Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Chủ Nhật Tuần Này: Mừng Ngày Của Cha! Happy Father’s Day 2023! và Kính Chuyển Tin Nóng Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Lời Chúc Mừng Ngày Của Cha! Happy Father’s Day 2023!
Ngày của Cha năm 2023, là ngày 18/6, Chủ Nhật tuần này! Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất, trong Ngày của Cha (Father's Day), tới những người cha kính yêu, trụ cột của gia đình, người đàn ông mạnh mẽ nhất! che chở cho cả gia đình, để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng. -Kính chúc Ba luôn mạnh khỏe để sống trọn đời bên chúng con. Con xin lỗi Bố, vì có nhiều lúc con không làm tròn trách nhiệm của con, làm Cha buồn phiền lo lắng.
<!>
-Bố là người đàn ông tuyệt vời nhất trên đời này. Bố đã dạy con làm thế nào để bước đi, làm thế nào để để sống, trở thành một người mạnh mẽ. Con cảm ơn bố rất nhiều. Nhân ngày của Cha, con chúc Bố mãi mạnh khỏe và vui vẻ.

-Chúc Cha luôn vui vẻ, khỏe mạnh trong tất cả 365 ngày trong năm, chứ không chỉ riêng ngày của Cha. Anh em con và mẹ yêu Cha rất nhiều! Mừng Ngày Của Cha! Happy Father's Day!


Vài mẫu chuyện cảm động về Người Cha, nhẹ nhàng và đầy ý nghĩa.

Cha là người dùng đôi vai rộng của mình để che chở cho những đứa con thơ.... “Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương!” Người Cha có thể chưa bao giờ nói yêu con cái, nhưng từng hành động của cha, đã chứng minh ông quan tâm, yêu thương những đứa con của ông, biết nhường nào!


*Bóng lưng

Trong trí nhớ tôi, vẫn còn đọng lại, in đậm dấu ấn, hình ảnh khi bố đưa tôi đi học. Đường từ nhà tôi đến trường, có một cái dốc khá cao, bố phải còng lưng mà đạp, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, chân run run, nhưng bố nhất quyết không cho tôi xuống đi, mà mà cố gắng đạp cho qua con dốc. Trên 10 năm rồi, bóng lưng ấy, càng ngày càng nhỏ đi trong mắt tôi, nhưng vẫn vững chãi, vẫn chắn mọi gió mưa bão bùng cho đường đời tôi đi.


*Lời cha dạy

Khi cô con gái đi lấy chồng, người cha đã kéo cô đến bên và nói với cô: "Con gái cưng, con nhất định phải tôn trọng chồng con. Con thậm chí còn có thể tôn sùng cậu ta nữa! Nhưng con phải nhớ một điều, những bất hòa, tranh cãi giữa hai đứa, thậm chí đánh nhau, nhưng đừng kể với cha nha. Bởi cuối cùng con rồi sẽ tha thứ cho cậu ta, còn cha thì…không!... không bao giờ!"


*Cuộc gọi lúc 3 giờ sáng

3 giờ sáng ngủ không được, cầm điện thoại lên, không ngờ gọi nhầm vào số bố! tôi lập tức vội vàng cúp máy. Không ngờ bố tôi gọi lại ngay, hỏi tôi sao vậy? cãi nhau với chồng à? tôi nói tôi không sao. Bố tôi: "Không sao là tốt rồi, bố buồn ngủ quá, con cúp trước đi." Cúp điện thoại xong, tôi ôm gối khóc nức nở. Có lẽ trên đời này, bố là người duy nhất, tôi vừa cúp máy đi, mà lại gọi ngay cho tôi, dù rằng đã đêm khuya như thế!


*Điều bố chưa bao giờ nói

Bố tôi là một người đàn ông nghiêm túc, tôi và bố hầu như chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Tôi vẫn cảm thấy bố không yêu, để ý đến tôi, cho đến một lần nghe mẹ nói: "Bố mày đỏ cả hai mắt, sang than vãn với bà hàng xóm, là mày đi học về, được nghỉ hai ngày, mà không nói chuyện với bố câu nào, ngay cả gọi bố một câu cũng không!"


*Đánh đòn

Khi còn bé tôi nghịch lắm, nên thường bị bố đánh. Nhưng tôi vẫn còn nhớ, mỗi buổi đêm, lúc mơ mơ màng màng ngủ rồi, sẽ lờ mờ thấy bộ dạng của bố, nhẹ nhàng ngồi bên giường xoa dầu cho tôi. Tôi cũng cứ im lặng, nằm trên giường để bố bôi, xoa cho như thế, rồi nhận sai trong lòng!


Tin Nóng Quốc Tế Đó Đây

***

Kiệt Quệ Quân! Quốc Hội Nga Ủng Hộ Tuyển Mộ Tội Phạm Để Đưa Ra Chiến Trường ở Ukraine


(Hình: Tòa nhà Hạ viện Nga.)

-Hôm 14/6/2023, Hạ viện Nga cho biết họ đã bỏ phiếu sơ bộ ủng hộ Dự luật cho phép Bộ Quốc phòng ký hợp đồng với các tội phạm bị tình nghi hoặc bị kết án để đưa ra chiến trường ở Ukraine.

Hơn 15 tháng của cái mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, lực lượng của Mạc Tư Khoa đã chịu tổn thất nặng nề và đang cố gắng tuyển thêm quân cho cuộc chiến trên bộ lớn nhất Âu Châu kể từ Ðệ nhị Thế chiến.

Theo những thay đổi được đề xuất, một hợp đồng có thể được ký kết với một người nào đó đang bị điều tra về tội phạm, người đang bị xét xử tại tòa án hoặc sau khi họ đã bị kết án nhưng trước khi bản án có hiệu lực pháp lý, theo cơ sở dữ liệu của Hạ viện Nga.

Những người bị kết tội phạm tội tình dục, phản quốc, khủng bố hoặc cực đoan sẽ không được đăng ký.

Những người đăng ký sẽ được miễn trách nhiệm hình sự sau khi hoàn thành hợp đồng hoặc nếu họ nhận được giải thưởng cho thành tích chiến đấu của mình.

Nhóm lính đánh thuê Wagner trước đây được phép tuyển mộ tù nhân từ các nhà tù để chiến đấu ở Ukraine, nhưng nhóm này cho biết vào tháng Hai rằng họ đã dừng tuyển tù nhân. Các nhà hoạt động về nhân quyền trong nhà tù nói Bộ Quốc phòng Nga đã tiếp quản quá trình này nhưng muốn thực hiện các thay đổi.

Những thay đổi mới đang được Hạ viện Nga kiểm tra không bao gồm việc tuyển dụng những người đã thụ án. Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận gì về việc này.


Tổng Phản Công! Nga Tuyên Bố Ukraine Hứng Chịu Tổn Thất “Thảm Khốc”, Kyiv Khẳng Định “Đà Tiến!”

-Lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 13/6/2023, khẳng định Ukraine chịu tổn thất “thảm khốc” và quân Nga đè bẹp cuộc phản công mà Kyiv chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, phía Ukraine tuyên bố ngược lại, khẳng định đà tiến của cuộc phản công.

Phát biểu trong cuộc gặp với phóng viên chiến trường, được tường thuật trên truyền hình, ông Putin khẳng định “thiệt hại (của Ukraine) gần chạm đến mức có thể coi là thảm khốc”, còn thiệt hại phía Nga “ít hơn 10 lần”. Cụ thể, Kyiv đã mất “khoảng 25%, thậm chí là 30% trang thiết bị” do các nước phương Tây cung cấp. Theo thông tấn xã AFP, những số liệu này chưa được các nguồn tin độc lập kiểm chứng.

Để thuyết phục hơn, nguyên thủ Nga nêu con số 160 xe tăng và hơn 360 xe bọc thép của Ukraine đã bị phá hủy, trong khi phía Nga chỉ bị thiệt hại 54 xe tăng nhưng nhiều xe sửa chữa được. Mạc Tư Khoa cũng khẳng định lần đầu tiên hôm 13/6, đã thu được nhiều xe tăng Đức Leopard và xe bọc thép Mỹ Bradley. Ông Putin cũng nhấn mạnh “cuộc phản công quy mô lớn” từ ngày 04/6 của Ukraine trên nhiều mặt trận, nhưng “kẻ thù đã không thành công ở bất kỳ vùng nào”.

Cùng lúc, phía Ukraine đưa ra những thông tin ngược lại. Tối 12/6, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định là cuộc phản công ở miền Nam và miền Đông nhằm giải phóng các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng gặp “khó khăn” nhưng tiến triển. Quân đội Ukraine chiếm lại được 7 ngôi làng ở miền Đông và miền Nam, và duy trì đà tiến quanh thành phố Bakhmut ở miền Đông. Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine Valery Zaluzhnyi cũng xác nhận trên các mạng xã hội là “các cuộc giao tranh dữ dội diễn ra ở miền Đông và miền Nam đất nước” và quân đội Ukraine đã giành được một số thắng lợi.

Ngoài đối đầu trên chiến trường, Nga tiếp tục các cuộc oanh kích trong đêm. Bốn phi đạn liên lục địa Kalibr đã được phóng đi từ một chiến hạm ở Biển Đen sáng sớm 14/6 nhắm vào thành phố cảng Odessa, miền Nam Ukraine, khiến 3 người thiệt mạng, 13 người bị thương và phá hủy hơn 1.000 mét vuông kho bãi. Sáu phi đạn liên lục địa X-22 được bắn từ vùng Rostov trên sông Đông nhắm vào vùng Donetsk ở miền Đông khiến 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương.


Gia Nhập NATO: Thổ Nhĩ Kỳ Muốn Thụy Điển Tỏ Nhiều Thiện Chí Hơn

-Hôm 14/6/2023, các viên chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan và khối Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) gặp nhau tại Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, để tiếp tục đàm phán về việc Thụy Điển xin gia nhập NATO.

Từ 13 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn đề nghị của Thụy Điển với lý do chính quyền Stockholm đã có thái độ dung túng đối với những cá nhân và các nhóm mà Ankara coi là khủng bố.

Hôm 12/6, Thụy Điển đã thông báo cho dẫn độ sang Thổ Nhĩ Kỳ một thành viên ủng hộ Đảng Lao Động Kurdistan (PKK), bị kết án ở Thụy Điển vì tội buôn thuốc phiện. Một đạo luật khác siết chặt quy định chống khủng bố đã có hiệu lực từ ngày 1/6. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn trông chờ Thụy Điển có nhiều cử chỉ thiện chí hơn. Từ Istanbul, thông tín viên Anne Lauder của đài RFI tường trình:

“Ankara xem những nỗ lực gần đây của Thụy Điển như là “những cử chỉ tích cực”. Dù vậy, Ankara cho là vẫn chưa đủ để chấp thuận cho nước này gia nhập NATO, hơn nữa, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không vội và cũng không chịu áp lực nào để thay đổi ý kiến trước kỳ họp thượng đỉnh của Liên minh Quân sự ở Vilnius ngày 11 và 12/7.

Recep Tayyip Erdogan, người quyết định duy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, muốn nhiều hơn nữa. Ông đòi Thụy Điển cho dẫn độ hàng chục công dân Thổ Nhĩ Kỳ, chí ít là một số nhân vật biểu tượng có liên hệ với Đảng Lao Động Kurdistan và Fethullah Gulen, nhà thuyết giáo bị cáo buộc đã chỉ đạo cuộc đảo chính hụt tháng 7/2016.

Yêu cầu này không những được các cử tri của Tổng thống ủng hộ, mà cả một số đảng đối lập, vốn dĩ cũng xem PKK và ông Fethullah Gulen như là những kẻ thù chính của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà quan sát nhận định rằng ông Erdogan không phải đang đàm phán với Thụy Điển, mà thực ra là với Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ muốn trang bị khoảng 40 chiếc chiến đấu cơ F-16. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắn tiếng với Recep Tayyip Erdogan rằng việc giao số máy bay này tùy thuộc vào quyết định của Erdogan liên quan đến hồ sơ Thụy Điển”.


Lần Đầu Tiên Đức Công Bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia

-Hôm 14/6/2023, Đức công bố Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước này, trình bày tổng quan về chính sách đối ngoại của Bá Linh và bảo đảm sự phối hợp giữa các bộ trong lĩnh vực an ninh. Đây là kết quả của ý tưởng được các chính đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz nhất trí vào tháng 11/2021, và được củng cố sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022.

Sau nhiều năm do dự, Đức chính thức dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng theo kêu gọi của Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), thay vì 1,5% như hiện nay. Việc Nga xâm lược Ukraine đã buộc Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố là Đức phải đặt an ninh lên hàng đầu và phân bổ ngân sách lớn hơn cho quốc phòng. Tuy nhiên, ý tưởng thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia đã bị từ bỏ, do bất đồng giữa các thành viên của liên minh cầm quyền về cơ quan chủ quản.

Thông tấn xã Reuters nhắc lại, trước đây Đức đã có nhiều tài liệu về quốc phòng. Tuy nhiên vào tháng 11/2021, chính phủ hiện nay đã nhất trí lập ra một chiến lược toàn diện hơn, đặc biệt do cuộc chiến của Nga ở Ukraine, cho thấy những điểm yếu của quân đội Đức, cũng như sự phụ thuộc nặng nề về năng lượng vào Nga.

Để tăng cường sức mạnh quốc phòng và “thích nghi với thời cuộc”, Đức muốn giải ngân 3,99 tỉ Euro để mua một hệ thống chống phi đạn do Do Thái sản xuất, gồm các radar, bệ phóng phi đạn và phi đạn điều hướng loại Arrow 3 có thể phá hủy các mục tiêu ngoài bầu khí quyển.

Bước đầu Ủy ban Ngân sách Hạ viện Đức giải ngân 560 triệu Euro, ngay trong ngày 14/6, để ký cam kết với Do Thái trong khi chờ đúc kết hợp đồng từ nay đến cuối năm. Trong tài liệu gửi đến Ủy ban Ngân sách Hạ viện mà thông tấn xã AFP tham khảo được, Bộ Tài chánh Đức nhấn mạnh, hệ thống phòng không nói trên “góp phần bảo vệ Đức, người dân và các công trình hạ tầng trọng yếu khỏi các phi đạn-đạn đạo”. Hệ thống dự kiến được giao cho Đức vào cuối năm 2025.


Tổng Thống Macron Thông Báo Kế Hoạch Đưa Sản Xuất Dược Phẩm Thiết Yếu Trở Lại Pháp

-Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất thuốc tại tỉnh Ardèche, miền Nam Pháp, ngày 13/6/2023, Tổng thống Emmanuel Macronđã thông báo các mục tiêu và một kế hoạch tái sản xuất các loại dược phẩm thiết yếu ngay trong nước.

Tổng thống Emmanuel Macron đã đặt ra ba mục tiêu chủ yếu từ nay đến hết nhiệm kỳ của ông: “Tái công nghiệp hóa, lấy lại quyền tự chủ và từ bỏ dần việc dùng năng lượng hóa thạch”. Phát biểu tại Ardèche hôm 13/6, ông Macron chủ yếu đề cập đến kế hoạch đưa sản xuất thuốc trở lại nước Pháp sau khi nhận thấy tình trạng căng thẳng về cung ứng thuốc do bị lệ thuộc vào sản xuất ở ngoại quốc.

Tổng thống Pháp cho biết có khoảng năm chục loại thuốc mà nước Pháp phải nhập cảng từ nguồn ngoài Âu Châu cần phải được đưa trở lại bào chế trong nước. Trong đó bao gồm cả những loại dược phẩm được sản xuất ở ngoại quốc và những loại thuốc đã được bào chế ở trong nước nhưng đang trong tình trạng thiếu.

Để thực hiện kế hoạch, Tổng thống Pháp hứa hẹn chính phủ sẽ dành một ngân sách ban đầu 50 triệu Euro. Ông Macron nhân mạnh Pháp cần phải bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng thuốc hoặc bằng các tái dịch chuyển sản xuất, hoặc đa dạng hóa và tiếp tục cải tiến.

Sau nhà máy bào chế dược phẩm, Tổng thống Emmanuel Macron tới thăm nhà máy đóng giày thể thao Chamatex, nhằm khuyến khích thúc đẩy chương trình tái công nghiệp hóa.


Viva Tech Paris 2023: Khi Trí Tuệ Nhân Tạo Lên Ngôi!

-Hôm 14/6/2023, triển lãm kỹ thuật Viva Tech lần thứ 7 khai mạc tại Paris và sẽ kéo dài 4 ngày.

Đây là triển lãm kỹ thuật lớn nhất Âu Châu, với nhiều ứng dụng mới của trí tuệ nhân tạo được giới thiệu, cho thấy kỹ thuật này ngày càng đi sâu vào đời sống thường ngày của nhân loại. Từ Porte de Versailles, Paris, nơi diễn ra triển lãm, thông tín viên Thanh Phương của đài RFI tường trình:

“Với khoảng 2.200 nhà triển lãm từ 34 quốc gia, trong đó có khách mời danh dự năm nay là Nam Hàn, có thể nói Viva Tech là Liên hoan Cannes của ngành kỹ thuật số. Đặc biệt, với sự bùng nổ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, gọi là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative), như ChatGPT, kỹ thuật này năm nay áp đảo các kỹ thuật khác. Phần lớn trong số hơn 10.000 công ty khởi nghiệp (start-up) cử đại diện đến Viva Tech là những công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Một trong những tập đoàn đi hàng đầu trong lĩnh vực này là Google, chiếm một gian rất lớn tại Viva Tech năm nay. Đây là dịp để công cụ tìm kiếm nổi tiếng này quảng bá ứng dụng trí tuệ nhân tạo Google Bard (hiện vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm), cạnh tranh với ChatGPT. Tại Viva Tech, lần đầu tiên trên thế giới, công ty Enchanted Tools giới thiệu Miroka, một loại robot được trang bị trí tuệ nhân tạo để hành xử gần giống như người thật. Cũng lần đầu tiên có mặt ở Pháp, công ty Mỹ Hour One giới thiệu một ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative) có khả năng tạo ra các nội dung video với những con người ảo chỉ trong vòng vài phút và bằng mọi thứ tiếng.

Nhưng trí tuệ nhân tạo còn được sử dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, chẳng hạn như tập đoàn dược phẩm Sanofi (có mặt tại Viva Tech gần như ngay từ đầu) từ lâu đã sử dụng kỹ thuật này trong nghiên cứu, sản xuất, phân phối…. Thậm chí trong ngành bưu điện, trí tuệ nhân tạo cũng được sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân viên. Cụ thể, tại Viva Tech, tập đoàn La Poste giới thiệu một ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích tư thế của một nhân viên chuyển phát bưu kiện khi cúi xuống khiêng một kiện hàng, để nếu cần, giúp điều chỉnh tư thế của người này nhằm ngăn ngừa nguy cơ các bệnh cơ xương khớp.

Trong ngày đầu tiên của Viva Tech, Tổng thống Emmanuel Macron vào cuối buổi chiều sẽ đến cuộc triển lãm để thông báo những hỗ trợ mới cho các công ty Pháp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nhân dịp này nguyên thủ quốc gia Pháp cũng sẽ đưa ra những đề nghị về các quy định luật lệ cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Pháp, không chờ đến khi có các quy định luật lệ chung của Âu Châu, sẽ mất rất nhiều thời gian.

Năm nay, khách mời mà mọi người trông đợi nhất tại Viva Tech chính là Elon Musk, chủ nhân của Tesla, SpaceX và Twitter. Gần như chắc chắn một trong những chủ đề mà ông sẽ đề cập đến tại Viva Tech hôm 16/6 chính là trí tuệ nhân tạo”.


Hán Thành và Bắc Kinh Hối Hả Chạy Đua Tìm Lượm Mảnh Vỡ Hỏa Tiễn Bắc Hàn

-Hai tuần sau thất bại vụ phóng hỏa tiễn đưa vệ tinh dọ thám của Bình Nhưỡng lên quỹ đạo, Hải quân Nam Hàn và Trung Quốc đang hối hả chạy đua tìm kiếm và thu hồi các mảnh vỡ của hỏa tiễn Bắc Hàn bị rơi trên biển Hoa Đông.

Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Celio Fioretti của đài RFI tường thuật:

“Một cuộc chạy đua tranh giành mảnh vỡ diễn ra ở ngoài khơi, cách bờ biển Nam Hàn 200 cây số, gần như nằm giữa biển Hoa Đông ngăn cách Bắc Kinh và Hán Thành. Một chiến dịch thu lượm tế nhị, cả về mức độ nguy hiểm các linh kiện của hỏa tiễn cũng như khó khăn tìm thấy các mảnh vỡ đã chìm sâu dưới biển.

Thay vì được chi viện, Hải quân Nam Hàn lại phát giác một đối thủ cạnh tranh đang đến khu vực tìm kiếm trục vớt: Đó là Trung Quốc. Khó mà biết được động cơ của đối thủ này trong cuộc đua là gì, nhưng có hai giả thuyết được giới chuyên gia nêu lên. Hoặc Trung Quốc có thể vớt những mảnh vỡ này để trao lại cho Bắc Hàn.

Giả thuyết khác là Trung Quốc có thể cần thu lượm những mảnh vỡ này để tránh một cuộc điều tra gây rắc rối của quốc tế. Quả thật, vào năm 2014, qua nghiên cứu hỏa tiễn Ngân Hà-3 (Unha-3) của Bắc Hàn, Liên Hiệp Quốc đã phát giác ra nhiều linh kiện của hỏa tiễn có nguồn gốc từ Trung Quốc, Mỹ và thậm chí cả từ Nam Hàn.

Bất kể ra sao, cuộc đua tìm kiếm này diễn ra dữ dội ở biển Hoa Đông và bên đầu tiên thu lượm được các mảnh vỡ đó sẽ là bên chiến thắng”.


Trung Quốc Tập Trận Bắn Đạn Thật ở Biển Hoa Đông Phía Bắc Đài Loan!


-Ngày 13/6/2023, Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận quân sự ở Biển Hoa Đông phía Bắc Đài Loan, bao gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật từ chiến hạm giữa lúc Mỹ và các đồng minh tiến hành các cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận dọc theo bờ biển của mình, mặc dù những cuộc tập trận gần Đài Loan thường thu hút nhiều sự chú ý nhất.

Trung Quốc nói Đài Loan thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc đưa ra cảnh báo cấm đi lại từ sáng sớm đến giữa chiều ngày 13/6 đối với một khu vực ngoài khơi thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Chiết Giang để diễn tập bắn đạn thật từ chiến hạm.

Các cuộc tập trận khác xung quanh cùng một địa điểm kéo dài đến tối ngày 13/6.

Các cuộc tập trận này diễn ra gần quần đảo Dachen mà Đài Loan từng kiểm soát cho đến năm 1955, sau khi đảo này và nhiều đảo lân cận khác bị các lực lượng Trung Quốc chiếm giữ trong một trận chiến đẫm máu.

Đài Loan vẫn kiểm soát các đảo Mã Tổ và Kim Môn, ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.

Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc tập trận riêng biệt ở một khu vực phía Bắc khác của Biển Hoa Đông cho đến chiều muộn ngày 14/6.

Cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông trùng với cuộc tập trận Hải quân bốn bên ở Biển Phi Luật Tân bắt đầu từ hôm 9/6 với sự tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Gia Nã Ðại và Pháp gồm hai nhóm hàng không mẫu hạm do các hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ dẫn đầu, theo Ðệ thất Hạm đội của Mỹ.


Trung Quốc Chỉ Trích Mỹ Trong Cuộc Điện Đàm Trước Chuyến Đi Bắc Kinh Dự Kiến của Ông Blinken


(Hình: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (trái) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.)

-Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Hoa Kỳ hôm thứ Tư (14/6/2023), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương kêu gọi Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ và chớ làm tổn hại đến an ninh của nước này, một nhắc nhở căng thẳng cho chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến diễn ra trong những ngày tới.

Ông Tần nói với ông Blinken là hãy tôn trọng các mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan, trong nỗ lực ngăn chặn mối quan hệ đang suy giảm giữa hai siêu cường, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Blinken nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc liên lạc với nhau “để tránh tính toán sai lầm và xung đột”, và cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nêu ra các lĩnh vực quan ngại cũng như khả năng hợp tác với Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một bản tóm tắt ngắn gọn về cuộc gọi.

Nếu chuyến đi của ông Blinken diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Thịnh Ðốn sau 5 năm, và là chuyến thăm cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, vốn đã xung đột với Bắc Kinh về nhiều vấn đề, từ cáo buộc gián điệp đến tranh chấp chất bán dẫn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ thông tin về chuyến đi của ông Blinken, nhưng một viên chức Mỹ vào thứ Sáu (9/6) tuần trước cho biết ông Blinken sẽ ở Bắc Kinh vào ngày 18/6, nhưng không đưa ra chi tiết nào khác.

Ông Blinken đã hủy chuyến đi dự kiến tới Bắc Kinh vào tháng 2 vì một khinh khí cầu bị nghi ngờ là gián điệp của Trung Quốc bay qua Hoa Kỳ.

Những chuyến thăm của các viên chức Hoa Kỳ tới Đài Loan, hòn đảo được cai trị một cách dân chủ mà Bắc Kinh coi là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, cũng đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Kể từ đầu năm, quan hệ Trung-Mỹ đã gặp phải những khó khăn và thách thức mới, và trách nhiệm thì đã rõ”, ông Tần nói với ông Blinken, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Tần nói thêm rằng Hoa Kỳ nên “ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ngừng làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc dưới danh nghĩa cạnh tranh”.


Cố Vấn An Ninh Mỹ-Nhật Bản-Phi Luật Tân Lần Đầu Tiên Họp Ba Bên

-Ngày 13/6/2023, Tòa Bạch Ốc ra thông cáo cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden cử Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đến Tokyo gặp các đồng cấp Nhật, Nam Hàn và Phi Luật Tân trong tuần này. Thông cáo của Tòa Bạch Ốc còn cho biết thêm ông Sullivan sẽ dự cuộc họp “các Cố vấn An ninh ba bên Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân đầu tiên”.

Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc cung cấp rất ít chi tiết về chuyến đi Tokyo hai ngày của ông Sullivan bắt đầu từ thứ Năm (15/6), và chỉ cho biết rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc cùng các đồng cấp “sẽ thảo luận cách thức thắt chặt quan hệ hợp tác trong nhiều vấn đề chủ chốt của khu vực và toàn cầu”.

Chuyến thăm Tokyo của Jake Sullivan diễn ra không lâu sau cuộc thao dợt tuần duyên giữa Mỹ, Nhật Bản và Phi Luật Tân gần vùng Biển Đông có tranh chấp, được tổ chức vào đầu tháng Sáu này. Theo hãng tin Mỹ AP, Hoa Thịnh Ðốn đang gia tăng nỗ lực củng cố các liên minh tại Á Châu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Bắc Kinh.

Quan hệ Mỹ-Trung đã xuống cấp nghiêm trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống Biden. Đôi bên căng thẳng trong nhiều vấn đề từ tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, hồ sơ Đài Loan, hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ và tại Cuba.

Theo hãng thông tấn AP, hiện Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đang có mặt tại Ấn Độ, gặp người đồng cấp Ajit Doval, để chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi đến Hoa Thịnh Ðốn vào ngày 22/6. Trong cuộc gặp ngày hôm qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ-Ấn đã thảo luận về khả năng hợp tác giữa đôi bên trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và quốc phòng, theo như thông báo từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ.


Vụ Vỡ Đập Kakhovka: Thành Phố Công Nghiệp Nikopol Thiếu Nước Sinh Hoạt Trầm Trọng!

-Thiệt hại nhân mạng do vụ vỡ đập Kakhovka ở miền Nam Ukraine hôm 6/6/2023 vẫn không ngừng tăng. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, ông Igor Klymenko ngày 12/6 thông báo số chết nay đã lên đến 10 người và hiện giờ vẫn còn 41 người ở vùng Kherson mất tích. Không chỉ gây thiệt hại nhân mạng, vụ vỡ đập Kakhovka còn là một thảm họa môi trường.

Ở khu vực thượng nguồn của đập Kakhovka, mực nước trong hồ chứa Dniepr tiếp tục giảm. Tại thành phố công nghiệp Nikopol bên bờ sông Dniepr, người dân hiện thiếu nước sinh hoạt. Từ Nikopol, đặc phái viên Stéphane Siohan của Đài RFI gửi về bài phóng sự:

Sau vụ nổ đập trên sông Dniepr cách nay 1 tuần, mực nước trong hồ chứa ở thượng nguồn tiếp tục giảm xuống. Đến ngày thứ Bảy (10/6), các vòi nước ở thành phố Nikopol cũng ngừng chảy. Kể từ hôm đó, ông Oleg, 57 tuổi, chủ một doanh nghiệp trong ngành xây dựng, hàng ngày mang thùng đi lấy nước tại 1 trong 24 điểm phân phối nước sạch trong thành phố.

Ông kể lại: “Mấy ngày qua không có nước và chúng tôi phải đứng xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để được tiếp tế nước. Và khi không còn nước nữa thì chúng tôi lại phải chờ xe bồn chở nước đến. Nhưng thôi, không sao, chúng tôi đã không có điện mà vẫn tồn tại được, vì vậy chúng tôi cũng sẽ sống sót. Chúng tôi là như thế, đã quen với mọi thứ và vẫn sống sót được. Đối với chúng tôi, hoàn toàn không có vấn đề gì”.

Chính quyền hứa sẽ sửa chữa mạng lưới, nhưng thị trưởng Nikopol, Oleksandr Sayuk, lo lắng về những hậu quả lâu dài. Ông nói: “Tình hình hồ chứa nước phụ thuộc vào việc mực nước hạ xuống đến đâu. Tất cả các địa phương nằm bên bờ hồ chứa nước Kakhovka đều được cấp nước, vì thế nếu không còn hồ chứa nước này thì cũng sẽ không còn nước sinh hoạt”.

Tác động có thể sẽ rất tai hại đối với hoạt động của các ngành công nghiệp và việc tưới tiêu cho đất canh tác. Nhưng còn một nguy cơ khác đối với thành phố Nikopol, đó là nhà máy điện nguyên tử Enerhodar, nằm ngay phía bên kia sông, bởi việc làm mát các lò nguyên tử phụ thuộc vào nước trong hồ chứa. Thị trưởng Oleksandr Sayuk nói tiếp: “Tôi nghĩ không chỉ có chúng tôi lo lắng, mà ai cũng thấy sợ, và không phải là chỉ ở Ukraine. Nhưng rất tiếc là tình hình không còn phụ thuộc vào chúng tôi nữa, bởi vì Ukraine không tiếp cận được nhà máy điện nguyên tử”.

Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA) đã cử một phái đoàn thanh tra đến địa điểm đặt nhà máy điện, nhưng nhiều người ở Nikopol đang lo không biết Nga có thể còn làm những gì nữa”.

Theo thông tấn xã AFP, Tổng Giám đốc Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA), Rafael Grossi, hôm 13/6 sau khi thăm Kyiv sẽ đến nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, hiện đang có nguy cơ thiếu nước để làm mát lò nguyên tử, do tác động từ vụ vỡ đập Kakhovka trên sông Dniepr khiến mực nước trong hồ chứa nước Kakhovka giảm mạnh. Ngay cả khi 6 lò phản ứng nguyên tử của nhà máy Zaporijjia đã ngừng hoạt động trong suốt nhiều tháng qua, tâm lò vẫn phải được làm mát liên tục bằng nước lấy từ hồ chứa nước Kakhovka để tránh tai nạn.


Quân Ukraine Giành Thêm Được Vài Ngôi Làng ở Miền Đông-Nam!

-Hôm 12/6/2023, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo đã giành thêm được “ba ngôi làng ở miền Đông-Nam” tiếp theo các chiến thắng ở miền Đông. Tổng cộng quân đội Ukraine đã chiếm được 7 làng kể từ đầu cuộc phản công. Bốn ngôi làng chiếm được trước đó thuộc tỉnh miền Đông Donetsk.

Theo hãng tin Anh Reuters, trên mạng Telegram, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, bà Hanna Maliar hôm 12/6, cho biết 3 làng mà họ mới chiếm lại nằm dọc chiến tuyến dài khoảng 100 cây số, phía Nam thành phố Zaporijjia, thủ phủ của tỉnh Zaporijjia. Trong phát biểu hàng ngày vào tối 12/6, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky khẳng định chiến dịch phản công đẩy lùi quân Nga là “khó khăn”, nhưng “đang tiến triển”.

Phóng sự của Julien Chavanne và Jad El Khoury của Đài RFI từ thủ đô Kyiv của Ukraine:

Một người đàn ông tên Sacha nói: “Binh sĩ của chúng tôi đã sẵn sàng 100%”. Sacha tin tưởng hoàn toàn là chiến dịch được bắt đầu từ mấy ngày nay để đẩy lùi quân Nga sẽ đạt kết quả. Người đàn ông về hưu này không thể hình dung một viễn cảnh nào khác hơn là chiến thắng. Ông nói: “Tôi tin tưởng 100%. Tôi đã nghe Tổng thống Zelensky khẳng định là chiến dịch đã bắt đầu, và không có đường lui”.

Trong khi đó, Yulia, phóng viên của một tờ báo mạng, cảnh báo về tâm lý tin tưởng quá mức. Nữ phóng viên này tỏ ra thận trọng: “Không nên ăn mừng chiến thắng quá sớm. Tất cả mọi người đều biết chiến dịch phản công sẽ diễn ra. Giờ đây chúng tôi chỉ biết chờ quân đội chính thức thông báo các chiến công. Như chúng ta đã thấy, khi Kherson được giải phóng, ai cũng đều trào nước mắt. Nhưng phải đợi thông báo chính thức của quân đội”.

Đối đầu với cuộc phản công, quân đội Nga lần này đã có thời gian chuẩn bị và đây là điều khiến Arthur - một quân nhân tình nguyện thuộc binh đoàn quốc tế bảo vệ Ukraine - lo ngại. Súng lục đeo trên thắt lưng, trong bộ quân phục ngụy trang, Arthur cho biết: “Tại vùng Donestk, quân Nga đã chiếm được nhiều vị trí chiến lược và về phía Zaporijjia, họ đã có thời gian để củng cố chiến tuyến, đào giao thông hào. Họ đã có thời gian chuẩn bị, họ đã sử dụng tốt khoảng thời gian này. Họ cũng đã có một chiến lược tốt, nhưng tôi không nghĩ rằng điều này sẽ giúp họ”.

Quân đội Ukraine đang tiến hành nhiều cuộc đột kích, đặc biệt là nhằm xác định được các điểm yếu của phía Nga. Về phần mình, Nga khẳng định đã “đẩy lùi” nhiều đợt tấn công của các lực lượng Ukraine”.

Trong khi đó, quân Nga đã oanh kích vào một khu chung cư ở Kryvyï Rig, tỉnh Dnipropetrovsk, miền Trung Ukraine. Ít nhất 6 người chết, 25 người bị thương, và 7 người khác “có thể đang bị vùi trong các đống đổ nát”, theo thông báo của chính quyền địa phương hôm 13/6. Kryvyï Rig, với khoảng 600 ngàn dân trước chiến tranh, là thành phố quê hương của Tổng thống Ukraine Zelensky.


Pháp, Đức và Ba Lan Họp Bàn Phối Hợp Tăng Cường Hỗ Trợ Kyiv

-Lãnh đạo 3 nước Pháp, Đức và Ba Lan đã có cuộc họp hôm 12/6/2023, tại điện Elysée, bàn về việc “thúc đẩy sự phối hợp của Âu Châu” nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn Ukraine trong cuộc phản công và bàn về “các bảo đảm an ninh lâu dài” cho Ukraine.

Theo thông tấn xã Reuters, trong cuộc họp báo chung với hai lãnh đạo Đức và Ba Lan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Paris “làm tất cả” để có thể trợ giúp Kyiv trong cuộc phản công “dự kiến kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng này”. Về phần mình Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Ukraine “sẽ được hậu thuẫn cho đến khi nào vẫn còn cần” về xe tăng, đại pháo, cũng như về hệ thống phòng không.

Riêng Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda, đòi hỏi các nước Âu Châu “gửi một thông điệp rõ ràng” về triển vọng của Ukraine gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thượng đỉnh ngày 11 và 12/6, ở Vilnius (thủ đô của Lithuania).

Theo báo chí Pháp, cuộc họp theo công thức “Tam giác Weimar” – tức cơ chế hợp tác phi chính thức Pháp, Đức, Ba Lan - có mục tiêu chủ yếu là tìm cách thu hẹp các bất đồng, hiện đang còn rất lớn, giữa các nước Âu Châu trong vấn đề “bảo đảm an ninh lâu dài” cho Ukraine. Trong khi chờ đợi NATO kết nạp Ukraine, Tổng thống Pháp hôm 31/5, trong một hội nghị tại Bratislava, Slovakia, đã đề xuất các bảo đảm an ninh “lâu dài” cho Kyiv nhằm răn đe mọi mưu toan xâm lược mới của Nga.


Silvio Berlusconi: Chính Trị Gia Bảo Thủ Giàu Nhất Nước Ý Ðại Lợi Qua Đời

-Sự ra đi của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi hôm 12/6/2023 bao trùm khắp các mặt báo.

Theo báo Le Figaro, người được mệnh danh là “Il Cavalière” (Hiệp sĩ của Ý Ðại Lợi) đã ra đi ở tuổi 86, tại một bệnh viện ở Milan khi phải đương đầu với căn bệnh máu trắng. Xã luận báo La Croix cho rằng sự kiện này đã lật qua một trang đen tối đối với cánh hữu ở nước Ý Ðại Lợi. Berlusconi, một doanh nhân đào hoa, đứng đầu nhiều doanh nghiệp trên bán đảo, bảo thủ, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong hệ thống phân cấp Công giáo. Cuộc đời đeo nhiều mặt nạ của Berlusconi đã làm mờ những ranh giới giữa các hoạt động của ông, dù đó là trong lĩnh vực, tài chánh, truyền thông, thể thao, hay chính trị. Cựu Thủ tướng Ý Ðại Lợi cũng đã vướng phải vô số vụ kiện về tham nhũng hay trốn thuế.

Báo Libération cũng dành hồ sơ lớn để nói về vị chính trị gia giàu nhất nước Ý Ðại Lợi. Khi bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, vào đầu những năm 1990, ông Berlusconi đã tự giới thiệu như là một người có khả năng chống lại chủ nghĩa Cộng sản và có thể hiện đại hóa nước Ý Ðại Lợi. Berlusconi cũng là người lập ra đảng bảo thủ Fonza Italia, đưa chủ nghĩa cá nhân vào trong chính trị, qua một đảng theo chủ nghĩa dân túy. Với tư cách là một doanh nhân trong ngành truyền thông, Berluscni đã biến phương tiện truyền thông của ông trở thành kênh chính trị chính yếu.

Báo Le Figaro ví Berlusconi như một con “sư tử già” của cánh hữu Ý Ðại Lợi. Nhật báo thiên hữu lược lại cuộc đời của ông: Xuất thân từ một gia đình khá giả, xây dựng cơ đồ, rồi dấn thân vào chính trị. Những thành tựu mà Berlusconi đạt được sau 9 năm lãnh đạo nước Ý Ðại Lợi vẫn gây tranh cãi. Cuộc cách mạng tự do chưa được hoàn thành, Berlusconi cũng không đưa ra được cải cách lớn nào đối với đất nước.

Vào những năm cuối đời, Berlusconi cố quay trở lại chính trường, thậm chí tham gia tranh cử Tổng thống, nhưng rồi lại rút hồ sơ. Ông được bầu làm Chủ tịch Thượng viện vào năm 2022, nhưng lập trường thân Nga, thân Putin của ông đã khiến cánh hữu Ý Ðại Lợi khó xử. Berlusconi cũng không có sự chuẩn bị tốt đối với người kế nhiệm vị trí lãnh đạo trong đảng Fonza Italia mà ông sáng lập, khiến cho chỗ đứng của đảng bị lung lay trên chính trường Ý Ðại Lợi, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ trước sự ra đi của ông. Báo Le Figaro kết luận rằng, ít nhất, vị tỉ phú với khối tài sản lên đến 7 tỉ Mỹ kim, cũng đã chuẩn bị di chúc, chia tài sản cho 5 người con của ông, hiện vẫn ẩn danh.

Về thời sự nước Pháp, nếu như báo Libération nêu ra thất bại của liên minh cánh tả Nupes trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ lần thứ 17 ngày 12/6,với kết quả là chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne vẫn đứng vững, thì báo La Croix đề cập đến ý tưởng làm việc 4 ngày một tuần, băn khoăn”liệu đây có phải là một tiến bộ về kinh tế hay rủi ro về xã hội?”. Cách đây đúng 25 năm, ngày 13/6/1998, nước Pháp đã thông qua luật Aubry, giảm giờ lao động từ 39 tiếng đồng hồ xuống còn 35 tiếng đồng hồ một tuần. Hơn 2 thập kỷ sau, ý tưởng giảm số ngày làm việc tiếp tục được nhen nhóm, thu hút sự quan tâm của nhiều lao động, nhất là sau đại dịch Covid-19. Đây được xem là một giải pháp để cho giới lao động có thể cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc tốt hơn, nhưng giới chủ và các nhà kinh tế học thì vẫn quan ngại.

Nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất cho vấn đề về đãi ngộ giới công chức tại Pháp với thông báo tăng lương cho hơn 5, 7 triệu người, tùy theo cấp bậc. Chính phủ đã chi 7 tỉ Euro cho việc này, nhưng giới công đoàn cho là chi như thế vẫn chưa đủ trong lúc lạm phát tăng cao.

Nhiều báo cũng quan tâm đến chiến lược của Macron về việc chuyển dịch, tái công nghiệp hóa, tái sản xuất nhiều sản phẩm trên lãnh thổ Pháp, nhất là trong ngành dược phẩm. Hôm 13/6, ông Macron đến vùng Ardèche, thăm nhà máy sản xuất các thiết bị y tế và dược phẩm, mà 60 đến 80% dây chuyền sản xuất được thực hiện ở ngoại quốc, chủ yếu là ở Trung Quốc. Trước tình trạng khan hiếm thuốc, theo báo Les Echos, Tổng thống Pháp sẽ thông báo danh sách 300 loại thuốc thiết yếu cho sức khỏe của người Pháp và xem xét đến chiến lược di dời các cơ sở sản xuất đó trở lại Pháp.

Theo báo Le Figaro, chiến lược này đã được Tổng thống Emmanuel Macron nêu ra trong chiến dịch tranh cử từ năm 2017. Cuộc khủng hoảng Covid-19 và sau đó là chiến tranh Ukraine, đã cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Âu Châu dường như phụ thuộc quá mức vào các nhà sản xuất bên ngoài lãnh thổ 27 nước.

Báo Le Monde thì dành hồ sơ lớn nói về cách mà nước Pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi sắp bước vào mùa Hè, trước tình trạng nắng nóng kéo dài, các cảnh báo, nhắc nhở về nguy cơ cháy rừng được đưa ra tại nhiều vùng của Pháp. Chính vì vậy, báo Le Monde lựa chọn khai thác chủ đề rừng và các hệ sinh thái ở trong đó, cũng như các giống cây khác nhau. Có những loại cây bị đe dọa trước hiện tượng biến đổi khí hậu như cây sồi rừng, nhưng cũng có những loại cây có thể thích ứng với việc Trái đất bị hâm nóng như loài cây thuộc Họ Cử (Chêne Zène), có thể sinh trưởng tốt mà không cần nhiều nước.


Tổng Thống Mahmoud Abbas của Palestine Thăm Trung Quốc

-Hôm 13/6/2023, Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong 3 ngày. Ông là lãnh đạo Ả Rập đầu tiên được Bắc Kinh đón tiếp trong năm 2023.

Sau thành công việc hòa giải hai đối thủ Ả Rập Saudi và Iran, Trung Quốc đã đề ra một mục tiêu mới cho vùng Trung Đông: Làm trung gian hòa giải cho xung đột Do Thái-Palestine, và tái lập tiến trình hòa bình bị đình trệ từ một thập niên qua. Thông tín viên Sami Boukhelifa của Đài RFI từ thủ đô của Jerusalem của Do Thái nhận định:

“Những cuộc đàm phán bí mật, dưới sự chủ trì của Bắc Kinh, hồi cuối tháng Tư vừa qua, đã bất ngờ cho phép hai kẻ thủ của khu vực là Ả Rập Saudi và Iran hòa giải với nhau. Do đó, các phương pháp tương tự lại bắt đầu được áp dụng. Chuyên gia người Do Thái, Marco Van der Putten Landau, giải thích: “Ngoại giao hậu trường là một dấu ấn riêng của Trung Quốc”.

Vị chuyên gia rất am tường về Trung Quốc nhắc lại: “Bắc Kinh ủng hộ sự nghiệp của người Palestine. Tương tự như phần còn lại của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc ủng hộ giải pháp hai Nhà nước”.

Trong hồ sơ Iran-Ả Rập Saudi, Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, có nhiều đòn bẫy thông qua các khoản đầu tư. Ngược lại, trong cuộc xung đột Do Thái-Palestine, Bắc Kinh thật sự không có nhiều khả năng hành động để đóng vai người hòa giải với Palestine và với Thủ tướng Do Thái cứng rắn Benyamin Netanyahu.

Bởi vì, trợ giúp của Trung Quốc dành cho người Palestine rất khiêm tốn. Vị chuyên gia khẳng định, và “tại Do Thái, Trung Quốc chỉ kiểm soát hai cầu cảng, nhưng chẳng có gì là chiến lược cả. Tất cả những kỹ thuật lưỡng dụng dân sự và quân sự, đều do Mỹ nắm giữ. Hoa Thịnh Ðốn phản đối mạnh mẽ sự hiện diện của Trung Quốc tại Do Thái”.

Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm rằng “đối với Trung Quốc, điều đó chẳng sao cả, họ có truyền thống kiên nhẫn. Và thông qua sáng kiến phát triển toàn cầu, đưa ra vào năm 2021, (nhằm phản đối thế bá quyền của phương Tây), Trung Quốc có thể khai thác những con đường mới hướng sang Cận Đông”, theo như kết luận của ông Marco Van der Putten Landau”.


Mỹ Trở Lại UNESCO Để Chống Đà Gia Tăng Ảnh Hưởng của Trung Quốc

-Sau hơn 4 năm vắng bóng tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), nước Mỹ đã quyết định quay trở lại tổ chức này kể từ tháng 7/2023, với “một kế hoạch tài chánh cụ thể”. Tổng Giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay, hôm 12/6/2023, đã tổ chức họp và thông báo chính thức cho đại diện 193 nước thành viên về quyết định của Hoa Thịnh Ðốn.

Đây được xem là biện pháp của chính quyền Biden nhằm đối phó với đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trên đài RFI, bà Annick Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, Đại học Sorbonne Nouvelle của Pháp, nhấn mạnh:

“Hoa Kỳ đang dùng quyền lực mềm về giáo dục và thông tin để đáp trả quyền lực mềm của Trung Quốc về kỹ thuật và thương mại trải rộng từ Liên Hiệp Phi Châu (AU) đến Liên Đoàn Ả Rập. Hiện nay, Ả Rập Saudi và các thành viên khác của Liên Đoàn Ả Rập không chỉ mở cửa về ngoại giao và thương mại với Trung Quốc mà còn chơi trò tăng giá dầu có lợi cho nước Nga và rất bất lợi cho phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.

Theo tôi, lý do lưỡng đảng Mỹ ủng hộ quyết định này chính là, đối với Hoa Kỳ, cuộc đọ sức này đòi hỏi việc trở lại UNESCO, đòi hỏi Mỹ phải đáp trả từng bước, từng bước, với mọi lợi thế tương ứng của họ và ở cấp độ giáo dục. Chúng ta đều biết là các trường Đại học Mỹ thu hút cả thế giới như thế nào. Giới trẻ toàn cầu, trong đó có giới trẻ Trung Quốc, là những thực thể cấu thành các xã hội dân sự, là những công dân của thế giới mang tính quốc tế ngày nay. Và UNESCO chính là lò luyện và là tấm gương phản chiếu sức mạnh của quyền lực mềm của Mỹ ở quy mô đa phương”.

Vào năm 2017, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã rút khỏi UNESCO với lý do tổ chức này thiên vị, chống Do Thái. Quyết định của Mỹ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2018. Do Thái khi đó cũng tuyên bố rút khỏi UNESCO.


Thái Lan: Ủy Ban Bầu Cử Mở Điều Tra Lãnh Đạo Đảng Thắng Cử

-Hôm 12/6/2023, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Ittiporn Boonprakong thông báo mở cuộc điều tra nhắm vào Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward, một chính đảng ủng hộ dân chủ. Lý do được nêu ra là có những nghi ngờ bất thường trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2023, mà đảng này đã giành được thắng lợi lớn.

Theo thông tấn xã AFP, định chế này phải xác định xem vị lãnh đạo trẻ 42 tuổi này có quyền ra ứng cử hay không vì ông nắm giữ một số cổ phiếu của một hãng truyền thông. Với thắng lợi bầu cử hồi tháng 5/2023, Pita Limjaroenrat, được cho là có nhiều khả năng trở thành Thủ tướng vào mùa Hè này. Từ thủ đô Vọng Các của Thái Lan, thông tín viên Carole Isoux của Đài RFI tường trình:

“Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, lãnh đạo đảng Tiến Bước, người đề nghị tiến hành những cải cách sâu rộng xã hội Thái Lan, bị cáo buộc là đã ra ứng cử dù vẫn biết rằng ông không đủ tư cách vì có cổ phần trong một hãng truyền thông, không còn hoạt động từ năm 2014.

Đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều các cáo buộc và thủ tục tố tụng mà Pita Limjaroenrat, người đang nhắm đến chức Thủ tướng, phải đối mặt. Đảng của ông đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội nhưng chương trình hành động của ông lại đe dọa trực tiếp đến quyền lực truyền thống ở Thái Lan, và đặc biệt là quyền lực của quân đội.

Trong hậu trường, ván cờ liên minh chính trị đang diễn ra sôi nổi. Nhiều người kêu gọi Pita từ bỏ tham vọng ra làm Thủ tướng và hỗ trợ các đảng khác để thoát khỏi bế tắc chính trị. Bằng không, đảng của ông có thể bị cơ quan Tư pháp cho giải thể, có nguy cơ gây ra tình trạng bất ổn mới cho đất nước”.

Không có nhận xét nào: