Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

Nhớ Ngày Lịch Sử Cận Đại, 17 Tháng 6, Tưởng Niệm Ngày Tang Yên Báy! & Những Bài Nhận Định Nóng “Ngọn Lửa Đấu Tranh Từ Cao Nguyên” và Tin Việt Nam Hôm Nay Theo Dòng Thời Sự - Le Văn Hải


Cận Sử: (Bài Học Cho Đảng CSVN Noi Theo) Gương Anh Hùng Chống Ngoại Xâm!


Không Quên Ngày Lịch Sử, 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 Đồng Chí Bị Xử Tử Chém Đầu! Tại Yên Báy!


NGÀY TANG YÊN BÁY
<!>

(Kính tặng hương hồn những liệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy)

*Đằng Phương

-Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Trong bình minh sương lạnh phủ âm thầm.
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt.
Toan lay tỉnh cả toàn dân nước Việt!
Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than.
Từ lưng trời, sương trắng rủ màn tang.
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Báy âu sầu và lặng lẽ,
Giữa mấy hàng gươm súng toả hào quang,
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài Danh Dự:
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ,
Vài cụ già đầu bạc lệ tràn rơi
Ngất người sau tiếng rú: Ối con ơi!
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khoé mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời,
Nhưng chỉ trong giây phút vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước.
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,
Éo le thay! muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến.
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến.
Sau cái nhìn chào non nước bi ai,
Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng.
“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng,
“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc,
Sau Đức Chính, đây là phiên Thái Học,
Anh nghiêng mình trước xác những anh em,
Rồi mĩm cười, Anh ngảnh mặt nhìn xem
Những kẻ đến quan chiêm đoàn liệt sĩ
Để từ biệt những bạn đồng tâm chí.
Tiếng tung hô bổng nổi, vang trời cao,
Nhưng liền theo Anh đã bị xô vào
Chiếc gươm máy giăng tay chào, lặng lẽ.
Đao xuống, đầu rơi, máu đào tung toé.
Người anh hùng nước Việt thôi còn đâu!
Lũ thực dân giám sát đứng nhìn nhau
Như trút sạch hết những đìều lo ngại
Và xoa tay chúng thở dài khoan khoái,
Trong rừng người ứa lệ, Nguyễn Thị Giang\
Nén nỗi đau như cắt xé can tràng\
Đứng ngơ ngác lặng người bên Hữu Cảnh.
Trong nắng sớm, gió căm hờn quát mạnh
Như thề cùng những tử sĩ anh linh
Vang dội cùng trên đất Việt điêu linh
Những tiếng thét uy hùng vì giống Việt.
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Như tan trong gió mạnh khóc vang rầm
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Cố lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
Thân anh hùng đã nát dưới ngàn cây
Nhưng tiếng hô còn phảng phất đâu đây,
Mười lăm năm sau ngày sầu Yên Báy,
Toàn thể giống Tiên Rồng cùng đứng dậy,
Cố đuổi loài tham bạo khỏi non sông,
Hơn hai năm đất Việt máu pha hồng
Mà chiến sĩ vẫn một lòng cương quyết
Thề tranh đấu đến khi nào nước Việt
Được hoàn toàn độc lập mới ngừng tay.
Thế là dòng máu vọt dưới trời mây
Một buổi sáng mười lăm năm về trước
Đã vẽ được cảnh anh hùng nguyện ước.
Đưa non sông ra khỏi chốn u trầm
Cả toàn dân nước Việt đến muôn năm
Vẫn ghi tạc trong tâm ngày hôm ấy,
Ngày hôm ấy, ôi! ngày tang Yên Báy!
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Xé nát màn sương lạnh phủ âm thầm,
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Đã lay tỉnh cả toàn dân nước Việt!


Chân Dung Lãnh Tụ Anh Hùng Nguyễn Thái Học

“Chết vì tổ quốc,
Cái chết vinh quang,
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng ”

(Nguyễn Thái Học)


-Nguyễn Thái Học là nhà cách mạng rất trẻ Việt Nam, chủ trương dùng vũ lực lật đổ chính quyền thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam. Ông là một trong số những người sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị thực dân Pháp bắt và chém đầu, ngày 17 tháng 6 năm 1930 tại Yên Bái.

*Thân thế

Nguyễn Thái Học sinh ngày 1 tháng 12 năm Nhâm Dần (tức ngày 30 tháng 12 năm 1902) tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông là con cả của cụ Nguyễn Văn Hách và bà Nguyễn Thị Quỳnh. Gia đình ông là một gia đình trung nông sống bằng nghề làm ruộng và dệt vải, buôn vải. Từ 4 tuổi ông đã được cha mẹ cho đi học chữ Hán, và năm 11 tuổi ông bắt đầu theo học chương trình tiểu học Pháp-Việt tại thị xã Vĩnh Yên.

Năm 19 tuổi ông thi đậu vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, và nhận học bổng của Chính phủ Bảo hộ Pháp. Do tính tình cương trực và không thích khuất phục lối giáo dục của người Pháp, ông bỏ học vào năm thứ ba, và sau đó ghi danh học trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương (1925-1927). Trong thời gian này, ông tham gia thành lập Nam Đồng Thư xã và tiếp xúc với một số sinh viên đồng chí hướng, trong số đó có Phó Đức Chính, sinh viên trường Cao đẳng Công chánh và Hồ Văn Mịch, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, hai nhà cách mạng tương lai sẽ gắn liền với cuộc đời cách mạng của ông sau này.

Cũng trong thời gian là sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn Thái Học đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne một số bức thư kêu gọi chính quyền thực dân Pháp tiến hành một loạt cải cách tiến bộ ở Việt Nam. Sở dĩ Nguyễn Thái Học gửi những đề xuất cải cách của mình cho Varenne vì ông ta vốn là một đảng viên của Đảng Xã hội Pháp, người vừa mới tới nhậm chức toàn quyền đã quyết định ân xá Phan Bội Châu và hứa hẹn nhiều cải cách rộng lớn ở xứ thuộc địa Đông Dương. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời hứa suông, và ông ta không bao giờ quan tâm trả lời những bức thư đầy tâm huyết của Nguyễn Thái Học.

Hoàn toàn thất vọng về con đường cải cách của chính quyền thuộc địa, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đi đến quyết định là: con đường duy nhất để mở ra cơ hội phát triển cho dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường dùng vũ trang lật đổ chế độ thực dân Pháp và chế độ phong kiến, thành lập một nước Việt Nam độc lập với thể chế cộng hòa và thiết lập một nền dân chủ trên toàn cõi Đông Dương.


*Hoạt động cách mạng

Thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Năm 1927, tổ chức Nam Đồng Thư xã quyết định ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Ninh do Quản Trạc lãnh đạo. Công việc bị bại lộ, đa số thành viên của Nam Đồng Thư xã bị thuyên chuyển hoặc bị truy lùng phải đào tẩu, chỉ còn lại Nguyễn Thái Học và một số ít đồng chí. Tháng 10 năm này, ông triệu tập số người còn lại và đưa ra ý định thành lập một đảng cách mạng bí mật, dùng vũ lực lật đổ thực dân Pháp. Đảng này mang tên Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), và chi bộ đảng đầu tiên mang tên là "Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã", do ông làm Chi bộ trưởng, gồm các ủy viên: Hồ Văn Mịch, Phó Đức Chính, Lê Văn Phúc, Hoàng Văn Tùng, Hoàng Phạm Trân (tức Nhượng Tống) và một số đồng chí khác. Tháng 12 năm 1927, VNQDĐ tổ chức đại hội đảng lần thứ nhất và bầu ông làm Chủ tịch Tổng bộ đảng kiêm Chủ tịch đảng. Dưới sự lãnh đạo của ông, VNQDĐ bắt đầu phát triển rất nhanh chóng để kết nạp tầng lớp trí thức, giáo viên, nông dân, công chức, binh sĩ trong guồng máy cai trị với mục đích dùng bạo động lật đổ chính quyền thực dân Pháp, thành lập một chế độ cộng hòa dân chủ độc lập trên toàn cõi Việt Nam. Đến đầu năm 1929, VNQDĐ đã thành lập được 120 chi bộ tại Bắc kỳ với 1500 đảng viên.


*Pháp khởi sự tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng!

Năm 1929, tại Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ có cao trào mộ phu, đưa dân đi làm phu cho các đồn điền cao su tại các nơi như miền Nam, Miên (Campuchia), Lào, Nouvelle-Calédonie (Tân Ca-lê-đô-ni-a hay Tân Thế giới) và Nouvelles-Hébrides (nay là Vanuatu), nơi những người phu này trở thành nô lệ cho các chủ đồn điền. Một trong những người mua nô lệ nổi tiếng là Bazin tại Hà Nội. Trùm mộ phu người Pháp này chuyên dụ dỗ hay bắt cóc dân đem làm phu lấy lợi. Mặc dù không được sự chấp thuận của Tổng Bộ và Nguyễn Thái Học, ba đảng viên thuộc một Thành bộ VNQDĐ gồm Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung đã tự ý ám sát Bazin vào ngày 9 tháng 2 năm 1929 tại Chợ Hôm, Hà Nội.

Nhân vụ ám sát, Pháp khởi sự đàn áp nhằm tiêu diệt VNQDĐ trong khi cơ sở của họ chưa kịp chuẩn bị ứng phó trước kế hoạch khủng bố trắng của chính quyền thuộc địa. Sở mật thám Bắc Việt được một nội ứng phản đảng tên Bùi Tiên Mai chỉ điểm, đã bắt giam 227 đảng viên VNQDĐ nhưng không bắt được hai lãnh tụ đảng lúc đó là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, Chủ tịch Ban Hành pháp VNQDĐ nhiệm kỳ 3.

Sau khi Bùi Tiên Mai nhận diện và đối chứng với những đồng chí tại các phiên tòa Hội đồng Đề hình, ban ám sát VNQDĐ tổ chức giết người này vì tội phản đảng và quên lời thề trước bàn thờ tổ quốc. Trên đường hành thích, sự việc bị đổ bể và một đảng viên bị chết, một bị tù cấm cố 10 năm. Hai đảng viên khác, Nguyễn Văn Kinh và Nguyễn Văn Ngọc, khi bị bắt do mật thám tra tấn dã man đã khai báo và chỉ điểm cho Pháp mọi đường đi nước bước của các yếu nhân lãnh đạo của VNQDĐ. Ban ám sát VNQDĐ cũng tổ chức giết hai người này, tuy thành công nhưng thêm một số đảng viên bị bắt và hành hình qua các vụ ám sát này.[5]

Để xử các tù nhân chính trị này, Toàn quyền Pháp Pasquier quyết định không giao cho Biện lý cuộc, nhưng ký nghị định thành lập một Hội đồng Đề hình (Commission criminelle) để tuyên án và xử tội. Hội đồng này trả tự do cho 149 người và kết án 78 người từ 2 đến 15 năm tù tại các tỉnh thượng du Bắc Việt hoặc lưu đày ra Côn Đảo, và mỗi người bị cộng thêm một án 5 năm biệt xứ (interdiction de séjour).

Lực lượng của VNQDĐ bị suy yếu, tổn thất nặng nề, và hoàn toàn rơi vào thế bị động sau việc ám sát Bazin. Các lãnh tụ buộc phải tiến hành cuộc khởi nghĩa 8 tháng sau đó để tránh cho các cơ sở đang gặp nguy cơ bị tiêu diệt hoặc tan rã.


*Khởi nghĩa Yên Bái


(Hình: Hiệu kỳ nghĩa quân Yên Bái.)

Trước tình thế hàng ngũ đảng có nhiều phản bội, thực dân áp bức gay gắt có chiều hướng đưa đến tan rã, trung tuần tháng 5 năm 1929, Nguyễn Thái Học triệu tập đại hội đảng toàn quốc tại làng Đức Hiệp, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, quyết định chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Công việc chuẩn bị chưa hoàn tất, cuối năm 1929 tại Bắc Giang một cơ sở chế bom bị tai nạn phát nổ, và đầu năm 1930 người Pháp bắt giữ và khám phá được thêm rất nhiều cơ sở chế tạo bom, đao, kiếm và nhiều đảng viên bị bắt. Trước tình hình nguy cấp, Nguyễn Thái Học triệu tập hội nghị khẩn cấp, quyết định tiến hành khởi nghĩa tại các địa điểm Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại và Hà Nội vào đêm mồng 10, rạng ngày 11 tháng 2 năm 1930.

Theo kế hoạch ban đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang sẽ nổ ra trên hai địa bàn chính ở Bắc Kỳ vào đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930. Nguyễn Thái Học sẽ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở miền xuôi, trong khi Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính được phân công chỉ huy cuộc nổi dậy ở miền núi. Gần tới ngày nổi dậy, do cơ sở ở miền xuôi tương đối yếu lại bị đánh phá nặng nề nên không chuẩn bị kịp, Nguyễn Thái Học cử người báo cho Nguyễn Khắc Nhu hoãn cuộc nổi dậy tới ngày 15 tháng 2. Tuy nhiên, liên lạc viên lại bị địch bắt giữa đường. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở một loạt các địa điểm từ Sơn Tây, Phú Thọ cho tới Yên Bái vào đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10 tháng 2. Tuy cuộc tổng nổi dậy xảy ra nhiều nơi khác nhau, nhưng lịch sử mệnh danh nó là cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, hay Tổng Khởi nghĩa Yên Bái, cốt để vinh danh những cái chết hào hùng của các lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và 11 đảng viên VNQDĐ ở pháp trường Yên Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930. Quân nổi dậy đã chiếm được một phần đồn binh Pháp và làm chủ tỉnh lỵ Yên Bái trong gần hai ngày. Ngày 15 tháng 2 năm 1930, mặc dù cuộc khởi nghĩa ở miền núi đã thất bại, Nguyễn Thái Học và cơ sở Việt Nam Quốc dân Đảng vẫn quyết định khởi nghĩa ở miền xuôi như kế hoạch cũ. Cuộc vùng lên quyết liệt nhất là ở Phụ Dực (Thái Bình) và Vĩnh Bảo (lúc đó thuộc Hải Dương).

Sự việc không thành, ngày 20 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương).


*Đền nợ nước

Pháp thành lập một Hội đồng Đề hình để xử các nghĩa quân VNQDĐ. Rất nhiều đảng viên VNQDĐ bị chung thân khổ sai, một số tự sát và bị hành hình như:

•Ngày 11 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Khắc Nhu đập đầu tự sát trong ngục thất ở Hưng Hóa.

•Ngày 8 tháng 3 năm 1930, Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiệp, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoằng bị xử chém tại Yên Bái.

•Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái.

•Ngày 18 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thị Giang (Cô Giang) dùng súng tự sát ở gốc cây đề làng Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Yên nay là tỉnh Vĩnh Phúc.

•Ngày 7 tháng 9 năm 1930, Đỗ Thị Tâm nuốt giải yếm tự sát trong ngục thất ở Hà Nội.

•Ngày 22 tháng 11 năm 1930, Nguyễn Văn Toại và 4 đồng chí bị xử chém tại Phú Thọ.

•Tháng 12 năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp, hay Đặng Trần Nghiệp, tức Ký Con, và 6 đồng chí là Lương Ngọc Tốn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Quang Triều, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Trọng Bằng, Phạm Văn Khuê bị xử chém tại trước cổng nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội.[4]

•Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Giáo, Trần Nhật Đồng và một số đồng chí bị xử chém tại Hải Dương.

•Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Lê Hữu Cảnh bị hành hình trước cổng ngục thất Hỏa Lò Hà Nội.

•Năm 1936, Nguyễn Đức Trạch tức Sư Trạch, tự sát tại ngục thất ở Guyane thuộc Pháp.

Sau khi hành quyết một số lãnh tụ và nghĩa quân của VNQDĐ tại Yên Bái, Pháp cho chôn chung một mộ tại thị xã Yên Bái, cách ga xe lửa độ một cây số, và cho lính canh giữ đến cuối năm 1930. Năm 1945, quân đội VNQDĐ chiếm đóng Yên Bái, cho trùng tu mộ phần của 17 vị anh hùng và lập đền thờ kỷ niệm.

Tên ông được dùng đặt tên nhiều đường phố, bài học trong những sách giáo khoa và trường học tại Miền Nam Việt Nam, dưới 2 chế độ Cộng Hòa

Khi bị xử tử, ông cùng 12 đồng chí đã hô vang: ("Việt Nam muôn năm!")

“Việt Nam vạn tuế!”


Sau khi ông mất, sinh viên học sinh Huế tổ chức lễ truy điệu và đọc bài Văn tế các Tiên-liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng sau đây do cụ Phan Bội Châu trước tác:

“Gươm ba thước chọc trời kinh, chớp cháy, này Lâm Thao, này Yên Bái, này Vĩnh Bảo, khí phục thù hơi thở một tầng mây!

Súng liên thanh vang đất thụt, non reo, nào chủ đồn, nào xếp cẩm, nào quan binh, ma hút máu người bay theo ngọn gió.

Trách nông nỗi trời còn xoay tít, trước cờ binh sao quay gió cản ngăn;
Tiếc sự cơ ai quá lờ mờ, dưới trướng giặc bấy nhiêu tay len lỏi.
Ma cường quyền đắc thế sinh hùng uy,
Thần công lý bó tay nghe tử tội.
Ôi thôi, mù thảm mây sầu,
Gió cuồng mưa vội;
Cửa quỷ thênh thang!
Đường trời vòi vọi!
Nhân dân chí sĩ, sát thân vào luật dã man;
Nữ kiệt anh hùng, thất thế đang hồi đen rủi.
Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất sư vị tiệp,[9]
vai bể non gánh nặng hãy trìu trìu,
Đoạn đầu đài sau sau trước trước bước ung dung, gớm gan thị tử như quy,
mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói.

Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuộn cuộn bóng rồng thiêng đành ông HỌC xa xuôi,

Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi nàng Triệu, ngựa nàng Trưng, hình hạc gió, hãy cô GIANG theo đuổi.

Đoàn trẻ chúng tôi nay:
Tiếc nước còn đau,
Nghĩ mình càng tủi!
Nghĩa lớn khôn quên,
Đường xa dặm mỏi!

Giây nô lệ quyết rày mai cắt đứt, anh linh thời ủng hộ, mở rộng đường công nhẩy, bằng bay;
Bể lao lung đua thế giới vẫy vùng, nhân đạo muốn hoàn toàn, phải gắng sức rồng dành, cọp chọi,
Đông đủ người năm bộ lớn, đốt hương nồng, pha máu nóng, hồn thiên thu như sống như còn,
Ước ao trong bấy nhiêu niên, rung chông bạc, múa cờ vàng, tiếng vạn tuế càng hô càng trỗi.

Tình khôn xiết nói,
Hồn xin chứng cho,
Thượng hưởng!”


CSVN đang ra tay đàn áp dã man: ‘Ngọn lửa Tây nguyên!’ cháy bùng tiếp, hay sẽ bị dập tắt?

(Trần Đông A)

-“Ngọn lửa Tây nguyên” – Cháy tiếp hay sẽ bị dập tắt? Đây là vấn đề đau đầu đối với cả Bộ Công an lẫn Chính quyền. Hành động của các lực lượng an ninh trong những ngày qua cho thấy, chính quyền có thể áp dụng lại “mô thức Đồng Tâm”, tức là sẽ truy bức và đàn áp đến cùng.

Chiều 12/6, theo báo CAND, Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an cho biết, tính đến 18h30 cùng ngày, Công an đã bắt thêm 1 đối tượng trong vụ tấn công vào UBND xã tại huyện Cư Kuin, Đak Lak, nâng tổng số người bị bắt lên 27. Một ngày sau khi xảy ra vụ việc, sáng 12/6, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn đã thăm, viếng và động viên tinh thần gia đình các nạn nhân. Tại các nơi thăm, viếng, Phó Thủ tướng đã động viên các nạn nhân và gia đình, đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ về đời sống tinh thần đối với gia đình các nạn nhân.

Công an Việt Nam bắt giữ 27 người sau vụ tấn công giết nhân viên chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6.


Tấn công một lúc hai đồn Công an

Trở lại với tin từ VnExpress, khoảng 0 giờ 35 phút ngày 11/6, tại địa bàn xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin có một nhóm khoảng 10 người mặc đồ rằn ri, đi xe máy kéo đến trụ sở Uỷ ban và Công an xã Ea Tiêu. Sau khi triệt hạ hai công an, nhóm này ra ngã ba Ea Sim, quốc lộ 27, chặn ôtô bán tải và bắn chết tài xế. Cùng lúc, một nhóm khác gồm 30 người đi hai xe Jeep và xe máy, tấn công trụ sở UBND và Công an xã Ea Ktur. Nhóm này dùng súng và dao tấn công một thiếu tá 42 tuổi, một đại uý 35 tuổi và hai thượng uý 21 – 29 tuổi. Gây án xong, nhóm này bắn Bí thư, Chủ tịch xã và một thanh niên. Tuy nhiên, bản tin này của VnExpress đã bị gỡ bỏ khỏi trang sau vài phút đăng tải. Báo chí sau đó đăng lại về vụ việc, nhưng không công bố cụ thể số thương vong, chỉ nói “làm chết và bị thương một số cán bộ xã, công an xã và người dân”.

Sau vụ bạo động, ông Phan Minh Tiến từ huyện Cư Kuin nói với BBC: “Người dân ở đây có nhiều luồng suy nghĩ. Những người nông cạn sẽ phán ngay nhóm tấn công là quân phản loạn, là Fulro, khủng bố, thậm chí là tàn tích của nhà nước Đề Ga… Còn người có hiểu biết thì rất dè chừng, không dám nói thẳng. Họ hiểu là có rất nhiều những xung đột có thể dẫn đến kết cục như vầy… Chẳng hạn như những cuộc cưỡng chế đất đai bằng dùi cui, roi điện. Hay những cuộc đàn áp người dân tộc biểu tình cho nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt của họ bị xả thải ô nhiễm. Tuy nhiên, hầu như tất cả đều đồng tình rằng dùng vũ lực như vầy, nhất là làm thiệt mạng cả dân thường là sai trái.” Tuy Bộ Công an chưa đưa ra thông báo chính thức về nguyên do vụ việc, các trang Facebook thân chính phủ đều chĩa mũi dùi về nhà nước Đề Ga hay Fulro.

Sáng ngày 11/6, ngoài VnExpress, trang báo Công thương cũng đăng tin về vụ việc nhưng sau đó gỡ bài. Vài tiếng đồng hồ sau, các báo đồng loạt đăng tin giống nhau, đều đưa lại tin từ Bộ Công an. Bài trên VnExpress mô tả các đối tượng gây án cùng thông tin “bước đầu ghi nhận có 7 người tử vong, 3 người bị thương” cũng nhanh chóng bị đục bỏ. BBC nhận được tin, Ban Tuyên giáo ra chỉ đạo: báo chí phải “chấp hành tuyệt đối kỷ luật thông tin, chỉ đăng theo tin của Bộ Công an; không mở rộng thông tin, kiểm soát chặt chẽ bình luận.” Một nhà báo giấu tên từ Việt Nam nói với đài, trong tình hình có những vụ việc chấn động như thế, báo chí thay vì đóng vai trò phục vụ bạn đọc bằng cách tường thuật nhiều chiều, thì phải chịu cảnh làm cái loa phát ngôn của chính quyền.

Một nick name có tên Minh Đức bình luận trên VOA: “Người Thượng vùng Tây Nguyên sau 1975 đã bị mất đất vì chính quyền đem hàng triệu dân từ miền Bắc vào Tây Nguyên lấy đất làm đồn điền, đẩy người Thượng phải đi vào vùng rừng núi sâu, xa nguồn nước, đất đai cằn cỗi. Để chống lại người Thượng, nhiều người từ miền Bắc vào là cựu bộ đội và họ được chính quyền phát súng để bảo vệ cho gia đình họ. Điều kiện sinh sống khó khăn khiến cho dân số người Thượng ngày càng giảm dần. Năm 1996, ở Kon Tum có lần có hơn sáu ngàn người Thượng mang cung nỏ, giáo mác kéo về chiếm tỉnh lỵ. Nhà nước đem quân đội đến đàn áp và vùng này bị vây cấm người Kinh đi lên đấy mấy năm sau. Chỉ có ai có giấp phép đặc biệt mới được đi vào vùng ấy. Người Thượng yếu không chống lại được sự bành trướng cướp đất của người Kinh nhưng nỗi oán hận thì không bao giờ nguôi”.

Họa phúc phải đâu một buổi

Nhóm người nói trên hành động có tổ chức hay đơn lẻ, hành động xong họ rút đi đâu, có bắt theo con tin nào mang đi theo là những vấn đề chưa thể biết. Tuy nhiên xung đột sắc tộc, đất đai và đàn áp của chính quyền đối với người bản địa ở Tây Nguyên không phải là vấn đề mới xảy ra gần đây. Nhiều vụ bắt giữ những thầy truyền đạo Tin lành, các nhà hoạt động tôn giáo ôn hòa diễn ra trong thời gian qua, với các điều luật như 117 “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Một số cuộc biểu tình liên quan đến việc phản đối các dự án xả thải gây ô nhiễm môi trường ở địa phương, hay cưỡng chế đất đai đều kết thúc bằng việc đưa Cảnh sát cơ động vào và bắt giữ những người bị cho là đứng đầu có liên quan. Hàng trăm người Thượng Tây Nguyên phải bỏ nước ra đi vì các lý do bị đàn áp tôn giáo và đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan, chờ để được định cư một nước thứ ba. Tuy nhiên, việc dùng súng tấn công vũ trang hai trụ sở ủy ban xã là một sự việc hiếm khi xảy ra ở Việt Nam, nơi súng đạn được kiểm soát chặt chẽ, người dân không được sử dụng súng.

Theo tìm hiểu của VOA, từ giữa năm 2022 đến tháng 3 năm nay, huyện Cư Kuin tiến hành giải phóng mặt bằng, bao gồm cả cưỡng chế, để lấy đất của hàng chục hộ dân ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Công tác giải phóng mặt bằng đó một phần là để phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, một phần là để chấn chỉnh hành lang an toàn giao thông dọc theo quốc lộ 27. Chính báo chí trong nước cho hay nhiều người bị “thiệt đơn thiệt kép” trong các cuộc giải phóng mặt bằng kể trên.

“Ngọn lửa Tây nguyên” – Cháy tiếp hay sẽ bị dập tắt? Đây là vấn đề đau đầu đối với cả Bộ Công an lẫn Chính quyền. Hành động của các lực lượng an ninh trong những ngày qua cho thấy, chính quyền có thể áp dụng lại “mô thức Đồng Tâm”, tức là sẽ truy bức và đàn áp đến cùng. Nhưng diễn tiến lịch sử từ năm 1975 đến nay cho thấy, đàn áp và bạo lực, kể từ cả người dân lẫn chính quyền, đều không đi đến kết quả mong muốn. Một nick name khác bình luận cũng trên VOA: “Đọc báo trong nước thì thấy người ta lên án những người này là những kẻ tội phạm nguy hiểm, ngược lại trên VOA thì lại khác. Đúng là nhờ tự do ngôn luận mới có nhiều luồng tư tưởng, ở trong nước có ai dám nói trái chiều với Công an đâu, cho dù người ấy biết nguyên nhân sâu xa có thể là do bị cướp đất, hoặc bị đàn áp vì lý do tôn giáo hay dân tộc thiểu số…”

Nguyên Ngọc là “già làng” trong làng văn và làng báo từng đề cập đến lời cảnh tỉnh sớm của một nhóm nghiên cứu tình hình Tây Nguyên: “Nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì vấn đề dân tộc sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ… một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường”. Đây thật sự là một lời cảnh báo đầy trách nhiệm, trung thực, dũng cảm và đã được chứng tỏ là tuyệt đối chính xác. Rất tiếc là nó đã hoàn toàn bị bỏ ngoài tai, thậm chí cả sau khi những điều cảnh báo đã thành hiện thực!


Nhận Định Thời Cuộc, Vụ Nổ Súng ở Đắc Lắc: Mâu Thuẫn Âm ỉ Từ Lâu, Khó Có Thể Là Sự Bột Phát!

(Quốc Phương)



(Ảnh: Hai cảnh sát cơ động tuần tra ở Bình Dương giữa các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tháng 5/2014.)

-Ý kiến từ giới quan sát thời sự Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng sự kiện ở Đắc Lắc hôm Chủ Nhật 11/6/2023 là ‘hết sức bất ngờ’ và có thể là ‘một biến cố lớn nhất’ thuộc loại này từ ít nhất ‘một chục năm trở lại đây’.

Cũng có gợi ý từ ý kiến trong giới quan sát vào dịp này cho rằng chính quyền Việt Nam có thể nên xem lại một số chính sách của họ đối với Đắc Lắc nói riêng và với nhiều nơi khác có các cư dân bản địa đang sinh sống như tại Tây Nguyên nói chung.

“Sự kiện này hết sức bất ngờ, tôi cảm thấy bất ngờ cho không chỉ công chúng mà cả chính quyền, không chỉ ở vùng Tây Nguyên mà còn trong cả nước, cảm nhận ban đầu là như vậy, còn diễn biến sự việc hết sức phức tạp và kiểu như vậy chưa từng có ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Điều đó đặt ra rất nhiều sự lo lắng, băn khoăn, cũng như những đồn đoán xung quanh sự kiện này”, nhà nghiên cứu và phân tích chính sách công của Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách & Phát triển ở Hà Nội nói với RFA Tiếng Việt hôm 13/6/2023.

“Về mức độ nghiêm trọng, có lẽ sự kiện này chỉ xảy ra sau vụ Đồng Tâm như chúng ta biết, nhưng số lượng cán Bộ Công an, cũng như cán bộ xã và thường dân chết ở sự kiện đó, cho thấy hết sức nghiêm trọng và sơ bộ bước đầu theo thông cáo của cơ quan công an, hàng chục nghi phạm đã bị bắt, và tôi nghĩ rằng với mức độ như thế, với số lượng người (tham gia) như thế thì khó có thể nói rằng đó là sự ‘bột phát’ như kiểu tức giận của một cá nhân, hay của một nhóm người.

Về số lượng người bị bắt tôi nghĩ có thể còn tăng lên, tuy nhiên với tin tức mà chưa được kiểm chứng, báo chí nên có sự xác minh lại để làm cho tình hình trở nên phần nào đó minh bạch hơn…. Như một người quan sát, tôi thấy rằng các sự kiện có lẽ cần phải chờ một thời gian nhất định thì chúng ta mới kiểm chứng được các sự kiện, cũng như nguyên nhân, mục đích, hậu quả để lại v.v…”.

Đâu Là Những Nhân Tố Đáng Quan Tâm?

Là người từng tham gia trực tiếp một số nghiên cứu, khảo sát kinh tế, xã hội và dân số học tại Đắc Lắc và một số nơi khác tại Tây Nguyên, ông Phạm Quý Thọ đưa ra nhận xét với RFA về một số nét đặc thù có thể đáng quan tâm liên quan địa phương và khu vực này:

“Tôi có một số lần khảo sát tại Tây Nguyên, trong đó có Đắc Lắc, Kon Tum, rồi Gia Lai, thậm chí đi công tác ở đó một số đợt nữa, tôi thấy có một số đặc thù phát triển, nhưng trong một chuyến khảo sát về di dân, chúng tôi thấy nổi bật lên vấn đề di dân tự do mà đã để lại một số vấn đề khá nghiêm trọng, đặc biệt với đất đai, rừng, cũng như đất trồng trọt và đất ở.

Thứ hai, Tây Nguyên có một số vấn đề phức tạp về tôn giáo, chẳng hạn tôi cũng đã vào một số cơ sở tôn giáo, trong đó có Nhà thờ gỗ của Kon Tum, và hiểu rằng về tôn giáo ở đó, chính quyền kiểm soát rất chặt chẽ, bởi vì ở Tây Nguyên, sau các sự kiện thời kỳ ‘sau giải phóng’, cũng như một số sự kiện sau này như chúng ta biết, người ta kiểm soát rất chặt chẽ.

Gần đây có một số sự kiện tôn giáo khác như là các phân nhánh của Công giáo…, cho thấy rằng sự phát triển tự phát là rất nhiều, rồi về mặt tự do tôn giáo, một số người tham gia nhưng không được chính quyền địa phương cho phép v.v… đó cũng là một sự phức tạp thứ hai.

Như thế là sau di dân, rồi sau vấn đề tôn giáo, thì đến vấn đề thứ ba là phát triển kinh tế. Chúng ta biết rằng ở Tây Nguyên thay đổi rất nhiều khi người ta phát triển kinh tế ở đây thành những cơ sở trồng trọt lớn, các trang trại, hay những mặt hàng xuất cảng như cà-phê, hồ tiêu, gỗ v.v…. Chúng ta thấy rằng điều này cũng làm thay đổi bộ mặt, nhưng đồng thời sự chênh lệch giàu nghèo cũng khá nghiêm trọng và sự thay đổi ở những vùng khó khăn không phải là một sớm một chiều có được, nhưng chênh lệch giàu nghèo này cũng tác động lên đời sống xã hội nói chung.

Ba yếu tố trên có liên quan người dân bản địa và người bản địa luôn có những suy nghĩ khác đối với di dân ở nơi khác đến, tức là với những người không phải bản địa. Như chúng ta biết không chỉ tại Tây Nguyên, mà nhiều vùng khác, đặc biệt ở những nơi và những nước chưa phát triển, vấn đề càng trở nên trầm trọng, và trong tình huống nhất định, có thể làm bùng lên những sự kiện, nhưng tôi nghĩ sự kiện vừa rồi lớn hơn sự bột phát và với mấy chục trường hợp bị bắt thì khá là nhiều…

Vụ Đồng Tâm do tranh chấp đất đai rất rõ và nó kéo trong một thời gian rất dài, rồi đã có những va chạm với chính quyền địa phương ở cấp huyện, rồi cấp thành phố, thậm chí đã có những thủ lĩnh như là cụ Lê Đình Kình, và có những cách mà người ta đã phản kháng để bảo vệ đất đai một cách tự phát, mặc dù ở một thôn, hay một xã nào đó mà thôi.

Còn ở sự việc tại Đắc Lắc, chưa thể nói được một điều gì cả, mấy chục người bị bắt đó không thể so sánh là nhiều hay ít đối với một sự kiện như thế này được, mà người ta phải xem xét xem tính chất nghiêm trọng của sự việc thể hiện như thế nào, chẳng hạn có tổ chức hay không, mục đích là gì, hay sau sự kiện này còn có gì không.

Có nghĩa là ở Đồng Tâm, theo ý tôi muốn nói, là do tranh chấp đất đai lâu ngày mà không được giải quyết thỏa đáng, còn ở vụ Đắc Lắc chưa biết rõ đó là gì và sự kiện xảy ra hết sức đột ngột và bất ngờ cho những người bình thường và những người quan sát các sự kiện như chúng tôi”.


(Ảnh: Người đồng bào Giẻ Triêng ở Kon Tum chơi nhạc cụ dân tộc để mừng nhà Rông mới ngày 27/8/2011.)

Có Gì Đáng Lưu Ý Từ Khía Cạnh Chính Sách Công?

Cho đến nay, người ta vẫn chưa nhìn thấy sự liên hệ trực tiếp giữa vụ bạo lực hôm 11/6 và bối cảnh, điều kiện kinh tế-xã hội ở Đắc Lắc và Tây Nguyên, vẫn theo ông Phạm Quý Thọ, người từng làm việc nhiều năm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trước đó ở Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội, về phương diện chính sách công đối với Đắc Lắc nói riêng và Tây Nguyên nói chung, có một số khía cạnh có thể cần được lưu tâm, ông nói:

“Vùng Tây Nguyên luôn được đặt trong những vấn đề của chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung, cũng như về mặt chính sách công nói chung, và tôi có thể nói rằng đây là một địa bàn khá trọng yếu, không những chỉ về kinh tế mà còn về vấn đề an ninh, trật tự v.v….

Tất nhiên khi phát triển kinh tế, và với những yếu tố có thể âm ỉ lâu ngày, thí dụ như bất bình đẳng giàu nghèo, rồi nếu không nghiên cứu thỏa đáng những nhu cầu để trung hòa các mâu thuẫn giữa người bản địa và người ở nơi khác đến, trong đó như đã nói có chênh lệch giàu nghèo, rồi sự quan tâm của chính quyền địa phương, chẳng hạn như ở cấp xã, có thể đó là những điều gây áp lực cho những người dân bản địa, nhưng tôi cũng chưa biết rõ trong mấy chục người bị bắt này cho đến nay, thì có bao nhiêu người bản địa, hiện nay danh tính của họ chưa được công bố (hết), nên chúng ta còn phải chờ một thời gian.

Song tôi nghĩ rằng về khía cạnh chính sách công, như chúng tôi đã từng nghiên cứu ở đó, tất nhiên di dân tự do đã kiểm soát được do kinh tế đã tăng lên, đời sống cũng tăng lên, rồi chênh lệch vùng miền như di dân từ những vùng núi phía Bắc vào trong đó (Tây Nguyên) không còn nhiều nữa, tuy nhiên nạn phá rừng vẫn còn là vấn đề rất lớn, có những vụ phá rừng mà tôi cho là hết sức nghiêm trọng mà báo chí cũng đưa tin nhiều, đặc biệt khi Chính phủ đã có chỉ thị đóng cửa rừng, nhưng nạn phá rừng vẫn diễn ra và vẫn có tính chất rất nghiêm trọng, kể cả trong những rừng đặc dụng, thì đó cũng là những yếu tố.

Thứ ba nữa là lâu nay người ta cũng ít đề cập những chuyên đề sâu, thí dụ chuyên đề về bất bình đẳng giữa người bản địa và những người ở nơi khác đến. Lẽ ra tôi nghĩ những việc này nên được chú ý, và chính sách công nên chú ý hơn bởi vì những sự việc như thế không chỉ âm ỉ, mà bùng phát bất cứ lúc nào, mà đó không chỉ là bối cảnh của một vùng hay một đất nước trong một khoảng thời gian nào, mà tôi nghĩ nó có thể kéo dài hàng trăm năm, thí dụ như ở Gia Nã Ðại hay ở Hoa Kỳ v.v….

Cho nên tôi nghĩ, cần phải có những việc quan tâm thỏa đáng hơn, thí dụ như lồng ghép với các chương trình xóa đói giảm nghèo, phúc lợi, trợ cấp, rồi những chương trình khác, thậm chí có những chính sách ưu tiên về đất ở, cơ sở hạ tầng đối với người bản địa.

Tôi nghĩ cần có những chính sách như vậy, thậm chí ở đây theo quan điểm cá nhân của tôi, cuộc sống tinh thần của họ (cư dân sắc tộc), trong đó có tôn giáo, cũng phải có những chính sách nhất định đối với người bản địa, mà khác đối với những người Kinh, hoặc là những người dân tộc từ các địa phương khác đến Tây Nguyên”, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói trên quan điểm riêng.

‘Một Trong Những Vụ Lớn Nhất Hơn 10 Năm Trở Lại’

Cũng trong dịp này, một nhà nghiên cứu là người bản địa có nhiều năm nghiên cứu văn hóa của các cộng đồng cư dân bản địa liên quan ở Tây nguyên và duyên hải nam Trung Bộ Việt Nam không muốn nêu tên, chia sẻ góc nhìn từ quan điểm cá nhân về sự kiện ở Đắc Lắc hôm 11/6:

“Tôi nghĩ rằng tới nay đây là sự việc lớn nhất của năm 2023 và cũng có thể là lớn nhất hơn 10 năm trở lại đây, nếu nhìn vào số lượng cán Bộ Công an, cán bộ dân sự và người khác thiệt mạng…. Tôi cho rằng nguyên nhân chính của sự việc này bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn với và trong cách quản lý nhà nước mà cao trào nhất là mâu thuẫn trong vấn đề thu hồi đất đai của đồng bào Thượng ở đó, khiến sự việc lên cao như thế.

Không có đồng bào nào ở đó không biết rằng đất của họ đang làm trên đó, mà người ta vào, rồi trả giá rẻ như vậy để thu hồi, mà có thể chấp nhận được cả. Từ một người dân bình thường, không nói gì tới đồng bào ở đó, đa số họ cũng đã không chấp nhận, huống chi là đồng bào ở bản địa, và tôi nghĩ cao trào vấn đề nằm ở đó và tôi bảo lưu quan điểm này”.

Vẫn theo nhà nghiên cứu độc lập về văn hóa tộc người bản địa này, từ khía cạnh khác biệt văn hóa cho tới mô hình quản trị do nhà nước áp dụng ở Tây Nguyên lâu nay đã có một số vấn đề:

“Tôi thấy rằng nhà nước Việt Nam không cho tự trị, với những đồng bào đã sống trên đất đai của ông bà của họ từ lâu, nhà nước không bao giờ gọi họ là dân tộc ‘bản địa’ cả, mà chỉ gọi họ là ‘dân tộc thiểu số’ mà thôi. Ngoài ra, về văn hóa, văn hóa giữa những người thuộc dân tộc đa số và những người thuộc ‘dân tộc thiểu số’ dĩ nhiên là khác nhau và rõ ràng đó là một vấn đề. Tức là sự khác biệt này có từ tôn giáo cho đến tính chất bản địa của từng dân tộc.

Dân tộc Tây Nguyên cũng là một bộ phận không thể tách rời của các sắc tộc trên lãnh thổ của một số vương quốc cổ xưa, như Vương quốc Chăm-pa cổ chẳng hạn, từ sau 30/4/1975, chính quyền ở Việt Nam dùng những danh xưng nhỏ để phân nhỏ các nhóm cư dân, sắc tộc ra, để những người dân bản địa này không còn quan tâm nguồn gốc xa xưa của họ nữa, tạo cho họ cảm giác họ ‘rất nhỏ bé’, nên ‘không làm chuyện gì được’. Đó theo tôi là một thủ thuật của quản trị nhà nước.

Còn về tính tự trị, ngày xưa đồng bào bản địa tự trị với nhau được, nhưng bây giờ tôi nghĩ, nếu ‘đòi tính tự trị’ đó, có thể xảy ra vấn đề đổ máu rất nhiều, và tôi nghĩ còn lâu Việt Nam mới công nhận chuyện đó. Từ khi mà nói theo cách nói của chính quyền là ‘giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước’, mô hình quản lý nhà nước đối với đồng bào ‘thiểu số’ nói chung và đồng bào Thượng ở Tây Nguyên nói riêng, có vẻ không phù hợp với tính cách, văn hóa, tôn giáo và suy nghĩ của người dân bản địa, người Thượng ở Tây Nguyên.

Cách quản lý của nhà nước gây ra sự khó chịu, gây bất bình nhiều cho đồng bào mà ngay nhiều nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, như nhà văn Nguyên Ngọc, hay nhiều nhà văn khác ở Việt Nam, cũng nói rằng: ‘Từ khi mấy ông ở ngoài miền Bắc vào, các ông phá nát hết Tây Nguyên!”

Thực vậy, ngay cả những cánh rừng của Tây Nguyên cũng bị phá nát hết, và không ai có thể tưởng tượng rằng sau mấy chục năm chính quyền đến quản lý, Tây Nguyên mỗi mùa mưa về lại bị lụt. Đó là một chuyện chưa bao giờ người dân ở đó trước đây có thể nghĩ là sẽ xảy ra đối với Tây Nguyên, đơn cử Đà Lạt mùa mưa về cũng bị lụt và chỗ nọ chỗ kia ở Tây Nguyên cũng bị lụt hết, đó là điều mà chúng ta thấy có gì đó bất hợp lý”.

Tuy nhiên, vẫn theo quan điểm riêng của nhà nghiên cứu độc lập này, còn một khía cạnh khác được cho là khá nghiêm trọng, liên quan mô hình quản trị mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam từ sau 30/4/1975 đã áp dụng cho Tây Nguyên:

“Tôi nghĩ có vấn đề người ở đâu tới quản lý bà con cư dân bản địa, việc sử dụng người thân, đồng tộc với bà con để quản lý chính bà con, rồi những người đồng tộc ấy ở những địa phương mà chính quyền đã xé lẻ ra để quản lý như buôn nọ, buôn kia, để rồi những người thân, đồng tộc ấy báo cáo mọi sự việc lên cán bộ cấp trên, thì nó bộc lộ một vấn đề quá máy móc và quá gắt gao; ngoài ra qua một số khảo sát của tôi qua các gặp gỡ với bà con ở Tây Nguyên, họ nói với tôi rằng những người ở những nơi khác tới ‘xem thường họ’ rất nhiều, tức là họ thiếu được tôn trọng.

Còn về giáo dục, ngay lương giáo viên ở những trường học mà nhà nước mở ở Tây Nguyên, có người dạy trên mười năm, tới hai mươi năm, mà lương giáo viên không đủ sống, không đủ nuôi gia đình, thì chỉ riêng việc đó liệu đã ảnh hưởng ra sao đến chất lượng giáo dục ở Tây Nguyên, thử hỏi tại sao chất lượng giáo dục ở Tây Nguyên so với cả nước lại chẳng không đâu vào đâu cả.

Còn trở lại với sự việc ngày 11/6 vừa rồi, cá nhân tôi nghĩ rằng không riêng gì với bà con trong cả nước, hay đồng bào Thượng tại Đắc Lắc, Tây Nguyên, hoặc đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hay các đồng bào ở những nơi khác, mà trên toàn quốc, vấn đề đất đai là vấn đề bất bình lớn nhất bây giờ, nhất là ở cách thức thu hồi, lấy đất của bà con, của đồng bào. Và chuyện bất bình ấy, nếu không giải quyết cho êm đẹp, thì sẽ không bao giờ quản lý được tư tưởng, cảm xúc của người ta đâu và sẽ tiếp tục xảy ra những sự việc như thế”, nhà nghiên cứu không muốn tiết lộ danh tính vì lý do an toàn này nói với RFA trên quan điểm cá nhân.

Thấy Gì Từ Kinh Nghiệm Từ Thời Việt Nam Cộng Hòa?

Cũng trong dịp này, hôm 13/6, từ Lognes, Cộng hòa Pháp, nhà dân tộc học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, chia sẻ với RFA Tiếng Việt góc nhìn, cũng từ quan điểm riêng của ông, một số kinh nghiệm và đặc trưng lịch sử ở Cao nguyên Trung phần, tức Tây Nguyên, nơi có các sắc dân là đồng bào bản địa đã sinh sống từ lâu đời, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cho tới gần đây, ông nói:

“Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đã có một số biến động, trong đó có phong trào BAJARAKA (chữ viết tắt tên 4 sắc tộc lớn trên Tây Nguyên: BAhnar, dJArai, RhAdé và KAho) từ năm 1956-1958 và sau đó là phong trào FULRO (Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức) từ năm 1960-1968, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã nhìn vấn đề và thực sự lúc đó cũng phải nói có sự cố vấn của người Mỹ rằng chúng ta (Việt Nam Cộng Hòa) phải tôn trọng quyền của những người bản địa để cho họ có quyền sinh sống.

Từ đó đã có một số luật dành cho người Thượng ở Tây Nguyên một số quyền lợi: về chính trị, họ có quyền có người đại diện tập thể của họ trong Quốc hội Việt Nam và trong Thượng Nghị viện, và những người lãnh đạo địa phương như là Quận trưởng, Tỉnh trưởng, Thị xã trưởng hay là Xã trưởng đều là người Thượng. Từ đó diễn ra một sự yên bình và trong phong trào FULRO, một số trong họ đã trở về lại và hòa nhập vào đời sống của người Việt Nam, trừ một thiểu số lúc đó đang bị một phe cực đoan ở Cam Bốt ‘kích thích’, ‘xúi giục’ là người Thượng phải đòi tự trị, độc lập, chứ không ‘sống chung’ với người Việt Nam như vậy, thành ra gây ra sự xáo trộn....

Nhưng trên nguyên tắc chung, người Thượng lúc đó đã chấp nhận hoàn toàn chính sách của Việt Nam Cộng Hòa, tức là họ sẵn sàng hội nhập vào cộng đồng người Việt Nam và họ có những quyền lợi; tức là lúc đó Việt Nam Cộng Hòa đang áp dụng chính sách ‘tản quyền’, và người Thượng có đầy đủ tất cả các quyền, và họ có cơ sở ở trong Sài Gòn và họ tranh đấu rất rõ ràng cho quyền lợi của họ, nhưng cũng phải nói là sau đó có một số người lợi dụng chức vụ của họ để có ‘lợi lộc riêng’.

Song nhìn chung, người Thượng đã tìm được sự sống chung với cộng đồng người Việt Nam, cộng đồng người Kinh và người Việt Nam lúc đó cũng chấp nhận một cách thoải mái yêu cầu của người Thượng và người Thượng cũng chấp nhận người Việt Nam, và lúc đó chúng ta (Việt Nam Cộng Hòa) cũng đã có một sự phân biệt là những vùng nào của người Thượng thì người Kinh không được vào và người Thượng tự do sống trong đó. Nhưng thứ nhất vấn đề quan trọng của người Thượng là họ không đòi gì hết, mà họ chỉ đòi được quyền sinh sống trên đất đai của Tổ tiên của họ và đòi có quyền thực hành tự do tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Mà tín ngưỡng của họ là gì? Đó là có thể một số theo tôn giáo của người phương Tây, tức là đạo Công Giáo, hoặc Đạo Tin Lành, và một số khác sống theo chế độ thần linh. Và chúng ta thấy rằng đó là một phong tục, tập quán mà chúng ta phải bảo vệ và tôn vinh, đó là một gia sản, một di sản văn hóa của chúng ta.

Nhưng ngày nay, chúng ta (chính quyền) muốn áp đặt một cái chung tức là mọi người phải đi theo ĐCSVN, mà đảng Cộng sản không phải là một tôn giáo gì hết mà bắt người ta theo chủ trương của mình, tôi nghĩ cái đó hơi khiên cưỡng và chính vì vậy nó sinh ra, ngoài vấn đề đất đai ra, còn vấn đề tín ngưỡng của người Thượng, người ‘thiểu số’”.

Bình luận thêm về sự việc ở Đắc Lắc hôm 11/6, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nhà dân tộc học từng làm việc tại một Khoa Đông Nam Á học thuộc một Đại học tại Paris, Pháp, nói thêm với Đài Á Châu Tự Do (RFA) cùng hôm 13/6:

“Vấn đề phải nhìn một cách rõ ràng. Thí dụ người Kinh đứng lên phản đối chính quyền, chúng ta (chính quyền) nói đó là bạo động như là về đất đai trong vụ Đoàn Văn Vươn, hoặc một số vụ ở miền Bắc Việt Nam khi chính quyền đến cưỡng chế lấy đất đai như vụ Đồng Tâm, người ta nói đó là do cưỡng ép, áp đặt (mà phản kháng), chứ không phải là vì người thiểu số muốn phản loạn, lật đổ chính quyền. Nhưng vì đây là người Thượng, thành ra họ (chính quyền) cứ áp đặt đây là phong trào FULRO, phong trào Đề-Ga (Nhà nước Tin Lành Đề-Ga), gắn cho họ những cái nhãn mà họ không có, tức là những người muốn đòi tự trị.

Vụ này là phản ứng tự nhiên của con người, khi mất hết tất cả, họ sẵn sàng chết, chứ khi chỉ còn có đất đai sinh sống mà bị ‘cướp đoạt’, hoặc bị ‘cưỡng chế’, thì còn lý tưởng gì để sống, nên họ phải liều mình, trong tay họ có gì, có súng, có dao, có mác thì họ sẵn sàng, như người Việt mình cũng thường làm với chính quyền Cộng sản. Nhưng vì đây là người Thượng, nên chúng ta (chính quyền) cứ dán cho họ những cái nhãn như là ‘phản động’, ‘Đề-Ga’, ‘lật đổ chính quyền’, ‘đòi tự trị’, tôi thấy cái này là một cách áp đặt của một chế độ độc tài. Thành ra tôi nghĩ cái này phải nhìn lại.

Còn vấn đề rút ra kinh nghiệm cho tương lai, tôi thấy đây là vấn đề mà chính quyền Việt Nam phải có sự hợp tác của những cộng đồng xã hội dân sự khác, bởi vì ngày nay chính quyền Việt Nam cũng lập ra những ủy ban như Ủy ban Dân tộc, nhưng những ủy ban này và những người Thượng lãnh đạo ở địa phương là những người Cộng sản và họ chỉ theo những chủ trương của ĐCSVN và họ làm trái với những điều mà tổ tiên của họ đã làm, thành ra tôi nghĩ rằng những người đại diện của ĐCSVN hiện nay ở trên Tây Nguyên mà là người gốc ‘thiểu số’ đó không đại diện cho chính sách, quyền lợi của họ (đồng bào bản địa), mà họ đại diện cho quyền lợi của đảng Cộng sản, chứ không cho quyền lợi của người địa phương. Tôi nghĩ vấn đề này chúng ta phải đặt lại, tại vì người Thượng chiếm chưa tới 1% dân số, mà chúng ta cứ áp đặt chính sách của đa số lên họ. Ngày nay họ là người ‘thiểu số’, còn trong tương lai họ trở thành những người ‘di cư’ trên đất của họ, thì tôi thấy điều này là quá đáng và chúng ta phải có một cái nhìn sáng suốt hơn về cộng đồng sắc tộc trên đất nước Việt Nam”.

Trên đây là quan điểm riêng của một số nhà nghiên cứu, quan sát từ Việt Nam và hải ngoại xung quanh sự kiện nghiêm trọng ở Tây Nguyên, còn hôm thứ tư, 14/6/2023, cập nhật tin tức hậu các vụ nổ súng ở huyện Cư Kuin, trên địa bàn Đắc Lắc, báo Công An Nhân Dân online của Việt Nam cho hay an ninh, trật tự tỉnh ở này ‘đã trở lại bình thường’, và có thêm ‘một đối tượng tự thú’:

“Theo báo cáo của Công an Đắc Lắc, tình hình an ninh, trật tự tại toàn tỉnh Đắc Lắc đã trở lại trạng thái bình thường, các sinh hoạt xã hội thường lệ không có gì thay đổi. Nhịp sống thường ngày trở lại không khí như những ngày trước 11/6. Trong đêm 13/6 đã có một đối tượng tham gia vụ gây mất an ninh, trật tự ra tự thú. Như vậy, đến nay đã có 3 đối tượng tham gia sự việc ra tự thú để được hưởng khoan hồng.

Tính đến 8h30 sáng 14/6, lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng cộng 46 đối tượng gây mất an ninh, trật tự tại trụ sở Ủy ban Nhân dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Công an tỉnh Đắc Lắc tiếp tục kêu gọi những người “lầm đường-lạc lối” ra tự thú để được hưởng khoan hồng. Trước đó… sáng sớm 11/6, tại địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra sự việc một nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, làm 9 người chết và 2 người bị thương. Sau khi xảy ra sự việc, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắc Lắc, các đơn vị nghiệp vụ khai triển vây bắt nhóm đối tượng nêu trên, giải cứu một số người dân bị bắt làm con tin”, vẫn theo tờ báo của ngành Công an Việt Nam.


Bạo Động ở Đắc Lắc, Giết Hàng Loạt Công An: Gốc Rễ Là Người Dân Tộc Không Khuất Phục, Không Quy Thuận Người Kinh?


(Ảnh: Một trong số 46 người bị công an bắt sau vụ bắn giết tại hai trụ sở xã ở Đắc Lắc hôm 11/6/2023.)

-Một số người am hiểu vùng Tây Nguyên của Việt Nam nhận định với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng vụ bắn giết cán bộ công quyền xảy ra ở tỉnh Đắc Lắc hôm 11/6/2023 có nguyên nhân gốc rễ là người dân tộc thiểu số không chịu để cho người Kinh “đồng hóa”, “thực dân hóa”.

Như VOA đã đưa tin, hàng chục người sắc tộc thiểu số cách đây ít ngày đã tấn công các trụ sở chính quyền của 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Chư Quynh), tỉnh Đắc Lắc, giết chết 9 người trong đó có 2 cán bộ lãnh đạo xã và 4 viên công an.

Truyền thông trong nước công bố nhiều hình ảnh và thông tin nói rằng nhóm người kể trên thuộc nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đã sử dụng “súng, dao, bom xăng, lựu đạn” để “đốt phá” và “giết người tàn bạo”.

Đến ngày 14/6, nhà chức trách đã bắt giữ 46 người nghi có dính líu đến vụ tấn công, theo Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam.

Một số người bị bắt giữ nói “ông chủ mưu” đã họp bàn, phân công về cuộc tấn công và hứa hẹn rằng những người tham gia cuộc tấn công sẽ được “ấm no, giàu sang”, theo các bài tường thuật của truyền thông nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước Việt Nam.

Giới chức Việt Nam đến nay vẫn chưa chỉ rõ nguyên nhân, động cơ cụ thể dẫn đến cuộc tấn công.

Một ngày sau sự việc, hôm 12/6, một người dân không muốn nêu tên, sống gần trụ sở ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu, nhận định với VOA về nguyên nhân:

“Nhà nước nào cũng có đối lập, đúng không? Bên đối lập lợi dụng tình hình dân tộc và tình hình thu hồi đất để làm đường giao thông, các dự án phát triển kinh tế-xã hội để kích động nhóm đối tượng này. Thực tế những người này theo tôi nghĩ là thành phần thiếu hiểu biết. Giờ xảy ra tình trạng như vậy cũng rất là đáng thương”.

Theo tìm hiểu của VOA, từ giữa năm 2022 đến tháng 3 năm nay, huyện Cư Kuin tiến hành giải phóng mặt bằng, bao gồm cả cưỡng chế, để lấy đất của hàng chục gia đình dân ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur.

Công tác giải phóng mặt bằng đó là để phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Ban Mê Thuột, để chấn chỉnh hành lang an toàn giao thông dọc theo quốc lộ 27, và để xây khu đô thị Trung Hòa.

Báo chí trong nước cho hay nhiều người bị “thiệt đơn thiệt kép” trong các cuộc giải phóng mặt bằng kể trên.

VOA đã cố liên lạc với ủy ban nhân dân và công an huyện Cư Kuin, các cơ quan cấp trên của hai xã có vụ tấn công, để hỏi xem liệu vấn đề đất đai có liên quan gì đến vụ tấn công, nhưng không có hồi đáp.


(Ảnh: Hai xã Ea Tiêu, Ea Ktur (tỉnh Đắc Lắc) rất gần thành phố Ban Mê Thuột và trụ sở chính quyền huyện Cư Kuin.)

Người Thiểu Số Không Quy Thuận

Một nhà thầu sống và làm việc hàng chục năm ở Tây Nguyên bình luận với VOA rằng việc nêu ra vấn đề tranh chấp đất đai để lý giải về mâu thuẫn, bạo động ở Đắc Lắc nói riêng, Tây Nguyên nói chung, là “cách nói lấp liếm của nhiều người không hiểu”, không đi vào gốc rễ.

Người này, từng xây dựng các công trình cho quân đội Việt Nam ở Tây Nguyên và đề nghị giấu tên, nói:

“Đây là vấn đề về ý thức hệ, của người đồng bào [dân tộc thiểu số]. Người ta không khuất phục trước sự thay đổi của người Kinh. Người Kinh mang đến văn minh, người ta cơ cấu lại các đơn vị hành chính, xã này, phường này, công an xã này, mặt trận tổ quốc này, cách quản lý mới. Người ta [người dân tộc] không thích nghi được cái đấy. Người ta chỉ quen làng, xã, già làng và cái cơ cấu từ ngày xưa thôi. Đây là vấn đề hoàn toàn về ý thức hệ của người ta từ muôn đời xưa đến nay”.

Người Kinh, chiếm thế đại đa số trong dân số Việt Nam, đã tăng mạnh sự hiện diện của họ ở Tây Nguyên trong 40 năm qua. Kết quả một điều tra cuộc điều tra dân số cấp quốc gia được công bố hồi năm 2019 cho thấy người thuộc các sắc tộc thiểu số chỉ chiếm 37,7% dân số ở Tây Nguyên, theo Tổng cục Thống kê.

Với quan sát về Tây Nguyên trong nhiều năm, nhà thầu này nhận xét rằng người dân tộc và người Kinh tuy chung sống nhưng bên dưới sự bằng mặt mà không bằng lòng là cơn sóng ngầm:

“Hàng ngày vẫn đi làm với nhau, gặp nhau. Người ta đi làm thuê cho người Kinh, làm cà-phê, cao su, mọi cái, mua hàng tạp hóa của người Kinh, vẫn OK, bình thường. Nhưng mà ý thức hệ không thể hòa hợp được. Người ta có khuất phục thì đấy chỉ là vẻ bên ngoài. Nói nôm na, người Kinh không đồng hóa được mặc dù ở sát ngay cạnh người ta, sống chung với người ta”.


(Ảnh: Hàng chục nghi phạm bị bắt sau vụ tấn công trụ sở hại xã ở Đắc Lắc hôm 11/6/2023.)

Chế Độ ‘Thực Dân’ ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Trường Sơn, nghiên cứu sinh Thạc sĩ tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, liên tưởng công tác quản trị của Việt Nam ở Tây Nguyên với sự cai trị thực dân của Pháp ở chính Việt Nam trong quá khứ.

Ông Sơn cho VOA biết ông từng sống ở Thái Lan 5 năm và gặp hàng trăm người tị nạn thuộc đủ các sắc tộc như H’mong Đen, H’mong Xanh, Êđê, Jarai, Xtiêng, Hà Lăng, Chăm… phải chạy trốn tới nước láng giềng vì họ có điểm tương đồng là đều bị chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo, bị gán ghép cho các âm mưu đen tối mà bản thân họ chưa từng nghe tới, và bị cướp đất.

Những câu chuyện của những người sắc tộc bản địa tị nạn kể về cảnh bị áp bức không khỏi làm ông Sơn so sánh với chính những gì sách giáo khoa lịch sử Việt Nam nói về chính sách của thực dân Pháp, đó là cai trị hà khắc, bóc lột, tước đoạt tài nguyên, đồng hóa, bỏ tù.

“Tôi tự hỏi liệu phải chăng đang xuất hiện một chế độ thực dân mới ở ngay trên đất nước mình, một đất nước đã phải đánh đổi rất nhiều, trong đó có xương máu của bao nhiêu thế hệ, để lật đổ ách cai trị thực dân?”, ông Sơn nêu lên câu hỏi.

Vẫn ông Sơn bày tỏ quan điểm với VOA: “Là một người Việt Nam, được giáo dục lòng căm hờn chủ nghĩa thực dân, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ trước chính sách cai trị mà nhà nước đang áp dụng ở Tây Nguyên”.

Về khía cạnh đất đai, tài nguyên, ông Sơn lưu ý rằng người bản địa Tây Nguyên có tập quán riêng về xác lập chủ quyền trên các mảnh đất.

“Thay vì mét vuông, sào, mẫu, thửa, thì họ dùng các hàng cây, quả đồi, dòng sông/suối để xác lập ranh giới. Nhưng khi chính quyền tiếp quản Tây Nguyên, thì đã cố tình ngó lơ thực tế đó. Cứ thế, một làn sóng lấy đất của người Thượng để thiết lập nên nông trường do nhà nước quản lý xảy ra ồ ạt. Cộng với chính sách kinh tế mới, khuyến khích người Kinh lên cao nguyên để ‘khai phá’ đất đai. Đã tạo ra một cuộc đổi chủ quy mô lớn trên dải đất này”, vị nghiên cứu sinh này nói với VOA.

Giờ đây người Thượng phải đi làm thuê cho các nông trường, ông Sơn đưa ra quan sát và chỉ ra thực trạng là làn sóng đô thị hóa đang làm người Thượng một lần nữa đối diện với việc mất đi những mảnh đất cha ông, thường với giá đền bù rẻ mạt.

Người bản địa Tây Nguyên còn phải chịu sự ngăn cấm của nhà nước trong sinh hoạt tôn giáo, vẫn theo ông Sơn.

“Hàng loạt hội thánh bị xóa sổ, tu sĩ bị bỏ tù, tín đồ bị sách nhiễu, còn cơ sở thờ tự thì bị huỷ hoại. Cho dù, ở mặt bên ngoài, du khách vẫn có thể thấy các ngôi thánh đường ở các thành phố, thị xã trên Tây Nguyên. Nhưng đằng sau nó thực ra lại là một chiến dịch phong tỏa, kiềm chế, và triệt tiêu rất ác liệt”, ông nói với VOA.

VOA đã nhiều lần đưa tin về việc trấn áp, sách nhiễu tôn giáo của chính quyền Việt Nam ở Tây Nguyên. Mỹ, các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế không ít lần chỉ trích về vấn đề này. Phía Việt Nam luôn phủ nhận, đáp lại rằng họ bảo đảm các quyền và các sinh hoạt tôn giáo ở trong nước.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Trường Sơn, hiện ở Đài Loan, đưa ra bình luận với VOA:

“Vì đất đai bị lấy đi, không gian sống bị thu hẹp, va chạm văn hóa với di dân, và đến cả niềm tin tôn giáo - vốn là cứu cánh cuối cùng, cũng bị cấm cản. Điều đó tạo ra một nồi áp suất dồn nén tâm can của các cộng đồng cư dân bản địa. Nồi áp suất này luôn trong trạng thái chực chờ phát nổ”.

Trên thực tế, từ năm 2000 đến nay đã có những cuộc biểu tình, nổi loạn lớn nhỏ ở Tây Nguyên, nổi bật là các vụ xảy ra trong các năm 2001, 2004 và 2008.

Nhà thầu giấu tên, từng xây dựng các công trình cho quân đội Việt Nam ở Tây Nguyên, nhận xét:

“Dồn người ta vào chỗ không có con đường sống. Sai hết. Tầm bậy”.
Cần Tôn Trọng Không Gian của Người Bản Địa

Nghiên cứu sinh Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh với VOA ông không thể chấp nhận cách tiếp cận hiện tại của chính quyền Việt Nam.

Việc nhà nước Việt Nam viện ra lý do ngăn chặn ly khai ở Tây Nguyên là điều có thể hiểu được, nhưng để đạt mục tiêu giữ gìn sự toàn vẹn nước Việt Nam, theo ông Sơn, chính sách tốt nhất phải là làm cho người dân thuộc mọi sắc tộc cảm thấy họ thực sự là người Việt Nam, và muốn cùng nhau dựng xây một đất nước chung cho thế hệ tương lai.

“Để làm được như vậy thì trước hết là phải tôn trọng văn hóa của mọi sắc dân, phải tạo điều kiện để họ duy trì được văn hóa của mình bằng việc sử dụng hệ thống giáo dục. Sau nữa là phải bảo vệ quyền lợi của họ, dù là đất đai, vườn tược, hay cao hơn là quyền lợi chính trị”, ông Sơn kiến nghị.

“Bảo đảm văn hóa và quyền lợi của người địa phương sẽ không bao giờ dẫn đến ly khai. Nó đã được kiểm chứng ở khắp nơi trên thế giới”, nghiên cứu sinh này nhấn mạnh.

“Còn nếu cứ duy trì chính sách cai trị như hiện nay, thì việc sử dụng bạo lực để trấn áp sẽ không thể giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Nó chỉ sinh ra thêm oán hận, và bơm thêm sức ép vào nồi áp suất. Tạo ra thêm lý cớ cho các nhóm cực đoan tuyên truyền và tuyển mộ. Coi chừng để lâu khi nó nổ thì sẽ còn nghiêm trọng hơn”, ông Sơn, người từng gặp gỡ hàng trăm người tị nạn từ Tây Nguyên, cảnh báo.

Nhà thầu giấu tên, có nhiều năm xây dựng cho quân đội ở Tây Nguyên, cho VOA biết nhà nước Việt Nam lâu nay thực hiện các bước nhằm chiếm con tim, khối óc của người bản địa, song vẫn chưa đúng cách:

“Nhà nước hàng tháng cấp cho người ta gạo, dầu, cho tôn lợp nhà, phi brô xi măng, đủ thứ trên đời để cho người ta an sinh. Tức là về cơm ăn áo mặc hàng ngày là không phải lo. Nhưng vấn đề là câu chuyện nó hoàn toàn khác. Có phải là bỏ bê người ta đâu. Không có. Nhưng vấn đề là người ta không quy thuận, thế thôi”.

Từ kinh nghiệm sống trong vùng, nhà thầu này nêu gợi ý:

“Mình phải để không gian cho người ta sống, để người ta làm cái gì theo tục lệ của người ta. Nhưng đây là câu chuyện nhạy cảm về chính trị, về chủ trương từ lâu đời rồi. Bây giờ ông để cho người ta có không gian sống thì vô hình trung lại công nhận một cộng đồng nói quá đi là tự trị. Nhưng đất nước chúng ta [Việt Nam] lại không chấp nhận chuyện đấy. Vấn đề là phải tạo ra cho họ một không gian, một hệ thống quản lý phù hợp với người ta”.


(Hình: Trụ sở xã Ea Tiêu, tỉnh Đắc Lắc, sau vụ tấn công chết người hôm 11/6/2023.)

Như VOA đã đưa tin, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công bắn giết nhân viên công quyền ở Đắc Lắc, nhiều người bao gồm cả các nhà hoạt động vì dân chủ, tiến bộ xã hội lên tiếng không ủng hộ bạo lực, khủng bố, song cũng cho rằng hành động tuyệt vọng và manh động của những người dân không phải là vô cớ, phía chính quyền cần xem lại các vấn đề về quản trị.

Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam cho hay hôm 14/6 rằng lực lượng chấp pháp đã truy quét và bắt được “46 đối tượng”. Bên cạnh đó, nhà chức trách “nỗ lực tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự” nên “bình yên đã trở lại ở huyện Cư Kuin, Đắc Lắc”.

“Để bảo đảm an toàn cho người dân, tỉnh Đắc Lắc đã bố trí các điểm chốt có lực lượng chức năng túc trực 24/24 tiếng đồng hồ. Chính điều này đã mang lại tâm lý an toàn, an tâm cho người dân”, trang của chính phủ cho biết.


Dập Tắt Ngọn Lửa Đấu Tranh: Công An Phạt Tiền Nhiều Người Dân Bình Luận Về Vụ Đắc Lắc - “Càng Phạt Càng Kích Thích Người Dân Tìm Hiểu”


(Hình: Tống đạt quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Ngọc T.)

-Bộ Công an khuyến cáo báo chí nhà nước cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, trong khi tăng cường xử phạt người dân đưa tin tức hay bình luận trên mạng xã hội về vụ nổ súng ở Đắc Lắc.

Cho đến ngày 14/6/2023, có ít nhất 5 người dân bị công an gọi lên làm việc và bị phạt hành chính với mức phạt 5,5 triệu đồng-7,5 triệu đồng vì có các bình luận bị cho là “xuyên tạc” trong sự việc nghiêm trọng vừa qua.

Các tờ báo đưa tin rầm rộ cho rằng, những người này bị xử phạt “về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” hay “cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân” quy định tại Khoản 1, Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, kỹ thuật thông tin và giao dịch điện tử.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Á Châu của HRW bình luận qua tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 14/6:

“Thật lố bịch khi Chính phủ Việt Nam đang cố gắng kiểm duyệt những người bình thường nói về vụ tấn công ở Đắc Lắc, và những hình thức phạt tiền này không nên áp đặt đối với bất kỳ ai đơn giản chỉ vì chia sẻ thông tin.

Thực tế, Chính phủ Việt Nam hầu như không cung cấp thông tin rõ ràng về những gì đã xảy ra, vì vậy, việc người ta nói về những gì họ cho là đã xảy ra là chuyện đương nhiên”.

Theo ông, nếu các cơ quan chức năng của Việt Nam muốn chấm dứt đồn đoán về các sự kiện ở Đắc Lắc thì họ nên”đưa ra những giải thích rõ ràng, khách quan và chi tiết về vụ tấn công, bao gồm thông tin chính xác về những người bị thương và thiệt mạng, và những người mà Chính phủ đã bắt giữ”.

Báo Chí Cần Nhìn Sự việc ở Nhiều Góc Độ

Theo báo Người Lao động, Hà Tĩnh là tỉnh có ba công dân bị mời lên đồn công an về các bài viết mình về vụ tấn công xảy ra vào sáng sớm của ngày 11/6. Cả ba người (chỉ nêu tên viết tắt) bị phạt mỗi người 7,5 triệu đồng và bị buộc phải xóa bài.

Trang Facebook Thông tin Chính phủ đưa tin vào chiều 13/6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng kỹ thuật cao thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kỹ thuật thông tin với số tiền 7,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Ngọc T. ở thành phố Nha Trang.

Trang tin online của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng đưa tin ông T.R. bị nhà chức trách tỉnh Quảng Nam xử phạt 5,5 triệu đồng vì đăng tải bài viết trên trang Facebook cá nhân với nội dung “Truy bắt nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở Công an xã tại Đắc Lắc” kèm bình luận “sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức”.

Trong cả năm trường hợp nêu trên, báo chí không đưa chi tiết các tin hoặc bình luận của những người bị phạt hành chính mà chỉ nói họ đều thừa nhận sai phạm và chấp hành yêu cầu xóa bài.

Luật sư Lê Quốc Quân nói với RFA trong sáng 14/6, cho rằng các thông tin của báo Nhà nước đưa ra đều “không đầy đủ và hoàn toàn một chiều”. Ông nói:

“Thông tin chính thống của nhà nước (về việc xử phạt- PV) cũng rất mơ hồ, ví dụ xử phạt ông A rồi ông R với số tiền bao nhiêu vì đã đưa tin sai sự thật rồi xúc phạm uy tín danh dự của tổ chức và công dân nhưng mà thực tế thì ông đó là ông nào, ông đưa tin sai sự thật thì sai cái gì, xúc phạm thì xúc phạm ai, bằng câu nào, chứng từ nào thì không hề thấy được đưa ra”.

Ngay sau vụ tấn công, nhà chức trách Việt Nam yêu cầu các tờ báo thận trọng trong việc đưa tin, chỉ được đưa tin kiểm chứng từ phía công an. Luật sư Lê Quốc Quân thì có ý kiến khác:

“Đây là một sự kiện rất là hay, lẽ ra thông tin và báo chí phải được khai thác ở rất nhiều góc độ khác nhau với nhiều phương diện khác nhau và đặc biệt là cần phỏng vấn trực tiếp của những người có liên quan để nhân dân được biết và người đọc cảm thấy được tôn trọng vì mình được cung cấp đầy đủ thông tin.

Nhưng mà bây giờ Ban Tuyên giáo đã chỉ đạo rất rõ ràng là chỉ được đưa tin theo tinh thần của Bộ Công an mà thôi, và thứ hai là kiểm soát chặt chẽ phần bình luận thì tôi nghĩ ở đây họ đã quyết định như vậy và họ làm chủ toàn bộ cuộc chơi về thông tin này rồi thì việc bình luận về mặt pháp lý nếu có sau những thông tin đó thì hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin họ đưa hết sức mơ hồ và không rõ ràng”.

Ông cho rằng tự do báo chí và tự do ngôn luận càng ngày càng đi xuống với việc người dân bị bịt miệng còn báo chí cũng tự kiểm duyệt và đưa tin rập khuôn và một chiều, hoàn toàn theo thông tin của Bộ Công an.

“Càng Phạt Càng Phản Tác Dụng”

Từ Đức, nhà văn Võ Thị Hảo cũng có cùng ý kiến về tự do thông tin và tự do báo chí. Bà nói với phóng viên:

“Có thêm người đưa tin, những nguồn tin độc lập, về sự việc đã xảy ra ở Đắc Lắc, tôi nghĩ đó là một điều tốt. Không nên cấm hoặc xử phạt những người như thế.

Đây chẳng qua là hành động của nhà chức trách họ muốn rằng thông tin là thông tin hoàn toàn chỉ từ một nguồn là họ cung cấp, và như thế khiến người ta nghi ngờ về cái sự khách quan về thông tin và sự minh bạch, công bằng trong việc giải quyết sự việc này”.

Một nhà quan sát thời sự ở Hà Nội, bình luận trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

“Hiện nay, phía công an chưa công bố chính thức nguyên nhân nhóm dân này tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân hai xã. Vì vậy, nếu họ càng phạt thì càng phản tác dụng, kích thích người dân tự tìm hiểu.

Không dưng mà hàng chục con người chuẩn bị vũ khí một cách công phu để liều mạng, trong khi không liên quan đến một vụ cưỡng chế đất nào đang xảy ra.

Nhà nước không kịp thời công bố chính thức nguyên nhân sự việc mà sốt sắng phạt người đưa tin, bình luận thì sự thật càng chóng phơi bày trong thế giới phẳng này”.

Xử Phạt Người Bán Quần Áo Rằn Ri: Tâm Lý “Con Én Sợ Cành Cong”

Theo một số video phát tán trên mạng xã hội, trong vụ tấn công vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, phần lớn những nghi phạm đã mặc quần áo rằn ri, kiểu quân đội mà người dân thường mặc để đi rừng, làm rẫy.

Một vài ngày sau, cơ quan quản lý thị trường ở 2 tỉnh Đắc Lắc và Kon Tum đồng loạt ra quân để kiểm tra các cơ sở buôn bán quần áo và tìm kiếm quần áo rằn ri đã qua sử dụng và chưa qua sử dụng.

Truyền thông nhà nước đưa tin cơ quan chức năng ở hai tỉnh này đã phát giác nhiều cơ sở buôn bán quần áo có số lượng hàng ngàn bộ quần áo rằn ri, cả cũ và mới, và đã phạt hành chính và thu giữ hàng ngàn bộ quần áo, mũ và thắt lưng vì không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Báo Nhà báo & Công luận đưa tin Cục Quản lý thị trường Kon Tum xử phạt 50 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Vũ Thị Nguyệt (trú tại thị trấn Đắc Hà, huyện Đắc Hà) vì hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là hàng hóa cấm nhập cảng có giá trị 50 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã phát giác cửa hàng của bà Nguyệt có bày bán 1.000 bộ quần áo rằn ri mang nhãn hiệu ngoại quốc thuộc danh mục cấm nhập cảng, không có chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Báo Sài Gòn Giải Phóng online đưa tin cơ quan chức năng phát giác hơn 1.000 bộ quần áo, mũ rằn ri và thắt lưng đã qua sử dụng tại cơ sở kinh doanh ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắc Lắc) mà chủ cơ sở buôn bán không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Nhà chức trách đã tạm giữ số hàng trên để giải quyết theo pháp luật.

Nhà bình luận thời sự ở Hà Nội cho rằng, việc truy tìm và thu giữ quần áo rằn ri cũng giống như hành động mới đây phản đối đồng xu lưu niệm 50 năm kết thúc cuộc tham chiến của Úc Ðại Lợi trong Chiến tranh Việt Nam, hay cấm cờ vàng, thể hiện một tâm thế ti tiện, hoảng loạn như “con én sợ cành cong”. Nó không có cơ sở pháp lý nào mà lại gây cười trong khi hàng giả, hàng cấm thì tràn lan không ai quản lý được.

Luật sư Lê Quốc Quân bình luận về việc xử phạt bán quần áo rằn ri:

“Theo tôi, chuyện này hết sức trẻ con và mơ hồ. Nó như kiểu phản ứng một cách giật mình, bởi vì tôi thấy khái niệm ‘áo rằn ri’ không hề có trong luật pháp hay là sự điều chỉnh thế nào là rằn ri. Thực chất đó là vải vóc và nếu trên đó có phù hiệu hay gì đó mà không đúng thì điều đó được điều chỉnh bằng pháp luật rồi.

Với tư cách là cơ quan quản lý thị trường thì phải thường xuyên giám sát các hoạt động đấy. Pháp luật đã quy định thì có nghĩa là phải được thực thi thường xuyên và liên tục trong hệ thống giám sát hay là điều hành pháp luật nói chung chứ không phải là tự nhiên nghe nói có sự kiện như vậy rồi bắt đầu tiến hành xử phạt gọi là quần áo rằn ri”.

Nhà văn Võ Thị Hảo thì cho rằng đây lại là một sai lầm nữa sau sai lầm kiểm soát thông tin. Bà nói:

“Tôi nghĩ rằng đây lại là một cái sai nữa, lần này là của đội quản lý thị trường hay là những người đứng sau lệnh này. Quân đội Việt Nam cũng sử dụng quần áo rằn ri. Nếu trước giờ cho phép ở ngoài người ta mặc thì tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường.

Thế thì tại sao lần này, vì cái vụ vừa xảy ra ở Đắc Lắc mà lại đi tịch thu của người ta, tôi nghĩ đó lại là sai lầm nữa. Nó không có hiệu quả, mà nó chỉ gây sự bất bình thôi”.


Ngọn Lửa Đấu Tranh ‘Sự Kiện Cư Kuin’, Hồi Chuông Cảnh Báo?

(Trân Văn)

-Song tương quan giữa “sự kiện Cư Kuin” với các “chủ đất” - nếu có vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. “Sự kiện Cư Kuin” là hồi chuông cảnh báo về một ẩn họa mà tính chất, mức độ nguy hiểm đáng ngại hơn nhiều....

Nếu tìm kiếm, đối chiếu thông tin nhằm xác định nguyên nhân dẫn tới chuyện vài chục người có vũ trang tấn công trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc, lúc rạng sáng 11/6/2023, chắc chắn sẽ nhận ra: Việc phê duyệt, thực hiện các dự án tiếp tục là nguyên nhân dẫn tới bất đồng giữa dân chúng và chính quyền địa phương.

Cho dù chưa thể khẳng định “thu hồi đất” và “bồi thường” là nguyên nhân dẫn tới “sự kiện Cư Kuin” nhưng ít nhất cũng có thể thấy, mâu thuẫn về lợi ích giữa “chủ đất” (doanh nghiệp được giao quyền sử dụng đất) với “người lao động” (cả cá nhân lẫn gia đình đang sử dụng đất) vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Mâu thuẫn đã trở thành gay gắt khi các “chủ đất” được chính quyền xuất công quỹ bồi thường (tổng chi phí bồi thường đã được bổ sung thêm 332 tỉ) nhưng “phương án phân chia khoản bồi thường về tài sản trên đất” của “chủ đất” với “người lao động” bị “người lao động” cho là “không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi” của họ, thành ra thu hồi đất và bồi thường vẫn là... “vấn đề”. “Vấn đề” đó vốn không mới và cách nay 7 năm, một “người lao động” đã từng phải dùng súng để giải quyết mâu thuẫn....

Cuối tháng 10/2016, dư luận Việt Nam rúng động khi một người đàn ông 41 tuổi ngụ tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông bắn vào “đoàn cưỡng chế thu hồi đất lấn chiếm” khiến 3 người chết. 13 người bị thương. Hung thủ - ông Đặng Văn Hiến (sinh năm 1975) và 3 đồng phạm bị bắt.

Ở cả hai phiên xử Sơ thẩm và Phúc thẩm, ông Hiến cùng bị các Hội đồng Xét xử phạt tử hình. Tuy nhiên đã có khoảng 5.000 người ký vào kiến nghị Chủ tịch Nhà nước ân xá cho ông Hiến. Thân nhân của hai trong số ba nạn nhân bị ông Hiến bắn chết gửi thư cho Hội đồng Xét xử Phúc thẩm đề nghị đừng phạt tử hình ông Hiến. Các Thẩm phán tham gia xét xử ông Hiến cũng áy náy với hình phạt tử hình do chính họ tuyên nên liên tục nhắc nhở để ông Hiến đừng bỏ lỡ cơ hội xin ân xá! Vì sao lại thế?

...Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông cũng là túi chứa di dân tự do – những cá nhân lìa bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn, dắt díu nhau đi khai hoang, lập nghiệp ở những vùng đất mới với hy vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang…. Tuy hoang hóa nhưng đất rừng luôn là công thổ và vì vậy chỉ chính quyền mới có quyền định đoạt công thổ.

Năm 2008, chính quyền tỉnh Đắc Nông quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc-ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Tiếng là rừng nhưng một phần không nhỏ trong 1.079 héc-ta đó đã là nơi cư trú, là vườn, là rẫy... vừa là sinh kế, vừa là tương lai của hàng trăm gia đình di dân. Sau khi được thuê 1.079 héc-ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác hàng ngàn héc-ta đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu.

Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn – bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty đã được công nhận là... “chủ”, toàn quyền… khai thác. Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư…. Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.

Khai phá-sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng lẽ nào lại gạt bỏ thực tế khai thác-sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ? Nếu cho thuê 1.079 héc-ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức nhằm phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tại sao không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho riêng Công ty Long Sơn?....

Không thể trả lời những thắc mắc ấy, năm 2010, chính quyền Đắc Nông yêu cầu Công ty Long Sơn thảo luận với dân chúng địa phương về chuyện bồi thường. Năm năm sau, chính quyền Đắc Nông quyết định thu hồi 265/1.097 héc-ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình. Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, một Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Đắc Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn “cưỡng chế-thu hồi đất” để kiểm tra lại.

Song tất cả những động tác vừa kể chỉ có giá trị trên… giấy, trong thực tế, Công ty Long Sơn vẫn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và “công nhân” dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà-phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đắc Nông đã cho công ty này… thuê. Trong quá trình “cưỡng chế - thu hồi đất”, “công nhân” của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ.

Suốt tám năm, toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động trước tất cả các đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà Công ty Long Sơn thực hiện, bất kể dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có người bị “công nhân” của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,….

Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu mình bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 “công nhân” Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo. Bởi “công nhân” Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến có thêm sự hỗ trợ của hàng xóm chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò….

Chỉ đến khi có 3 người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắc Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì “giết người”, Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm”…. Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn, vừa dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí “lên huyện, lên tỉnh” để tìm… “sự thật” .

Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận: Chuyện doanh nghiệp này tự tổ chức cưỡng chế - thu hồi đất bằng cách trang bị dao, rựa, gậy gộc, khiên, đá,… để “công nhân” tấn công dân lành được xác định là “trái pháp luật”. Cũng phải tới lúc đó, đại diện chính quyền tỉnh Đắc Nông mới phân trần, rằng… quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn chỉ dựa vào bản đồ, chưa đo đạc thực địa nên không rõ hoạt động cưỡng chế-thu hồi đất của doanh nghiệp này có chính xác hay không!

Cũng phải tới lúc đó, chính quyền Việt Nam mới thừa nhận một sự thật khác, trong 1.079 héc-ta rừng mà chính quyền tỉnh Đắc Nông cho Công ty Long Sơn thuê có 539 héc-ta là rừng tự nhiên, 540 héc-ta là đất lâm nghiệp không còn rừng. Từ năm 2008 đến ngày xảy ra thảm án Quảng Trực, công ty Long Sơn đã phá trụi 501/539 héc-ta rừng mà lẽ ra công ty này phải giữ, 38 héc-ta còn lại không bị tác động chỉ vì đó là rừng… “nghèo kiệt”... Tháng 12/2016, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu và một Phụ tá bị bắt.

Kết quả chung thẩm, ông Đặng Văn Hiến vẫn bị phạt “tử hình” (tháng 9 năm 2022 ông mới được ân xá - miễn tử). Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu và một đồng phạm cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được giảm mỗi người hai năm tù nên một người ở tù bốn năm, một người ở tù hai năm. Không có bất kỳ viên chức nào trong hệ thống công quyền ở tỉnh Đắc Nông bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

**
Trong vài năm gần đây, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã từng đề cập đến tình trạng hỗn loạn ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc sau khi chính quyền công bố chủ trương sẽ thực hiện một số dự án ở nơi này. Chẳng hạn tháng 6 năm 2022, khi đề cập đến việc cưỡng chế 64 công trình xây dựng trái phép và dự trù sẽ giải quyết thêm 500 công trình nữa tại huyện Cư Kuin, tờ Tiền Phong cho rằng, sở dĩ tình trạng xây dựng trái phép ở xã Ea Tiêu trở thành trầm trọng bởi nhiều người cho rằng, chính quyền sẽ thu hồi đất trong tay một công ty vốn là “chủ đất” và vì vậy sẽ giao đất cho những cá nhân, gia đình thực sự đang sử dụng đất.

Cứ như những gì mà một số cơ quan truyền thông chính thức đã tường thuật về các dự án – hoạt động thu hồi đất để thực hiện dự án – thanh toán tiền bồi thường tại huyện Cư Kuin thì ít nhất tại huyện này cũng có vài doanh nghiệp được chính quyền giao đất kiểu như Công ty Long Sơn được nhận đất ở Đắc Nông, tuy nhiên không có cơ quan truyền thông chính thức nào bận tâm đến chuyện đã có bao nhiêu héc-ta đất được giao cho các doanh nghiệp không sử dụng đất?

Chưa thể xác định các “chủ đất” có liên quan đến “sự kiện Cư Kuin” chăng nhưng chẳng lẽ giao đất cho một số doanh nghiệp làm “chủ đất”, bất kể có sử dụng đất hay không rồi vui vẻ trả tiền bồi thường cho các “chủ đất” là chuyện không đáng bận tâm? Song tương quan giữa “sự kiện Cư Kuin” với các “chủ đất” - nếu có vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. “Sự kiện Cư Kuin” là hồi chuông cảnh báo về một ẩn họa mà tính chất, mức độ nguy hiểm đáng ngại hơn nhiều....


Vấn Đề ở Tây Nguyên: Cần Một Chính Quyền Có ‘Tâm’ và Có ‘Tầm’

(Trân Văn)

*
-Chưa thể xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến “sự kiện Cư Kuin” nhưng người thiểu số ở Tây Nguyên càng ngày càng nghèo túng, bế tắc là một thực tế không thể phủ nhận.

Do đặc điểm địa lý và lịch sử, tại Việt Nam có ba khu vực mà phần lớn các sắc tộc thiểu số quần cư tại đó đã nhiều thế kỷ: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long). Vì nhiều lý do, cả ba khu vực đều chậm phát triển, dân chúng các sắc tộc thiểu số nghèo túng và do chính sách vừa thiển cận, vừa lệch lạc lại dễ dàng bị thao túng bởi lợi ích của các cá nhân, phe nhóm nên cả ba khu vực đều bị đe dọa bởi nguy cơ các sắc tộc thiểu số nổi loạn, đòi tự trị như người Việt đã từng và đang chứng kiến.

Không phải tự nhiên mà đầu thập niên 2000, Bộ Chính trị của đảng CSVN quyết định thành lập ba “Ban Chỉ đạo” cho ba khu vực này (Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ). Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập đầu tiên (2002) sau khi xảy ra vụ nổi loạn hồi 2001 - người thiểu số chiếm trụ sở chính quyền tỉnh Đắc Lắc. Hai năm sau (2004), do hai khu vực còn lại cũng bất ổn, Bộ Chính trị của đảng CSVN quyết định thành lập thêm Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tây Nam bộ.

Tuy mục tiêu của cả ba Ban Chỉ đạo vừa kể là giám sát, tư vấn về chủ trương, phối hợp với chính quyền các địa phưng trong khu vực trách nhiệm để duy trì trật tự, trị an nhưng trên thực tế, các Ban Chỉ đạo loại này chỉ thêm tốn kém cho công quỹ, tạo thêm điều tiếng vì đủ loại tiêu cực. Năm 2004, người thiểu số ở Tây Nguyên lại nổi loạn thêm một lần nữa. Đến năm 2011 là cuộc nổi loạn ở Tây Bắc (Mường Nhé). Đó cũng là lý do cuối năm 2017, Bộ Chính trị của đảng CSVN quyết định giải thể cả ba Ban Chỉ đạo.

Sở dĩ phải dông dài về các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vì đó chính là một trong những chuyện có thể dùng làm ví dụ để chứng minh, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhận thức rất rõ về ẩn họa đe dọa cả sự toàn vẹn lãnh thổ lẫn an ninh chính trị-kinh tế-xã hội quốc gia nhưng “dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng CSVN” các chủ trương, chính sách cũng như việc thực thi những chủ trương, chính sách này chẳng khác gì gài mìn ở tương lai, đặc biệt là gài mìn tại khu vực Tây Nguyên.

***
Rừng là không gian sinh tồn của các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Rừng là phần chính yếu trong cả văn hóa lẫn đời sống của 12 sắc tộc bản địa. Bất kể sự khốc liệt của chiến tranh, đầu thập niên 1980, rừng vẫn còn bao phủ khoảng 70% tổng diện tích ở Tây Nguyên (khoảng 3,8 triệu héc-ta) nhưng đến nay, tại Tây Nguyên chỉ còn khoảng 2,1 triệu héc-ta rừng và chỉ 10% trong số này được xem là “rừng giàu”, 90% còn lại là rừng nghèo kiệt.

Giữa thập niên 1970, dân số ở khu vực Tây Nguyên là 1.225.000 người thuộc 18 sắc tộc, trong đó người thuộc các sắc tộc thiểu số là 850.000 người, chiếm khoảng 70% dân số. Hiện nay, dân số ở khu vực Tây Nguyên khoảng sáu triệu người (số liệu năm 2021) thuộc 53 sắc tộc, trong đó 52 thuộc các sắc tộc thiểu số nhưng dù có thêm nhân khẩu của 35 sắc tộc thiểu số khác, tỷ lệ người thiểu số ở Tây Nguyên chỉ chừng 37,5% (khoảng 2,2 triệu người.

Theo nhiều chuyên gia Khoa học xã hội, bởi mỗi sắc tộc cần không gian sinh tồn riêng, khi Tây Nguyên trở thành nơi tập trung gần như tất cả các sắc tộc ở Việt Nam, những sắc tộc bản địa phải cư trú xen kẽ với các sắc tộc khác, trong đó đa số là người Kinh, việc soạn-thực thi chính sách phải chú trọng đến hóa giải khác biệt, loại bỏ những ẩn ức có thể dẫn tới xung đột. Tuy nhiên trên thực tế, chính sách đã biến phần lớn thành viên của các sắc tộc bản địa trở thành đói nghèo, gánh chịu đủ loại thiệt thòi cả về y tế lẫn giáo dục.

Cho dù 1,7 triệu héc-ta rừng đã bị đốn trụi nhưng theo một số thống kê do các cơ quan hữu trách của chính quyền Việt Nam thực hiện và công bố: Giai đoạn 2013-2015, trong 326.909 gia đình thuộc các sắc tộc thiểu số thì có 32.975 (10%) gia đình thiếu đất ở (10%), 293.934 (khoảng 90%) gia đình thiếu đất canh tác (4). Các số liệu vừa đề cập tuy đáng ngẫm nghĩ nhưng chắc chắn đã lạc hậu, tỉ lệ người thiểu số không có đất ở, thiếu đất canh tác đã vượt xa mức vừa dẫn khi nghèo túng và bế tắc tiếp tục khiến họ phải bán xới nhà cửa, ruộng nương để tiếp tục sinh tồn trên bản quán, năm 2022, giới hữu trách và hệ thống truyền thống chính thức cảnh báo hiện tượng người thiểu số ở Tây Nguyên bị... “dụ dỗ” nên thi nhau bán sạch nhà cửa, ruộng nương.

Trong một bài viết được công bố trên tạp chí Lý luận Chính trị hồi tháng 1/2021, dẫn trên dữ liệu thống kê từ các nguồn chính thống bà Nguyễn Thị Thanh Dung (Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: Do tình trạng “mạnh ai nấy được” diễn ra khá phổ biến, dẫn đến các tộc người thiểu số Tây Nguyên vốn chưa thích nghi với điều kiện sản xuất thị trường hiện đại đã bị “nghèo đi” theo cả nghĩa tương đối và tuyệt đối, làm tăng mâu thuẫn xã hội, tăng nguy cơ xung đột xã hội. Trong lúc tỷ lệ số gia đình nghèo tuyệt đối ở Tây Nguyên đã giảm từ gần 50% (2006) xuống dưới 15% (hiện nay) thì tỷ lệ gia đình nghèo tương đối của các tộc người thiểu số, chiếm từ 52% đến 70% trong tổng số gia đình nghèo ở Tây Nguyên .

Cũng trong bài viết vùa đề cập, bà Dung cho biết: Ở Tây Nguyên, các nông, lâm trường làm ăn thua lỗ, không mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nước, nhà nước không có nguồn thu từ các nông, lâm trường này để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội mới nảy sinh do sự thu hẹp đất đai của các cộng đồng.... Đất rừng bị khai thác bừa bãi, lượng nước ngầm trong đất cạn kiệt, lượng nước tưới giảm, suy giảm thảm thực vật, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người sản xuất mà trước hết là các tộc người thiểu số. Người dân Tây Nguyên bị “nghèo” đi trong nền “kinh tế rừng” truyền thống, trong lúc chưa có sinh kế thay thế hiệu quả, chưa thể và chưa có điều kiện để thích nghi hoặc chuyển sang nền sản xuất hiện đại....

***
Chưa thể xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến “sự kiện Cư Kuin” nhưng người thiểu số ở Tây Nguyên càng ngày càng nghèo túng, bế tắc là một thực tế không thể phủ nhận. Ngoài việc thỉnh thoảng thừa nhận thực tế đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục khiến thảm trạng về dân sinh trong các cộng đồng thiểu số trở nên tồi tệ hơn. Làm sao có thể xem chính quyền Việt Nam vừa có “tâm”, vừa có “tầm” khi càng ngày càng nhiều thành viên của các sắc tộc bản địa không có nơi cư trú, không có đất canh tác mà vẫn thản nhiên giao đất vào tay những doanh nghiệp chỉ nhận đất để sang nhượng rồi tiếp tục phá rừng như Công ty Long Sơn hay để nhận tiền bồi thường từ các dự án như đã trình bày trong hai phần trước của bài viết này?

Trước giờ, những cảnh báo, đề nghị của bất kỳ ai nằm bên ngoài hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam về việc điều chỉnh chính sách, cách đối xử đối với các cộng đồng thiểu số tại Việt Nam nói chung, tại Tây Nguyên nói riêng đều bị quy chụp là “thù địch”, là “phản động”, là “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” nhưng chẳng lẽ di dân thiếu viễn kiến, phá rừng để... trồng cao su, để phát triển kinh tế, để phát triển thủy điện, để thực hiện dự án sân golf này, dự án đô thị kia,... và tạo ra thực trạng như đã biết với Tây Nguyên, với các cộng đồng thiểu số cả ở Tây Nguyên lẫn các khu vực khác lại là... “thiện chí”, là... “đúng đắn, tiến bộ” và là... “củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân”?

Không phải tự nhiên mà nhiều quốc gia đa dạng về sắc tộc dành đủ loại ưu đãi cho các sắc tộc bản địa cũng như sắc tộc thiểu số.... Nếu không thể tìm hiểu qua thân nhân, bạn bè thì có thể sử dụng Google để tìm kiếm thông tin về chính sách đối với các sắc tộc bản địa của Mỹ, Gia Nã Ðại, Úc Ðại Lợi,.... Những diễn biến ngay sau khi xảy ra “sự kiện Cư Kuin”, đặc biệt là những hình ảnh, video clip và những nhận định, bình luận vừa hằn học, vừa miệt thị nhắm vào nhiều thành viên của các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên từ các tài khoản vốn vẫn dùng để bảo vệ đảng CSVN, bảo vệ nhà nước Xã hội chủ nghĩa trên mạng xã hội có thể “bảo vệ” cái gọi là... “khối đại đoàn kết toàn dân”.

Cứ nhìn vào lịch sử nhân loại cả cận đại lẫn hiện đại ắt sẽ nhận ra, việc chủ động phát tán, giới thiệu những hình ảnh, video clip nhằm xiển dương “quân-dân đoàn kết cùng chung tay trấn áp tội phạm” (7), bày tỏ sự hào hứng, hả hê khi săn lùng thành viên của các cộng đồng thiểu số sau “sự kiện Cư Kuin”, khăng khăng quy chụp đó là “âm mưu, thủ đoạn” của những “Nhà nước Degar”, “Tin lành Degar”, “FULRO”,... như đang thấy chính là cách chứng minh cho thành viên của các cộng đồng thiểu số nhận ra họ chẳng là gì ngay tại bản quán, trao cho kẻ thù thật sự của xứ sở này, dân tộc này cơ hội để khi cần có thể “hà hơi, tiếp sức” nhằm hình thành các lực lượng đòi ly khai, đòi tự trị để lũng đoạn tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc.

Đối tượng nào thật sự đang “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân”?


Tin Việt Nam Hôm Nay
***

Nắng Nóng Kỷ Lục Tại Nhiều Vùng ở Miền Trung Sẽ Kéo Dài Ít Nhất Đến Ngày 19/6


(Hình: Người dân vào siêu thị để tránh nắng nóng ở Hà Nội hôm 3/6/2023 vào khi miền Bắc phải chịu cảnh thiếu điện.)

-Nắng nóng từ 35-37 độ C với mức ẩm trung bình 55-65% tại các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định sẽ kéo dài cho đến ít nhất ngày 19/6/2023 tới đây.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam đưa ra dự báo vừa nêu vào sáng ngày 14/6 với mức Cảnh báo 1 về nguy cơ thiên tai. Nhiều nhóm công dân phải đối mặt với nguy cơ về sức khỏe gồm người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh về hô hấp….

Nắng nóng kéo dài và khô có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng trong khu vực.

Bên cạnh đó là nguy cơ đường xá và xe cộ bị sức nóng quá mức gây hư hại làm cho nạn kẹt xe vốn trần trọng trở nên tệ hại thêm.

Một thực tế đang diễn ra là do nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng dẫn đến biện pháp cắt điện luân phiên, hay mất điện trên diện rộng.


Việt Nam Lo Sợ Thiếu Than Để Sản Xuất Điện!


(Hình: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận năm 2019.)

-Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cho biết tập đoàn này đang làm việc với các công ty khai thác than trong nước để thúc đẩy việc cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện vào khi các nhà máy thủy điện ở Việt Nam không đủ nước để sản xuất điện do hạn hán kéo dài.

Báo nhà nước hôm 13/6/2023 loan tin cho biết Việt Nam hiện thiếu khoảng một triệu tấn than để sản xuất điện vào khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Truyền thông nhà nước dẫn lời Tổng Giám đốc EVN – ông Đỗ Mạnh Khảm – cho biết hời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài ở miền Bắc, kèm theo điều kiện thủy văn không thuận lợi nên dự kiến các nhà máy nhiệt điện (than, dầu, khí) sẽ huy động rất cao để bảo đảm cung cấp điện. Theo kế hoạch cập nhật, sản lượng huy động các tháng 6, 7 của các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là khu vực miền Bắc sẽ duy trì ở mức rất cao.

Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong hai tháng 6 và 7 khoảng 12,33 tỉ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than.

Tuy nhiên, tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc gần 4,4 triệu tấn, còn thiếu hơn 1,6 triệu tấn so với kế hoạch.

Tuy nhiên, vào ngày 14/6, EVN lại khẳng định với truyền thông rằng thông tin thiếu một triệu tấn than là do hiểu nhầm và khẳng định đây là khối lượng than mà các đơn vị cung ứng sẽ cấp bổ sung cho nhiệt điện trong tháng 6 và 7.


Sách Giáo Khoa Lớp 4, 8, 11 Sẽ Tăng Giá Gấp 3 Lần!


(Hình: Học sinh xem sách tại một hội chợ sách ở Hà Nội năm 2015.)

-Sách giáo khoa các lớp 4, 8 và 11 ở Việt Nam sẽ tăng giá mức cao nhất tương đương gấp 3 lần giá năm 2022, theo thông báo của công ty xuất bản sách dựa theo quyết định về sách giáo khoa mới trong năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Truyền thông nhà nước hôm 13/6/2023 cho biết, theo quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 4, 8, 11 gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Ba bộ sách này thuộc các nhà xuất bản: Công ty Cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo danh mục giá bán sách được báo Nhà nước công bố, so với giá sách giáo khoa chương trình cũ (87.000 đồng/bộ), giá sách lớp 4 mới cao hơn khoảng ba lần, tương tự giá sách mới của các khối lớp 3, 7 và 10 năm 2022. Giá sách lớp 8 và 11 cũng có mức tăng tương tự giữa chương trình mới và cũ.

Theo thống kê, bộ sách giáo khoa lớp 4 giá từ 182.000 đồng/bộ đến 230.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh)

Bộ sách giáo khoa lớp 8 từ 186.000 đồng/bộ đến 268.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh)

Bộ sách giáo khoa lớp 11 từ 130.000 đồng/bộ đến 167.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh, sách giáo dục địa phương và không tính các môn học, chuyên đề tự chọn).

Hồi tháng 5 vừa qua, khi thảo luận tại Quốc hội về giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết giá sách tăng gấp 2-3 lần vì có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Phát biểu này của ông Sơn đã làm dấy lên những phản ứng trên mạng xã hội ở Việt Nam vào lúc đó rằng liệu giấy khổ lớn hơn và tốt hơn có đồng nghĩa với chất lượng sách không?


Sài Gòn: Khởi Tố Vụ Án Chiếm Đoạt Tài Sản Tại Tập Đoàn Trường Tiền


(Hình: Người dân từng kéo đến treo băng-rôn tố cáo tại trụ sở của Tập đoàn Trường Tiền tại phía Nam ở địa chỉ 132-134 Điện Biên Phủ, quận 1, Sài Gòn.)

-Công an Tp. HCM đã khởi tố vụ án hình sự lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Trường Tiền.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 14/6, nêu rõ, Công an đã vào cuộc điều tra vụ án khi ông Đ.H.Q. (ngụ Sài Gòn) gửi đơn đến Công an Tp. HCM tố giác ông Lê Khánh Trình (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Trường Tiền) và ông Khiếu Xuân Khương (Tổng Giám đốc) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra của Công an, từ cuối năm 2018 - 2019, nhiều người đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với ông Trình và ông Khương. Sau khi hợp đồng được ký kết, khách hàng đã thực hiện chuyển tiền cho Tập đoàn này.

Nhận được tiền, Tập đoàn Trường Tiền đã chi trả lợi nhuận cho khách hàng như ghi trong hợp đồng, tuy nhiên Tập đoàn này chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, sau đó ngưng không cho biết lý do.

Khách hàng không nhận được tiền đã kéo đến trụ sở công ty thì được các ông Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương hướng dẫn họ làm biên bản thanh lý hợp đồng, thu lại các hợp đồng bản chính đã ký kết và cam kết sau thời điểm thanh lý sẽ hoàn trả lại tiền đã nộp cho khách hàng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Trường Tiền vẫn không thực hiện theo cam kết và có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm.

Theo công an, đến thời điểm hiện tại có khoảng 200 người tố cáo Tập đoàn Trường Tiền chiếm đoạt gần 180 tỉ đồng.


Cà Mau: Phó Chủ Tịch Huyện Phú Tân Bác Nội Dung Clip Nhà Thầu Tố Ông Đòi “Lại Quả”


(Hình: Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Phú Tân - công trình được nhắc trong đoạn clip ‘tố’ Phó Chủ tịch huyện ở Cà Mau mặc cả ‘lại quả.)

-Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thanh tra các dự án có gói thầu tư vấn giải phóng mặt bằng ở huyện Phú Tân, nơi Phó Chủ tịch Huyện bị tố kỳ kèo tiền huê hồng với nhà thầu công trình.

Trong ngày 14/6, sau gần hai tuần video clip kèm dòng chữ “Luật chơi Phó Chủ tịch huyện…” đăng tải trên mạng xã hội ghi lại nội dung cuộc “kỳ kèo phần trăm lại quả” giữa Phó Chủ tịch huyện Phú Tân và một nhà thầu, ông N.V.S Phó Chủ tịch huyện Phú Tân mới lên tiếng thừa nhận giọng nói trong ghi âm và nội dung clip không bị cắt ghép nhưng bản chất sự việc theo ông S. không phải đòi “lại quả” hay đòi phần trăm hoa hồng của công trình dự án.

Trong cùng ngày, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, cũng xác nhận với truyền thông, ông S. đã thừa nhận giọng nói trong đoạn ghi âm gây xôn xao dư luận trong thời gian qua là của ông. Tuy nhiên, ngay cả đại diện văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng như cá nhân ông S. không giải thích cụ thể nội dung trong clip giữa ông và nhà thầu thực chất là bàn về vấn đề gì.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết Sở đang xác minh chủ tài khoản Facebook Hai Nguyen, người đã đăng tải clip trên để làm rõ sự việc.

Trước đó, khi clip đăng tải vào ngày 28/5 gây xôn xao dư luận, trao đổi với báo chí trong ngày 2/6, ông N. (nhà thầu liên quan đến đoạn ghi âm trên) khẳng định trên tờ Tuổi Trẻ rằng đoạn ghi âm đó là có thật và được gọi cách nay khoảng hai năm. Ông N. cho biết thêm đó là cuộc gọi cuối cùng của ông với ông S., khi cuộc thương lượng về phần trăm không thành.

Ông N. cho biết thêm đó là hợp đồng trọn gói tư vấn năm 2020 giữa công ty của ông và Hội đồng bồi thường huyện Phú Tân. Kinh phí được phê duyệt hơn 525 triệu đồng và kinh phí đơn vị tư vấn được hưởng là 80%, hơn 420 triệu đồng.


Kinh Tế Tê Liệt! Nhà Máy Foxconn ở Việt Nam Bị Yêu Cầu Ngừng Sản Xuất Vì Thiếu Điện


(Hình: Logo của Foxconn trên tòa nhà của hãng ở Đài Bắc.)

-Thiếu điện đã khiến Chính phủ Việt Nam phải kêu gọi nhà máy của các tập đoàn ngoại quốc phải ngưng sản xuất nhiều ngày, trong đó có Foxconn – hãng chuyên sản xuất cho Apple.

Wall Street Journal hồi tuần trước trích lời của các giới chức địa phương giấu tên xác nhận Foxconn được yêu cầu ngưng sản xuất từ chiều tối đến giữa đêm vốn là giờ cao điểm cho việc sử dụng điện. Cũng theo nguồn này thì các nhà máy phải chuẩn bị tinh thần thiếu điện cho đến cuối tháng sáu.

Hồi đầu tháng 6/2023 này, thông tấn xã Reuters dẫn lời của các giới chức đầu tư ở các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nơi có các nhà máy của Foxconn và Samsung cho biết, một số khu công nghiệp ở 2 tỉnh này đang phải đối mặt với tình trạng mất điện toàn bộ.

Giới chức tỉnh Bắc Giang khi đó cũng đã cảnh báo tình trạng thiếu điện gay gắt và lên kế hoạch cắt điện luân phiên giữa điện phục vụ dân sinh và điện dành cho sản xuất từ nay đến cuối tháng 6.

Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bắc Giang sẽ ưu tiên nguồn điện cho sản xuất, ban đêm ưu tiên điện cho dân sinh phục vụ sinh hoạt.

Ban ngày, các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất từ 7 giờ 45 phút sáng đến 5 giờ chiều. Trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp được cấp điện liên tục tất cả trong ngày để bảo đảm cho việc duy trì vận hành các thiết bị cần thiết.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hạn hán đã khiến 11 nhà máy thủy điện của Việt Nam không thể sản xuất đủ điện vào thời điểm này và việc cắt điện toàn bộ diễn ra thường xuyên hơn, có thể sẽ kéo dài vài tuần.

Theo Digitime Asia, một số nhà máy của Foxconn hiện đã được cho phép sản xuất lại từ giữa đêm đến sáng. Các nguồn tin cho biết nhà máy của Foxconn ở Việt Nam hiện vẫn đang cố gắng duy trì mức sản xuất đến mức tối đa có thể nhưng công ty đang cân nhắc việc xây hệ thống phát điện riêng cho mình vào năm 2024.


Hai Bệnh Viện Ngàn Tỉ ở Hà Nội Khánh Thành 5 Năm, Vẫn Còn “Đắp Chiếu


(Hình: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Phủ Lý, Hà Nam.)

-Cơ sở 2 của hai Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, có tổng mức đầu tư lên đến trên 10 ngàn tỉ đồng, đã được khai triển xây lắp 90% nhưng lại “đắp chiếu” gần 5 năm qua vì vướng mắc thanh toán.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho truyền thông hay tin trên trong ngày 14/6/2023, đồng thời xác nhận “đây là việc tồn tại khá lâu rồi”.

Theo Bộ trưởng Lan, hiện nay, một tổ công tác gồm các thành viên của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chánh, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng phương án để báo cáo lên Chính phủ, đề xuất các giải pháp làm sao nhanh chóng nhất đưa các bệnh viện này vào sử dụng.

Sở dĩ hai cơ sở trên đã hoàn thành xây lắp đến 90% nhưng bà Lan cho biết do vướng mắc quá trình thanh toán và trong đó có “một số cơ chế phải Chính phủ quyết định” thì mới có thể giải quyết vướng mắc, giúp bệnh viện sớm hoàn thiện, đưa vào phục vụ.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đều có quy mô 1.000 giường/viện, tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở lên tới hơn 4.500 tỉ đồng. Đây là các cơ sở được xây dựng với mục đích giảm tải nhu cầu khám chữa bệnh cho cơ sở một, được nói là đã quá tải bệnh nhân.

Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng dịch COVID-19

Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

Theo ghi nhận của tờ Vietnamnet, bệnh viện Bạch Mai đã quá xuống cấp và quá tải bệnh nhân. Trong một bài viết đăng hồi cuối năm 2022, trung tâm Thần kinh của bệnh viện này đã bị quá tải với 300 bệnh nhân nội trú mỗi ngày. Một phòng bệnh nhân có 31 giường nhưng luôn trong tình trạng tiếp nhận con số tới hơn 60, họ phải nằm ghép. Vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước thải bốc lên nồng nặc. Vào ngày mưa, khu vực sân ngập nước.


World Bank và Úc Ðại Lợi Hỗ Trợ Việt Nam Phát Triển



(Hình: Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.)

-Chính phủ Úc Ðại Lợi và Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa chính thức phê duyệt tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác chiến lược nhằm hỗ trợ chương trình phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam.

Theo World Bank hôm 14/6, chương trình hợp tác bắt đầu vào năm 2012 và sẽ tiếp tục đến năm 2026, trị giá 95 triệu Úc kim.

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc Ðại Lợi tại Việt Nam, được tổ chức tài chánh quốc tế dẫn lời nói rằng việc hỗ trợ này “thể hiện cam kết không ngừng của chúng tôi đối với người dân Việt Nam”.

“Để Việt Nam hiện thực hóa tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, quá trình cải cách luật pháp và quản trị nhà nước mạnh mẽ tiếp tục là yếu tố thiết yếu”, ông Goledzinowski nói, theo World Bank. “Chúng tôi vinh dự được hỗ trợ tham vọng này cùng với sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới”.

Tin cho hay, chương trình đối tác chiến lược này giúp hỗ trợ chương trình phát triển của Việt Nam thông qua việc cung cấp thông tin, phân tích và hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ thiết kế các chính sách đầy đủ thông tin, toàn diện và bền vững.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được dẫn lời nói trong thông cáo của tổ chức tài chánh này rằng “các lĩnh vực hỗ trợ đều có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam, bao gồm cải cách thể chế, công bằng và hòa nhập xã hội, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng dựa trên đổi mới-sáng tạo”.

Tin cho hay, trong 5 năm qua, chương trình đối tác chiến lược giữa chính phủ Úc Ðại Lợi và Ngân hàng Thế giới đã có tác động đến hơn 58 chính sách và quy định, đồng thời giúp thúc đẩy sự thay đổi khung pháp lý một cách tích cực ở Việt Nam, trong đó có quyết định của Thủ tướng Việt Nam về quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030.

Chương trình cũng cung cấp dữ liệu giúp cải thiện thông tin về các dịch vụ chăm sóc trẻ em cho Bộ luật Lao động năm 2019, theo World Bank.


Việt Nam Có Thể Mua 5 Khẩu Đội Phi Đạn Brahmos Trị Giá 625 Triệu Mỹ Kim


(Hình: Phi đạn BrahMos của Ấn Độ tại một triển lãm quốc phòng 2018.)

-Mạng báo Zee Business tại Ấn Độ độc quyền loan tin ngày 9/6/2023 cho hay Việt Nam dự kiến sẽ đặt mua từ 3 đến 5 khẩu đội phi đạn bờ biển BrahMos BRKs nhân chuyến thăm Ấn Độ sắp đến của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.

Theo đó, việc ký chính thức hợp đồng mua bán sẽ diễn ra vào dịp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đến Tân Ðề Ly vào ngày 19 tháng 6 tới đây. Trị giá một khẩu đội phi đạn BrahMos BRKs là khoảng 125 triệu Mỹ kim; nếu Hà Nội mua tổng cộng năm khẩu đội số tiền sẽ là 625 triệu Mỹ kim.

Chuyến thăm của người đứng đầu ngành quốc phòng Việt Nam được cho biết là bằng chứng của việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng song phương giữa hai phía Việt Nam và Ấn Độ. Hiện Hà Nội đang phải ứng phó với hành động bành trướng quyết liệt của Bắc Kinh tại Biển Đông, mặc dù hai nước đều tuyên bố là đồng chí Cộng sản với nhau.

Tin cho biết việc Việt Nam lên kế hoạch đàm phán mua phi đạn BrahMos của Ấn Độ diễn ra từ năm 2017; tuy nhiên kế hoạch này bị kéo dài do vấn đề khung giá cả.

Trước đó, vào năm 2016, Ấn Độ đề nghị cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng quốc phòng 500 triệu Mỹ kim để mua vũ khí, trong đó có các tàu tuần tra và thiết bị chống ngầm hiện đại tân trang cho 2 tàu tuần tra cũ Project 159 SKR-1.

Một năm trước, từ ngày 7 đến 10/6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh có chuyến thăm Việt Nam nhân dịp hai phía kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dịp này Hà Nội và Tân Ðề Ly ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng song phương đến năm 2030.

Ngoài ra, hai nước còn ký kết bản Thỏa thuận Ghi nhớ (MoU) về hỗ trợ hậu cần quân sự (thỏa thuận đầu tiên kiểu này của Việt Nam), cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ của nhau để sửa chữa và tiếp tế. Kể từ năm 2016, Ấn Độ đã ký sáu Hiệp ước hậu cần khác như vậy với các quốc gia như Nhật Bản, Úc Ðại Lợi, Pháp, Tân Gia Ba, Nam Hàn và Mỹ. Đây là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, vì nó cho phép các chiến hạm - bao gồm cả máy bay quân sự của quốc gia ký kết tiếp nhiên liệu và cập cảng các căn cứ của nhau.


Việt Nam và Anh Đối Thoại Chiến Lược

-Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh phụ trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Anne-Marie Trevelyan, hôm 13/6/2023 đồng chủ trì cuộc đối thoại chiến lược với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Theo Tòa Ðại sứ Anh, tại cuộc đối thoại ở Luân Đôn này, hai bên đã “thảo luận những hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hai nước” trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, thương mại-kinh doanh, giáo dục-kỹ thuật cho tới an ninh-quốc phòng và hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mua bán người.

Thông báo của Tòa Ðại sứ Anh cho biết rằng Anh và Việt Nam “đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao bằng cách hợp tác rất chặt chẽ”.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Hằng “khẳng định Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh” đồng thời cho rằng “hai bên cần phát huy những kết quả hợp tác tích cực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng, giao lưu nhân dân và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực hợp tác mới mà Anh có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng mới, tài chánh xanh, hạ tầng chiến lược…”.

Về hợp tác quốc phòng, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng hai bên “nhất trí” tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn quốc phòng; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc; chia sẻ thông tin nghiên cứu chiến lược và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như an ninh mạng, an ninh biển.

Bộ này cũng cho biết rằng trong lĩnh vực an ninh, Việt Nam và Anh cũng “nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ” trong các lĩnh vực di cư, xuất-nhập cảnh, phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm kỹ thuật cao, chống buôn bán người cũng như hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Anh tháng trước để tham dự Lễ đăng quang của Vua Charles III cũng như gặp gỡ các lãnh đạo hàng đầu của Anh.

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời nói rằng chuyến công du của ông Thưởng là chuyến thăm thứ 2 của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Vương quốc Anh sau gần 2 thập kỷ, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ngày càng phát triển.

Không có nhận xét nào: