã phạm nhiều sai sót do hành động thiếu chuyên nghiệp của họ. Xã hội đòi hỏi điều đó”.
Prigozhin thừa nhận, binh lính của ông đã giết các phi công Nga trong cuộc nổi dậy, nói rằng họ “được yêu cầu thực hiện các cuộc tấn công chống lại lực lượng không quân, rất tiếc là không quân lại tấn công quân lính của chúng tôi bằng bom và tên lửa“.
Ông cũng tuyên bố rằng, cuộc xâm lược của binh sĩ Wagner vào Nga là một “lớp học cao cấp” về cách thức mà Matxcơva lẽ ra phải thực hiện cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi đã không đạt được mục tiêu chiếm Kyiv.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét